Chúng ta hứa hẹn theo những gì mình hy vọng và rồi thực hiện lời hứa theo những gì mình lo sợ.
– François, Duc de la Rochefoucauld
Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện này, chuyện xảy ra khi anh còn nhỏ. Cuối một bữa ăn, mẹ anh thông báo với năm anh chị em của anh rằng món tráng miệng hôm đó sẽ là phần còn lại của mẻ bánh quy yến mạch nhà làm. Liền sau đó, bà đặt lọ đựng bánh quy lên bàn. Tức thì, một cuộc tranh giành ồn ào huyên áo diễn ra, mấy đứa trẻ đều cố với tay vào trong lọ. Và như thường lệ, đứa em út bốn tuổi là người cuối cùng lấy được cái lọ. Khi cầm được lọ đựng bánh, nó nhận ra chỉ còn lại đúng một chiếc bánh quy, mà còn lại bị mẻ mất một góc, ngay tức khắc nó chộp cái bánh quy, ném xuống đất và khóc tức tưởi trong sự thất vọng: “Bánh của con bị nát vụn cả rồi!”.
Bản chất của Cái Tôi Trẻ Em đã nhầm lẫn thất vọng thành thảm họa, chính nó phá hủy toàn bộ chiếc bánh quy chỉ vì mất đi một mảnh nhỏ, chỉ vì nó không to, không hoàn hảo, không ngon như chiếc bánh của những người khác. Câu chuyện này đã trở thành giai thoại trong gia đình bạn tôi, là công thức vặn lại những lời than phiền thái quá: “Có vấn đề gì, bánh quy mẻ rồi sao?”.
Đây là điều xảy ra với những cuộc hôn nhân tan vỡ. Cái Tôi Trẻ Em chỉ huy ở một hoặc cả hai phía và hôn nhân bị hủy hoại khi những điều không hoàn hảo manh nha xuất hiện.
Hôn nhân là mối quan hệ phức tạp nhất trong tất cả những mối quan hệ của con người. Hiếm có kiểu quan hệ nào có thể tạo ra những cảm xúc cực đoan hay có thể dịch chuyển nhanh chóng từ lời tuyên thệ hạnh phúc đến cuối đời sang sự cắt đứt lạnh lùng về mặt pháp luật và sự tàn ác về tinh thần như vậy. Khi một người ngừng sử dụng nội dung thô từ những dữ liệu xưa cũ mà hai bên đưa vào cuộc hôn nhân thông qua sự đóng góp liên tục của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, thì cá nhân đó mới có thể nhận thấy sự cần thiết của một Cái Tôi Người Lớn được giải phóng ở mỗi người, nếu muốn hôn nhân mỹ mãn. Nhưng các cam kết hôn nhân thông thường lại được thực hiện bởi Cái Tôi Trẻ Em, thứ cho rằng tình yêu là cái gì đó mà ta cảm nhận chứ không phải cái ta thực hiện, và xem hạnh phúc là điều ta theo đuổi hơn là một sản phẩm phụ của việc nỗ lực vì hạnh phúc của người khác. Hiếm hoi và may mắn lắm mới có những người trẻ tuổi bước vào hôn nhân với Cái Tôi Cha Mẹ chứa đựng những ấn tượng về việc thế nào là một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy điều đó. Thế nên họ vay mượn một khái niệm về hôn nhân từ những quyển tiểu thuyết ngôn tình cực kỳ lãng mạn trong đó người chồng có một công việc tốt, là người điều hành cấp cao trong một công ty quảng cáo lớn và mỗi đêm về nhà với một bó hồng dành tặng cho người vợ mảnh dẻ, rạng ngời đang đợi anh trong ngôi nhà trị giá năm mươi ngàn đô-la lót sàn gỗ sang trọng, những ô cửa sổ sáng lấp lánh, nến thắp khắp nhà và nhạc mở du dương. Khi những ảo tưởng bắt đầu tan vỡ, khi phải xin tấm thảm cũ mòn từ người bà con, khi dàn âm thanh cũ kỹ không hoạt động được, khi người chồng thất nghiệp và ngừng nói câu “Anh yêu em”, thì Cái Tôi Trẻ Em liền xuất hiện với cuộn băng “chiếc bánh quy mẻ” và cuộc hôn nhân kết thúc với mọi thứ đã vỡ tan tành. Thứ được vay mượn là những ảo tưởng và thứ cảm thấy chán nản, thất vọng là Cái Tôi Trẻ Em. Cảm giác xưa cũ của vị thế KHÔNG ỔN đã làm ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn trong mỗi người, và khi không có nơi nào khác để bật cảm giác đó lên, thì hai đối tác hôn nhân đã đánh thức cảm giác đó ở đối phương.
Từ lâu, người ta đã công nhận rằng những cuộc hôn nhân viên mãn nhất có thể được xây dựng khi hai đối tượng có nền tảng tương đồng và những mối quan tâm thực tế giống nhau. Tuy nhiên, khi Cái Tôi Trẻ Em đang cầm cương trong việc hoạch định hôn nhân thì những sự bất tương đồng quan trọng lại thường bị bỏ qua, và một giao ước “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta” chính là được dựa trên sự tương đồng không đầy đủ như vậy, ví dụ: “chúng tôi đều thích nhảy múa”, “chúng tôi đều muốn có nhiều con”, “chúng tôi đều thích cưỡi ngựa” hay “chúng tôi đều gai góc như nhau”. Sự hoàn hảo được nhìn thấy trong đôi bờ vai vững chãi, hàm răng sáng bóng, ngực đầy, chiếc xe hơi sáng loáng, hay những điều tuyệt vời dễ hư hao theo thời gian. Đôi khi sự ràng buộc được thiết lập dựa trên sự phản kháng mà hai người cùng có, với giả định nhầm lẫn rằng kẻ thù của kẻ thù thì là bạn của ta. Cũng giống như cách mà hai đứa trẻ đang giận dỗi những bà mẹ của mình xoa dịu lẫn nhau trong sự ràng buộc của nỗi đau chung, giống như một số cặp đôi ở bên nhau theo kiểu “chúng ta chống lại thế giới” như một sự phản kháng, chống lại “bọn họ” hiểm ác. Họ ghét gia đình của nhau, họ ghét đám bạn cũ giả tạo, họ ghét những định chế được thiết lập, hay họ ghét những thể chế ngớ ngẩn, hình thức của người Mỹ, bowling, bóng chày, tắm rửa và làm việc. Họ cùng sống trong chứng “rối loạn tâm thần chia sẻ69” trong đó họ có cùng những hoang tưởng giống nhau. Tuy nhiên, họ sẽ sớm trở thành những đối tượng cho chính sự cay nghiệt của bản thân và trò chơi “Tất cả là tại họ” trước đây sẽ trở thành trò chơi “Tất cả là tại anh/cô”.
69 Folie à deux, hay còn gọi là Shared Psychosis, là một hội chứng tâm thần trong đó những niềm tin ảo tưởng và ảo giác được truyền từ người này sang người kia.
Một trong những cách hữu ích nhất để khảo sát những điểm tương đồng và dị biệt này là sử dụng thuyết Phân tích Tương giao trong tham vấn tiền hôn nhân để xây dựng một bản đồ tính cách của cặp đôi có dự định kết hôn. Mục đích của việc này không chỉ là phơi bày những điểm giống và khác nhau mà còn thực hiện cuộc tìm hiểu kỹ lưỡng về những gì có trong Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em của mỗi người. Một cặp đôi bước vào cuộc điều tra như thế có thể được xem là có nhiều thiện chí, vì họ đủ nghiêm túc với cuộc hôn nhân để tìm hiểu kỹ càng trước khi lao vào mối quan hệ mang tính cam kết cao. Tuy nhiên, nếu một trong hai người có sự hoài nghi đáng kể về tính vững chắc của mối quan hệ, người này vẫn có thể đơn độc thực hiện cuộc điều tra như thế. Ví dụ điển hình là một phụ nữ trẻ tuổi trong nhóm trị liệu của tôi. Cô đề nghị lên lịch cho một buổi gặp riêng tư để thảo luận về thế khó xử khi nhận được lời cầu hôn của người mà cô mới hẹn hò không lâu. Cái Tôi Trẻ Em của cô bị anh ta thu hút một cách mãnh liệt, nhưng có dữ liệu khác đi vào “chiếc máy tính” của cô, khiến cô tự hỏi liệu kết hôn với anh ta là một quyết định đúng hay sai. Cô ấy đã học được cách sử dụng mô hình P-A-C một cách chính xác và đã đề nghị tôi giúp cô khảo sát mối quan hệ này dựa trên nền tảng khảo sát mô hình P-A-C của hai người.
Trước hết, chúng tôi đã đối chiếu Cái Tôi Cha Mẹ của mỗi người. Chúng tôi nhận thấy cô có một Cái Tôi Cha Mẹ mạnh mẽ, chứa đựng vô số luật lệ đạo đức và rất nhiều những điều “nên” và “phải”. Trong đó bao gồm cả lời cảnh báo không nên lao vào một cuộc hôn nhân mà thiếu sự suy nghĩ thấu đáo. Ngoài ra, nó còn chứa một số thành tố nhất định của thái độ tự cho mình là đúng đắn, ví dụ, “kiểu người” như chúng tôi là những người tuyệt vời nhất. Nó chứa đựng các ý tưởng như “ta bị đánh giá qua những người ta giao du” và “đừng làm bất kỳ điều gì không tương xứng với mình”. Nó chứa đựng những dấu ấn đầu đời về một cuộc sống gia đình có nề nếp, nơi người mẹ là chủ ngôi nhà, còn cha thì làm việc rất chăm chỉ ở văn phòng và thường về nhà muộn. Có cả một kho chứa lớn những chất liệu “làm thế nào để”: Làm thế nào để tổ chức một bữa tiệc sinh nhật, làm thế nào nuôi dạy con cái, làm thế nào để trang hoàng cây thông Giáng sinh, làm thế nào tự xoay xở trong các tình huống xã hội. Cái Tôi Cha Mẹ của cô ấy rõ ràng là một yếu tố tác động lớn đến cuộc đời cô, vì những ấn tượng đó ít nhiều đều nhất quán với nhau. Mặc dù độ cứng nhắc của chúng đôi khi gây áp lực và tạo ra những cảm giác KHÔNG ỔN đáng kể cho Cái Tôi Trẻ Em của cô, song dù sao thì Cái Tôi Cha Mẹ của cô vẫn tiếp tục là một nguồn dữ liệu bất biến trong mọi tương giao của cô ở hiện tại.
Tiếp đến chúng tôi chuyển sang khảo sát Cái Tôi Cha Mẹ của người đàn ông mà cô đang hẹn hò. Cha mẹ anh đã ly dị khi anh bảy tuổi và người nuôi nấng anh là mẹ, bà đã nuông chiều anh bằng vật chất và chỉ trao cho anh sự quan tâm ít ỏi. Mẹ anh là người bị chi phối bởi Cái Tôi Trẻ Em và là người sống theo cảm xúc. Bà bộc phát cảm xúc của mình qua thói tiêu pha hoang phí, những cơn hờn dỗi, tự cô lập và các hành vi trả thù. Trong các cuộn băng ký ức của anh không lưu lại bất cứ điều gì về cha, ngoại trừ ấn tượng rằng ông là một “tên khốn thối tha, như tất thảy lũ đàn ông khác”, theo lời mẹ anh kể. Cái Tôi Cha Mẹ của chàng trai này tan rã, phân mảnh và không nhất quán nên nó không thể hiện diện trong các tương giao hiện tại, không thể hiện được vai trò kiểm soát hay thay đổi được những thôi thúc hành vi bị chi phối bởi Cái Tôi Trẻ Em của anh. Cái Tôi Cha Mẹ của cô gái và Cái Tôi Cha Mẹ của anh không chỉ không có bất kỳ sự tương đồng nào, mà Cái Tôi Cha Mẹ của cô còn cực kỳ phản đối Cái Tôi Cha Mẹ của anh ta. Dễ dàng nhận thấy là có rất ít nền tảng cho sự tồn tại cho tương giao Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Cha Mẹ giữa hai người về bất kỳ chủ đề nào, do đó mà mọi tương giao mang tính bổ sung giữa hai người đều bị loại bỏ.
Tiếp theo chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát về sức mạnh của Cái Tôi Người Lớn ở mỗi người và làm một bước đánh giá về các mối quan tâm hiện tại của họ. Cô ấy là một phụ nữ trẻ thông minh, có học thức và sở thích đa dạng. Cô thích nhạc cổ điển, cùng với các dòng nhạc thịnh hành; cô thích đọc sách văn học; cô thích tự tay làm những món đồ trang trí sáng tạo để trang hoàng nhà cửa. Cô say mê bàn luận về các ý tưởng triết học và tôn giáo, và mặc dù không chấp nhận những niềm tin tôn giáo của cha mẹ mình, song cô vẫn cảm thấy có một số “đức tin” là quan trọng. Cô là người biết suy nghĩ, giỏi ăn nói và có óc tò mò. Cô luôn quan tâm tới những hệ quả của việc cô đã làm và cảm thấy bản thân có một trách nhiệm với cuộc đời của mình. Chúng tôi cũng tìm ra một số định kiến đối với những chủ đề nhất định, cho thấy Cái Tôi Người Lớn của cô đã bị ô nhiễm bởi Cái Tôi Cha Mẹ, ví dụ “Bất kỳ người đàn ông nào trên ba mươi tuổi mà chưa kết hôn thì đều không phải người tốt”; “Một người phụ nữ hút thuốc lá thì chẳng làm nên trò trống gì”; “Ngày nay, bất cứ ai không thể tốt nghiệp đại học đều là những kẻ lười biếng”; “Bạn có thể mong chờ điều gì từ một người đàn ông đã ly dị kia chứ?”.
Trái lại, Cái Tôi Người Lớn của bạn trai cô lại bị ô nhiễm bởi Cái Tôi Trẻ Em. Anh tiếp tục tự nuông chiều bản thân như cách anh từng được nuông chiều thuở bé. Thời trung học, anh chẳng để tâm gì tới chuyện học hành và khi lên đại học anh đã bỏ học ở học kỳ đầu tiên chỉ vì “nó không khiến anh thấy hứng thú”. Anh không phải người tối dạ nhưng anh có rất ít hứng thú với những chủ đề nghiêm túc được xem là quan trọng trong mắt bạn gái. Anh cho rằng mọi tôn giáo đều giả tạo, như cách anh nghĩ tất cả những người lớn đều giả dối. Anh không thể đánh vần, điều đặc biệt làm cô khó chịu, và thứ duy nhất anh đọc là những bức hình trong tạp chí Life. Như cô nói, anh là kiểu người tưởng Bach70 là một loại bia. Anh có những tư tưởng hời hợt về chính trị và cảm thấy chính phủ là tồi tệ bởi vì nó “cướp mất tự do của chúng ta”. Anh là người dí dỏm và lanh lợi nhưng thiếu sâu sắc. Sở thích có tính thực tế nhất của anh là xe hơi thể thao, lĩnh vực mà anh có kiến thức sâu rộng. Rõ ràng là có rất ít cơ hội để đẩy mạnh mối quan hệ dựa trên tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn giữa hai người. Cấp độ tương giao này đã tạo ra sự thất vọng trong cô và sự buồn chán trong anh.
70 Johann Sebastian Bach (1685 – 1750): thiên tài âm nhạc người Đức.
Chúng tôi tiếp tục chuyển sang khảo sát Cái Tôi Trẻ Em của từng người. Cái Tôi Trẻ Em của cô gái khao khát tình cảm, luôn muốn làm hài lòng mọi người, thường sầu não và nhạy cảm với những dấu hiệu của sự chỉ trích, vốn tái tạo một cảm giác KHÔNG ỔN mãnh liệt. Cô không thể chấp nhận thực tế là “một người rất đẹp trai” có thể “đổ” trước cô. Cô không có nhiều bạn trai và cô nghĩ mình là một người đơn điệu và tẻ nhạt, cô cảm thấy gương mặt mình có những đường nét quá đỗi bình thường đến chẳng ai có thể nhận ra cô sau một cuộc hẹn. Cô đã bị cuốn hút bởi tình yêu thú vị từ một anh chàng đẹp trai như thế này và cô không thể xem nhẹ cảm giác tuyệt vời của việc được yêu và được theo đuổi. Khi ở cùng anh ấy, cô cảm thấy ỔN theo cách mà cô chưa bao giờ cảm nhận được trước đó và thật không dễ để từ bỏ cảm giác này.
Ngược lại, Cái Tôi Trẻ Em của người đàn ông lại mang tính gây hấn, tự nuông chiều và thao túng. Anh đã “luôn có mọi thứ mình muốn”, và anh đã lên kế hoạch để có được cô, mà đó là một phần của vấn đề, vì Cái Tôi Cha Mẹ của cô không cho phép cô tận hưởng niềm vui sướng ngoại lai, thứ mà anh đã mang đến cho cô một cách có chủ đích. Cái Tôi Trẻ Em của anh đã ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn quá mức, và Cái Tôi Cha Mẹ của anh thì lại yếu kém, không chỉ không thể cân nhắc được các hậu quả mà còn khiến anh cho rằng toàn bộ ý tưởng về các hậu quả là ngớ ngẩn, là đạo đức giả và giống như Scarlett O’Hara71, anh thích nghĩ về ngày mai.
71 Nhân vật chính trong tiểu thuyết Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) của nữ văn sĩ Margaret Mitchell, nổi tiếng với câu nói “After all, tomorrow is another day” (Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới).
Khi mối quan hệ của họ tiến triển thì càng lúc càng có ít chủ đề để chuyện trò. Không có gì tồn tại trong tương giao Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Cha Mẹ, những gì tồn tại trong tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn thì ít ỏi và điều tồn tại trong tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em thì sớm tạo ra những rối loạn trong Cái Tôi Cha Mẹ của cô gái. Mối quan hệ sau đó bắt đầu chuyển sang mô thức tương giao Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Trẻ Em, trong đó cô ấy tự đảm đương vai trò có trách nhiệm và đưa ra phán xét, đồng thời anh ấy tự nhận vai trò thể hiện Cái Tôi Trẻ Em biết thao túng, thử nghiệm và tái hiện lại tình huống gốc thời ấu thơ của anh.
Việc đánh giá mô hình P-A-C này hoàn toàn khác với việc phán xét mỗi bên “tốt” hay “xấu” như thế nào. Nó là một cuộc thăm dò dữ liệu khách quan của mỗi người, với hy vọng dự đoán về tương lai của mối quan hệ. Sau nhiều suy ngẫm dựa trên dữ liệu này, cô gái đã quyết định từ bỏ mối quan hệ bởi nó có quá ít hứa hẹn cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Cô cũng được giúp đỡ để nhận ra Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của cô yếu nhược như thế nào trước sự theo đuổi của những người đàn ông vốn kém cạnh hơn cô nhiều, đến nỗi cô luôn cảm thấy mình không đủ tốt để xứng đáng với “một chàng trai thật sự tuyệt vời”. Cô không chỉ nhận ra tại sao mối quan hệ này không mang tính bổ sung mà còn khám phá ra điều cô đang thật sự tìm kiếm ở một người đàn ông và cô có thể tiếp tục bước vào các mối quan hệ mới dựa trên nền tảng lòng tự trọng thay vì nền tảng của vị thế sống KHÔNG ỔN.
Không phải mọi mối quan hệ đều tương phản rõ rệt như mối quan hệ trên. Cô có một Cái Tôi Cha Mẹ mạnh và anh có một Cái Tôi Cha Mẹ yếu. Có nhiều trường hợp mà cả hai đối tượng đều có một Cái Tôi Cha Mẹ mạnh, nhưng nội dung lưu trữ lại khác biệt và thường xuyên bất hòa. Khác biệt về tôn giáo và văn hóa có thể tạo ra những khó khăn nghiêm trọng nếu cả hai phía đều cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ phải tuân theo những mệnh lệnh không được chất vấn trong Cái Tôi Cha Mẹ của mình. Đôi khi sự khác biệt này được che đậy trong giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân và chỉ bộc lộ với sự hối thúc dữ dội khi có một đứa con chào đời. Mặc dù một người đàn ông Do Thái giáo ban đầu có thể đồng ý rằng con anh sẽ được nuôi lớn trong đức tin Công giáo, theo nguyện vọng của cô vợ người Công giáo, nhưng điều này không có nghĩa là về sau anh không phiền muộn sâu sắc về điều đó. Cảm tưởng trong trường hợp này là “tôn giáo của tôi tốt hơn tôn giáo của bạn” và trên thực tế “tín đồ của chúng tôi tốt hơn tín đồ của bạn”, mà điều này sẽ sớm được giản lược thành “tôi tốt hơn bạn”. Nói vậy không có nghĩa là những sự khác biệt như thế này là không thể giải quyết, nhưng chúng đòi hỏi một Cái Tôi Người Lớn được giải phóng trong mỗi người, vận hành trên nền tảng vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN.
Lý tưởng nhất là những sự khác biệt ấy được nhận diện trước khi kết hôn. Nhưng chuyện này lại hiếm khi xảy ra. Cặp đôi trẻ thì đang đắm chìm trong men say tình ái; các đối tượng sắp kết hôn nếu có tham gia bất kỳ cuộc tham vấn tiền hôn nhân nào thì cũng chỉ dành ra một khoảng thời gian chiếu lệ với người tham vấn và sau đó tiếp tục buổi tham vấn dựa trên cơ sở thỏa mãn mong muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và họ thường chẳng nhận được lợi ích gì từ một buổi tham vấn như vậy.
Vậy có những khả năng nào để tái kiến thiết hay cứu vãn một cuộc hôn nhân vốn được hình thành mà không được trợ giúp từ một sự phân tích cặn kẽ? Vì trên đời chẳng có hai người nào giống nhau hoàn toàn, nên ý tưởng về sự tương hợp hoàn hảo chỉ là ảo tưởng viển vông. Vấn đề có lẽ sẽ được nêu ra tốt nhất dưới dạng so sánh những khó khăn: Thật khó dung hòa sự khác biệt và đạt đến thỏa hiệp, nhưng cũng thật khó khi thay thế, phá vỡ cuộc hôn nhân. Chúng ta không thể xử lý vấn đề trên cơ sở cứng nhắc tuyệt đối như “ly hôn luôn là một sai lầm”, vì còn có những nguyên tắc có liên quan khác được áp dụng trong tình huống. Việc khăng khăng rằng một người phụ nữ nên tiếp tục sống với người chồng tàn độc, có thói bạo hành và rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc với bất kỳ ai khác chính là đang làm giảm đi tầm quan trọng của chân giá trị con người, ủng hộ tư tưởng trừng phạt: Bạn tự chọn, giờ bạn tự chịu. Tương tự, ta cũng đã làm suy giảm nguyên tắc về chân giá trị con người khi quả quyết rằng một người đàn ông nên tiếp tục chịu đựng một người vợ biếng nhác, lòng mang thù hận, người chối bỏ mọi liên can trong việc làm hư hoại cuộc hôn nhân của hai người. Điều này không có ý nói rằng chúng ta không thể giữ lý tưởng về hôn nhân, coi đó như một sự liên kết bền chặt mãi mãi, nhưng chúng ta không nên xem hôn nhân như một loại giấy phép “bẫy” mọi người vào một sự sắp đặt trong đó họ bị ràng buộc mãi mãi bởi pháp luật mà không có nghĩa vụ đạo đức với nhau. Có những người chẳng bao giờ xem xét hôn nhân của mình, mãi tới khi họ tiến gần đến bờ vực ly hôn. Khi đó những khó khăn có thể so sánh bắt đầu xuất hiện và họ bắt đầu hiểu được bản chất của những lựa chọn mà họ phải đưa ra.
Cuộc hôn nhân giữa một cô nàng đã ly dị và một anh chàng chưa vợ, dẫu có khốn khổ thì vẫn có thể khiến cuộc sống của họ trông có vẻ thật tuyệt vời; tuy nhiên, lựa chọn bốc đồng dựa trên cơ sở của một giả định chưa được xem xét có thể dẫn đến sự tuyệt vọng lớn hơn nữa. Cuộc sống hậu hôn nhân “không như lời đồn” đã trở thành chủ đề của một quyển sách được viết bởi Morton M. Hunt72. Tác giả này viết về rất nhiều thực tế theo sau một cuộc ly hôn, những điều lẽ ra phải được xem xét bởi những người có ý định ly hôn nhằm đưa ra những quyết định dựa trên cơ sở so sánh các khó khăn: sự khó khăn của cảm giác cô đơn như một vết thương tái đi tái lại, sự mất mát những người bạn cũ – những người không muốn “chọn phe” trong cuộc chia ly này, sự chia cách với con cái, những thiệt hại tài chính, những ám chỉ về thất bại và sự mệt mỏi của việc phải bắt đầu lại từ đầu. Một sự đánh giá bằng Cái Tôi Người Lớn về tình huống của một người phải tính đến những thực tế này.
72 M. Hunt, trong cuốn The World of the Formerly Married (New York: McGraw-Hill, 1966).
Kế tiếp, cuộc truy vấn phải được chuyển trọng tâm sang chính cuộc hôn nhân. Thường thì chỉ có một bên sẵn lòng tham gia cuộc khảo sát, bởi một trong những trò chơi hôn nhân thường thấy nhất là “Tất cả là tại bạn”. Nếu một bên, giả sử là người vợ, bước vào quá trình trị liệu và học về mô hình P-A-C, khi đó chúng tôi sẽ tập trung vào những cách thức có thể “câu” được Cái Tôi Người Lớn của người chồng và lôi kéo anh ta vào việc học hỏi tương tự, vì chỉ trên cơ sở một thứ ngôn ngữ chung mới có thể bắt đầu phát triển nền tảng hôn nhân giữa hai Cái Tôi Người Lớn. Nếu một trong hai người từ chối cộng tác trong tiến trình này, cơ hội cứu vớt cuộc hôn nhân sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nhưng nếu cả hai đều đủ hứng thú để tìm hiểu cuộc hôn nhân của mình, mô hình P-A-C sẽ cung cấp cho họ một công cụ để tách biệt chính mình ra khỏi những mệnh lệnh xưa cũ của Cái Tôi Cha Mẹ và những khuôn mẫu trò chơi đã cắm rễ cho đến hiện tại.
Một trong những điều đầu tiên họ có thể xem xét sau khi đã học về thứ ngôn ngữ chung chính là giao ước hôn nhân của mình. Giao ước hôn nhân kiểu bình quân chính là một giao ước tồi, một thương vụ năm mươi năm mươi với sự nhấn mạnh vào sự tính toán, kê khai cho – nhận. Erich Fromm gọi kiểu giao ước hôn nhân này là một “sự trao đổi các gói cá nhân”. Họ có hợp nhau không? Cô ấy sẽ chỉ trở thành một tài sản của anh ta. Liệu họ có trở thành sự bổ sung cho nhau? Anh đánh đổi vị trí của mình ở Phòng Thương mại Thanh niên để đổi lấy sự đóng góp của cô ấy như một “người đẹp” đi bên cạnh. Như vậy, họ tự biến mình trở thành những món hàng hóa chứ không phải con người, trong một thị trường cạnh tranh. Họ phải giữ giao ước đóng góp theo tỷ lệ năm mươi năm mươi này tiếp diễn, nếu không “nền kinh tế” sẽ đi xuống. Loại giao ước này được thực hiện bởi Cái Tôi Trẻ Em. Cái Tôi Trẻ Em có một cách hiểu về sự công bằng – đóng góp bằng nhau theo kiểu năm mươi năm mươi, nhưng ở trong vị thế KHÔNG ỔN, nó không hiểu được một nguyên tắc sâu sắc hơn nhiều, đó là trách nhiệm không giới hạn đối với đối phương, ở đó người ta không giữ tỷ lệ năm mươi năm mươi mà sẵn lòng bỏ qua “bảng chấm công”, dành trọn thời gian cho bạn đời của mình trong mục đích chung được thiết lập bởi Cái Tôi Người Lớn. Paul Scherer, Giáo sư Danh dự về Nghệ thuật Thuyết giáo tại Liên hiệp Trường dòng Thần học, đã thể hiện ý tưởng này trong cuốn sách của ông: “Tình yêu là một dạng tiêu pha hoang phí; nó bỏ lại những con số tính toán ở nhà và luôn trong tình trạng ‘báo động’…73”. Cái Tôi Trẻ Em vốn là một tạo vật muốn nhận tình yêu nên không thể nhìn tình yêu theo cách đó. Cái Tôi Người Lớn thì có thể. Có một bài toán tuyệt vọng trong thế giới ngày nay, trong đó mọi người đều đòi hỏi tình yêu nhưng rất ít người sẵn sàng trao nó đi. Điều này xảy ra là do sự ảnh hưởng lấn lướt liên tục của vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN trong đứa trẻ. Nó tồn tại ở tất cả mọi người. Chúng ta phải luôn nhớ cái cách mà đứa trẻ cố gắng tự giảm nhẹ gánh nặng đau đớn đầu đời của mình bằng những trò chơi nguyên sơ “Của tôi tốt hơn” và “Tôi có được nhiều hơn”. Quả thật ý tưởng đóng góp theo tỷ lệ năm mươi năm mươi bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, cảm giác KHÔNG ỔN dường như đã lũ lượt lôi ra ý tưởng về sự công bằng của những năm tháng đầu đời.
73 P. Scherer, trong cuốn Love Is a Spendthrift (New York: Harper & Brothers, 1961).
Một buổi sáng, cô con gái Heidi bốn tuổi của tôi và bạn của nó Stacey chuẩn bị có một buổi tiệc nhỏ. Cả hai đứa đều lo lắng vì không biết ai sẽ có được miếng bánh lớn hơn, mặc dù chúng đã được nhắc nhở nhiều lần rằng kiểu thi đua này chỉ dẫn tới những rắc rối mà thôi. Mẹ con bé sau đó đưa mỗi đứa một cái bánh quy Oreo. Rõ ràng những chiếc bánh Oreo này giống hệt nhau, ngay cả trong mắt lũ trẻ cũng thế. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự giống nhau này Heidi vẫn không thể cưỡng lại việc dõng dạc xác nhận điều con bé đã khởi xướng và duy trì, “Ha ha, mình có được cái bánh giống như bạn, còn bạn thì không!”. Đây là loại kỹ năng tranh giành lợi thế ngấm ngầm được lưu trữ bởi Cái Tôi Trẻ Em và được mang vào cuộc hôn nhân năm mươi năm mươi.
Do vậy, cặp đôi đang tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân sẽ phải dấn thân vào một nỗ lực hợp tác để giải phóng Cái Tôi Người Lớn, nhờ đó mà cảm giác KHÔNG ỔN trong Cái Tôi Trẻ Em, cũng như những nội dung gây rắc rối trong Cái Tôi Cha Mẹ của mỗi người sẽ được khảo sát để nhận biết cách mà các dữ liệu xưa cũ vẫn tiếp tục chi phối và phá hoại mối quan hệ của họ ở hiện tại.
Những yếu tố phá hoại thông thường là những lời tuyên bố chắc nịch, “Tôi là như vậy đó – đừng cố thay đổi tôi”. Bám lấy niềm tin cứng nhắc rằng “tôi là một người dễ cáu gắt trước khi uống tách cà phê đầu ngày” là đang quy trách nhiệm những sai lầm của một người lên bản chất của anh ta chứ không phải chiều ngược lại. Sự “cáu gắt trước khi uống cà phê” đã phá hoại buổi sáng của nhiều gia đình. Điều có thể trở thành phần tuyệt vời nhất trong ngày, một khởi đầu ngày mới nhiệt tình với các nhiệm vụ phía trước, đã bị thay bằng cảnh tượng huyên náo khổ sở và thù địch lẫn nhau. Những đứa trẻ đến trường trong cáu gắt, người chồng vội vã đến sở làm với chứng khó tiêu và người vợ cảm thấy thất vọng vì vừa mất đi những thính giả bất đắc dĩ của mình. Sự thật là chẳng có ai phải làm một kẻ gắt gỏng trước khi được uống tách cà phê đầu ngày cả. Ta luôn có lựa chọn, một khi Cái Tôi Người Lớn của ta được giải phóng.
Một bài hát cũ của Pháp có lời: “… l’amour est l’enfant de la liberté” (tình yêu là đứa con của tự do). Tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi sự tự do của Cái Tôi Người Lớn để xem xét Cái Tôi Cha Mẹ, để chấp nhận hoặc từ chối Cái Tôi Cha Mẹ dựa trên nền tảng những bối cảnh hiện tại và cũng để xem xét vị thế của Cái Tôi Trẻ Em và những sự bù trừ, những trò chơi gây rối, vốn được nghĩ ra để phủ nhận, vượt qua hay loại bỏ gánh nặng của cảm giác KHÔNG ỔN.
Những cặp đôi đã kết hôn tham gia vào trị liệu nhóm để tìm hiểu các bước này vì nhiều lý do khác nhau. Một số đã nghe qua về thuyết Phân tích Tương giao và đến để “học điều gì đó mới mẻ”. Những người khác đến để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mơ hồ nhưng đáng lo ngại liên quan đến việc “liệu cuộc sống còn có gì tốt đẹp hơn thế này chăng?”. Một số đến vì con cái họ đang gặp rắc rối. Nhiều cặp thì đến vì quan hệ hôn nhân của họ đang ở trong tình trạng nguy cấp, có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Trong số ba mươi bảy cặp đôi mà tôi đã điều trị trong khoảng thời gian bốn năm, có nhiều cặp khi tìm đến tôi đã dự tính hoặc ít nhất đã bàn với nhau về chuyện ly hôn, coi đó như giải pháp duy nhất để thoát khỏi những vấn đề của họ. Một số đã bắt đầu tiến trình pháp lý và đã được tư vấn bởi luật sư. Cuộc khủng hoảng của mười bảy cặp đôi (chiếm 46%) đã đi đến mức một trong hai đã phải nhập viện vì chứng trầm cảm nặng và có ý định tự sát. Trong số phải nằm viện đó, có mười bốn người là người vợ, hai người là người chồng và một trường hợp là cả hai vợ chồng đều nhập viện theo yêu cầu của chính họ là “để cho mọi thứ luôn đồng đều”. Không cặp nào trong số này kết hôn dưới mười năm. Tất cả đều đã có con cái, một số cặp còn có cả cháu.
Họ đã học về mô hình P-A-C trong nhóm trị liệu tại bệnh viện hoặc trong các phiên trị liệu cá nhân tại văn phòng riêng của tôi. Khi cả hai bên đều đã hiểu về khái niệm này, họ bày tỏ niềm háo hức được tham gia vào một trong các nhóm cặp đôi đang trong đời sống hôn nhân, với mỗi nhóm là năm cặp. Số phiên trị liệu trung bình cho mỗi cặp đôi là mười bảy phiên, độ chừng mỗi tuần một phiên và kéo dài trong bốn tháng. Các nhóm cặp đôi này được xếp lịch vào giờ làm việc cuối cùng trong ngày, mỗi phiên dài một giờ, nhưng thỉnh thoảng cũng kéo dài hơn.
Theo chỗ tôi được biết, trong số ba mươi bảy cặp đôi, có ba mươi lăm cặp vẫn đang chung sống với nhau và hai cặp đã ly dị. Có bốn trong số ba mươi lăm cặp còn chung sống đã rút khỏi nhóm điều trị vì họ buộc phải từ bỏ những trò chơi của họ nếu muốn tiếp tục, mà họ thì không sẵn lòng làm thế. Ba mươi mốt cặp đôi còn lại thì thuật lại rằng trong đời sống hôn nhân của họ đã có những tương giao tốt đẹp hình thành, trong đó mỗi người đều tìm thấy niềm hứng khởi trong các mục tiêu mới mẻ, những trò chơi hủy hoại xưa cũ đã dần biến mất và họ đã đạt đến cảm giác thân mật. Với việc đạt được một trong những mục tiêu thuần túy của việc điều trị là cứu vãn được cuộc hôn nhân, chúng tôi có thể báo cáo một tỷ lệ thành công 84% với nhóm các bệnh nhân này.
Mối quan hệ của nhiều cặp đôi là một mạng lưới phức tạp của các trò chơi, ở trong đó sự phẫn uất được tích tụ và sự cay đắng đã tạo ra những phiên bản rắc rối, tái diễn của các trò chơi “La lối om sòm”, “Tất cả là tại bạn”, “Vết nhơ”, “Ông già bạn cũng vậy thôi” và “Nếu không phải tại bạn, tôi đã có thể”. Các quy luật và khuôn mẫu chơi trong các trò chơi này được lập danh mục một cách chi tiết trong quyển sách Games People Play của Berne, một trong những cẩm nang chuẩn, được chỉ định cho các cặp đôi đọc trong tiến trình trị liệu. Tất cả các trò chơi này đều phát triển từ trò chơi “Của tôi tốt hơn” thời thơ ấu, được thiết kế để vượt qua nỗi sợ hãi nguyên thủy của việc bị đối xử tệ bạc. Một trong những cuộc phiêu lưu kỳ diệu nhất của trò chơi được viết bởi Edward Albee trong tác phẩm đã được đề cập ở đầu quyển sách này: Who’s Afraid of Virginia Woolf?. Vở kịch này đã làm rõ rằng bất chấp mọi sự tuyệt vọng được tạo ra, vẫn có những lợi ích thứ phát đủ để các trò chơi giữ cuộc hôn nhân tồn tại theo một cách nào đó. Một số cuộc hôn nhân được duy trì vì một bên bị “bệnh”. Nếu người này khỏe lại và bắt đầu từ chối việc tham gia vào các trò chơi cũ thì cuộc hôn nhân sẽ kết thúc. Một người chồng đã gọi cho tôi trong một trạng thái hoảng loạn khi vợ anh xuất viện sau mười ngày nằm viện, anh bảo rằng “vợ tôi dường như hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn nhưng giờ đây tôi chẳng thể ở bên cô ấy được nữa”. Hôn nhân giống như tư thế con người; nếu đôi vai bắt đầu rũ xuống, thì đâu đó trên cơ thể sẽ có một bộ phận khác thay đổi tư thế, để giữ cho đầu vuông thẳng với chân. Tương tự, nếu một người thay đổi, thì người còn lại cũng phải thay đổi theo để giữ cho mối quan hệ không bị ảnh hưởng. Đây cũng là một trong những khuyết điểm chủ yếu của các kiểu trị liệu tâm lý cổ điển, trong đó bác sĩ chỉ điều trị cho một trong hai người và thường từ chối nói chuyện với người còn lại. Lúc này, trọng tâm của việc trị liệu sẽ đặt trên mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ, để mối quan hệ hôn nhân nằm ngoài cuộc. Khi lòng trung thành và hành vi của thân chủ bắt đầu thay đổi, hôn nhân thường bị tổn hại bởi vì người còn lại không có những công cụ nhận thức để hiểu được điều gì đang diễn ra, cũng không hiểu được sự tích tụ những phẫn uất và thất vọng của chính họ.
Cuối cùng, nếu tài chính cho phép, người còn lại có thể sẽ bước vào tiến trình trị liệu với một nhà trị liệu khác, chỉ để trở nên xa cách hơn bởi vì anh đã đồng thời chuyển hướng đối tượng cảm xúc của mình. Với rất ít nền tảng về giao tiếp, đây là cách thức mới để chơi trò chơi “Của tôi tốt hơn của bạn” dưới dạng “Nhà trị liệu của tôi tốt hơn nhà trị liệu của bạn” hay “Tôi vượt qua sự thay đổi nhanh hơn bạn” hay “Tôi sẽ đưa ra quyết định có thể hiện tình cảm với bạn hay không sau phiên trị liệu ngày thứ Tư”. Cả hai đều đang nuông chiều Cái Tôi Trẻ Em của họ trong một quá trình quan sát nội tâm mang tính loại trừ, quá trình này mặc dù có thể cung cấp những dữ liệu hữu ích về nguồn gốc cảm xúc của mỗi người, nhưng nó không thật sự bám vào thực tế một mối quan hệ hôn nhân là sự tồn tại của cả hai người chứ không phải từ người riêng rẽ.
Tờ báo The Sacramento Bee có một bài viết dù hơi cực đoan, nhưng lại vô cùng thích đáng, bài viết có đoạn: “Nhiều bác sĩ tâm thần nhấn mạnh rằng nếu một người không đối diện thực tế thì sẽ không có tinh thần lành mạnh về mặt cảm xúc. Nếu thế thì tại sao họ lại cho bệnh nhân nằm trên những chiếc trường kỷ êm ái, nơi dễ dàng mơ mộng? Lẽ ra họ cho nằm trên nệm gai thì sẽ tốt hơn”.
Mỗi bên đều phải sẵn lòng thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong việc gây nên những khó khăn của cuộc hôn nhân. Emerson cho rằng trò chơi “Tất cả là tại bạn” là một kiểu dối trá, theo quan sát của ông, “không ai có thể tiếp cận tôi trừ khi thông qua hành động của chính tôi”. Nếu người chồng là một kẻ vũ phu trong mười năm đằng đẵng và người vợ chịu đựng nó suốt mười năm, thì vợ anh ta cũng đã góp phần khiến chuyện này xảy ra và kéo dài được lâu như thế. Nếu một trong hai người chối bỏ trách nhiệm chung này, sẽ có rất ít hy vọng thay đổi gì trong cuộc hôn nhân.
Arthur Miller74, trong câu chuyện xúc động của ông về nhân vật Maggie (một nhân vật có nét tương đồng với vợ ông, Marilyn Monroe) trong vở kịch After the Fall (tạm dịch: Sau đổ vỡ), đã viết rằng vở kịch của ông là “về sự thiếu thiện ý của con người xác thịt hay sự thiếu khả năng tự khám phá những hạt giống hủy diệt trong chính mình”.
74 Arthur Miller (1915 – 2005) là kịch tác gia vĩ đại người Mỹ, một trong những tác gia nổi bật của thế kỷ 20.
Sẽ luôn luôn và mãi mãi có cùng cuộc đấu tranh: bằng cách nào đó nhận thức sự đồng lõa của chính chúng ta với cái ác là một nỗi kinh hoàng không chịu đựng nổi. Sẽ yên lòng vững dạ hơn khi nhìn nhận thế giới là nơi gồm những nạn nhân hoàn toàn vô tội và những kẻ chủ mưu hoàn toàn độc ác, như cách chúng ta nhìn nhận về thế giới của mình. Bằng mọi giá, đừng bao giờ quấy rầy sự vô tội của chúng ta. Nhưng đâu là nơi vô tội nhất ở một quốc gia bất kỳ? Chẳng phải chính là nhà thương điên sao? Những người ở đó trôi dạt trong cuộc đời hết sức ngây thơ, vô tội, hoàn toàn không có khả năng xem xét chính mình. Thật vậy, sự vô tội hoàn hảo nhất chính là sự điên rồ75.
75 A. Miller, trong “With Respect for Her Agony – but with Love”, Life 55:66 (7 tháng Hai năm 1964).
Sự “kinh hoàng không chịu đựng nổi” này là có thể hiểu được nếu ta cho rằng việc thừa nhận sự đồng lõa sẽ làm tăng thêm gánh nặng của cảm giác KHÔNG ỔN, thứ đã gây ra vấn đề trong tình huống gốc. Thừa nhận tội lỗi là điều khó khăn. Sự bôi nhọ cuối cùng này đối với Cái Tôi Trẻ Em khốn khổ, sự gia tăng gánh nặng đau đớn này, đã được nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoeffer76 đề cập tới: “Chẳng phải điều này đặt một gánh nặng khác, nặng nề hơn, lên đôi vai con người hay sao? Đây là tất cả những gì chúng ta có thể làm sao, khi mà linh hồn và thể xác con người đang rên rỉ dưới sức nặng của quá nhiều giáo điều do con người tạo ra?77”.
76 Dietrich Bonhoeffer (1906 – 1945): mục sư, nhà thần học, gián điệp người Đức, người phản kháng mạnh mẽ chế độ độc tài của Đức Quốc Xã.
77 D. Bonhoeffer, trong cuốn The Cost of Discipleship (New York: Macmillan, 1963).
Hiểu phép Phân tích Cơ cấu Cái Tôi – bản chất của Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em – mở ra con đường thoát khỏi tình trạng lưỡng nan giữa một bên là không có khả năng thay đổi khi thiếu sự thừa nhận tội đồng lõa và một bên là cảm giác tan nát cõi lòng của việc thừa nhận tội lỗi. Thực tế nhất, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt trong cách chúng ta đối chất với một người vì những gì anh ta làm. Nếu ta nói “bạn là một kẻ gàn dở, dễ nổi nóng, khó tính, khó chịu và đó chính là điều sai trái trong cuộc hôn nhân của bạn”, thì ta đơn giản là đang củng cố vị thế KHÔNG ỔN và tạo ra những cảm giác khiến người kia thậm chí còn “gàn dở, dễ nổi nóng, khó tính và khó chịu” hơn. Hoặc là, ta sẽ đẩy người này vào một cơn trầm uất không lối thoát. Trái lại, nếu ta có thể nói với sự cảm thông, rằng “chính Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN đã không ngừng gây rắc rối cho bạn và kèm theo nó là sự gàn dỡ và dễ nổi nóng xưa cũ nhằm phá hoại cơ hội cảm nhận hạnh phúc hiện tại của bạn”, thì sẽ có sự khách quan hóa cho tình thế lưỡng nan và người đó có thể tự nhìn nhận bản thân không phải hoàn toàn là con số không, mà là một sự tổng hòa của trải nghiệm quá khứ, cả tích cực lẫn tiêu cực, vốn là thứ tạo ra những khó khăn. Hơn nữa, việc này còn giúp sự lựa chọn trở thành khả dĩ. Chúng ta có thể hiểu được thực tế này về bản thân mà không sụp đổ và sự hiểu biết ấy có thể bắt đầu củng cố Cái Tôi Người Lớn của chúng ta nhằm thực hiện chức năng xem xét Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em cũng như cách mà những cuộn băng cũ áp đặt sự quyền của quá khứ lên hiện tại.
Không có sự hiểu biết về “phần hùn của tôi trong những vấn đề của chúng ta” thì Phân tích Tương giao hay phân tích trò chơi có thể trở thành một cách khác để bộc lộ nỗi căm ghét lẫn nhau: “Cô và Cái Tôi Cha Mẹ chết tiệt của cô”, “Cái Tôi Trẻ Em thô tục của anh lại đang xuất hiện nữa kìa, anh yêu”, “Đó, em lại chơi trò chơi đó nữa rồi”. Khi đó, những cấu trúc câu này lại trở thành những tính ngữ tài tình và mang tính lăng mạ trong một trò chơi mới mang tên “mời gọi trò chơi”. Khi chúng ta nhận thấy các vấn đề có thể gia tăng, chúng ta bắt đầu hiểu ý nghĩa của tư tưởng được thể hiện trong tựa đề bài viết của Arthur Miller viết về vở kịch của ông, With Respect for Her Agony – but with Love (tạm dịch: Tôn trọng sự đau khổ của cô ấy – nhưng bằng tình yêu).
Sự cam kết với tư tưởng này là yêu cầu cần thiết đối với các cặp đôi tham gia vào tiến trình điều trị nhằm xây dựng những giá trị mới cho cuộc hôn nhân của họ. Đến đây, câu hỏi cuối cùng nảy sinh: Khi chúng ta dừng chơi những trò chơi, sau đó chúng ta làm gì? Còn gì khác nữa? Bạn làm gì với một Cái Tôi Người Lớn được giải phóng?
SỰ THIẾT LẬP CÁC MỤC TIÊU
Một con tàu không có điểm đến sẽ trôi dạt theo những dòng hải lưu, lúc lên lúc xuống, rên rỉ và ồn ào khi biển động, yên tĩnh và duyên dáng trong biển lặng. Nó làm chính xác những gì biển cả làm. Nhiều cuộc hôn nhân cũng giống như thế – trôi lênh đênh vô định hướng. Dữ liệu ưu tiên để ra quyết định trong những cuộc hôn nhân này là “người khác đang làm gì?”. Mọi thứ họ làm đều chiếu theo vòng tròn xã hội của họ, từ trang phục, nhà cửa, nuôi dạy con cái, giá trị sống và cả tư duy. Tiêu chí lựa chọn điều cần làm của những người này là: “Chừng nào người khác còn làm điều đó thì điều đó hẳn là ỔN”. Nếu mọi người đều đang đổ xô mua một loại xe hơi sang trọng, xa xỉ nào đấy thì họ cũng sẽ tậu một chiếc, ngay cả khi sổ thu chi của họ đã ngập đầy những chi tiêu xấu hằng tháng. Họ đã không xây dựng cho mình những giá trị độc lập liên quan tới thực tế đời sống của riêng họ và do vậy cuộc hôn nhân đó thường kết thúc trong vỡ mộng và nợ nần chồng chất.
Chỉ có Cái Tôi Người Lớn mới có thể nói “không” với sự kêu gào của Cái Tôi Trẻ Em đòi hỏi thứ gì đó lớn hơn, tốt hơn và nhiều hơn để cảm thấy ỔN hơn. Chỉ Cái Tôi Người Lớn có thể đặt câu hỏi “nếu bốn đôi giày khiến bạn hạnh phúc, liệu mười đôi giày có khiến bạn hạnh phúc hơn không?”. Quy luật là mỗi lần gia tăng sở hữu vật chất sẽ mang lại ít niềm vui hơn so với lần gia tăng xảy ra trước đó. Nếu có thể định lượng niềm vui, ta có thể nhận thấy hạnh phúc mà một đôi giày mới mang lại cho một đứa trẻ là nhiều hơn so với một chiếc xe hơi mới mang lại cho một người đàn ông trưởng thành. Tương tự, chiếc xe hơi đầu tiên mang lại nhiều niềm vui hơn so với chiếc thứ hai và chiếc thứ hai thì nhiều niềm vui hơn so với chiếc thứ ba. H. L. Mencken78 đã nói: “Một người đàn ông luôn ghi khắc tình yêu đầu tiên của anh ta với sự dịu dàng đặc biệt. Sau đó anh ta bắt đầu chụp giựt79”. Cái Tôi Trẻ Em trong chúng ta cần kiểu gom góp đó – như trong buổi sáng lễ Giáng sinh, xung quanh là quà mà đứa trẻ vẫn khóc lóc: “Chỉ có vậy thôi sao?”. Trên một chương trình truyền hình dành cho trẻ em, một đứa trẻ được hỏi rằng nó được tặng quà gì trong lễ Giáng sinh. “Con không biết”, nó nói một cách đau khổ, “có quá nhiều quà”.
78 Henry Louis Mencken (1880 – 1956) là nhà báo, nhà tiểu luận, nhà văn châm biếm, nhà phê bình văn hóa người Mỹ.
79 H. L. Mencken, trong cuốn The Vintage Mencken do Alistair Cooke biên soạn (New York: Vintage Books, 1956).
Khi dùng Cái Tôi Người Lớn để xem xét về thực tế gia đình, ta có thể cân nhắc nặng nhẹ, xem việc mua một tài sản nhất định nào đó là có đáng không (hiểu theo nghĩa mang đến niềm vui). Cái Tôi Người Lớn cũng có thể thỏa mãn nhu cầu thu thập nhiều tài sản của Cái Tôi Trẻ Em, thể hiện qua sở thích sưu tập tem, đồng xu, sách xưa, mô hình, chai lọ hay các loại đá. Cái Tôi Người Lớn có thể quyết định liệu chi phí để mua bộ sưu tập này là có thực tế hay không. Khi đó, việc gom góp là vui vẻ và vô hại. Tuy nhiên, nếu việc đó có thể làm gia đình khánh kiệt (ví dụ sưu tập biệt thự, xe hơi thể thao và tranh gốc của Picasso) thì Cái Tôi Người Lớn sẽ nói “không” với niềm vui có hại của Cái Tôi Trẻ Em.
Các quyết định liên quan tới các sở thích, tài sản, nơi sinh sống và cái cần mua phải được thực hiện dựa theo một loạt các giá trị và sự xem xét thực tiễn riêng biệt của cuộc hôn nhân. Thỏa thuận về các quyết định này là cực kỳ khó khăn nếu các mục tiêu của cuộc hôn nhân chưa được thiết lập. Một cặp đôi trong quá trình điều trị có thể học cách nhận ra sự khác biệt giữa Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em của nhau, nhưng họ vẫn ở trên cùng một đại dương mang tên xã hội, và nếu họ không cùng ngồi xuống thiết lập các mục tiêu chung, họ sẽ tiếp tục đi theo những thăng trầm và các trò chơi cũ, bất chấp những hiểu biết sâu sắc có được. Cần phải thiết lập và bắt tay vào một tiến trình mới dựa theo các mục tiêu được đặt ra bằng Cái Tôi Người Lớn. Người ta phải thiết lập một lộ trình mới, nếu không sẽ đi vào vết xe đổ của những khuôn mẫu “trôi dạt” như cũ, bất kể họ có bao nhiêu tấm bản đồ hàng hải trong tay.
Đây là lúc mà việc xem xét các giá trị đạo đức và các nguyên tắc tôn giáo trở thành một quá trình quan trọng của hôn nhân. Người chồng và người vợ phải thực hiện một vài cuộc truy vấn căn cơ về điều họ xem là quan trọng, từ đó vẽ nên lộ trình phù hợp của riêng hai người. Will Durant80 nhìn vấn đề đạo đức căn bản dưới dạng câu hỏi: “Là một người tốt hay là người mạnh mẽ thì tốt hơn?81”. Câu hỏi này có thể được hỏi theo nhiều cách trong bối cảnh hôn nhân. Tử tế hay giàu có thì tốt hơn? Dành thời gian cho gia đình hay cho các hoạt động cộng đồng thì tốt hơn? Khuyến khích con cái biết nhường nhịn hay biết trả đũa thì tốt hơn? Sống hưởng thụ, thoải mái hôm nay hay dè sẻn, dành dụm cho bất trắc ngày mai thì tốt hơn? Được biết đến như một người hàng xóm tốt bụng chu đáo hay như một lãnh đạo cộng đồng tài ba thì tốt hơn?
80 William James “Will” Durant (1885 – 1981) là nhà văn, nhà sử học, triết học người Mỹ, ông nổi tiếng nhất với bộ sách The Story of Civilization.
81 W. Durant, trong cuốn The Story of Philosophy (New York: Simon & Schuster, 1926).
Đây là những câu hỏi có thể dẫn tới những vướng mắc pháp lý vô vọng, trừ khi chúng được hỏi bởi Cái Tôi Người Lớn, mà ngay cả với Cái Tôi Người Lớn thì đây cũng là những câu hỏi khó. Biết được các ý kiến từ Cái Tôi Cha Mẹ của mỗi bên là chưa đủ để trả lời những câu hỏi này. Biết được nhu cầu và cảm giác của Cái Tôi Trẻ Em ở mỗi người cũng là không đủ. Nếu dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em có sự bất đồng, thì phải có một số chuẩn mực đạo đức được cả hai chấp nhận, đây là thứ có thể đưa ra hướng đi cho lộ trình hôn nhân và làm nền tảng giá trị cho mọi quyết định được đưa ra. Người ta nói rằng “tình yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng”. Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em trong mỗi người có thể đi ngược hướng, xa nhau đến vô cùng. Chỉ có thông qua Cái Tôi Người Lớn mới có thể đạt tới sự hài hòa, hội tụ. Nhưng mục tiêu “ngoài kia” không thể được thiết lập mà không có những sự xem xét về đạo đức và luân lý. Một trong những câu hỏi tôi thường đặt ra với một cặp đôi đang gặp bế tắc với vấn đề “nên làm gì bây giờ” chính là: “Đâu là điều thương mến mà ta nên làm?”.
Điều này vượt khỏi sự đánh giá khoa học về khả năng cam kết với điều gì đó tốt hơn điều đã có trước đây. “Được yêu” là gì? Tình yêu là gì? “Nên” và “phải” thuộc kiểu ngôn ngữ nào? Những câu hỏi này được xem xét chi tiết trong Chương 12: “Mô hình P-A-C và các giá trị đạo đức”.