Lòng khát khao sự thật không thể cất tiếng trước những câu trả lời mang nặng thẩm quyền không thể bác bỏ.
– Paul Tillich
Từ giai đoạn đầu trong quá trình phát triển học thuyết Phân tích Tương giao, Berne đã quan sát thấy rằng khi bạn nhìn và nghe một ai đó, bạn có thể nhận thấy họ thay đổi ngay trước mắt mình. Nó là một sự thay đổi toàn diện. Có nhiều thay đổi xảy ra cùng lúc trong nét mặt, ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ và chuyển động cơ thể, những điều có thể khiến gương mặt ửng hồng, tim đập mạnh hoặc hơi thở trở nên gấp gáp.
Chúng ta có thể quan sát những thay đổi đột ngột này ở mọi người: Một bé trai khóc òa lên khi không thể làm cho món đồ chơi hoạt động, một thiếu nữ mới lớn với vẻ mặt thiểu não bỗng tràn ngập niềm vui khi chiếc điện thoại cuối cùng cũng đổ chuông, một người đàn ông mặt mày tái nhợt và run lẩy bẩy khi nhận được tin một vụ làm ăn nữa của anh vừa thất bại, một người cha có vẻ mặt “hóa đá” khi cậu con trai bất đồng với ông. Cá nhân có những kiểu biến đổi đó vẫn là cùng một người, hiểu theo nghĩa có cùng cấu trúc xương, da và đang mặc cùng bộ quần áo. Thế thì điều gì thay đổi bên trong họ? Họ thay đổi từ cái gì sang cái gì?
Đây là câu hỏi đã cuốn hút Berne trong giai đoạn đầu phát triển học thuyết Phân tích Tương giao. Một bệnh nhân của Berne là luật sư, đã 35 tuổi, nói rằng “Tôi không thực sự là một luật sư, tôi chỉ là một đứa trẻ thôi”. Trong thực tế, bên ngoài phòng trị liệu anh là một luật sư thành đạt, nhưng trong lúc điều trị anh tri giác và hành xử như một đứa trẻ. Đôi khi trong giờ trị liệu, anh ta hỏi: “Ông đang nói chuyện với một luật sư hay với một đứa trẻ?”. Cả Berne và bệnh nhân của ông đều bị hấp dẫn bởi ý tưởng về sự tồn tại và xuất hiện của hai con người có thật này – hay nói cách khác là hai trạng thái hiện hữu này – và bắt đầu trò chuyện với nhau về chúng như “Người lớn” và “Trẻ em”. Quá trình trị liệu đặt trọng tâm xoay quanh việc tách biệt hai trạng thái. Về sau, một trạng thái khác bắt đầu hiện diện rõ, là một trạng thái riêng biệt khác hẳn với hai trạng thái “Người lớn” và “Trẻ em”. Nó mang dáng dấp “Cha mẹ” và được nhận diện bởi các hành vi là sự tái diễn những gì bệnh nhân đã nhìn thấy và nghe thấy cha mẹ mình hành xử khi anh còn là một đứa trẻ.
Những sự thay đổi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác được thể hiện thông qua cung cách hành xử, diện mạo, ngôn ngữ và cử chỉ, điệu bộ. Một người phụ nữ 34 tuổi đến gặp tôi nhờ giúp đỡ giải quyết những vấn đề như khó ngủ, lo lắng triền miên về “những gì tôi đang làm với bọn trẻ nhà tôi” và sự nóng nảy ngày càng khó kiểm soát. Trong giờ đồng hồ đầu tiên, cô ấy đột ngột khóc lóc và nói: “Ông khiến tôi cảm thấy mình như đứa trẻ lên ba”. Giọng điệu và cách hành xử của cô ấy cũng giống hệt đứa trẻ. Tôi hỏi cô: “Chuyện gì xảy ra khiến cô cảm thấy mình như một đứa trẻ?”. “Tôi không biết nữa”, cô ấy đáp rồi nói thêm, “tôi bỗng cảm thấy như một kẻ thất bại”. Tôi nói tiếp: “Thôi được rồi, hãy nói về con cái của cô, về gia đình cô. Có thể chúng ta sẽ khám phá ra một số điều gì đó bên trong cô đã tạo ra những cảm giác thất bại và tuyệt vọng ấy”. Ở một thời điểm khác trong phiên điều trị, giọng điệu và cung cách của cô ấy thình lình thay đổi một lần nữa. Cô trở nên khó tính và quyết đoán: “Rốt cuộc thì cha mẹ vẫn có quyền hạn chứ. Con cái cần ở đúng vị trí của chúng”. Chỉ trong vòng một giờ trị liệu, người mẹ này đã chuyển đổi qua ba tính cách khác nhau, mà những tính cách này hoàn toàn khác biệt: một là đứa bé bị thống trị bởi các cảm xúc, một là người mẹ cương trực và một là người phụ nữ đầy lý lẽ, logic, trưởng thành và là mẹ của ba đứa trẻ.
Quá trình quan sát liên tục đã củng cố cho giả định rằng có sự tồn tại của ba trạng thái đó trong tất cả mọi người. Như thể trong mỗi người đều có một đứa trẻ giống như chính họ vào lúc lên ba. Đồng thời, bên trong anh ta cũng tồn tại bậc cha mẹ của riêng mình. Trong não bộ mỗi người đều có những bản ghi về các trải nghiệm có thật của các sự kiện nội tại và ngoại tại, những sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất đã xảy ra trong khoảng năm năm đầu đời. Có một trạng thái thứ ba khác biệt hoàn toàn với hai cái còn lại. Hai trạng thái đầu tiên gọi là Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, và trạng thái thứ ba chính là Cái Tôi Người Lớn (xem hình 1).
Ba trạng thái hiện hữu này không phải là những vai trò mà là những thực tại tâm lý. Berne nói: “Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em không phải những khái niệm giống như Cái Siêu Tôi, Cái Tôi và Cái Nó… mà là những thực tại hiện tượng học15”. Những trạng thái này được tạo thành bởi sự phát lại các bản ghi về các sự kiện trong quá khứ, bao gồm con người thật, thời gian thật, nơi chốn thật, các quyết định và các cảm xúc có thật.
15 E. Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy (New York: Grove Press, 1961), trang 24.
CÁI TÔI CHA MẸ
Cái Tôi Cha Mẹ là một tập hợp các bản ghi lưu trữ trong não bộ về các sự kiện ngoại tại gây ấn tượng mạnh mẽ và không thể ngờ vực của một người trong những năm tháng đầu đời – khoảng năm năm đầu tiên trong đời người. Đây là khoảng thời gian trước giai đoạn “khai sinh xã hội” của một cá nhân, trước khi cá nhân rời khỏi gia đình để đáp ứng những yêu cầu của xã hội và bước chân vào trường học (xem hình 2). “Cái Tôi Cha Mẹ” là cái tên miêu tả chính xác nhất về những dữ liệu này, vì các “băng ghi” quan trọng nhất là những cái được cung cấp bởi các hình mẫu và các tuyên bố của cha mẹ thật của người đó hoặc của những người giám hộ thay thế vai trò cha mẹ. Tất cả những gì đứa trẻ nhìn thấy và nghe được từ cha mẹ sẽ được ghi vào Cái Tôi Cha Mẹ. Mọi người đều có một Cái Tôi Cha Mẹ, trong đó chứa đựng các kích thích ngoại tại mà họ đã trải nghiệm trong những năm tháng đầu đời. Cái Tôi Cha Mẹ ở mỗi người là đặc thù, là bản ghi lại chuỗi kinh nghiệm đầu đời độc đáo của riêng họ.
Dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ được tiếp nhận và ghi lại một cách chân thật, không qua sự biên tập hay chỉnh sửa nào. Hoàn cảnh của một đứa trẻ – sự lệ thuộc vào cha mẹ và sự bất lực trong việc thể hiện các ý nghĩa bằng ngôn từ – đã khiến nó không tài nào thay đổi, chỉnh sửa hay lý giải dữ liệu đầu vào. Do đó, nếu cha mẹ ở trong trạng thái thù địch và không ngừng đối đầu lẫn nhau, thì một cuộc chiến gây cảm giác khiếp hãi đã được ghi lại bên trong đứa trẻ. Dữ liệu này đến từ sự chứng kiến hai người mà đứa trẻ đang lệ thuộc vào luôn lăm le tấn công và hủy diệt đối phương. Không có cách nào để bản ghi này bao hàm thêm sự thật rằng người cha bị nghiện rượu là vì việc làm ăn của ông lụn bại hoặc người mẹ đánh mất sự khôn ngoan cuối cùng của mình do vừa phát hiện bà lại mang thai lần nữa.
Cái Tôi Cha Mẹ ghi lại tất cả những lời la rầy, khiển trách, các phép tắc, luật lệ mà đứa trẻ đã nghe từ cha mẹ mình và thấy cách họ hành xử trong cuộc sống. Chúng bao hàm mọi thứ, từ những sự giao tiếp sớm nhất của cha mẹ – được thể hiện không lời thông qua tông giọng, nét mặt, sự âu yếm và lạnh nhạt – cho tới những luật lệ và sự điều chỉnh bằng lời phức tạp hơn được cha mẹ thể hiện khi đứa trẻ bắt đầu có khả năng hiểu được ngôn từ. Trong chuỗi các bản ghi này là hàng ngàn những điều “không được” mà cha mẹ không ngừng nói với đứa trẻ đang chập chững bước đi, là sự lặp lại dồn dập của lời cảnh báo “đừng”, là những ánh nhìn đau đớn và sợ hãi hiện ra trên gương mặt người mẹ khi sự vụng về của đứa trẻ khiến gia đình xấu hổ.
Tương tự, Cái Tôi Cha Mẹ cũng ghi lại những lời thủ thỉ sướng vui của một người mẹ hạnh phúc và những cái nhìn rạng ngời của người cha trong cảm giác tự hào. Khi xem xét chiếc máy ghi hoạt động không ngừng nghỉ này, chúng ta bắt đầu hiểu thấu đáo lượng dữ liệu khổng lồ chứa đựng trong Cái Tôi Cha Mẹ. Càng về sau, đứa trẻ càng tiếp xúc với những lời tuyên bố phức tạp hơn: “Nhớ đấy con trai, ở bất cứ chỗ nào trên thế giới này mà con ghé qua, con sẽ luôn nhận thấy những con người thánh thiện nhất đều là những người theo hội Giám Lý16 (Methodists)”; “đừng bao giờ nói dối”; “con phải trả những gì con nợ”; “con sẽ bị đánh giá thông qua những người mà con chọn bè bạn với mình”; “con là một đứa trẻ ngoan nếu con biết tự rửa sạch bát đĩa”; “hoang phí là một tội lỗi nguyên thủy”; “con không bao giờ có thể tin tưởng một người đàn ông”; “con không bao giờ có thể tin tưởng một người đàn bà”; “con là kẻ đáng bị nguyền rủa nếu con làm điều này hoặc không làm điều kia”; “con không bao giờ có thể tin tưởng một tay cảnh sát”; “đôi tay làm lụng chăm chỉ là đôi tay hạnh phúc”; “hãy bước lên những nấc thang danh vọng”; “hãy đối xử với người khác theo cách con muốn họ đối xử với mình”; “đừng đối xử với người khác theo cách con không muốn họ đối xử với mình”.
16 Giám Lý là một phong trào tôn giáo bắt nguồn từ cuộc phục hưng tôn giáo do mục sư Anh giáo John Wesley khởi xướng tại Anh quốc vào thế kỷ 18.
Một điểm quan trọng là dù cho những luật lệ ấy là tốt hay xấu dưới ánh sáng đạo đức, thì chúng đều được đứa trẻ ghi lại như chân lý đến từ một nguồn được đảm bảo an toàn – một con người trưởng thành cao lớn mà vào lúc ấy là quan trọng với đứa trẻ, nên nó phải lấy lòng và tuân lệnh. Đó là một bản ghi trường tồn. Người ta không thể dễ dàng xóa bỏ nó. Bản ghi ấy luôn có khả năng phát lại trong suốt cuộc đời.
Sự phát lại này là một ảnh hưởng mạnh mẽ tồn tại suốt đời. Những hình mẫu này – sự ép buộc, sự thúc đẩy, thỉnh thoảng có thể mang tính tùy ý nhưng thường thì có tính giới hạn – được nội tại hóa một cách cứng nhắc như là một tập hợp dữ liệu cần thiết cho sự sống còn của một cá nhân trong môi trường tập thể, bắt đầu từ gia đình và mở rộng dần suốt đời trong một loạt các tương tác nhóm cần thiết cho đời sống. Không có cha mẹ, những người bằng xương bằng thịt, chăm sóc, đứa trẻ sẽ chết. Cái Tôi Cha Mẹ ở bên trong cũng là một người cứu hộ, một người bảo vệ chống lại những nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết vốn được nhận thức qua kinh nghiệm. Trong Cái Tôi Cha Mẹ chứa bản ghi: “Đừng động vào con dao đó!”. Đó là một chỉ thị sấm sét. Mối đe dọa trong mắt đứa trẻ là mẹ nó sẽ đánh đòn nó hoặc sẽ thể hiện sự không bằng lòng. Mối đe dọa lớn hơn là nó có thể cắt vào mình và chảy máu đến chết. Nhưng đứa trẻ không thể nhận thức được quá trình này. Nó không có đủ các dữ liệu cần thiết. Khi đó, sự ghi lại mệnh lệnh của cha mẹ trở thành một sự trợ giúp mang tính sống còn, hiểu theo nghĩa sống còn về thể lý và cả về cảm thức xã hội.
Một đặc điểm khác của Cái Tôi Cha Mẹ là sự trung thực của những bản ghi về sự bất nhất. Cha mẹ nói một đằng mà làm một nẻo. Cha mẹ nói, “Không được nói dối”, song họ vẫn nói dối. Họ nói với con mình rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng điếu thuốc vẫn cháy trên môi họ. Họ tuyên thệ trung thành với đạo đức của tôn giáo mà họ đang theo, song rốt cuộc họ không sống bằng những giá trị ấy. Chất vấn sự bất nhất này là việc không an toàn với một đứa trẻ và vì thế, nó bối rối. Bởi vì những dữ liệu này gây ra sự bối rối và cảm giác sợ hãi, đứa trẻ sẽ tự bảo vệ mình bằng cách tắt chiếc máy ghi.
Chúng ta vẫn nghĩ về Cái Tôi Cha Mẹ như là các bản ghi những tương giao giữa cha và mẹ của đứa trẻ với nhau và những tương giao giữa họ với đứa trẻ. Nhưng sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta xem xét dữ liệu trong các bản ghi của Cái Tôi Cha Mẹ là một cái gì đó giống như bản ghi âm dạng lập thể. Nghĩa là, tồn tại hai rãnh âm mà nếu chúng hài hòa thì khi được tấu cùng nhau sẽ tạo ra một hiệu ứng tuyệt hay. Ngược lại, nếu chúng không hài hòa, hiệu ứng tạo ra sẽ gây khó chịu và các bản ghi ấy sẽ bị đặt qua một bên và hầu như không được phát lại. Đây là điều xảy ra khi Cái Tôi Cha Mẹ chứa đựng những dữ liệu mâu thuẫn nhau. Cái Tôi Cha Mẹ bị dồn nén, hay cực đoan hơn là bị phong tỏa hoàn toàn. Người vợ có thể là một người mẹ “tốt” và người chồng có thể là một người cha “tồi”, hoặc ngược lại. Có nhiều dữ liệu hữu ích được lưu trữ như là kết quả của sự chuyển giao các chất liệu tốt từ cha hoặc mẹ; nhưng kể từ lúc Cái Tôi Cha Mẹ bao hàm cả chất liệu mâu thuẫn và gây cảm giác lo âu từ bậc phụ huynh còn lại, thì Cái Tôi Cha Mẹ tổng thể sẽ trở nên yếu ớt và bị phân mảnh. Dữ liệu kém hài hòa của Cái Tôi Cha Mẹ không được cấp phép để trở thành một sự ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống của một cá nhân.
Một cách khác để mô tả về hiện tượng này là so sánh nó với một phép toán đại số: Số dương nhân với số âm sẽ ra số âm. Không quan trọng số dương đó lớn cỡ nào, hay số âm đó bé ra sao, kết quả sau cùng vẫn ra một giá trị âm – một Cái Tôi Cha Mẹ yếu ớt và bị phân mảnh. Hiệu ứng được tạo ra trong cuộc sống về sau của cá nhân đó có thể là sự mâu thuẫn trong tâm tưởng, sự bất hài hòa và cảm giác tuyệt vọng – bởi người đó không tự do trong việc tra vấn Cái Tôi Cha Mẹ.
Rất nhiều dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ xuất hiện trong đời sống hiện tại thông qua dạng thức “làm-thế-nào-để”: làm thế nào để giũa móng, làm thế nào để trải ga giường, làm thế nào để nấu món súp, làm thế nào để hỉ mũi cho sạch, làm thế nào để cảm ơn người lễ tân cho phải phép, làm thế nào để bắt tay nhau, làm thế nào để giả vờ như không có ai ở nhà, làm thế nào để gấp khăn tắm hay làm thế nào để trang trí cây thông Giáng sinh. Dạng thức làm-thế-nào-để này bao gồm rất nhiều dữ liệu thu nhận được qua việc quan sát cha mẹ. Nó là những dữ liệu cực kỳ hữu ích giúp một đứa trẻ có thể học cách tự xoay xở trong nhiều tình huống. Về sau (khi Cái Tôi Người Lớn trong đứa trẻ ấy trở nên thành thục kỹ năng và tự do tra vấn dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ), những cách làm được học từ nhỏ này có thể được cập nhật và thay thế bởi những cách làm hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự thay đổi của thực tế. Một cá nhân mang theo những sự chỉ dẫn đầu đời với một cường độ mãnh liệt, nghiêm khắc có thể sẽ khó khăn trong việc tra vấn những cách làm cũ, quen thuộc và có thể mang theo chúng thật lâu về sau và phát triển một thái độ cưỡng buộc – “phải làm thế này và không được làm thế khác”.
Người mẹ của một đứa trẻ vị thành niên đã thuật lại câu chuyện về một lời chỉ dẫn của cha mẹ cô, thứ đã chi phối cách cô lo liệu công việc nội trợ trong một thời gian dài. Mẹ của cô từng bảo: “Con đừng bao giờ đặt nón lên trên bàn hay để áo khoác lên giường”. Vì thế trong cuộc đời mình, cô chẳng bao giờ để một chiếc nón nào lên bàn hay đặt một chiếc áo khoác nào trên giường. Thoảng hoặc cô quên mất, hay một trong những đứa con bé bỏng của cô phá vỡ quy tắc này, cô sẽ có một phản ứng thái quá có vẻ không thích hợp với một hành vi vi phạm sự ngăn nắp đơn giản như thế. Cuối cùng, sau vài thập niên sống cùng một quy tắc bất khả chất vấn như vậy, cô đã hỏi mẹ mình (lúc này cũng đã ngoài tám mươi): “Mẹ này, tại sao mẹ không bao giờ đặt nón lên bàn hay đặt áo khoác lên giường thế?”.
Người mẹ đáp rằng khi bà còn nhỏ, có vài đứa trẻ hàng xóm rất hay vào nhà phá phách, và mẹ của bà đã cảnh báo rằng quan trọng là không bao giờ được đặt nón của lũ trẻ hàng xóm lên bàn, cũng không được đặt áo khoác của chúng lên giường. Đủ hợp lý. Tính khẩn cấp của những lời cảnh báo đầu đời là có thể hiểu được. Những phát hiện của Penfield cũng cho rằng việc những bản ghi được hình thành cùng với tính khẩn cấp của tình huống ban đầu là có thể hiểu được. Nhiều luật lệ chúng ta đang tuân theo cũng tương tự như thế.
Một số tác động diễn ra tinh tế hơn. Một người vợ nội trợ hiện đại có đủ mọi tiện nghi tân tiến trong ngôi nhà của mình nhưng lại không có bất kỳ hứng thú nào với việc sắm một chiếc thùng rác động cơ điện có khả năng phân loại và xử lý rác thải. Chồng của cô khuyến khích cô mua một cái, anh chỉ ra mọi lý do mà việc đó có thể giúp đơn giản hóa công việc nội trợ của cô. Cô ấy cũng công nhận sự tiện lợi đó nhưng vẫn đưa ra một cái cớ khác để trì hoãn việc đến cửa hàng thiết bị để chọn mua một cái. Tin chắc rằng cô cố ý né tránh việc tậu chiếc thùng rác ấy về, chồng cô rốt cuộc đã quyết định phải đối chất với cô. Anh khăng khăng yêu cầu cô giải thích lý do.
Một chút ngẫm nghĩ đã giúp cô nhận ra một ấn tượng đầu đời mà cô đã có về rác thải. Những năm tháng tuổi thơ của cô rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế của thập niên 1930. Ở nhà cô, rác thải đều được tận dụng để làm thức ăn nuôi heo làm nguồn thực phẩm chính cho gia đình vào mùa Giáng sinh. Thậm chí chén dĩa ăn xong đều được rửa sạch mà không dùng tới xà phòng, để những chất dinh dưỡng ít ỏi còn sót lại từ bữa ăn vốn đã đạm bạc có thể được giữ lại trong rác thải. Khi còn là một đứa bé, cô đã nhận thức rằng rác thải là rất quan trọng, và khi đã trở thành một phụ nữ trưởng thành, cô cảm thấy thật khó lòng vội vã đi mua một thiết bị xử lý rác hiện đại về để loại bỏ mớ rác trong nhà. (Sau lần đối chất này cô đã sắm một chiếc và sống rất vui vẻ với nó.)
Khi nhận ra rằng có hàng ngàn hàng vạn những nguyên tắc đơn giản trong đời sống như vậy đã được ghi vào não bộ của mỗi người, chúng ta sẽ bắt đầu đánh giá đúng lượng lưu trữ khổng lồ và toàn diện của các dữ liệu mà Cái Tôi Cha Mẹ đã chứa đựng. Rất nhiều chỉ dụ như vậy đã được củng cố vững chắc hơn bằng sự bổ sung tính chất mệnh lệnh như “đừng bao giờ”, “luôn luôn”, “không được quên rằng”, và chúng ta có thể giả định rằng, những đường mòn tế bào thần kinh nhất định được ưu tiên sẽ cung cấp dữ liệu sẵn sàng cho các tương giao trong hiện tại. Các luật lệ này chính là căn nguyên của sự cưỡng ép, châm biếm và tính lập dị xuất hiện trong các hành vi khi lớn lên của một người. Liệu dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ là một gánh nặng hay một ân phúc hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng tương thích với thực tại ra sao, và vào việc chúng có được cập nhật và hiệu chỉnh bởi Cái Tôi Người Lớn hay không – một chức năng mà chúng ta cũng sẽ thảo luận trong chương này.
Có những nguồn khác cung cấp dữ liệu cho Cái Tôi Cha Mẹ chứ không chỉ từ người cha, người mẹ bằng xương bằng thịt. Một đứa bé ba tuổi ngồi trước màn hình tivi đang dành nhiều giờ mỗi ngày để ghi lại những gì nó thấy. Đối với đứa trẻ, các chương trình mà nó xem là những khái niệm “được dạy” về cuộc sống. Nếu đứa trẻ xem các chương trình mang tính bạo lực, tôi tin rằng nó sẽ ghi nhận sự bạo lực vào trong Cái Tôi Cha Mẹ của mình. Nó sẽ ghi nhận rằng đó là cách mọi chuyện diễn ra – “Đó là cuộc sống!”. Và kết luận này là chắc chắn đối với đứa trẻ nếu như cha mẹ nó không thể hiện sự chống đối bằng cách chuyển kênh. Nếu họ cũng thích các chương trình bạo lực, thì những đứa trẻ đã có được sự đồng thuận hai lần – từ tình huống được dựng trong chương trình và từ người thân của nó – và nó sẽ giả định rằng bạo lực được chấp nhận miễn là nó chịu sự bất công ở một mức độ nào đó. Đứa trẻ có thể góp nhặt các lý do của riêng nó để nổ súng vào một nơi nào đó, giống hệt như cảnh sát trưởng đã làm; hình ảnh của những tên trộm về đêm, cảnh chặn cướp giữa đường và cảnh một gã lạ mặt lừa lọc nàng Kitty có thể dễ dàng được khớp vào cuộc sống của đứa trẻ. Phần lớn những gì đứa trẻ được trải nghiệm trong vòng tay của những anh chị ruột lớn hơn hay từ những người có thẩm quyền khác đều được ghi lại trong Cái Tôi Cha Mẹ. Bất kỳ tình huống ngoại tại nào mà trong đó đứa trẻ thấy mình phụ thuộc vào một khuôn khổ mà nó không thể tự do truy vấn hay khám phá dữ liệu tạo thành sẽ đều được lưu trữ vào Cái Tôi Cha Mẹ. (Có một loại kinh nghiệm ngoại tại của đứa trẻ còn rất nhỏ sẽ không được ghi vào Cái Tôi Cha Mẹ, và chúng ta sẽ khám phá nó trong phần mô tả về Cái Tôi Người Lớn.)
CÁI TÔI TRẺ EM
Trong khi các sự kiện ngoại tại đang được ghi lại thành phần dữ liệu mà chúng ta gọi là Cái Tôi Cha Mẹ, thì có một bản ghi khác cũng được thực hiện đồng thời. Đây là bản ghi các sự kiện nội tại, là những hồi đáp của một con người non trẻ với những gì nó nhìn thấy và nghe thấy (xem hình 3). Trong sự kết nối này, ta cần nhớ lại quan sát của Penfield rằng chủ thể sẽ cảm giác lại một lần nữa thứ cảm xúc mà tình huống gốc đã tạo ra trong anh ta, và anh ta nhận thức cùng một cách diễn giải mà anh đã tự gán cho trải nghiệm trong lần đầu tiên nó diễn ra, bất kể diễn giải đó là đúng hay sai. Do vậy, sự hồi tưởng được khơi dậy không phải là sự phát lại chính xác thực tế của hình ảnh hay âm thanh từ quang cảnh, sự kiện trong quá khứ. Nó là sự phát lại của những gì mà đối tượng đã nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và hiểu17.
17 W. Penfield, “Memory Mechanisms”, A.M.A. Archives of Neurology and Psychiatry 67 (1952), trang 178–198.
Chúng ta định nghĩa phần dữ liệu “nhìn, nghe, cảm, hiểu” này là Cái Tôi Trẻ Em. Vì đứa trẻ không có từ ngữ để sử dụng trong khoảng thời gian trải nghiệm đầu đời của mình, nên hầu hết các phản ứng của nó là các cảm xúc. Chúng ta phải luôn xét đến tình trạng của đứa trẻ trong những năm tháng đầu đời này. Nó bé nhỏ, sống lệ thuộc, nó yếu đuối, vụng về và không có vốn từ để xây dựng các ý nghĩa. Emerson đã nói rằng, chúng ta “phải biết cách ước đoán một cái nhìn khó chịu”. Nhưng đứa trẻ không biết cách làm điều này. Một cái nhìn khó chịu hướng về phía nó có thể chỉ sinh ra những cảm xúc đổ thêm vào bể chứa những dữ liệu tiêu cực về chính mình của đứa trẻ. Đó là lỗi của mình. Lại nữa rồi. Luôn luôn như vậy. Mãi mãi là như thế. Thế giới không có sự kết thúc.
Trong suốt khoảng thời gian không thể tự lực này, có vô số các yêu cầu không thể thỏa hiệp được áp đặt lên đứa trẻ. Một mặt, đứa trẻ có những sự thôi thúc (những ghi chép về mặt di truyền) giải phóng tính tùy hứng của nó, để khám phá, để biết đó biết đây, để đập phá, để bộc lộ cảm xúc và để trải nghiệm tất cả các cảm giác dễ chịu có liên quan đến vận động và khám phá. Mặt khác, có một mệnh lệnh kiên định từ môi trường, chủ yếu là từ cha mẹ, rằng nó phải từ bỏ những sự thỏa mãn cơ bản này để nhận được phần thưởng là sự chấp thuận của cha mẹ. Sự chấp thuận này, thứ có thể biến mất nhanh chóng như cách nó xuất hiện, là một bí ẩn khó hiểu đối với đứa trẻ – một cá thể chưa có khả năng đưa ra bất kỳ liên kết chắc chắn nào giữa nguyên nhân và kết quả.
Sản phẩm phụ chiếm ưu thế của quá trình khai hóa đầy hụt hẫng này là những cảm xúc tiêu cực. Trên nền tảng những cảm xúc này, đứa trẻ sẽ sớm kết luận “Mình không ỔN”. Chúng tôi gọi sự tự đánh giá toàn diện này là cảm giác KHÔNG ỔN, hay Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Kết luận này và những trải nghiệm liên tục của cảm giác không vui vẻ – thứ đã dẫn đến và rồi khẳng định kết luận ấy – đều được ghi lại vĩnh viễn trong não bộ và không thể xóa đi. Bản ghi vĩnh viễn này là sản phẩm thặng dư của việc từng là một đứa trẻ. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng thế. Ngay cả những đứa trẻ được nuôi nấng bởi các bậc cha mẹ tử tế, giàu yêu thương và đầy thiện ý cũng không ngoại lệ. Đó là tình trạng của thời thơ ấu, và tạo nên vấn đề không phải là ý định của các bậc cha mẹ (Điều này sẽ được bàn luận chi tiết trong chương tiếp theo, về các vị thế sống). Một ví dụ cho tình thế lưỡng nan của tuổi ấu thơ là lời tuyên bố được đưa ra bởi cô con gái bảy tuổi của tôi, Heidi. Trong một bữa ăn sáng con bé đã nói: “Cha ơi, con có một người cha ỔN và một người mẹ ỔN, sao con vẫn cảm thấy mình không ỔN vậy chứ?”.
Khi đứa con của những bậc cha mẹ “tốt” vẫn mang theo gánh nặng của sự KHÔNG ỔN, người ta có thể bắt đầu đánh giá đúng hơn gánh nặng mà những đứa con bị cha mẹ bỏ bê, lạm dụng và đối xử tàn bạo phải gồng gánh.
Như trong trường hợp của Cái Tôi Cha Mẹ, trong các tương giao hiện tại, gần như bất kỳ lúc nào người ta cũng có thể lập tức chuyển sang Cái Tôi Trẻ Em. Nhiều điều xảy ra với chúng ta hôm nay có thể là sự tái tạo lại tình huống thời thơ ấu và mang đến những cảm xúc y hệt như chúng ta từng cảm nhận khi đó. Chúng ta có thể thường xuyên thấy mình ở trong những tình huống phải đối mặt với những lựa chọn không dễ dàng, nơi chúng ta thấy mình bị dồn vào một góc – hoặc từ cách chúng ta nhìn nhận hoặc thực tế đúng là như vậy. Chúng “câu ra Cái Tôi Trẻ Em”, theo cách gọi của chúng tôi, dẫn đến việc phát lại những cảm xúc nguyên bản của sự thất vọng, chối bỏ, hay bỏ mặc và chúng ta sống lại giai đoạn khủng hoảng nguyên thủy đứa trẻ từng trải qua, với một phiên bản của hiện tại. Do đó, khi một cá nhân mắc kẹt trong những cảm xúc, chúng ta nói rằng Cái Tôi Trẻ Em của người ấy đã giành quyền kiểm soát. Khi cơn giận lấn át lý trí của người ấy, chúng ta biết rằng Cái Tôi Trẻ Em đang ở vị trí chỉ huy.
Nhưng vấn đề cũng có mặt tươi sáng! Trong Cái Tôi Trẻ Em cũng lưu trữ một kho khổng lồ những dữ liệu tích cực. Trú ngụ trong Cái Tôi Trẻ Em còn có sự sáng tạo, tính tò mò, ham muốn khám phá và hiểu biết, những thôi thúc xúc chạm, cảm nhận và trải nghiệm và các bản ghi cảm giác vẻ vang nguyên sơ của những khám phá đầu tiên. Trong Cái Tôi Trẻ Em có ghi lại vô số kinh nghiệm vỡ lẽ – những trải nghiệm đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ, lần uống nước đầu tiên bằng vòi tưới trong vườn, cái vuốt ve đầu tiên lên bộ lông mềm mượt của con mèo, lần đầu tiên ngậm chặt vú mẹ, lần đầu tiên thấy đèn bật sáng khi nhấn vào công tắc, lần đầu tiên cố nắm bánh xà phòng chìm trong bồn tắm, đó đều là những hành động vẻ vang mà đứa trẻ muốn thực hiện đi thực hiện lại. Cảm giác từ những điều tươi sáng này cũng được ghi lại. Với tất cả những bản ghi KHÔNG ỔN đều có những bản ghi đối lại – giai điệu nhịp nhàng, yên ổn trong nhịp võng đu đưa của người mẹ, cảm giác mềm mại của cái chăn yêu thích, phản ứng tích cực kéo dài với những sự kiện dễ thương từ bên ngoài (nếu đó là điều đứa trẻ thật sự yêu thích), tất cả cũng sẽ được phát lại trong những tương giao hiện tại. Đây là “mặt phải”, một đứa trẻ hạnh phúc, vô tư lự, đuổi hoa bắt bướm, đứa trẻ với gương mặt dính đầy sô-cô-la. Mặt này cũng xuất hiện trong những tương giao hiện tại. Tuy nhiên, quan sát của chúng tôi trên trẻ em lẫn trên chính mình – với tư cách những người trưởng thành – đã thuyết phục chúng tôi rằng các cảm xúc KHÔNG ỔN thường nặng ký hơn so với những cảm xúc tốt đẹp. Điều này lý giải vì sao chúng tôi tin rằng mình có lý khi nói rằng mọi người đều có một Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN.
Tôi thường được hỏi rằng khi nào thì Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em ngừng việc ghi nhận? Có phải Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em chỉ chứa những kinh nghiệm trong năm năm đầu đời hay không? Tôi tin rằng vào thời điểm đứa trẻ rời khỏi gia đình để có kinh nghiệm xã hội độc lập đầu tiên của mình – trường học – thì nó đã bị phơi nhiễm gần như mọi thái độ và lời khiển trách của cha mẹ, và từ dạo đó, những giao tiếp về sau của cha mẹ về cơ bản là một sự củng cố cho những gì đã được ghi nhận trước đó. Sự thật rằng đứa trẻ giờ đây bắt đầu “sử dụng Cái Tôi Cha Mẹ của nó” lên những người khác – những người cũng có cùng đặc điểm đang củng cố những gì được ghi nhận trước đó – nhất quán với ý tưởng của trường phái Aristotles, cho rằng những gì được bộc lộ là những gì đã được khắc sâu. Trong những bản ghi của Cái Tôi Trẻ Em, thật khó mà hình dung được có bất kỳ cảm xúc nào chưa từng được cảm nhận ở dạng thức dữ dội nhất trong thời điểm năm năm đầu đời. Điều này nhất quán với hầu hết các lý thuyết phân tâm và cũng đúng với quan sát của riêng tôi.
Vậy thì, nếu chúng ta đi qua thời thơ ấu với một loạt kinh nghiệm không thể tẩy xóa được ghi lại trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, chúng ta có hy vọng nào với việc thay đổi không? Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi “móc câu” của quá khứ?
CÁI TÔI NGƯỜI LỚN
Vào khoảng mười tháng tuổi, một sự kiện đáng chú ý bắt đầu xảy đến với đứa trẻ. Từ khi chào đời cho tới thời điểm đó, cuộc sống của nó chủ yếu là những đáp ứng không tự lực hoặc không suy nghĩ trước những đòi hỏi và kích thích từ môi trường xung quanh. Đứa trẻ có một Cái Tôi Cha Mẹ và một Cái Tôi Trẻ Em. Điều đứa trẻ không có là khả năng chọn lựa những phản ứng hay khả năng tác động đến môi trường xung quanh. Nó không có khả năng tự quản, không có khả năng di chuyển ra ngoài để chạm mặt cuộc sống. Nó chỉ đơn giản tiếp nhận những gì đến với mình.
Tuy nhiên, khi được mười tháng tuổi, đứa trẻ bắt đầu trải nghiệm năng lực vận động. Nó có thể thao tác với các đồ vật và bắt đầu hướng đến thế giới bên ngoài, giải phóng bản thân khỏi ngục tù của sự bất động. Đúng là trước đó, tầm tám tháng tuổi, trẻ sơ sinh có thể thường xuyên kêu khóc và cần được giúp đỡ để thoát khỏi một số tình huống khó xử mà nó không thể tự thoát khỏi chúng một mình. Ở mười tháng tuổi, đứa trẻ bắt đầu tập trung xem xét và khám phá các món đồ chơi. Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Gesell và Ilg, đứa trẻ mười tháng tuổi sẽ…
… thích thú chơi đùa với một chiếc cốc và giả vờ uống nước. Trẻ sẽ cho các đồ vật vào trong miệng và nhai chúng. Trẻ thích hoạt động vận động cơ thể: ngồi và chơi sau khi được an vị, đổ người về phía trước và tự dựng thẳng người. Trẻ biết nắm chặt một món đồ chơi hay những viên đá trong tay, chuyển từ ngồi sang bò trườn, dựng mình dậy và có thể tự cúi mình xuống. Đứa trẻ đang bắt đầu một chuyến hải trình. Các hoạt động xã hội mà trẻ yêu thích là trò ú òa và chơi đùa bằng môi, trẻ có thể bước đi khi hai tay được nắm giữ, trẻ thường được đặt nằm sấp trên sàn hay trên một đồ chơi đung đưa. Các bé gái biểu lộ những dấu hiệu đầu tiên của sự làm duyên làm dáng bằng cách nghiêng đầu sang một bên mỗi khi cười18.
18 Arnold Gesell và Francis L. Ilg, trong cuốn Infant and Child in the Culture of Today (New York: Harper, 1943), trang 116-122.
Đứa trẻ mười tháng tuổi đã nhận ra nó có thể làm việc gì đó phát xuất từ nhận thức và suy nghĩ độc đáo của riêng nó. Khả năng tự-thực-hiện này là sự khởi đầu của Cái Tôi Người Lớn (xem hình 4). Dữ liệu được tích lũy trong Cái Tôi Người Lớn là kết quả từ khả năng của đứa trẻ trong việc tự khám phá ra rằng có điều gì khác biệt giữa cuộc sống theo “khái niệm được dạy” trong Cái Tôi Cha Mẹ và cuộc sống theo “khái niệm được cảm nhận” trong Cái Tôi Trẻ Em. Cái Tôi Người Lớn phát triển một “khái niệm được tư duy” về cuộc sống dựa trên sự thu thập và xử lý dữ liệu.
Khả năng vận động – thứ sản sinh ra Cái Tôi Người Lớn – trở thành một sự trấn an trong cuộc sống về sau, khi một người rơi vào khó khăn hay đau khổ. Anh ta đi dạo để “thanh lọc tâm trí”. Việc bước đi có vẻ tương đồng với sự giải tỏa khỏi cảm giác lo âu. Có một bản ghi cho rằng di chuyển là việc tốt, rằng nó có một năng lực riêng biệt, giúp người ta nhìn sáng rõ hơn về bản chất vấn đề.
Cái Tôi Người Lớn trong những năm đầu đời rất mong manh, dễ vỡ và mang tính thử nghiệm. Nó dễ dàng bị “đánh gục” bởi các mệnh lệnh từ Cái Tôi Cha Mẹ và bởi các nỗi sợ hãi trong Cái Tôi Trẻ Em. Khi đứa trẻ định chạm vào chiếc cốc thủy tinh, người mẹ hét lên: “Không, không! Không được đụng vào nó!”. Đứa trẻ có thể lùi lại và khóc òa lên, nhưng khi có cơ hội lần nữa, nó sẽ chạm vào chiếc cốc bằng bất cứ giá nào để xem chiếc cốc ấy thật sự là gì. Ở hầu hết mọi người, Cái Tôi Người Lớn vẫn sống sót và tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn khi tiến trình trưởng thành tiếp tục diễn ra, bất chấp tất cả những rào cản được đặt ra trước nó.
Cái Tôi Người Lớn “chủ yếu liên quan tới sự chuyển đổi các kích thích thành các mẩu thông tin, xử lý và sắp xếp thông tin đó dựa trên cơ sở của trải nghiệm trước đó19”. Nó khác với Cái Tôi Cha Mẹ, vốn “là sự phán xét theo phương thức mô phỏng và cố gò ép theo một bộ chuẩn mực được vay mượn, và khác với Cái Tôi Trẻ Em, vốn có xu hướng phản ứng một cách đột ngột trên cơ sở tư duy tiền-logic, khả năng phân biệt kém hoặc những nhận thức méo mó”. Thông qua Cái Tôi Người Lớn, đứa trẻ có thể bắt đầu nói về sự khác biệt giữa cuộc sống mà nó được dạy và được giải thích (Cái Tôi Cha Mẹ), cuộc sống mà nó cảm nhận hoặc mong muốn hoặc tưởng tượng (Cái Tôi Trẻ Em) và cuộc sống mà nó tự tìm hiểu được (Cái Tôi Người Lớn).
19 Berne, trong cuốn Transactional Analysis in Psychotherapy.
Cái Tôi Người Lớn là một chiếc máy tính xử lý dữ liệu, đưa ra quyết định sau khi tính toán các thông tin đến từ ba nguồn: Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Trẻ Em, và dữ liệu mà Cái Tôi Người Lớn đã và đang thu thập được (xem hình 5). Một trong những chức năng quan trọng của Cái Tôi Người Lớn là xem xét dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ để xem liệu nó có đúng hay không và liệu nó có còn áp dụng được trong hiện tại hay không, để rồi ra quyết định chấp nhận hay từ chối nó. Song song đó, Cái Tôi Người Lớn cũng xem xét Cái Tôi Trẻ Em để xem liệu các cảm xúc là phù hợp với hiện tại hay chỉ là thứ cũ xưa, là sự hồi đáp lại dữ liệu cũ của Cái Tôi Cha Mẹ. Mục tiêu không phải nhằm loại bỏ Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em mà là tự do truy vấn những phần dữ liệu ấy. Hay như cách nói của Emerson, Cái Tôi Người Lớn “phải không bị cản trở bởi danh xưng ‘điều tốt’, mà chính nó phải xem xét liệu nó có tốt hay không”; hay là tồi tệ, hay là “tôi không ỔN”, như trong phán quyết đầu đời.
Việc Cái Tôi Người Lớn kiểm tra dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ có thể bắt đầu từ lúc nhỏ. Một đứa trẻ ổn định, an toàn là đứa trẻ nhận thấy rằng hầu hết dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ là đáng tin cậy: “Cha mẹ đã nói với mình sự thật!”.
“Thực tế đúng là xe hơi chạy trên đường có thể gây nguy hiểm”, kết luận được đứa trẻ đưa ra khi nhìn thấy con chó cưng của nó bị chiếc xe hơi trên đường làm bị thương. “Thực tế đúng là mọi chuyện tốt đẹp hơn khi mình chia sẻ đồ chơi với Bobby”, đứa trẻ nghĩ vậy khi nhận được món đồ chơi giá trị mà Bobby tặng. “Thật sự là mình cảm thấy dễ chịu hơn khi quần của mình không bị ướt” là kết luận của đứa bé gái vừa học được cách tự tắm rửa. Nếu các chỉ dẫn của cha mẹ được đưa ra dựa trên thực tế, thì đứa trẻ, thông qua Cái Tôi Người Lớn của nó, sẽ đi đến chỗ nhận ra tính nhất quán, hay một cảm giác trọn vẹn. Điều đứa trẻ kiểm tra tiếp tục duy trì dưới dạng nghiên cứu. Dữ liệu mà nó thu thập được qua sự thử nghiệm và kiểm tra bắt đầu tạo thành một vài “hằng số” mà nó có thể tin tưởng. Các phát hiện của đứa trẻ được xác thực bởi những gì nó được dạy lần đầu tiên.
Quan trọng là cần nhấn mạnh rằng việc xác minh dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ không xóa đi bản ghi KHÔNG ỔN trong Cái Tôi Trẻ Em – điều đã được dữ liệu ấy khắc sâu vào đứa trẻ từ sớm. Người mẹ tin rằng cách duy nhất để giữ đứa con Johnny ba tuổi không chạy ra đường chính là đánh đòn nó. Johnny không thể hiểu được sự nguy hiểm của việc chạy ra đường. Phản ứng tự nhiên của nó là sợ hãi, giận dữ và thất vọng trong khi không có đánh giá đúng về sự thật là người mẹ vì yêu thương và muốn bảo vệ sự sống của nó nên mới làm vậy. Nỗi sợ, cơn giận và sự thất vọng này được ghi lại. Các cảm xúc này không thể bị xóa đi nhờ sự hiểu biết về sau rằng người mẹ đã đúng khi làm vậy. Nhưng sự hiểu biết về cách tình huống gốc ở thời thơ ấu tạo ra rất nhiều bản ghi KHÔNG ỔN dạng này có thể giải thoát chúng ta khỏi việc tiếp tục phát lại chúng trong hiện tại. Chúng ta không thể xóa đi các bản ghi, song chúng ta có thể lựa chọn bấm nút tắt nó đi!
Cũng như cách Cái Tôi Người Lớn cập nhật dữ liệu của Cái Tôi Cha Mẹ để xác định dữ liệu nào là có căn cứ và dữ liệu nào không, nó cũng cập nhật dữ liệu của Cái Tôi Trẻ Em để xác định những cảm giác nào có thể được bộc lộ một cách an toàn. Trong xã hội chúng ta, việc một phụ nữ khóc trong một đám cưới vẫn được xem là phù hợp, nhưng sẽ chẳng phù hợp chút nào nếu sau đó người phụ nữ ấy hét vào mặt chồng mình tại quầy lễ tân. Tuy nhiên, cả khóc và quát nạt đều là những cảm xúc bên trong Cái Tôi Trẻ Em. Cái Tôi Người Lớn đảm bảo sự thể hiện cảm xúc diễn ra trong chừng mực thích hợp. Chức năng của Cái Tôi Người Lớn trong việc cập nhật cho Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em được sơ đồ hóa trong hình 6. Cái Tôi Người Lớn được đề cập trong hình này hướng tới việc cập nhật dữ liệu thực tế. (Bằng chứng đã từng cho tôi biết rằng du hành không gian chỉ là chuyện viễn tưởng; giờ đây tôi biết nó là thực tế).
Một chức năng khác của Cái Tôi Người Lớn là ước đoán những khả năng. Chức năng này phát triển chậm ở trẻ nhỏ và có lẽ đối với hầu hết chúng ta đó cũng là điều khó nắm bắt trong suốt cuộc đời. Đứa bé không ngừng đương đầu với nhiều lựa chọn khó chịu (con phải ăn rau bina nếu không con sẽ không được ăn kem), tạo ra động cơ nho nhỏ phải xem xét các khả năng. Các khả năng không được xem xét có thể dẫn đến nhiều thất bại trong tương giao của chúng ta, và những tín hiệu nguy hiểm bất ngờ có thể khiến Cái Tôi Người Lớn bị “sa sút” hơn hay chậm trễ hơn so với những tín hiệu được lường trước. Điểm này có sự tương đồng với những mã chứng khoán trong các hoạt động đầu tư, những thứ có thể chạy giá trễ nhiều giờ sau những ngày giao dịch tích cực. Đôi khi chúng ta quy tình trạng trì hoãn này cho “sự chậm trễ của chiếc máy tính”.
Việc ước đoán các khả năng có thể được cải thiện bằng nỗ lực có ý thức. Giống như cơ bắp trên cơ thể, Cái Tôi Người Lớn phát triển và gia tăng hiệu suất thông qua rèn luyện và sử dụng. Thông qua ước đoán các khả năng, nếu Cái Tôi Người Lớn được báo động rằng có khả năng xảy ra vấn đề thì nó cũng có thể nghĩ ra các giải pháp để đối mặt một khi vấn đề xảy đến.
Tuy nhiên, dưới một áp lực đủ lớn, Cái Tôi Người Lớn có thể bị suy yếu đến mức cảm xúc bắt đầu áp đảo một cách không phù hợp. Các đường biên giới giữa Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ em trở nên mỏng manh, bị lu mờ và dễ bị tổn thương trước những tín hiệu đang đến – những thứ nhắm đến việc tái tạo các tình huống mà chúng ta đã trải nghiệm trong sự bất lực của những ngày thơ ấu còn lệ thuộc. Cái Tôi Người Lớn thỉnh thoảng bị ngập trong tín hiệu của muôn hình vạn trạng kiểu “tin xấu” khiến nó bị hạ xuống vị thế “người xem” trong các tương giao. Một cá nhân ở trong tình huống này có thể nói: “Tôi biết điều tôi đang làm là sai, nhưng tôi không thể tự ngăn mình được”.
Các phản ứng phi thực tế, phi lý, không-Người lớn được quan sát thấy trong một tình trạng được gọi là sự rối loạn thần kinh chức năng do sang chấn tâm lý. Tín hiệu nguy hiểm, hay “tin xấu” sẽ đánh động cả Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, cùng lúc đánh động Cái Tôi Người Lớn. Cái Tôi Trẻ Em hồi đáp theo cách mà nó đã phản ứng ban đầu, với một cảm giác KHÔNG ỔN. Điều này có thể tạo ra tất cả các dạng thức của hiện tượng thoái lui. Cá nhân có thể một lần nữa cảm thấy mình là một đứa trẻ nhỏ bé, bất lực và lệ thuộc. Một trong những đặc tính nguyên thủy của hiện tượng này là tắc nghẽn tư duy. Một nơi có thể nhìn rõ hiện tượng này là bệnh viện tâm thần, nơi có một “chính sách khóa cửa”. Với một bệnh nhân mới, khi cánh cửa được khóa lại cũng là lúc sự thoái lui của anh ta diễn ra nhanh chóng và rõ rệt. Đây là lý do vì sao tôi chống lại việc điều trị bệnh nhân trong một bối cảnh chỉ chú trọng vào kiểu chăm sóc như cha mẹ. Phục vụ cho Cái Tôi Trẻ Em bất lực của một cá nhân sẽ làm chậm trễ quá trình tái thiết để phục hồi chức năng vận hành của Cái Tôi Người Lớn.
Một bệnh viện lý tưởng nên là một nhà nghỉ thoải mái có “khu vực chơi đùa” dành cho Cái Tôi Trẻ Em, nằm trong khu phụ cận của một phòng khám lâm sàng, nơi có các hoạt động được thiết kế nhằm đạt sự tự chủ cho Cái Tôi Người Lớn. Các y tá sẽ không mặc đồng phục, cũng không phục vụ như thể cha mẹ của bệnh nhân. Thay vào đó, các y tá mặc trang phục bình thường, áp dụng các kỹ năng đã được huấn luyện của mình để giúp mỗi cá nhân học cách nhận diện Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em của họ.
Trong các nhóm điều trị của chúng tôi, chúng tôi có sử dụng các câu hỏi quen thuộc. Ví dụ, khi một thành viên nhận thấy cảm xúc của anh ta bắt đầu vượt tầm kiểm soát, chúng tôi liền hỏi: “Sao bạn không duy trì Cái Tôi Người Lớn của mình đi nào?”. Một câu hỏi khác là: “Tương giao ban đầu là gì?”. Câu hỏi này được hỏi như một cách thức để “bật Cái Tôi Người Lớn lên” nhằm phân tích sự tương đồng giữa tín hiệu xuất hiện ở hiện tại – thứ đang tạo ra đau khổ – và tương giao gốc ban đầu, mà trong đó đứa trẻ đã trải nghiệm sự đau khổ.
Vậy, công việc liên tục của Cái Tôi Người Lớn bao gồm kiểm tra dữ liệu cũ, xác nhận hay vô hiệu hóa dữ liệu ấy và tái dự trữ nó cho lần sử dụng trong tương lai. Nếu công việc này tiến hành trôi chảy và không xuất hiện xung đột giữa điều đã được dạy và thực tế diễn ra, thì “chiếc máy tính20” sẽ được tự do thực hiện công việc quan trọng mới: sáng tạo. Sáng tạo được sinh ra từ sự tò mò của Cái Tôi Trẻ Em trong khi đang mang Cái Tôi Người Lớn. Cái Tôi Trẻ Em đưa ra cái “muốn làm” và Cái Tôi Người Lớn cung cấp thông tin “làm thế nào” đạt được mong muốn. Yêu cầu thiết yếu cho sự sáng tạo là thời gian dành cho “chiếc máy tính”. Nếu “chiếc máy tính” liên tục bị quấy nhiễu bởi những thứ xưa cũ thì có rất ít thì giờ dành cho những gì mới mẻ. Một khi đã được kiểm tra, nhiều chỉ dẫn của Cái Tôi Cha Mẹ trở thành tự động hóa và do vậy sẽ giải phóng “chiếc máy tính” để tha hồ sáng tạo. Nhiều quyết định của chúng ta trong các tương giao hằng ngày đều được tự động hóa. Ví dụ như khi nhìn thấy mũi tên báo hiệu đường một chiều, chúng ta sẽ tự động không đi ngược chiều. Chúng ta không phiền tới “chiếc máy tính” xử lý những dữ liệu dài dòng về kỹ thuật đường cao tốc, số người chết vì tai nạn giao thông, hay các biển báo được sơn như thế nào. Nếu trong mỗi quyết định hay hoạt động, chúng ta đều khởi đầu ngay vạch xuất phát mà hoàn toàn không có dữ liệu sẵn có từ cha mẹ mình, thì “chiếc máy tính” của chúng ta sẽ hiếm có thời gian rảnh rỗi cho quá trình sáng tạo.
20 Nguyên văn: computer. “Chiếc máy tính” là một ẩn dụ cho bộ não, ở đó phần tâm trí thuộc Cái Tôi Người Lớn biết truy cập dữ liệu từ Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Trẻ Em lẫn dữ liệu từ thực tế bên ngoài, từ đó có những quyết định hợp lý.
Một số người cho rằng một đứa trẻ vô kỷ luật, không bị ngăn trở bởi những giới hạn sẽ sáng tạo nhiều hơn so với đứa trẻ được cha mẹ đặt ra các giới hạn. Tôi không tin điều này là đúng. Một đứa trẻ sẽ có nhiều thời gian để sáng tạo – để khám phá, phát minh, tháo ra từng mảnh và ráp lại với nhau – nếu nó không lãng phí thời gian vào việc ra quyết định không chính xác chỉ vì nó có dữ liệu không thỏa đáng. Đứa trẻ sẽ có nhiều thời gian hơn để đắp một người tuyết nếu nó không được phép tham gia vào cuộc tranh cãi dai dẳng với mẹ về việc liệu nó có nên mang giày đi tuyết hay không. Nếu một đứa trẻ được phép sáng tạo bằng cách sơn bức tường phòng khách với xi đánh giày, nó sẽ không được chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra khi nó làm điều tương tự với ngôi nhà hàng xóm. Kết quả tồi tệ không tạo ra cảm xúc ỔN. Có những hậu quả khác gây mất thời gian, chẳng hạn như nằm lại bệnh viện để hồi phục sau cú tông xe ngoài phố mà đứa trẻ coi như một thử nghiệm thử-và-sai. Có rất nhiều thời gian phải dành cho “chiếc máy tính”. Sự xung đột chiếm dụng rất nhiều trong số thời gian đó. Cần một lượng thời gian khổng lồ để giải quyết những xung đột diễn ra khi những gì cha mẹ bảo là đúng lại dường như không đúng đối với Cái Tôi Người Lớn. Một cá nhân sáng tạo là cá nhân khám phá ra rằng phần lớn những nội dung trong Cái Tôi Cha Mẹ đều khớp với thực tế. Khi đó, người này có thể lưu trữ thông tin được xác minh này trong Cái Tôi Người Lớn, tin tưởng nó, quên nó đi và tiếp tục với những thông tin khác – giống như học cách làm cho con diều bay lên, cách xây lâu đài cát hay cách thực hiện các phép tính khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều thanh thiếu niên tiêu tốn phần lớn thời gian cho những mâu thuẫn giữa dữ liệu trong Cái Tôi Cha Mẹ và những gì họ thấy trong thực tế. Đối với những người này, vấn đề lớn nhất là họ không hiểu được tại sao Cái Tôi Cha Mẹ có sức ảnh hưởng lên họ như thế. Khi sự thật xuất hiện và gõ cửa Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Cha Mẹ liền bảo rằng “Đến đây, hãy cùng tranh luận nào”. Một đứa trẻ có cha đang ngồi tù và mẹ thì phải trộm cắp để nuôi sống nó có thể có một bản ghi vang dội trong Cái Tôi Cha Mẹ: “Con đừng bao giờ tin cảnh sát!”. Vì thế khi nó gặp một người cảnh sát thân thiện, Cái Tôi Người Lớn của nó tính toán toàn bộ dữ liệu về con người thân thiện này, cách ông ta chơi bóng trong sân cát, cách ông cư xử với một băng đảng, sự thân thiện của ông và cách ông nói chuyện bằng một giọng điệu nhẹ nhàng. Đối với đứa trẻ, đây là một sự mâu thuẫn. Điều nó nhìn thấy trong thực tế khác với điều nó được cha mẹ dạy. Cái Tôi Cha Mẹ nói với nó một điều và Cái Tôi Người Lớn đang nói một điều khác. Trong suốt thời gian sống lệ thuộc vào cha mẹ để có được sự an toàn, dù sự an toàn này có ít ỏi ra sao, đứa trẻ vẫn có xu hướng chấp nhận lời tuyên án của cha mẹ rằng cảnh sát đều là kẻ xấu. Đây là cách mà những định kiến được chuyển giao. Đối với một đứa trẻ, tin vào một lời nói dối có thể sẽ an toàn hơn so với tin vào những gì tai nghe mắt thấy. Cái Tôi Cha Mẹ đe dọa Cái Tôi Trẻ Em (trong một cuộc đối thoại nội tâm liên tục) mà Cái Tôi Người Lớn thì từ bỏ và ngừng cố gắng tìm hiểu về mối xung đột. Do đó, “cảnh sát là kẻ xấu” trở thành sự thật. Điều này được gọi là sự ô nhiễm của Cái Tôi Người Lớn, chúng ta sẽ xem xét nó trong Chương 6.