Năm 2007, tôi ra trường và viết những bài báo thể thao đầu tiên. Một trong những nhân vật gợi cảm hứng cho tôi viết nhiều nhất là Zlatan Ibrahimovic, ngày ấy đang tung hoành tại nước Ý trong màu áo Inter Milan. Từ Ajax đến Juventus và Inter, Zlatan đi đến đâu thì chức vô địch quốc gia theo anh đến đấy.
Mười ba năm trôi qua, khi ngồi viết lời tựa cho quyển tự truyện của Zlatan vừa được TH Books in lại, tôi giật mình nhận ra: Zlatan vẫn đang ở nước Ý, vẫn là thành phố Milan, và vẫn đang viết tiếp những chương mới trong bản anh hùng ca vô tiền khoáng hậu mang tên mình.
Như một thứ rượu hảo hạng, để càng lâu lại càng ngon, Zlatan vẫn đang chơi tốt ở tuổi 39. Không phải kiểu “tròn vai” như những lão tướng chờ ngày giải nghệ, mà là trụ cột ở một đội bóng lớn. Có anh, AC Milan nhìn thấy ngôi đầu bảng và triển vọng vô địch lần đầu tiên sau nhiều năm ủ dột. Có anh, một Serie A nhàm chán bởi sự thống trị của Juventus bỗng dưng hấp dẫn trở lại.
Nước Ý, ngày anh tới đây lần đầu vào năm 2004 để khoác áo Juventus, Gianluigi Donnarumma hãy còn là một cậu nhóc 5 tuổi. Bây giờ, Donnarumma đã là đội phó của AC Milan, từ khung thành bên mình chứng kiến Zlatan gieo rắc kinh hoàng cho khung thành bên kia.
Mười ba năm trôi qua, Zlatan từ nước Ý đã sang Tây Ban Nha, về lại Ý, sang Pháp, vượt eo biển Manche sang Anh, vượt Đại Tây Dương sang Mỹ rồi trở về lục địa già. Và vẫn như cái thuở tráng niên, anh đi tới đâu, chức vô địch theo anh tới đó. Ngoại trừ Barcelona thì ở tất cả đội bóng mà mình thi đấu, Zlatan luôn là cầu thủ quan trọng nhất. Dù theo đuổi phong cách chiến thuật nào, các HLV của Zlatan đều phải xây dựng đội bóng xung quanh Zlatan, và anh không bao giờ làm ai phải thất vọng.
Nhưng điều làm cho Zlatan trở nên độc nhất vô nhị lại không phải là tài năng, mà là cá tính của anh. Thứ cá tính được trui rèn từ những khu ổ chuột, từ quá khứ tăm tối của một cậu nhóc đi trộm xe đạp, từ một kẻ thiếu thốn tình thương của mẹ, phải sống chung với một người cha nghiện rượu - một nạn nhân của chiến tranh.
Có một cái gì đó giống Mike Tyson, Zlatan lớn lên cùng sự ngổ ngáo, vì biết nếu không gồng lên mà sống, ta có thể bị thế giới khắc nghiệt ngoài kia nuốt chửng. Zlatan có một sự tự tin không gì lay chuyển được. Khi Thụy Điển bị loại khỏi vòng play-off của World Cup 2014, Zlatan nói: “World Cup không có tôi thì còn gì đáng xem, nên thôi đừng chờ World Cup làm gì”.
Khi dự một sự kiện quảng bá cho trò chơi điện tử, anh nói: “Tôi không nghĩ trong game có cầu thủ nào ghi được những bàn phi thường như Zlatan ngoài đời, dù những trò chơi dạo này đã gần với thực tế lắm rồi”.
Những ngày đầu tiên ở Paris S.G, anh nói: “Rõ ràng tôi không biết nhiều về những đồng đội của mình, nhưng không sao, vì họ chắc chắn biết tôi là ai”. Những ngày cuối cùng ở đó, anh nói: “Tôi đã đến như một vị Vua, và ra đi như một huyền thoại”. Anh bảo chỉ có một cách duy nhất giữ chân anh ở lại Paris: thay tháp Eiffel bằng tượng Zlatan!
Về người theo kèm mình là trung vệ Steven Henchoz của Liverpool, anh nói: “Tôi ngoặt phải, anh ấy ngoặt theo. Tôi ngoặt trái anh ấy ngoặt theo. Nhưng khi tôi ngoặt trái lần nữa thì anh ta chạy đi mua hot dog”.
Về biệt danh “Mãnh hổ” của Radamel Falcao, anh nói: “Ai cần biệt danh làm gì cơ chứ? Người ta chỉ cần xem tôi thi đấu là phát rét rồi”.
Về món quà sẽ tặng vợ nhân ngày Valentine, anh nói: “Quà cáp gì? Cô ấy đã có Zlatan còn gì”.
Phát ngôn của Zlatan cũng giải trí như cách anh chơi bóng trên sân. Là một người có thân hình hộ pháp (cao 1,95 mét), nhưng Zlatan lại có những pha xử lý cực kỳ mềm mại, vì thần tượng của anh là Ronaldo “người ngoài hành tinh”. Thuở còn trẻ, Zlatan có những pha đi bóng cực kỳ ngoạn mục. Việc anh lừa qua bốn, năm cầu thủ đối phương là chuyện cơm bữa. Cho đến khi gặp Fabio Capello tại Juve, anh mới tiết chế lại những pha xử lý rườm rà để tập trung vào việc săn bàn. Và từ đó, tỷ lệ dứt điểm thành bàn của Zlatan đại tiến. Cũng từ đó, Zlatan là chuyên gia ghi những bàn thắng đẹp. Gia tài siêu phẩm của Zlatan sẽ khiến cho bất kỳ tiền đạo nào trong lịch sử phải ganh tỵ.
Tài năng và ngạo nghễ là thế, tự do phóng khoáng là thế, Zlatan lại vô cùng chung thủy với người vợ Helena. Họ gặp nhau lần đầu năm 2002, công khai năm 2004 và không rời nhau từ đó. Có với nhau hai mặt con, Zlatan yêu kính vợ tuyệt đối, một người vợ hơn anh 11 tuổi. Dù (hay vì?) có một người cha nghiện rượu, Zlatan không động đến chất có cồn. Gã đàn ông ngông cuồng trong công việc rốt cục lại là một người cực kỳ chuẩn mực trong cuộc sống đời thường.
Có một chi tiết mà tôi rất thích khi dịch cuốn tự truyện của Zlatan. Đó là chi tiết anh muốn mua lại một căn nhà màu hồng ở Limhamnsvagen, Malmo. Khi còn nhỏ, Zlatan đã nhìn căn nhà hoành tráng ấy và mơ ước một ngày được sống trong đó. Đấy là một ước mơ khó như hái sao trên trời, vì Zlatan xuất thân ổ chuột, còn ngôi nhà lại nằm trong khu vực sang trọng bậc nhất của Thụy Điển.
Hai mươi năm sau, Zlatan đã là một cầu thủ xuất chúng, là một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất Thụy Điển. Khi Helena chuẩn bị sinh đứa con thứ hai, anh quyết định mua lại căn nhà màu hồng ấy. Và dù người chủ nhà giàu có tuyệt đối không muốn bán, anh vẫn nói với vợ chồng chủ nhà: “Chúng tôi đến đây vì các bạn đang sống trong nhà của tôi. Tôi nghiêm túc đấy. Tôi sẽ mua căn nhà này. Tôi sẽ đảm bảo là anh cảm thấy hài lòng, nhưng chúng tôi phải sở hữu căn nhà này".
Rồi người chủ nhà cũng xiêu lòng mà bán cho Zlatan. Đàm phá mua nhà đã khó, sửa nhà còn khó hơn vì Zlatan muốn một ngôi nhà theo ý mình. Nhưng quy hoạch thành phố không cho phép xây tường bao cao hơn. Vậy là anh phá tung căn nhà để thiết kế cho ngôi nhà… thấp xuống. Và trong ngôi nhà ấy chỉ treo một bức ảnh duy nhất, ngay trước cửa vào nhà.
Bức ảnh chụp đôi chân đầy sẹo của Zlatan.
Để mỗi khi có ai hỏi vì sao lại treo ảnh đôi chân kinh tởm ấy, Zlatan sẽ tự hào mà nói: “Chính đôi chân ấy đã trả tiền mua căn nhà này”.
Đôi chân ấy từng đạp gấp gáp trên một chiếc xe đạp ăn cắp, từng cùng bố khiêng một chiếc nệm về nhà, từng chạy xuyên qua đường hầm tăm tối đáng sợ ở Rosengård, rồi đôi chân ấy đến Malmo, Amsterdam, Milan, Barcelona, Paris, Manchester, Los Angeles… Ở đâu đôi chân ấy cũng tạo nên những kiệt tác. Đôi chân ấy giờ vẫn đang chạy tốt (và sút tốt) ở tuổi 39.
Mời các bạn cùng đọc lại hành trình phi thường của đôi chân ấy.
TRẦN MINH