Bởi nỗi buồn trong sự hài hước chính đáng nằm ở thực tế chân thật và không lừa dối, nó phản ánh một cách trong sáng con người theo những gì có trong một đứa trẻ.
– Søren Kierkegaard
Từ khi còn rất nhỏ, mọi đứa trẻ đã kết luận rằng “Mình không ỔN”. Nó cũng đưa ra một kết luận về cha mẹ mình: “Cha/mẹ ỔN.” Đây là điều đầu tiên nó khám phá được trong cuộc khảo nghiệm suốt đời nhằm tìm ra ý nghĩa về chính nó và về thế giới mà nó đang sống. Vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN này là quyết định mang tính định đoạt nhất trong cuộc đời đứa trẻ. Nó được ghi lại vĩnh viễn và sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ đứa trẻ làm. Bởi vì đó là một quyết định nên nó có thể được thay thế bởi một quyết định mới. Nhưng điều này không xảy ra chừng nào quyết định cũ còn chưa được thấu hiểu.
Để củng cố cho những luận điệu này, tôi muốn dành phần đầu tiên của chương này cho một khảo sát về những tình huống của trẻ sơ sinh, trẻ mới lớn và trẻ đang lớn, trong cả những năm chưa biết nói và cả khi đã biết nói. Nhiều người khăng khăng rằng họ đã có một “tuổi thơ hạnh phúc” và kết luận chẳng có thứ gì gọi là TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN cả. Tôi thì tin tưởng sâu sắc rằng mọi đứa trẻ đều có kết luận như vậy, bất chấp việc chúng thật sự đã có một “tuổi thơ hạnh phúc”. Trước hết, tôi muốn xem xét tình huống chào đời của đứa trẻ và chỉ ra bằng chứng rằng các sự kiện về sự chào đời và đời sống tuổi nhũ nhi của đứa trẻ đã được ghi lại, dù nó không còn nhớ nữa.
Liên quan đến điều này, chúng ta một lần nữa nhớ về những kết luận của Penfield rằng não bộ thực hiện ba chức năng: (1) ghi lại, (2) nhớ lại và (3) sống lại. Mặc dù việc nhớ lại giai đoạn sớm nhất trong những năm đầu đời là bất khả thi, chúng tôi đã có bằng chứng chứng minh rằng chúng ta có thể sống lại những kinh nghiệm đầu đời dưới hình thức trở về trạng thái cảm xúc của một đứa trẻ sơ sinh. Vì trẻ sơ sinh không thể sử dụng từ ngữ, các phản ứng của nó bị giới hạn ở cấp độ cảm giác, cảm nhận và có thể là những hình ảnh tưởng tượng mơ hồ, cũ xưa. Cảm xúc của nó được bộc lộ bằng cách khóc òa lên hoặc bằng những chuyển động cơ thể khác nhau nhằm thể hiện sự thoải mái hay đau đớn. Những cảm giác và hình ảnh tưởng tượng của nó – dù không nói được thành lời do tại thời điểm đó nó không có ngôn từ – vẫn được ghi nhận lại và thi thoảng phát lại trong những giấc mơ sau này.
Ví dụ, có nữ bệnh nhân nọ đã thuật lại một giấc mơ cứ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời cô ấy. Mỗi lần gặp giấc mơ này, cô đều tỉnh giấc trong trạng thái hoảng sợ cực độ, tim đập nhanh và khó thở. Cô cố gắng mô tả lại giấc mơ nhưng không thể tìm đủ từ ngữ. Trong một nỗ lực mô tả, cô nghĩ rằng cô đã cảm nhận như thể mình “chỉ là một hạt bụi li ti, be bé, nho nhỏ và những vật thể to, bự, khổng lồ trong vũ trụ đang xoay tít xung quanh tôi, giống như những vòng xoắn ốc vĩ đại, ngày càng to lớn hơn, đe dọa nuốt chửng tôi và tôi dường như mất hút trong thứ mênh mông và khổng lồ này”. Dù mô tả này đi kèm với quan sát của cô về việc cô đánh mất căn tính của mình, thì bản chất của cơn hoảng sợ cực độ cho thấy có vẻ cô đã có một nỗi sợ hãi về việc mất mạng, giống như một phản ứng sinh học đối với sự đe dọa của cái chết.
Một thời gian sau, cô báo cáo rằng cô lại mơ thấy giấc mơ ấy lần nữa. Đó là lần đầu tiên cô mơ lại giấc mơ đó trong khoảng một năm nay. Cô đi du lịch; cô và chồng đã ăn trưa tại một nhà hàng, trong một bầu không khí chất lượng hơn cả thức ăn. Khi quay lại khách sạn, cô cảm thấy không khỏe, vì thế cô nằm xuống chợp mắt một chút. Cô ngủ thiếp đi. Không lâu sau cô bừng tỉnh trong cơn hoảng loạn vì giấc mơ kia. Cô còn bị một cơn co thắt bụng khiến cô “đau đớn gấp đôi”. Gần đây không có một sự kiện nào đặc biệt gây lo lắng cho cô và giấc mơ khủng khiếp này dường như có một vài mối liên hệ trực tiếp với cơn đau bụng dữ dội. Giấc mơ vẫn không thể diễn tả rõ ràng được, tuy nhiên cô đã kể thêm một cảm giác khác – cảm giác ngộp thở.
Một số thông tin về mẹ của bệnh nhân đã gợi ý một khả năng về nguồn gốc của giấc mơ này. Người mẹ là một người phụ nữ phốp pháp. Bà nuôi con bằng sữa mẹ và khăng khăng với ý tưởng rằng không có vấn đề nào mà ăn uống không giải quyết được. Bà quan niệm rằng những đứa trẻ được chăm sóc tốt là những đứa trẻ được nuôi ăn tốt. Bà còn là một người phụ nữ hung hăng và độc đoán. Chúng tôi suy diễn (đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm) rằng giấc mơ này bắt nguồn trong khoảng thời gian trước khi bệnh nhân biết nói, vì thế cô đã không thể mô tả được nội dung giấc mơ. Mối liên hệ của giấc mơ với cơn co thắt bụng gợi ý sự liên quan nào đó với một trải nghiệm ăn uống đầu đời. Có khả năng là khi còn sơ sinh, bệnh nhân đã có cảm giác đủ no và ngưng bú mẹ, song người mẹ khăng khăng cho rằng cô cần bú thêm. (Điều này xảy ra trước giai đoạn cho ăn theo nhu cầu: “Thêm nữa nào, sẽ đủ cho con no lâu”.) Những cảm giác của “trạng thái giấc mơ” – buồn ngủ, ngộp thở và co thắt bụng – có thể đã từng xuất hiện khi ấy. Nội dung (thứ nhỏ bé bị nuốt chửng bởi những vật thể to lớn của vũ trụ) có thể là một sự phát lại nhận thức của đứa trẻ sơ sinh về tình huống nó gặp phải – chính cô, hạt bụi bé nhỏ, bị nuốt chửng bởi bầu ngực to lớn, khổng lồ của người mẹ hoặc có thể bởi chính thân hình to cao vạm vỡ của bà.
Kiểu giấc mơ vay mượn chất liệu này củng cố cho giả định rằng các kinh nghiệm sớm nhất trong đời chúng ta, dù không diễn tả được bằng lời, đều được ghi lại và được phát lại ở hiện tại.Một dấu hiệu khác cho thấy rằng những kinh nghiệm được ghi lại từ lúc đứa trẻ chào đời là sự lưu giữ những gì nó góp nhặt trong quá khứ. Các phản hồi của đứa trẻ sơ sinh với những kích thích ngoại tại, mặc dù ban đầu là theo bản năng, sẽ sớm dẫn đến trải nghiệm được điều kiện hóa hay được học hỏi (hoặc được ghi lại). Ví dụ như, đứa bé học được cách nhìn về hướng bước chân của người mẹ. Nếu tất cả các kinh nghiệm và các cảm xúc đều được ghi lại, chúng ta có thể hiểu được những cơn hoảng sợ, thịnh nộ hay sợ hãi mà chúng ta cảm thấy trong những tình huống nhất định ở hiện tại chính là sự sống lại của trạng thái hoảng sợ, thịnh nộ, sợ hãi nguyên gốc mà chúng ta từng trải qua khi còn là trẻ sơ sinh. Chúng ta có thể hình dung điều này như sự phát lại của một cuộn băng gốc.
Để hiểu hết những hàm ý liên quan, việc xem xét hoàn cảnh của trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Trong hình 7, chúng ta nhìn thấy sơ đồ biểu diễn một vòng đời từ lúc thụ thai cho tới tuổi lên năm. Khoảng thời gian đầu tiên là chín tháng từ lúc thụ thai đến lúc sinh nở. Trong khoảng chín tháng này, đã có sự khởi đầu sự sống trong môi trường hoàn hảo nhất mà một cá thể người từng trải nghiệm. Kiểu sự sống này được coi là một trạng thái của sự gắn bó cộng sinh.
Sau đó, tại khoảnh khắc sinh nở, trong khoảng thời gian vài giờ ngắn ngủi, cá thể nhỏ bé bị đẩy ra khỏi bụng mẹ, rồi rơi vào một hoàn cảnh hoàn toàn tương phản, ở đó nó bị phơi bày trước sự xa lạ và chắc chắn là cực kỳ hoảng loạn bởi sự lạnh lẽo, thô ráp, áp lực, tiếng ồn, ánh sáng, sự tách biệt và cảm giác bị bỏ rơi. Trong một khoảng thời gian ngắn, đứa trẻ sơ sinh đã bị chia cắt, bị gạt ra, thành tách biệt, không còn liên quan gì với người mẹ. Có nhiều giả thuyết phổ biến về sang chấn lúc sinh nở. Các giả thuyết này giả định rằng các cảm xúc được tạo ra bởi sự kiện sinh nở được ghi lại và được lưu lại trong bộ não dưới một vài dạng thức. Giả định này được củng cố bởi muôn kiểu giấc mơ về “ống thoát nước”, những giấc mơ lặp đi lặp lại mà rất nhiều cá nhân đã gặp sau những tình huống căng thẳng cực độ. Một bệnh nhân mô tả giấc mơ của mình, trong đó anh ta bị nước cuốn vào một ống cống hoặc một ống thoát nước. Anh chịu đựng cảm giác của sự gia tăng tốc độ và lực nén. Cảm giác này cũng được trải nghiệm trong trạng thái ám ảnh không gian kín. Trẻ sơ sinh chìm trong những kích thích quá tải, khó chịu và theo Freud, các cảm giác này sẽ dẫn đến mọi kiểu lo âu trong đứa trẻ về sau21.
21 Sigmund Freud, trong cuốn The Problem of Anxiety (New York: Norton, 1936).
Vào thời khắc đứa trẻ sơ sinh được tiếp xúc với một người cứu hộ, một người nâng nó lên, quấn nó trong một lớp che phủ ấm áp, nâng đỡ nó và bắt đầu một hành động “vỗ về” êm ái. Đây là thời điểm của Sự chào đời về mặt Tâm lý (hình 7). Đây là dữ liệu đầu vào đầu tiên nói rằng cuộc sống “ngoài kia” không hoàn toàn tồi tệ. Đó là một sự hòa giải, một sự phục hồi cảm giác gần gũi. Nó làm bật lên ý chí sống của đứa trẻ sơ sinh. Sự vỗ về, sự tiếp xúc thể xác lặp đi lặp lại chính là điều kiện thiết yếu để sinh tồn. Không có nó đứa trẻ sẽ chết – không về thể lý thì cũng về tâm lý. Cái chết thể lý đến từ một tình trạng suy kiệt từng một thời xảy ra thường xuyên trong những gia đình bỏ mặc con cái và đứa trẻ mất đi sự vỗ về đầu đời này. Không có nguyên nhân thể lý nào giải thích được cho cái chết đó ngoại trừ sự thiếu vắng những kích thích cần thiết.
Sự đau đớn lúc có lúc không này khiến trẻ sơ sinh ở trong một trạng thái mất cân bằng liên tục. Trong hai năm đầu đời, nó không có ngôn từ, không có công cụ “tư duy” về nhận thức, để xây dựng một sự lý giải về tình trạng thiếu ổn định trong cuộc sống của nó. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục ghi lại những cảm xúc phát triển từ mối quan hệ giữa nó và những người khác, chủ yếu là với mẹ, và các cảm xúc này có liên quan trực tiếp đến sự vỗ về và không vỗ về. Bất cứ ai mang đến cho đứa trẻ sự vỗ về đều là những người ỔN. Sự đánh giá của nó về chính mình là không chắc chắn bởi vì các cảm xúc ỔN của nó là nhất thời và tiếp tục được thay thế bởi các cảm xúc KHÔNG ỔN. Cuối cùng, sự thiếu ổn định thuyết phục nó tin rằng “TÔI KHÔNG ỔN”. Vậy, tại thời điểm nào đứa trẻ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN của mình?
Dựa trên cơ sở những quan sát tỉ mỉ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Piaget22 tin rằng sự phát triển của tính nhân quả (cái gì sinh ra cái gì) bắt đầu trong những tháng đầu đời và đạt được vào cuối năm thứ hai. Nói một cách khác, dưới hình thức một mớ hỗn độn của những ấn tượng, dữ liệu được tích lũy dần theo những trình tự nhất định, cho đến thời điểm đứa trẻ có được vị thế tiền ngôn ngữ hoặc khả năng kết luận. Piaget nói: “Trong hai năm đầu tiên của thời thơ ấu, sự phát triển của trí thông minh giác-động và sự lý giải tương ứng về vạn vật, dường như dẫn đến một trạng thái cân bằng tiếp giáp với tư duy lý tính”. Tôi tin rằng trạng thái cân bằng này, thể hiện rõ rệt ở cuối năm thứ hai hay trong năm thứ ba, là sản phẩm từ sự kết luận của đứa trẻ về chính nó và về những người khác, tức vị thế sống của nó. Một khi vị thế sống của nó được quyết định, nó có một chỗ dựa vững chắc để hoạt động, một vài cơ sở để đưa ra các phán đoán. Piaget nói rằng những diễn trình tinh thần đầu đời này không có khả năng “hiểu biết hay phát biểu các chân lý” mà chúng bị giới hạn trong việc khao khát thành công hay thích nghi thực tiễn: Nếu TÔI KHÔNG ỔN còn BẠN ỔN, thì tôi có thể làm gì để bạn, một con người ỔN, đối xử tốt với tôi, một con người KHÔNG ỔN? Vị thế này dường như không thuận lợi, nhưng đó là cảm nhận thật đối với đứa trẻ và cảm nhận này vẫn tốt hơn là không có cảm nhận gì cả. Do vậy mà có trạng thái cân bằng. Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ đã đạt được sự tự chủ đầu tiên của nó trong việc “tìm ra ý nghĩa cuộc sống”, giải quyết vấn đề mà nhà tâm lý học Adler đã gọi là “vấn đề trọng tâm của cuộc sống” – thái độ đối với người khác – và điều Sullivan đã gọi là “thái độ đối với chính mình mà cá nhân đó sẽ mang theo mãi mãi”.
22 Jean Piaget, trong cuốn The Construction of Reality in the Child (New York: Basic Books, 1954).
Một trong những tuyên bố rõ ràng nhất về sự phát triển của các vị thế được đưa ra bởi Kubie:
Có thể đưa ra một sự suy luận chắc chắn là từ giai đoạn rất sớm trong đời, có thể là trong những tháng đầu tiên, đôi khi là sau đó, một vị thế cảm xúc trung tâm thường được thiết lập… Thực tế lâm sàng rõ ràng đã cho thấy rằng một khi vị thế cảm xúc trung tâm được thiết lập trong những năm tháng đầu đời, nó trở thành vị thế cảm xúc mà cá nhân đó có khuynh hướng lặp lại một cách tự động trong những năm tháng còn lại của đời mình. Nói cách khác, vị thế cảm xúc trung tâm này có thể trở thành một trong những lá chắn tự vệ chính hoặc điểm mong manh chính trong cuộc sống của đứa trẻ sau này. Trên thực tế, việc thiết lập vị thế cảm xúc trung tâm này có thể chính là giai đoạn sớm nhất trong tiến trình nhiễu tâm ở con người, vì nó có thể bắt đầu ngay cả trong giai đoạn tiền ngôn ngữ và giai đoạn biểu tượng hóa của đứa trẻ... Bất cứ khi nào vị thế cảm xúc trung tâm là cảm giác đau đớn… cá nhân có thể dành toàn bộ cuộc đời để bảo vệ mình chống lại cảm giác ấy, tái sử dụng các phương tiện ý thức, tiền ý thức và vô thức nhằm mục đích tránh được vị thế trung tâm đau đớn này23.
23 L. S. Kubie, trong cuốn The Neurotic Process as the Focus of Physiological and Psychoanalytic Research, The Journal of Mental Science, Vol. 104, No. 435 (1958).
Từ đó, Kubie đặt ra câu hỏi liệu rằng các vị thế này có thể thay đổi được trong cuộc sống sau này hay không. Tôi tin là có. Mặc dù những trải nghiệm sớm được đẩy lên cực độ trong vị thế đó là không thể xóa đi, tôi tin rằng những vị thế sớm ấy có thể thay đổi được. Điều từng được quyết định vẫn có thể được quyết định khác đi.
Học thuyết Phân tích Tương giao đặt ra cách phân loại về bốn vị thế sống trong mối liên hệ giữa chính mình và người khác như sau:
1) TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN
2) TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN
3) TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN
4) TÔI ỔN – BẠN ỔN
Trước khi đi vào chi tiết về mỗi vị thế, tôi muốn nói rõ một vài quan sát chung về các vị thế. Tôi tin rằng vào cuối năm thứ hai của đời người, đôi khi là trong năm thứ ba, đứa trẻ đã quyết định chọn một trong ba vị thế đầu tiên.
TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN là quyết định ướm thử đầu tiên được dựa trên các kinh nghiệm trong năm đầu tiên của cuộc đời. Vào cuối năm thứ hai, hoặc vị thế đó được xác nhận và trở nên chắc chắn, hoặc nó sẽ chuyển sang vị thế thứ hai hoặc thứ ba: TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN hoặc TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Một khi đã định hình, đứa trẻ ở yên trong vị thế đã chọn và vị thế đó chi phối lên mọi thứ đứa trẻ hành động sau này. Nó sẽ đi cùng với đứa trẻ trong suốt phần đời còn lại, trừ khi sau đó đứa trẻ lựa chọn thay đổi nó một cách có ý thức sang vị thế thứ tư. Người ta không chuyển đổi tới lui giữa các vị thế này. Quyết định nằm ở đâu trong ba vị thế đầu tiên hoàn toàn dựa trên tương tác kích thích – sự vỗ về và không vỗ về (về thể lý và tâm lý). Ba vị thế đầu tiên là những quyết định không lời. Chúng là những kết luận, không phải những lời lý giải. Tuy vậy, chúng là cái gì đó hơn hẳn các phản ứng có điều kiện. Chúng là những gì mà Piaget gọi là những sự lý giải bằng trí tuệ về sự cấu thành của tính nhân quả. Nói một cách khác, chúng là sản phẩm từ quá trình xử lý dữ liệu của Cái Tôi Người Lớn ở trong một đứa trẻ.
TÔI KHÔNG ỔN - BẠN ỔN
Đây là vị thế phổ biến trong giai đoạn đầu thời thơ ấu, là kết luận hợp lý của trẻ sơ sinh lúc chào đời và ở tuổi nhũ nhi. Trong vị thế này vẫn có cảm giác ỔN, bởi vì có sự vỗ về. Hầu như mọi đứa trẻ đều được vỗ về trong năm đầu tiên, đơn giản bởi thực tế là nó phải được ẵm bồng, được chăm sóc. Không có những xúc chạm tối thiểu, đứa trẻ sẽ không thể sống sót. Đồng thời đứa trẻ cũng có cảm giác KHÔNG ỔN. Đó là kết luận của nó về chính mình. Tôi tin bằng chứng cho thấy có sự tích lũy quá nhiều các cảm giác KHÔNG ỔN ở đứa trẻ, tạo nên kết luận hợp lý (dựa trên cơ sở bằng chứng nó có được) rằng nó KHÔNG ỔN. Trong quá trình giải thích thuyết Phân tích Tương giao cho các bệnh nhân lẫn những người không phải bệnh nhân, tôi nhận thấy mọi người thường có phản ứng “Chính là như vậy!” với sự lý giải về nguồn gốc và sự tồn tại của Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Tôi tin rằng việc thừa nhận sự hiện hữu của Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN trong mỗi chúng ta là sự cảm thông duy nhất, vì vậy mà mang tính chữa lành và giúp mọi “trò chơi” có thể được phân tích. Xét tính phổ biến của các trò chơi, thì tính phổ biến của vị thế TÔI KHÔNG ỔN là một kết quả hợp lý. Sự phân ly của Adler24 khỏi Freud bắt đầu ở chỗ ông tin rằng: tính dục không phải là căn cơ của những đau khổ trong cuộc sống con người, mà chính các cảm giác tự ti hay cảm giác KHÔNG ỔN xuất hiện phổ biến ở mọi người mới là nguồn gốc. Ông cho rằng đứa trẻ – vì vóc dáng nhỏ bé và sự vô lực của nó – chắc chắn đã tự coi mình là thấp kém hơn so với những người lớn trong môi trường xung quanh. Harry Stack Sullivan25 chịu ảnh hưởng rất lớn từ Adler, và tôi thì chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Sullivan, người mà tôi đã theo học trong năm năm trước khi ông qua đời. Sullivan, người có đóng góp quan trọng cho tư tưởng phân tâm bằng khái niệm “các mối quan hệ liên cá nhân”, hay các tương giao, cho rằng đứa trẻ đã xây dựng đánh giá về bản thân dựa trên đánh giá của những người khác, điều mà ông gọi là “những đánh giá phản chiếu”. Ông nói:
Đứa trẻ thiếu công cụ và kinh nghiệm cần thiết để vẽ nên một hình ảnh chính xác về bản thân nó, do đó sự hướng dẫn duy nhất mà đứa trẻ có được là các phản ứng của những người khác với nó. Có rất ít lý do để nó chất vấn những đánh giá ấy, và trong mọi trường hợp nó hoàn toàn bất lực trong việc thách thức hay nổi dậy chống lại chúng. Nó chấp nhận một cách thụ động các phán xét, thứ vốn được truyền đạt một cách đầy cảm thông lúc đầu, bằng các ngôn từ, các cử chỉ điệu bộ và các hành vi trong giai đoạn này… do vậy những quan điểm về bản thân mà một cá nhân học được trong giai đoạn đầu đời sẽ được cá nhân mang theo suốt đời, với một vài trường hợp ngoại lệ do ảnh hưởng của những hoàn cảnh môi trường đặc biệt và sự biến đổi thông qua các trải nghiệm sau này26.
24 Alfred W. Adler (07/02/1870 – 28/05/1937): bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân.
25 Harry Stack Sullivan (21/02/1892 – 14/01/1949): nhà trị liệu tâm lý theo học thuyết Freud kiểu mới, nhà phân tâm học người Mỹ.
26 Từ G. S. Blum, Psychoanalytic Theories of Personality (New York: McGrawHill, 1953), trang 73- 74.
Ở vị thế đầu tiên, cá nhân cảm thấy mình dưới trướng những người khác. Cá nhân cảm thấy một nhu cầu to lớn được vỗ về hay được công nhận, vốn là một phiên bản tâm lý của trải nghiệm vỗ về thể lý trong giai đoạn đầu đời. Trong vị thế này, cá nhân có hy vọng bởi vì vẫn tồn tại một nguồn cung sự vỗ về – từ vị thế BẠN ỔN – ngay cả khi sự vỗ về không ổn định. Cái Tôi Người Lớn có việc phải làm: Tôi phải làm gì để có được sự vỗ về – hay sự chấp thuận – của người khác? Có hai cách mà người ta có thể nỗ lực để sống sót ở vị thế này.
Đầu tiên là sống theo một kịch bản cuộc sống27 xác nhận vị thế KHÔNG ỔN của bản thân. Kịch bản này được chấp bút một cách vô thức bởi Cái Tôi Trẻ Em. Kịch bản có thể vẽ ra một cuộc sống thu rút, vì quá đau đớn và tổn thương khi ở cùng với những người ỔN. Những người này có thể tìm kiếm vỗ về thông qua sự giả vờ và họ sống một đời sống đầy mong ước giả định như “nếu tôi…” và “khi tôi…”. Một kịch bản khác nữa là người này có thể kêu gọi những hành vi khiêu khích đến mức người khác phải bật lại anh ta (tương tác kích thích tiêu cực), nhờ đó chứng minh vị thế TÔI KHÔNG ỔN một lần nữa. Đây là trường hợp của những “cậu bé hư hỏng” - Các người nói tôi hư hỏng, vậy tôi sẽ hư hỏng cho xem! Anh ta có thể có những hành vi bất ổn, quá khích trong suốt cuộc đời và nhờ thế đạt thành một sự toàn vẹn dối lừa với ít nhất một hằng số mà anh ta có thể tin tưởng: TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN. Trong kịch bản này, có một cảm giác khốn khổ là tính toàn vẹn trong vị thế của người đó được giữ vững nhưng lại dẫn đến một cảm giác tuyệt vọng về bản thân. Giải pháp sau cùng của vị thế này là bỏ cuộc (rồi sống trong các cơ sở từ thiện) hoặc tự sát.
27 Phân tích kịch bản (Script Analysis) là phương pháp khám phá ra những quyết định đầu đời việc cuộc đời nên được sống theo cách nào. Các quyết định này được hình thành trong vô thức. Những tham khảo của tôi về kịch bản và kịch bản đối lập đều mang tính phổ thông. Những nghiên cứu rốt ráo về căn nguyên và phân tích kịch bản đang được tiến hành bởi các nhà Phân tích Tương giao, đáng kể đến là Berne, Ernst, Groder, Karpman và Steiner.
Một cách thức phổ biến hơn để sống trong vị thế này là sống bằng một kịch bản đối lập (cũng trong vô thức), với những lời thoại vay mượn từ Cái Tôi Cha Mẹ: Bạn có thể trở nên ỔN, nếu bạn… Những người như thế sẽ tìm kiếm bạn bè và những người cộng sự có Cái Tôi Cha Mẹ lớn vì anh ta cần những sự vỗ về lớn hơn, và với người có Cái Tôi Cha Mẹ càng lớn thì sự vỗ về sẽ càng lớn (những sự vỗ về ỔN chỉ có thể đến từ những người ỔN và từ những Cái Tôi Cha Mẹ ỔN, như từ đầu đã như thế). Người này sẽ háo hức, quyết tâm phục tùng các mệnh lệnh của người khác. Họ cố biến mình trở thành “một trong những người tuyệt vời nhất của chúng ta”, và những nỗ lực đó là để đạt được sự chấp nhận. Tuy vậy, họ bị giam cầm trong một cuộc sống không ngừng leo thang, khi họ đạt tới một đỉnh núi thì họ lại đối mặt với một ngọn núi tiếp theo. Phần KHÔNG ỔN viết kịch bản; phần BẠN ỔN (và phần “tôi muốn được như bạn”) viết kịch bản đối lập. Tuy nhiên, cách này không thể tạo ra hạnh phúc hay ý nghĩa có giá trị lâu dài, bởi vì vị thế sống của họ vẫn không thay đổi. “Bất kể tôi làm gì, tôi vẫn là kẻ KHÔNG ỔN.”
Một khi vị thế được hiểu rõ ràng và được thay đổi, những thành tựu và các kỹ năng có được từ kịch bản đối lập có thể phục vụ rất tốt cho một cá nhân khi anh ta dùng Cái Tôi Người Lớn để xây dựng một kế hoạch cuộc đời mới và có ý thức.
TÔI KHÔNG ỔN - BẠN KHÔNG ỔN
Nếu ban đầu mọi đứa trẻ sống sót qua giai đoạn ẵm ngửa đều có kết luận rằng TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN, thì điều gì xảy ra đã tạo nên vị thế thứ hai – tôi không ổn và bạn cũng không. Điều gì đã xảy ra với kết luận BẠN ỔN ban đầu? Điều gì đã xảy ra với nguồn cung của sự vỗ về?
Vào cuối năm đầu tiên, một sự kiện quan trọng đã xảy đến với đứa trẻ. Nó bước đi. Nó không còn được ẵm bồng. Nếu mẹ đứa trẻ bắt đầu trở nên lạnh lùng và không vỗ về nó nữa, nếu bà chỉ ẵm bồng nó trong năm đầu đời vì bà buộc phải làm thế, thì việc đứa trẻ học được cách bước đi sẽ đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày thơ ấu của nó. Sự vỗ về chấm dứt hoàn toàn. Thêm nữa, các hình phạt trở nên khắt khe hơn và thường xuyên hơn khi đứa trẻ có khả năng trèo ra khỏi cũi, khi nó phá phách mọi thứ và không chịu ở yên một chỗ. Thậm chí những đau đớn tự gây ra cho bản thân cũng xảy ra thường xuyên hơn, bởi khả năng di chuyển có thể khiến nó vấp phải các chướng ngại vật và lăn xuống cầu thang.
Cuộc sống trong năm đầu đời có khá nhiều sự thoải mái, giờ thì không. Sự vỗ về đã biến mất. Nếu trạng thái bị bỏ mặc và nhiều trở ngại này tiếp diễn mà không có sự cứu viện trong năm thứ hai, đứa trẻ sẽ đi đến kết luận TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Trong vị thế này, Cái Tôi Người Lớn ngừng phát triển bởi lẽ một trong các chức năng chính yếu của nó – nhận những sự vỗ về – đã bị ngăn trở, vì không còn nguồn vỗ về nữa. Người ở vào vị thế này thường quyết định bỏ cuộc. Chẳng còn hy vọng gì cả. Anh ta chỉ đơn giản lê lết cho qua ngày đoạn tháng và sau cùng có thể vào viện tâm thần trong trạng thái cực kỳ thu rút, với hành vi thoái lui vốn phản ánh một khao khát mơ hồ, xưa cũ là muốn quay trở lại cuộc sống của năm đầu đời, thời điểm anh nhận được sự vỗ về duy nhất anh từng biết – một đứa trẻ sơ sinh được ôm ấp và cho ăn.
Thật khó mà tưởng tượng một ai đó sống cả cuộc đời mà chưa từng được vỗ về. Ngay cả với trường hợp một người mẹ không chịu vỗ về con thì hầu như chắc chắn sẽ xuất hiện những người khác có khả năng chăm sóc cho đứa con ở vị thế này, và thực tế, người đó sẽ vỗ về đứa trẻ. Tuy nhiên, một khi một vị thế được quyết định, tất cả trải nghiệm sẽ được diễn giải có chọn lọc để củng cố vị thế ấy. Nếu một cá nhân kết luận BẠN KHÔNG ỔN, điều đó sẽ được áp dụng với tất cả những người khác, và anh ta sẽ khước từ sự vỗ về của họ, dù cho sự vỗ về đó có thể rất chân thành. Ngay từ đầu cá nhân đó đã tìm ra một số tiêu chuẩn đánh giá tính toàn vẹn hay ý nghĩa trong kết luận đầu đời của mình; vì vậy các kinh nghiệm mới không dễ gì phá vỡ nó được. Đây là bản chất tất định của các vị thế. Cá nhân ở trong vị thế này cũng ngừng sử dụng Cái Tôi Người Lớn trong các tương giao với những người khác. Do đó, ngay cả trong quá trình điều trị cũng khó lòng chạm tới Cái Tôi Người Lớn của anh ta, nhất là với thực tế nhà trị liệu cũng được xếp vào nhóm BẠN KHÔNG ỔN.
Có một trường hợp mà ở đó TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN có thể là vị thế ban đầu, thay vì là vị thế thứ phát từ vị thế đầu tiên. Đó là trường hợp của đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Đứa trẻ tự kỷ không có sự ra đời về mặt tâm lý. Chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh bộc lộ như sự phản ứng của cơ thể non nớt với sự căng thẳng thảm khốc từ thế giới bên ngoài, mà ở đó không bất kỳ sự vỗ về nào chạm được tới đứa trẻ. Trẻ tự kỷ là đứa trẻ mà trong những tuần lễ quan trọng đầu đời không hề cảm nhận được sự cứu nguy nào sau khoảnh khắc bị tống ra khỏi bụng mẹ. Như thể sau trải nghiệm bị ném một cách thê thảm vào cuộc đời, đứa trẻ nhận thấy “không có ai ở quanh đây hết”.
Schopler28 kết luận rằng có một yếu tố thể lý kết hợp với việc thiếu sự vỗ về đã tạo ra một đứa trẻ tự kỷ. Yếu tố này được cho là một hàng rào ngăn cản các kích thích, khiến cho đứa trẻ dù đã được trao sự vỗ về song nó không hề ghi nhận. Đứa trẻ có thể không hoàn toàn bị tước đi sự vỗ về, nhưng nó có thể đã bị tước đi khả năng cảm nhận điều đó, hay khả năng tích lũy cảm giác được vỗ về. Khi đó, đứa trẻ sơ sinh ấy được cha mẹ nhìn nhận như một đứa trẻ không đáp ứng (nó không thích được ẵm bồng, nó chỉ nằm đó, nó khác người), và rồi ngay cả sự vỗ về vốn được cha mẹ trao đi cũng dần bị thu lại, vì “nó có vẻ không thích được ẵm bồng”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự vỗ về mạnh mẽ (nhiều hơn mức thông thường) có thể giúp trẻ vượt qua hàng rào ngăn cản kích thích đó.
28 E. Schopler, trong cuốn Early Infantile Autism and Receptor Processes, Archives of General Psychiatry, Vol. 13 (tháng Mười năm 1965).
TÔI ỔN - BẠN KHÔNG ỔN
Một đứa trẻ ban đầu cảm thấy ỔN, song nếu bị cha mẹ bạo hành đủ lâu, nó sẽ chuyển đổi sang vị thế thứ ba, hay còn gọi là vị thế của kẻ phạm tội: TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Vẫn tồn tại cảm giác ỔN ở bản thân, nhưng cảm giác này bắt nguồn từ đâu? Nếu BẠN KHÔNG ỔN thì đâu là nguồn của sự vỗ về?
Đây là một câu hỏi khó, xét đến việc vị thế sống được quyết định trong năm thứ hai hay năm thứ ba đầu đời. Nếu một đứa trẻ hai tuổi kết luận TÔI ỔN, phải chăng điều này có nghĩa là cảm giác ỔN của nó là sản phẩm của sự “tự vỗ về” (self-stroking), và nếu thật vậy, làm thế nào một đứa trẻ tự vỗ về chính mình?
Tôi tin rằng sự tự vỗ về này là thực tế xảy ra trong khoảng thời gian mà một đứa trẻ đang phục hồi từ những tổn thương nghiêm trọng và đau đớn – thứ xảy ra với những đứa trẻ về sau sẽ được biết đến như là “đứa trẻ bị hành hung29”. Đó là đứa trẻ bị đánh đập ác liệt đến mức gãy xương và tróc từng mảng da. Bất cứ ai đã từng bị gãy xương hay bị những vết bầm tím nặng nề đều hiểu nỗi đau đớn này. Điều thường thấy ở những “đứa trẻ bị hành hung” là những vết thương đau đớn đến cực độ, như gãy xương sườn, vỡ thận và nứt sọ. Một đứa trẻ mới chập chững biết đi cảm giác thế nào về cơn đau quằn quại trong từng hơi thở vì những chiếc xương sườn gãy hay về cơn đau đầu dữ dội do xuất huyết trong dịch não tủy chứ? Mỗi giờ có năm đứa trẻ sơ sinh trên đất nước này phải chịu những tổn thương kiểu này, gây ra bởi chính bàn tay của cha mẹ chúng.
29 Nguyên văn: battered child, đây là thuật ngữ do bác sĩ nhi khoa người Mỹ gốc Đức Charles Henry Kempe (1922 – 1984) đặt ra năm 1962. Hội chứng này chỉ tình trạng phức tạp về thể chất và tâm lý của một đứa trẻ chịu tổn thương liên tục do bị bạo hành nghiêm trọng.
Tôi tin rằng trong lúc đứa bé đang tự chữa lành, hiểu theo nghĩa “nằm liếm láp những vết thương của nó”, thì nó đang trải nghiệm một cảm giác cô độc thoải mái riêng mình, không vì lý do nào khác hơn là nó muốn tạo ra sự cải thiện đối lập với tổn thương thô bạo mà nó vừa trải qua. Như thể nó có cảm tưởng rằng “tôi sẽ ổn nếu bạn để tôi một mình”. TÔI ỔN với chính mình. Khi người cha người mẹ bạo hành xuất hiện trở lại, đứa trẻ có thể sẽ co mình lại một cách kinh hãi vì biết rằng cơn bạo hành sẽ xảy ra lần nữa. Bạn làm tôi đau! Bạn KHÔNG ỔN! TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN. Quá khứ đầu đời của những tội phạm tâm thần, những người ở vị thế sống này, tiết lộ rằng họ từng trải qua kiểu bạo hành thể xác thô bạo này.
Một đứa bé như thế đã trải nghiệm sự bạo hành, ngược đãi, nhưng nó đồng thời đã có trải nghiệm sống còn. Những gì đã xảy ra có thể xảy ra một lần nữa. Nhưng tôi vẫn sống sót. Tôi sẽ sống sót. Đứa trẻ từ chối việc bỏ cuộc. Khi lớn lên, nó bắt đầu tấn công đáp trả. Nó đã nhìn thấy sự cứng rắn và biết cách trở nên cứng rắn. Nó cũng được sự cho phép (trong Cái Tôi Cha Mẹ) để trở nên cứng rắn và độc ác. Lòng hận thù đã được nung nấu trong lòng nó mặc dù nó có thể học cách che giấu bằng lớp mặt nạ của sự lịch thiệp chừng mực. Caryl Chessman30 đã nói: “Không có điều gì chống đỡ cho bạn được như sự căm ghét; bất kỳ điều gì cũng tốt hơn là sợ hãi”.
30 Caryl Whittier Chessman (1921 – 1960): Chessman nổi tiếng với biệt danh tử tù sống lâu nhất thế giới. Chessman bị kết tội tử hình vì tội cướp có vũ trang, bắt cóc và cưỡng hiếp trong vụ án “kẻ cướp đèn đỏ”. Tử tù này đã kêu oan và kháng án suốt 12 năm cho đến khi bị tử hình vào năm 1960. Bản án tử hình của Chessman thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và Chessman được đông đảo quần chúng ủng hộ khi các chứng cớ được tìm thấy sau này cho thấy hung thủ có thể là một người khác. Trong 12 năm kêu oan, Chessman đã viết 4 cuốn sách.
Đối với đứa trẻ này, vị thế TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN là một quyết định cứu vớt cuộc đời. Bi kịch cho chính đứa trẻ và cho xã hội là nó trải qua hết cuộc đời với sự khước từ nhìn vào nội tâm của mình. Nó không thể khách quan về sự “đồng lõa” của chính nó trong những gì đã xảy đến với bản thân. Luôn luôn là “lỗi của họ”. Tất cả là “do họ”. Những tội phạm không biết hối cải đều ở vị thế này. Họ là những kẻ “không có lương tâm” mà vẫn tin chắc rằng bản thân ỔN bất chấp những gì họ làm, và rằng trong mọi tình huống tất cả lỗi lầm đều nằm ở những người khác. Tình trạng này, thứ từng có lúc được gọi là “mù luân lý”, thực tế diễn ra khi một cá nhân loại bỏ bất kỳ dữ liệu đầu vào nào cho thấy ai đó là ỔN. Do vậy mà việc điều trị là hết sức khó khăn, bởi với họ, nhà trị liệu cũng KHÔNG ỔN như hết thảy những người khác. Biểu hiện tột cùng của vị thế này là hành động giết người, hành động mà kẻ sát nhân cảm nhận như là công lý (cùng một cách như anh ta cảm nhận được công lý khi tiếp nhận vị thế này lúc đầu).
Cá nhân ở trong vị thế TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN chịu đựng sự tước đoạt cảm giác vỗ về. Một sự vỗ về chỉ tốt ngang bằng với người vỗ về. Và vì không có người được cho là ỔN, nên chẳng có sự vỗ về nào là ỔN. Một cá nhân như thế có thể tập hợp được một “đoàn tùy tùng” những người “dạ vâng” luôn tung hô và vỗ về anh ta hết mình. Tuy nhiên anh ta biết đó không phải là những vỗ về thật lòng bởi anh ta đã tự sắp đặt chúng, tương tự cách mà anh ta đã tạo ra sự tự vỗ về trong tình huống ban đầu. Họ càng tung hô, khen ngợi anh ta, thì họ càng trở nên hèn hạ, cho tới sau cùng anh ta khước từ họ để tiếp nhận một nhóm những người xu nịnh mới. “Hãy đến gần tôi, để tôi cho bạn có được nó” là một bản ghi cũ. Đó là cách mọi thứ diễn ra ngay từ đầu.
TÔI ỔN - BẠN ỔN
Vị thế sống thứ tư là vị thế chứa hy vọng của chúng ta. Đó là vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN. Có một sự khác biệt về định tính giữa ba vị thế đầu và vị thế thứ tư. Ba vị thế đầu mang tính vô thức và được tạo ra trong những năm đầu đời. TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN xuất hiện đầu tiên và đi theo hầu hết mọi người trong suốt cuộc đời. Đối với một số đứa trẻ đặc biệt kém may mắn, vị thế này bị chuyển đổi sang vị thế thứ hai và thứ ba. Với mỗi cá nhân, đến năm thứ ba của cuộc đời thì một trong ba vị thế này được xác lập cố định. Sự quyết định vị thế có lẽ là một trong những chức năng đầu tiên của Cái Tôi Người Lớn ở đứa trẻ sơ sinh trong nỗ lực tìm ý nghĩa cho cuộc đời, từ đó, một sự đo lường mang tính dự đoán có thể được áp dụng để xử lý những hỗn loạn của các kích thích và cảm giác. Những vị thế này được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu từ Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em. Chúng được dựa trên cảm xúc hay các ấn tượng mà không có sự trợ giúp gì từ dữ liệu đang thay đổi bên ngoài.
Vị thế thứ tư, TÔI ỔN – BẠN ỔN, là một quyết định có ý thức và bằng lời, nên có thể bao gồm không chỉ một lượng thông tin khổng lồ về cá nhân và những người khác, mà còn là sự hợp nhất của các khả năng chưa được trải nghiệm vốn tồn tại trong sự trừu tượng của triết học và tôn giáo. Ba vị thế đầu dựa trên các cảm nhận. Vị thế thứ tư dựa trên tư duy, đức tin và sự đánh cược của hành động. Ba vị thế đầu phải làm việc với câu hỏi “tại sao?”. Vị thế thứ tư phải làm việc với câu hỏi “tại sao không?”. Sự hiểu biết của chúng ta về cảm giác ỔN không ràng buộc với các trải nghiệm cá nhân của riêng ta, vì chúng ta có thể khiến chúng siêu việt hơn, trở thành một quan điểm trừu tượng về mục đích tối hậu cho tất thảy con người.
Chúng ta không tình cờ bị cuốn vào một vị thế mới. Đó là điều được chúng ta quyết định. Xét về mặt này, nó giống như một trải nghiệm chuyển đổi. Chúng ta không thể quyết định ở vào vị thế thứ tư mà không có một lượng lớn thông tin nhiều hơn hầu hết mọi người có về những hoàn cảnh xung quanh các vị thế ban đầu, vốn đã được quyết định rất sớm trong đời. May mắn là có những đứa trẻ được giúp đỡ từ những năm đầu đời để nhận thấy rằng chúng ỔN – bằng cách tiếp xúc lặp đi lặp lại với các tình huống mà trong đó chúng có thể tự chứng minh giá trị bản thân và giá trị của những người khác.
Thật không may, vị thế phổ biến nhất được nhận thấy ở cả những người “thành công” lẫn “không thành công” là vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN. Cách thức phổ biến nhất để ứng phó với vị thế này là tham gia vào các trò chơi.
Berne định nghĩa một trò chơi là
… một chuỗi diễn tiến các tương giao kín đáo mang tính bù trừ đang tiến triển tới một kết quả được xác định rõ ràng, có thể dự đoán được. Một cách sinh động thì nó là sự tái diễn một loạt các tương giao, thường lặp đi lặp lại với một động cơ ẩn giấu dưới bề ngoài có vẻ hợp lý; hoặc, một cách thông tục hơn, là một chuỗi các hành động với một mưu chước, hay một “mánh lới” nào đó31.
31 E. Berne, trong cuốn Games People Play (New York: Grove Press, 1964), trang 48.
Tôi tin tất cả các trò chơi đều có nguồn gốc từ những trò chơi đơn giản thời ấu thơ, dễ dàng quan sát được trong bất kỳ nhóm trẻ ba tuổi nào: “Của tôi tốt hơn của bạn”. Trò chơi này được chơi nhằm mang lại một khoảnh khắc ngắn ngủi giảm tải được gánh nặng đáng sợ của cảm giác KHÔNG ỔN. Cần hết sức lưu ý vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN có ý nghĩa như thế nào đối với đứa trẻ ba tuổi. TÔI KHÔNG ỔN có nghĩa là: Tôi cao sáu tấc, tôi bất lực, tôi không có khả năng tự vệ, tôi vấy bẩn, tôi chẳng làm được gì đúng đắn, tôi vụng về và tôi không có từ ngữ nào để khiến bạn hiểu được cảm giác đó ra sao. BẠN ỔN có nghĩa là: Bạn cao một mét tám, bạn mạnh mẽ, bạn luôn luôn đúng, bạn có mọi câu trả lời, bạn thông minh, bạn có quyền kiểm soát cuộc sống hay cái chết của tôi, và bạn có thể đánh và làm tổn thương tôi, và điều đó vẫn ỔN.
Bất kỳ sự giảm nhẹ nào đối với tình trạng bất công này đều được đứa trẻ hân hoan chào đón. Một phần kem lớn hơn, xô đẩy để chen lên vị trí xếp hàng đầu tiên, cười mỉa mai lỗi lầm của chị gái, đánh đứa em trai, đá con mèo, đòi nhiều đồ chơi hơn… tất cả đều mang đến cảm giác giảm tải nhất thời, mặc dù đến một lúc nào đó sẽ trở thành những kiểu tai họa khác như bị đánh, bị đứa em nhỏ đá, bị con mèo cào, hay phát hiện ai đó có nhiều đồ chơi hơn mình.
Những người lớn theo đuổi các biến thể tinh vi hơn của trò chơi “Của tôi tốt hơn của bạn”. Một số người đạt được sự giảm tải nhất thời bằng cách tích lũy của cải, bằng cách sống trong một ngôi nhà lớn hơn, đẹp hơn, hoặc thậm chí là theo đuổi sự giản dị: Tôi khiêm tốn hơn bạn. Tất cả những động thái này, dựa trên điều Adler gọi là “các chỉ dẫn hư cấu”, có thể cung cấp một sự giảm nhẹ dễ chịu mặc dù đến một lúc nào đó chúng có thể trở thành một thảm họa dưới hình thức của gánh nặng vay nợ thế chấp hay các hóa đơn tốn kém, khiến người đó sống một cuộc sống khốn khổ triền miên. Trong Chương 7, các trò chơi được lý giải một cách chi tiết như một “giải pháp” gây ra đau khổ, thứ sẽ kết hợp với sự đau khổ ban đầu và xác nhận cảm giác KHÔNG ỔN.
Mục đích của quyển sách này là chứng minh rằng cách duy nhất mọi người bình phục hay trở nên ỔN là bộc lộ tình trạng khó chịu đã từng trải qua trong thời thơ ấu ẩn bên dưới ba vị thế sống đầu tiên và chứng minh được các hành vi trong hiện tại củng cố cho các vị thế sống như thế nào.
Sau cùng, điều cần hiểu là TÔI ỔN – BẠN ỔN là một vị thế, không phải một cảm giác. Các bản ghi cảm giác KHÔNG ỔN trong Cái Tôi Trẻ Em không bị xóa đi bằng một quyết định trong hiện tại. Nhiệm vụ cần thiết là làm sao để bắt đầu một bộ sưu tập các bản ghi mà sẽ phát ra các kết quả ỔN đến các tương giao, một bộ sưu tập các thành công trong việc ước lượng xác suất chính xác, các thành công liên quan đến những hành động có hệ thống, có ý nghĩa – những thứ được lập trình bởi Cái Tôi Người Lớn chứ không phải bởi Cái Tôi Cha Mẹ hay Cái Tôi Trẻ Em, và cả các thành công dựa trên một chuẩn mực đạo đức có thể được củng cố một cách hợp lý. Một người đã sống nhiều năm bằng các quyết định của một Cái Tôi Người Lớn được giải phóng sẽ có một bộ sưu tập lớn các kinh nghiệm như thế trong quá khứ và có thể nói một cách chắc chắn rằng “Tôi biết điều này hiệu quả”. Nguyên nhân vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN hoạt động hiệu quả là bởi nó không mong đợi một niềm vui chốc lát hay sự bình yên nhất thời.
Một ngày nọ, một thành viên trong nhóm trị liệu của tôi, một người trẻ vừa mới ly hôn, đã phàn nàn một cách giận dữ: “Ông và cái sự ỔN chết tiệt của ông! Tối qua tôi đã đến một bữa tiệc và tôi đã quyết định sẽ thân thiện hết sức có thể, và tôi đã quyết định mọi người khác ở đó đều ỔN. Và tôi đi đến gặp một người phụ nữ tôi quen và nói rằng ‘Sao thỉnh thoảng cô không ghé qua và uống cà phê với tôi nhỉ?’, và cô ta làm tôi bẽ mặt thế này: ‘Ồ vâng, tôi muốn lắm, nhưng anh biết đấy, mọi người không có thời gian để ngồi uống cà phê và nói chuyện phiếm cả ngày như anh đâu’. Mấy thứ ông nói đều vô nghĩa… vô dụng!”.
Các cơn dông tố mang tính cá nhân hay xã hội sẽ không giảm xuống ngay lập tức khi chúng ta thừa nhận một vị thế mới. Cái Tôi Trẻ Em muốn những kết quả tức thì – như cà phê hòa tan, bánh quế trong ba mươi giây và giảm nhẹ chứng khó tiêu ngay tức khắc. Cái Tôi Người Lớn có thể hiểu rằng sự kiên nhẫn và niềm tin là yếu tố cần thiết. Chúng ta không thể đảm bảo cảm giác ỔN tức thì bằng việc khoác vào mình vị thế TÔI ỔN – BẠN ỔN. Chúng ta phải nhạy cảm với sự hiện diện của các bản ghi cũ; nhưng ta có thể lựa chọn tắt chúng đi mỗi khi chúng được phát lại theo cách phá hoại niềm tin chúng ta có trong cách sống mới, cách sống mà theo thời gian sẽ mang đến những kết quả mới và hạnh phúc mới. Cái Tôi Người Lớn cũng có thể nhận diện các phản ứng của Cái Tôi Trẻ Em ở những người khác và có thể lựa chọn không phản ứng lại bằng Cái Tôi Trẻ Em của mình.
Sự thay đổi mà điều này đòi hỏi, và làm thế nào có thể thay đổi, sẽ được minh họa trong chương tiếp theo.