Tôi không hiểu nổi những hành động của chính mình.
– Thánh tông đồ Paul
Giờ đây chúng ta đã phát triển được một nền tảng ngôn ngữ của phương pháp này, chúng ta sẽ đến với kỹ thuật trọng tâm: sử dụng ngôn ngữ ấy để phân tích một sự tương giao. Sự tương giao bao gồm một kích thích được tạo ra bởi một người và một sự hồi đáp bởi một người khác, mà hồi đáp ấy lại trở thành một kích thích mới để người kia hồi đáp lại. Mục đích của sự phân tích là khám phá ra phần nào trong mỗi con người – Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn hay Cái Tôi Trẻ Em – đang là ngọn nguồn của mỗi kích thích và hồi đáp.
Có nhiều manh mối giúp nhận diện các kích thích và các hồi đáp của Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Chúng không chỉ bao gồm các từ ngữ được sử dụng mà còn bao gồm tông giọng, điệu bộ cơ thể và biểu cảm gương mặt. Chúng ta càng thành thục trong việc nắm bắt các manh mối này thì chúng ta càng thu được nhiều dữ liệu hơn trong Phân tích Tương giao. Chúng ta không nhất thiết phải đào sâu xuống những chất liệu mang tính giai thoại trong quá khứ để khám phá những gì được ghi lại trong Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Chúng ta sẽ khám phá chúng ngay ở hiện tại.
Sau đây là một danh sách các manh mối mang tính thể lý và ngôn từ của từng Cái Tôi.
Các manh mối thể lý của Cái Tôi Cha Mẹ
Nhíu mày, bặm môi, chỉ tay bằng ngón trỏ, lắc đầu, ánh mắt khó chịu, giậm chân, hai tay chống hông, khoanh tay trước ngực, bàn tay siết chặt, tặc lưỡi, thở dài, vỗ nhẹ lên đầu người khác… đó là những động tác đặc trưng của Cái Tôi Cha Mẹ. Tuy nhiên, ở mỗi người vẫn có thể có các điệu bộ, cử chỉ của Cái Tôi Cha Mẹ riêng biệt. Ví dụ, nếu cha bạn có thói quen tằng hắng và ngước mắt lên mỗi khi ông đưa ra tuyên bố về một hành vi xấu của bạn, thì chắc chắn phong cách riêng này của ông sẽ xuất hiện ở chính bạn như một sự mào đầu cho phát biểu của Cái Tôi Cha Mẹ, mặc dù điều này có thể không thường thấy ở Cái Tôi Cha Mẹ của hầu hết mọi người. Tương tự, còn có những sự khác biệt mang tính văn hóa. Chẳng hạn khi thở dài, người Mỹ sẽ thở ra trong khi ở Thụy Điển, mọi người lại hít vào.
Các manh mối ngôn từ của Cái Tôi Cha Mẹ
“Tôi sẽ chấm dứt chuyện này một lần và mãi mãi…”; “Tôi hoàn toàn không thể…”; “Giờ phải luôn luôn nhớ rằng…” (“luôn luôn” và “không bao giờ” hầu như luôn là ngôn từ của Cái Tôi Cha Mẹ, tiết lộ những giới hạn đặt ra của một hệ thống xưa cũ đã đóng lại cánh cửa với dữ liệu mới); “Tôi đã bảo với bạn bao nhiêu lần rồi?”; “Nếu tôi là bạn thì…”.
Nhiều từ ngữ mang tính đánh giá, dù là chỉ trích hay ủng hộ, có thể giúp nhận diện Cái Tôi Cha Mẹ, vì chúng đưa ra một nhận xét về người khác không phải dựa trên đánh giá của Cái Tôi Người Lớn mà dựa trên các phản hồi tự động, cũ xưa. Điển hình cho những từ ngữ kiểu này là “ngu ngốc, hư hỏng, lố bịch, kinh tởm, khó coi, ngu xuẩn, lười biếng, gàn dở, vô lý, tệ hại, vớ vẩn, không!, đừng!, sao bạn dám?, dễ thương, ngoan ngoan nào, lại cái gì nữa?, lại nữa hả!”. Quan trọng là phải luôn nhớ rằng những từ ngữ này là các manh mối, chứ không phải là kết luận. Cái Tôi Người Lớn có thể quyết định sau sự cân nhắc kỹ lưỡng rằng trên cơ sở hệ thống đạo đức của Cái Tôi Người Lớn, một vài điều nhất định là xuẩn ngốc, lố bịch, kinh tởm và khó coi. Hai từ “nên” và “phải” thường xuất hiện trong trạng thái của Cái Tôi Cha Mẹ, nhưng như tôi sẽ biện luận trong Chương 12, “nên” và “phải” cũng có thể là ngôn từ mà Cái Tôi Người Lớn sử dụng. Chính việc sử dụng các từ ngữ này một cách tự động, cũ xưa, không nghĩ suy mới là các dấu hiệu cho thấy sự kích hoạt của Cái Tôi Cha Mẹ. Cách dùng những từ ngữ này, đi cùng với các điệu bộ cơ thể và bối cảnh của mối tương giao sẽ giúp chúng ta nhận diện được Cái Tôi Cha Mẹ.
Các manh mối thể lý của Cái Tôi Trẻ Em
Do các phản hồi sớm nhất của Cái Tôi Trẻ Em với thế giới ngoại tại là phi ngôn từ nên các manh mối dễ dàng nhận thấy nhất của Cái Tôi Trẻ Em đều biểu hiện qua thể lý. Bất kỳ dấu hiệu nào sau đây cũng đều liên quan đến Cái Tôi Trẻ Em trong một tương giao: nước mắt, môi run rẩy, bĩu môi, nổi cơn tam bành, giọng the thé, rên rỉ, đảo mắt, nhún vai, mắt rũ xuống, trêu ghẹo, thích thú, tiếng cười, giơ tay xin phép nói, cắn móng tay, lêu lêu ai đó, lúng túng và tiếng khúc khích.
Các manh mối ngôn từ của Cái Tôi Trẻ Em
Bên cạnh những tiếng bi bô trẻ con thì có nhiều từ ngữ giúp nhận diện Cái Tôi Trẻ Em: tôi ước gì, tôi muốn, tôi không biết, tôi sẽ, tôi không quan tâm, tôi đoán, khi tôi lớn lên, lớn hơn, lớn nhất, tốt hơn, tốt nhất (nhiều kiểu so sánh nhất bắt đầu ở Cái Tôi Trẻ Em như là “món đồ chơi” trong trò chơi “của tôi tốt hơn”). Với cùng tinh thần khi đứa trẻ hô lên “nhìn này mẹ, con đạp xe không cần cầm tay”, những lời này được phát biểu để tạo ấn tượng với Cái Tôi Cha Mẹ và vượt qua cảm giác KHÔNG ỔN.
Có một nhóm từ ngữ khác không ngừng được nói bởi những đứa trẻ. Tuy nhiên, những từ ngữ này không phải là manh mối để tìm ra Cái Tôi Trẻ Em, mà đó là sự vận hành của Cái Tôi Người Lớn trong một đứa trẻ. Những từ ngữ này là: tại sao, cái gì, ở đâu, ai, khi nào, và như thế nào.
Các manh mối thể lý của Cái Tôi Người Lớn
Cái Tôi Người Lớn trông ra sao? Nếu chúng ta tắt đi đoạn phim được phát từ những cuộn băng của Cái Tôi Cha Mẹ và Trẻ em, thay đổi nào sẽ xuất hiện trên gương mặt chúng ta? Nó sẽ ngây ra? Hiền hòa? Đần độn? Thiếu sinh khí? Ernst46 đoan chắc rằng gương mặt ngây ra không phải gương mặt của Cái Tôi Người Lớn. Theo quan sát của ông, sự lắng nghe bằng Cái Tôi Người Lớn được nhận diện qua sự chuyển động liên tục – của gương mặt, của đôi mắt, của cơ thể – với cử động chớp mắt mỗi ba đến năm giây một lần. Không có chuyển động là dấu hiệu cho thấy không có sự lắng nghe. Theo Ernst, gương mặt của Cái Tôi Người Lớn rất thành thật. Nếu đầu nghiêng về một phía, tức người đó đang lắng nghe với một quan điểm nào đó trong đầu. Cái Tôi Người Lớn cũng cho phép sự tò mò, thích thú của Cái Tôi Trẻ Em được thể hiện trên gương mặt.
46 F. Ernst, trong bài diễn thuyết “Listening” tại Viện Phân tích Tương giao, Sacramento, California, ngày 18 tháng Mười năm 1967.
Các manh mối ngôn từ của Cái Tôi Người Lớn
Như đã được nói ở trên, ngôn ngữ cơ bản của Cái Tôi Người Lớn bao gồm những từ như tại sao, cái gì, ở đâu, khi nào, ai, và như thế nào. Các từ ngữ khác như: bao nhiêu, bằng cách nào, so sánh, đúng, sai, có lẽ, có thể, không biết, khách quan, tôi nghĩ, tôi nhận thấy, đó là ý kiến của tôi, vân vân. Những từ ngữ này đều ám chỉ quá trình xử lý dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn. Trong cụm từ “đó là ý kiến của tôi”, ý kiến có thể được lấy từ Cái Tôi Cha Mẹ, song tuyên bố là của Cái Tôi Người Lớn, và chính Cái Tôi Người Lớn nhận diện được đó là một ý kiến chứ không phải một sự thật khách quan. “Ý kiến của tôi là các học sinh trung học phổ thông nên bầu cử” không giống với tuyên bố “học sinh trung học phổ thông nên bầu cử”.
Với sự hỗ trợ của các manh mối này, chúng ta có thể bắt đầu nhận diện Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em trong các tương giao có liên quan đến chính chúng ta và với những người khác.
Bất kỳ tình huống xã hội nào cũng có đầy các ví dụ về mọi kiểu tương giao có thể nhận thức được. Một ngày mùa thu của nhiều năm về trước, tôi ngồi trên chuyến xe buýt đường dài đi Berkeley và viết một bảng ghi chú về những tương giao. Tương giao đầu tiên là một sự trao đổi giữa Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Cha Mẹ (hình 9) giữa hai người phụ nữ có vẻ mặt u sầu ngồi cạnh nhau ở dãy ghế bên kia. Họ đang bắt đầu một câu chuyện khá thoải mái xung quanh việc liệu chuyến xe buýt này có tới Berkeley đúng giờ hay không. Khi sự thân thiết tăng lên, với những dấu hiệu thân ái của những cái gật đầu, họ tiến hành một sự trao đổi kéo dài được bắt đầu với các tương giao như sau:
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: (Nhìn xuống đồng hồ của mình, vặn nó, miệng lầm bầm, bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ ngồi bên cạnh và thở dài một cách mỏi mệt.)
NGƯỜI PHỤ NỮ 2: (Thở dài đáp lại, thay đổi tư thế một cách không thoải mái, nhìn xuống đồng hồ của mình.)
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Có vẻ như chúng ta lại trễ giờ lần nữa.
NGƯỜI PHỤ NỮ 2: Chưa bao giờ khác.
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Chị có từng thấy xe buýt đi đúng giờ lần nào chưa?
NGƯỜI PHỤ NỮ 2: Chưa từng.
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Giống như tôi nói với Herbert sáng nay – chúng ta không còn nhận được những dịch vụ tốt như chúng ta từng có nữa.
NGƯỜI PHỤ NỮ 2: Chị nói đúng đấy. Đó là một dấu hiệu của thời đại.
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Thế nhưng nó vẫn khiến chúng ta phải chi thật nhiều! Chuyện đó là chắc cú.
Các tương giao này là giữa hai Cái Tôi Cha Mẹ, chúng hoạt động mà không có sự trợ giúp của dữ liệu thực tế, tương tự như những trao đổi mang tính phán xét mà hai người phụ nữ này đã nghe lỏm từ cuộc nói chuyện giữa mẹ và dì của họ về những sự thăng trầm khi đi xe điện khi họ còn là những đứa trẻ. Người phụ nữ 1 và 2 thích thú với việc điểm lại những “cảm giác khó chịu” hơn là xem xét các dữ kiện thực tế. Họ làm vậy vì cảm giác tốt đẹp đến từ việc đổ lỗi và tìm ra lỗi. Khi chúng ta đổ lỗi và tìm lỗi, chúng ta phát lại kinh nghiệm đổ lỗi và tìm lỗi đã được ghi lại trong Cái Tôi Cha Mẹ và điều này khiến chúng ta cảm thấy ỔN, vì Cái Tôi Cha Mẹ ỔN và chúng ta đang vận hành trên Cái Tôi Cha Mẹ. Tìm thấy một ai đó đồng ý với bạn và cùng chơi trò chơi với bạn sẽ tạo ra một cảm giác gần như toàn năng.
Người phụ nữ 1 tạo ra tương tác đầu tiên. Bất kỳ lúc nào người phụ nữ 2 có thể dừng trò chơi lại thông qua cách mà cô ấy hồi đáp – bằng lời tuyên bố của Cái Tôi Người Lớn đáp lại bất kỳ lời tuyên bố nào của người phụ nữ 1:
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: (Nhìn xuống đồng hồ của mình, vặn nó, miệng lầm bầm, bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ ngồi bên cạnh và thở dài một cách mỏi mệt.)
Những khả năng hồi đáp của Cái Tôi Người Lớn:
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Có vẻ như chúng ta lại trễ giờ lần nữa.
Những khả năng hồi đáp của Cái Tôi Người Lớn:
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Chị có từng thấy xe buýt đi đúng giờ lần nào chưa?
Những khả năng hồi đáp của Cái Tôi Người Lớn:
NGƯỜI PHỤ NỮ 1: Giống như tôi nói với Herbert sáng nay – chúng ta không còn nhận được những dịch vụ tốt như chúng ta từng có nữa.
Những khả năng hồi đáp của Cái Tôi Người Lớn:
Những lựa chọn hồi đáp này sẽ thể hiện Cái Tôi Người Lớn, chứ không mang tính tương hỗ. Ai đó đang thích thú với trò chơi “Nó tệ quá phải không” (Ain’t It Awful) sẽ không chào đón sự xâm phạm của các dữ kiện thực tế. Nếu các cô nàng hàng xóm yêu thích kiểu tụ tập mỗi sáng để nói về “những ông chồng ngu ngốc”, họ sẽ không chào đón một cô nàng nào gia nhập vào nhóm với tuyên bố sáng sủa rằng chồng cô ấy là một bảo vật.
Điều này dẫn chúng ta tới quy luật đầu tiên của sự giao tiếp trong thuyết Phân tích Tương giao. Khi kích thích và hồi đáp trên sơ đồ tương giao P-A-C tạo thành hai đường song song, thì sự tương giao là mang tính bổ sung và có thể đi tới vô hạn. Hướng đi của các đường vector (Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn, Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em, Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Trẻ Em, Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Người Lớn) không còn quan trọng nếu chúng đi song song. Người phụ nữ 1 và 2 không màng đến các dữ kiện thực tế, nhưng cuộc hội thoại của họ mang tính bổ sung cho nhau và đã tiếp diễn trong khoảng mười phút.
Cái “thú đau thương” của hai nữ hành khách kết thúc khi người đàn ông ngồi trước họ hỏi tài xế rằng liệu họ có thể tới Berkeley đúng giờ không. Tài xế trả lời: “Vâng, đúng giờ chứ, lúc mười một giờ, mười lăm phút”. Đây cũng là một tương giao bổ sung giữa người đàn ông và tài xế, một tương giao giữa Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Người Lớn (hình 10). Đó là một câu trả lời trực tiếp cho một câu hỏi trực tiếp về một thông tin nào đó. Ở đây không có thành tố nào của Cái Tôi Cha Mẹ (Có khả năng nào chúng ta có thể tới Berkeley để đổi chuyến đúng giờ?) và không có thành tố nào của Cái Tôi Trẻ Em (Tôi không biết cớ sao tôi luôn lên nhầm những chuyến xe buýt chậm rì). Đó là một sự trao đổi vô tư, không thiên kiến. Đây là kiểu tương giao có cân nhắc đến các dữ kiện thực tế.
Phía sau hai người phụ nữ kể trên là hai người khác, mà hoạt động của họ minh họa cho một kiểu tương giao khác – giữa Cái Tôi Trẻ Em và Cái Tôi Trẻ Em. Một cậu bé có gương mặt không biểu cảm, trông có vẻ cáu kỉnh và mái tóc thì bù xù, cậu mặc chiếc quần màu đen đầy bụi, kết hợp với áo khoác da đen. Người còn lại là một thiếu niên ăn vận với phong cách tương tự và mang vẻ mặt phóng đãng. Cả hai đang mải mê đọc cùng một quyển sách bìa mềm Secrets of the Torture Cult (tạm dịch: Bí mật của giáo phái biến chất). Nếu có hai vị thầy tu nghiền ngẫm cùng quyển sách đó, người ta có thể cho rằng họ đang tìm kiếm những dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn về chủ đề lạ lùng này; nhưng từ việc quan sát hai cậu bé thanh thiếu niên này, người ta có thể cho rằng đây là một tương giao giữa hai Cái Tôi Trẻ Em, phần nào liên quan đến niềm vui tàn nhẫn mà hai đứa trẻ năm tuổi có thể tìm thấy khi khám phá ra cách ngắt cánh những con ruồi. Chúng ta hãy giả định rằng những cậu thiếu niên này đã làm theo kiến thức mới và tìm ra cách tra tấn người khác như những gì đã nêu trong quyển sách. Không có dữ liệu đầu vào của Cái Tôi Người Lớn (không có sự hiểu biết về các hậu quả) và không có dữ liệu đầu vào của Cái Tôi Cha Mẹ (“Thật kinh khủng khi làm một việc như thế”). Thậm chí nếu tương giao trở nên tồi tệ với họ (sự xuất hiện của cảnh sát – hoặc của một người mẹ, trong trường hợp những đứa trẻ năm tuổi xé cánh con ruồi), hai người tham gia vào tương giao đó có thể đồng tình với nhau. Do đó, tương giao giữa hai Cái Tôi Trẻ Em này mang tính bổ sung (hình 11).
MINH HỌA THÊM CHO CÁC TƯƠNG GIAO BỔ SUNG
Các tương giao Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Cha Mẹ (xem hình 9)
KÍCH THÍCH: Bổn phận của cô ấy là ở nhà chăm nom lũ trẻ.
HỒI ĐÁP: Cô ấy rõ ràng chẳng có ý thức trách nhiệm gì cả.
KÍCH THÍCH: Thật kinh tởm khi cứ tăng thuế lên để nuôi tất cả những kẻ vô tích sự ấy bằng trợ cấp công cộng.
HỒI ĐÁP: Chuyện này bao giờ mới dừng lại chứ?
KÍCH THÍCH: Lũ trẻ ngày nay quá biếng nhác.
HỒI ĐÁP: Đó là dấu hiệu của thời đại.
KÍCH THÍCH: Tôi sẽ giải quyết tận gốc vấn đề này một lần và mãi mãi.
HỒI ĐÁP: Anh nên làm thế! Anh phải ngắt bỏ nó ngay khi nó vừa đâm chồi.
KÍCH THÍCH: Anh biết đấy, chuyện đó là bất hợp pháp.
HỒI ĐÁP: À, thì ra là vậy.
Kích Thích: John bị sa thải ư? Sao họ dám làm chuyện như vậy?
HỒI ĐÁP: Đấy, đấy, cưng ạ. Em không biết tại sao anh ta lại làm cho một công ty vớ vẩn như thế.
KÍCH THÍCH: Cô ta lấy anh ta vì tiền.
HỒI ĐÁP: Chà, cô ta thì chỉ có vậy thôi.
KÍCH THÍCH: Anh không bao giờ có thể tin tưởng ai trong số những người này.
HỒI ĐÁP: Chính xác! Họ là cùng một loại người mà.
Các tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn (xem hình 10)
KÍCH THÍCH: Mấy giờ rồi nhỉ?
HỒI ĐÁP: Đồng hồ của tôi chỉ bốn giờ ba mươi phút.
KÍCH THÍCH: Bộ đồ này đẹp đấy.
HỒI ĐÁP: Cảm ơn.
Kích Thích: Loại mực in mới này khô rất nhanh.
Hồi Đáp: Nó đắt tiền hơn loại mực khác à?
KÍCH THÍCH: Chuyền đĩa bơ cho em với.
HỒI ĐÁP: Của em đây.
KÍCH THÍCH: Mùi gì thơm vậy, em yêu?
HỒI ĐÁP: Bánh quế cuộn trong lò… sắp chín rồi đấy!
KÍCH THÍCH: Tôi không biết phải làm gì. Tôi không thể quyết định được đâu là điều đúng.
HỒI ĐÁP: Tôi không nghĩ anh nên cố gắng đưa ra một quyết định khi đang quá mệt mỏi. Sao anh không đi ngủ một giấc và chúng ta sẽ nói chuyện lại vào sáng mai?
KÍCH THÍCH: Có vẻ trời mưa rồi.
HỒI ĐÁP: Đúng như dự báo thời tiết.
KÍCH THÍCH: Quan hệ công chúng là một chức năng của quản trị.
HỒI ĐÁP: Ý bạn là nó không thể được sắp xếp thông qua một đơn vị trung gian?
KÍCH THÍCH: Tuyến xe Lurline khởi hành lúc một giờ ngày thứ Sáu.
HỒI ĐÁP: Mấy giờ chúng ta phải có mặt ở ga?
KÍCH THÍCH: Gần đây John có vẻ khá lo lắng.
HỒI ĐÁP: Sao chúng ta không rủ anh ấy đến ăn tối để tìm hiểu xem?
KÍCH THÍCH: Anh mệt mỏi quá.
HỒI ĐÁP: Vậy hãy đi ngủ thôi nào.
KÍCH THÍCH: Tôi thấy là thuế liên bang sẽ lại tăng lên vào năm tới đấy.
HỒI ĐÁP: Ừ, đó không phải tin tốt. Nhưng nếu đất nước vẫn cần chi tiêu, thì phải kiếm tiền từ đâu đó thôi.
CÁC TƯƠNG GIAO CÁI TÔI TRẺ EM - CÁI TÔI TRẺ EM
Dễ dàng nhận thấy rằng giữa hai Cái Tôi Trẻ Em có rất ít các tương giao bổ sung theo kiểu trò chơi tự do. Lý do là vì Cái Tôi Trẻ Em tiếp nhận nhiều hơn là trao đi sự vỗ về. Và mọi người phát sinh tương giao là để nhận được sự vỗ về. Bertrand Russell47 đã nói: “Người ta không thể nghĩ suy một cách tận lực chỉ bằng ý thức bổn phận. Ta cần một chút thành công theo từng giai đoạn để duy trì nguồn năng lượng48”. Không có sự tham gia của Cái Tôi Người Lớn trong tương giao, sẽ không có sự vỗ về nào được tích lũy cho bất kỳ ai và mối quan hệ sẽ trở nên vô bổ hoặc chết dần bởi chán chường.
47 Bertrand Russell (1872 – 1970) là triết gia, tác gia, nhà toán học, nhà logic học. Ông đề cao tính nhân đạo và tự do tư tưởng. Ông được trao giải Nobel Văn học vào năm 1950.
48 B. Russell, trong cuốn The Autobiography of Bertrand Russell (Boston: Little, Brown, 1967).
Một ví dụ mang tính xã hội về hiện tượng này chính là phong trào Hippie. Những đứa trẻ độ tuổi thanh xuân đã ca tụng một lối sống dựa trên các tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em. Tuy nhiên, thực tế đáng sợ bắt đầu hiển hiện rõ ràng: Không có gì thú vị khi làm chuyện của bạn nếu mọi người khác chỉ hứng thú làm chuyện của họ. Với việc cắt đứt sự xếp đặt, những đứa trẻ cắt đứt với Cái Tôi Cha Mẹ (không tán thành) và Cái Tôi Người Lớn (thực tại “tầm thường”); nhưng khi đoạn tuyệt với sự không tán thành, chúng sẽ thấy mình cũng đã bị cắt đi nguồn khen ngợi và công nhận từ người khác. (Một vài đứa trẻ bốn tuổi có thể quyết định bỏ nhà ra đi, nhưng rồi nó từ bỏ ý định khi nghĩ đến việc sẽ thật tuyệt nếu được ăn một cây kem ốc quế, và điều đó thì cần có mẹ.) Những đứa trẻ theo phong trào Hippie tìm kiếm sự vỗ về từ những đứa trẻ khác, nhưng những vỗ về ấy dần trở nên ngày một vô bổ và vô nghĩa hơn: Con trai nói với con gái “Dĩ nhiên là tôi yêu bạn. Tôi yêu tất thảy mọi người!”. Do đó mà cuộc sống bắt đầu chuyển dần xuống các hình thức vỗ về nguyên sơ hơn, như sự vỗ về tưởng tượng (thoát ly thực tại bằng chất kích thích) và các hoạt động tình dục liên miên. Tình dục có thể chỉ đơn thuần là tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em bởi vì ham muốn tình dục là một bản ghi mang tính di truyền trong Cái Tôi Trẻ Em, giống như tất cả những ham muốn sinh học cơ bản khác. Tuy nhiên, sự thỏa mãn xuất hiện nhiều hơn khi có sự tham gia của một thành phần Cái Tôi Người Lớn – sự ân cần, nhẹ nhàng và có trách nhiệm với cảm xúc của đối phương. Không phải tất cả những người theo phong trào Hippie đều trống rỗng các giá trị này. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ sống dựa trên cơ sở tự tư tự lợi và lợi dụng người khác để có kích thích giác quan.
Những mối quan hệ Hippie hạnh phúc hay những tình bạn thời thơ ấu tràn đầy niềm vui đều không chỉ bao gồm các tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em mà còn có quá trình xử lý dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn và các giá trị của Cái Tôi Cha Mẹ. Ví dụ như, hai bé gái đang chơi đùa:
BÉ GÁI 1 (Cái Tôi Trẻ Em): Mình sẽ đóng vai mẹ và bạn sẽ đóng vai cô con gái nhỏ.
BÉ GÁI 2 (Cái Tôi Trẻ Em): Mình cứ phải đóng vai con suốt thôi.
BÉ GÁI 1 (Cái Tôi Người Lớn): Ồ, vậy đổi vai nhé, bạn sẽ đóng vai mẹ trước, và lần sau sẽ đến lượt mình.
Sự trao đổi này không phải diễn ra giữa hai Cái Tôi Trẻ Em bởi vì có sự xuất hiện của Cái Tôi Người Lớn (giải quyết vấn đề) ở lời tuyên bố sau cùng.
Tương tự, nhiều tương giao giữa những đứa trẻ là tương giao Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn, mặc dù chúng có thể trông có vẻ “trẻ con” vì sự thiếu hụt dữ liệu:
BÉ GÁI: Khẩn cấp, khẩn cấp! Buzzy (tên con mèo) đã mất một cái răng.
NGƯỜI CHỊ: Liệu bà tiên răng có mang tiền đến cho lũ mèo không?
Cả sự kích thích và hồi đáp trong tương giao này đều là từ Cái Tôi Người Lớn – các tuyên bố có hiệu lực dựa trên cơ sở dữ liệu có trong tay. Dữ liệu sai nhưng quá trình xử lý dữ liệu là đúng!
Các tương giao bổ sung Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em có thể dễ dàng được quan sát hơn trong những gì mọi người làm cùng với nhau hơn là những gì họ nói với nhau – như những gì diễn ra ở những đứa trẻ. Một cặp đôi ôm chặt lấy nhau và hét lên hết cỡ giữa chuyến tàu lượn siêu tốc là đang có sự tương giao của Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em. Ông bà nội cùng đi bộ chân trần trên bãi biển có thể được cho là có một tương giao Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em. Tuy nhiên Cái Tôi Người Lớn đã ra tay sắp xếp cho những trải nghiệm hạnh phúc này. Phải mất tiền để đi tàu lượn. Ông bà nội cùng tận hưởng hạnh phúc của sự gắn bó là việc có được bởi cả cuộc đời cho và nhận. Mối quan hệ giữa con người không thể kéo dài được lâu nếu không có Cái Tôi Người Lớn. Do đó chúng ta có thể nói rằng các tương giao bổ sung Cái Tôi Trẻ Em – Cái Tôi Trẻ Em tồn tại với sự cho phép và giám sát của Cái Tôi Người Lớn. Khi Cái Tôi Người Lớn không có mặt, Cái Tôi Trẻ Em rối bời trong các tương giao chéo, kiểu tương giao sẽ được mô tả trong phần sau của chương này.
CÁC TƯƠNG GIAO CÁI TÔI CHA MẸ - CÁI TÔI TRẺ EM
Một kiểu tương giao bổ sung khác là giữa Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em (hình 12). Người chồng (với Cái Tôi Trẻ Em) bị ốm, đang lên cơn sốt và muốn được chú ý. Người vợ (với Cái Tôi Cha Mẹ) biết chồng mình đang cảm thấy yếu ớt ra sao và sẵn lòng săn sóc anh ấy. Chuyện này có thể tiếp diễn một cách tốt đẹp chừng nào người vợ còn sẵn lòng vào vai người mẹ. Một số cuộc hôn nhân có bản chất như thế. Nếu một người chồng muốn vào vai một “đứa trẻ” và vợ anh ta sẵn lòng vào vai cha mẹ, đảm nhận mọi trách nhiệm trong gia đình, thì đây có thể là một cuộc hôn nhân tốt đẹp miễn là không xuất hiện mong muốn thay đổi vai trò. Nếu một trong hai cảm thấy mệt mỏi với kiểu sắp xếp ấy, mối quan hệ song song sẽ bị xáo trộn và vấn đề sẽ phát sinh.
Trong hình 13, chúng tôi vẽ sơ đồ một tương giao bổ sung giữa George F. Babbitt (Cái Tôi Cha Mẹ) và bà Babbitt (Cái Tôi Trẻ Em):
BABBITT (nhìn vào tờ báo): Nhiều tin tức quá. Có một cơn bão lớn khủng khiếp ở miền Nam. May mắn thay, mọi thứ đều ổn. Còn đây, chuyện này mới đáng ngạc nhiên! Hội đồng lập pháp thành phố New York đã thông qua một số dự luật đặt những người xã hội chủ nghĩa hoàn toàn ra ngoài vòng pháp luật! Và có một cuộc đình công của những người vận hành thang máy tại New York và nhiều nam sinh viên đang chiếm chỗ của họ. Hết sức vớ vẩn! Và một cuộc mít tinh đại chúng yêu cầu trục xuất kẻ gây rối Mick, cái gã theo DeValera ấy. Trời ơi, phải lắm! Cái lũ chuyên kích động quần chúng này đều được chi trả bằng vàng của Đức. Và chúng ta đâu có làm ăn dính líu gì với chính phủ Ireland hay bất kỳ chính phủ nào khác. Chúng ta phải thật mạnh tay vào. Và có một tin đồn đáng tin cậy từ Nga là Lenin đã qua đời. Tốt thôi. Tôi không tài nào hiểu được tại sao chúng ta không đơn giản là tới đó và loại bỏ những tên Bôn-sê-vích đó cho rồi.
BÀ BABBITT: Đúng vậy đó49.
49 Sinclair Lewis, “Babbitt”, trong tuyển tập Major American Writers, ed. H. M. Jones và E. E. Leisy (New York: Harcourt, Brace, 1945), trang 1.736.
CÁC TƯƠNG GIAO CÁI TÔI TRẺ EM - CÁI TÔI NGƯỜI LỚN
Một kiểu tương giao bổ sung khác là giữa Cái Tôi Trẻ Em và Cái Tôi Người Lớn (hình 14). Một người bị kìm kẹp bởi cảm giác KHÔNG ỔN có thể tìm đến một người khác để có được cảm giác vững dạ thực tế. Một người chồng có thể thấy lo sợ trước một cuộc đọ sức trên thương trường sắp tới, khi mà sự thăng tiến của anh ta tùy thuộc vào kết quả cuộc đọ sức này. Mặc dù được chuẩn bị đầy đủ trên mọi phương diện, song anh vẫn bị quá tải bởi các dữ liệu của Cái Tôi Trẻ Em đổ vào bộ máy xử lý của mình: “Mình sẽ không làm được!”. Thế nên anh tâm tình với vợ – “Chắc anh sẽ không làm được!” – với hy vọng vợ anh sẽ điểm lại những lý do thực tế cho thấy anh có thể làm được miễn là anh không để vị thế KHÔNG ỔN của Cái Tôi Trẻ Em phá hoại cơ hội của mình. Anh biết vợ mình có một Cái Tôi Người Lớn lành mạnh và anh có thể “vay mượn” sức mạnh ấy những khi thấy mình yếu ớt. Sự hồi đáp của cô ấy khác với sự hồi đáp từ Cái Tôi Cha Mẹ, có thể làm anh vững dạ ngay cả khi dữ kiện thực tế không minh chứng điều đó, hoặc hồi đáp của cô đơn giản là phủ nhận cảm giác không ổn của Cái Tôi Trẻ Em: “Dĩ nhiên là anh làm được rồi, đừng ngốc nghếch thế!”.
CÁC TƯƠNG GIAO CÁI TÔI NGƯỜI LỚN - CÁI TÔI CHA MẸ
Một kiểu tương giao bổ sung khác là giữa Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Cha Mẹ (hình 15). Kiểu tương giao này có thể được minh họa bằng tình huống một người đàn ông muốn bỏ hút thuốc lá. Anh ta có đủ dữ liệu từ Cái Tôi Người Lớn cho biết tại sao việc này là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của anh. Dù vậy, anh vẫn phải yêu cầu vợ mình vận hành Cái Tôi Cha Mẹ của cô để tiêu hủy những điếu thuốc của anh mỗi khi cô tìm thấy chúng và để “cứng rắn” với anh mỗi khi thấy anh châm một điếu thuốc. Tương giao này nhiều khả năng là một trò chơi tốt đẹp. Ngay khi anh chuyển trách nhiệm sang cho Cái Tôi Cha Mẹ của vợ, anh có thể làm một đứa trẻ hư hỏng và chơi trò chơi “Nếu không phải tại bạn, tôi đã có thể…” hoặc “Thử bắt tôi xem nào”.
CÁC TƯƠNG GIAO KHÔNG BỔ SUNG HAY CÁC TƯƠNG GIAO CHÉO
Kiểu tương giao phát sinh rắc rối là tương giao chéo (hình 16). Ví dụ kinh điển của Berne về kiểu tương giao này là giữa hai vợ chồng khi chồng hỏi: “Em yêu dấu, mấy cái khuy măng sét của anh đâu rồi?” (Một kích thích từ Cái Tôi Người Lớn, tìm kiếm thông tin). Hồi đáp mang tính bổ sung từ người vợ sẽ là “Trên đầu tủ quần áo của anh đấy”, hoặc “Em không thấy, nhưng em sẽ tìm phụ anh”.
Tuy nhiên, nếu người bạn đời yêu dấu vừa có một ngày nhọc nhằn và đã chịu nhiều “thương tổn” cùng “những sự điên rồ” thì cô ấy có thể gắt lên, “ở cái chỗ mà anh để chúng đấy!”, thì kết quả là một tương giao chéo. Kích thích đến từ Cái Tôi Người Lớn của người chồng nhưng hồi đáp của người vợ là đến từ Cái Tôi Cha Mẹ.
Điều này dẫn chúng ta đến quy luật thứ hai của sự giao tiếp trong thuyết Phân tích Tương giao. Khi kích thích và hồi đáp nằm chéo nhau trên sơ đồ tương giao P-A-C, sự giao tiếp sẽ chấm dứt. Người chồng và người vợ không thể nói chuyện về những chiếc khuy măng sét thêm nữa; trước hết họ phải ngồi xuống xem xét tại sao anh chồng chẳng bao giờ đặt mọi thứ đúng chỗ. Nếu hồi đáp của cô vợ đến từ Cái Tôi Trẻ Em (“Sao anh cứ luôn hét vào mặt em vậy?”) (hình 17), thì sự bế tắc tương tự cũng sẽ diễn ra. Những tương giao chéo này có thể tạo ra một loạt các trao đổi ồn ào và kết thúc bằng một sự bùng nổ đỏ mặt tía tai: “Ông già em cũng vậy thôi!”. Những mô thức lặp đi lặp lại của kiểu trao đổi này là nguyên nhân tạo thành các trò chơi như “Tất cả là tại bạn”, “Nếu không phải tại bạn, tôi đã có thể”, “La lối om sòm” và “Bắt được ngươi rồi, đồ khốn”50, – những trò chơi này sẽ được nói chi tiết hơn trong Chương 7.
50 Tên các trò chơi trong cuốn Games People Play của Eric Berne.
Căn nguyên của các hồi đáp không có sự tham gia của Cái Tôi Người Lớn nằm ở vị thế KHÔNG ỔN của Cái Tôi Trẻ Em. Người ta bị chi phối bởi các bình luận mà họ “suy diễn” thành KHÔNG ỔN: “Em lấy đâu ra miếng thịt đó vậy?” – “Chúng thì bị làm sao?”; “Anh thích tóc mới của em!” – “Anh có bao giờ thích nó được lâu đâu”; “Tôi nghe nói chị định dọn đi?” – “Chúng tôi không có điều kiện lắm đâu, nhưng mà khu này đang xuống cấp rồi”; “Đưa mấy củ khoai tây cho anh nào em yêu!” – “Vậy mà anh bảo em béo.” Như một trong các bệnh nhân của tôi nói: “Chồng tôi bảo tôi có thể diễn giải mọi thứ thành một quyển sách cẩm nang”.
NHỮNG MINH HỌA THÊM CHO CÁC TƯƠNG GIAO CHÉO
BỆNH NHÂN (Cái Tôi Người Lớn): Tôi muốn làm việc ở một bệnh viện như thế này.
Y TÁ (Cái Tôi Cha Mẹ): Anh còn chẳng thể đương đầu nổi với những vấn đề của mình nữa kìa. (Xem hình 18)
NGƯỜI MẸ (Cái Tôi Cha Mẹ): Con về phòng ngay cho mẹ.
CON GÁI (Cái Tôi Cha Mẹ): Mẹ không thể bắt con làm theo ý mẹ được. Mẹ không phải là trùm ở đây. Cha mới là trùm! (Xem hình 19)
NHÀ TRỊ LIỆU (Cái Tôi Người Lớn): Anh cảm thấy điều gây khó chịu nhất trong cuộc sống là gì?
BỆNH NHÂN (Cái Tôi Trẻ Em): Thói quan liêu, là thói quan liêu tệ lậu (đập bàn), chết tiệt cái thói quan liêu! (Xem hình 20)
CON TRAI (Cái Tôi Người Lớn): Tối nay con phải hoàn thành một bản báo cáo để trình bày vào sáng mai.
NGƯỜI CHA (Cái Tôi Cha Mẹ): Sao con cứ để mọi thứ tới phút cuối mới làm vậy chứ? (Xem hình 21)
NGƯỜI ĐÀN ÔNG (Cái Tôi Người Lớn), đứng với bạn mình: Chúng tôi mở nắp bình xăng và rồi làm rớt chìa khóa phía sau thanh giảm xóc. Anh có thể giúp chúng tôi lấy nó ra không?
NGƯỜI PHỤC VỤ (Cái Tôi Cha Mẹ): Ai đã làm rớt nó? (Xem hình 22)
BÉ GÁI (Cái Tôi Người Lớn): Áo đã mặc rồi thì ấm lắm.
NGƯỜI MẸ (Cái Tôi Cha Mẹ): Đi tắm nhanh lên.
(Xem hình 23)
THIẾU NỮ (Cái Tôi Cha Mẹ): Chà, thành thực mà nói, cha mình cực kỳ thích Palm Springs.
NGƯỜI BẠN (Cái Tôi Cha Mẹ): Gia đình mình thì luôn cố tránh những địa điểm du lịch. (Xem hình 24)
BÉ GÁI (Cái Tôi Trẻ Em): Con ghét món xúp. Con sẽ không ăn nó đâu. Mẹ nấu sao mà bị nhớt.
NGƯỜI MẸ (Cái Tôi Trẻ Em): Mẹ sắp đi bây giờ và khi đó con có thể tự nấu món ăn nhớt nhát của riêng con. (Xem hình 25)
BÉ TRAI (Cái Tôi Trẻ Em): Cha mình có một triệu đô-la đấy.
BÉ GÁI (Cái Tôi Trẻ Em): Nhằm nhò gì. Cha mình có cả núi đô-la. (Đây là cách một đứa trẻ bốn tuổi nói về sự “vô tận.”) (Xem hình 26)
CON GÁI CỦA BABBITT, VERONA (Cái Tôi Người Lớn): Con biết, nhưng con muốn cống hiến, con ước là con đang làm việc trong một khu nhà định cư. Con tự hỏi liệu con có thể có một trong những khu thương mại để thiết lập một phòng chăm sóc cộng đồng với nhà vệ sinh sạch sẽ, tường được dán và những chiếc ghế đan, mấy thứ như thế đó. Hoặc con có thể…
BABBITT (Cái Tôi Cha Mẹ): Này, nghe này! Điều đầu tiên con phải hiểu là tất cả những nâng đỡ, che chở, những công việc tế bần và những kiểu giải lao này không là gì trong thế giới của Chúa ngoài sự lót đường xã hội chủ nghĩa. Một người càng sớm học được bài học là anh ta sẽ không được chiều chuộng, bảo bọc và anh ta không thể kỳ vọng vào thức ăn miễn phí, và, ừ, tất cả những thứ miễn phí khác nữa, và sẽ không có nâng đỡ dành cho con cái của anh trừ khi anh tự kiếm ra tiền, thì anh ta sẽ càng sớm đi tìm việc và làm lụng, tạo ra thành quả! Đó là điều đất nước cần đến, còn tất cả những thứ bóng bẩy này sẽ chỉ làm yếu đi sức mạnh ý chí của một người đang tuổi lao động và khiến cho con cái người đó có những ý niệm vượt quá giai cấp của chúng. Và con, nếu như con định làm kinh doanh thay vì làm những trò ngu ngốc và nhặng xị này, thì cha luôn sẵn lòng ủng hộ! Khi cha còn trẻ, cha đã quyết tâm làm những gì cha muốn, cha trải qua mọi sóng gió thăng trầm, và đó là lý do vì sao cha có vị trí như ngày hôm nay51. (Xem hình 27)
51 Sinclair Lewis, trong cuốn Babbitt.
Những hồi đáp từ Cái Tôi Cha Mẹ, giống như của Babbitt, vẫn xuất phát từ cảm giác KHÔNG ỔN trong Cái Tôi Trẻ Em. Babbitt cảm thấy rằng con cái của ông đã không đánh giá đúng giá trị của ông, rằng chúng không hiểu được những khó khăn mà ông đã chật vật trải qua; ông vẫn cảm thấy KHÔNG ỔN khi quanh ông là những người có được nhiều thứ hơn ông. Nếu ông để Cái Tôi Trẻ Em của mình tiến lên nữa, ông có thể đâm ra sướt mướt. Thế nên ông đã thực hiện một tiến trình an toàn hơn và chuyển tương giao sang Cái Tôi Cha Mẹ, nơi trú ngụ tinh thần “tự cho là đúng”, sự chính xác và có “mọi câu trả lời”.
Người mà vị thế KHÔNG ỔN trong Cái Tôi Trẻ Em của họ luôn được kích hoạt sẽ không thể đến với những tương giao giúp nâng cao khả năng ứng phó thực tế, vì người đó sẽ không ngừng bị lôi kéo bởi những việc chưa hoàn thành có liên quan với thực tại nằm ở quá khứ. Anh ta không thể đón nhận một lời khen ngợi đầy nhã ý vì anh không cho là mình xứng đáng với nó và anh cho rằng hẳn phải có hàm ý mỉa mai đâu đó trong lời ca tụng ấy. Anh đặt hết tâm trí vào một nỗ lực không ngừng nhằm duy trì tính nguyên vẹn của vị thế đã được thiết lập trong những tình huống thời thơ ấu. Người luôn phản ứng bằng Cái Tôi Trẻ Em thực ra đang nói, “Nhìn tôi này, tôi KHÔNG ỔN”. Người luôn phản ứng bằng Cái Tôi Cha Mẹ thực ra đang nói, “Nhìn bạn đi, bạn KHÔNG ỔN chút nào (và điều đó làm tôi thấy dễ chịu hơn)”. Cả hai thủ đoạn ấy đều là biểu hiện của vị thế KHÔNG ỔN và mỗi cách thức đều góp phần nối dài cảm giác tuyệt vọng.
Vị thế KHÔNG ỔN không chỉ được thể hiện qua cách hồi đáp. Nó cũng có thể được nhận thấy thông qua các kích thích. Người chồng nói với vợ: “Em giấu đồ khui hộp ở đâu rồi?”. Kích thích này chủ yếu đến từ Cái Tôi Người Lớn nhằm tìm kiếm thông tin khách quan, nhưng có tồn tại một giao tiếp thứ cấp trong từ “giấu”. (Anh không hiểu nổi kiểu nội trợ của em. Cái nhà này sẽ sụp đổ mất nếu anh cũng vô tổ chức giống như em. Nếu anh có thể một lần, chỉ một lần thôi, tìm thấy được thứ gì đó ở nơi nó thuộc về thì quá là may phước!) Đây là kiểu phát ngôn của Cái Tôi Cha Mẹ. Nó là một lời chỉ trích nhẹ nhàng được che đậy. Đây là một tương giao kép (xem hình 28).
Tiến trình của tương giao này phụ thuộc vào việc người vợ muốn hồi đáp kích thích nào. Nếu cô ấy muốn giữ bầu không khí hòa thuận và cảm thấy đủ ỔN để không thấy mình bị đe dọa thì cô có thể hồi đáp: “Em giấu nó cạnh cái vá múc canh đó ông xã”. Đây là tương giao bổ sung, trong đó người vợ trao đi thông tin mà chồng mình mong muốn đồng thời ghi nhận góp ý thiện chí mà anh đã đưa ra về cách nội trợ của cô. Nếu Cái Tôi Người Lớn của cô ấy tính toán được rằng điều quan trọng đối với cuộc hôn nhân của cô là làm gì đó với lời đề nghị dịu dàng của chồng mình, cô ấy có thể ghi nhận lời gợi ý và dần biết sắp xếp, tổ chức nhà cửa tươm tất hơn. Với sự tham gia của Cái Tôi Người Lớn trong quá trình xử lý tương giao, cô ấy có thể làm được chuyện đó.
Tuy nhiên, nếu Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của người vợ bị mắc câu, hồi đáp chủ yếu của cô ấy sẽ nhằm vào từ “giấu” và có thể hồi đáp dựa theo đó, “Anh bị làm sao đấy, anh đui hay làm sao hả?”. Và điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc tìm kiếm đồ khui hộp và khởi phát cuộc cãi vã về điểm mạnh và điểm yếu của nhau trong việc tổ chức sắp xếp nhà cửa, sự đui mù, ngớ ngẩn, vân vân. Chai bia của người chồng vẫn không khui được và trò chơi “la lối om sòm” sẽ kéo dài.
Một số tương giao theo tính chất này có thể bao gồm cả kích thích và hồi đáp ở mọi cấp độ: Một người đàn ông về tới nhà và viết dòng chữ “Anh yêu em” lên lớp bụi bám trên bàn cà phê. Cái Tôi Người Lớn đã chỉ huy trong tình huống này, nhưng cả Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của anh ta cũng tham gia (xem hình 29). Cái Tôi Cha Mẹ đang nói “Sao em còn chưa lau sạch chỗ này đi?”. Cái Tôi Trẻ Em đang nói “Xin đừng cáu nếu anh phê bình em nhé”. Tuy nhiên, Cái Tôi Người Lớn phụ trách chuyện này, dựa trên cơ sở rằng cảm giác được yêu thương là điều quan trọng đối với hôn nhân, thế nên nó không thể để Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của mình lấn lướt. Nếu nói với cô ấy rằng tôi yêu cô ấy thì cô ấy sẽ không giận tôi, nhưng hẳn cô sẽ hiểu ra một ý quan trọng rằng, sau tất cả, một người đàn ông có vị thế như tôi cần có một ngôi nhà tươm tất và sạch đẹp.
Tình huống này có thể chuyển sang một tương giao bổ sung nếu người vợ cảm thấy đủ ỔN để tiếp nhận một chút phê bình mang tính xây dựng. Kết quả sẽ viên mãn nếu cô ấy làm cho căn nhà trở nên sạch sẽ, sáng sủa rồi đón chồng mình về nhà với một cốc nước mát lạnh và nói với anh ấy rằng anh là một người chồng ngọt ngào và sáng tạo ra sao. “Những ông chồng khác chỉ biết than vãn và cằn nhằn, nhưng nhìn xem em đã có một báu vật thế nào này!”. Cách tiếp cận này là con đường dẫn đến cuộc hôn nhân mỹ mãn. Tuy nhiên, nếu cô ấy không thể làm được như vậy, hầu như chắc chắn Cái Tôi Cha Mẹ của cô sẽ trả đũa: “Thế lần cuối cùng anh chùi rửa gara xe là khi nào kia chứ?”. Hay Cái Tôi Trẻ Em của cô sẽ từ bỏ luôn trách nhiệm chăm nom nhà cửa. Tương giao này minh họa cho việc ngay cả khi có sự tham gia của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em thì kết quả vẫn có thể là một cuộc hôn nhân tốt đẹp và hòa thuận nếu Cái Tôi Người Lớn cầm cương chỉ huy mọi sự.
Cái Tôi Người Lớn có quyền lựa chọn hồi đáp một kích thích theo cách thức bổ sung để bảo vệ cho cả mối quan hệ lẫn các cá nhân trong mối quan hệ ấy. Điều này đôi khi diễn ra với một quá trình tính toán chớp nhoáng (mang tính trực giác):
Tình huống diễn ra ở một bữa tiệc cocktail. Tương giao được bắt đầu bởi một người đàn ông, người này (với Cái Tôi Trẻ Em) đã vỗ mông một người phụ nữ. Cô (với Cái Tôi Người Lớn) đáp lại: “Mẹ tôi luôn bảo tôi rằng đừng trả đũa hành động tồi tệ của người khác”. Tại sao hồi đáp này lại được xác định là của Cái Tôi Người Lớn?
Cô ấy có thể hồi đáp bằng Cái Tôi Cha Mẹ: “Lão già bẩn thỉu!”, hoặc thậm chí sẽ tát ông ta một cái.
Nếu đáp lại bằng Cái Tôi Trẻ Em, cô có thể bật khóc, lúng túng, giận dữ, run rẩy hoặc sẽ quyến rũ ông ta.
Tuy nhiên, hồi đáp của cô ấy đến từ Cái Tôi Người Lớn, theo đó cô ấy trao đi nhiều thông tin thông qua chỉ một hồi đáp của mình.
Một người luôn vượt qua được mọi hoàn cảnh không ngẫu nhiên làm được như thế. Người ấy có một Cái Tôi Người Lớn hoạt động với tốc độ cao. Điều này giúp bạn khéo léo trong các tình huống xã hội, giống như tình huống bên trên, nhưng lại không còn được đặt nặng khi ở nhà. Bạn có thể lánh khỏi một bữa tiệc cocktail. Lánh khỏi ngôi nhà của mình lại là chuyện khác.
Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào Cái Tôi Người Lớn có thể hoạt động tốt hơn và nhanh hơn? Khi ai đó chạm ngõ cuộc sống của bạn, đâu sẽ là nhân tố xuất hiện đầu tiên – Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn, hay Cái Tôi Trẻ Em?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ Ở LẠI TRONG CÁI TÔI NGƯỜI LỚN
Cái Tôi Người Lớn phát triển muộn hơn so với Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em và dường như giữa chúng có một khoảng thời gian khó bắt kịp trong suốt cuộc đời. Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em nắm giữ những nguồn mạch chính yếu và có xu hướng kích hoạt tự động trong việc hồi đáp các kích thích. Bởi vậy, cách đầu tiên để gầy dựng uy lực cho Cái Tôi Người Lớn là tập nhạy cảm với các tín hiệu của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em. Các cảm xúc bị khuấy động chính là manh mối cho biết rằng Cái Tôi Trẻ Em đã bị mắc câu. Nhận biết Cái Tôi Trẻ Em của chính mình, nhạy cảm với các cảm xúc KHÔNG ỔN của chính mình là đòi hỏi tiên quyết trong quá trình xử lý dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn. Ý thức rằng “Đó là Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của mình” giúp chúng ta có khả năng không đem cảm xúc ngoại hiện thành hành động. Việc xử lý dữ liệu này chỉ diễn ra trong phút chốc. Đếm tới mười là một cách hữu hiệu để hoãn lại sự hồi đáp tự động và giúp Cái Tôi Người Lớn duy trì sự kiểm soát tương giao. “Khi hoài nghi, đừng làm gì cả” là một cách thức tốt để giảm bớt hoặc loại bỏ những phản ứng xưa cũ, mang tính hủy hoại của Cái Tôi Trẻ Em. Aristotle đã khẳng định rằng biểu hiện thật sự của sức mạnh nằm ở khả năng kiềm chế. Sức mạnh của Cái Tôi Người Lớn cũng thể hiện trước hết ở khả năng kiềm chế – kiềm chế các hồi đáp xưa cũ, tự động của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, trong khi chờ đợi Cái Tôi Người Lớn tính toán các hồi đáp phù hợp.
Các tín hiệu của Cái Tôi Cha Mẹ có thể được quan sát theo cách tương tự. Sẽ hữu ích khi lập trình sẵn trong bộ máy xử lý dữ liệu một số câu hỏi nhất định để Cái Tôi Người Lớn sử dụng những dữ liệu từ Cái Tôi Cha Mẹ: Điều đó có thật không? Nó có áp dụng vào trường hợp này được không? Nó có phù hợp không? Tôi có ý tưởng này từ đâu? Bằng chứng là gì?
Một người càng biết rõ về nội dung của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, thì người đó càng dễ dàng tách Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em ra khỏi Cái Tôi Người Lớn. Ở nước Anh, trị liệu tâm lý vốn được gọi là “tự phân loại chính mình”. Đây chính xác là tiến trình cần cho sự phát triển Cái Tôi Người Lớn. Một người càng nhạy cảm về hiện diện của Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em của chính mình, và càng tách biệt các Cái Tôi với nhau, thì Cái Tôi Người Lớn của họ càng tự chủ và mạnh mẽ hơn.
Một cách để thực hành nhận diện Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em là quan sát những đối thoại ở bên trong, hay còn gọi là độc thoại nội tâm. Đây là cách tương đối đơn giản vì khi đó không có đòi hỏi hồi đáp nào từ bên ngoài và người ta có thời gian để xem xét dữ liệu. Khi ai đó cảm thấy tồi tệ, u sầu, hối tiếc, suy sụp, người đó có thể tự hỏi: “Tại sao Cái Tôi Cha Mẹ của tôi lại tấn công Cái Tôi Trẻ Em của tôi?”. Những cuộc độc thoại nội tâm mang màu sắc tự kết tội là rất thường thấy. Bertrand Russell đã viết về Alfred North Whitehead52: “Giống như mọi người đàn ông hướng đến cuộc sống cực kỳ kỷ luật khác, ông có khả năng tự thoại gây sầu khổ và khi ông nghĩ rằng mình cô đơn, ông sẽ lầm bầm tự lăng mạ mình vì những nhược điểm mà ông tự gán ghép cho chính mình53”.
52 Alfred North Whitehead (1861 – 1947) là nhà toán học, triết gia lớn người Anh.
53 Russell, trong cuốn The Autobiography of Bertrand Russell.
Khi một người có khả năng nói rằng “Đó là Cái Tôi Cha Mẹ của tôi” hoặc “Đó là Cái Tôi Trẻ Em của tôi”, thì người đó nói vậy với sự vận hành của Cái Tôi Người Lớn. Và chính nhờ tiến trình chất vấn mà chúng ta có thể đã chuyển sang hoạt động bằng Cái Tôi Người Lớn. Người ta có thể giảm nhẹ cảm giác đau khổ ngay lập tức trong một tình huống căng thẳng bằng cách đơn giản là tự hỏi: “Cái Tôi nào đang phản ứng?”.
Người nào trở nên nhạy cảm với sự hiện diện của Cái Tôi Trẻ Em trong chính mình, người đó cũng bắt đầu nhạy cảm với Cái Tôi Trẻ Em của những người khác. Không ai có thể yêu thương một người mà mình e sợ. Chúng ta e ngại Cái Tôi Cha Mẹ của những người khác song vẫn có thể yêu thương Cái Tôi Trẻ Em của họ. Một cách thực hành hữu ích khi rơi vào một tương giao khó khăn là nhận thấy đứa trẻ ở bên trong người đối diện, rồi trò chuyện với đứa trẻ đó, không phải theo kiểu hạ mình mà là theo cách yêu thương và bảo bọc. Khi hoài nghi, hãy vỗ về nhau. Khi ta hồi đáp Cái Tôi Trẻ Em của một người khác, ta sẽ không sợ hãi Cái Tôi Cha Mẹ của người đó.
Một ví dụ cho việc “trò chuyện với đứa trẻ” xuất hiện trong cuốn Tell No Man (tạm dịch: Đừng nói với ai) của Adela Rogers St. Johns, ở đoạn nhân vật Hank Gavin nói rằng:
Tôi – tôi đã có một cách nhìn về cô ấy thông qua cô ấy ở hiện tại. Chuyện này xảy ra với tôi một vài lần khi làm ăn với cánh đàn ông, những người đứng đầu các công ty – Tôi đã có cái nhìn về họ như thể tôi đã nhìn thấu – và đôi khi nó như một kiểu người đồng hành kỳ lạ, dữ dội, đầy khát khao – giống như đứa trẻ đi câu cá với mồi giun. Điều này có thể nghe hơi viển vông nhưng nó đã xảy ra vài lần, và tôi thử trò chuyện với người đồng hành đó và nó hiệu quả.
Người đồng hành đó chính là Cái Tôi Trẻ Em.
Một cách khác để củng cố Cái Tôi Người Lớn là dành thời gian để đưa ra một số quyết định quan trọng về những giá trị nền tảng, nhờ đó mà hàng loạt các quyết định nhỏ hơn sẽ trở thành không cần thiết. Những quyết định lớn ấy luôn có thể được tái xem xét, nhưng trong các tình huống mà giá trị nền tảng được áp dụng, chúng ta sẽ không tốn lại khoảng thời gian mà các quyết định này được đưa ra. Các quyết định lớn ấy hình thành một nền tảng đạo đức để với mỗi khoảnh khắc chúng ta đều biết mình nên làm gì.
Để đưa ra được những quyết định lớn này đòi hỏi nỗ lực có ý thức. Bạn không thể dạy hàng hải ở giữa tâm bão được. Tương tự, bạn không thể xây dựng một hệ thống các giá trị trong tích tắc giữa tuyên bố của con trai bạn là “Johnny đã đấm vào mũi con” và hồi đáp của bạn với tuyên bố đó. Bạn không thể mang tới một tương giao mang tính xây dựng với sự điều khiển của Cái Tôi Người Lớn nếu trước đó các giá trị nền tảng và các ưu tiên chưa được suy nghĩ một cách chín chắn.
Nếu bạn sở hữu một chiếc tàu tuần dương, bạn sẽ trở thành một thủy thủ lão luyện bởi vì bạn đã biết những hậu quả của việc là một thủy thủ kém cỏi. Bạn không chờ cho tới khi cơn bão ập tới mới tìm cách sử dụng radio hàng hải. Nếu bạn bước vào một cuộc hôn nhân, bạn trở thành một người bạn đời “lão luyện” vì bạn biết hậu quả của việc là một người bạn đời tệ hại. Bạn xây dựng một hệ thống giá trị cho cuộc hôn nhân của mình, những giá trị giúp bạn vững vàng mỗi khi hôn nhân trục trặc. Vậy là Cái Tôi Người Lớn được chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các tương giao với một câu hỏi theo dạng: “Điều quan trọng ở đây là gì?”.
Vận hành dựa trên sự ước tính các khả năng, Cái Tôi Người Lớn có thể phát triển một hệ thống các giá trị không chỉ bao hàm mối quan hệ hôn nhân mà tất cả các mối quan hệ khác. Không giống như Cái Tôi Trẻ Em, nó có thể ước tính các hậu quả và trì hoãn sự hài lòng. Nó có thể thiết lập các giá trị mới dựa trên một sự xem xét kỹ lưỡng hơn về các nền tảng lịch sử, triết học và tôn giáo của các giá trị. Không giống như Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn liên quan nhiều đến việc duy trì tính cá nhân hơn là duy trì tính tập thể. Cái Tôi Người Lớn có thể tự cam kết một cách có ý thức với vị thế mà yêu thương là điều quan trọng. Đối với ý tưởng “cho đi thì có phúc hơn là nhận lấy”, Cái Tôi Người Lớn có thể nhìn thấy nhiều hơn là chỉ một mệnh lệnh từ cha mẹ.
Erich Fromm54 đã suy ngẫm về kiểu cho đi mà Cái Tôi Người Lớn thực hiện:
54 Erich Seligmann Fromm (1900 – 1980) là nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức. Ông là một trong những tên tuổi nổi bật của ngành tâm lý học thế kỷ 20.
Hiểu lầm phổ biến nhất là cho rằng cho đi nghĩa là từ bỏ một điều gì đó, là trở nên thiếu thốn, là đang hy sinh. Những người có kiểu định hướng chính là kiểu phi năng suất sẽ cảm thấy cho đi là một sự bần cùng hóa… Bởi vì thật đau đớn khi cho đi, mà người ta phải (với Cái Tôi Cha Mẹ) cho đi, nên đối với họ, công dụng của việc cho đi nằm ở mỗi hành động công nhận cho đi là một sự hy sinh.
Đối với kiểu người năng suất (với Cái Tôi Người Lớn), việc cho đi có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Cho đi là biểu hiện cao nhất của sức mạnh. Trong chính hành động cho đi, tôi trải nghiệm sức mạnh, sự giàu có và uy lực của tôi. Trải nghiệm đầy sinh khí và sức mạnh này giúp tôi ngập tràn vui sướng. Tôi trải nghiệm chính mình một cách tràn đầy, giàu sức sống và vì thế tôi hạnh phúc. Cho đi thì vui sướng hơn là nhận lại, vì nó không phải là sự mất mát, chính hành động cho đi mới là biểu hiện cho sự sống [cảm giác ỔN]55.
55 E. Fromm, trong cuốn The Art of Loving (New York: Harper, 1966).
Kiểu cho đi này có thể là một cách sống do chúng ta lựa chọn. Lựa chọn này có thể làm cơ sở cho mọi quyết định khi Cái Tôi Người Lớn chất vấn: Điều quan trọng ở đây là gì? Liệu tôi có đang được yêu thương? Một khi các quyết định về giá trị đã được đưa ra, người ta có thể chặn đứng kích thích “Em đã giấu đồ khui hộp ở đâu vậy?” một cách có tính xây dựng và có thể củng cố vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN từng ngày.
Tóm lại, một Cái Tôi Người Lớn mạnh mẽ được xây dựng theo những cách thức sau đây: