Những ai không thể nhớ bài học của quá khứ thì bị buộc phải lặp lại nó.
– George Santayana
Cách tốt nhất để giúp đỡ trẻ em chính là giúp đỡ cha mẹ chúng. Nếu các bậc phụ huynh không thích những gì con cái của họ làm, thì không chỉ riêng con cái phải thay đổi. Nếu Johnnie là một “củ khoai tây bốc khói82” thì cậu bé sẽ không nguội lại chỉ bằng cách chuyền tay hết chuyên gia này sang chuyên gia khác, trừ khi có điều gì đó tác động lên “chiếc lò nướng” ở nhà. Chương này được viết nhằm mục đích giúp đỡ các bậc cha mẹ trong việc hỗ trợ con cái. “Các chuyên gia” không thể làm được phần việc mà các bậc phụ huynh có thể làm.
82 Hot potato là một thành ngữ diễn tả một vấn đề, một tình huống khó giải quyết, gây tranh cãi. Ở đây chúng tôi chọn dịch nghĩa trực tiếp để giữ sắc thái chơi chữ ở vế sau. (BBT)
Sự thật là có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con, bao gồm các bác sĩ tâm thần nhi và các nhà tâm lý học trẻ em, những người thực hiện việc chẩn đoán và điều trị. Trong quá khứ, nghi thức rửa tội từng được coi là bước “hoàn thiện một đứa trẻ”. Tương tự, dường như việc đưa một đứa trẻ tới gặp bác sĩ tâm thần nhi có thể ngụ ý rằng đứa trẻ cần được “sửa chữa” hay có lẽ là nó “chưa được hoàn thiện”. Trừ phi chính cha mẹ cũng phải được “sửa chữa” cùng lúc với đứa trẻ, bằng không tôi cho rằng hầu hết mọi nỗ lực đều là lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi tin rằng phần lớn phụ huynh cũng cảm nhận được điều đó bằng trực giác, nhưng một số không muốn dính líu hoặc không biết làm gì khác để ủng hộ ý tưởng trị liệu cho trẻ, trong trường hợp họ đủ khả năng chi trả cho việc đó. Nhiều phụ huynh khác thì né tránh những điều chưa biết trong chuyện tìm kiếm sự giúp đỡ với việc nuôi dạy con, tự xem tình trạng của họ như một chiếc hộp Pandora tốt nhất không nên mở ra. Họ đọc những quyển sách mới nhất, tham khảo các mục trên báo và chơi trò “Nó tệ quá phải không” vào mỗi buổi cà phê sáng. Họ thực hành “tính kiên nhẫn” mà không có đáp án chắc chắn trong niềm hy vọng là đứa con bé bỏng của họ chỉ “đang trải qua một giai đoạn nhất thời” và đặt niềm hy vọng của họ trên một nguyên tắc không chắc chắn rằng dễ dãi, nuông chiều là tốt. Những câu trả lời mà họ tìm kiếm không có vẻ gì là sắp xuất hiện và họ vật lộn trong việc nuôi dạy con với sự an ủi nhỏ nhoi, “Ừ thì, ít nhất tôi cũng lớn hơn nó”. Một số cha mẹ thể hiện “sự to lớn” của họ bằng bạo lực, đánh đập và ngược đãi con cái để uốn nắn chúng. Rồi ngày “tính sổ” đến vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn vị thành niên của đứa trẻ, khi mà “nó to lớn hơn tôi”. Cuộc sống lúc này ngập tràn đau khổ, cho cả cha mẹ lẫn đứa con. Nhưng chuyện đó không nhất thiết phải xảy ra. Đó là mục đích của chương này, để làm sáng tỏ bức tranh nuôi dạy con cái với việc áp dụng mô hình P-A-C, không chỉ trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con, mà còn giữa những đứa con với nhau.
Việc trị liệu tâm lý cho trẻ em tương đối phát triển trong thời gian gần đây. Trong khi các nhà lý thuyết phân tâm học thời kỳ đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của những gì đã xảy ra với đứa trẻ thuở đầu đời trong gia đình, thì làm việc trực tiếp với đứa trẻ lại không nằm trong ứng dụng ban đầu của lý thuyết đó vào trị liệu. Một khó khăn của việc này chính là vấn đề giao tiếp với trẻ nhỏ. Một khó khăn khác là nhận thức từ đầu rằng sẽ khó mà làm việc với đứa trẻ mà không có sự tham gia của những người trưởng thành quan trọng đối với môi trường sống của trẻ, chủ yếu là cha mẹ.
Cơ cấu lâm sàng toàn diện về trị liệu cho trẻ em lần đầu tiên được phát triển vào những năm 1920, được biết đến như Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em83. Mô hình làm việc này đã phát triển nên một “trải nghiệm trị liệu” phối hợp cả cho cha mẹ lẫn trẻ em, trong đó trẻ “được điều trị” bằng phương pháp được gọi là “liệu pháp chơi đùa” và cha mẹ được hỗ trợ bởi tham vấn tình huống xã hội. Trọng tâm của phương pháp là tạo cơ hội cho cha mẹ và con trẻ “bộc lộ các cảm xúc”, với mục đích đánh giá được nguồn gốc của sự hình thành những hành vi tiêu cực và mang tính hủy hoại. Qua việc sử dụng các món đồ chơi và các phương tiện mang tính biểu tượng để giao tiếp, đứa trẻ được khuyến khích chống lại những người gây đau khổ cho nó, chẳng hạn cha mẹ, để nhẹ nhàng giải trừ những “xúc cảm tiêu cực”. Do vậy, khi đứa trẻ bỏ búp bê mẹ vào toilet và giội nước hay bẻ gãy tay của búp bê chị, thì hành động sẽ lập tức được ghi chú lại cho phiên “hội ý” tiếp theo, một hoạt động cực kỳ quan trọng đối với các nhà lâm sàng. Giả định đưa ra là những sự bộc lộ ấy sẽ dọn đường cho việc phát triển nhiều cảm xúc tích cực hơn dựa trên sự hiểu biết mới mà cha mẹ sẽ có được từ quá trình làm việc với nhân viên xã hội – rằng sau khi đã nói đủ “con ghét mẹ/cha” sẽ đến lúc nói “con yêu mẹ/cha”. Tuy nhiên, sự hiểu biết không đầy đủ của phụ huynh về các hành động, hay các tương giao, thứ tạo ra các cảm xúc, thường khiến tình trạng chẳng hề thay đổi. Trong thực tế, tình trạng còn trở nên xấu đi khi đứa trẻ được bảo rằng “bộc lộ cảm xúc là một điều tốt”, gia đình biến thành một bãi chiến trường mà đứa con sẽ là tổng tư lệnh. Giống như một chai thuốc nhỏ mũi chỉ làm giảm cơn nghẹt mũi trong một lúc nhưng không hữu hiệu trong việc ngăn ngừa cơn nghẹt mũi vào hôm sau. Một số người sống cuộc đời mình bằng cách bộc lộ mọi cảm xúc. Nhưng cả bộc lộ cảm xúc và thuốc nhỏ mũi đều không có lợi ích trị liệu nào, chúng ta cần nhiều hơn thế.
83 Child Guidance Clinic: một mô hình làm việc phổ biến tại Hoa Kỳ thời kỳ đó, có vai trò tham vấn, hỗ trợ cho trẻ em, vị thành niên và các gia đình có khó khăn về tâm lý. Từ Guidance được dùng giống với nghĩa của từ Counseling sau này.
Những phương thức điều trị ban đầu này chỉ nhấn mạnh vào những gì đứa trẻ có thể đạt được cũng như hành vi của trẻ có thể thay đổi như thế nào, mặc dù đã có vài sự công nhận là cha mẹ phải tham gia vào tiến trình. Với thuyết Phân tích Tương giao, chúng tôi nhấn mạnh vào những gì cha mẹ có thể đạt được, nhờ đó bản chất của các tương giao giữa cha mẹ và con cái sẽ thay đổi. Khi điều này xảy ra, thay đổi ở đứa trẻ sẽ sớm xảy ra theo.
Mọi người đều nhận ra sự gia tăng tính phức tạp của cơ cấu văn hóa và xã hội trong môi trường chúng ta đang sống, với rất nhiều áp lực có xu hướng làm suy yếu hay thậm chí phá hoại gia đình – cấu trúc xã hội nền tảng để đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của trẻ em. Dưới tác động của những điều không chắc chắn, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, tin tức và một cơn lũ những đòi hỏi, người mẹ hiện đại cảm thấy phải luôn trong tư thế chiến đấu và thường đứng trên bờ vực tan vỡ trong cuộc đấu tranh với sự tuyệt vọng. Mọi thứ xung quanh cô đều xung đột. Sự nhạy cảm của cô trở nên cùn mòn – nó buộc phải như vậy, bởi trong vài giây tivi của cô đã chuyển từ những tin tức khủng khiếp về cuộc chiến tranh sang vẻ đẹp huy hoàng của cuộc sống mới với các sản phẩm của Clairol84. Cái Tôi Cha Mẹ của cô xung đột với Cái Tôi Cha Mẹ của chồng về nhiều khía cạnh liên quan đến nuôi dạy con cái. Cái Tôi Cha Mẹ của cô giày vò Cái Tôi Trẻ Em trong một cuộc đối thoại nội tâm khiến cô cảm thấy mình là một bà mẹ thất bại. Con cái của cô hét vào mặt nhau và to tiếng với cô. Cô đọc nhiều để có nhiều dữ liệu hơn, nhưng những dữ liệu lại luôn mâu thuẫn nhau. Một tác giả nói nên “đánh đòn”, tác giả khác lại nói “đừng bao giờ dùng đòn roi” và một tác giả khác còn nói rằng “thỉnh thoảng nên đánh đòn”. Trong khi ấy, cảm xúc của cô chất chứa tới mức cô muốn “đánh cho lũ oắt con một trận ra trò”. Trong nhà cô đầy các dụng cụ giúp cô làm mọi việc một cách dễ dàng nhất. Nhưng điều cô cần nhất là một công cụ có thể mang lại trật tự cho sự hỗn loạn, có thể xác định đâu là những mục tiêu quan trọng và đâu thì không phải, một công cụ có thể tìm thấy những câu trả lời thực tế cho câu hỏi lặp đi lặp lại: “Làm thế nào tôi có thể nuôi dạy con cái một cách đúng đắn?”.
84 Một thương hiệu sản phẩm chăm sóc cá nhân nổi tiếng ở Mỹ từ 1931.
Với câu hỏi này, người bà có thể nhận xét với vẻ khôn ngoan rằng “chúng ta không hề gặp tất cả kiểu rắc rối này trong những ngày tốt đẹp xưa kia, trước khi tất cả những quyển sách về tâm lý học hiện đại ra đời”. Bà có lý khi nói vậy, vì đã từng có rất nhiều điều tốt đẹp trong những ngày cũ. Gesell và Ilg85 đã nhận xét:
85 Arnold Lucius Gesell (1880 – 1961) là nhà tâm lý học, bác sĩ nhi khoa người Mỹ. Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển trẻ em. Frances Lillian Ilg (1902 – 1981) một bác sĩ nhi khoa người Mỹ. Cả hai cùng là giáo sư của Đại học Yale và đã hợp tác cho ra đời hai quyển sách về giáo dục.
Ở những thời kỳ xa xưa hơn, thế giới tự nhiên và những mối quan hệ của con người đã được mở rộng theo cách khá trật tự, giữ được nhịp với sự trưởng thành của con cái. Ngôi nhà ngày xưa rất lớn, thành viên trong gia đình rất đông và thường vẫn sẽ có thêm những đứa trẻ khác được sinh ra. Sẽ luôn có người kề cận chăm sóc đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và dìu dắt nó đi từng bước đến thế giới rộng lớn, khi những nhu cầu của nó dần dần tăng lên. Luôn có một không gian tự do, thoải mái quanh ngôi nhà của đứa trẻ, một cánh đồng, một bãi cỏ, một vườn cây ăn trái. Có nhiều loài động vật được nuôi trong chuồng, trại, trong lồng và thả rông trên bãi cỏ. Một số trong những sinh vật bằng hữu này cũng còn nhỏ như đứa trẻ. Đứa trẻ có thể say sưa ngắm nhìn chúng, vuốt ve chúng và thỉnh thoảng ôm chúng.
Thời đại đã chơi một trò chơi khăm biến tính với môi trường ấy. Ngày nay lũ trẻ sống trong chung cư và ở mức độ nào đó thậm chí trẻ con ở vùng ngoại ô cũng đã bị tước đi rất nhiều bạn đồng hành cũ, cả con người lẫn con vật. Không gian sống đã bị thu hẹp về kích thước, chỉ còn một vài phòng, một hành lang, một khoảng sân; có thể chỉ có một phòng đơn với một hoặc hai cửa sổ86.
86 Arnold Gesell và Frances Ilg trong cuốn Infant and Child in the Culture of Today (New York: Harper, 1943).
Họ thương xót cho sự mất mát của đứa trẻ ngày nay, những mất mát về “tương tác thân mật phong phú với cuộc sống đang lớn dần, với những đứa trẻ khác và với nhiều người lớn khác nhau”.
Vấn đề không chỉ là thiếu những trải nghiệm tốt đẹp đầu đời, mà còn là sự tràn ngập của các dữ liệu kinh khủng. Đúng là đã luôn có những cuộc chiến tranh và những hành động tàn bạo, nhưng chúng không xảy ra trong phòng khách, trên thiết bị truyền hình. Từ rất lâu trước khi đứa trẻ đủ khả năng đương đầu với những khó khăn cơ bản của việc sống cùng gia đình, nó đã được tiếp xúc với cái mà cô con gái bé bỏng của tôi gọi là “một thế giới hắc ám” – những cuộc bạo loạn chủng tộc, những tù nhân trẻ bị bịt mắt trước mũi lưỡi lê, những kẻ giết người hàng loạt và các nhà lãnh đạo thế giới tranh luận về khả năng hủy diệt toàn cầu. Thêm vào những điều này là khó khăn của đứa trẻ trong việc phân loại đâu là sự thật và đâu là hư cấu: Đó là tin tức hay là một bộ phim? Hút thuốc lá có gây ung thư không, hay đó là một trải nghiệm mới mẻ tuyệt vời?
Trong cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, con gái Heidi của tôi, khi đó đang học trường mẫu giáo – nơi mà các đứa trẻ đang được dạy “những kỷ luật chặt chẽ về bom nguyên tử”, đã nói với mẹ của nó rằng “Mẹ ơi, chúng ta hãy nói về chiến tranh, bom mìn và mọi thứ đi”. Mẹ nó trả lời, “Được thôi Heidi, vậy chúng ta sẽ nói gì về nó nào?”. Heidi đáp, “Nói mọi thứ về chúng đi mẹ. Con chẳng biết chút gì về chúng cả”.
Thế đấy, đây là thế giới mà chúng ta có được, không phải là những khung cảnh đồng quê yên ả với đàn cừu và hoa vàng cỏ xanh hay những bài hát vui tươi87, mà là một thế giới cuồng nộ và những âm thanh xung đột huyên náo, được khuếch đại đến mức độ mà thôi thúc lúc này là phớt lờ chúng đi, không đoái hoài gì tới sự khác biệt giữa Clairol và tội ác, hay giữa vụ ám sát tổng thống và mẩu chuyện vui về cái chết của một tên trộm ngựa đội cái mũ màu đen.
87 Nguyên văn: “the Good Ship Lollipop”, đây là tên một bài hát thiếu nhi nổi tiếng từ năm 1934, do Shirley Temple trình bày.
Will Rogers88 từng nói: “Trường học không giống như chúng đã từng và chưa bao giờ như vậy cả”. Có thể những ngày xưa tươi đẹp cũng “chưa bao giờ như vậy cả”, nhưng khi ấy những điều tồi tệ không chạm vào những đứa trẻ quá sớm và quá sâu sắc như ngày nay. Điều này không làm thay đổi vấn đề, nhưng nó cho thấy một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết là cha mẹ phải có một công cụ để giúp con cái phát triển một Cái Tôi Người Lớn càng sớm càng tốt nhằm có thể xoay xở với hiện trạng thế giới ngày nay.
88 William Penn Adair Rogers (1879 – 1935) là diễn viên sân khấu và truyền hình, diễn viên hài, nhà báo, nhà bình luận xã hội người Mỹ.
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Lý tưởng nhất thì chúng tôi muốn bắt đầu ngay từ vạch xuất phát. Một ứng dụng hiệu quả của thuyết Phân tích Tương giao chính là chương trình giảng dạy dành cho những người sắp làm cha mẹ, được thực hiện ở thành phố Sacramento từ năm 1965, bởi vợ chồng Tiến sĩ Erwin Eichhorn. Ông là một bác sĩ sản khoa và bà là giảng viên ngành điều dưỡng tại Đại học Sacramento City. Trong hầu hết các phòng khám sản khoa, sự chuẩn bị cho việc sinh đẻ thường bao gồm các hướng dẫn dành cho phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ, về những gì thường gặp trong thời kỳ mang thai, chuyển dạ và sinh đẻ, cũng như thông tin về chăm sóc sức khỏe của trẻ sơ sinh. Việc này thường được hỗ trợ bằng nhiều quyển sách và phim ảnh, trong đó miêu tả một cuộc sống nên thơ với em bé mới sinh. Có thể cũng có một số cuộc thảo luận về những khía cạnh tiêu cực của trải nghiệm sinh đẻ, chẳng hạn như khả năng gặp hội chứng phiền muộn sau sinh89, hoặc mệt mỏi, đau bụng, nhưng hiếm khi có bất kỳ sự xem xét đặc biệt sâu sắc nào về mối quan hệ giữa chồng và vợ, người mới làm cha, làm mẹ, và về nhân vật mới, xinh đẹp và đôi khi đáng sợ này – đứa bé.
89 Hay “baby–blues”, là hội chứng thường gặp ở đa số các bà mẹ sau sinh. Một vài ngày sau sinh, do ảnh hưởng của nội tiết tố, sản phụ có thể cảm thấy luôn ủ rũ, dễ cáu gắt, khóc lóc. Khác với trầm cảm sau sinh, đây là một hội chứng thông thường, không quá nguy hiểm và thường sẽ kết thúc sau hai tuần.
Hầu hết các bác sĩ sản khoa đều muốn giúp đỡ cặp vợ chồng trẻ ở khía cạnh này, nhưng lại không có hệ thống nào có thể dạy nhanh, dễ hiểu và dễ sử dụng. Nhiều bác sĩ bỏ ra hàng giờ đồng hồ vào những buổi thảo luận đầy cảm thông về những khó khăn trong hoàn cảnh gia đình, giảm bớt lo lắng bằng cách trả lời các câu hỏi và cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi bằng sự ủng hộ ân cần. Một số bác sĩ khác thì dựa vào vị thế có tính phụ huynh của họ, trong đó, về bản chất thì những gì họ nói là: “Bạn cứ theo hướng dẫn của tôi và làm những gì tôi nói, rồi mọi thứ sẽ ổn thỏa cả”. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa hai vợ chồng có vấn đề nghiêm trọng thì cách tiếp cận này có thể đẩy những vấn đề này xuống vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên, vì bất kể thế nào thì em bé luôn phải được ưu tiên. Nhưng vì vấn đề vẫn chưa được giải quyết, chúng sẽ vẫn liên tục là nguồn gây khó chịu và làm mất phương hướng cho cả mẹ và cha trong những tháng đầu hoặc trong cả năm đầu đời của trẻ, mà suốt thời gian đó những dấu ấn nền tảng nhất sẽ được ghi khắc ở đứa trẻ.
Ông bà Eichhorn đều là thành viên Hội đồng Quản trị của Viện Phân tích Tương giao, cả hai bắt đầu giới thiệu chương trình giảng dạy mô hình P-A-C cho các lớp dành cho những người sắp làm cha mẹ từ năm 1965. Những phiên gặp mặt buổi tối cho cả chồng và vợ được lên lịch hàng tuần. Việc tham dự là tự nguyện, nhưng phần lớn các cặp vợ chồng đều đến dự đều đặn. Ngoài các hướng dẫn thường lệ về thai kỳ, chuyển dạ và sinh nở, họ còn dạy các nguyên tắc cơ bản của Phân tích Tương giao. Những điều này được dạy dựa trên trải nghiệm thực tế mà đôi vợ chồng đang đặt hết tâm trí vào – có con. Đó là một công cụ được kết hợp lại cho một mục đích đặc biệt, nhưng nó còn là công cụ mà các cặp đôi nhận thấy có thể được sử dụng cho nhiều vấn đề khác trong cuộc sống sau khi em bé chào đời. Tổng số giờ giảng dạy nhóm về mô hình P-A-C cho mỗi cặp vợ chồng là khoảng hai mươi bốn giờ, nhưng nhờ đó một ngôn ngữ chung đã được phát triển, cung cấp cơ sở nền tảng để thảo luận thêm khi người mẹ mang thai đến kiểm tra thai sản định kỳ, thường là đi cùng chồng, người mà giờ đây đã có cảm giác mình là một phần của hành trình thay vì chỉ là một người quan sát.
Kết quả cho thấy sự hiểu biết về mô hình P-A-C trong thời kỳ mang thai đã giúp các cặp đôi hiểu được nguồn gốc của một số cảm xúc mới lạ, phần nào phức tạp và thiếu tích cực. Những người trẻ có Cái Tôi Cha Mẹ chứa nhiều bản ghi khẩn cấp, nhập nhằng về những chuyện giao hợp và mang thai không nên ngạc nhiên khi những bản ghi này được phát lại trong trải nghiệm đầy cảm xúc này. Một cặp vợ chồng trẻ ngay cả khi đã lên kế hoạch và háo hức chờ đợi thời kỳ mang thai vẫn có thể rơi vào giai đoạn khủng hoảng “không thể giải thích được”. Một tờ giấy hôn thú và một ngôi nhà nhỏ ấm cúng không làm xóa đi băng ghi cũ của Cái Tôi Cha Mẹ trong đó “tôi mang thai” là một tin tức thật sự khủng khiếp. Nó cũng không làm thay đổi cuộn băng gốc trong Cái Tôi Cha Mẹ của người chồng, thứ được tái hiện trong nhận thức của anh ta theo cách thức cũ, rằng “Tôi lỡ làm cô ấy mang thai”.
Có nhiều cảm xúc mãnh liệt khác liên quan đến việc thai nghén, mà Gerald Caplan90 gọi là “giai đoạn gia tăng tính nhạy cảm với khủng hoảng, giai đoạn mà những vấn đề có tính chất hệ trọng dường như xuất hiện ở mật độ cao hơn”. Bên cạnh những sự thay đổi bên ngoài về mặt kinh tế và xã hội, còn có những thay đổi bên trong, cả về trao đổi chất lẫn cảm xúc. Đối với người mẹ, cô có một vai trò mới, đặc biệt nếu đây là đứa con đầu lòng của cô; ngoài ra còn có sự đơn độc trong việc mang nặng đẻ đau và sự cô đơn khi ở nhà với đứa trẻ, đặc biệt nếu trước đây cô là một người phụ nữ có sự nghiệp riêng; cô còn có thêm trách nhiệm mới trong việc sắp xếp thời gian. Với người phụ nữ có con đầu lòng, cô còn có thêm nhận thức sâu sắc rằng cô sẽ không bao giờ còn là một cô bé nữa, rằng cô đã vượt rào và bước vào thế hệ người lớn: Giờ cô đã là một người mẹ. Đây là cùng một loại cảm xúc ủy mị về cuộc sống ngắn ngủi và thời gian trôi qua không thể lấy lại được, vốn là thứ khiến mọi người khóc trong đám cưới. Đây cũng là khoảnh khắc thiêng liêng trong đời, mở cửa đến tương lai, đóng cửa với quá khứ, và không có con đường quay trở lại. Những cảm xúc đó cũng sẽ xuất hiện ở người mẹ trẻ.
90 Gerald Caplan (1917 – 2008), giáo sư, nhà tâm lý học người Mỹ chuyên về bệnh học tâm thần.
Đôi khi những cảm xúc này trở nên quá nặng nề đến nỗi có thể phát triển thành chứng được gọi là loạn thần sau sinh (hậu sản). Trong những trường hợp này, Cái Tôi Trẻ Em áp đảo quá mức đến nỗi phá vỡ ranh giới, khiến Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm hoàn toàn. Người mẹ không thể tự giải quyết những nhu cầu quá tải của chính mình và hoàn toàn không có khả năng chăm sóc con.
Một bệnh nhân đến gặp tôi lần đầu khi cô đang trải qua giai đoạn tồi tệ của chứng loạn thần sau khi sinh đứa con đầu lòng và cô đã có thể xuất viện sau ba tuần được giới thiệu mô hình P-A-C. Cô đã có thể đảm nhận việc chăm sóc con mình, và Cái Tôi Người Lớn của cô đã phát triển mạnh mẽ khi cô tiếp tục đến nhóm trị liệu. Thử nghiệm thật sự của sức mạnh này đã đến vào hai năm sau, lúc cô mang thai lần thứ hai. Biết những gì mình từng phải trải qua nên lần mang thai này khiến cô khá sợ hãi. Nhưng cô đã có thể thảo luận về những sợ hãi này theo mô hình P-A-C với bác sĩ sản khoa của mình. (Thực tế là hai bác sĩ, một là bác sĩ sản khoa và một là bác sĩ tâm thần, cả hai đều nói cùng một ngôn ngữ có bản chất trấn an). Cô đã sinh con và vẫn giữ tinh thần tốt trong suốt giai đoạn hậu sản. (Điều không phải là hiếm xảy ra với bệnh loạn thần hậu sản đó là nó có thể tái lại mỗi lần mang thai).
Như vậy, đây là những cảm xúc mà mô hình P-A-C có thể hiểu và khắc phục được. Khi vợ chồng có thể sử dụng cùng ngôn ngữ mới, cả hai sẽ cùng chia sẻ niềm vui trước mắt. Eichhorn báo cáo rằng khi bác sĩ thể hiện Cái Tôi Người Lớn của mình thì người chồng dễ dàng hơn trong việc trở thành một người cha. Mối quan hệ Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Trẻ Em giữa một số bác sĩ sản khoa với bệnh nhân của họ về cơ bản sẽ loại trừ vai trò người cha. Người vợ mang thai và bác sĩ tham gia vào một hoạt động đòi hỏi chuyên môn độc quyền, còn người chồng thì bị bỏ lại trong phòng chờ. Hầu hết các bệnh viện hiện đại đều cho phép chồng ở cùng vợ và giúp đỡ cô trong lúc chuyển dạ, và một số, nhưng không phải tất cả, cho phép người chồng có mặt ở phòng sinh. Eichhorn báo cáo rằng trong phương pháp hành nghề của ông, hệ thống người cha – đứa con sẽ được xây dựng sớm. Người chồng sẽ được dự phần vào những việc anh có thể làm để giúp đỡ vợ trong suốt quá trình sinh nở, biết làm thế nào để có thể xoa bóp và giảm căng thẳng cơ thể cho vợ, làm thế nào có thể bảo vệ vợ mình khỏi cảm giác cô đơn của việc “vượt cạn” và làm thế nào cô có thể dựa vào Cái Tôi Người Lớn của anh, ngay cả khi Cái Tôi Trẻ Em của cô, nhân lúc cô mệt mỏi và sợ hãi, đã nắm quyền chỉ huy. Khi một cặp vợ chồng cùng nhau trải qua một cuộc khủng hoảng như thế này, thì họ đã sẵn sàng cho mọi cuộc chạm trán với bất kỳ khủng hoảng nào khác trong cuộc sống. “Nếu chúng tôi làm được điều này, chúng tôi có thể làm mọi thứ khác!”. Những người cha này sẽ nhanh chóng nói về đứa trẻ của “chúng tôi”. Cả người làm mẹ và người làm cha đều cảm thấy bản thân rất ổn, và điều này được truyền cho đứa trẻ sơ sinh.
Giống như Caplan, những người cha này được giúp đỡ để sớm nhận ra rằng:
… phụ nữ mang thai cần bổ sung tình yêu cũng nhiều như cần bổ sung vitamin và protein vậy. Điều này đặc biệt đúng trong những tháng cuối của thai kỳ và trong thời gian điều dưỡng sau sinh. Trong thời kỳ mang thai, người vợ thường có xu hướng trở nên hướng nội và phụ thuộc một cách bị động. Cô ấy càng có thể chấp nhận trạng thái này, và càng nhận được nhiều tình yêu và sự quan tâm từ những người xung quanh, thì cô càng có khả năng hướng về con mình. Những chuyên gia sản khoa không thể cho cô ấy tình yêu mà cô cần, nhưng họ có thể huy động các thành viên trong gia đình làm như vậy, đặc biệt là người chồng. Trong văn hóa của chúng ta, người chồng và những người thân khác thường sợ “chiều hư” người mẹ tương lai, và chúng ta cần có những nỗ lực đặc biệt để chống lại thái độ này91.
91 Caplan, trong cuốn An Approach to Community Mental Health.
Đồng hành cùng nhau trong quá trình sinh nở là đỉnh lý tưởng đối với cặp vợ chồng đã có sự chuẩn bị; nhưng ngay cả khi hai vợ chồng bị tách ra trong suốt thời gian sinh nở, thì việc giới thiệu mô hình P-A-C không chỉ giúp họ vượt qua thời kỳ mang thai mà còn cho phép họ giải phóng khỏi xung đột, một điều cần thiết cho giai đoạn nuôi dưỡng đầu đời của đứa trẻ sơ sinh. Một người mẹ ấm áp và biết cách vỗ về là người đã thoát khỏi cuộc đối thoại nội tâm giữa Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em vốn gợi lên cảm giác KHÔNG ỔN trong cô. Cái Tôi Người Lớn đã được giải phóng của cô có thể nghe được sự thật, có thể bác bỏ những câu chuyện được thêu dệt và có thể phản ứng lại với những cảm xúc làm mẹ tự nhiên là muốn ôm ấp và cưng chiều con mà không cần kiểm tra trước xem liệu điều đó có ổn không. Một trong những tư tưởng của Cái Tôi Cha Mẹ thường được thể hiện trong các nhóm dành cho người sắp làm cha mẹ là “bạn không nên ôm ấp, bế bồng một đứa trẻ mọi lúc, bởi vì bạn sẽ chiều hư nó”. Nếu cuộn băng này được phát mỗi khi người mẹ mới muốn vỗ về đứa con của mình, thì rõ ràng sẽ tồn tại một xung đột, và bằng cách nào đó xung đột sẽ được truyền qua đứa trẻ. Cái Tôi Người Lớn của người mẹ có thể xem xét tư tưởng võ đoán này và tiến hành tự đánh giá, vốn thường dẫn đến gần với kết luận: Nếu bạn chăm bẵm cho con mình khi nó còn là đứa trẻ, bạn sẽ không phải chăm bẵm nó cả phần đời còn lại. (Đối với tôi, “chiều hư” một đứa trẻ hoặc những thói quen “làm hỏng” một đứa trẻ là những từ ngữ rất thô lỗ và tàn nhẫn khi áp dụng cho con người, chắc chắn chúng đã được phát minh ra bởi một bà mẹ kế ác độc, kẻ sống trong một tháp canh tối tăm ở đâu đó giữa đồng hoang!)
Người mẹ với một Cái Tôi Người Lớn vững chãi có thể giải quyết được những tình huống áp lực thường xuyên với bà ngoại hoặc bà nội theo một cách thức làm giảm thiểu các tương giao chéo. Cô cũng có thể nhận thức được rằng bà ngoại có một mô hình P-A-C, mà cả Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em đều dễ bị mắc câu. Hoặc Cái Tôi Người Lớn của cô có thể nói với mẹ chồng rằng họ đang thuê một người giúp việc để lo liệu việc nhà và rằng cô ấy, với vai trò người mẹ, sẽ chăm sóc đứa trẻ. Cái Tôi Người Lớn của cô có thể ưu tiên chăm sóc đứa con thay vì quét dọn nhà cửa sạch sẽ, ngay cả khi dì Agatha giàu có của cô sẽ ghé thăm ngay tối hôm đó. Nói tóm lại, người cha và người mẹ mới có thể lựa chọn làm thế nào để kiến tạo đơn vị mới mẻ, quý báu này – gia đình của họ, với một đứa trẻ mới, một người cha mới và một người mẹ mới.
Một trong những hiểu biết hữu ích nhất trong việc nuôi dạy con là nhận thức được vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN đang hiện diện. Đứa trẻ lớn lên nương theo vị thế ỔN của người mẹ. Nó cảm thấy KHÔNG ỔN, nhưng miễn là mẹ nó cảm thấy ỔN thì vẫn còn điều gì đó nó có thể dựa vào. Giá trị sự vỗ về của cha mẹ đối với đứa trẻ tương ứng một cách chính xác với giá trị mà đứa trẻ nhìn thấy ở cha mẹ mình. Rất dễ dàng nhận thấy rằng khi Cái Tôi Trẻ Em của người mẹ bị “câu ra” và bị cuốn vào một tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em thì đứa trẻ sẽ cảm nhận rằng thế giới của nó thật xấu xa, tồi tệ. Một bên là Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN và bên còn lại cũng là Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Nếu loại tương giao này chiếm ưu thế trong cuộc sống đầu đời của một người, nó sẽ hình thành vị thế sống TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN, hoặc cực đoan hơn là vị thế TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN.
Người mẹ và người cha (đặc biệt là người mẹ, vì đó là người có ảnh hưởng nhất tới đứa trẻ trong những năm đầu đời) phải nhạy cảm với Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của chính họ. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ, phải phát triển được sự nhạy cảm cần thiết, năng lực nhận thức và hứng thú để áp dụng một công cụ như mô hình P-A-C cho việc nuôi dạy con, bằng không chúng ta có thể chắc rằng sự độc hại của vị thế sống KHÔNG ỔN sẽ lan truyền và phát triển tồi tệ hơn. Nếu Cái Tôi Trẻ Em của người mẹ có một vị thế KHÔNG ỔN mạnh mẽ, nó có thể dễ dàng bị “câu ra” bởi những trục trặc trong cuộc sống, hoặc bởi những chướng ngại, những thất vọng như hành vi cố chấp của đứa trẻ vốn cũng có một Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Với người mẹ, cánh cửa được mở ra cho Cái Tôi Trẻ Em đến nắm quyền, điều này kích hoạt loạt sự kiện có tính thoái lui, lùi ngày càng xa về những trò chơi xưa cũ “Của tôi tốt hơn của bạn” và người mẹ giành chiến thắng ở vòng cuối cùng bằng trò chơi “Tôi to lớn hơn”.
Dễ dàng nhận thấy rằng chỉ thông qua Cái Tôi Người Lớn, đứa trẻ mới có thể học được những cách sống hiệu quả hơn. Nhưng đứa trẻ sẽ hỏi: “Làm thế nào để ta phát triển một Cái Tôi Người Lớn trong khi chưa từng chứng kiến nó?”. Trẻ em học bằng cách bắt chước. Một trong những cách hiệu quả nhất mà một đứa bé có thể phát triển Cái Tôi Người Lớn của mình với các vòng lặp kiểm soát ngày càng mạnh mẽ là có cơ hội quan sát cha mẹ chúng, khi mà Cái Tôi Trẻ Em của cha mẹ rõ ràng đã bị “câu ra” và đang giành giật quyền chỉ huy bằng một cơn giận dữ bộc phát, thì họ kiểm soát Cái Tôi Trẻ Em của mình và duy trì phản ứng bằng Cái Tôi Người Lớn, nói một cách khác, họ phản ứng một cách hợp lý và thận trọng.
Chứng minh một Cái Tôi Người Lớn hoạt động như thế nào có hiệu quả hơn nhiều so với việc định nghĩa Cái Tôi Người Lớn là gì! Điều này đặt ra câu hỏi liệu phụ huynh có nên dạy con cái của họ mô hình P-A-C hay không. Từ những báo cáo của các bậc cha mẹ đã dạy mô hình P-A-C cho con mình, thấy rằng trẻ có thể hiểu được những điều cơ bản của mô hình P-A-C ở một độ tuổi nhỏ đến ngạc nhiên – ba hay bốn tuổi. Điều này có thể xảy ra thông qua việc trẻ tiếp xúc với sự Phân tích Tương giao của cha mẹ. Khi cha mẹ tham gia vào việc phân tích một tương giao và thực hiện nó với sự hứng thú rõ ràng, thì đứa trẻ sẽ hiểu ý nghĩa của những gì đang diễn ra. Nhiều bậc cha mẹ có con ba, bốn tuổi đã giật mình khi nghe thấy đứa trẻ đưa ra một nhận xét trong đó nó đã dùng những từ “Cái Tôi Cha Mẹ” và “Cái Tôi Trẻ Em” một cách chính xác.
Khi một đứa trẻ năm tuổi nói “Cha ơi, đừng tận dụng Cái Tôi Cha Mẹ của cha” thì nó đang truyền đạt sự hiểu biết rằng người cha cũng có “các thành phần cái tôi”, rằng cha nó có một Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em có thể bị “câu ra”. Khi người cha nói với đứa trẻ năm tuổi “Nếu con cứ tiếp tục làm như vậy, con sẽ gọi ra Cái Tôi Cha Mẹ của cha và cả hai cha con ta sẽ đều cảm thấy tệ đấy”, ông sẽ mở đường cho sự chấp nhận của hai Cái Tôi Người Lớn, rằng cả hai người đều đang có những cảm xúc nhất định và có thể bị đẩy đi quá xa. Vị thế Người lớn – Người lớn này không thể phát triển nếu như người cha hét lên: “Nếu con lại tái phạm thì cha sẽ đánh đòn con!”. Tất cả những gì mà kiểu cư xử này làm được là làm tắt “chiếc máy tính” ở trẻ, khiến nó không thể suy nghĩ về ưu khuyết điểm của “những gì nó đã làm”, tất cả những gì đọng lại là thực tế nó sẽ bị ăn đòn. Và thế là kết thúc bài học. Người cha có lẽ đã học cách cư xử đó từ chính người cha của mình, những vòng lặp vô tận.
Ở đây có một cảnh báo rất quan trọng! Khi đứa con thể hiện Cái Tôi Trẻ Em thì bất cứ sự gợi ý nào liên quan đến mô hình P-A-C (đặc biệt là mời gọi trò chơi) từ cha mẹ đều được đứa trẻ hiểu là từ Cái Tôi Cha Mẹ. Ngay lập tức, toàn bộ ý tưởng về mô hình này có thể trở thành Cái Tôi Cha Mẹ, làm suy yếu tính hữu dụng của nó trong vai trò một công cụ tạo ra các tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn trong gia đình. Bạn không thể dạy mô hình P-A-C cho một đứa trẻ đang giận dữ và bị kích động. Giải pháp là hãy thể hiện Cái Tôi Người Lớn khi căng thẳng gia tăng. Mô hình P-A-C có thể được trình bày một cách học thuật trong những dịp khác, cung cấp cho con cái những dữ liệu để từ đó chúng có thể có được trải nghiệm “vỡ lẽ” của riêng mình: “Ồ, đó là những gì mình làm!”. Vào đúng thời điểm, việc sử dụng những từ ngữ này cho phép trẻ bắt đầu thể hiện cảm xúc bằng lời hơn là hành động bộc phát nỗi thất vọng trong cơn thịnh nộ nhằm kiểm soát tình hình bằng công cụ duy nhất mà chúng có – cảm xúc.
Khi xem xét những rào cản gần như không thể vượt qua được đối với sự phát triển của Cái Tôi Người Lớn ở thời thơ ấu, thì số lượng của những điều bất hợp lý, hoặc đơn giản là sự cố chấp thường thấy ở hiện tại, không còn là điều đáng ngạc nhiên. Sự tò mò của đứa trẻ, nhu cầu muốn được biết của nó, là một biểu hiện của Cái Tôi Người Lớn đang phát triển và điều này nên được bảo vệ, hỗ trợ từ các bậc cha mẹ nhạy cảm, giàu nhận thức. Tuy nhiên, sự nhạy cảm và khả năng nhận thức khó có thể xuất hiện ở những cặp vợ chồng cảm thấy những đòi hỏi khăng khăng của con mình là quá nhiều đến nỗi không thể xoay xở được, bởi những đòi hỏi từ Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của chính họ đã được ưu tiên. Việc giải phóng Cái Tôi Người Lớn khỏi những dữ liệu xưa cũ có thể khiến cho những thái độ tích cực như sự kiên nhẫn, lòng tốt, sự tôn trọng và chu đáo trở thành vấn đề của sự lựa chọn. Lựa chọn thái độ nào trong giai đoạn này, hoặc có thể không ngừng giúp đỡ đứa trẻ hoặc sẽ đánh gục nó và rồi gợi lại nỗi khiếp sợ của Cái Tôi Cha Mẹ xưa cũ, một sản phẩm của vô số các thế hệ cha mẹ tự cho mình là đúng đắn.
Với mỗi tương giao, trong khi các triết gia cần thiết đặt câu hỏi “Sau đó là gì?”, thì điều có ích với cha mẹ là phản xạ đặt câu hỏi “Điều gì đã xảy ra trước đó?”. Tương giao gốc là gì? Ai đã nói cái gì? Phản ứng của trẻ em không đi xa khỏi những gì đã kích thích chúng. Thói quen đặt câu hỏi đúng và lắng nghe câu trả lời sẽ giúp ta nhanh chóng nhận biết được nguồn gốc của khó khăn. Nếu một đứa trẻ sà vào lòng mẹ trong nước mắt, thì cô ấy có hai việc cần làm. Một là an ủi những khó chịu của Cái Tôi Trẻ Em và hai là giúp Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ hoạt động. Người mẹ có thể nói: “Mẹ biết là ai đó đã khiến con cảm thấy buồn... là một đứa trẻ thì thật khó khăn... đôi khi điều duy nhất con có thể làm là khóc... con có thể cho mẹ biết đã xảy ra chuyện gì không? Ai đó đã nói gì làm con cảm thấy buồn sao?”. Tương giao đã gây ra rắc rối sẽ nhanh chóng được thuật lại, rồi người mẹ và đứa trẻ có thể nói về nó bằng tương giao giữa hai Cái Tôi Người Lớn. Đôi khi chúng ta thấy những đứa trẻ cũng lợi dụng lẫn nhau. Ví dụ, đứa chị lớn đổi hai tờ 500 đồng của mình để lấy một tờ 5.000 đồng của đứa em gái bởi vì “hai tờ thì nhiều hơn một tờ”. Chúng ta có thể lập tức phạt đứa chị vì kiểu giao dịch “trên cơ” này, nhưng chúng ta phải tự hỏi: “Con bé đã học ở đâu chuyện đó?”. Nó có thể chỉ là sự sáng tạo bẩm sinh hay nó có thể là một bài học từ cha mẹ: Hãy thông minh và kiếm được nhiều tiền; việc kiếm tiền thật sự quan trọng hơn con người (ngay cả khi người đó là em gái).
Chúng ta thường quên rằng những phán xét mang tính giá trị mà chúng ta đưa ra được phản ánh trong hành động của con cái chúng ta nhanh như thế nào. H. Allen Smith kể lại một câu chuyện được viết bởi một cô bé chín tuổi: “Ngày xưa, có một cô bé tên là Clarissa Nancy Imogene LaRose. Cô bé không có tóc và chân rất to. Nhưng cô ấy vô cùng giàu có và những thứ khác không quan trọng”.
Bên cạnh việc hỏi “Điều gì đã xảy ra trước đó?”, Cái Tôi Người Lớn cũng có thể hỏi “Điều quan trọng cần xem xét ở đây là gì?”. Cái Tôi Cha Mẹ rất nhiệt tình và có thể phát lại tất cả các loại lý do tại sao người ta phải, nên, không nên thế này, thế kia... Lời chỉ trích này đánh vào đứa trẻ một cách ồ ạt và nó hầu như chẳng nghe thấy gì cả. Cái Tôi Người Lớn có thể chọn lọc và trình bày mặt tốt nhất, chứ không nhất thiết là tất cả các mặt.
Một tương giao đặc biệt gây rối loạn tổ chức đối với một đứa trẻ là khi cha mẹ trả lời một yêu cầu nào đó của đứa trẻ bằng tất cả những lý do dài dòng tại sao nó không nên làm điều đó, thay vì chỉ nêu rõ lý do chính. Nếu lý do chính đó không đủ mạnh để được thể hiện bằng thuật ngữ đơn giản, thì có lẽ nó nên bị loại bỏ.
Một đứa bé sáu tuổi bước vào nhà bếp, đi cùng là bốn đứa bạn chơi chung. Thời điểm lúc đó là bốn giờ bốn mươi lăm phút chiều. Người mẹ đang chuẩn bị bữa tối và khi đó đang nếm thử thức ăn. Đứa con sáu tuổi nói: “Mẹ ơi, chúng con có thể ăn cái gì đó không?”.
Người mẹ đáp lại với miệng đang ngậm thức ăn: “Không, gần đến giờ ăn tối rồi. Con ăn quá nhiều kẹo. Nó không tốt cho răng của con. Con sẽ no trước bữa tối đấy [Cô ấy đang lấp đầy bụng]. Nếu con ăn bây giờ, con sẽ không ăn nổi bữa tối [Cô ấy đang ăn]. Ra ngoài và chơi với bạn đi. Con cứ luôn làm bẩn nhà bếp. Tại sao con không bao giờ chịu dọn dẹp thứ gì cả vậy?”. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Cái Tôi Cha Mẹ của người mẹ giày vò đứa trẻ với một lô lốc những điều “còn nữa” mang tính răn dạy. Đứa trẻ đau khổ và bỏ đi và trở lại sau mười phút để có nhiều “thú vui và trò chơi” hơn.
Lý do thật sự khiến người mẹ bực mình là: “Tại sao con phải luôn dẫn tất cả những đứa trẻ hàng xóm vào nhà mình? Mẹ chán phải mang hết kem que ra cho lũ trẻ hàng xóm lắm rồi. Chẳng bao giờ còn sót lại gì cho nhà mình”. Vào khoảnh khắc cụ thể này, đó là lý do thật sự và là lý do chính đáng. Nhưng không thể đưa thẳng lý do đó ra nên người mẹ đã khiến con gái mình cảm thấy nặng nề với một tràng dữ liệu ngoại vi. Từ loại tương giao này, thay vì phát triển, đứa trẻ co mình lại và bắt đầu học những phương pháp ngoại vi (hoặc bị bóp méo) để tấn công vào sự thành lập tương giao. Nếu “lịch sự” là điều ngăn cản người mẹ đưa ra lý do thật sự, cô có thể chỉ đơn giản nói rằng “Không, chúng ta sẽ nói về chuyện đó sau nhé”. Sau đó, khi không có mặt những đứa trẻ khác, cô có thể giải thích vấn đề thực tế với con của mình. Hoặc cô ấy có thể đã nghĩ ra một cách chiêu đãi khác, vẫn có phần cho những đứa trẻ hàng xóm mà không cần đến kiểu thết đãi “tốn kém” như những que kem.
Trong trường hợp diễn ra, người mẹ đã nạp những sự bất nhất vào trong tương giao, tạo ra những thắc mắc trong tâm trí đứa trẻ: “Tại sao mẹ thì đang ăn mà chúng con không thể ăn? Có gì sai với chuyện no nê chứ? Mẹ đang no nê đó thôi. Mẹ cũng làm bẩn nhà bếp mà. Mẹ cũng ăn kẹo. Bao nhiêu kẹo thì gọi là ‘quá nhiều’?”. Đối với đứa trẻ, đó giống như một sự đàn áp, nếu không muốn nói là một kiểu chọc điên, giống như khi một người trưởng thành yêu cầu ông chủ mình tăng lương, anh ta sẽ được nghe đọc toàn bộ Mười Điều Răn.
Một người thành công khi muốn chứng minh bất kỳ luận điểm nào thường sẽ chỉ trình bày bằng chứng hữu hiệu nhất. Anh ta không làm lộn xộn tình thế của mình bằng những điều không thích hợp. Quy tắc tương tự cũng được áp dụng cho các bậc phụ huynh. Họ sẽ thành công trong việc rèn luyện con cái nếu họ dựa vào những lý lẽ tốt nhất. Việc này cho Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ một cơ sở vững chắc để xử lý và “máy tính” của nó sẽ không phải tải xuống các dữ liệu không cần thiết. Đứa trẻ cũng sẽ có cơ hội để thực hiện tương giao với lòng tự trọng thay vì cảm giác KHÔNG ỔN tràn ngập. Bạn kiềm chế việc ra rả vào tai nhân viên của bạn Mười Điều Răn vì bạn tôn trọng Cái Tôi Người Lớn của anh ta; nếu bạn muốn Cái Tôi Người Lớn trong đứa con của bạn phát triển, bạn cũng phải tôn trọng nó.
TRẺ EM ĐỘ TUỔI TỚI TRƯỜNG
Khi một đứa bé năm tuổi dũng mãnh bước đi vào ngày đầu tiên tới lớp mẫu giáo, nó sẽ mang theo trong mình khoảng 25.000 giờ các băng ghi hai mặt. Một mặt là Cái Tôi Cha Mẹ của nó. Mặt kia là Cái Tôi Trẻ Em. Nó cũng có một chiếc máy tính tuyệt vời có thể tắt các phản ứng và cho ra hàng ngàn ý tưởng tuyệt vời, nếu nó không hoàn toàn bị cuốn vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ cảm giác KHÔNG ỔN. Một đứa trẻ sáng sủa là đứa trẻ đã nhận được rất nhiều sự vỗ về, là người đã học cách sử dụng và tin tưởng Cái Tôi Người Lớn của mình và biết rằng Cái Tôi Cha Mẹ của nó ỔN và sẽ duy trì thái độ như vậy ngay cả trong những lúc nó cảm thấy không ỔN. Đứa trẻ sẽ học được tài khéo léo dàn xếp của Cái Tôi Người Lớn (mặc dù đôi khi có thể là sự phát lại), nó sẽ có sự tự tin, thứ được phát triển từ việc giải quyết thành công vấn đề, và nó sẽ cảm thấy tốt đẹp về bản thân. Ở thái cực ngược lại là một đứa trẻ nhút nhát, người có 25.000 giờ băng ghi luôn phát lại dữ liệu hỗn độn của sự giám sát và chỉ trích chói tai, tạo ra nhịp điệu lặp đi lặp lại đều đều, KHÔNG ỔN, KHÔNG ỔN, KHÔNG ỔN. Đứa trẻ cũng có một máy tính tuyệt vời nhưng không được sử dụng nhiều. Tác giả Luigi Bonpensiere, trong một quyển sách nhỏ ấn tượng nói về việc chơi đàn piano, đã nhận xét về việc chúng ta đã sử dụng bộ máy vật lý tuyệt vời của cơ thể theo cách tệ hại như thế nào: “Giống như ta có một bộ máy hoàn hảo nhất, được thiết kế và chế tạo ra dành cho một người giỏi khai thác hiệu năng của nó, và rồi ta lại bỏ mặc nó cho một kỹ sư được đào tạo kém, người mà rốt cuộc sẽ chỉ phàn nàn về những hạn chế của bộ máy”.
Nếu đứa trẻ không thể sử dụng “chiếc máy tính” của mình, nhiều khả năng là vì nó chưa bao giờ nhìn thấy một người nào đó sử dụng, hoặc đã không có ai giúp nó học cách sử dụng. Nếu đứa trẻ học kém ở trường, nó sẽ bộc lộ sự than phiền về sự hạn chế của bản thân: “Tôi thật là ngu ngốc”, còn tuyên bố của cha mẹ nó sẽ là: “Nó đã không thể hiện hết tiềm năng của mình”. Vấn đề cơ bản là mức độ nghiêm trọng của vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN. Trường học là nơi mà xét về mặt học thuật thì “người giỏi sẽ thành giỏi hơn và người dở sẽ thành dở hơn”, trừ khi có những giáo viên thật sự có năng lực. Ở một đứa trẻ thể hiện những vấn đề rõ ràng với trường học – hành vi phá hoại, trạng thái mơ màng, thành tích kém – ta có thể tin chắc rằng vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN là mối bận tâm xuyên suốt của nó. Trường học là một môi trường cạnh tranh với quá nhiều mối đe dọa đối với Cái Tôi Trẻ Em, và ngay từ đầu đã có quá ít cơ hội cho những thành tựu để làm giảm thiểu cảm giác KHÔNG ỔN ở đứa trẻ. Những năm học đầu tiên có thể là sự khởi đầu của một mô hình các tương giao mang tính kiểm tra định kỳ, mà theo cảm nhận của đứa trẻ là sự nhấn mạnh vị thế KHÔNG ỔN của nó, với sự góp sức của cảm giác vô tích sự và tuyệt vọng. Khía cạnh thật sự cấp bách của tình huống này là tất cả đời sống đều có tính cạnh tranh, bắt đầu từ đời sống trong gia đình và trải rộng đến toàn bộ đời sống trường học và thế giới trưởng thành của đời sống xã hội. Các cảm xúc và kỹ thuật liên quan đến việc đương đầu với vị thế KHÔNG ỔN mà những đứa trẻ đã thiết lập trong môi trường gia đình và trường học có thể tồn tại xuyên suốt đến những năm trưởng thành và có thể phủ nhận những thành quả cùng sự hài lòng dựa trên ý thức chân chính về tự do định hướng số phận mình.
Lời khuyên của tôi dành cho các bậc cha mẹ có con đang gặp khó khăn trong trường học là hãy học về mô hình P-A-C một cách nghiêm túc và bắt đầu xử lý các tương giao với con cái dưới dạng Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn, nếu cần hãy tìm đến sự hỗ trợ của trị liệu. Họ phải luôn ghi nhớ ảnh hưởng to lớn của cảm giác KHÔNG ỔN. Nguyên tắc là: Khi hoài nghi, hãy vỗ về. Điều này sẽ giúp đứa trẻ đang sợ hãi, lo lắng cảm thấy được xoa dịu trong khi Cái Tôi Người Lớn tiếp tục đương đầu với thực tế của tình huống. Tuy nhiên, thường thì những thực tế này không được làm rõ cho đứa trẻ. Tiến sĩ Warren Prentice, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Sacramento State và là thành viên của Hội đồng Viện Nghiên cứu Phân tích Tương giao đưa ra giả thuyết là khi một đứa trẻ mang về nhà một bảng điểm ghi “cố gắng hơn nữa” nó sẽ hiểu thông điệp này như một tuyên bố chung là BẠN KHÔNG ỔN. Điều đứa trẻ cần biết là “cố gắng cái gì hơn nữa”. Còn lời phê “quá chậm” sẽ bao hàm câu hỏi “nhanh như thế nào mới phải?”. Prentice cho rằng đứa trẻ cần phải được giúp đỡ để xác định những lĩnh vực mà nó đang hoặc có thể làm tốt, và điều này không thể được thực hiện bằng một bài kiểm tra viết, vì chính phương tiện này gợi lên băng ghi cũ: “Mình không làm được, vậy còn cố gắng làm gì?”. Việc đó được thực hiện bằng cách lắng nghe và trò chuyện với đứa trẻ. Ông nói, nếu một đứa trẻ đang gặp khó khăn trong trường học thì thật vô nghĩa khi giả định rằng một kỳ học hè hay kỳ nghỉ cuối tuần với mọi thứ chẳng có gì khác có thể giúp được nó, trừ khi có một vấn đề đặc biệt được tách ra và giải quyết. Cái Tôi Cha Mẹ nói “Hãy làm nhiều hơn nữa” thì Cái Tôi Người Lớn sẽ hỏi “Làm cái gì nhiều hơn nữa?”.
Điều này gợi nhớ một bài xã luận xuất hiện trên tạp chí Kansas City Star92 nói đến một quan chức chính phủ nào đó đã tuyên bố rằng có quá nhiều trẻ vị thành niên trong các quán rượu. Bài xã luận nêu ra: “Ông ta nói rằng có quá nhiều trẻ vị thành niên trong các quán rượu, nhưng như thường lệ, ông đã không chỉ ra được có bao nhiêu trẻ vị thành niên thì ổn”.
92 Tờ tạp chí của thành phố Kansas, bang Missouri, Mỹ, được thành lập từ năm 1880.
Sau một bài nói chuyện về Phân tích Tương giao cho một nhóm các nhà giáo dục, tôi được nghe rằng “Chúng ta phải đưa nó vào trường học”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhiều phụ huynh cũng đồng ý. Câu hỏi “Phân tích Tương giao có nên được giảng dạy trong các trường học hay không?” được đặt ra cho sáu mươi sáu phụ huynh đã hoàn thành một chuỗi bài giảng kéo dài tám tuần về Phân tích Tương giao. Có chín mươi bốn phần trăm phụ huynh tán thành đưa nó vào trường trung học phổ thông và tám mươi lăm phần trăm muốn nó được dạy ở trường trung học cơ sở và tiểu học.
Giáo dục được dự báo là phương thuốc tốt nhất cho các căn bệnh của thế giới. Tuy nhiên, những căn bệnh đó đều gắn chặt với hành vi. Do đó, giáo dục hành vi thông qua một hệ thống dễ hiểu như mô hình P-A-C có lẽ là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đang bao vây, đe dọa hủy diệt chúng ta. Những nhiệm vụ liên quan gần như vẫn vượt tầm hiểu biết, nhưng theo một cách nào đó, tại một số thời điểm, chúng ta phải tiến hành một kiểu cắt đứt nào đó với cuộc hành quân không nao núng của các thế hệ hướng đến sự điên rồ hoặc các hình thức tự hủy khác, những thứ vốn bắt nguồn từ thời thơ ấu.
TRẺ ĐỘ TUỔI THIẾU NIÊN TRONG ĐIỀU TRỊ
Tuổi thiếu niên được một số cha mẹ xem là khoảng thời gian yên ổn sau cùng trước khi các nội tiết tố và “vấn đề tóc tai” của tuổi vị thành niên xuất hiện, làm phức tạp hóa mối quan hệ vốn có thể đã khó khăn giữa con cái và cha mẹ. Đây là thời gian mà những đứa trẻ được tiếp xúc tối đa với những khái niệm mới của thế giới về bản thân chúng, trong trường học và trong các mối quan hệ xã hội. Đó là khoảng thời gian những đứa trẻ thực hiện những trò chơi đầu tiên của chúng bằng những bước đi sáng tạo mới, dẫn đến việc làm cha mẹ bị mất phương hướng và gây những vấn đề khác cho bác sĩ. Chúng ta phải nhớ rằng Cái Tôi Trẻ Em cần sự an toàn từ người thân, sự nhất quán, sự vỗ về, sự công nhận, chấp thuận và hỗ trợ. Một số trẻ phát hiện ra rằng cách để đạt được sự an toàn này là tuân thủ và hợp tác, hoặc chủ động tạo ra nó nếu cha mẹ cho phép. Những đứa trẻ khác không học được cách thức tìm sự vỗ về theo kiểu này sẽ tiếp tục sử dụng các kỹ thuật đầu đời của đứa trẻ ba tuổi như cư xử tùy hứng, thử nghiệm, ganh đua, trốn tránh, trộm cắp và dụ dỗ. Những kỹ thuật này có thể phá vỡ sự tổ chức của gia đình, đặc biệt là khi đứa trẻ tuổi thiếu niên áp dụng trí tuệ lém lỉnh của mình để đạt sự hoàn hảo.
Năm 1964, tôi bắt đầu một nhóm trị liệu cho trẻ em độ tuổi thiếu niên, chín đến mười hai tuổi. Nhóm họp mỗi tuần một lần. Một nhóm dành cho cha mẹ chúng thì gặp nhau mỗi hai tuần một lần vào buổi tối. Các nhóm này tiếp tục hoạt động trong suốt năm học. Vào cuối năm, mỗi đứa trẻ cùng với cha mẹ của mình được mời đến để khảo sát kết quả. Những thay đổi đã gây ấn tượng sâu sắc. Ngay cả diện mạo bên ngoài của những đứa trẻ cũng thay đổi; nhiều đứa trẻ trước đây biểu hiện cảm giác KHÔNG ỔN rõ ràng trên khuôn mặt và cử chỉ, nay đã có cải thiện đáng kể. Tất cả các gia đình đều thuật lại rằng đã có sự cải thiện trong giao tiếp giữa các thành viên trong nhà. Đứa con cảm thấy có thể nói về cảm xúc của mình và giải thích quan điểm của bản thân mà không dẫn đến một trận sóng gió với phụ huynh hay một ngõ cụt ảm đạm. Cha mẹ khám phá ra rằng họ có thể đưa ra những yêu cầu và đặt ra giới hạn thực tế mà không khiến trẻ có những hành vi bùng nổ cảm xúc. Trẻ và cha mẹ được khuyến khích sử dụng khái niệm “giao kèo”, một kiểu trình bày kỳ vọng chung, thảo luận và điều chỉnh lại theo thời gian ở cấp độ tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn. Ở những gia đình thực hiện giao kèo này rõ ràng, có quy định những điều nên và không nên làm cũng như những hậu quả khi phá vỡ giao kèo, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã được cải thiện rõ rệt. Giao kèo là một trong những công cụ tốt nhất tôi biết để đảm bảo sự nhất quán trong định hướng và kỷ luật; tuy nhiên, bởi vì nó được đưa ra bởi Cái Tôi Người Lớn nên nó có thể được xem xét lại bằng Cái Tôi Người Lớn theo từng thời điểm, để tối ưu hóa lợi ích của việc không ngừng cập nhật và linh hoạt đáp ứng những thay đổi của thực tế. Nhiều bậc cha mẹ đối xử với những đứa con tuổi thiếu niên theo cùng một cách mà họ đối xử với chúng khi chúng mới được bốn tuổi. Thông thường là vì họ muốn duy trì sự kiểm soát nghiêm ngặt của mình nhưng thường hơn thì đơn giản là họ không đánh giá đúng những thay đổi của trẻ từ năm này sang năm khác cũng như không đánh giá đúng sự gia tăng khả năng sử dụng Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ. Nghĩa là, sau tất cả, với Cái Tôi Người Lớn, trẻ sẽ học cách kiểm soát thực tế bên trong. Việc cha mẹ nhận thức được rằng đứa trẻ có một Cái Tôi Người Lớn và nó không còn là một “đứa bé ngu ngơ” sẽ lập tức làm giảm sự va chạm trong các tương giao gia đình.
Những thân chủ tuổi thiếu niên của tôi học được mô hình P-A-C khá dễ dàng và thấy nó thú vị và hữu dụng. Được hỗ trợ bởi sự chấp thuận của cha mẹ, những người cũng hứng thú và quan tâm, sự hiểu biết của lũ trẻ về Phân tích Tương giao tăng lên nhanh chóng. Khi cuộc đối thoại giữa Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Trẻ Em trong nội tâm lẫn bên ngoài đỡ căng thẳng, tức là Cái Tôi Người Lớn đã ít nhiều được giải phóng để làm việc với những vấn đề quan trọng nhằm tìm hiểu về cuộc sống. Đây là thời điểm các cô cậu bé mơ mộng về con người chúng muốn trở thành, khi chúng bắt đầu phát triển chủ nghĩa lý tưởng mạnh mẽ và cảm nhận được một kiểu thân thuộc mới trong mối quan hệ với bạn bè. Đó là lúc lũ trẻ bắt đầu đặt những câu hỏi khó về đúng sai. Đó là thời gian của Tom Sawyers và Huckleberry Finns93, những người “cắt máu ăn thề” và những người muốn nhiều và ngày càng nhiều điều tốt đẹp từ cuộc sống. Đây là thời điểm đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm với kiểu cuộc sống trong đó cha mẹ nó là người lãnh đạo. Trong những năm thiếu niên của con cái, có thể thấy rõ rằng làm một bậc phụ huynh tốt – như thể đó là vai trò duy nhất của những người lớn – là chưa đủ, mà phụ huynh còn phải là những người tốt, có những quan tâm sâu rộng và mang tính sáng tạo về mọi thứ trên đời, chứ không chỉ đơn thuần bị bó gọn trong những lo lắng và bận tâm về “con tôi, gia đình tôi, và liệu tôi có phải là một phụ huynh tốt không”.
93 Nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain.
Alan Watts, cựu linh mục Anh giáo và là một chuyên gia về triết học phương Đông, nói về thái độ tự chuốc thất bại của những bậc cha mẹ “ngồi nhà lo lắng liệu mình có đang làm điều tốt nhất cho con và sống như thể điều duy nhất bạn phải tạo ra là một đứa trẻ được nuôi dạy tốt”. Ông nói: “Rắc rối là ở nhiều gia đình, người làm cha mẹ có cảm giác tội lỗi về việc liệu họ có nuôi dạy con cái đúng cách hay không. Họ nghĩ rằng lý do duy nhất để làm tốt công việc của riêng họ là mang lại kết quả tốt nhất ở đứa con. Điều này giống như cố gắng hạnh phúc chỉ để được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là một sản phẩm phụ...94”.
94 A. Watts, trong cuốn A Redbook Dialogue, Vol. 127, No.1 (tháng Năm năm 1966).
Một đứa trẻ ngoan cũng vậy. Nếu điều duy nhất mà đứa trẻ có thể mong đợi khi trở thành người lớn chính là trở thành cha mẹ và sẽ phải “chăm sóc một đứa trẻ rắc rối (như chính nó), vậy thì nó còn bận tâm làm gì? Đây là chỗ mà các bậc phụ huynh nên đặt một câu hỏi tốt hơn: “Tôi là một người như thế nào khi ở cạnh con tôi?”, thay vì “Tôi là kiểu cha mẹ nào?”. Tôi muốn con tôi hạnh phúc. Vậy trong gia đình chúng tôi có tồn tại niềm vui không? Tôi muốn nó là đứa trẻ sáng tạo. Vậy bản thân tôi có hứng thú với những điều mới mẻ không? Tôi muốn con tôi học một cái gì đó. Vậy tôi đã đọc được bao nhiêu quyển sách trong tháng qua, năm qua? Tôi muốn nó có bạn bè. Vậy tôi thân thiện ra sao? Tôi muốn con tôi sống có lý tưởng. Vậy tôi có lý tưởng nào không? Những lý tưởng đó có đủ quan trọng để tôi thể hiện bằng hành động không? Tôi có bao giờ nói con nghe về những gì tôi tin tưởng? Tôi muốn con mình là một người rộng lượng. Vậy tôi có quan tâm đến nhu cầu của bất kỳ ai ngoài gia đình của tôi không?
Mọi người không thể thu hút những gì họ muốn mà chỉ thu hút những gì giống như họ. Người ta cũng không nuôi dạy được những đứa trẻ mà họ muốn, họ làm cha mẹ như thế nào thì sẽ nuôi dạy ra những đứa con như thế ấy. Chính trong sự “hướng ngoại” của các bậc cha mẹ mà những đứa trẻ ở tuổi thiếu niên có thể bắt đầu nhìn thấy con đường dẫn ra khỏi mối bận tâm của cảm giác KHÔNG ỔN. Chính “ở ngoài kia”, trong thế giới và với mọi người, nơi hành động diễn ra, nơi mà, với Cái Tôi Người Lớn ngày càng mạnh mẽ hơn, trẻ có thể có những trải nghiệm tạo ra các cảm giác ỔN để chống lại cảm giác KHÔNG ỔN đầu đời.
CON NUÔI
Giai đoạn thiếu niên đặc biệt khó khăn đối với những đứa trẻ phải vật lộn với những gánh nặng phụ thêm. Ví dụ, đây là thời gian mà một đứa trẻ được nhận nuôi có thể đột ngột bùng nổ một cuộc nổi dậy quyết liệt với cha mẹ, bất chấp tất cả những câu chuyện đầy thiện ý mà nó được nghe về việc “được chọn”. Từ lâu, nguyên tắc tiêu chuẩn của các cơ quan nhận con nuôi là đứa trẻ phải được thông báo càng sớm càng tốt rằng nó là con nuôi, thật ra là quá sớm, trước khi Cái Tôi Người Lớn của nó đủ sức kiểm soát các tương giao. Tất cả những gì đứa trẻ rút ra là nó khác biệt với mọi người. Ở độ tuổi ba đến bốn, nó không có đủ dữ liệu để hiểu ý nghĩa của việc nhận con nuôi. Tất cả những gì nó cần biết là nó thuộc về ai đó, thuộc về cha mẹ mình. Những điều tốt đẹp khác của việc được sinh ra đời không có ý nghĩa gì đối với nó ở tuổi này. Vậy mà một số cha mẹ nuôi còn tạo ra những vấn đề “con nuôi”, từ thực tế rằng “giữa những đứa trẻ khác, cha mẹ đã chọn con”, rằng đứa trẻ phải mang ơn cha mẹ nó, một ân tình mà nó không thể đền đáp. Con phải làm sao để đủ tốt với cha mẹ, khi mà cha mẹ đã quá tốt khi chọn con? Điều này là cùng một kiểu “hạ thấp” mà chúng ta thấy khi ai đó cảm thấy cần phải nói “cảm ơn” với người khác chỉ bởi họ đã “rộng lòng” cư xử lịch thiệp với anh ta như một con người – ví dụ, một người cao tuổi nói “cảm ơn” một người trẻ tuổi đơn giản vì cậu ta đã nói “xin chào” với mình.
Cảm giác khác biệt của con nuôi có thể thổi phồng cảm giác KHÔNG ỔN cho đến khi đứa trẻ ngập tràn thất vọng. Quan điểm của tôi về vấn đề này là cuộc thảo luận về việc “là con nuôi” phải được hoãn lại cho đến khi đứa trẻ có một Cái Tôi Người Lớn đủ mạnh, có lẽ ở tuổi lên sáu hoặc bảy. Các bậc cha mẹ có thể phản bác lại điều này và biện hộ rằng cần “trung thực hoàn toàn với con tôi”. Tôi cho rằng có một nguyên tắc quan trọng hơn sự trung thực trừu tượng nên được áp dụng trong trường hợp này, đó là mối quan tâm thật sự dành cho đứa trẻ, người mà vốn không thể xử lý tất cả các dữ liệu phức tạp của tương giao này. Chúng ta phải can thiệp và bảo vệ trẻ em khỏi những điều khác mà các em còn quá nhỏ để hiểu. Vậy thì tại sao ta không can thiệp vào tình huống này và bảo vệ chúng khỏi những “sự thật” mà chúng không thể hiểu được.
“Nhưng nó vẫn sẽ nghe được chuyện đó từ những đứa trẻ hàng xóm!” – cha mẹ có thể phản bác. Đúng, đứa trẻ sẽ nghe được chuyện đó. Nhưng dữ liệu này được đứa trẻ ghi nhận như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc cha mẹ nó phản ứng ở mức độ nào. Nếu đứa trẻ về nhà kể lại rằng những đứa trẻ khác nói nó là con nuôi và hỏi “con nuôi có nghĩa là gì?”, người mẹ có thể chuyển đề tài sang những điều không quan trọng có liên quan, như trấn an đứa trẻ rằng “con thuộc về gia đình này”. Nếu cha mẹ giúp đứa trẻ cảm thấy nó thật sự thuộc về gia đình, thì chẳng bao lâu nó sẽ có một Cái Tôi Người Lớn đủ mạnh mẽ để hiểu tại sao cha mẹ trì hoãn nói với nó các chi tiết của việc nhận nuôi, nhằm tránh cho nó những gánh nặng của sự thật khó hiểu và phiền hà.
Chúng ta phải xem lại sự độc đoán của mình. Liệu tiết lộ toàn bộ sự thật có luôn là cách tốt nhất? Bề ngoài thì có vẻ như vậy. Tuy nhiên, như Trueblood chỉ ra, “Chúng ta luôn phạm lỗi đơn giản hóa quá mức khi chỉ nhấn mạnh vào một trong những nguyên tắc có liên quan”. Bằng ví dụ dưới đây, ông cho rằng có lẽ mối quan tâm về hạnh phúc con người là một tiêu chuẩn cao hơn và đáng quý hơn sự trung thực trừu tượng:
Hãy xem xét các hậu quả của việc nói lên sự thật trong mọi trường hợp. Giả sử bạn đang sống ở một đất nước chuyên chế, ở đó một người đàn ông can đảm, có nguyên tắc sống cao cả đã bị phạt tù. Bạn tình cờ nhìn thấy anh ta đang lẩn trốn ở một con phố nọ và ngay sau đó phát hiện rằng các lính canh đang tìm kiếm anh ta. Bạn biết chắc rằng nếu bị bắt trở lại nhà tù thì anh ta sẽ bị tra tấn. Lính canh hỏi bạn có nhìn thấy kẻ đào tẩu dưới phố không, và câu trả lời của bạn chỉ có thể là Có hoặc Không. Thế thì trong trường hợp cụ thể này, trách nhiệm đạo đức của bạn là gì?95
95 Elton Trueblood, trong cuốn General Philosophy (New York: Harper & Row, 1963)
Đây là một tình huống trong đó các quyết định của chúng ta rõ ràng phải được thực hiện dựa trên sự cân nhắc, đối chiếu các khó khăn. Đây là những gì cha mẹ phải làm khi đối diện với vấn đề phải nói gì với đứa con nuôi của mình. Rất khó để nói với đứa trẻ rằng nó được nhận nuôi, và cũng thật khó để không nói với nó sự thật ấy. Cuối cùng thì nó cũng sẽ biết. Nhưng cha mẹ có thể điều chỉnh việc nói ra sự thật theo cách bảo vệ đứa con khỏi cảm giác KHÔNG ỔN, bằng cách chọn thời gian, phương tiện và nội dung thích hợp. Chúng ta không thể phác thảo những gì cần nói cho mọi hoàn cảnh, cho các gia đình khác nhau. Nhưng chúng ta có thể giúp cha mẹ nhận ra tình huống Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN và những ảnh hưởng khác nhau từ mô hình P-A-C của chính họ. Với kiến thức này, bậc làm cha mẹ có thể tùy cơ ứng biến và yêu thương đứa trẻ vì chính con người nó, với tư cách con cái của họ!
Sự hiểu biết về tình huống của đứa trẻ sẽ giúp cha mẹ ra những quyết định có khả năng tạo ra sự vỗ về tối đa, giảm thiểu cảm giác KHÔNG ỔN, hỗ trợ tối đa cho sự thật “con thuộc về cha mẹ”. Sự hiểu biết này cũng sẽ giúp cha mẹ nuôi nhạy cảm với Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của chính họ. Nhiều người không thể sinh con cảm thấy rất KHÔNG ỔN, vì vậy họ có đòi hỏi quá đáng ở đứa con nuôi: Đứa trẻ này được mang về không phải để làm xấu hổ gia đình!
Đối với đứa con nuôi, gánh nặng của cảm giác KHÔNG ỔN thậm chí còn lớn hơn, nhưng cũng như với bất kỳ đứa trẻ nào, chúng ta phải bắt đầu ngay ở tình huống hiện tại. Chúng ta không thể quay ngược thời gian và tái cấu trúc hoàn cảnh thành cái gì đó vốn không tồn tại. Sự hữu ích của mô hình P-A-C nằm ở việc xác lập trật tự từ sự hỗn loạn của cảm xúc, ở việc tách biệt Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em, và ở việc đưa ra một lựa chọn. Trong nhiều năm làm tư vấn cho Bộ phận Phúc lợi Trẻ em của Phòng Phúc lợi Quận Sacramento, tôi đã có cơ hội làm việc với một số lớn con nuôi và cha mẹ nuôi của chúng. Tôi nhận thấy rằng nếu chúng ta có thể phát triển ở cả cha mẹ lẫn con sự nhạy cảm với ảnh hưởng của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em trong cả hai, thì chúng ta có thể tìm ra những cách tốt nhất giúp những đứa trẻ này vượt qua những bản ghi KHÔNG ỔN được tạo ra từ những chấn thương tâm lý đầu đời.
Những đứa con trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ là những đứa trẻ mồ côi trong một cơn bão khác: cơn bão cảm xúc đáng sợ, não nề đã khiến gia đình tan nát. Ly hôn luôn là một tình huống KHÔNG ỔN, chắc chắn sẽ “câu” được cảm giác KHÔNG ỔN của Cái Tôi Trẻ Em trên mọi phương diện. Trong những giai đoạn không may mắn này của đời người, Cái Tôi Người Lớn hiếm khi vận hành. Đây là vấn đề chính. Người mẹ và người cha hoàn toàn bị cuốn vào cuộc chiến với các tương giao chéo, bỏ mặc đứa con tự mình vượt quá mớ hỗn độn của chúng. Mặc dù cha mẹ có thể vẫn quan tâm nhưng họ thường không đủ khả năng giúp đỡ con cái vượt qua sự tan vỡ của gia đình mà không cảm thấy sợ hãi và nhục nhã, những điều vốn sẽ làm tăng thêm cảm giác KHÔNG ỔN. Trong trường hợp này, cũng như trong mọi trường hợp trẻ em trải qua thời kỳ căng thẳng dữ dội khác, trẻ vẫn có khả năng tự giải phóng bản thân khỏi rắc rối của quá khứ nếu chúng nhận ra rằng chúng có một Cái Tôi Người Lớn, thứ có thể giúp chúng tìm ra thực tại của chính mình và tìm ra phương cách riêng để thoát ra khỏi khu rừng cảm xúc mà chúng đang mắc kẹt.
ĐỨA TRẺ BỊ HÀNH HUNG
Đứa trẻ bị hành hung được lập trình cho hành động tội ác. Đây là đứa trẻ từng bị đánh đập tàn nhẫn đến tan xương nát thịt hết lần này tới lần khác.
Cái gì được ghi lại trong Cái Tôi Trẻ Em và Cái Tôi Cha Mẹ của đứa trẻ này vào thời điểm nó bị đánh đập như vậy?
Trong Cái Tôi Trẻ Em ghi lại những cảm giác thê thảm của sự khủng hoảng, sợ hãi và hận thù. Đứa trẻ đang phải đấu tranh, vật lộn trong cơn ác mộng này (thử đặt mình vào vị trí của nó xem) đang nổi cơn thịnh nộ bên trong: “Nếu tôi to lớn như ông, tôi sẽ giết ông!”. Ở đây xuất hiện sự chuyển đổi vị thế sống, chuyển sang vị thế bệnh thái nhân cách TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Trong Cái Tôi Cha Mẹ của nó ghi lại sự cho phép đối xử tàn độc với người khác hoặc giết họ, đồng thời ghi lại những cách thức tinh vi để thực hiện hành động đó.
Trong cuộc sống về sau của đứa trẻ này, dưới những căng thẳng tràn ngập, những bản ghi cũ có thể được mở đường: Nó có mong muốn giết người (Cái Tôi Trẻ Em) và nhận được sự cho phép (Cái Tôi Cha Mẹ). Và nó thật sự làm thế!
Nhiều tiểu bang đã ban hành đạo luật về trẻ em bị bạo hành, yêu cầu các bác sĩ, từ những thương tích mà họ đang chữa trị, nếu nghi ngờ một đứa trẻ bị bạo hành thì phải báo cáo ngay cho chính quyền. Vấn đề là, sau đó thì sao? Tôi cho rằng việc tiên lượng này chẳng mấy ích lợi trừ khi đứa trẻ được điều trị chuyên sâu ở thời điểm nó đến tuổi thiếu niên, nhờ đó nó có thể hiểu được nguồn gốc của những cảm xúc thôi thúc hành vi giết người của mình và hiểu thêm rằng bất chấp quá khứ, nó vẫn có thể đưa ra lựa chọn cho tương lai. Nếu xã hội không cung cấp được quá trình trị liệu này cho đứa trẻ bị bạo hành, tức là đang đùa giỡn với một khẩu súng đã được nạp đạn.
Dĩ nhiên có các mức độ bạo hành khác nhau. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi kiểu ngược đãi thể chất với trẻ em đều tạo ra các cảm giác bạo lực có khả năng lặp lại. Huấn thị được nó ghi lại là: Khi ai đó sai trái, hãy đánh họ! Phán quyết sau cùng của “tòa án tối cao” là sử dụng bạo lực. Tôi không tin vào hiệu quả của việc dùng đòn roi, ngoại lệ duy nhất là trường hợp đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu được sự nguy hiểm. Đánh đòn có thể là cách duy nhất để răn đe trẻ không được chạy ra giữa đường phố. Nhưng cách này cũng chỉ hiệu quả trong trường hợp này nếu nó không được sử dụng hàng ngày, cho những trường hợp không nguy hiểm như để tràn sữa hoặc ức hiếp em gái. Không thể dùng bạo lực để dạy về phi bạo lực.
Tuy nhiên, là con người, các bậc phụ huynh đôi khi mất bình tĩnh với con cái họ. Cảm xúc của cả cha mẹ và con cái có thể được đem ra thảo luận bằng mô hình P-A-C, để từ những rắc rối đã xảy ra có thể dẫn đến điều gì đó mang tính xây dựng như làm thế nào để ngăn chuyện đó xảy ra lần nữa. Quan trọng là cha mẹ phải nhận ra trừng phạt về thể xác đối với con cái chỉ là sự lộng hành của Cái Tôi Trẻ Em bên trong họ chứ không phải là một thuộc tính tích cực để xây dựng kỷ luật.
Bruno Bettelheim96 từng viết:
96 Bruno Bettelheim (1903 – 1990) là nhà tâm lý học, tác giả người Áo và hoạt động chủ yếu ở Mỹ. Nghiên cứu của ông tập trung vào giáo dục trẻ em bị rối loạn cảm xúc. Ông là tác giả đầu tiên viết về chứng tự kỷ.
Hãy dừng lại một chút và thực hiện bài tập đơn giản là thật sự định nghĩa từ “kỷ luật”. Nếu tra từ điển Webster’s, bạn sẽ thấy nó có cùng nguồn gốc với từ “môn đồ”. Ngày nay, môn đồ không phải là người được dạy bằng cách “gõ đầu” nữa. Đó là người theo học với một bậc thầy, để theo nghề của thầy mình. Đây cũng chính là khái niệm của “kỷ luật”. Vậy nên, nếu bạn cho con mình thấy rằng “Khi tức giận thì đánh; bạo lực là cách hữu hiệu để có thứ mình muốn”, chúng sẽ bắt chước y như vậy. Và rồi bạn than phiền về bạo lực lan tràn trong thành phố của chúng ta97.
97 B. Bettelheim, trong bài viết “Hypocrisy Breeds the Hippies” đăng trên Ladies Home Journal, tháng Ba năm 1968.
DẠY MÔ HÌNH P-A-C CHO TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN
Khi chúng ta nhận thức được rằng mọi đứa trẻ đều phải vật lộn dưới sức ép của cảm giác KHÔNG ỔN, chúng ta bắt đầu đánh giá đúng gánh nặng khủng khiếp mà những trẻ chậm phát triển đang mang vác trên mình. Trẻ chậm phát triển không chỉ cảm thấy KHÔNG ỔN, mà nó thật sự kém ỔN về năng lực trí tuệ hơn so với những đứa trẻ khác. Đi kèm với chậm phát triển trí tuệ thường là những khiếm khuyết về thể chất và những dị dạng hữu hình – những thứ dễ khiến người khác có các phản ứng có thể tạo tiền đề cho việc tự hạ thấp bản thân của chính đứa trẻ. Trong cạnh tranh với những đứa trẻ khác, vị thế của nó tiếp tục được xác nhận lại một lần nữa, và việc bùng nổ những cảm xúc đang sôi sục khiến những vấn đề của nó tăng lên nhiều lần. Thực tế, đứa trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng chiếc máy tính thiếu sót mà nó có, bởi chiếc máy đã bị suy yếu hơn nữa do ảnh hưởng liên tục, mang tính phá hoại của cảm giác KHÔNG ỔN.
Sự bất lực của đứa trẻ trong việc trụ vững trong một xã hội đầy rẫy sự so sánh và cạnh tranh đôi khi sẽ sản sinh ra những xung đột đòi hỏi sự chăm sóc nội viện, ở đó sự cạnh tranh này được giảm thiểu. Thế nhưng sự hỗn loạn cảm xúc của trẻ tiếp tục giày vò nó và cả những người xung quanh. Hiệu quả của tâm lý trị liệu đối với người chậm phát triển là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Có rất ít tài liệu tâm thần học về việc trị liệu cho người chậm phát triển. Trị liệu theo nhóm rất ít khi được thử nghiệm. Những phương pháp truyền thống được sử dụng trong hầu hết những chương trình điều trị tại nhà bao gồm việc kiểm soát vừa phải của cha mẹ, sắp xếp thời gian, né tránh những sự cạnh tranh quá mức và tạo cơ hội cho những thành công liên quan với nghề nghiệp mà đứa trẻ có thể làm. Những phương pháp này khá thành công trong việc cung cấp một cuộc sống an toàn và đôi khi hạnh phúc cho người chậm phát triển. Tuy nhiên, kiểu tương giao mà phương pháp này dựng nên hầu hết là Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Trẻ Em, và dù chúng có ích, nhưng hiệu quả rất hạn chế trong việc giúp đỡ thanh thiếu niên phát triển sự kiểm soát nội tâm bằng việc làm mạnh Cái Tôi Người Lớn. Một vấn đề dai dẳng mà các nhân viên tại cơ sở lưu trú dành cho trẻ chậm phát triển luôn phải đối mặt chính là tiêu tốn thời gian trong việc giải quyết những đợt bùng phát cảm xúc của trẻ.
Ở Sacramento, một chương trình mới giảng dạy mô hình P-A-C cho người chậm phát triển đã được tiến hành vào tháng Một năm 1966 bởi Dennis Marks, một bác sĩ nhi khoa, đồng thời là giám đốc của Laurel Hills, trung tâm nhà ở một trăm giường dành cho người chậm phát triển vừa mới hoàn thành gần đây. Marks cũng là thành viên của hội đồng quản trị Học viện Phân tích Tương giao, ông dần cảm thấy mô hình P-A-C là một hệ thống vô cùng dễ hiểu và có thể được giảng dạy cho những người sống trong trung tâm của ông. Độ tuổi của những người chậm phát triển ở trung tâm dao động từ sáu tháng tuổi đến bốn mươi bảy tuổi. Những người tham gia các nhóm học mô hình P-A-C ở trung tâm có mức IQ dao động từ 30 đến 75. Một phần ba trong số họ có những khiếm khuyết đáng kể về thể chất và nhiều người mắc phải chứng rối loạn co giật. Một phần ba được cách ly và hai phần ba được chuyển đến từ những cơ quan cộng đồng như cơ quan phúc lợi và thỉnh thoảng cũng có từ cơ quan quản chế. Họ đến từ nhà riêng, nhà dưỡng lão và đôi khi là từ bệnh viện bang hoặc những trung tâm tạm giam trẻ vị thành niên. Xét về mặt tuổi tác thì hầu hết đều rơi vào tuổi thiếu niên và thanh niên.
Vì có mặt những trẻ khuyết tật, bất lực trong mọi hoạt động nên những trẻ không thể kiểm soát hành vi công kích của mình phải được tách ra. Tính chất thông thoáng của cơ sở vật chất (cửa không khóa) cũng đòi hỏi phải cách ly những trẻ có hành vi chống đối xã hội nghiêm trọng hoặc có những hành vi hủy hoại cực đoan, hoặc những đứa trẻ có ý định bỏ trốn. Tuy nhiên, cấu trúc này lại cho những đứa trẻ ồn ào và tăng động một sự tự do và tự tin đáng kể.
Vì thế, có hai vấn đề cấp bách nhất chính là làm thế nào để trấn tĩnh những đứa trẻ hung hăng, bị kích động dữ dội, và làm sao để ngăn cản những đứa trẻ khỏi việc bỏ trốn. Đặc biệt, với hai trường hợp này, Marks đã thuật lại một sự thành công lớn lao trong việc áp dụng phép Phân tích Tương giao.
Một nhóm gồm ba mươi thanh thiếu niên (chúng tôi sử dụng từ “thanh thiếu niên” để đề cập đến toàn bộ phạm vi tuổi tác bởi không có một thuật ngữ nào khác bao quát hơn) gặp nhau mỗi tuần một lần trong một phòng sinh hoạt lớn ở trung tâm. Họ ngồi thành vòng tròn, hai lớp, từ đó tất cả mọi người có thể nhìn thấy Marks và tấm bảng đen. Giao kèo (cụm từ họ cảm thấy thoải mái nhất) là: “Chúng tôi ở đây để học mô hình P-A-C, thứ sẽ giúp chúng tôi hiểu được bản chất hành vi của con người, từ đó chúng tôi có thể đổi những trò huyên náo để nhận về những hoạt động và trò tiêu khiển vui vẻ”. Đầu tiên nhóm được giới thiệu về những điều căn bản của mô hình P-A-C: nhận diện ba thành phần Cái Tôi của một cá nhân, được đại diện bởi ba vòng tròn, Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Marks giúp những thanh thiếu niên này xác định “phần Cái Tôi nào đang lên tiếng” mỗi khi một thành viên trong nhóm đưa ra một lời tuyên bố hay phát biểu. Ví dụ, ông ta sẽ hỏi cả nhóm: “Ai đang lên tiếng đó?”. “Là Cái Tôi Cha Mẹ của John, hay Cái Tôi Người Lớn hay Cái Tôi Trẻ Em của cậu ấy?”. Bằng cách này họ cũng học được cách nhận diện những từ ngữ. “Nếu bạn nhìn vào một miếng trái cây và thấy nó bị hỏng, rồi bạn nói rằng ‘tệ thật’, thì đó là Cái Tôi Người Lớn. Nếu bạn nhìn vào bức tranh ai đó đang vẽ và bạn không thích nó, rồi bạn nói rằng ‘tệ thật’, đó chính là Cái Tôi Cha Mẹ. Đó là một lời chê bai và bạn đang đưa ra một phán xét. Nếu bạn chạy ào vào phòng trong nước mắt và nói rằng ‘mọi người đều đối xử tệ với tôi’, đó là Cái Tôi Trẻ Em. Những thanh thiếu niên học cách nhận diện những từ ngữ rất nhanh chóng và hành động theo cách này. Họ thấy rằng nó rất thuyết phục và là một trải nghiệm giúp họ nhận ra rằng họ có một Cái Tôi Người Lớn, hay một chiếc máy tính”.
Từ “máy tính” là một từ khác mà những đứa trẻ cảm thấy thoải mái khi dùng. Việc chúng hiểu về Cái Tôi Người Lớn như là một chiếc máy tính đã giúp Marks có thể nói về sự chậm phát triển, một chủ đề hiếm được đề cập ở hầu hết các cơ quan khác. Cách mà Marks đã nói điều này với nhóm chính là:
Một vài người có thể sở hữu chiếc máy tính trị giá hàng triệu đô và một vài người khác có thể có chiếc máy tính mười ngàn đô, nhưng chúng ta không cần lo lắng về điều đó. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tìm ra cách tốt nhất để sử dụng chiếc máy tính mà ta có. Rốt cuộc thì các bạn không cần phải có một chiếc máy tính triệu đô mới có thể tử tế với người khác hay có thể làm một công việc tốt.
Ẩn dưới toàn bộ chương trình này là lời khẳng định thường được lặp đi lặp lại TÔI ỔN – BẠN ỔN. Các thanh thiếu niên sẽ đồng thanh lặp lại điều này ở đầu và cuối mỗi phiên họp, và nó trở thành chìa khóa dập tắt những cảm xúc và bật Cái Tôi Người Lớn lên trong cuộc sống hằng ngày. Marks đã giúp họ hiểu rằng so sánh là những gì mà Cái Tôi Trẻ Em muốn làm. Marks giải thích thế này:
Cái Tôi Trẻ Em muốn nói “Cái của tôi tốt hơn” và “Tôi có chiếc máy tính tốt hơn cái của bạn”. Đó là một cách để Cái Tôi Trẻ Em cảm thấy ổn hơn. Cái Tôi Trẻ Em luôn lo lắng về việc ai thông minh hơn. Nhưng Cái Tôi Người Lớn có thể thấy rằng nếu việc thông minh là điều quan trọng nhất trong cuộc đời thì hẳn sẽ chỉ có một vài người hạnh phúc trên thế giới này: họa sĩ vẽ đẹp nhất, nhà toán học hay nhạc sĩ giỏi nhất; và tất cả những người còn lại sẽ không vui vì họ không đủ giỏi. Nhóm trị liệu đã nắm bắt và đánh giá cao cách tiếp cận này.
Liên quan đến vấn đề về kiểm soát hành vi công kích, Marks nói rằng một đứa trẻ hung hăng, bị kích động dữ dội có thể được trấn tĩnh trong vòng hai hoặc ba phút. Ông giải thích rằng cơ sở cho việc đó nằm ngay trong nhóm. Những phương pháp về việc kiềm chế được diễn giải thành ba loại: Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Ông nhờ một thiếu niên đứng dậy và giả vờ chuẩn bị đánh ông.
“Rồi tôi khóa tay cậu ta lại và giữ chặt”, Marks nói, “và tôi hỏi nhóm rằng ‘Tôi đang khống chế Joe bằng cách nào?’”. Họ đều nhất trí rằng chính Cái Tôi Người Lớn đang thực hiện hành động khống chế, trong đó ông chỉ đơn thuần ngăn cậu ta đánh mình. Rồi Marks giả vờ đánh trả lại cậu thiếu niên và họ dễ dàng nhận ra đó là sự khống chế đến từ Cái Tôi Trẻ Em. Sau đó Marks sẽ giả vờ bắt cậu quỳ xuống và đánh vào mông – một hành động dễ dàng nhận thấy đến từ Cái Tôi Cha Mẹ. Marks thuật lại cách áp dụng sự hiểu biết này vào vấn đề về kiểm soát cảm xúc như sau:
Một ngày nọ, tôi bước vào một căn phòng, ở đó có ba người đang cố giữ một thiếu niên đang xúc động dữ dội. Người cậu ta run bần bật vì phẫn nộ và cậu đang cố ra sức đánh mọi người xung quanh. Đó là một chàng trai có IQ 50, có duyên và dễ chịu, phần lớn thời gian là vậy. Tôi bước về phía cậu ấy và ôm siết cậu để kiềm chế. Cậu vẫn run bần bật và thét lên “Để tôi yên, để tôi yên…”.
Sau chừng hai mươi giây, tôi nói:
“Tom này, chú đang kiềm chế con bằng cách nào đây? Bằng Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn hay Cái Tôi Trẻ Em?”
Cậu nạt nộ:
“Cái Tôi Cha Mẹ.”
Tôi lại nói:
“Không hẳn đâu, Tom ạ. Chú không hề đánh vào mông con. Đánh con mới là Cái Tôi Cha Mẹ. Và chú cũng không đánh nhau với con. Nếu chú đánh nhau với con thì có thể là gì?”
“Đó có thể là Cái Tôi Trẻ Em”, cậu nói.
“Vậy thì chú đang kiềm chế con bằng cách nào, bằng Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn hay Cái Tôi Trẻ Em của chú?”
“Với Cái Tôi Người Lớn của chú”, Tom đáp.
“Được rồi, tốt lắm Tom. Giờ thì chúng ta sẽ cho những người này thấy chúng ta có thể làm việc này như thế nào. Bây giờ con nắm lấy tay chú và chúng ta sẽ nói những gì mà chúng ta vẫn luôn nói.”
Cậu ấy nắm lấy tay tôi và lẩm bẩm “TÔI ỔN – BẠN ỔN”, và chúng tôi cùng bước vào phòng truyền hình, tôi đề nghị cậu nhập hội cùng những thanh thiếu niên đang xem một chương trình ở đó.
Toàn bộ tình huống, từ lúc bắt gặp đứa trẻ điên tiết đang run rẩy, bị khống chế bởi nội tiết tố adrenaline, đến lúc cùng bước vào phòng truyền hình chính xác là mất ba phút. Chìa khóa của việc này là tắt Cái Tôi Trẻ Em và bật Cái Tôi Người Lớn. Điều này được thực hiện bởi một câu hỏi đơn giản: “Tôi đang kiềm chế cậu bằng cách nào?”. Không có cách nào xử lý sự giận dữ cũng như hằng hà cảm xúc đang sôi sục này, vốn đến từ Cái Tôi Trẻ Em của cậu ấy; lúc đó chắc chắn cũng không có cách nào để biết được điều gì đang khiến cậu nổi điên. Mục tiêu của tôi vào thời điểm đó đơn giản là thay đổi hành vi của cậu và vượt qua được giai đoạn này. Chẳng có gì “hợp lý” có thể được nói ra hay được lắng nghe trong khi Cái Tôi Trẻ Em của cậu ta đang giữ quyền kiểm soát.
Nếu bệnh nhân có một Cái Tôi Cha Mẹ truyền thống thì tình huống này sẽ mất nhiều thời gian giải quyết hơn, bởi việc cư xử như một “thằng bé hư hỏng” như vậy đã khiến Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN bị giày vò hơn bao giờ hết. Vì vậy trong tình huống này một vài phần ỔN đã được giới thiệu dưới những hình thức như: quyền làm chủ của Cái Tôi Người Lớn, đạt được sự tự kiểm soát và trở lại hoạt động nhóm.
Những thanh thiếu niên này sẽ dễ dàng phản hồi với những hình tượng của “việc kết nối với Cái Tôi Người Lớn” và tắt đi Cái Tôi Trẻ Em sợ hãi hay Cái Tôi Cha Mẹ luôn buộc tội người khác.
Một ví dụ khác mà Marks đưa ra là việc giải quyết một tình huống bỏ trốn. Đây là một trường hợp của một cô gái mười tám tuổi, IQ 68, có giọng nói nhỏ xíu và thường rất ít khi lên tiếng. Một hôm, Marks đi ngang qua phòng cô và thấy cô đã gói ghém đồ đạc, sẵn sàng bỏ đi. Khi nhìn thấy ông, cô nói, nước mắt đang lăn dài trên mặt: “Con không cần nơi này nữa. Con đi đây!”.
Cách tiếp cận kiểu cha mẹ thông thường sẽ là gạt phăng đi những cảm xúc của cô bé bằng những câu nói như: “Dĩ nhiên là con sẽ không đi đâu cả. Giờ con đi ăn trưa với các bạn đi. Con sẽ chẳng đi câu cả. Hơn nữa, phương tiện đi lại của con đâu nào?”.
Điều này sẽ chỉ khiến cho Cái Tôi Trẻ Em của cô quyết tâm hơn, bướng bỉnh và giận dữ hơn mà thôi. Chẳng có cách nào để “lý lẽ” với mớ cảm xúc trong Cái Tôi Trẻ Em khi nó đang giữ quyền kiểm soát.
Thay vào đó, Marks đã ngồi xuống giường cô bé và nói: “Hẳn là hôm nay con đang không cảm thấy ỔN rồi, Carolyn. Chắc có một ai đó đã kích động Cái Tôi Trẻ Em của con”.
“Vâng”, cô bé đáp ngay.
“Vậy đã xảy ra chuyện gì?”, Marks hỏi.
“Họ không cho con mua cái ví cầm tay”, Carolyn đáp.
“Con biết không”, Marks nói, “chú cũng thích Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của con, nhưng bây giờ chú muốn nói chuyện với Cái Tôi Người Lớn của con kìa. Vậy để chú nói con nghe… con hãy nắm tay chú và chúng ta sẽ nói TÔI ỔN – BẠN ỔN”.
Và đó là những gì họ đã làm. Đây là bí quyết đã được định hình trong những phiên họp hằng tuần từ hồi đầu năm. Sau đó Marks đã có thể nói chuyện với Cái Tôi Người Lớn của cô bé, và Cái Tôi Người Lớn của cô bé có thể nhận ra rằng hôm đó không có ai ở đó có thể dẫn cô đi mua sắm và họ có thể đi vào ngày mai hoặc ngày kia. Đây là việc khá đơn giản một khi Cái Tôi Người Lớn của cô bé được giao quyền trở lại, nhưng nếu Cái Tôi Trẻ Em còn đang kiểm soát thì vẫn là không khả thi. Cô bé để hành lý sang một bên và đi ăn trưa. Tổng thời gian trôi qua là bốn phút.
Marks nói thêm: “Trong cả hai trường hợp này chúng tôi đã đạt được điều chúng tôi muốn. Chúng tôi đã xoa dịu phần cảm xúc và làm mối quan hệ của chúng tôi tốt hơn. Tôi dám nói rằng nếu những thanh thiếu niên này có một số lượng đủ những mối quan hệ như vậy, trong một giai đoạn chừng vài tháng, cũng có thể vài năm, họ sẽ học được cách tự kiểm soát và xử lý dữ liệu đủ để họ có khả năng cảm giác và hành động ỔN”.
Nói tóm lại, chúng ta có thể nói rằng giải pháp cho những vấn đề của tất cả trẻ em, bất chấp hoàn cảnh của chúng, là cùng một giải pháp mà chúng ta áp dụng cho những vấn đề của người trưởng thành. Chúng ta phải bắt đầu với nhận thức rằng chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Chúng ta phải bắt đầu ngay hiện tại. Chúng ta chỉ có thể tách biệt quá khứ khỏi hiện tại bằng cách sử dụng Cái Tôi Người Lớn, bằng cách đó ta có thể xác định những bản ghi của Cái Tôi Trẻ Em cùng những nỗi sợ xưa cũ của nó, cũng như những bản ghi của Cái Tôi Cha Mẹ cùng việc nó quấy nhiễu hiện tại bằng cách phát lại hiện thực thuộc quá khứ.
Những bậc phụ huynh học được cách làm việc này thông qua hiểu biết và ứng dụng mô hình P-A-C sẽ phát hiện ra bản thân họ có thể giúp con em mình phân biệt được cuộc sống mà chúng quan sát với cuộc sống mà chúng được dạy dỗ (Cái Tôi Cha Mẹ), cuộc sống mà chúng cảm nhận được (Cái Tôi Trẻ Em) với cuộc sống như nó vốn dĩ và có thể trở thành (Cái Tôi Người Lớn). Họ sẽ nhận ra rằng những quy trình này cũng sẽ có giá trị to lớn trong thời kỳ của thay đổi phía trước, những năm tháng vị thành niên, mà chúng ta sẽ xem xét trong chương tiếp theo đây.