“Tôi giả tạo, tẻ nhạt, chán ngấy. Tôi lái chiếc Audi do CLB cấp và đứng đấy gật đầu như ngày còn đi học. Tôi chả còn đùa cợt, la hét với đồng đội như trước”.
Pep Guardiola, HLV trưởng Barcelona, trong bộ vest xám và gương mặt nghiêm trọng cố hữu, e dè tiến đến trước mặt tôi.
Khi ấy tôi nghĩ Pep cũng ổn, tất nhiên không thể là một Mourinho hay một Capello, nhưng cũng ngon lành. Đấy là trước lúc chiến tranh bùng nổ.
Mùa thu năm 2009, tôi đang sống trong giấc mơ thời thơ ấu. Tôi chơi cho đội bóng số 1 thế giới và được chào đón bởi 70.000 CĐV tại Camp Nou. Tôi đang đi trên mây. À, không hẳn, vì còn chút vớ vẩn trên mặt báo. Truyền thông Catalunya nói tôi là tên khó bảo, một gã bất trị, đại loại thế. Nhưng... mặc kệ thôi. Tôi đang ở đây rồi, Helena và bọn trẻ cũng hào hứng. Chúng tôi có một ngôi nhà xinh xắn ở Esplugues de Llobregat và tôi thì tràn đầy năng lượng. Còn gì đáng để chờ đợi hơn nữa chứ?
“Này”, Guardiola xóa tan dòng suy nghĩ của tôi, “Ở đây chúng tôi giữ chân mình trên mặt đất”.
“Vâng”, tôi nói. “Ổn thôi”.
“Thế nên chúng tôi không lái Ferrari và Porsche đến sân tập”.
Tôi gật đầu, cố gắng kiềm chế để không lỗ mãng hỏi: “Xe cộ thì liên quan gì ở đây?” Nhưng tôi thầm nghĩ: “Gã này muốn gì? Hắn muốn truyền thông điệp gì?”
Tin tôi đi, tôi đâu cần phải ra vẻ thêm làm gì. Gã nghĩ là tôi sẽ làm mặt ngầu, phóng chiếc xe bóng loáng vào sân tập rồi đậu bên lề đường ư? Không bao giờ có chuyện ấy. Nhưng tôi yêu xe của mình, ai cũng biết điều đó. Chúng là niềm đam mê của tôi. Có điều, thông điệp của hắn không liên quan đến xe cộ. Ý hắn phải chăng là: “Đừng có nghĩ mày đặc biệt”?
Khi ấy, tôi đã nhận ra Barça giống như một ngôi trường vậy. Mọi cầu thủ đều dễ thương và tôi không gặp vấn đề gì với họ. Đã vậy, tôi còn có Maxwell, cạ cứng từ thời còn ở Ajax và Inter. Họ nổi tiếng là thế, nhưng thật kì lạ, không ai cư xử như ngôi sao cả. Messi, Xavi, Iniesta, nói chung là tất cả đều giống như học sinh vậy. Pep cứ nói và cả đám đều gật đầu, khiến tôi chả thể hiểu nổi. Ở Italia, nếu một HLV bảo “nhảy lên”, cầu thủ sẽ hỏi: “Tại sao phải nhảy?”
Ở Barça, họ cứ thế mà nhảy thôi. Tôi không hợp với phong cách làm việc đậm mùi tiểu học này một chút nào. Nhưng tôi nghĩ: “Thôi thì chấp nhận, đừng làm cho người ta tin thêm vào những nhận định được viết trên báo”. Thế là tôi cố thích nghi, cố tỏ ra thật dễ bảo. Đấy là một quyết định hết sức bậy bạ. Mino Raiola, đại diện và cũng là bạn tôi, đã nói:
“Ơ kìa, mày điên hả Zlatan? Tao không còn nhận ra mày nữa”.
Đâu chỉ riêng Raiola, chả còn ai nhận ra tôi, không một ai. Tôi ngày càng rời xa bản chất của mình. Bạn phải biết là từ khi còn chơi cho Malmö FF, tôi đã tuân thủ triệt để triết lý sống: Zlatan sẽ đi con đường của riêng mình, mặc xác những gì mọi người nghĩ. Tôi ghét việc phải sống trong khuôn khổ và vâng lệnh ai đó. Tôi thích mấy gã vượt đèn đỏ, bạn hiểu ý tôi chứ?
Nhưng giờ đây thì... Tôi không còn nói những gì mình muốn mà chuyển sang nói những gì mọi người muốn nghe. Tôi giả tạo, tẻ nhạt, chán ngấy. Tôi lái chiếc Audi do CLB cấp và đứng đấy gật đầu như ngày còn đi học. Tôi chả còn đùa cợt, la hét với đồng đội như trước. Tôi thấy chán ngấy. Zlatan chẳng còn là Zlatan. Lần cuối cùng tôi rơi vào tình trạng vâng lời thế này là khi còn học ở Borgarskolan. Ngày ấy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bọn nữ sinh mặc áo len dài tay Ralph Lauren và run đến vãi linh hồn khi rủ chúng ra ngoài chơi với mình.
Nhưng tôi vẫn khởi đầu mùa bóng rất tuyệt, ghi hết bàn này đến bàn khác. Chúng tôi giành Siêu Cúp châu Âu và tôi thì thống trị trên sân cỏ.
Còn tôi giờ là một con người khác. Có điều gì đó đã diễn ra, chưa đến mức quá nghiêm trọng, nhưng vẫn bất ổn. Sự im lặng của tôi là một thảm họa tiềm ẩn. Hãy tin tôi, phải điên thì tôi đá mới dữ. Tôi phải la hét và làm tâm điểm của sự chú ý. Bây giờ tôi dồn tất cả vào bên trong vì sức ép phải làm một cầu thủ ngoan ngoãn, một phần vì áp lực truyền thông. Tôi là bản hợp đồng đắt thứ hai trong lịch sử vào lúc ấy và báo chí thì cứ lặp đi lặp lại chuyện tôi khó bảo thế nào. Vì muốn thay đổi những suy nghĩ đó, tôi đã thay đổi chính con người mình. Đây cũng chính là quyết định ngu ngốc nhất trong đời tôi. Thế nên dù vẫn chơi rất bốc trên sân, nhưng niềm vui trong những bước chạy đã rời bỏ tôi tự khi nào.
Khi ấy, tôi thậm chí đã nghĩ đến chuyện giã từ bóng đá. Là cầu thủ chuyên nghiệp thì phải tôn trọng hợp đồng, nhưng tôi đã đánh mất niềm vui trên sân. Rồi kỳ Giáng sinh đến, chúng tôi trở về Thụy Điển, đến Are2 và thuê một chiếc xe trượt. Mỗi khi cuộc sống bế tắc, tôi luôn phải vận động để cảm thấy ổn hơn. Và tôi đã lái chiếc xe trượt ấy như một gã điên, nhớ về những ngày còn phóng chiếc Porsche Turbo với tốc độ 325 km/h, bỏ lại sau lưng đám cảnh sát đang hú còi đuổi theo. Khi chiếc xe tuyết lao đi, rút cục thì con người cũ của Zlatan cũng trở về và tôi đã nói với chính mình: “Việc gì mày phải ủ dột? Tiền của mày đầy trong nhà băng, mày không việc gì phải bận tâm đến gã HLV thổ tả ấy. Mày có thể sống vui vẻ và chăm sóc gia đình. Vui lên nào”.
[2] Một khu trượt tuyết ở miền Bắc.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu. Khi trở lại Tây Ban Nha, tôi đâu biết thảm họa đang chực chờ.
Một trận bão tuyết kéo đến. Cứ như là người Tây Ban Nha chưa hề thấy tuyết trước đây vậy, đặc biệt là ở ngọn đồi phía trên Barcelona mà tôi sống. Xe hơi la liệt trên đường. Mino, tên mập đần độn - chính xác là tên mập đần độn tuyệt vời để bạn không hiểu lầm ý tôi - đang ngồi cạnh tôi, rúm ró như một con cún trong đôi ủng mùa hè và một chiếc áo khoác mỏng.
Hôm ấy, suýt nữa hai chúng tôi đã tiêu đời. Lúc lao xuống một con dốc thì chúng tôi hoàn toàn mất kiểm soát và xe đâm vào một bức tường đá. Toàn bộ phần bên phải xe hư hại nghiêm trọng. Với thời tiết kiểu như vậy, việc va quẹt xe là bình thường, nhưng không có ai bị nặng như tôi cả. Thấy mình vừa thoát chết, tôi quay sang nhìn Mino và cả hai đã cười như điên. Đó là một trong những giây phút vui vẻ thật sự hiếm hoi tôi có từ khi sang Barça.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu bởi Messi bắt đầu nói chuyện. Messi là một siêu cầu thủ, một thiên tài không thể tin được. Nhưng chúng tôi có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Messi đến đây khi mới 13 tuổi và lớn lên trong văn hóa của CLB. Gã hoàn toàn hòa nhập với “ngôi trường” này. Lối chơi của đội bóng xoay quanh Messi, một điều cũng rất tự nhiên bởi gã xứng đáng được như thế. Nhưng bây giờ tôi đã đến và ghi bàn nhiều hơn gã. Thế là gã nói với Guardiola thế này:
“Tôi không muốn chơi bên cánh phải nữa, cánh trái cũng không. Tôi muốn vào trung lộ”.
Trung lộ chính là vị trí của tôi. Nhưng Guardiola chả mảy may quan tâm đến điều đó. Hắn đổi chiến thuật từ 4-3-3 sang 4-5-1 với tôi ở trên cùng và Messi ngay phía sau. Thế là mọi ánh sáng chiếu rọi vào Messi, còn tôi thì chìm đắm trong bóng tối. Mọi đường bóng từ thời điểm đó đều đi qua chân Messi, còn tôi thì không thể chơi thứ bóng đá của mình. Đứng trên sân, tôi cần phải tự do như một cánh chim. Tôi là mẫu cầu thủ luôn muốn tạo ra sự khác biệt và cần không gian cho việc ấy. Nhưng Guardiola đã hy sinh tôi. Đấy là sự thật. Hắn quẳng tôi vào chiếc lồng rồi khóa lại.
OK, tôi hiểu cho hắn. Messi là ngôi sao mà. Hắn phải lắng nghe ý nguyện của gã. Nhưng thôi nào, tôi đã ghi hết bàn này đến bàn kia cho Barça, tôi cũng đỉnh mà. Hắn đâu thể buộc cả đội bóng phải thay đổi cách chơi chỉ vì một cá nhân nào đó, cho dù cá nhân ấy có kiệt xuất đến cỡ nào. Nếu đã vậy thì ngay từ đầu hắn mua tôi làm gì? Chả có ai bỏ ra số tiền khủng như vậy cho một con tốt thí cả. Guardiola buộc phải nghĩ về cả hai chúng tôi chứ.
Sau thay đổi đó, bầu không khí trong đội dần trở nên căng thẳng. Tôi là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đội bóng, nhưng tôi lại không cảm thấy thoải mái khi đứng trong đội. Txiki Begiristain, Giám đốc thể thao, yêu cầu tôi đến nói chuyện với Guardiola:
“Zlatan, giải quyết vấn đề của mình đi!”
“OK, được thôi. Giải quyết thì giải quyết!”
Bạn bè tôi cũng nói: “Zlatan, với trường hợp của mày, tao thấy giống như Barça mua một chiếc Ferrari, nhưng lại lái nó như một chiếc Fiat vậy”. So sánh hay ghê, rõ ràng Guardiola đang biến tôi thành một cầu thủ đơn giản và tệ hơn. Toàn đội sẽ bị thiệt thòi vì việc ấy. Thế là trong một buổi tập, tôi tiến đến chỗ Guardiola, cố giữ bình tĩnh để không rơi vào một cuộc cãi vã. Tôi nói:
“Tôi không muốn xung đột. Tôi không muốn chiến tranh. Tôi chỉ muốn thảo luận một chút thôi”.
Guardiola gật đầu, nhưng trông bộ dạng hắn có vẻ hơi sợ sệt, nên tôi lặp lại:
“Nếu ông nghĩ tôi đến để cãi nhau thì tôi sẽ đi ngay lập tức. Tôi chỉ muốn nói chuyện”.
“Ừ, ổn thôi! Tôi cũng thích thảo luận với cầu thủ của mình”.
“Vậy nghe nhé”, tôi tiếp tục, “Ông đang khai thác không đúng khả năng của tôi. Nếu chỉ cần một người ghi bàn, lẽ ra ông nên mua Inzaghi, hay ai đó khác. Tôi cần khoảng trống, tôi phải tự do. Tôi đâu thể chạy lên chạy xuống liên tục, tôi nặng đến 98 kg, tôi không có năng lượng cho việc ấy”.
Guardiola làm ra vẻ trầm ngâm, hắn lúc nào cũng vậy.
“Nhưng tôi cứ nghĩ là cậu có thể đá được như thế”.
“Không, nếu vậy tôi thà ngồi dự bị còn hơn. Tôi hiểu tình thế của ông, nhưng ông đang hy sinh tôi cho những cầu thủ khác. Không ổn đâu. Giống như ông mua một chiếc Ferrari chỉ để lái như một chiếc Fiat vậy”, tôi nhắc lại nhận xét của bạn mình.
Hắn lại... trầm ngâm.
“OK, có thể tôi đã sai lầm. Để tôi tính lại xem sao”.
Tôi vui vẻ ra về với niềm tin Guardiola sẽ giải quyết chuyện đó. Nhưng ôi thôi, tôi đâu ngờ cuộc gặp gỡ ấy lại là khởi nguồn của một cuộc chiến tranh lạnh. Guardiola không còn nhìn mặt tôi nữa. Bỏ qua những chi tiết ấy, tôi tiếp tục chơi bốc lửa hơn và ghi thêm nhiều bàn. Những bàn thắng ấy không đẹp như thời ở Italia vì tôi lúc nào cũng phải bám vòng cấm. Ibracadabra của Serie A không còn nữa, nhưng hiệu suất ghi bàn thì vẫn cao.
Trước Arsenal tại sân Emirates, chúng tôi lấn át đội chủ nhà hoàn toàn. Bầu không khí trên sân cực kỳ căng thẳng. Hai mươi phút đầu tiên thật tuyệt vời, tôi ghi một bàn, rồi hai bàn, toàn là siêu phẩm. Tôi nghĩ: “Mặc xác Guardiola! Tôi sẽ đi con đường của riêng mình”. Nhưng bạn biết sao không? Hắn thay tôi ra, Arsenal gỡ hòa 2-2. Xui xẻo hơn nữa là tôi bị chấn thương đùi ngay sau trận ấy. Thông thường, một HLV phải quan tâm đến chấn thương của cầu thủ. Zlatan mà chấn thương thì đấy phải là chuyện lớn ở mọi đội bóng. Nhưng Guardiola lạnh như băng, không nói một lời suốt ba tuần tôi ngồi ngoài. Dù là xã giao theo kiểu “Ổn không Zlatan? Chơi trận tiếp theo được chứ?” cũng không có.
Không có “Chào buổi sáng” hay “Sàng buổi cháo” gì cả. Không có một lời hỏi han. Hắn thậm chí còn tránh nhìn vào mắt tôi. Khi tôi bước vào phòng, hắn lập tức đứng dậy và rời khỏi đó. Chuyện quái gì vậy, tôi nghĩ. Tôi đã làm gì sai sao? Trông tôi dị lắm à? Hay tôi nói gì bậy bạ? Đầu óc tôi xoay vòng với những suy nghĩ đó, đến mức không thể ngủ được.
Tôi đâu cần Guardiola yêu tôi, cứ ghét tôi nếu hắn muốn. Sự căm ghét và thù hận càng khiến cho tôi có thêm động lực. Nhưng tôi cảm thấy hoang mang vì không biết mọi chuyện sẽ đi về đâu. Thế là tôi mang chuyện đi hỏi những cầu thủ khác, nhưng không một ai trả lời được. Tôi bèn tâm sự với Thierry Henry, một người cũng đang phải ngồi dự bị thời gian ấy. Henry là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp. Anh ta rất dễ thương và khi ấy phong độ vẫn còn “ngon”. Nhưng cũng như tôi, Henry đang có vấn đề với Guardiola.
“Hắn không nói chuyện với tôi, hắn thậm chí còn không dám nhìn thẳng vào mắt tôi, chuyện gì đang xảy ra vậy?” Tôi hỏi.
“Ai mà biết”, Henry đáp.
Và chúng tôi bắt đầu giỡn nhau về việc ấy.
“Zlatan này, thế hôm nay Guardiola đã nhìn cậu chưa?”
“Chưa, nhưng tôi nhìn thấy lưng hắn rồi!”
“Thế à, vậy là tiến triển tốt đấy!”
Nhờ những cuộc trò chuyện bông phèng kiểu đó, tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Nhưng chút niềm vui ấy chẳng thể giải quyết được bức tranh u ám. Mọi câu hỏi cứ vang lên trong đầu tôi hàng ngày, hàng giờ. Rốt cuộc mình đã làm gì? Tôi giống như kẻ sa chân vào vũng lầy mà không thấy lối ra. Rồi tôi lại tự đặt ra mấy giả thiết: Phải chăng tất cả những chuyện này là từ buổi thảo luận về vị trí thi đấu mà ra? Hay Guardiola không thể làm việc với những người có cá tính mạnh và chỉ thích những cậu học trò dễ thương như Xavi, Iniesta...? Hay gã chỉ là một tên hèn nhát, luôn lẩn tránh vấn đề của mình, đến mức chả còn dũng khí mà nhìn thẳng vào nó? Những giả thiết ấy càng khiến cho mọi thứ tệ hơn.
Mọi thứ ngày càng tồi tệ.
Tro bụi từ ngọn núi lửa ở Iceland tràn xuống Nam Âu. Mọi chuyến bay đều bị hủy trong khi chúng tôi phải di chuyển đến San Siro cho trận đấu với Inter Milan ở Champions League. Thế là một vài tay đầu óc có vấn đề ở Barça nảy ra “sáng kiến” đi xe bus. Khi ấy tôi đã hoàn toàn bình phục sau chấn thương, nhưng chuyến đi quả là thảm họa. Cả bọn phải ngồi suốt 16 tiếng đồng hồ trên xe và khi đến được Milano thì ai cũng rạc hết cả người. Đây là trận đấu quan trọng nhất của mùa bóng, trận bán kết Champions League. Riêng tôi đã chuẩn bị cho việc bị la ó, huýt sáo và sỉ nhục bởi chính những CĐV cũ của mình. Không sao cả, điều ấy càng kích thích tôi.
Gặp Inter cũng là lúc tôi tái ngộ José Mourinho, một ngôi sao lớn thật sự. Ông ấy đã vô địch Champions League cùng Porto. Khoảng thời gian làm việc cùng Mourinho tại Inter thật đáng nhớ. Lần đầu gặp Helena, ông đã nói với vợ tôi thế này: “Helena, cô chỉ có một nhiệm vụ duy nhất. Hãy cho Zlatan ăn, hãy để Zlatan ngủ ngon và giữ cho Zlatan luôn vui vẻ”.
Mourinho luôn nói những gì mình muốn. Tôi kết ông ấy chỗ đó. Mang tác phong của một vị tướng chỉ huy, nhưng Mourinho cũng rất biết quan tâm người khác. Ông ấy thỉnh thoảng lại gửi tin nhắn hỏi han tình hình cuộc sống của tôi. Guardiola thì hoàn toàn ngược lại. Nếu Mourinho thắp sáng căn phòng thì Guardiola là tên tắt đèn, để mọi người lại trong bóng tối. Tôi nghĩ Guardiola cũng rất ngán, và rất ghét Mourinho.
“Chúng ta không đấu với Mourinho mà đấu với Inter”, Guardiola nói, cứ như thể hắn không nói thì cầu thủ sẽ không biết vậy. Hắn cứ đứng đó thao thao bất tuyệt về mớ triết lý của mình. Tôi chả buồn nghe thêm những gì hắn nói, cái gì mà máu và nước mắt, có cần tởm lợm vậy không. Rồi cả đám ra sân cho buổi tập trước trận, đấy là lúc Guardiola nói chuyện lại với tôi lần đầu tiên sau cuộc chiến tranh lạnh. Toàn đội dõi theo cảnh tượng ấy với sự chăm chú đặc biệt, theo cái kiểu: “Ibra chuẩn bị trở lại”.
“Cậu đá chính được chứ?” Guardiola hỏi.
“Tất nhiên rồi.”
“Nhưng cậu chuẩn bị chưa?”
“Tất nhiên, tôi ổn mà.”
“Chuẩn bị thật rồi chứ?” Hắn nói chuyện như một con vẹt, còn tôi thì ngày càng bực bội.
“Nghe nhé. Chuyến đi thật là thổ tả, nhưng phong độ tôi đang ngon. Chấn thương không còn là vấn đề nữa. Cứ quăng tôi ra sân rồi ông sẽ thấy”.
Guardiola nhìn tôi đầy hoài nghi. Tôi chả thể hiểu nổi. Sau đó tôi gọi cho Mino Raiola. Tôi rất hay gọi điện cho gã mập. Báo chí Thụy Điển cứ bảo Mino làm hỏng hình ảnh Zlatan. Mino thế này, Mino thế nọ. Nhưng với tôi thì Mino là một thiên tài.
Tôi hỏi gã: “Guardiola muốn gì vậy?” Mino cũng không thể giải thích. Nhưng tạm đặt Guardiola sang một bên, tôi để tâm vào trận đấu. Barça đã dẫn 1-0, nhưng rồi trận đấu bước sang một ngã rẽ. Tôi bị thay ra sau 60 phút và Barça thua luôn 1-3. Cứt thật. Tôi như phát điên lên được. Nếu là ngày trước, tôi phải tốn rất nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần lễ để nuốt trôi một thất bại. Nhưng bây giờ tôi có Helena và bọn trẻ. Họ giúp tôi nguôi ngoai và bước tiếp. Thế là tôi hướng đến trận lượt về tại Camp Nou. Với sự hứng khởi tăng dần theo từng ngày.
Áp lực tất nhiên cũng kinh khủng. Cứ như là một cơn bão đang tràn đến vậy. Chúng tôi buộc phải thắng cách biệt nếu muốn vào chung kết. Nhưng kết quả vẫn chỉ là 1-0 và Barça bị loại.
Điều tồi tệ là Guardiola xem tôi như tội đồ của việc ấy. Từ chỗ không dám nhìn mặt tôi, hắn chuyển sang nhìn khinh bỉ, giống như tôi là gã hợm. Hắn là một bức tường đá, tôi không tìm thấy nổi chút dấu hiệu của sự sống nào từ bức tường ấy. Tôi lái chiếc Audi của CLB cấp trong nỗi ưu phiền đã lên đến tột đỉnh. Cứ mỗi giờ trôi qua, tôi lại càng muốn thoát ra khỏi CLB mà mình từng khao khát được khoác áo.
Trận gặp Villarreal, hắn cho tôi vào sân năm phút cuối. Vâng, năm phút! Tôi điên không phải vì mình ngồi dự bị, tôi sẵn sàng xem đồng đội thi đấu nếu HLV của tôi đủ đàn ông để nói: “Trình cậu non lắm, Zlatan à!”
Guardiola không dám nói điều đó. Và cơn điên của tôi bùng phát. Nếu là Guardiola, hẳn tôi sẽ cảm nhận được cơn thịnh nộ và phải sợ hãi lắm. Tôi không nói mình sẽ dùng nắm đấm. Tôi đã trải qua nhiều chuyện trong đời, nhưng chưa bao giờ tôi phải dùng đến hạ sách ấy. Vâng, ở trong sân cỏ, tôi có húc đầu vài gã, nhưng ngoài đời thì tôi chưa từng hận ai đến mức động thủ trước.
Trận đấu với Villarreal kết thúc, tôi cùng cơn thịnh nộ của mình tiến vào phòng thay đồ. Kẻ thù của tôi đây rồi, hắn đang xoa cái đầu hói. Khi ấy trong phòng chỉ có Toure và một vài người. Trên sàn là một cái thùng kim loại đựng quần áo bẩn. Tôi tiến đến và đá văng cái thùng ấy. Tôi nghĩ nó đã phải văng đi đến ba mét. Chưa hả giận, tôi còn gầm lên:
“Mày không có bi. Mày chỉ là cứt nếu so với Mourinho. Mày đi chết đi”.
Tôi hoàn toàn mất kiểm soát vào lúc ấy. Và bạn biết Guardiola phản ứng lại như thế nào không? Hắn không hề đáp lại theo kiểu: “Bình tĩnh nào, cậu đâu thể nói năng như thế với HLV chứ”. Hắn hèn nhát đến mức độ như thế đó.! Tất cả những gì hắn làm là nhặt từng thứ một bỏ lại vào thùng, như một người lao công nhỏ bé tội nghiệp. Thu dọn xong, hắn rời khỏi đó, không mảy may nói một lời nào.
Câu chuyện nhanh chóng lan truyền trong đội. Mọi người cứ hỏi nhau có chuyện gì thế? Vì sao lại như thế? Nhưng rồi đâu có ai trả lời được. Một số người đến hỏi thăm, nhưng tôi chả còn thiết tha muốn giãi bày nữa. Tay HLV khốn kiếp đã loại tôi ra khỏi đội hết tuần này sang tuần khác mà không buồn giải thích vì sao. Tôi lấy gì để trả lời cho những đồng đội hiếu kỳ đây. Tôi có không ít những cuộc cãi vã trong sự nghiệp. Nhưng thường thì ngay ngày hôm sau, tôi cùng với HLV đã giải quyết xong mâu thuẫn ấy. Đối thoại là cách những người đàn ông giải quyết hiềm khích.
Bây giờ, tất cả những gì tôi có chỉ là sự im lặng và những màn đấu tâm lý. Rồi tôi tự hỏi bản thân: “Zlatan, mày 28 tuổi, ghi 22 bàn và có 15 đường chuyền thành bàn tại Barça. Tại sao người ta lại cư xử như mày không hề tồn tại? Mày chấp nhận được điều đó không? Mày có nên tiếp tục thích nghi không? Mày còn muốn ngoan ngoãn nữa không?” Và câu trả lời là “Không đời nào”.
Khi biết mình sẽ tiếp tục dự bị trong trận gặp Almeria, tôi chợt nhớ lại buổi gặp đầu tiên với Guardiola khi vừa sang Barça. Hôm ấy hắn đã nói: “Ở Barcelona, chúng tôi không lái Ferrari và Porsche đến sân tập”. Từ đây, tôi sẽ mặc xác mọi thứ, tôi sẽ lái chiếc xe mình muốn, ai thích lái Audi thì cứ lái. Tôi nhảy lên chiếc Enzo của mình, phi đến sân tập và đỗ ngay trước cổng. Và tất nhiên là một vụ lùm xùm mới nổ ra. Báo chí viết về việc ấy không khác gì chuyện thời sự. Họ bảo giá mua chiếc xe ấy nhiều bằng lương một tháng của cả đội Almeria cộng lại. Tôi mặc xác. Báo chí bây giờ viết gì cũng không còn ý nghĩa với tôi nữa. Tôi quyết định trở lại con người thật của mình và đấy chỉ là phát pháo đầu tiên. Tôi đã luôn là một chiến binh, và một chiến binh thì cần phải có sự chuẩn bị.
Thế nên tôi bốc máy và gọi cho Mino. Chúng tôi luôn lên kế hoạch và ủ mưu cùng nhau. Tôi cũng gọi điện cho những người bạn khác. Tôi luôn muốn nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Lần ấy, tôi nhận được đủ thứ lời khuyên. Đám bạn Rosengård thậm chí còn bảo: “Hay để bọn tao kéo đến đó phá banh cái sân tập của Barça một phen”.
Nhưng tất nhiên, người mà tôi nói chuyện và thảo luận nhiều nhất vẫn là Helena. Nàng đến từ thế giới khác tôi, thế nên nàng lúc nào cũng giữ được sự bình tĩnh. Bấy giờ Helena khuyên tôi:
“Anh đã trở thành một người cha tốt hơn. Nếu như đội bóng không làm anh cảm thấy thoải mái, vậy thì cứ về nhà mà lập đội với em và các con này.”
Nghe vậy, tôi liền vui vẻ trở lại.
Tôi ra sân và đá bóng với bọn trẻ, cố gắng để đầu óc mình thoát khỏi những suy nghĩ không vui. Và tôi lại vùi đầu vào trò chơi điện tử như ngày xưa. Tôi nghiện điện tử. Hồi còn ở Inter, tôi có thể chơi đến bốn, năm giờ sáng, chỉ ngủ vài tiếng là đến sân tập luôn. Nhưng từ khi sang Barça, tôi tự đặt ra luật lệ cho mình: Không Xbox, không PlayStation sau 10 giờ đêm.
Giờ thì tôi quay trở lại thói quen cũ của mình, chơi bời đến chừng nào chán thì thôi. Tôi tận dụng khoảng thời gian cuối ở Tây Ban Nha cho gia đình, thỉnh thoảng còn làm vài chai Corona. Đấy là mặt tươi sáng của vấn đề. Nhưng khi thức dậy và đến sân tập thì tôi lại thấy Guardiola, phần tối tăm, đáng chán trong tôi lại trỗi dậy. Tôi lên kế hoạch cho một cuộc báo thù, đòi lại những gì Guardiola đã lấy mất của tôi.
Tôi ủ mưu thật lâu và quyết làm cho kỳ được. Phải cho tên HLV ấy và Barcelona biết Zlatan thật sự là như thế nào.
Bởi vì đừng bao giờ quên điều này: Bạn có thể lôi đứa trẻ ra khỏi một khu ổ chuột, nhưng không bao giờ tách được khu ổ chuột ra khỏi đứa trẻ ấy.