Các công cụ của tâm trí trở thành gánh nặng khi môi trường cần đến chúng không còn tồn tại nữa.
– Henri Bergson
Mọi người đều giống nhau về mặt cấu trúc, hiểu theo nghĩa họ đều có một Cái Tôi Cha Mẹ, một Cái Tôi Người Lớn và một Cái Tôi Trẻ Em. Và họ khác nhau theo hai cách:
– Một, nội dung mà Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em mà họ mang theo, vốn độc đáo ở mỗi người, được ghi lại từ những kinh nghiệm đặc thù của mỗi người.
– Và hai, cách tổ chức hoạt động, hay cách vận hành chức năng của Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em.
Chương này được dành để khảo sát những chức năng khác biệt ấy. Có hai kiểu vấn đề có thể xảy ra với các chức năng, đó là sự ô nhiễm và sự loại trừ56.
56 E. Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy (New York: Grove Press, 1961).
SỰ Ô NHIỄM
Vào cuối buổi gặp đầu tiên, sau khi tôi đã giải thích về mô hình P-A-C cho một bé gái mười sáu tuổi đang có những triệu chứng thu mình, trầm lặng, thiếu nền tảng văn hóa, bỏ học, và được cơ quan phúc lợi xã hội đưa đến chỗ tôi, tôi đã hỏi cô bé: “Em có thể nói tôi biết mô hình P-A-C có ý nghĩa gì với em lúc này được không?”.
Sau một khoảng im lặng kéo dài, cô bé trả lời: “Nó có nghĩa là tâm trí chúng ta được cấu tạo bởi ba thành phần và sẽ tốt hơn nếu chúng ta giữ chúng tách biệt nhau, bằng không chúng ta sẽ gặp rắc rối”.
Vấn đề xảy ra khi ba thành phần ấy không tách biệt nhau được gọi là sự ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn.
Trong trường hợp lý tưởng (hình 30), quỹ đạo vận hành của Cái Tôi Cha Mẹ (P) – Cái Tôi Người Lớn (A) – Cái Tôi Trẻ Em (C) sẽ tách biệt nhau. Tuy nhiên, ở nhiều người, quỹ đạo này chồng lấn lên nhau. Sự chồng lấn (a) trong hình là Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm bởi dữ liệu lỗi thời, không được xem xét kiểm chứng của Cái Tôi Cha Mẹ, thứ được ngoại hiện thành sự thật. Điều này còn được gọi là định kiến. Do vậy, các kiểu niềm tin như “da trắng thì cao quý hơn da đen”, “thuận tay phải thì tốt hơn thuận tay trái” và “cảnh sát là kẻ xấu” được ngoại hiện trong các tương giao dựa trên cơ sở của những phán xét vội vã trước khi dữ liệu thực tế (từ Cái Tôi Người Lớn) được xem xét kỹ càng. Định kiến phát triển từ ấu thơ khi cánh cửa của sự truy vấn đối với các chủ đề nhất định bị đóng sầm lại bởi bậc cha mẹ – vốn là nguồn cung sự an toàn. Đứa trẻ không dám mở cánh cửa đó ra vì sợ bị khiển trách, trừng phạt bởi đấng sinh thành.
Chúng ta hẳn đều từng nếm trải sự khó khăn khi tranh luận với một người đầy định kiến. Với những người này, ta có thể trình bày một trường hợp có tính logic và dựa trên bằng chứng liên quan tới các vấn đề chủng tộc, thuận tay trái hay bất kỳ chủ đề nào khác mà họ có định kiến; tuy nhiên Cái Tôi Cha Mẹ của những người này thống trị một phần Cái Tôi Người Lớn của họ, và họ sẽ rào chắn xung quanh định kiến của mình bằng mọi kiểu lập luận không chính đáng nhằm củng cố cho vị thế của họ. Vị thế của họ càng có vẻ bất hợp lý chừng nào, thì sự cứng nhắc của vị thế đó càng tạo cảm giác an toàn chừng đó. Như đã được minh họa trong Chương 2, sẽ an toàn hơn cho một đứa trẻ khi nó tin vào một lời nói dối thay vì tin vào mắt thấy tai nghe của chính mình. Do vậy, người ta không thể loại trừ được định kiến chỉ bằng lời thuyết giảng của Cái Tôi Người Lớn về chủ đề bị định kiến. Cách duy nhất để loại bỏ định kiến là phơi bày sự thật rằng không còn nguy hiểm, rủi ro gì khi không đồng ý với điều cha mẹ từng nói trước đây và bắt đầu cập nhật những dữ liệu mới từ thực tại cho Cái Tôi Cha Mẹ. Do đó, việc điều trị có thể được xem như tiến trình tách biệt Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Người Lớn, phục dựng lại ranh giới giữa chúng.
Sự chồng lấn (b) (trong hình 30) mô tả sự ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn bởi Cái Tôi Trẻ Em dưới dạng các cảm xúc hoặc các kinh nghiệm xưa cũ, thứ được ngoại hiện một cách không phù hợp trong hiện tại. Hai trong số những triệu chứng phổ biến nhất của kiểu ô nhiễm này là hoang tưởng và ảo giác. Hoang tưởng hình thành dựa trên nỗi sợ hãi. Một bệnh nhân mô tả cho tôi về thế giới đối với anh khi anh là một đứa trẻ, đã nói: “Thế giới này thật đáng ghê tởm”. Một đứa trẻ thường xuyên sợ hãi những trận bạo hành từ bậc phụ huynh nóng nảy khó lường có thể trở thành một người lớn luôn căng thẳng, tràn ngập nỗi sợ hãi tương tự, đến mức anh ta có thể ngụy tạo ra những dữ liệu “hợp lý” để củng cố cho nỗi sợ của mình. Anh ta có thể tin rằng những người bán hàng gõ cửa từng nhà để giới thiệu sản phẩm thật ra là đang đến để sát hại anh. Khi đối mặt với thực tế đó chỉ là một người bán hàng, anh ta vẫn có thể củng cố cho nỗi sợ của mình bằng một tuyên bố chắc chắn như: “Tôi đã biết ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy hắn. Chính hắn! Kẻ đang bị cảnh sát truy nã. Tôi đã nhìn thấy hình của hắn được dán ở văn phòng bưu điện. Đó là lý do hắn đến đây để giết tôi diệt khẩu”. Giống như trường hợp của định kiến, sự hoang tưởng này không thể được loại bỏ bằng một tuyên bố đơn giản về sự thật khách quan rằng đó thật ra chỉ là một người bán hàng. Nó chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách khám phá được sự thật là mối đe dọa đối với Cái Tôi Trẻ Em phát xuất từ tình huống gốc đã không còn tồn tại trên thực tế nữa. Chỉ khi Cái Tôi Người Lớn đã được khử nhiễm, được “làm sạch” thì nó mới có thể tính toán, xử lý các dữ liệu.
Các ảo giác là một dạng ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn khác bởi Cái Tôi Trẻ Em. Ảo giác là hiện tượng được tạo ra bởi sự căng thẳng cực độ, tại đó, một trải nghiệm ngoại tại trước đây – sự xúc phạm, sự khước từ, sự chỉ trích – được trải nghiệm thực tế một lần nữa, mặc dù thật ra “không có ai ở đó cả”. Một kinh nghiệm được ghi lại đã “biến thành thực tại” và người đó “nghe thấy” những giọng nói vốn tồn tại trong quá khứ. Nếu bạn hỏi anh ta giọng nói đó nói những gì, anh ta sẽ mô tả nội dung là các từ ngữ mang tính chỉ trích, đe dọa hay bạo lực. Ảo giác càng kỳ dị bao nhiêu, thì cuộc sống đối với anh ta dưới góc nhìn một đứa trẻ càng kỳ dị bấy nhiêu. Các ảo giác kỳ dị này không khó hiểu nếu chúng ta xem xét các kiểu bạo hành trong thực tế mà một số đứa trẻ phải chịu, bao gồm bạo hành thể xác và bạo hành bằng lời nói.
SỰ LOẠI TRỪ
Bên cạnh Sự ô nhiễm, có một rối loạn chức năng khác lý giải cho việc chúng ta khác biệt nhau như thế nào, đó là Sự loại trừ.
Sự loại trừ được biểu lộ thông qua một thái độ hay một quan niệm mang tính khuôn mẫu, có thể đoán biết trước, vốn được duy trì vững vàng lâu nhất có thể trước bất kỳ tình huống đe dọa nào. Cái Tôi Cha Mẹ bất biến, Cái Tôi Người Lớn bất biến, và Cái Tôi Trẻ Em bất biến đều là hệ quả chủ yếu từ phản ứng loại trừ mang tính phòng vệ của hai khía cạnh bổ sung trong mỗi trường hợp57.
57 Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy.
Đây là một tình huống trong đó một Cái Tôi Cha Mẹ mang tính loại trừ có thể “phong tỏa” Cái Tôi Trẻ Em hoặc một Cái Tôi Trẻ Em mang tính loại trừ có thể “phong tỏa” Cái Tôi Cha Mẹ.
NGƯỜI KHÔNG THỂ VUI CHƠI
Điển hình cho Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm bởi Cái Tôi Cha Mẹ và có Cái Tôi Trẻ Em bị phong tỏa (hình 31) là một người hoàn toàn bị chi phối bởi trách nhiệm, luôn ở lại văn phòng rất muộn, luôn chỉ biết đến công việc, thiếu kiên nhẫn với các thành viên trong gia đình khi họ muốn lên kế hoạch cho một chuyến trượt tuyết hay dã ngoại trong rừng. Đó là bởi vì ở thời điểm nào đó trong thời thơ ấu, anh ta từng bị đàn áp tuyệt đối bởi bậc cha mẹ nghiêm khắc, cay nghiệt, đòi hỏi tính trách nhiệm cao, và anh nhận ra cách an toàn duy nhất để sống tiếp là dứt khoát tắt đi sự vận hành của Cái Tôi Trẻ Em trong mình, hay là khóa chặt nó lại. Thông qua kinh nghiệm, anh đã nhận thấy rằng mỗi lần anh để Cái Tôi Trẻ Em thoát ra là y như rằng anh gặp rắc rối: “Về phòng con ngay”; “Con nít chỉ được nghe không được hỏi nhiều”; “Mẹ phải nói với con bao nhiêu lần về chuyện này nữa hả…”; “Nên thân một chút đi!”. Nếu đứa trẻ này đồng thời được tưởng thưởng bởi sự tuân phục hoàn toàn, nỗ lực chăm chỉ, vâng lời và thực hiện chính xác những gì được yêu cầu, thì đối với nó, bước đi khôn ngoan sẽ là tuân phục hoàn toàn Cái Tôi Cha Mẹ và chặn đứng hoàn toàn các thôi thúc của Cái Tôi Trẻ Em.
Kiểu người này có rất ít cảm giác hạnh phúc được ghi lại trong Cái Tôi Trẻ Em. Anh ta hầu như không có khả năng để cho Cái Tôi Trẻ Em hạnh phúc được bộc lộ ra ngoài, bởi anh có một Cái Tôi Trẻ Em hiếm khi hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu được trợ giúp anh ta vẫn có thể đánh giá đúng rằng vị thế mà anh đang sống là không công bằng với gia đình và những đứa con của mình, và rằng cuộc hôn nhân của anh có thể đi đến bờ vực đổ vỡ nếu anh cố chấp phong tỏa Cái Tôi Trẻ Em của mình khi tương giao với vợ con. Thông qua nỗ lực có ý thức của Cái Tôi Người Lớn, anh ta có thể tham gia một chuyến du lịch cùng gia đình, ngừng những giờ làm việc vất vả trong văn phòng, lắng nghe những trò tưởng tượng của con cái với một trái tim yêu thương (một sự kỷ luật bằng Cái Tôi Người Lớn) và tham gia vào đời sống của chúng. Bằng Cái Tôi Người Lớn, anh ta có thể thiết lập một giá trị cho việc được yêu thương, và cho việc gìn giữ gia đình mình. Anh ta không thể thay đổi nội dung của Cái Tôi Cha Mẹ hay tạo ra các bản ghi hạnh phúc trong Cái Tôi Trẻ Em vốn không tồn tại trong anh, nhưng anh hoàn toàn có thể đạt được sự hiểu biết sáng suốt cho phép anh xây dựng một cuộc sống viên mãn ở hiện tại.
NGƯỜI KHÔNG CÓ LƯƠNG TÂM
Một trở ngại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là với xã hội, chính là người có Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm bởi Cái Tôi Trẻ Em và có Cái Tôi Cha Mẹ bị phong tỏa (hình 32). Tình trạng này bộc lộ rõ ở người có cha mẹ hay người thay thế vai trò cha mẹ luôn đối xử với họ bằng bạo lực và gây cho họ nỗi khiếp hãi, hoặc ở một thái cực trái ngược, là nuông chiều họ một cách mù quáng – người này sẽ nhận thấy cách duy nhất để sống cuộc đời này là bắt Cái Tôi Cha Mẹ im miệng và khóa chặt nó lại. Đây là một đặc trưng của kiểu người rối loạn nhân cách – người mà ở một thời điểm nào đó trong những năm đầu đời đã loại bỏ vị thế đầu tiên TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN và mang lên mình vị thế mới, TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Đứa trẻ kết luận một cách chắc chắn rằng cha mẹ nó trong thực tế là những người KHÔNG ỔN. Vì họ KHÔNG ỔN nên đứa trẻ sớm đã loại bỏ họ hoàn toàn khỏi đời mình. Trong tình huống cực đoan, người này có thể thực hiện việc này bằng cách giết cha mẹ mình. Nếu không phải vậy thì ít nhất anh ta sẽ loại bỏ họ về mặt tâm lý, vì vậy, theo một nghĩa nào đó, anh ta không có một Cái Tôi Cha Mẹ bên trong mình. Anh ta loại bỏ Cái Tôi Cha Mẹ gây đau đớn, nhưng đồng thời cũng loại bỏ phần “tốt đẹp” ít ỏi trong Cái Tôi Cha Mẹ đó. Một người như vậy, trong các tương giao hiện tại, sẽ không có bất kỳ cuộn băng khả dụng nào cung cấp được dữ liệu giúp anh ta đánh giá đúng điều “nên làm” và “không nên làm”, giúp anh ta biết nên làm gì với sự kiểm soát mang tính xã hội, với các chuẩn mực mang tính văn hóa hay bất kỳ điều gì có liên quan đến lương tâm con người. Hành vi của người này bị chi phối bởi Cái Tôi Trẻ Em, thông qua Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm, anh ta sẽ thao túng người khác vì lợi ích của riêng mình. Cái Tôi Người Lớn của anh ta vẫn có khả năng ước định các hậu quả, nhưng các hậu quả này thường liên quan tới việc liệu anh ta có bị bỏ tù khi làm việc gì đó hay không, chứ hiếm khi xem xét các yếu tố liên quan tới những ảnh hưởng đến người khác. Mặc dù vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng quy luật chung là chúng ta sẽ không bao giờ học được cách yêu thương nếu chúng ta chưa bao giờ được yêu thương. Nếu năm năm đầu đời chỉ toàn những khó khăn, phải đấu tranh kịch liệt chỉ để sống sót về thể lý và tâm lý thì sự đấu tranh đó sẽ tiếp diễn trong suốt cuộc đời, trừ khi có sự can thiệp của việc điều trị.
Một cách để xác định liệu ai đó có Cái Tôi Cha Mẹ đang hoạt động hay không chính là xác định xem ở họ có tồn tại các cảm xúc như hổ thẹn, ăn năn, ngượng ngùng và mặc cảm tội lỗi hay không. Những cảm xúc này vốn tồn tại trong Cái Tôi Trẻ Em và được bật lên khi Cái Tôi Cha Mẹ “đánh đòn” Cái Tôi Trẻ Em. Nếu những cảm xúc này không hiện diện, có khả năng Cái Tôi Cha Mẹ đã bị phong tỏa. Nếu một người đàn ông bị bắt vì quấy rối tình dục trẻ em và không bộc lộ bất kỳ cảm xúc ăn năn, hối hận hay cảm giác tội lỗi nào – trừ thực tế là anh ta đã bị bắt – thì chúng ta hoàn toàn có thể cho rằng anh ta không có một Cái Tôi Cha Mẹ đang hoạt động. Điều này cũng cho thấy sự tiên lượng về khả năng phục hồi. Điều trị cho một người như vậy rất khó khăn. Người ta không thể đánh thức Cái Tôi Cha Mẹ ở một người thậm chí còn không tồn tại Cái Tôi ấy. Một số thí nghiệm đã được thực hiện trên những con khỉ được nuôi nấng bởi khỉ mẹ làm bằng rơm bọc vải bông – thay vì khỉ mẹ thật. Trong giai đoạn sơ sinh, những con khỉ con đã hình thành sự gắn bó mạnh mẽ với những con khỉ rơm bọc vải bông này. Tuy nhiên, khi trưởng thành, khả năng sinh sản và khả năng nuôi nấng con cái của chúng chỉ ở mức tối thiểu58. Chúng thiếu đi kinh nghiệm làm mẹ, điều thường được cho là mang tính bản năng. Khả năng làm mẹ đã không được ghi vào Cái Tôi Cha Mẹ, vì thế không thể phát lại.
58 H. F. Harlow, trong phần “The Heterosexual Affectional System in Monkeys”, cuốn American Psychologist 17 (1962), trang 1–9.
Tiên lượng dành cho một người có một Cái Tôi Cha Mẹ bị phong tỏa không hoàn toàn tệ hại như trường hợp của loài khỉ, vì anh ta sở hữu một “chiếc máy tính” với mười hai tỷ tế bào có khả năng đánh giá thực tại và hình thành những câu trả lời ngay cả khi không có dữ liệu gì được ghi lại trong máy tính trước đó. Một tên tội phạm tâm thần có thể hiểu được mô hình (P)-A-C của mình đến mức độ mà Cái Tôi Người Lớn của anh ta có khả năng chi phối các hoạt động trong tương lai, khiến các khuôn mẫu về phạm tội, bị bắt, bị kết án của anh ta đổi khác. Anh ta có thể chẳng bao giờ có một Cái Tôi Cha Mẹ vận hành để trợ lực cho Cái Tôi Người Lớn, nhưng Cái Tôi Người Lớn của anh ta có thể trở nên đủ mạnh để giúp anh có một cuộc sống thành công, nơi mà anh có được sự chấp nhận và tôn trọng từ những người khác. Những nỗ lực phục hồi trong lĩnh vực cải huấn cần dựa trên khả năng ấy.
CÁI TÔI NGƯỜI LỚN NGỪNG HOẠT ĐỘNG
Người có một Cái Tôi Người Lớn bị phong tỏa (hình 33) là người bị loạn thần. Cái Tôi Người Lớn của anh ta không hoạt động, vì vậy anh ta không có khả năng kết nối với thực tại. Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em điều khiển mọi hành vi, thường là bằng sự phối trộn các dữ liệu xưa cũ, sự phát lại lộn xộn các kinh nghiệm ấu thơ không có ý nghĩa gì ở hiện tại, bởi chúng cũng chẳng có ý nghĩa gì vào thời điểm chúng được ghi lại. Điều này có thể quan sát được tại một bệnh viện dành cho phụ nữ, nơi có các bệnh nhân ngân nga một bài hát thánh ca (Cái Tôi Cha Mẹ) thỉnh thoảng bị chêm vào bởi những lời nói tục tĩu liên quan đến các chức năng cơ thể (Cái Tôi Trẻ Em). Nội dung của chúng rất kỳ quặc, nhưng đó dường như là sự phát lại một xung đột xưa cũ giữa Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, giữa cái thiện và cái ác, điều nên làm và không nên làm, giữa cứu rỗi và đọa đày. Nội dung của các sản phẩm bằng lời ấy bộc lộ rất nhiều điều về Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của bệnh nhân. Cái Tôi Người Lớn của những người này không còn chính là một thực tế biểu thị sự khốc liệt của cuộc xung đột bên trong. “Cuộc chiến này quá khó khăn; tôi sẽ bỏ cuộc.” Điều này không nói lên rằng việc bỏ cuộc là một lựa chọn thoải mái đối với bệnh nhân. Cô ấy đã phải chịu đựng những cảm xúc khủng khiếp, không thay đổi – những thứ đã tồn tại trong cô từ khi cô còn là một đứa trẻ.
Bước đầu tiên trong quá trình điều trị một bệnh nhân loạn thần là làm giảm các cảm giác khiếp sợ. Nền tảng của việc phục hồi cho bệnh nhân này là khi lần đầu gặp gỡ một nhà trị liệu anh ta phải tri giác được vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN mà nhà trị liệu thể hiện. Năm 1963, trợ lý của tôi là Gordon Haiberg đã báo cáo về tác động của vị thế này đối với các bệnh nhân loạn thần mà anh đã điều trị tại bệnh viện Stockton State:
Việc điều trị bắt đầu bằng trao đổi đầu tiên là một cái nhìn lướt qua giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, khi nhà trị liệu bước vào với vị thế cơ bản TÔI ỔN – BẠN ỔN. Những người loạn thần đang khát khao thiết lập một mối quan hệ ý nghĩa hơn với mọi người. Khi các cá nhân này được đối diện với một cá nhân đang ở vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN, đó sẽ trở thành một kinh nghiệm mới mẻ và hấp dẫn đối với họ. Cái Tôi Người Lớn sẽ “mắc câu” bởi dáng vẻ này của nhà trị liệu và bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao anh ở ngoài kia, còn tôi ở trong này?”. Câu hỏi không được trả lời ngay lập tức nhưng sau đó, tại thời điểm chính xác được xác định bằng trực giác, nhà trị liệu có cơ hội xác minh thủ đoạn có tính phá hoại nhất hay trò chơi mà người này đang sử dụng là gì. Bệnh nhân sẽ được truyền đạt thông tin đơn giản và trực tiếp, ví dụ: “Bạn khiến mọi người sợ hãi”. Anh ấy được cho biết một cách thẳng thắn rằng anh ỔN, rằng anh quan trọng bởi tính độc nhất của anh trong tư cách một con người và anh bắt đầu có lại niềm hy vọng. Khi Cái Tôi Người Lớn có thể bắt đầu xử lý dữ liệu, lắng nghe, học hỏi và giúp đưa ra quyết định, thì sức mạnh tái sinh có sẵn sẽ bắt đầu hoạt động và quá trình chữa lành sẽ diễn ra59.
59 G. Hailberg, phần “Transactional Analysis with State Hospital Psychotics”, trong cuốn Transactional Analysis Bulletin, Vol. 2, No. 8 (tháng 10 năm 1963).
Các nhóm điều trị của tôi trong bệnh viện, những nhóm luôn có từ mười đến hai mươi bệnh nhân, thường bao gồm các bệnh nhân loạn thần. Để thiết lập nhóm, vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN là một giao kèo được tuyên bố rõ ràng, bệnh nhân loạn thần cảm thấy được ủng hộ, được vỗ về, được nâng đỡ, được đảm bảo sự an toàn và đây là quá trình chuẩn bị cho sự trở lại của Cái Tôi Người Lớn trong họ.
Tại một nhóm điều trị tại bệnh viện, trong suốt giờ điều trị, một người phụ nữ đứng lên ngồi xuống liên tục để kéo thẳng chiếc váy xuống che phủ đầu gối của cô. Mặc dù hành động này không thể bị bỏ qua, nhưng chẳng ai có phản ứng gì về nó hết, không ai tỏ vẻ không tán thành; cả nhóm chỉ đơn giản là tiếp tục cuộc thảo luận. Buổi trị liệu bao gồm ba mươi phút dạy về mô hình P-A-C, theo sau là phần thảo luận. Cuối phiên trị liệu, người đàn ông ngồi cạnh người phụ nữ kia nói: “Chị biết không, tôi có theo dõi, và chị đã đứng dậy kéo thẳng váy của mình mười chín lần”.
Với một sự ngạc nhiên kèm thích thú lộ rõ, cô ấy nói: “Tôi đã làm vậy sao?”.
Người phụ nữ có khả năng để Cái Tôi Người Lớn phản hồi mà không có sự hoài nghi rằng mình bị đe dọa. Sự xuất hiện của Cái Tôi Người Lớn, dù mơ hồ, là khởi đầu cho việc tái thiết sự kết nối với thực tại, và giai đoạn này được thiết lập nhằm hiểu về mô hình P-A-C, qua đó bệnh nhân có thể khám phá thêm về hành vi của chính mình.
SỰ TẺ NHẠT BẤT BIẾN
Có một kiểu người trầm tĩnh, người mà các bản ghi trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của anh ta quá vô vị, quá tẻ nhạt đến nỗi anh ta thiếu các chất liệu thô để tạo nên một tính cách đa sắc màu. Điều này thường được thể hiện về mặt lâm sàng ở người có chứng trầm cảm mơ hồ (hạnh phúc chỉ dành cho người khác) hoặc đơn giản là cảm thấy chán chường với cuộc sống. Cha mẹ anh là những người tẻ nhạt, không có tài ăn nói và yêu ghét không rõ ràng. Anh hiếm khi được tưởng thưởng, cũng hiếm khi bị trừng phạt. Anh có rất ít nhiệt huyết với bất kỳ điều gì. Khi là một đứa trẻ, anh đã không được tiếp xúc với sự thú vị của thế giới bên ngoài, anh có ít mối quan hệ với những đứa trẻ khác, và mặc dù anh là một bé trai “ngoan ngoãn”, hiểu theo nghĩa không gây ra rắc rối nào, thì anh vẫn không phải là đứa trẻ được mọi người chú ý tới. Cái Tôi Người Lớn của anh nhận thức thực tại một cách chính xác, nhưng thực tại đó tự nó lại vô cùng buồn tẻ. Anh có thể lớn lên một cách thuận lợi và có Cái Tôi Người Lớn tự do nhưng đó là Cái Tôi Người Lớn không nhìn thấy được giá trị tích cực gì trong việc tương tác và giúp đỡ người khác. (Kiểu giá trị này thông thường được nhận thấy đầu tiên ở Cái Tôi Cha Mẹ, và thực tế nó là một giá trị của Cái Tôi Cha Mẹ.) Tính cách của người này rất giống với một chiếc máy tính. Trong khi những người khác vui đùa, tận hưởng một bữa tiệc, thì anh ta sẽ ở một góc nào đó, lật giở một cuốn tạp chí để làm việc duy nhất mà anh ta biết cách làm – phân tích thông tin. Nếu sau cùng anh tìm đến nhà trị liệu, câu hỏi mà anh đặt ra có thể đại loại là “Thật sự không có gì khác ngoài những gì đang diễn ra sao?”. Mặc dù anh không phải là vấn đề đối với xã hội, nhưng anh lại là vấn đề đối với bản thân. Thực tại của anh ta bị giới hạn theo cùng một cách như nó đã bị giới hạn khi anh còn thơ ấu.
Ở một khía cạnh nào đó, lời tuyên bố của Alfred North Whitehead áp dụng được ở đây: “Giáo dục đạo đức không thể nằm ngoài tầm nhìn thông thường về sự cao thượng”. Nếu “đạo đức” được hiểu là một thuật ngữ chỉ một hệ thống giá trị và nếu “không tẻ nhạt” hay “trở nên thú vị đối với người khác” hay “trở nên sáng tạo và hiệu quả” được nhìn nhận như các giá trị tích cực, thì rõ ràng là một người có các ấn tượng đầu đời về cuộc sống là sự tẻ nhạt sẽ tự làm tẻ nhạt chính mình, trừ khi có một số mối quan hệ đặc biệt xuất hiện.
Còn có những lý do khác lý giải cho sự tẻ nhạt và trở thành một người tẻ nhạt. Một đứa trẻ bắt đầu cuộc sống với sự tò mò lớn lao rằng tại sao khói lại bay lên trong khi mưa thì rơi xuống, ai tạo ra Chúa và ai tạo ra mình… nếu thường xuyên nhận được những câu trả lời hời hợt mà chỉ khiến đứa trẻ bối rối hơn, rồi sau đó nhận ra đó là những câu trả lời sai, thì cuối cùng đứa trẻ sẽ dừng đặt câu hỏi, dừng khám phá, dừng tò mò thích thú và bắt đầu trở nên chán chường, tẻ nhạt. “Máy tính” của đứa trẻ bắt đầu ngắt sự tò mò hứng thú vì các câu trả lời cho câu hỏi của nó chỉ càng khiến nó trở nên rối trí. Dạng chán chường này thường được phát hiện ở những học sinh, sinh viên trưởng thành từ các trường trung học và đại học theo kiểu nhà thờ. Sự tẻ nhạt của họ phát triển từ những câu trả lời giản dị thái quá mà họ thường xuyên nhận được trong cuộc tìm kiếm chân lý, từ những sự kiềm chế được áp đặt lên hành trình theo đuổi sự thật của họ (bằng chứng, dữ liệu quan sát được), đưa họ đến với sắc lệnh phải lựa chọn giữa sự thật và đức tin, như thể chúng loại trừ lẫn nhau. Không phải tất cả các tu sĩ đều đưa ra những câu trả lời đơn giản thái quá; tuy nhiên các tín điều không được xem xét vẫn tồn tại bền bỉ dưới dạng quy luật trong nhiều cộng đồng tôn giáo. Điều này sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong Chương 12.
SỰ KHÁC BIỆT NỘI DUNG TRONG MÔ HÌNH P-A-C
Qua những gì đã đề cập, chúng ta đã thấy mọi người khác nhau như thế nào trong sự sắp xếp cấu trúc của Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Phần lớn những sự khác biệt này sẽ hiện ra thành các vấn đề lâm sàng. Chúng ta cũng khác nhau theo những cách “lành mạnh” nữa. Định nghĩa của sự lành mạnh này là có một Cái Tôi Người Lớn được giải phóng để không ngừng đảm trách điều khiển mọi tương giao. Điều này có nghĩa là trong mỗi tương giao, Cái Tôi Người Lớn đều lấy dữ liệu từ Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Trẻ Em và rồi căn cứ vào thực tại để đưa ra một quyết định về điều cần làm. Người nào có kho dữ liệu khả dụng càng dồi dào, thì người đó càng có nhiều khả năng viên mãn trong cuộc sống. Một đứa trẻ có những kinh nghiệm đầu đời bao gồm những khám phá không bị ngăn trở về chai lọ, tô chậu, nồi niêu xoong chảo, bùn vươn trên những cánh hoa, thú cưng, bạn bè đồng trang lứa, khám phá nông trại, những buổi kể chuyện trước khi đi ngủ, những ngày lễ truyền thống, các món đồ chơi, những cuộn băng ghi âm và các cuộc trò chuyện cởi mở, thân thiện với người cha, người mẹ điềm tĩnh… sẽ có một nguồn dữ liệu dồi dào trong Cái Tôi Cha Mẹ và rất nhiều cảm xúc tích cực trong Cái Tôi Trẻ Em, hơn rất nhiều so với đứa trẻ bị cô lập hoặc được bảo bọc quá mức. Đứa trẻ sớm được thử nghiệm những cách thức để vượt qua vị thế KHÔNG ỔN sẽ tăng sức mạnh cho Cái Tôi Người Lớn của mình và sẽ được khuyến khích khám phá và tự chủ nhiều hơn. Đứa trẻ ấy sẽ trở thành “đứa trẻ sáng láng”, được khen ngợi, nó sẽ có lòng tự tin, giúp nó tỏa sáng hơn. Thực tế rằng đứa trẻ mang thành tích về cho gia đình không làm suy giảm giá trị của thực tế là nó cũng mang thành tích về cho chính mình, trừ khi trong quá trình đó, cha mẹ nó tạo ra áp lực và đặt ra yêu cầu về những thứ mà đứa trẻ không thật sự hứng thú.
Thông qua sự hiểu biết về mô hình P-A-C của chính mình, chúng ta không chỉ có thể hiểu biết về những gì có trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của mình, mà còn biết những gì không có trong đó. Một cô gái than khóc về thực tế rằng “tôi đơn điệu và tẻ nhạt… con người tôi là như thế”, nếu cô có thể đánh giá đúng những thiếu hụt trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của mình là do những điều cô ấy tiếp nhận trong những năm đầu đời vốn rất đơn điệu và tẻ nhạt, thì cô sẽ được giải phóng, cùng với Cái Tôi Người Lớn, để chạm tới thực tại và khám phá ra đâu là những điều không đơn điệu và tẻ nhạt. Sẽ mất kha khá thời gian để cô bắt kịp nhịp điệu đa sắc màu của cuộc sống, và không hẳn cô sẽ chuyển sang cuộc sống tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, nhưng cô chắc chắn có thể thấy rằng mình có sự lựa chọn. Cần nói ngay rằng việc quy kết những khiếm khuyết của bạn là do bản chất không giúp thay đổi bản chất của những khiếm khuyết này. Do vậy, nói “tôi là thế đấy” là vô ích. Nói “tôi có thể thay đổi để khác đi” thì có nghĩa!