Mọi người khoe mẽ bằng những tiến bộ xã hội, mà chẳng ai thật sự tiến bộ cả.
– Ralph Waldo Emerson
Tuyên bố rằng chúng ta có các vấn đề cần giải quyết không phải là cách đặc biệt hữu ích. Thêm nữa, thực tế cho thấy rằng hầu hết năng lượng mỗi ngày của chúng ta được dùng vào việc ra quyết định. Các thân chủ thường nói: Tôi không thể ra quyết định, hãy cho tôi biết điều phải làm, tôi sợ mình sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Hoặc khi đối mặt với việc không có khả năng quyết định, họ thường nói: Tôi luôn thấy mình sắp sửa vỡ ra thành từng mảnh, tôi ghét chính mình, tôi dường như chẳng bao giờ hoàn thành bất cứ thứ gì, đời tôi là một chuỗi thất bại.
Mặc dù những tuyên bố này có thể được nói ra để trình bày các vấn đề, chúng đều bắt nguồn từ sự khó khăn xoay quanh việc ra quyết định. Bản chất đáng lo ngại của sự thiếu quyết đoán đôi khi được thể hiện trong lời yêu cầu bất chấp: Làm gì đó đi – bất cứ điều gì – chỉ cần làm gì đó. Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy có hai khó khăn cốt yếu trong việc ra quyết định:
Bước đầu tiên trong việc giải quyết cả hai khó khăn này là nhận ra rằng mỗi quyết định đều có ba bộ dữ liệu cần phải được xử lý. Bộ dữ liệu đầu tiên là trong Cái Tôi Cha Mẹ, bộ thứ hai là trong Cái Tôi Trẻ Em và bộ thứ ba là trong Cái Tôi Người Lớn. Dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ và Trẻ Em đã lỗi thời. Dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn đại diện cho thực tại bên ngoài, đúng như nó đang tồn tại, kết hợp với một lượng lớn dữ liệu được tích lũy trong quá khứ, độc lập với dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ và Trẻ Em. Dữ liệu từ cả ba nguồn đổ vào “chiếc máy tính” để phản hồi lại một kích thích tương giao nào đó. Dữ liệu nào sẽ phản hồi? – Cái Tôi Cha Mẹ, Người Lớn, hay Trẻ Em? Có lẽ cách tốt nhất để giải thích tiến trình này là minh họa nó.
Chúng ta sẽ nói về một doanh nhân tuổi trung niên, người nổi tiếng là người cha tốt, người chồng tốt và là một công dân có trách nhiệm. Người này phải đưa ra quyết định liệu có nên ký tên mình vào một bản kiến nghị sẽ xuất hiện trên tờ báo địa phương hay không. Bản kiến nghị này ủng hộ một dự luật nhà ở bình đẳng, cho phép các cá nhân thuộc mọi chủng tộc được sống ở bất cứ nơi nào mà thu nhập của họ cho phép. Lời đề nghị đến với anh qua điện thoại và ngay khi nhấc máy, anh cảm nhận một sự khó chịu dữ dội, một cơn cồn cào trong dạ dày và cảm giác rằng một ngày tốt lành hoàn hảo đã bị hủy hoại.
Anh ta có một quyết định cần đưa ra và rõ ràng có một sự xung đột lớn trong việc đưa ra quyết định này. Dữ liệu gây xung đột này đến từ đâu?
Một nguồn dữ liệu là Cái Tôi Cha Mẹ của anh ta. Các bản ghi được bật lên là: “Đừng đem nỗi xấu hổ về cho gia đình”; “Đừng mạo hiểm”; “Tại sao phải là con?”; và “Gia đình và con cái của mình phải luôn được ưu tiên hàng đầu!”. Đây là những hồi âm cho một bản ghi thậm chí còn thuyết phục hơn nữa, bản ghi được chèn vào những năm đầu đời của anh ta, trong một gia đình ở thị trấn miền nam nước Mỹ: “Ta phải giữ họ ở đúng vị trí dành cho họ”. Trong thực tế, có một nhóm các dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ được lưu trữ dưới tiêu đề “dân da đen”, dữ liệu này vốn không thể bị truy vấn. Trong cơ sở dữ liệu này, cánh cửa đã bị khóa lại ở thời thơ ấu bằng những chỉ thị kiên quyết: “Đừng hỏi nhiều!”, “Hắn là một tên da đen, vậy thôi!”, “Và đừng để ta nghe con nói tới chuyện đó một lần nữa!”.
Những bản ghi đầu đời này được củng cố theo năm tháng bởi các chỉ thị tiếp diễn của cha mẹ và bởi bằng chứng về sau cho thấy sự có mặt của người da đen có thể là nguyên nhân của các rắc rối (ví dụ ở vùng Little Rock, Selma, Watts và Detroit). Chúng là một lực mạnh mẽ chống đỡ cho quyết định của người đàn ông này.
Sức mạnh của dữ liệu đầu vào này nằm ở khả năng tái tạo nỗi sợ hãi trong Cái Tôi Trẻ Em. Cái Tôi Cha Mẹ “một thước tám” làm việc một lần nữa với Cái Tôi Trẻ Em “sáu tấc” để buộc nó phải tuân phục. Do vậy, nguồn dữ liệu thứ hai đến từ Cái Tôi Trẻ Em. Dữ liệu này phần lớn được thể hiện qua cảm xúc: sợ hãi, “họ” sẽ nói gì, điều sẽ xảy ra nếu con gái tôi “kết hôn với một người da đen”, điều sẽ xảy ra với giá trị tài sản của tôi? Trong tình huống này cũng có những khó khăn thực tế, nhưng cường độ của cảm xúc lại không liên quan nhiều đến những khó khăn này, chúng chủ yếu liên quan với những khó khăn trong tình huống gốc mà đứa trẻ ba tuổi phải đối mặt khi nó còn sống phụ thuộc vào cha mẹ để được an toàn. Điều này tạo ra cảm giác cồn cào trong dạ dày và bàn tay đẫm mồ hôi. Sự xung đột có thể đau đớn dằn vặt đến nỗi người đàn ông đắm mình vào rượu chè hay một số hoạt động lảng tránh khác, mong sao “Cái Tôi Cha Mẹ để anh ta được yên”.
Đây sẽ là một cuộc chiến ngắn ngủi, không dành cho một bộ dữ liệu khác vốn cũng được đưa vào máy tính. Dữ liệu này đến từ thực tế và là dữ liệu nằm trong phạm vi riêng biệt của Cái Tôi Người Lớn. Một người “đơn giản” hay “không biết suy nghĩ” sẽ không gặp rắc rối nhiều trước thực tế. Anh ta đơn giản là để cho Cái Tôi Cha Mẹ xử lý. Khẩu hiệu của anh ta là bình an (cho Cái Tôi Trẻ Em) bằng bất cứ giá nào. “Những cách cũ luôn là những cách tốt nhất.” “Đó là bản chất con người.” “Lịch sử tự lặp lại chính nó.” “Để người khác lo đi.”
Chỉ có người với một Cái Tôi Người Lớn đang hoạt động mới suy xét đến mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa khủng hoảng chủng tộc một cách nghiêm túc như chính hạnh phúc của anh ta vậy. Chỉ có Cái Tôi Người Lớn của anh ta mới có thể đi tìm nhiều dữ liệu hơn. Chỉ có Cái Tôi Người Lớn của anh ta có thể đánh giá sự tàn độc của chế độ nô lệ, hay việc đối xử với con người như đồ vật đã tạo ra nỗi nhục và sự tuyệt vọng hủy hoại nhiều người da đen ở Little Rock, Selma, Watts hay Detroit như thế nào. Chỉ Cái Tôi Người Lớn, như Lincoln, có thể lên tiếng: “Những giáo điều của quá khứ câm lặng là không đủ cho cuộc đấu tranh hiện tại”. Chỉ có Cái Tôi Người Lớn mới có thể nhìn nhận một cách khách quan về tất cả dữ liệu và tiếp tục tìm kiếm giải pháp thỏa đáng.
Chính trong quá trình nhận diện và tách biệt ba bộ dữ liệu này mà chúng ta bắt đầu lấy lại trật tự từ sự hỗn loạn về cảm xúc và sự do dự. Một khi được tách biệt, Cái Tôi Người Lớn có thể xem xét ba phần dữ liệu để nhận ra đâu là điều hợp lý.
Những câu hỏi mà người doanh nhân đang gặp rắc rối của chúng ta phải hỏi trong quá trình xem xét dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ của mình là: Tại sao cha mẹ anh tin tưởng những điều như vậy? Cái Tôi Cha Mẹ của họ như thế nào? Tại sao Cái Tôi Trẻ Em của họ cảm thấy bị đe dọa? Họ có khả năng gì, không có khả năng gì trong việc xem xét Cái Tôi Cha Mẹ, Người Lớn, Trẻ Em (mô hình P-A-C) của mình? Điều gì họ tin là đúng? Có phải người da trắng thì ưu việt hơn người da đen? Tại sao? Tại sao không? Có sai không nếu không bao giờ mạo hiểm? Liệu quan điểm chống sự phân biệt chủng tộc có “đem lại sự xấu hổ cho gia đình”? Nó có thể mang lại danh dự không? Việc không góp phần tạo ra một giải pháp khả thi cho vấn đề chủng tộc trong cộng đồng của mình có đồng nghĩa với đặt gia đình và con cái lên hàng đầu hay không? Có hữu ích chăng nếu ta đặt câu hỏi rằng có điều gì mà cha mẹ anh hiện đang tin tưởng lại đối lập với những gì họ từng tin tưởng trong thời điểm Cái Tôi Cha Mẹ của anh được ghi lại hay không?
Cái Tôi Người Lớn của anh ta cũng phải xem xét dữ liệu đến từ Cái Tôi Trẻ Em. Tại sao anh cảm thấy bị đe dọa? Tại sao dạ dày anh cồn cào? Đó có phải một mối đe dọa thực tế? Nỗi sợ của anh có phù hợp ở hiện tại không? Hay nó chỉ phù hợp ở thời anh là đứa trẻ lên ba? Anh ta có thể có những nỗi sợ thực tế về bạo lực và phá rối. Anh ta có thể bị giết; nhưng anh phải phân biệt giữa nỗi sợ được tạo ra bởi các sự kiện hiện tại và nỗi sợ mà anh cảm nhận ở tuổi lên ba. Nỗi sợ “tuổi lên ba” đã là dĩ vãng xa xôi. Lúc ba tuổi, anh ta không thể thay đổi thực tại. Nhưng ở tuổi bốn mươi ba thì anh có thể. Anh có thể thực hiện các biện pháp để thay đổi thực tại và sau cùng thay đổi các hoàn cảnh tạo ra sự nguy hiểm thực tế đó.
Hiểu được nỗi sợ “tuổi lên ba” là cần thiết để giải phóng Cái Tôi Người Lớn, cho phép nó xử lý dữ liệu mới. Đây là nỗi sợ – nỗi sợ cũ xưa của cái Cái Tôi Cha Mẹ đầy uy lực – vốn tạo ra những con người “định kiến”. Một người có định kiến sẽ giống như đứa bé trong Chương 2 – chấp nhận “cảnh sát thì xấu xa” là sự thật sau cùng. Anh ta sợ làm khác đi. Điều này tạo ra sự ô nhiễm của Cái Tôi Người Lớn (hình 8), và sự ô nhiễm này cho phép định kiến – tức là những dữ liệu không được xem xét từ Cái Tôi Cha Mẹ – được ngoại hiện thành chân lý.
Giống như Socrates đã nói “Cuộc đời không tự vấn là cuộc đời không đáng sống”, chúng ta có thể nói rằng một Cái Tôi Cha Mẹ không được truy vấn thì không xứng đáng để ai đó tựa cuộc đời mình vào. Cái Tôi Cha Mẹ có thể sai.
CÁI TÔI NGƯỜI LỚN ĐƯỢC GIẢI PHÓNG
Mục tiêu của thuyết Phân tích Tương giao là giúp con người có được tự do lựa chọn, tự do thay đổi ý chí, để thay đổi cách phản ứng với những sự việc tái diễn và với các kích thích mới. Theo Kubie, phần lớn sự tự do này đã mất đi trong thời thơ ấu, khởi đầu cho “quá trình nhiễu tâm”. Quá trình này không ngừng dính líu với việc giải quyết các vấn đề cũ xưa, làm ngăn trở việc giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tế ở hiện tại.
Gốc rễ của quá trình nhiễu tâm có thể nằm ở một hiện tượng xuất hiện nơi trẻ sơ sinh và/hoặc giai đoạn đầu của thời thơ ấu – sự hình thành các khuôn mẫu hành vi rập khuôn hay “cố định”. Chúng có thể bao gồm các biểu hiện xúc động – khóc, la hét, sợ hãi về đêm; các hoạt động thực thi hoặc không thực thi mang tính bản năng – ăn, nhai, nôn mửa, phun thức ăn, từ chối thức ăn, bắt buộc chọn loại thức ăn nào đó, các khuôn mẫu về bài tiết hay kìm giữ; các khuôn mẫu về hô hấp như kìm hơi thở; hoặc các khuôn mẫu về hành động nói chung – giật, đập đầu, đá, bú mút, vân vân.
Không một hành động nào trong số này tự nó là bất thường. Miễn là nó có thể tự do thay đổi cách phản ứng với sự thay đổi của các tín hiệu ngoại tại và nội tại, thì nó vẫn bình thường. Chính việc mất đi khả năng tự do thay đổi đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình nhiễu tâm32.
32 Lawrence Kubie, trong chương “Role of Polarity in Neurotic Process”, cuốn Frontiers of Clinical Psychiatry, Vol. 3, No. 7 (1 tháng Tư năm 1966).
Khôi phục sự tự do thay đổi này là mục tiêu của việc trị liệu. Sự tự do này phát triển từ việc biết được chính xác cái gì bên trong Cái Tôi Cha Mẹ và cái gì bên trong Cái Tôi Trẻ Em và những dữ liệu này được nạp vào các tương giao trong hiện tại như thế nào. Nó cũng đòi hỏi sự thật, hay bằng chứng, về thế giới mà cá nhân đang sống. Sự tự do này đòi hỏi sự hiểu biết rằng tất cả mọi người mà ta giao tiếp đều có Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Nó đòi hỏi sự thăm dò khám phá liên tục, không chỉ ở các khu vực “có thể hiểu được” mà còn ở các khu vực không xác định, những khu vực có thể được hiểu biết tốt nhất bởi một chức năng khác của Cái Tôi Người Lớn: ước đoán khả năng. Một trong những thực tế về tình trạng khó khăn của con người là chúng ta thường phải ra các quyết định trước khi tất cả sự thật được xét đến. Điều này đúng với bất kỳ cam kết nào. Nó đúng với hôn nhân. Nó đúng với bầu cử. Nó đúng với việc ký vào một bản kiến nghị. Nó đúng với việc thiết lập các thứ tự ưu tiên. Nó đúng với những giá trị chúng ta theo đuổi một cách độc lập – bằng Cái Tôi Người Lớn.
Cái Tôi Trẻ Em trong chúng ta đòi hỏi sự chắc chắn. Cái Tôi Trẻ Em muốn biết mặt trời sẽ mọc vào mỗi buổi sáng, rằng mẹ sẽ luôn ở bên cạnh mình, rằng những “người xấu” sẽ luôn trả giá vào phút cuối cùng; nhưng Cái Tôi Người Lớn có thể chấp nhận thực tế là không thể luôn luôn có sự chắc chắn. Triết gia Elton Trueblood33 tuyên bố:
33 David Elton Trueblood (1900 – 1994) được biết đến là một tác giả, một nhà thần học và là giáo sĩ nhà trường của hai trường đại học Harvard và Stanford.
Thực tế là chúng ta không có sự chắc chắn tuyệt đối về bất kỳ kết luận nào liên quan đến con người, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nhiệm vụ truy vấn là vô ích. Đúng là chúng ta luôn tiến hành việc này trên cơ sở tính khả năng, nhưng có các khả năng trong tay cũng là có một thứ gì đó rồi. Điều chúng ta tìm kiếm trong các địa hạt của tư tưởng con người không phải là sự chắc chắn tuyệt đối – bởi nó phủ nhận tư cách con người của chúng ta – mà là con đường đơn giản nhất của những ai tìm ra những cách đáng tin cậy để phân biệt những mức độ khác nhau của các khả năng34.
34 Elton Trueblood, trong cuốn General Philosophy (New York: Harper, 1963).
Đó là lĩnh vực khám phá của triết học và tôn giáo mà chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn trong Chương 12: “Mô hình P-A-C và các giá trị đạo đức”.
Khi vị doanh nhân trong câu chuyện của chúng ta đối mặt với bản kiến nghị về nhà ở, Cái Tôi Người Lớn của anh ta có thể thừa nhận rằng kết quả của việc ký vào văn bản ấy là không có gì chắc chắn. Nếu ký, anh ta có thể bị nhạo báng. Nếu vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN của anh ta bao gồm tất cả mọi người, bất kể chủng tộc hay tôn giáo, anh ta có thể bị tấn công bởi những người đầy định kiến, những người ở vào địa vị có thể gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của anh, đến thẻ thành viên của anh trong câu lạc bộ đánh gôn hay đến mối quan hệ của anh với vợ mình. Nhưng anh cũng có thể cân nhắc đến khả năng là sự đóng góp của anh có thể dẫn đến một sự giảm nhẹ đáng kể đối với tình trạng bất ổn về chủng tộc trong cộng đồng mình. Về lâu về dài, nó có thể mang lại sự vỗ về cho Cái Tôi Trẻ Em của anh ta dưới hình thức danh tiếng về một con người chính trực và can đảm.
Khi Cái Tôi Cha Mẹ hay Cái Tôi Trẻ Em thống trị, kết quả là có thể dự đoán được. Đây là một trong những đặc tính cốt yếu của các trò chơi. Có một sự an toàn được đảm bảo trong các trò chơi. Chúng luôn có thể đem đến đau đớn, nhưng đó là một nỗi đau mà người chơi đã học được cách xử lý. Khi Cái Tôi Người Lớn chịu trách nhiệm cho các tương giao, kết quả luôn không thể dự đoán trước được. Có khả năng sẽ thất bại, nhưng cũng có khả năng thành công. Quan trọng hơn cả là có khả năng thay đổi.
ĐIỀU GÌ KHIẾN NGƯỜI TA MUỐN THAY ĐỔI?
Có ba điều khiến người ta muốn thay đổi. Một là họ cảm thấy đủ đau đớn. Họ đã đập đầu vào cùng một bức tường quá lâu khiến họ quyết định rằng chịu đựng thế là đủ rồi. Họ đã đầu tư vào cùng những cỗ máy đánh bạc quá lâu mà không nhận được tiền thưởng nên rốt cuộc họ cũng sẵn sàng ngừng chơi hoặc chuyển sang những chiếc máy khác. Chứng đau nửa đầu hành hạ họ. Những vết loét của họ rỉ máu. Họ nghiện rượu. Họ đã chạm đáy vực. Họ cầu xin sự cứu rỗi. Họ muốn thay đổi.
Một điều khác khiến người ta muốn thay đổi là một dạng diễn tiến chậm của nỗi tuyệt vọng, được gọi là sự buồn tẻ hay sự chán chường. Đây là điều mà người đã trải đời thốt lên: “Rồi sao nữa?”, mãi đến khi rốt cuộc anh ta cũng đặt câu hỏi lớn cuối cùng “RỒI SAO NỮA?”, thì anh ta đã sẵn sàng thay đổi.
Điều thứ ba khiến người ta muốn thay đổi là sự khám phá bất ngờ rằng họ có thể thay đổi. Đây là một hiệu ứng có thể quan sát được trong Phân tích Tương giao. Nhiều người vốn không bày tỏ chút mong muốn thay đổi đặc biệt nào đã được làm quen với thuyết Phân tích Tương giao thông qua các bài giảng hoặc nghe từ một ai đó. Kiến thức này đã tạo ra một sự phấn khích về các khả năng mới mẻ, dẫn dắt đến cuộc truy tầm xa hơn và một sự ấp ủ khát khao thay đổi. Cũng có kiểu bệnh nhân dù đang đau khổ với các triệu chứng gây hủy hoại vẫn không thật sự muốn thay đổi. Giao kèo điều trị của anh ta là: “Tôi hứa sẽ để anh giúp tôi nếu tôi không buộc phải cải thiện gì cả”. Tuy nhiên, thái độ tiêu cực này sẽ thay đổi khi bệnh nhân bắt đầu nhận thấy rằng có tồn tại một lối sống khác. Sự hiểu biết về cách hoạt động của mô hình P-A-C sẽ giúp cho Cái Tôi Người Lớn có khả năng khám phá ra các biên giới mới và thú vị của cuộc sống, khám phá ra một mong muốn vốn tồn tại ở đó song đã bị chôn vùi dưới gánh nặng của cảm giác KHÔNG ỔN.
CON NGƯỜI CÓ TỰ DO Ý CHÍ HAY KHÔNG?
Liệu con người có thể thật sự thay đổi nếu anh ta muốn? Và nếu anh ta có thể, sự thay đổi của anh ta có phải chẳng qua chỉ là một sản phẩm điều kiện hóa của quá khứ? Liệu con người có ý chí không? Một trong những vấn đề khó khăn nhất khi đứng ở vị thế của người theo học thuyết Freud là sự đối đầu của thuyết tất định và thuyết tự do. Freud và hầu hết các nhà hành vi học đều cho rằng hiện tượng nhân quả được nhận thấy ở khắp nơi trong vũ trụ cũng đúng với con người, rằng bất cứ điều gì xảy ra ngày hôm nay đều có thể được hiểu một cách lý thuyết trong mối quan hệ với những gì đã xảy ra ở quá khứ. Nếu hôm nay một người mưu sát một người khác, với định hướng của học thuyết Freud chúng ta đã thành thói quen nhìn vào quá khứ của hung thủ để tìm hiểu xem tại sao anh ta làm vậy. Giả định được đưa ra là hẳn phải có một hay nhiều nguyên nhân, và những nguyên nhân ấy nằm đâu đó trong quá khứ. Một người theo thuyết tất định thuần túy cho rằng hành vi của con người không có tự do và nó chỉ là một sản phẩm từ quá khứ của anh ta. Kết luận tất yếu được đưa ra là người đó không chịu trách nhiệm cho những gì anh ta làm; rằng thực tế anh ta không có một ý chí tự do. Sự xung đột mang tính triết học được nhìn thấy với nhiều kịch tính nhất trong các phiên tòa. Lập trường quan tòa cho rằng con người phải chịu trách nhiệm. Lập trường của thuyết tất định, được dựa trên cơ sở nhiều bằng chứng về tâm thần học, cho rằng con người không phải chịu trách nhiệm về những sự kiện xảy ra trong quá khứ của anh ta.
Chúng ta không thể phủ nhận thực tế của tính nhân quả. Nếu chúng ta đánh một quả bida và nó đánh vào một vài quả bi khác, những quả bi này lăn đi rồi đánh vào những quả bi khác nữa, thì chúng ta phải chấp nhận màn trình diễn của một chuỗi các nguyên nhân và hệ quả. Nguyên lý Nhất nguyên35 cho rằng các quy luật có cùng một kiểu vận hành trong thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh trong khi các quả bida không trở thành thứ gì hơn chính chúng khi bắt đầu chuỗi nhân quả này, thì con người đã trở thành điều gì đó hơn con người họ trước đây.
35 Thuyết nhất nguyên hay nhất nguyên luận là quan niệm thần học và siêu hình học cho rằng vạn vật trên đời đều thuộc về một bản chất, nguyên lý hay năng lượng, tất cả đều có cùng một khởi nguyên.
Will Durant đã bình luận về cách mà triết gia người Pháp thế kỷ 19 nhấn mạnh một cách gay gắt về tính vô lý trong vấn đề của thuyết tất định:
Rốt cuộc, thuyết tất định có chút nào dễ hiểu hơn so với ý chí tự do? Nếu khoảnh khắc hiện tại không chứa đựng sự sống và lựa chọn mang tính sáng tạo mà chỉ hoàn toàn, một cách máy móc, là sản phẩm của vật chất và sự vận động của khoảnh khắc trước đó, thì khoảnh khắc đó lại là hiệu ứng máy móc của một khoảnh khắc đi trước nó nữa, và cứ lần lượt như thế, cho đến khi chúng ta lần tới được tinh vân nguyên thủy được coi như toàn bộ nguyên nhân của mọi sự kiện sau đó, của mọi câu chữ trong các vở kịch của Shakespeare và mọi sự đau khổ trong linh hồn ông ấy từ đó dẫn đến mọi ngôn từ u ám của Hamlet và Othello, của Macbeth và Lear, trong mọi mệnh đề và mọi câu cú, được viết ra ở những vùng trời xa xôi và những khoảng thời gian vô tận, đều bằng cấu trúc và nội dung của đám mây huyền thoại đó. Một phác đồ dựa trên sự cả tin làm sao… Ở đây có đủ vấn đề để dẫn đến một cuộc nổi dậy; và nếu Bergson36 nổi lên một cách quá nhanh chóng thì đó là bởi vì ông có can đảm nghi ngờ những chỗ mà những người hoài nghi đã tin tưởng một cách đạo đức giả37.
36 Henri Bergson (1859 – 1941) là nhà văn, nhà triết học người Pháp, từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1927.
37 Will Durant, trong cuốn The Story of Philosophy (New York: Simon and Schuster 1933), trang 337–338.
Câu trả lời không nằm ở việc bác bỏ bản chất nhân quả của vũ trụ hay của hành vi con người mà nằm ở việc tìm kiếm nguyên nhân ở một nơi nào đó khác ngoài quá khứ. Con người hành động vì những nguyên nhân nhất định, mà những nguyên nhân ấy không nằm hoàn toàn ở quá khứ. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, tôi đã được hỏi ý kiến về việc tại sao Charles Whitman38 lại leo lên tòa tháp của Đại học Texas và nã đạn vào những người đang đi bên dưới. Sau khi điểm lại một số nguyên nhân có khả năng, tôi được hỏi tiếp: “Nhưng tại sao một số người làm những việc như thế và những người khác thì không?”. Đây là một câu hỏi có giá trị. Nếu chúng ta ở vào vị thế đơn giản là không biết đủ thông tin về lịch sử quá khứ của một cá nhân, thì chúng ta vẫn bám lấy lập trường rằng đâu đó trong quá khứ có chứa một câu trả lời thỏa đáng.
38 Charles Joseph Whitman (1941 – 1966) là kẻ sát nhân của một vụ thảm sát kinh hoàng. Ngày 1 tháng Tám năm 1966 Whitman đã lên tầng 27 của tòa tháp của trường Đại học Texas và xả súng vào những người bên dưới, 50 người trúng đạn, 17 người chết. Whitman bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt về bản chất giữa một con người và một quả bida. Con người, thông qua suy nghĩ, có khả năng dự liệu về tương lai. Con người chịu ảnh hưởng bởi một kiểu nguyên nhân khác mà Charles Harteshorne39 gọi là “quan hệ nhân quả sáng tạo40”. Elton Trueblood giải thích điều này bằng cách đưa ra giả thuyết rằng các nguyên nhân dẫn đến hành vi con người không chỉ nằm ở quá khứ mà còn nằm ở khả năng dự liệu về tương lai hay ước lượng về các khả năng:
39 Charles Harteshorne (1897 – 2000), một triết gia người Mỹ, tập trung nghiên cứu về triết học tôn giáo và siêu hình học.
40 “Causal Necessities, an Alternative to Hume”, trong cuốn The Philosophical Review 63 (1954), trang 479–499.
Tâm trí con người… vận hành chủ yếu bằng cách xem xét các nguyên nhân sau cùng. Điều này rõ ràng đến mức dường như không thể bỏ qua, song nó vẫn bị phớt lờ bởi tất cả những người chối bỏ sự tự do trong việc áp dụng mối quan hệ nhân quả kiểu quả bida. Dĩ nhiên là quả bida di chuyển theo tác động quan hệ nhân quả, nhưng con người thì vận hành theo một cách thức hoàn toàn khác. Con người là một tạo vật có hiện tại bị chi phối bởi sự xem xét về một thứ chưa tồn tại nhưng rất uy lực, đó là tương lai. Cái không-là ảnh hưởng đến cái nó-là. Tôi có một vấn đề khó khăn nhưng kết quả thì không đơn thuần là hệ quả của một sự kết hợp máy móc của các xung lực, vốn đúng với trường hợp thể lý; thay vì vậy tôi suy nghĩ, mà hầu hết suy nghĩ của tôi có liên quan với điều có thể được tạo ra, cung cấp được các bước đi nhất định có thể được thực hiện41.
41 Trueblood, trong cuốn General Philosophy.
Ortega42 định nghĩa con người như “một thực thể mà điều cốt yếu không nằm ở những gì nó là mà ở những gì nó sẽ là43”. Trueblood chỉ ra rằng…
42 José Ortega y Gasset (1883 – 1955) là nhà triết học, nhà văn tiểu luận người Tây Ban Nha.
43 Ortega y Gasset, trong cuốn What Is Philosophy? (New York: Norton, 1960).
… không đủ để nói rằng kết quả được quyết định bằng tính cách trước đây của một người, bởi cái thực tại mà chúng ta đang cùng chia sẻ này là thứ mới lạ, có tính chân thật đến mức có thể dự phần vào từng suy nghĩ của chúng ta. Tư duy, như chúng ta thật sự trải nghiệm nó mỗi ngày, không đơn thuần là nhận thức về hành động như vẫn được mô tả trong học thuyết của những người theo thuyết phụ tượng44, mà là một động cơ đúng đắn và sáng tạo. Khi một con người suy nghĩ thì một điều gì đó sẽ xảy ra – điều sẽ không xảy ra theo cách khác. Đây là ý nghĩa của nhân quả tự tác (self-causation), được coi là một khả năng thứ ba trong song đề quen thuộc của chúng ta45.
44 Epiphenomenalism: thuyết phụ tượng/thuyết hiện tượng phụ là một nhánh của Nhị nguyên luận trong Triết học tinh thần. Thuyết phụ tượng cho rằng những đa dạng của suy nghĩ, tưởng tượng, hình dung trong tâm trí con người đều là những hiện tượng phụ của thế giới vật chất. Các sự kiện vật chất có thể gây ra các sự kiện vật chất khác và các sự kiện tinh thần, nhưng các sự kiện tinh thần không thể gây ra các sự kiện vật chất.
45 Trueblood, trong cuốn General Philosophy.
Do vậy chúng ta xem Cái Tôi Người Lớn như một nơi mà hành động là khả thi, nơi mà niềm hy vọng trú ngụ và nơi mà sự thay đổi là khả dĩ.