Thời gian là thứ chúng ta muốn có nhất, nhưng than ôi, nó lại là thứ chúng ta hoang phí nhất.
– William Penn
Một trong những cuộc phiêu lưu khoa học kịch tính nhất trong thế kỷ 20 là cuộc khám phá không gian vũ trụ. Chúng ta không sẵn lòng hiểu rằng vũ trụ là vô tận. Chúng ta muốn các ranh giới rõ ràng, có thể nói vậy, những nền tảng cho vệ tinh nhân tạo, hoặc các đường đi chính xác về mặt toán học giúp chúng ta định hướng cho những phương tiện đi vào không gian. Chúng ta muốn hiểu rõ không gian vũ trụ, định nghĩa nó, theo một cách nào đó là để có thể tận dụng nó.
Một thực thể to lớn vĩ đại khác chính là thời gian. Chúng ta có thể ước đoán cả về sự kết thúc cuộc sống trần thế của mình. Chúng ta có thể tin tưởng vào sự bất tử trong lúc đối diện với cái chết mà ta không hiểu nổi, nhưng, giống như nỗ lực định nghĩa không gian, chúng ta phải định nghĩa thời gian của mình tại thời điểm ta tồn tại. Tất cả những gì chúng ta có thể biết đó là thời gian trung bình dành cho mỗi người là khoảng bảy mươi năm. Chúng ta làm gì với phần được chia đó mới chính là điều ta cần quan tâm. Trong đó, mối quan tâm gần gũi nhất chính là chúng ta làm gì với từng khoảng thời gian nhỏ hơn trước mắt: tuần tới, ngày tới, giờ tới, hay chính thời khắc hiện tại.
Chúng ta đều có chung mối bận tâm với Disraeli60 rằng “cuộc sống quá ngắn ngủi để chấp nhận làm một người nhỏ bé, tầm thường”. Song nỗi thất vọng to lớn nhất của chúng ta chính là rất nhiều cuộc đời lại thành ra như vậy. Có lẽ, điều gây ấn tượng mạnh mẽ và giàu ý nghĩa hơn việc khám phá không gian chính là nghiên cứu cách chúng ta sử dụng thời gian. “Thật nực cười”, John Howe nói, “khi sợ hãi việc hoang phí toàn bộ cuộc sống của mình trong một lần nhưng lại không bận tâm gì đến việc hoang phí nó từng mảnh, từng phần một, ngày qua ngày”.
60 Benjamin Disraeli (1804 – 1881): cựu thủ tướng Anh.
Giống như với không gian, chúng ta cũng không bằng lòng với nhận thức rằng thời gian là vô tận. Đối với nhiều người, câu hỏi cấp thiết là “Làm thế nào tôi có thể vượt qua giờ đồng hồ tiếp theo?”. Thời gian càng được cơ cấu chi tiết hơn, thì vấn đề ngày càng ít khó khăn hơn. Những người cực kỳ bận rộn với nhiều đòi hỏi từ bên ngoài sẽ không có thời gian rỗi. “Giờ tiếp theo” đã được lên lịch ổn thỏa. Sự lập trình này, hay còn gọi là sự cơ cấu thời gian này, là điều mọi người cố gắng đạt được, và khi họ không thể tự làm nó, họ tìm kiếm những người khác để cơ cấu thời gian cho mình. “Cho tôi biết điều tôi phải làm là gì”; “Tôi nên làm gì tiếp theo?”; “Điều chúng ta cần là sự lãnh đạo, dẫn dắt”.
Cảm giác thèm khát những khoảng thời gian được cơ cấu tốt là một kết quả tự nhiên của cảm giác thèm khát sự công nhận, vốn phát triển từ cảm giác thèm khát sự vỗ về thuở ấu thơ. Một đứa trẻ không cần thiết phải hiểu về thời gian để có thể cơ cấu nó, nhưng vẫn hồn nhiên thiết lập những điều cần làm để cảm thấy thoải mái, vui sướng từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Khi đứa trẻ lớn hơn một chút, nó học được cách hoãn sự vui sướng nhất thời lại để có được những phần thưởng lớn hơn: “Mình có thể chạy ra ngoài chơi và nặn mấy cái bánh bùn cùng với Susie ngay bây giờ, nhưng mình sẽ chịu khó chờ hai mươi phút và giữ cái váy này thật sạch đẹp, như vậy mình có thể đến trung tâm thương mại cùng với bố”. Về cơ bản, đây là một vấn đề trong việc cơ cấu thời gian. Lựa chọn nào sẽ mang lại nhiều niềm vui sướng hơn? Điều gì sẽ mang lại phần thưởng lớn hơn? Khi lớn lên, chúng ta có ngày càng nhiều lựa chọn trong việc sử dụng thời gian. Tuy nhiên, vị thế KHÔNG ỔN kìm hãm chúng ta thực hiện những lựa chọn này một cách tự do như chúng ta vẫn tưởng.
Trong quan sát của chúng tôi về các tương giao giữa mọi người, chúng ta có thể xác định sáu loại trải nghiệm, bao hàm mọi kiểu tương giao.
Đó là sự thu mình, các nghi thức, các hoạt động, các trò tiêu khiển, các trò chơi và sự thân mật.
Sự thu mình, dù không phải là một tương giao diễn ra với một người khác, vẫn có thể diễn ra trong một bối cảnh xã hội. Một người đàn ông ăn trưa với một nhóm đồng nghiệp tẻ nhạt chỉ quan tâm tới những tương tác vỗ về của họ hơn là của anh ta, thì anh ta có thể thu mình vào trong sự tưởng tượng của mình đêm hôm trước, nơi có sự vỗ về. Thân xác của anh ta vẫn ngồi ở bàn ăn trưa nhưng tâm hồn anh thì không. Giống như những lớp học trong một ngày đầu xuân, sĩ số đầy đủ nhưng hồn vía các em đều đang lang thang ở những hồ bơi mát mẻ hoặc đang bay vào không gian, cũng có thể đang hồi tưởng sự ngọt ngào của nụ hôn dưới tán hoa tử đằng. Bất cứ lúc nào mọi người thu mình vào trong một dạng thức nhất định nào đó thì chắc chắn sự thu mình giữ họ tách biệt khỏi những gì thuộc về thể xác. Điều này hoàn toàn vô hại trừ khi nó diễn ra mọi lúc, hoặc khi vợ bạn đang cố trò chuyện với bạn mà không được.
Nghi thức là một cách sử dụng thời gian được lập trình chung cho xã hội, nơi mà mọi người đồng thuận làm cùng một hành động tương tự nhau. Nó an toàn, không có sự cam kết hay dính líu nào với người khác, kết quả của nó là có thể dự đoán được và nó có thể mang lại cảm giác dễ chịu bởi vì bạn đang “đồng điệu” hoặc đang làm điều đúng đắn, nên làm. Có các loại nghi thức như nghi thức thờ cúng, nghi thức chúc tụng, nghi thức trong các bữa tiệc, nghi thức chăn gối. Nghi thức được thiết kế để một nhóm người trải qua một khoảng thời gian mà không nhất thiết phải có tương giao gần gũi với nhau. Đó là những điều họ có thể làm nhưng không bắt buộc. Sẽ thoải mái hơn nhiều khi dự một buổi lễ Thánh của phái High Church61 thay vì có mặt tại một buổi lễ phục hồi đức tin, nơi mà ta có thể nhận được câu hỏi “Anh đã được cứu rỗi chưa, người đồng đạo?”. Các tương tác tính dục sẽ ít khó xử hơn trong bóng tối đối với những người có sự thân mật thể xác không bao gồm sự thân mật về mặt con người. Một bữa tiệc cocktail chắc chắn có ít cơ hội tương tác hơn là một bữa ăn tối sáu người. Trong nghi thức có ít sự cam kết, do đó mà ít sự thỏa mãn. Các nghi thức, giống như sự thu mình, có thể khiến chúng ta tách biệt và cô đơn.
61 Thuộc giáo hội Anh, là phái xem trọng nghi thức tế lễ và uy quyền của giám mục.
Một hoạt động, theo Berne, là một “cách thức thông thường, tiện lợi, thoải mái và vị lợi để cơ cấu thời gian bằng một dự án được thiết kế nhằm giải quyết các chất liệu của thực tại bên ngoài62”. Các hoạt động thông thường là các buổi hẹn làm ăn, rửa chén dĩa, xây nhà, viết một quyển sách, xúc tuyết và học bài cho kỳ thi. Các hoạt động hiệu quả hoặc sáng tạo có thể khiến chúng ta cảm thấy hài lòng, chúng cũng có thể dẫn đến sự hài lòng trong tương lai dưới bản chất của sự vỗ về vì công việc được thực hiện suôn sẻ. Nhưng trong khoảng thời gian diễn ra hoạt động, không có sự đòi hỏi tương giao thân mật với người khác. Có thể có, nhưng không bắt buộc. Một số người dùng công việc của họ để tránh né các mối quan hệ thân mật, họ làm việc thâu đêm suốt sáng tại văn phòng thay vì về nhà, dâng hiến toàn bộ cuộc đời cho mục tiêu kiếm hàng triệu đô-la thay vì kết thêm bạn bè thân thiết. Các hoạt động, giống như sự thu mình và các nghi thức, có thể khiến chúng ta tách biệt và cô đơn.
62 E. Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy (New York: Grove Press, 1961), trang 85.
Trò tiêu khiển là một cách để giết thì giờ. Berne định nghĩa trò tiêu khiển là:
… một sự dấn thân, trong đó các tương giao rất cởi mở, thoải mái... Với những người hạnh phúc hay người có tổ chức tốt, người có nguyên vẹn khả năng tận hưởng niềm vui, thì một trò tiêu khiển mang tính xã hội có thể làm họ thích thú và mang đến cho họ sự hài lòng. Nhưng với những người khác, đặc biệt là những người loạn thần, trò tiêu khiển chỉ có ý nghĩa đúng như tên gọi của nó, là một cách để giết thì giờ (pastime): cho đến khi người đó biết rõ mọi người hơn, cho đến khi một giờ đó trôi qua, và trên một diện rộng hơn, cho đến giờ đi ngủ, cho đến kỳ nghỉ dưỡng, cho đến kỳ nhập học, cho đến khi việc điều trị sẵn sàng, cho đến khi sự giải thoát hay cái chết ập đến. Sự tồn tại của trò tiêu khiển là một cách thức để ngăn chặn cảm giác tội lỗi, thất vọng hay sự thân mật, một công cụ được cung cấp bởi tự nhiên và văn hóa để xoa dịu đi cảm giác vô vọng hoàn toàn. Theo hướng lạc quan hơn, trong điều kiện tốt nhất, trò tiêu khiển là điều gì đó có giá trị tận hưởng và ít nhất nó phải phục vụ như một phương tiện làm quen trong niềm hy vọng đạt được khát khao xưa cũ với một cá nhân khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, mỗi người tham gia trò tiêu khiển sử dụng nó trên tinh thần chủ nghĩa cơ hội, hòng có được bất kỳ lợi ích sơ cấp hay thứ cấp nào từ nó63.
63 Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy, trang 98.
Những người không thể tham gia các hoạt động tiêu khiển theo ý thích sẽ không thoải mái trong đời sống xã hội. Trò tiêu khiển có thể được coi là một kiểu điều tra xã hội, nơi người ta tìm kiếm thông tin về những mối quen biết mới theo lối thân thiện và không cần sự cam kết. Quan sát của Berne nhận thấy rằng “các trò tiêu khiển tạo nền tảng cho việc lựa chọn các mối quan hệ quen biết và có thể dẫn đến tình bạn”, và thêm nữa, chúng còn có một lợi ích là “xác nhận vai trò và làm ổn định vị thế sống”.
Berne đã đưa ra một số cái tên thú vị cho vài trò tiêu khiển nhất định có thể tìm thấy tại các bữa tiệc cocktail, các bữa tiệc trưa của phái nữ, các cuộc họp mặt gia đình, và Câu lạc bộ Kiwanis như: những biến thể của “Cuộc trò chuyện vặt”, chẳng hạn như “Xe cộ nói chung” (so sánh các loại xe hơi) và “Ai chiến thắng” (cả hai đều là cuộc nói chuyện của đàn ông); “Tạp hóa”, “Bếp núc” và “Quần áo” (những cuộc nói chuyện của phụ nữ); “Làm thế nào để” (nói về cách làm một điều gì đó); “Bao nhiêu” (nó tiêu tốn bao nhiêu?); “Đã từng” (về một nơi chốn cũ nào đó); “Bạn có biết” (chuyện này chuyện kia); “Chuyện gì xảy ra…” (với con người tốt đẹp trước kia); “Buổi sáng thức dậy sau khi…” (thật là một dư vị khó chịu!); và “Rượu Martini” (tôi biết một cách tốt hơn)64.
64 Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy, trang 99.
Trò tiêu khiển có thể được trải nghiệm bằng Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn hoặc Cái Tôi Trẻ Em. Một trò tiêu khiển giữa hai Cái Tôi Cha Mẹ được khởi đầu bằng tương giao sau đây:
MAUDE: Ý chị là chị làm nệm ghế sao?
BESS: Chỉ khi cần thiết thôi.
Tương giao này dẫn đến một cuộc thảo luận về mức phí đắt đỏ để hoàn thành cái nệm ghế, những món hàng thứ phẩm đang tràn lan ra sao và đợt giảm giá ở cửa hàng Macy.
Một trò tiêu khiển giữa hai Cái Tôi Trẻ Em là sự chia sẻ những lựa chọn bất khả thi mang tính tượng trưng cho tình huống “làm cũng chết mà không làm cũng chết” của một đứa trẻ. Sự lo âu có thể được giảm bớt bằng trò tiêu khiển này, không phải vì vấn đề đã được giải quyết, mà vì nó được trao cho một người khác – “Đây, bạn hãy vật lộn với vấn đề này một lúc đi!”. Những câu hỏi sau đây được ghi lại trong một cuộc trao đổi giữa hai đứa bé năm tuổi:
Bạn muốn ăn một đụn đất đầy kiến hay uống một xô thuốc đang sôi?
Bạn muốn bị rượt đuổi bởi một con bò rừng hay mang giày ngược suốt cả ngày?
Bạn muốn ngồi trên một cái lò than nóng hay ngồi trong lồng máy giặt xoay 50 lần?
Bạn muốn bị chích bởi một ngàn con ong hay ngủ trong chuồng heo một đêm?
Trả lời một trong hai. Bạn phải chọn một trong hai.
Phiên bản trưởng thành hơn của các lựa chọn có thể tinh vi, phức tạp hơn, chẳng hạn, bạn là một người theo đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Cái Tôi Người Lớn có thể chơi các trò tiêu khiển về những chủ đề vô vị như thời tiết để giữ một mối quan hệ tiếp diễn cho tới khi phát hiện điều gì đó thú vị hơn hoặc đến khi xuất hiện một quá trình tạo ra tương tác vỗ về:
ÔNG A: Nhìn trời có vẻ như sắp bão tới nơi.
ÔNG B: Mây âm u thật.
ÔNG A: Nó nhắc tôi nhớ lúc tôi lái máy bay ngang qua Vịnh San Francisco và gặp một trận cuồng phong.
ÔNG B: Ồ thật sao, anh biết lái máy bay à?
Trò tiêu khiển có thể hữu ích trong những tình huống xã hội nhất định, nhưng rõ ràng là khi các mối quan hệ chỉ dừng lại ở trò tiêu khiển mà không tiến triển hơn, chúng sẽ tàn lụi, hoặc trong trường hợp tốt nhất, chúng sẽ tiếp tục tồn tại trong sự tuyệt vọng và tăng cảm giác buồn chán. Vì vậy, trò tiêu khiển cũng giống như sự thu mình, nghi thức và hoạt động, có thể khiến chúng ta tách biệt.
Các trò chơi là những hiện tượng tương giao có ý nghĩa mà Berne đã dành toàn bộ nội dung của một quyển sách để nói về chúng, quyển Games People Play. Hầu hết các trò chơi gây ra rắc rối. Chúng là những kẻ phá hoại mối quan hệ và tạo ra khốn khổ, và việc hiểu về chúng được dựa trên câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao điều này cứ luôn xảy ra với tôi?”. Từ “trò chơi” không nên bị hiểu nhầm, Berne đã giải thích rằng nó không nhất thiết ám chỉ niềm vui hay sự tận hưởng. Để hiểu toàn diện về các trò chơi, tôi khuyến nghị bạn đọc quyển sách vừa được nhắc đến của Berne. Tuy nhiên, những phần sau đây là một định nghĩa ngắn gọn, nhằm phục vụ cho mục đích dẫn đường đến thuyết Phân tích Tương giao.
Một trò chơi là một chuỗi diễn biến của các tương giao kín đáo có tính bổ sung mà sau đó tiến triển đến một kết quả xác định rõ ràng, có thể dự đoán được. Mô tả sinh động thì nó là một tập hợp tuần hoàn của các tương giao, thường có đặc trưng lặp lại, bề ngoài có vẻ hợp lý, với một động cơ được che đậy; hoặc, thông thường hơn, là một loạt các động tác thực hiện với một mưu chước hoặc một “mánh lới dụ dỗ”. Các trò chơi rõ ràng là khác với những quy trình, nghi thức và những trò tiêu khiển bởi hai đặc tính chủ yếu: (1) chất lượng về sau của chúng và (2) “phần thưởng” của chúng. Các quy trình có thể thành công, các nghi thức có thể hiệu quả và các trò tiêu khiển có thể có ích, nhưng tất cả chúng đều được xác định ngay thẳng; chúng có thể bao gồm sự cạnh tranh – chứ không phải sự xung đột, và kết cục của chúng có thể gây xúc động – chứ không phải kịch tính. Ngược lại, mỗi trò chơi về cơ bản đều không trung thực, và kết quả luôn là một sự kịch tính, chỉ khác biệt về chất lượng và sự kích động mà nó tạo ra65.
65 Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy, trang 99.
Như đã được chỉ ra trong Chương 3, mọi trò chơi đều xuất phát từ trò chơi “Của tôi tốt hơn của bạn” thời thơ ấu, một trò chơi rất dễ dàng quan sát được trong bất kỳ nhóm trẻ em từ bốn đến năm tuổi nào. Trò chơi khi đó, cũng như ở hiện tại, được thiết kế ra để mang lại một chút xoa dịu trong khoảnh khắc giảm tải gánh nặng đau đớn của vị thế KHÔNG ỔN. Khi phát triển thành các phiên bản người lớn tinh vi hơn, nó hoạt động kín kẽ để không bộc lộ cảm giác thật sự. Khi đứa trẻ nói “Của tôi tốt hơn của bạn” thực chất nó đang cảm thấy “Tôi không ổn như bạn”. Đó là một kiểu phòng vệ công kích. Nó bảo vệ nhằm duy trì sự cân bằng nội môi. Khi những phiên bản trưởng thành của trò chơi diễn ra, cũng vẫn sẽ có những “phần thưởng”. Nếu trò “Của tôi tốt hơn của bạn” bị đẩy đi đủ xa, trò chơi sẽ kết thúc với sự xô đẩy thô bạo, những cái tát, hay các bằng chứng mang tính hủy hoại rằng “Của tôi không tốt hơn của bạn”. Điều này sẽ đẩy đứa trẻ trở lại vị trí ban đầu của mình, nó đã được chứng minh một lần nữa là nó KHÔNG ỔN, và trong sự duy trì vị thế cố định này nó vẫn có một cảm giác an toàn nghèo nàn.
Đây là bản chất của mọi trò chơi. Trò chơi là một cách sử dụng thời gian dành cho những ai không thể chịu đựng được khao khát sự vỗ về trong trạng thái thu mình; tuy nhiên, vị thế KHÔNG ỔN của họ khiến cho hình thức cuối cùng của mối quan hệ, tức sự thân mật, trở thành bất khả. Mặc dù trò chơi mang đến sự khốn khổ, nhưng nó cũng có ý nghĩa nào đó. Như một diễn viên hài đã nói: “Có hơi thở bốc mùi còn đỡ hơn không có hơi thở nào cả”. Dấn thân vào những trò chơi nhọc nhằn vẫn tốt hơn là chẳng có mối quan hệ nào cả. “[Đứa bé] đang phát triển có khả năng sống sót nhiều hơn trong cảm giác ấm áp của cơn thịnh nộ, còn trong sự lãnh đạm thờ ơ, nó sẽ tàn lụi”, Tiến sĩ Richard Galdston đã viết như vậy, khi nói về những đứa trẻ bị bạo hành66.
66 R. Galdston, M.D., bài viết “Observations of Children Who Have Been Physically Abused and Their Parents” đăng trên tạp chí American Journal of Psychiatry, Vol. 122, No. 4 (tháng Mười năm 1965).
Vì vậy, trò chơi cung cấp lợi ích cho tất cả người chơi. Chúng bảo vệ tính toàn vẹn của vị thế mà không đe dọa bốc trần vị thế.
Để làm rõ hơn bản chất của các trò chơi, chúng tôi sẽ thuật lại các động thái diễn ra trong một trò chơi có tên là “Tại sao bạn không… – Phải đó, nhưng...”. Người chơi gồm Jane, một phụ nữ trẻ, và bạn cô ấy. (Trò chơi này thường được chơi trong những tình huống mang tính giúp đỡ, trong quá trình tu tập của những tu sĩ, trong phòng khám của bác sĩ tâm thần hay trong căn bếp của một người bạn kiên nhẫn.)
JANE: Mình quá đơn điệu và tẻ nhạt đến nỗi chẳng bao giờ có nỗi cuộc hẹn hò.
NGƯỜI BẠN: Tại sao cậu không tìm một tiệm chăm sóc sắc đẹp có dịch vụ tốt và thử một kiểu tóc mới xem nào?
JANE: Phải đó, nhưng sẽ tốn nhiều tiền lắm.
NGƯỜI BẠN: Chà, vậy mua một quyển tạp chí hướng dẫn những cách chăm sóc tại nhà thì sao?
JANE: Phải đó, nhưng mình đã từng thử rồi – và tóc của mình quá mảnh, nó không giữ nếp được. Nếu mình búi tóc lên thì ít ra nó còn trông gọn gàng.
NGƯỜI BẠN: Thế còn trang điểm để làm bật các đường nét gương mặt của cậu thì sao?
JANE: Cũng hay, nhưng da của mình dị ứng với sản phẩm trang điểm. Mình đã thử làm một lần và da mình cứ bị xù và bong tróc.
NGƯỜI BẠN: Bây giờ có nhiều kiểu trang điểm mới rất tốt và không gây dị ứng lắm. Sao cậu không đến gặp một chuyên gia về da để họ tư vấn cho?
JANE: Ừ, nhưng mình biết họ sẽ nói gì mà. Họ sẽ bảo do mình ăn uống không đúng cách. Mình biết mình ăn quá nhiều đồ ăn vặt và không có những bữa ăn cân bằng dưỡng chất. Đó là điều xảy ra khi ta sống một mình đấy. Ôi, thế đấy, ta chỉ đẹp khi có làn da đẹp.
NGƯỜI BẠN: Cũng đúng. Biết đâu sẽ có ích khi cậu tham gia những khóa học Giáo dục dành cho người lớn, như nghệ thuật hoặc các sự kiện đang nổi nào đấy. Cậu biết đấy, nó sẽ giúp cậu trở thành một cô nàng giỏi ăn nói.
JANE: Cũng được đấy, nhưng mấy vụ đó thì luôn quá khuya. Và mỗi khi tan ca là mình đã kiệt sức rồi.
NGƯỜI BẠN: Vậy thì hãy chọn những khóa học từ xa, những khóa học qua thư từ ấy.
JANE: Ừ, nhưng mình thậm chí còn không có thời gian để viết thư cho người thân. Mình kiếm đâu ra thì giờ cho các khóa học qua thư?
NGƯỜI BẠN: Cậu có thể kiếm ra thì giờ nếu việc đó đủ quan trọng với cậu.
JANE: Ừ, cậu nói thì dễ. Cậu luôn tràn đầy năng lượng, còn mình thì luôn thấy kiệt sức.
NGƯỜI BẠN: Vậy sao tối nay cậu không đi ngủ sớm để lại sức? Chẳng có gì lạ khi cậu mệt như vậy, đêm nào cậu cũng ngồi xem “Chuyện đêm muộn” mà.
JANE: Ừ, nhưng mình phải làm gì đó vui vui chứ. Đó là tất cả những gì có thể làm nếu cậu là mình!
Trên đây là cuộc thảo luận đi theo một vòng tròn khép kín. Jane đã đánh đổ mọi lời đề nghị từ người bạn của cô một cách có hệ thống. Cô bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một lời than vãn rằng trông cô quá đơn điệu và tẻ nhạt, để rồi sau đó kết thúc lời đề nghị giúp đỡ bằng một lý do: cô đơn điệu và tẻ nhạt vì đó chính là con người cô.
Người bạn kia cuối cùng đã thất bại trong việc thuyết phục cô và có lẽ rốt cuộc sẽ dừng việc thuyết phục; về lâu về dài điều này càng củng cố cho vị thế KHÔNG ỔN mà Jane cảm thấy. Nó minh chứng cho Jane rằng chẳng có hy vọng nào cho cô cả – cô thậm chí không thể giữ nổi những người bạn mà mình có, và điều này càng biện minh cho việc cô ấy lao vào một trò chơi khác, trò “Nó tệ quá phải không”. Lợi ích mà Jane có được là cô ấy không phải làm bất cứ điều gì với bản thân, vì cô ấy đã lặp đi lặp lại các bằng chứng rằng chẳng có điều gì hiệu quả hết.
“Tại sao bạn không… – Phải đó, nhưng…” có thể được chơi đến vô hạn lượt, theo Berne:
Một người chơi, trong vai “nó”, sẽ trình bày một vấn đề. Những người chơi khác bắt đầu đưa ra các giải pháp, mỗi giải pháp bắt đầu bằng cụm từ “tại sao bạn không...”. Tương ứng mỗi giải pháp như thế, người trong vai “nó” đưa ra một lời hồi đáp bắt đầu bằng cụm từ “Phải đó, nhưng…”. Một người chơi giỏi có thể đứng vững trước vô hạn những lời đề nghị của nhóm người đưa ra giải pháp, cho tới khi tất cả họ đều bỏ cuộc, ngay lúc đó “nó” giành chiến thắng.
Vì tất cả các giải pháp đưa ra đều bị từ chối – rất ít ngoại lệ, rõ ràng là trò chơi này còn phục vụ một số mục đích kín đáo. “Mồi câu” trong trò chơi “Tại sao bạn không… – Phải đó, nhưng…” được quăng ra không vì mục đích bề mặt của nó (là một Cái Tôi Người Lớn tìm kiếm thông tin hay giải pháp) mà chẳng qua để làm an tâm và vừa lòng Cái Tôi Trẻ Em. Lời thoại hiện ra ngoài có thể nghe như Cái Tôi Người Lớn đang phát ngôn, nhưng bên dưới đó, có thể quan sát thấy một người tự trình bày về mình bằng Cái Tôi Trẻ Em không đủ sức ứng phó với tình huống; chính lúc đó những người khác chuyển sang Cái Tôi Cha Mẹ chín chắn để đưa ra những lời khuyên nhủ khôn ngoan, giúp đỡ một người đang bất lực. Điều này chính xác là điều “nó” muốn, vì mục tiêu của người này là làm rối loạn những Cái Tôi Cha Mẹ của người khác67.
67 Berne, trong cuốn Transactional Analysis, trang 104.
(Đây là một phiên bản phát triển về sau của trò chơi “Của tôi tốt hơn của bạn”, vốn là trò chơi từ chối sự thật rằng “bạn tốt hơn tôi”.) Khi trò chơi kết thúc, tất cả những lời khuyên được đưa ra đều bị từ chối, đều thất bại trong việc giúp đỡ “nó”, và “nó” đã chứng minh rằng vấn đề của người chơi là thật sự không thể giải quyết; điều này giúp cô ấy có thể nuông chiều Cái Tôi Trẻ Em của mình trong một trò chơi mới: “Nó tệ quá phải không”. Đó chẳng qua cách mà mọi việc phải diễn ra và đó chính là con người tôi (và do đó tôi không phải làm bất cứ điều gì với nó hết, vì như chúng ta đã thấy đó, chẳng cách nào có hiệu quả hết).
Berne đã mô tả khoảng ba mươi trò chơi trong quyển sách Games People Play. Tên ông đặt cho các trò chơi đều thông tục, và với ngữ nghĩa chính xác, phần lớn chúng đều rất đúng với đặc tính then chốt của trò chơi, chẳng hạn như: “Nó tệ quá phải không”; “Nếu không phải tại bạn, tôi đã có thể”; “Hãy để bạn và anh ta đấu với nhau”; “Bắt được ngươi rồi, đồ khốn”… Vì các tựa trò chơi đều thông tục, nên chúng thường gây cười. Sự thật là các trò chơi này không hề vui. Chúng là các lớp phòng vệ để bảo vệ cá nhân khỏi sự đau đớn ở mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn phát triển từ vị thế KHÔNG ỔN. Sự phổ biến của quyển sách về “trò chơi” của Berne đã làm tăng lên nhiều vòng tròn tinh vi phức tạp cho một trò tiêu khiển mới là “mời gọi trò chơi”. Khái niệm về các trò chơi có thể là một công cụ trị liệu hữu ích khi được dùng kết hợp với sự hiểu biết trước đó về mô hình P-A-C; nhưng với sự vắng mặt của sự hiểu biết về khái niệm trò chơi, nhất là về mời gọi trò chơi, sự kết hợp này có thể đơn giản là một cách khác để chống đối. Những người có hiểu biết về mô hình P-A-C có thể được lợi từ một cuộc thảo luận học thuật về các trò chơi bằng cách áp dụng chúng cho chính họ; nhưng để “được gọi” vào một trò chơi bởi người khác, trong sự thiếu vắng của hiểu biết hay mối quan tâm thật sự, thì gần như chắc chắn sẽ tạo ra sự giận dữ. Niềm tin vững chắc của tôi từ việc quan sát về hiện tượng này trong thời gian dài chính là phân tích trò chơi phải luôn đi sau Phân tích Tương giao và phân tích cấu trúc thời gian sống. Biết được bạn đang chơi trò chơi nào không cho bạn khả năng thay đổi nó. Có nguy cơ tồn tại trong việc loại bỏ một cách thức phòng vệ khi trước đó không giúp người đó hiểu được vị thế sống của mình và tình huống đã thiết lập nên vị thế ấy trong thời thơ ấu, bởi chính vị thế ấy đã khiến sự phòng vệ đó trở thành thiết yếu. Nói cách khác, nếu chỉ có một phiên gặp duy nhất để giúp một ai đó, thì phương pháp được lựa chọn nên là dạy họ ý nghĩa của mô hình P-A-C và hiện tượng tương giao. Tôi tin rằng quy trình này hứa hẹn tạo ra sự thay đổi nhiều hơn so với phân tích trò chơi trong việc trị liệu ngắn hạn.
Tóm lại, chúng ta coi các trò chơi như các phương pháp cơ cấu thời gian, và giống như sự thu mình, các nghi thức, các hoạt động và các trò tiêu khiển, nó khiến mọi người tách biệt nhau. Vậy thì chúng ta có thể làm gì với thời gian mà không khiến con người tách biệt nhau? George Sarton68 đã nhận xét: “Tôi tin người ta có thể chia con người ra làm hai nhóm chính: những người chịu đựng nỗi giày vò của khao khát được hợp nhất và những người không như thế. Giữa hai nhóm này là một vực thẳm – bên “nhất thể” là hỗn loạn; bên còn lại là sự bình yên.
68 George Sarton (1884 – 1956): nhà sử học người Mỹ gốc Bỉ, ông được coi là người đặt nền móng cho ngành lịch sử khoa học.
Trong hàng ngàn năm qua, sự tồn tại của loài người đã được cơ cấu với sự vượt trội của sự thu mình, nghi thức, trò tiêu khiển, hoạt động và trò chơi. Sự hoài nghi về khẳng định này có lẽ có thể được giải quyết tốt nhất bằng lời nhắc nhở về sự tái diễn dai dẳng suốt lịch sử loài người của trò chơi ác nghiệt nhất – chiến tranh. Đa số người đã bất lực chấp nhận những khuôn mẫu này như thể đó là bản chất con người, là các sự kiện không thể tránh khỏi, là một triệu chứng lịch sử tự lặp đi lặp lại. Trong sự cam chịu này có một sự bình yên nhất định. Nhưng, như Sarton gợi mở, trong lịch sử loài người, những người thực sự gặp rắc rối là những người đã từ chối việc cam chịu sự tách biệt không thể tránh khỏi và là những người bị lèo lái bởi một khát khao giày vò về sự hợp nhất. Động lực trung tâm của triết học chính là thôi thúc được kết nối với nhau. Niềm hy vọng luôn tồn tại, nhưng nó đã không vượt qua được nỗi sợ bên trong của sự gần gũi, của việc đánh mất bản thân trong người khác, của việc tham gia vào cách thức cơ cấu thời gian cuối cùng – sự thân mật.
Một mối quan hệ thân mật giữa hai người có thể được coi như tồn tại độc lập với năm cách cơ cấu thời gian: thu mình, tiêu khiển, hoạt động, nghi thức và trò chơi. Nó dựa trên sự chấp nhận rằng cả hai đều ở vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN. Nó bình yên, theo đúng nghĩa đen, trong một tình yêu chấp nhận lẫn nhau, nơi mà sự cơ cấu thời gian mang tính phòng vệ là không cần thiết. Cho đi và sẻ chia là những biểu hiện tự nhiên của niềm vui thay vì các hồi đáp đối với những nghi thức được lập trình mang tính xã hội. Sự thân mật là một mối quan hệ không bao gồm bất cứ trò chơi nào, bởi vì các mục tiêu không bị giấu giếm. Sự thân mật được diễn ra trong một tình huống không có sợ hãi để có thể diễn ra một nhận thức đầy đủ, đó là nơi mà vẻ đẹp có thể được nhìn tách biệt với sự hợp nhất, nơi mà thực tế của quyền sở hữu khiến cho sự chiếm hữu là không cần thiết.
Nó là một mối quan hệ trong đó Cái Tôi Người Lớn của cả hai người đều nắm quyền chỉ huy và cho phép sự hiện diện của Cái Tôi Trẻ Em thuần chất. Dưới góc nhìn này, Cái Tôi Trẻ Em có thể được nhìn nhận là có hai bản chất: Cái Tôi Trẻ Em thuần chất (sáng tạo, tự nhiên, tò mò, nhận biết, không sợ hãi) và Cái Tôi Trẻ Em thích nghi (thích nghi với đòi hỏi giáo hóa ban đầu của Cái Tôi Cha Mẹ). Sự giải phóng cho Cái Tôi Người Lớn có thể kích hoạt Cái Tôi Trẻ Em thuần chất hiện diện nhiều hơn nữa. Cái Tôi Người Lớn có thể nhận diện bản chất xưa cũ của những đòi hỏi từ Cái Tôi Cha Mẹ và cho phép Cái Tôi Trẻ Em thuần chất xuất hiện trở lại mà không còn sợ hãi tiến trình giáo hóa đầu đời, thứ không chỉ tắt đi những hành vi phản xã hội có tính công kích mà còn tắt đi cả niềm vui và sự sáng tạo. Đây là sự thật đã giúp cá nhân tự do – tự do để nhận biết lần nữa và tự do để nghe, cảm nhận và nhìn nhận cuộc sống theo cách của riêng mình. Đây là một phần của hiện tượng thân mật. Do vậy, một món quà là bó hoa dại vẫn có thể dễ dàng trở thành biểu hiện tự nhiên của tình yêu và niềm vui hơn là những chai nước hoa đắt tiền. Việc quên mất ngày kỷ niệm chẳng là gì to tát với cặp vợ chồng có sự thân mật, nhưng sẽ là điều nghiêm trọng khủng khiếp với những mối quan hệ tồn tại theo nghi thức.
Câu hỏi thường đặt ra: Liệu sự thu mình, trò tiêu khiển, nghi thức, hoạt động và trò chơi có luôn là điều xấu trong một mối quan hệ không? Có thể nói rằng các trò chơi gần như luôn mang tính phá hoại, bởi vì động lực của chúng luôn kín đáo, và tính chất kín đáo thì đối lập hoàn toàn với sự thân mật. Bốn hình thức đầu tiên không nhất thiết mang tính hủy hoại trừ khi chúng trở thành hình thức được ưu tiên trong cơ cấu thời gian. Sự thu mình có thể mang lại cảm giác thư giãn, là một hình thức phục hồi bằng chiêm nghiệm đơn độc. Tiêu khiển có thể là một cách dễ chịu khi lười nhác với các hoạt động xã hội. Các nghi thức có thể vui vẻ – những bữa tiệc sinh nhật, kỳ nghỉ truyền thống, chạy tới ôm chân cha khi ông đi làm về – trong đó người ta lặp đi lặp lại những khoảnh khắc vui vẻ có thể dự đoán, được mong đợi và được ghi nhớ. Các hoạt động, vốn bao gồm công việc, không chỉ cần thiết cho cuộc sống mà còn mang đến những phần thưởng nhất định, vì chúng giúp chúng ta thành thạo, trở nên xuất sắc, có tay nghề, cho phép chúng ta biểu lộ tài năng và kỹ năng theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa hai người trở nên bất ổn khi những cách thức cơ cấu thời gian này ngừng lại, thì ta có thể chắc rằng trong mối quan hệ này có rất ít sự thân mật. Một số cặp đôi thiết lập toàn bộ thời gian của họ cùng nhau với các hoạt động điên rồ. Bản thân hoạt động không mang tính hủy hoại trừ khi sự thúc ép duy trì sự bận rộn ngang bằng với sự thúc ép giữ mình tách biệt với người khác.
Câu hỏi phát sinh ngay lúc này là nếu chúng ta tự mình tách khỏi năm cách cơ cấu thời gian đầu tiên, liệu ta có tự động có sự thân mật không? Hay chúng ta chẳng có gì hết? Dường như không có cách nào đơn giản để định nghĩa sự thân mật, nhưng ta có thể chỉ ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sự xuất hiện của nó: sự vắng mặt của các trò chơi, sự giải phóng của Cái Tôi Người Lớn và sự cam kết với vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN. Chính thông qua Cái Tôi Người Lớn được giải phóng mà chúng ta có thể tiếp cận với nhiều kiến thức đa dạng, mới mẻ về vũ trụ mà chúng ta đang sống cũng như về người khác, khám phá được chiều sâu triết học và tôn giáo, nhận thức điều gì là mới, không bị khúc xạ bởi những điều cũ và có thể lần lượt tìm thấy những câu trả lời cho câu hỏi phức tạp “Điều tốt nhất trong tất cả những chuyện này là gì?”. Chương 12 sẽ trình bày những khám phá sâu hơn về ý tưởng này.