Tôi là một cá thể tự mâu thuẫn. Tôi kỳ vĩ. Tôi chứa trong mình vô vàn cá thể khác.
- Walt Whitman
Xuyên suốt lịch sử, có một cảm tưởng về bản chất con người đã luôn tồn tại nhất quán: Con người là sinh vật đa dạng bản chất. Sự đa dạng bản chất này thường được thể hiện dưới dạng một bản chất đối ngẫu. Nó đã được khắc họa bằng thần thoại, triết học và tôn giáo. Nó luôn được nhìn nhận như một sự mâu thuẫn, xung đột: Sự mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, giữa bản tính thấp hèn và sự cao thượng, giữa tâm hồn và thể xác. Somerset Maugham4 từng nói: “Đã nhiều lần, khi tôi lướt nhìn một lượt qua những phần khác nhau trong nhân cách của mình trong trạng thái phức tạp, tôi nhận ra mình được hợp thành bởi nhiều cá nhân khác nhau, mà ở vào mỗi thời điểm nhất định, một cá nhân có ưu thế sẽ tiếm quyền kiểm soát những cá nhân còn lại. Nhưng rốt cuộc, đâu trong số đó mới thật sự là tôi? Tất cả họ, hay chẳng một ai?”.
4 William Somerset Maugham (1874 – 1965) là nhà văn, nhà viết kịch người Anh.
Con người có thể khao khát sự thiện hữu và rồi đạt được nó là điều đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, dẫu vậy, lòng thiện hữu này có thể phụ thuộc vào cách hiểu. Moses xem lòng tốt tột bậc là sự coi trọng công lý, Plato xem cốt lõi của thiện hữu là sự thông tuệ và Chúa Jesus thì chú trọng vào khía cạnh tình yêu thương; song vượt trên những lối nhìn khác biệt đó, họ đều đồng thuận rằng đức hạnh, dù được hiểu theo cách nào, vẫn luôn có thể bị xói mòn bởi một thứ gì đó phát xuất từ trong bản chất con người, luôn ngày đêm tranh đấu với một thứ khác. Nhưng rốt cuộc, những thứ ấy là gì?
Khi Sigmund Freud xuất hiện trên vũ đài tư tưởng vào đầu thế kỷ 20, bí ẩn đó đã được soi rọi bằng một cuộc truy tầm mới, một tìm tòi mang tính khoa học vô cùng nghiêm cẩn. Đóng góp mang tính nền tảng của Freud chính là lý thuyết của ông, cho rằng có sự tồn tại những lực lượng xung khắc nhau trong cõi vô thức của tâm trí con người. Những cái tên ướm thử đã được trao cho các “chiến binh”: Cái Siêu Tôi được xem như một lực lượng kiểm soát và hạn chế những đòi hỏi của Cái Nó5 (những xung lực bản năng), cùng với Cái Tôi6 đóng vai trò như một vị trọng tài, hoạt động theo nguyên lý “tư lợi vị tha7”.
5 Còn được dịch là Cái Ấy.
6 Nguyên văn: Superego (Cái Siêu Tôi, còn được gọi là Siêu ngã), Id (Instinctual drives, Cái Nó, còn gọi là Tự ngã), và Ego (Cái Tôi, còn gọi là Bản ngã).
7 Enlightened self-interest: là một triết lý cho rằng những người hành động vì lợi ích của người khác hay lợi ích của (những) tập thể mà họ là thành viên, thì rốt cuộc sẽ có lợi ích cho chính họ. Ở đây, tác giả hàm ý Ego sẽ hoạt động vì lợi ích của cả Superego và Id, và rốt cuộc sẽ có lợi cho chính Ego, nên gọi là tư lợi vị tha. Trái với tư lợi vị tha là tư lợi vị kỷ (Unenlightened self-interest).
Chúng tôi sâu sắc hàm ơn Freud vì những nỗ lực miệt mài và tiên phong của ông trong việc thiết lập một nền tảng học thuyết mà dựa trên đó, chúng tôi đã phát triển tiếp cho tới ngày nay. Qua nhiều năm, các học giả và các nhà lâm sàng đã xây dựng, hệ thống hóa và bổ sung thêm vào các học thuyết của ông. Tuy vậy, những “nhân vị bên trong” vẫn còn là một khái niệm khó nắm bắt và có vẻ như hàng trăm quyển sách bám bụi, chứa đựng những lời chú giải của các nhà phân tâm đã không đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng về những “cá nhân” bí ẩn đó.
Tôi đã đứng trong hành lang rạp chiếu khi bộ phim điện ảnh Who’s Afraid of Virginia Woolf? (tạm dịch: Ai sợ Virginia Woolf?) vừa khép lại và nghe được một số lời bình phẩm của khán giả: “Tôi thấy kiệt sức!”, “Và tôi đi xem phim chỉ để có cớ rời khỏi nhà”, “Tại sao họ lại chiếu cho chúng ta xem một thứ như thế?”, “Tôi không hiểu được nội dung của nó; tôi đoán ắt mình phải là một nhà tâm lý học thì mới nuốt nổi nó”... Tôi có cảm tưởng là nhiều người trong số họ đã rời khỏi rạp phim với thắc mắc cái gì thật sự đã diễn ra trên màn ảnh, chắc chắn phải có một thông điệp từ bộ phim, nhưng không có khả năng tìm thấy bất kỳ sự liên quan nào tới họ hay giúp họ giải phóng tạm thời bằng cách chấm dứt “thú vui và những trò chơi8” trong cuộc sống của chính họ.
8 Nguyên văn: fun and games. Đây là tình tiết chính trong bộ phim Who’s Afraid of Virginia Woolf?, ngụ ý nói về những bế tắc và xung đột trong cuộc sống của con người và cả cách họ đối diện với những điều đó. Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên.
Chúng ta sâu sắc cảm kích những phát biểu có tính định hình, như định nghĩa của Freud về phân tâm học – coi đó là một “khái niệm có tính động năng, thu gọn đời sống tinh thần con người thành một sự tương tác qua lại giữa những lực thôi thúc và những lực kiềm chế”. Một định nghĩa như thế và vô số các công trình sản sinh từ nó có thể rất hữu dụng với giới “chuyên gia”, nhưng làm thế nào những công thức ấy có thể hữu ích cho những người đang chịu đựng tổn thương?
George và Martha trong vở kịch của Edward Albee9 mặc dù đã dùng những lời lẽ cay nghiệt, gai góc và tục tĩu để nói chuyện với nhau nhưng lại nói chính xác và trực diện vào vấn đề. Câu hỏi đặt ra là với tư cách là những nhà trị liệu, liệu chúng ta có thể nói chuyện với George và Martha một cách chính xác và trực diện về lý do tại sao họ hành xử như họ đã làm và gây tổn thương cho nhau như vậy hay không? Liệu những gì chúng ta nói ra có thể không chỉ đúng sự thật mà còn hữu ích, vì lẽ chúng ta đã thật sự thấu hiểu họ? “Xin hãy nói thật đơn giản! Tôi không hiểu được những gì ông đang nói” không phải là một thái độ hiếm gặp hướng về các nhà trị liệu, ngay cả những người được xem là chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý. Việc trình bày lại những ý tưởng thần bí của phân tâm học bằng cách sử dụng những thuật ngữ thần bí gấp bội sẽ không thể chạm được đến con người ở đúng nơi mà họ đang mắc kẹt. Hệ quả là những nhận xét truyền miệng trong dân gian về những nhà trị liệu thường là sự thể hiện lòng thương xót một cách thừa mứa và những cuộc đối thoại hời hợt, với những lời bình phẩm vắn tắt theo kiểu “Ồ vâng, chẳng phải mọi sự lúc nào cũng diễn ra theo cách đó sao?” mà chẳng cho thấy chút hiểu biết gì về việc làm thế nào để sự việc khác đi.
9 George và Martha là hai nhân vật chính trong vở kịch và bộ phim điện ảnh cùng tên Who’s Afraid of Virginia Woolf?.
Xét theo một phương diện nào đó, một trong những yếu tố tạo khoảng cách trong thời đại ngày nay chính là độ lệch pha giữa sự chuyên môn hóa và cách thức truyền đạt qua giao tiếp; điều đó không ngừng nới rộng hố sâu ngăn cách giữa các chuyên gia và những người không chuyên. Không gian vũ trụ thuộc về các phi hành gia, sự hiểu biết hành vi con người thuộc về các nhà tâm lý học và tâm thần học, ngành lập pháp thuộc về các nghị sĩ, thì bất kể thế nào chúng ta cũng nên có một đứa con thuộc về các nhà thần học. Đây là một tiến trình phát triển có thể hiểu được; nhưng các vấn đề phát sinh do sự thiếu thông hiểu và truyền đạt bằng giao tiếp không hiệu quả thì vô cùng to lớn, điều đó có nghĩa là chúng ta cần một phương thức mà nhờ đó ngôn ngữ có thể bắt kịp với tốc độ phát triển của các nghiên cứu.
Trong lĩnh vực toán học, lời giải cho thế lưỡng nan này đã được thử nghiệm qua việc phát triển trường phái “tân toán học” đã được giảng dạy trong các trường tiểu học trên khắp đất nước. Tân toán học không giống một dạng thức tính toán mới mà là sự truyền đạt các ý tưởng toán học, không chỉ giải đáp các câu hỏi cái gì mà còn giải quyết câu hỏi tại sao, khiến cho sự hấp dẫn của việc hưởng thụ hay sử dụng một chiếc máy vi tính không còn là việc dành riêng cho các nhà khoa học nữa mà đã bắt đầu vươn tới gần các học sinh, sinh viên dưới những hình thức dễ hiểu hơn nhiều. Khoa học toán học không mới, song cách nói về nó thì rất mới. Chúng ta sẽ tự thấy mình trở nên lạc hậu và khiếm khuyết nếu vẫn khư khư sử dụng hệ thống số học của người Babylon, Mayan, Ai Cập hay La Mã. Mong muốn sử dụng toán học một cách sáng tạo đã mang đến những cách thức hệ thống hóa các khái niệm số học mới lạ. Trường phái tân toán học ngày nay vẫn tiếp tục phát triển theo khuynh hướng sáng tạo đó. Chúng ta ghi nhận và trân trọng tư duy sáng tạo của các hệ thống trước đây nhưng chúng ta không nhất thiết phải khiến công việc trong thời đại này gặp trở ngại bởi những phương thức đôi khi kém hiệu quả.
Đây cũng là quan điểm của tôi về thuyết Phân tích Tương giao. Tôi tôn trọng những nỗ lực tận tâm của các lý thuyết gia phân tâm học đã bỏ ra trong quá khứ. Điều tôi muốn trình bày trong quyển sách này chính là một cách thức mới để truyền đạt những ý tưởng cũ, đồng thời trình bày những ý tưởng mới theo cách thật rõ ràng, sáng sủa. Đây không phải một cuộc công kích mang tính thù địch hay phản đối các thành quả của thế hệ tiền bối, đây chỉ là một phương tiện tập hợp những bằng chứng không thể chối cãi rằng những phương pháp cũ đã không còn hoạt động hiệu quả nữa.
Chuyện kể rằng có một người nông dân già, vụng về ngồi sửa một cái bừa gỉ sét trên con đường làng thì gặp một chàng trai trẻ tuổi sốt sắng đến từ Dịch vụ Khuyến nông của trường đại học. Người này đã thực hiện nhiều cuộc gọi từ nông trại này đến nông trại khác với mục đích bán một cuốn cẩm nang mới, viết về bảo tồn đất đai và các kỹ thuật canh tác hiện đại. Sau màn chào hỏi lễ phép và lịch thiệp, chàng trai trẻ hỏi người nông dân rằng liệu ông có muốn mua quyển sách mới này hay không. Người nông dân già đáp lời: “Con trai, ta còn chưa canh tác tốt được bằng một nửa những gì ta đã biết nữa kìa”.
Mục đích của quyển sách này không chỉ là trình bày những điều mới mẻ, mà còn nhằm trả lời câu hỏi tại sao người ta lại không thể sống một cuộc sống tốt đẹp như họ biết mình có thể. Người ta có thể biết các chuyên gia có vô vàn thứ để nói về hành vi con người, nhưng những kiến thức ấy dường như không có chút ảnh hưởng nào đến tình trạng bức bối, đến cuộc hôn nhân đổ vỡ hay đến lũ trẻ ngỗ nghịch của họ. Họ có thể bật chương trình Dear Abby10 để nhận những lời khuyên hay có thể tìm cho mình sự vui thú trong Peanuts11, nhưng liệu có bất cứ điều gì vừa sâu sắc vừa đơn giản có liên quan đến những động lực hành vi ẩn sâu bên trong mà có thể giúp họ tìm ra lời giải cho các vấn đề thâm căn cố đế của mình hay không? Liệu có bất kỳ thông tin sẵn có nào có thể vừa đúng sự thật và vừa giúp ích cho họ hay không?
10 Một chuyên mục phát thanh cung cấp những lời khuyên được thực hiện bởi Pauline Phillips vào năm 1956.
11 Một chuyên mục truyện tranh hài hước đăng trên nhật báo, được sáng tác bởi Charles M. Schulz.
Cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên của chúng tôi cho đến những năm gần đây đã luôn bị hạn chế bởi thực tế rằng chúng ta hiểu biết tương đối ít ỏi về cách não bộ con người lưu trữ ký ức và cách ký ức này bị khơi dậy để sản sinh ra sự bạo hành chuyên chế của quá khứ trong cuộc sống hiện tại – cũng như để mang đến những kho tàng quý giá.
BÁC SĨ PHẪU THUẬT NÃO VÀ THIẾT BỊ DÒ ĐIỆN
Bất kỳ giả thuyết nào đặt ra cũng phải phụ thuộc vào sự kiểm chứng dựa trên những bằng chứng có thể quan sát được. Mãi tới gần đây, có rất ít bằng chứng về cách thức não bộ thực hiện các chức năng nhận thức; hay chính xác thì làm thế nào và những tế bào nào trong não bộ chịu trách nhiệm lưu trữ ký ức. Có bao nhiêu ký ức được giữ lại? Ký ức có thể biến mất không? Ký ức mang tính khái quát hay cụ thể? Tại sao một số ký ức lại dễ dàng truy xuất hơn những ký ức khác?
Một nhà nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực này là bác sĩ Wilder Penfield, một nhà giải phẫu thần kinh đến từ Đại học McGill ở Montreal, người mà vào năm 1951 đã bắt đầu trình ra bằng chứng hết sức thú vị để xác minh và điều chỉnh các quan niệm mang tính lý thuyết – những bằng chứng được phát biểu một cách hệ thống hóa nhằm trả lời những thắc mắc trên12. Trong quá trình phẫu thuật não bộ khi điều trị cho các bệnh nhân mắc chứng động kinh cục bộ, Penfield đã tiến hành một loạt các thí nghiệm, trong đó ông kích thích vào vùng vỏ não thùy thái dương của bệnh nhân bằng một dòng điện cường độ nhẹ được truyền qua một thiết bị dò điện. Các quan sát về phản hồi của não bộ đối với những kích thích ấy của ông đã được tích lũy suốt nhiều năm. Trong mỗi trường hợp, bệnh nhân dưới tác dụng của chất gây tê tại chỗ vẫn có khả năng trò chuyện với bác sĩ Penfield. Suốt tiến trình thực hiện các thí nghiệm này, ông đã nghe được nhiều điều lý thú đáng kinh ngạc.
12 W. Penfield, “Memory Mechanisms”, A.M.A. Archives of Neurology and Psychiatry 67 (1952), trang 178–198, với những cuộc thảo luận của L. S. Kubie và cộng sự. Các trích dẫn khác từ Penfield và Kubie trong chương này đều cùng nguồn tư liệu trên.
(Vì quyển sách này được viết ra với mục đích trở thành một hướng dẫn thiết thực cho những ai muốn nắm bắt thuyết Phân tích Tương giao thay vì là một luận văn nặng tính khoa học kỹ thuật, nên tôi muốn nói rõ rằng những dữ kiện được nhắc tới sau đây, lấy từ nghiên cứu của Penfield – tài liệu duy nhất trong quyển sách này có màu sắc kỹ thuật – được lồng vào chương đầu tiên vì tôi tin nó cần thiết để thiết lập một cơ sở khoa học cho tất cả những thông tin sau đó. Bằng chứng chỉ ra rằng mọi thứ mà chúng ta nhận biết được một cách có ý thức đều được ghi lại một cách chi tiết rồi được lưu trữ trong não bộ và có thể được “phát lại” trong hiện tại. Các dữ kiện sau đây có thể đảm bảo mang đến nhiều hơn là chỉ một bài đọc đơn thuần nhằm đánh giá đầy đủ những phát hiện của Penfield.)
Penfield đã phát hiện ra rằng sự kích thích từ điện cực của thiết bị dò có thể thúc đẩy sự hồi tưởng một cách rõ ràng và sống động ký ức của bệnh nhân. Penfield thuật lại: “Trải nghiệm tinh thần nảy sinh từ sự kích thích sẽ dừng lại khi điện cực được rút ra và có thể nảy sinh trở lại khi điện cực được đưa vào”. Ông đưa ra các ví dụ như sau:
Đầu tiên là trường hợp của S. B. Sự kích thích tại điểm số 19 trong nếp nhăn đầu tiên của thùy thái dương bên phải đã khiến anh ta lên tiếng: “Có một cây đàn piano ở đâu đây và ai đó đang chơi nó. Ông biết đấy, tôi có thể nghe thấy bản nhạc mà”. Khi vị trí đó được kích thích lần nữa mà không có sự báo trước, anh ta nói: “Ai đó đang nói chuyện với nhau”, và anh đề cập tới một cái tên, nhưng tôi không thể hiểu nó… nó giống như một giấc mơ vậy. Vị trí được kích thích lần thứ ba, cũng không có sự cảnh báo. Khi đó anh nói một cách tự nhiên: “Vâng, Oh Marie, Oh Marie! – Có người đang hát bài này”. Với lần kích thích thứ tư ở cùng vị trí, anh cũng nghe thấy cùng bài hát đó và lý giải rằng đó là bài hát chủ đề của một chương trình phát thanh.
Khi điểm số 16 được kích thích, anh nói trong lúc điện cực vẫn được giữ yên vị trí: “Ký ức như được khơi dậy. Tôi có thể nhìn thấy hãng nước đóng chai Seven-Up… Tiệm bánh mì Harrison”. Tiếp đó, anh được báo trước rằng anh đang được kích thích, nhưng kỳ thực điện cực không được đưa vào. Anh hồi đáp: “Không thấy gì”.
Ở một ca khác, bệnh nhân là D. F., khi một điểm ở mặt trên của thùy thái dương bên phải ở phía trong rãnh Sylvius được kích thích, bệnh nhân đã nghe thấy một bài hát đặc biệt phổ biến đang được chơi bởi một dàn nhạc. Các kích thích lặp lại đều làm nảy sinh cùng một bài hát như vậy. Trong quá trình điện cực được giữ yên một chỗ, cô ngân nga theo điệu nhạc, hát theo điệp khúc bài hát cô đang nghe.
Bệnh nhân L. G. đã được kích thích để trải nghiệm “một điều gì đó” đã xảy ra với anh trước đây, theo lời anh. Sự kích thích tại một điểm khác trên thùy thái dương khiến anh nhìn thấy một người đàn ông dắt theo một con chó đang đi trên con đường cạnh ngôi nhà của anh ở thôn quê. Một người phụ nữ khác thì nghe được một giọng nói mà cô không tài nào hiểu được trong lúc nếp nhăn đầu tiên của thùy thái dương được kích thích. Khi điện cực được đưa vào lần nữa ở gần vị trí ấy, cô ấy nghe được một tiếng gọi rõ ràng: “Jimmie, Jimmie” – Jimmie là biệt danh của người chồng trẻ mà cô vừa kết hôn gần đây.
Một trong những kết luận quan trọng của Penfield là điện cực của thiết bị dò chỉ khơi gợi một hồi ức đơn lẻ, chứ không phải một sự pha trộn các ký ức hay một ký ức mang tính khái quát.
Một kết luận khác của ông là sự phản hồi của não bộ với các kích thích của điện cực là không mang tính chủ ý:
Dưới tác động thúc ép của thiết bị dò, những trải nghiệm quen thuộc sẽ xuất hiện trong ý thức của bệnh nhân dù cho anh ta có muốn chú tâm vào nó hay không. Một bài hát vang lên trong tâm trí là thứ mà hầu như chắc chắn anh ta đã từng nghe nó trong một dịp nào đó. Anh ta thấy mình như một phần của một tình huống cụ thể đang diễn ra và tiến triển giống như trong tình huống gốc ban đầu. Đối với anh ta, nó giống như một vở kịch quen thuộc được diễn lại và anh ta vừa là một diễn viên vừa là một khán giả.
Có lẽ khám phá quan trọng nhất là không chỉ những sự kiện trong quá khứ được ghi lại một cách chi tiết mà cả những cảm xúc có liên quan tới những sự kiện ấy cũng vậy. Một sự kiện và cảm xúc được nảy sinh bởi sự kiện đó được gắn kết một cách chặt chẽ với nhau trong não bộ vì thế cái này không thể được khơi gợi mà không có cái kia. Penfield thuật lại:
Chủ thể cảm nhận lại một lần nữa cảm xúc mà tình huống gốc ban đầu đã tạo ra bên trong anh ta và anh ta nhận thức cùng một cách diễn giải, đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, mà chính anh đã nảy sinh trong lần trải nghiệm đầu tiên. Do đó, những hồi ức được khơi dậy không chỉ là sự phát lại một cách chính xác những hình ảnh hay âm thanh của những hoàn cảnh hay sự kiện trong quá khứ. Nó là một sự hồi sinh của những gì mà bệnh nhân đã nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và hiểu được trong quá khứ.
Những hồi ức được khơi dậy bởi các kích thích từ những trải nghiệm hàng ngày giống hệt như cách mà chúng đã được khơi dậy bằng cách nhân tạo trong thí nghiệm của Penfield. Trong cả hai trường hợp, việc hồi ức được khơi dậy có thể được miêu tả một cách chính xác như là sự sống lại hơn là chỉ nhớ lại ký ức. Bằng việc phản hồi lại các tác nhân kích thích, người ta sẽ được dịch chuyển ngay tức khắc về quá khứ. Tôi ở đó! Thực tế này có thể kéo dài chỉ trong một phần giây hoặc có thể nhiều ngày liền. Dựa theo những gì đã trải nghiệm, sau đó người này có thể ghi nhớ một cách có ý thức rằng anh ta đã ở đó. Chuỗi nối tiếp diễn ra trong quá trình hồi ức không chủ tâm là: (1) sống lại (cảm nhận tự động, không chủ ý) và (2) nhớ lại (suy nghĩ có ý thức, có chủ ý về sự kiện trong quá khứ đã sống lại kia). Phần lớn những gì chúng ta sống lại là những gì chúng ta không thể nhớ lại.
Hai bản báo cáo sau đây của hai bệnh nhân là minh họa cho cách thức mà các tác nhân kích thích trong hiện tại khơi dậy những cảm xúc trong quá khứ.
Một nữ bệnh nhân 40 tuổi thuật lại rằng một buổi sáng cô ấy xuống phố và khi đi ngang qua một cửa hàng đĩa nhạc, cô nghe thấy một giai điệu khiến lòng cô tràn ngập một nỗi thê lương. Cô thấy mình như kẹt vào một nỗi buồn không thể hiểu được và cường độ của nó “gần như không thể chịu nổi”. Không một suy nghĩ có ý thức nào của cô có thể lý giải được điều này. Sau khi cô mô tả cảm xúc của mình với tôi, tôi hỏi liệu có bất kỳ điều gì xảy ra trong những năm đầu đời của cô mà điệu nhạc đã gợi nhắc hay không. Cô nói rằng cô không thể tìm thấy bất kỳ liên kết nào giữa giai điệu ấy và nỗi buồn của mình. Vài ngày sau, cô gọi cho tôi và bảo rằng khi tiếp tục ngân nga giai điệu ấy hết lần này tới lần khác, cô bất ngờ nhìn thấy một hồi ức vụt qua, ở đó cô “nhìn thấy mẹ mình ngồi bên cây đàn piano và nghe thấy bà chơi bản nhạc này”. Mẹ cô đã qua đời khi cô mới năm tuổi. Vào thời điểm đó, cái chết của mẹ đã gây cho cô một cơn khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài dai dẳng suốt một khoảng thời gian sau đó, bất chấp những nỗ lực của gia đình muốn chuyển tình cảm mẹ con trong cô sang một người dì. Cô chưa từng nhớ rằng mình đã nghe qua bản nhạc này hay nhớ rằng mẹ cô đã từng chơi nó, mãi cho tới khi cô đi ngang qua cửa hàng bán đĩa nhạc. Tôi hỏi cô rằng liệu việc nhớ lại ký ức đầu đời này có làm sống lại cơn khủng hoảng trong cô hay không. Cô nói nó đã thay đổi bản chất của những cảm xúc của cô; trong cô vẫn tồn tại một cảm xúc u sầu khi nhớ lại cái chết của mẹ, nhưng nó không phải là một cảm giác thất vọng tràn ngập như cô từng cảm thấy ban đầu. Dường như giờ đây cô đang nhớ lại một cách có ý thức về thứ cảm xúc vốn dĩ là một sự sống lại của một cảm xúc. Trong giai đoạn thứ hai, cô ấy đã nhớ lại rằng mình đã cảm thấy như thế nào; còn trong giai đoạn đầu tiên, cảm xúc của cô giống chính xác như cảm xúc cô trải qua khi mẹ cô qua đời; ngay thời điểm đó, cô đang ở vào khoảnh khắc lúc năm tuổi.
Những cảm xúc tích cực cũng được khơi dậy theo cách tương tự. Chúng ta đều biết một mùi hương, một âm thanh hay một cái nhìn thoáng qua có thể tạo ra một niềm vui khôn tả như thế nào; đôi khi chúng diễn ra trong thoáng chốc nên hầu như không được để ý. Trừ khi chúng ta chú ý đến nó, bằng không chúng ta không thể nhớ được chúng ta đã trải nghiệm mùi hương, âm thanh hay cái nhìn đó ở đâu trước đây. Nhưng cảm xúc là thật.
Một bệnh nhân khác đã thuật lại một sự việc thú vị. Khi đang tản bộ dọc theo đường L của công viên Capitol ở Sacramento và ngửi thấy mùi vôi và lưu huỳnh – thường được cho là rất độc hại – được dùng như thuốc xịt lên cây, anh bỗng cảm nhận một niềm vui sướng vô tư. Việc khám phá tình huống căn nguyên nào đã tạo ra cảm xúc này khá dễ dàng đối với anh. Đây là loại thuốc xịt vốn được cha anh sử dụng vào đầu mùa xuân để xịt lên vườn táo của ông, và đối với bệnh nhân này, khi anh còn là một đứa trẻ, mùi hương này luôn đồng nghĩa với sự báo hiệu mùa xuân đang tới, mùa của những nhánh cây xanh rì, và cũng đồng nghĩa với mọi trải nghiệm vui sướng thỏa thích của đứa trẻ được phóng thích khỏi nhà sau nhiều tháng mùa đông lạnh giá. Cũng giống như trường hợp bệnh nhân đầu tiên, sự nhớ lại có ý thức về cảm xúc hơi khác so với sự bùng nổ cảm xúc nguyên gốc mà anh đã trải qua khi ngửi thấy mùi hương. Anh không thể bắt lại được cảm xúc khoan khoái, bộc phát tự nhiên như sống lại quá khứ mà anh đã có trong khoảnh khắc ấy. Giờ đây, nó giống như anh có cảm nhận về một cảm nhận của mình hơn là tự thân cảm nhận ấy.
Điều này minh họa cho một kết luận khác của Penfield: Kho lưu trữ ký ức vẫn còn nguyên vẹn ngay cả sau khi khả năng nhớ lại nó của chủ thể đã không còn.
Hồi ức khơi dậy từ thùy thái dương giữ được những đặc tính chi tiết của trải nghiệm gốc. Khi nó được đưa vào ý thức của bệnh nhân, trải nghiệm dường như đang diễn ra trong hiện tại, có lẽ bởi vì tự nó chống lại sự chú ý của anh ta theo cách không thể cưỡng lại được. Chỉ khi nó kết thúc, anh ta mới có thể nhận ra rằng nó là một ký ức sống động đến từ quá khứ.
Một kết luận khác mà chúng ta có thể rút ra được từ những phát hiện này là não bộ hoạt động như một chiếc máy ghi có độ trung thực cao, lưu giữ mọi trải nghiệm của chúng ta từ lúc lọt lòng, thậm chí là trước đó nữa, lên một “cuộn băng”. (Quá trình lưu trữ thông tin trong não bộ chắc chắn là một quá trình mang tính sinh hóa, liên quan đến việc giản lược và mã hóa dữ liệu mà chúng ta không thể hiểu được một cách đầy đủ. Tuy nhiên, đơn giản nhất thì có thể lý giải quá trình hoạt động của ký ức bằng hoạt động của một cuộn băng có tính năng ghi âm, ghi hình. Nhưng trọng điểm cần lưu ý là một khi việc ghi nhận đã được thực hiện, thì quá trình phát lại sẽ có độ trung thực cao.) Như Penfield đã nói:
Bất cứ khi nào một người bình thường dành sự chú tâm có ý thức cho một điều gì đó, anh ta đồng thời đang ghi nhận nó lên vùng vỏ não thái dương hai bên bán cầu não của mình.
Những sự ghi nhận này diễn ra theo trình tự và liên tục.
Khi điện cực được đặt vào vùng vỏ não ký ức, nó có thể tạo ra một bức tranh trong tâm trí, nhưng bức tranh này thường không ở dạng tĩnh. Nó biến đổi, như đã biến đổi khi lần đầu được nhìn thấy trong tình huống gốc, và biến đổi khi chủ thể đã có thể điều hướng cái nhìn của anh ta. Nó diễn tiến theo những gì quan sát được trong tình huống gốc liên tiếp trong nhiều giây hoặc nhiều phút. Bài hát được tạo ra bởi sự kích thích lên vỏ não sẽ diễn tiến chậm rãi, từ lời này sang lời khác, từ đoạn phân khúc cho đến điệp khúc.
Penfield tiếp tục kết luận rằng mạch liên tục của những hồi ức dường như được khơi dậy theo diễn tiến thời gian. Mô hình gốc sẽ được tái hiện trong một chuỗi liên tiếp của thời gian.
Mạch thời gian liên tiếp dường như có kết nối với những thành tố của các hồi ức được khơi dậy. Nó cũng cho thấy rằng chỉ có những thành tố giác quan nào được cá nhân sử dụng trong quá trình tập trung sự chú ý thì mới được ghi lại chứ không phải toàn bộ kích thích lớn nhỏ đến các giác quan đều được gửi dồn dập đến hệ thần kinh trung ương.
Sự khơi dậy của những chuỗi ký ức phức tạp dường như diễn ra theo cách mỗi một ký ức chúng ta nhớ lại đều có một lối mòn thần kinh riêng biệt.
Điều đặc biệt có ý nghĩa trong sự hiểu biết của chúng ta về cách mà quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại chính là việc quan sát thấy rằng vùng vỏ não thái dương đã được sử dụng trong việc diễn giải các trải nghiệm hiện tại.
Các ảo giác... có thể được tạo ra bởi sự kích thích vào thùy thái dương… và sự nhiễu loạn được hình thành là một trong những phán xét có liên quan tới trải nghiệm hiện tại – một sự phán xét rằng kinh nghiệm đó là quen thuộc hay xa lạ hay vô lý; rằng các khoảng cách và kích cỡ đã bị thay đổi, và thậm chí nhận định rằng tình huống hiện tại rất đáng sợ.
Có những ảo giác về nhận thức và một nghiên cứu về chúng dẫn đến việc người ta tin rằng một trải nghiệm mới bằng cách nào đó đã được phân loại ngay lập tức cùng với những bản ghi lại trải nghiệm tương tự trước đây, nhờ đó mà sự phán xét về dị biệt hay tương đồng có thể diễn ra. Ví dụ, sau một khoảng thời gian dài không gặp nhau, hai người bạn hẳn sẽ khó gợi được những ký ức chính xác và chi tiết về người bạn cũ, thế nhưng khi gặp lại nhau, họ vẫn có thể lập tức nhận ra những thay đổi mà thời gian đã hằn dấu lên người kia. Họ nhận ra hầu hết những thay đổi – những vết hằn trên gương mặt, sự thay đổi kiểu tóc, sự trĩu xuống của đôi vai.
Penfield kết luận:
Bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của “những mô hình” vỏ não làm nhiệm vụ bảo tồn các chi tiết của trải nghiệm hiện tại – như cách một thư viện lưu trữ nhiều tài liệu. Bằng chứng này là một trong những bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới sự phát triển của lĩnh vực sinh lý học về tâm trí. Bản chất của mô hình, cơ chế hình thành và cơ chế hoạt động theo sau của nó, quá trình tổng hợp định hình nền tảng của ý thức – tất cả rồi sẽ đến lúc được diễn dịch thành các công thức sinh lý học.
Tiến sĩ Lawrence S. Kubie ở Baltimore, một trong những nhà phân tâm lỗi lạc của đất nước, người đã bàn về luận án của Penfield, từng phát biểu vào cuối buổi thuyết trình:
Tôi hết sức biết ơn cơ hội được thảo luận về luận án của bác sĩ Penfield… vì sự kích thích lớn lao mà bản thân luận án này đã đem đến cho trí tưởng tượng của tôi. Thật vậy, nó đã giữ tôi trong trạng thái sôi sục đê mê suốt hai tuần vừa qua, cảm tưởng như những mảnh ghép của trò chơi xếp hình được đặt vào đúng vị trí thích hợp và bức tranh toàn cảnh mà những công việc tôi tiến hành trong những năm gần đây như được soi sáng phần nào. Thông qua những hoạt động thí nghiệm mà bác sĩ Penfield đã trình bày, tôi cảm giác như thể Harvey Cushing và Sigmund Freud đang bắt tay nhau trong một buổi gặp gỡ đã bị trì hoãn một thời gian dài giữa trường phái phân tâm học và giải phẫu thần kinh hiện đại.
Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng:
Các thí nghiệm của Penfield chứng minh rằng chức năng trí nhớ – vốn thường được xem xét theo các thuật ngữ tâm lý – thực ra cũng mang tính sinh học. Chúng ta chưa thể trả lời được câu hỏi lâu đời rằng tâm trí tương liên mật thiết với cơ thể như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý đến những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực nghiên cứu di truyền về cách sự di truyền được lập trình trong phân tử RNA. Tiến sĩ Holgar Hyden người Thụy Điển đã đưa ra kết luận:
Khả năng nhớ lại quá khứ một cách có ý thức chắc chắn là thuộc về một cơ chế chủ đạo mang tính sinh học nói chung. Một liên kết chặt chẽ với cơ chế di truyền là rất quan trọng, và đặc biệt trong mối quan hệ này, phân tử RNA sẽ đáp ứng được nhiều điều kiện cần thiết bằng những khả năng của mình.
H. Hyden, The Biochemical Aspects of Brain Activity
Các bằng chứng có thể quan sát mà chúng ta có được từ những nghiên cứu sinh học này hỗ trợ và giúp giải thích cho các bằng chứng có thể quan sát thấy ở hành vi con người. Chúng ta phải làm sao áp dụng phương pháp khoa học để nghiên cứu hành vi, sao cho các phát hiện của chúng ta cũng chính xác và hữu ích tương tự như các phát hiện của Penfield.
MỘT ĐƠN VỊ KHOA HỌC CƠ BẢN - SỰ TƯƠNG GIAO
Một trong những lý do chính gây nên những chỉ trích đối với khoa học tâm lý trị liệu rằng đây không phải là một ngành khoa học, đồng thời xuất hiện nhiều bằng chứng bất đồng ý kiến trong lĩnh vực này chính là không có bất kỳ đơn vị cơ bản nào để thực hiện các nghiên cứu và quan sát. Khó khăn mà ngành tâm lý trị liệu gặp phải cũng là khó khăn mà các nhà vật lý học phải đối mặt trước khi có sự ra đời lý thuyết phân tử, cũng như khó khăn mà các bác sĩ phải đương đầu trước khi phát hiện ra vi khuẩn.
Eric Berne, người khởi xướng lý thuyết Phân tích Tương giao, đã khoanh vùng và xác định được đơn vị khoa học cơ bản này:
Đơn vị của một sự trao đổi mang tính xã hội được gọi là một sự tương giao. Nếu hai hoặc nhiều người gặp gỡ nhau… không sớm thì muộn, một trong số họ sẽ nói chuyện hoặc gửi đi một số dấu hiệu khác nhằm công nhận sự hiện diện của những người khác. Đây được gọi là một kích thích tương giao. Rồi một người khác sẽ nói hoặc làm một điều gì đó liên quan đến kích thích nhận được và đó được gọi là một sự hồi đáp tương giao.
E. Berne, Games People Play
Phân tích Tương giao là phương pháp khảo sát một tương giao như vậy, trong đó “Tôi làm điều gì đó với bạn và bạn làm điều gì đó đáp lại tôi” và xác định xem thực thể nào của một cá nhân đa-bản-chất đang “hiện diện”. Trong chương tiếp theo, “Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em”, ba thành phần của sự đa dạng bản chất ấy sẽ được xác định và mô tả.
Phân tích Tương giao còn là phương pháp hệ thống hóa thông tin thu được từ việc phân tích các tương giao này bằng các ngôn từ có cùng ý nghĩa, theo định nghĩa, dành cho tất cả mọi người đang sử dụng chúng. Ngôn ngữ này rõ ràng là một trong những sự phát triển quan trọng nhất của hệ thống. Sự hòa hợp về ý nghĩa của từ ngữ cộng với sự hòa hợp về những gì cần khảo sát là hai chìa khóa mở ra cánh cửa của “những bí ẩn về lý do mọi người hành động như họ đang làm”. Đây chắc chắn không phải là thành tựu nhỏ.
Vào tháng Hai năm 1960 tôi có cơ hội nghe một bài nghị luận hấp dẫn, kéo dài một ngày của Tiến sĩ Timothy Leary, người vừa mới gia nhập Khoa Quan hệ Xã hội của trường Đại học Harvard. Ông đã có buổi nói chuyện với các nhân viên của bệnh viện DeWitt State ở Auburn, California, nơi tôi là Giám đốc bộ phận Giáo dục Chuyên nghiệp. Bất chấp những phản ứng tranh cãi mà hiện giờ ông có thể đã gợi lên với việc hiến thân mình sử dụng ma túy để theo đuổi trải nghiệm ảo giác, tôi vẫn muốn sử dụng một số nhận xét của ông ở đây, bởi vì chúng thể hiện vấn đề một cách rõ rệt và có thể giải thích những gì mà ông gọi là “tiến trình ngoằn ngoèo của sự vỡ mộng liên tục”. Ông tuyên bố rằng một trong những nỗi thất vọng lớn nhất của ông trong tư cách một nhà trị liệu tâm lý chính là không có khả năng khám phá ra một cách thức để chuẩn hóa ngôn ngữ và sự quan sát hành vi con người13:
13 T. Leary, trong bài phát biểu tại bệnh viện DeWitt State, Auburn, California vào ngày 23 tháng Hai năm 1960. Các trích dẫn khác từ Leary ở những phần khác trong cuốn sách đều được trích từ bài phát biểu này.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài bối cảnh quá khứ của sự đình trệ trong hiểu biết của tôi với tư cách là một nhà khoa học tâm lý. Khi nhìn lại, tôi có thể thấy rằng sự thiếu hiểu biết của tôi có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, giai đoạn mà có thể xem là lúc hạnh phúc nhất đến giờ, bạn có thể gọi nó là giai đoạn khờ khạo một cách ngây thơ, khi tôi bị chiếm hữu bởi quan niệm rằng có tồn tại một số bí mật nhất định về bản chất con người, một số luật lệ và quy tắc, một số mối quan hệ nhân quả, và rằng thông qua nghiên cứu, thông qua trải nghiệm, thông qua việc đọc, một ngày nào đó tôi có thể chia sẻ những bí mật này và có khả năng áp dụng kiến thức của tôi về các quy tắc của hành vi con người để giúp đỡ người khác.
Trong giai đoạn thứ hai, có thể được gọi là thời kỳ ảo tưởng của sự hiểu biết, với phát hiện gây phiền nhiễu là một mặt tôi biết mình chưa biết những bí mật đó là gì, song mặt khác đột nhiên tôi phát hiện ra rằng người ta đang nhìn tôi như thể tôi có thể đã biết bí mật đó, hay đã đến gần với bí mật đó hơn họ. Không có bất kỳ nghiên cứu nào mà tôi từng thực hiện và cũng chẳng có bất kỳ hoạt động nào của tôi cung cấp được dù chỉ một bí mật, nhưng một lần nữa, tôi luôn có thể nói “Vâng, chúng tôi chưa có đủ các trường hợp cần thiết để tìm ra nó”, hoặc “chúng tôi cần phải cải tiến phương pháp”, và có rất nhiều lời tuyên bố khác mà tôi chắc chắn bạn đã quá quen. Người ta có thể trì hoãn thời khắc nhận ra một sự thật đau đớn – nhưng cuối cùng nó cũng trở nên “rõ như ban ngày” – rằng mặc dù nhiều người có thể tìm kiếm và lắng nghe bạn, mặc dù bạn có các bệnh nhân và sinh viên đến tham dự các buổi hội nghị với khao khát có được bí mật từ bạn, nhưng bạn bắt đầu nghĩ ngợi rằng có thể bạn không biết mình đang nói về cái gì.
Sau sự thú nhận hiếm hoi và rõ ràng về những ngờ vực mà rất ít những nhà tâm lý học trị liệu dám khẳng định dù nhiều người trong số họ đã ít nhiều cảm nhận được, Leary tiếp tục việc miêu tả nhiều loại nghiên cứu khác nhau về thử nghiệm, lập danh mục và hệ thống hóa, vốn chiếm dụng nhiều thì giờ của ông và đội ngũ của mình. Thế nhưng, trong nỗ lực này, ông đã phải đối mặt với những vấn đề xuất phát từ việc không có một ngôn ngữ chung và một đơn vị chung để thực hiện các quan sát:
Những sự kiện tự nhiên nào luôn luôn tồn tại vĩnh viễn ở một dạng thức mà chúng ta có thể kể đến? Thay vì nghiên cứu hành vi tự do mang tính tự nhiên, tôi đã thử nghiệm với khả năng phát triển các ngôn ngữ tiêu chuẩn để phân tích bất kỳ tương giao tự nhiên nào. Trong tất cả những ý thơ, các nốt nhạc và những lời hát mà chúng ta sử dụng, những từ ngữ như “tiến triển”, “giúp đỡ” và “cải thiện” đều rất xa vời. Chúng ta hoạt động trong đời sống với rất ít thông tin về bản thân và những người khác. Tôi không có bất kỳ lý thuyết nào về các biến số mới trong tâm lý học, không có những từ ngữ mới hay ngôn ngữ tâm lý học mới nào. Tôi đơn giản là đang cố gắng phát triển những cách thức mới để cung cấp lại cho nhân loại thông tin về những gì họ đang làm và những huyên náo mà họ đang tạo ra. Điều thú vị nhất trên thế giới đối với tôi lúc này là tìm ra sự khác biệt giữa những người tham gia vào cùng một sự tương tác. Bởi lẽ một khi bạn hiểu được nó, bạn đã có trong đầu một câu hỏi – “Nó đã xảy ra như thế nào?”.
Ông lấy làm tiếc vì sự thiếu vắng một ngôn ngữ chuẩn hóa để mô tả hành vi con người, trong khi ngay những người môi giới chứng khoán, người bán xe ô-tô và các cầu thủ bóng chày còn làm điều đó tốt hơn:
Ngay cả người bán xe ô-tô cũng có những cuốn sách bỏ túi của riêng họ và họ thực sự còn giỏi về khoa học hành vi hơn những người vỗ ngực tự xưng là chuyên gia như chúng ta. Trong giới thể thao, mỗi cầu thủ bóng chày với hành vi tự nhiên của mình đều được ghi nhận dưới dạng những chỉ số, chẳng hạn như điểm Chạy-Đánh hoặc điểm Chạy-Trung bình. Để hiểu và đưa ra những dự đoán trong môn bóng chày, nếu bạn quyết định mình sẽ đánh lừa người đứng ở vị trí đầu tiên (first baseman) để tiến đến cầu thủ giao bóng thuận tay phải, bạn có rất nhiều chỉ số hành vi. Họ không dùng những ngôn ngữ thơ mộng như “Anh ta chạy theo quả bóng như một con nai” hay “Anh ta là một người chặn bóng đầy ám ảnh”. Họ có xu hướng vận dụng những hành vi.
Tôi đã theo đuổi một huyền thoại khi cố gắng tìm ra bí mật. Tôi muốn tiến bộ và trở thành một nhà trị liệu, một nhà chẩn bệnh lành nghề. Tất cả những hy vọng đó của tôi đều dựa trên giả định rằng có tồn tại các luật lệ, các quy tắc, các bí mật, các kỹ thuật mà tôi có thể áp dụng và rằng việc nghiên cứu và tìm tòi có thể giúp chúng ta giải mã những bí mật ấy.
Các nhà Phân tích Tương giao tuyên bố đã tìm thấy một số quy luật trong số đó. Chúng tôi tuyên bố đã tìm ra một thứ ngôn ngữ mới của ngành tâm lý học, điều mà Leary cảm thấy cần thiết, và chúng tôi dám tự nhận rằng mình đã có một sự am hiểu sâu sát về bí mật của hành vi con người nhiều nhất từ trước tới nay.
Trong Chương 1 này, tôi đã trình bày một số thông tin cơ bản đã được chứng minh là hữu ích cho rất nhiều người từng được trị liệu trong các nhóm của tôi, bằng việc sử dụng Phân tích Tương giao như một công cụ trí tuệ để hiểu được cơ sở của hành vi và cảm xúc con người. Công cụ thường sẽ hoạt động tốt hơn và có nhiều ý nghĩa hơn nếu chúng ta có một số ý niệm về việc nó đã được phát triển như thế nào và khác biệt ra sao. Nó được phát triển từ nguồn dữ liệu xác thực, đáng tin cậy hay lại chỉ là một lý thuyết khác? Liệu quyển sách Games People Play của Berne trở thành quyển sách bán chạy nhất bởi nó hợp mốt nhất thời hay do nó cung cấp cho người ta sự hiểu biết dễ dàng và những ý tưởng xác thực về chính bản thân họ, giúp họ khám phá sự ảnh hưởng của quá khứ lên những trò chơi14 mà họ đang chơi mỗi ngày trong hiện tại? Trong chương tiếp theo, chúng ta bắt đầu mô tả kỹ càng về công cụ này, bằng các định nghĩa rõ ràng về Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em. Vì ba thuật ngữ này có những ý nghĩa đặc trưng và bao hàm những ý nghĩa khác biệt so với ý nghĩa thông dụng nên chúng sẽ được viết hoa trong suốt quyển sách. Như bạn sẽ khám phá được trong chương tiếp theo, Cha Mẹ không giống như cha và mẹ thông thường, Người Lớn có một ý nghĩa rất khác với sự lớn lên, và Trẻ Em không hàm ý nói về một người nhỏ tuổi.
14 Trò chơi (game) là một thuật ngữ được dùng trong thuyết Phân tích Tương giao. “Trò chơi” bao gồm một loạt những tương giao có trình tự giữa hai con người, mang lại những phần thưởng bên trong những tương tác kích thích được trao đổi qua lại giữa hai đối tác. Phần thưởng của một trò chơi chính là một cảm xúc quen thuộc kéo dài dưới dạng trầm uất, giận dữ, hụt hẫng, ganh ghét,… hoặc dưới dạng chinh phục, chiến thắng, chính nghĩa,… mà con người mong muốn nhận được. Thuật ngữ này đã được giới thiệu và trình bày cụ thể trong cuốn Games People Play của Eric Berne.