Tôi nghĩ rằng ba câu chuyện của ba người Việt yêu nước Nam bằng ba cách khác nhau mà tôi muốn kể với các bạn rất có ý nghĩa với cuộc đời của không chỉ tôi, của bạn mà bất kỳ người con nào có may mắn sinh ra trên mảnh đất hình chữ S này. Họ là một người bạn cũng là một người lãnh đạo như tôi, một người thầy đã mất và một cậu học trò đặc biệt của tôi.
Yêu nước hoặc cống hiến cho dân tộc không có nghĩa là phải làm những gì thật to tát. Tùy theo sức của mình, mỗi người có những cách cống hiến khác nhau. Nếu mỗi người, trong vị trí của mình, thật sự biết tự hào về đất nước, về dân tộc, biết làm hết sức cho cộng đồng, cho xã hội thì tất cả sẽ đẹp biết bao.
1. Chuyện anh Tân
Thế giới có ba sự kiện lớn nhất, lôi cuốn sự quan tâm lớn của cả hành tinh. Đó là giải vô địch bóng đá thế giới World Cup, Olympic và Triển lãm Quốc tế Expo. Các kỳ Expo gần đây đã thực sự thu hút các quốc gia và dân cư toàn cầu. Triển lãm Quốc tế Expo thường không mang tính thương mại mà đây là những chủ đề lớn thực sự thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Thật là một vinh dự lớn khi được đăng cai Triển lãm Quốc tế Expo. Thật sự phải cố gắng hết sức để thể hiện bản sắc dân tộc, để quảng bá hình ảnh quốc gia mình ra với thế giới. Ai cũng mong “ngôi nhà” của nước mình thật ấn tượng và thu hút thật nhiều người đến tham qua. Anh Tân, Tổng Giám đốc Triển lãm Giảng Võ được giao trọng trách cao cả và lớn lao này.
Năm 2010, Triển lãm Quốc tế Expo diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Rất ít người biết rằng nước chủ nhà đã rót ra một khoản tiền kỷ lục - 45 tỷ đô la để xây dựng khu triển lãm này. Theo chỗ tôi biết, chưa bao giờ có một quốc gia nào bỏ ra số tiền lớn đến vậy.
Triển lãm Expo thực sự là một cuộc so tài. Một cuộc thi mang đẳng cấp quốc tế lớn thuộc diện nhất thế giới. Ai cũng biết, nước Việt Nam nghèo, nhiều thứ chưa thể bằng người ta được. Vậy thì mình sẽ mang chuông gì đi đánh nước người, trong khi có đến 104 quốc gia tham gia.
Ấy vậy mà Việt Nam yêu quý của chúng ta lại trở thành một trong những “ngôi nhà” đứng đầu. Anh bạn Tân của tôi kể những câu chuyện đầy tự hào và xúc động. Tôi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Anh khẳng định rằng người Việt Nam rất thông minh và có những lợi thế riêng mà không có nước nào có thể sánh bằng.
Những con số biết nói: 8 triệu người tham quan “ngôi nhà” Việt Nam, trong khi “ngôi nhà” Mỹ chỉ thu hút được 7 triệu lượt khách tham quan. Về tài chính, Việt Nam chúng ta chỉ có vẻn vẹn 3 triệu đô la, còn nước Mỹ đổ vào hơn 70 triệu. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi thật sự khâm phục anh Tân và vô cùng biết ơn một anh bạn quen khác tên là Nghĩa, người đã học ở Nhật về, đã thi công công trình này. Anh Nghĩa cùng anh Tân và nhóm dự án đã bằng tâm của mình thể hiện nghĩa tình tuyệt vời đối với nước Nam, đối với dân tộc Việt.
Ngôi nhà Việt Nam của chúng ta khi mang đi thi luôn thể hiện rất nhiều thứ thầm kín và sâu lắng trong đó. Điều này các bạn bè quốc tế cảm nhận được rất rõ. Họ thật sự cảm phục tinh thần Việt, trí tuệ Việt, văn hóa Việt.
Một thông tin khác cũng chắc làm giật mình những ai chưa biết đến hay chưa tin vào tinh thần và sức mạnh Việt Nam: triển lãm tiếp theo ở Hàn Quốc, chúng ta cũng được giải ba, Huy chương Đồng. Thật đáng khâm phục, đúng không ạ.
Trong buổi gặp nhau mới đây nhất, anh Tân cho biết, chủ đề của Triển lãm Expo 2015 tại Milan, Italia là “Nuôi dưỡng hành tinh, năng lượng cuộc sống”. Vấn đề là ở chỗ dân số toàn cầu đang tăng lên rất nhanh nhưng các sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn thực phẩm không thể theo kịp. Vấn đề không chỉ là đủ lương thực cho công dân toàn thế giới mà thêm vào đó là an toàn thực phẩm. Đây là câu chuyện không phải của nước giàu hay nghèo, lớn hay bé, xa hay gần mà là vấn đề cấp bách cho mọi quốc gia. Thông qua Triển lãm Quốc tế Expo người ta sẽ nhận ra thái độ của mỗi quốc gia, cách nhìn của mỗi nước. Để từ đó có thông điệp chung, để tất cả mọi quốc gia cùng nhau tìm ra giải pháp nuôi dưỡng hành tinh, tạo ra giá trị cuộc sống.
Chắc chắn bạn chưa biết, rằng Việt Nam ta sẽ thể hiện chủ đề “Nước và sen” tại Triển lãm Quốc tế Expo 2015 tại Milan. Nước và sen. Thật thú vị đúng không bạn khi chúng ta chọn nước và sen. Nước là khởi đầu của sự sống. Ở đâu có nước là có sự sống. Muốn biết có sự sống hay không cần xem có nước không. Nước tối quan trọng đối với sự sống của chúng ta. Tuy nhiên, muốn bảo vệ nước phải có sen. Mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm đóng góp vào cái chung, cùng cải tạo nước, để có nước sạch, có môi trường tốt.
Tôi lại giật mình. Ta quen gọi là nước Việt Nam. Tức nước của người Việt. Còn Thái Lan là Thailand, tức đất của người Thái. Hà Lan là Holland, tức đất của người Hà Lan. New Zealand, tức là đất của người New Zealand… Mình gọi là nước, thế giới gọi là đất. Hóa ra nước của chúng ta quan trọng như đất của họ. Giật mình lần nữa!
Sen sống trong đầm lầy, có khác gì cuộc sống hôm nay. Cuộc sống trên thế gian của thế kỷ 21 này có bao nhiêu là phiền não và sự cố, bao thảm họa và khó khăn, bao cạnh tranh và phức tạp. Sen cần mẫn cải tạo vùng bùn hôi thối, tanh tưởi. Để rồi tỏa ra hương thơm ngát cho đời. Thế kỷ 21 này, thế giới của chúng ta cần sen hơn bao giờ hết.
Sen vừa được chọn là biểu tượng của Việt Nam. Sen lại là biểu tượng của Đạo Phật mà Việt Nam ta là đất nước của Đạo Phật. Thật là tuyệt vời. Nước và sen.
Khi tôi hỏi nhỏ, năm nay chúng ta sẽ chi bao nhiêu tiền cho dự án lớn và quan trọng này, anh Tân nói rằng 1,3 triệu đô la. Tôi giật mình. Cứ ngỡ tiền sẽ tăng thêm chứ. Anh Tân bảo tôi, kinh tế khó khăn lại vướng Biển Đông bị Trung Quốc xâm chiếm nên phải tiết kiệm. Tôi lại quay sang anh Nghĩa: triển khai thế nào? Anh cười. Tuy nhiên, tôi biết rằng, với trí tuệ Việt, với tinh thần yêu nước thương dân rất cao, khó đâu sánh bằng, Việt Nam ta sẽ có một “ngôi nhà” ở Milan tuyệt vời. Chắc chắn là như vậy. Thêm một lần nữa tôi xin thành tâm biết ơn anh Tân. Và cả anh Nghĩa nữa.
2. Chuyện thầy Liễn
Thầy Liễn dạy tôi môn toán trong ba năm cấp 2. Từ năm 1976 đến 1979, tại xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thầy có họ tên đầy đủ là Nguyễn Đạt Liễn.
Thầy Liễn sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, nhà ở làng Xuân Đỉnh. (Sau này tôi đã có dịp may cùng thầy về thăm quê, khi đó chỉ còn một người em và những người cháu). Thầy học ở Hà Nội rồi không hiểu sao lại xin về vùng quê Thái Bình để dạy học.
Trong đời tôi mãi đến sau này, thậm chí đến kiếp sau, khó có thể quên được thầy. Thầy dạy toán rất hay, giảng rất dễ hiểu. Tôi mê nhất là thầy vẽ hình tròn bằng phấn lên bảng một vòng mà tròn xoe, không cần com-pa hay thước hoặc sợi dây như tôi và nhiều người khác. Tôi như nuốt lấy từng lời của thầy khi lên lớp.
Thầy Liễn thật sự giỏi. Giỏi lắm. Thầy Liễn thật sự dạy hay. Thầy thật sự tâm huyết với học sinh. Thầy Liễn có phương pháp sư phạm rất tuyệt vời. Tôi cũng thấy hiếm ai yêu trò, vì trò như thầy.
Ngày lớp 7, chúng tôi chuẩn bị thi cấp 3. Đó là năm 1979. Chúng tôi thi để được vào học trường cấp 3 Lê Quý Đôn ở bên Thị xã Thái Bình. Thường thì cả trường cấp 2 mấy trăm học sinh chúng tôi chỉ đâu đấy có hơn chục bạn đỗ vào cấp 3. Thời đó, cả xã tôi chỉ có hai hay ba anh chị được học đại học. Khó vô cùng. Cạnh tranh khốc liệt gấp nhiều lần ngày nay.
Thầy dạy thêm cho chúng tôi buổi chiều. Cả cô Xuyến dạy văn cũng dạy thêm buổi chiều cho chúng tôi. Không chỉ vậy, thầy Liễn còn ra quyết định phụ đạo ban đêm nữa. Thời đó làm gì có điện. Chúng tôi, lũ học trò, mang đèn dầu đến lớp. Không biết thầy mượn đâu ra chiếc đèn bão, sáng hơn, để ở trên bảng để chúng tôi nhìn rõ thêm một chút. Ôi thầy tôi, một người thầy nghèo mà tâm bao la rất Việt Nam.
Mà thầy Liễn tôi nghèo lắm. Thầy có một chiếc xe đạp nam không có cái chắn xích. Thầy phải lấy hai cái kẹp, kẹp hai bên ống quần mỗi khi đạp xe kẻo xích xe làm bẩn quần. Chiếc bàn đạp xe của thầy cũng không có mà tôi chỉ thấy một chiếc que thò ra đã bị dép thầy bào mòn và nhọn hoắt. Xe của thầy vá chằng vá đụp và thường có sợi dây cao su màu đen quấn quanh lốp xe, trông thật tội nghiệp.
Thầy Liễn thường đến lớp sớm. Và tôi cũng đến lớp sớm theo thầy. Đến để được bên thầy, được gần thầy sớm nhất.
Thầy Liễn có nụ cười rất sảng khoái, rất tươi. Thầy cười làm tôi vui. Thầy cười như khích lệ tôi học giỏi. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười của người thầy gầy gò mến yêu trong chiếc áo sơ mi trắng cộc tay đã cũ.
Hóa ra nhà thầy ở Thị xã Thái Bình, cách trường tôi chừng 5 km. Chính tôi và vài bạn đã đi bộ sang nhà thăm thầy. Nhà thầy lợp rạ. Ôi trời đất, thầy tôi giỏi thế mà lại ở trong ngôi nhà đắp đất lợp mái rạ giữa thị xã sầm uất này ư?
Đến nơi mới biết vợ thầy bị bệnh nặng nằm một chỗ. Tôi thương thầy đến xót ruột. Tôi quặn lòng lại khi biết thầy vẫn hết mình, ngày đêm vì lũ trò chúng tôi. Thầy chưa bao giờ bắt chúng tôi đóng một xu cho các buổi giảng trên lớp hay phụ đạo chiều và tối. Thầy đến tận các tổ học nhóm để thăm, để kiểm tra, để động viên và hướng dẫn. Ấy vậy mà lũ quỷ sứ vẫn có những đứa cố tình trốn học.
Hè 1979 thầy có nhờ bạn Thoa trong lớp hỏi mua cho thầy ít rạ ở quê để nhờ lợp lại. May thay, tôi ngày đó, cậu bé lớp 7 bé xíu, cũng biết góp chút công chút sức giúp thầy lợp lại mái nhà.
Ngày tôi đi thi, thầy theo dõi kỹ lắm. Chính thầy chấm điểm cho tôi và nói tôi được 5 điểm môn toán. Thầy tin rằng tôi đỗ cấp 3. Mà tôi đỗ thật. Một món quà lớn tặng thầy, báo ơn thầy.
Sau này tôi về học ở Hà Nội rồi đi Nga, đi Úc, đi Mỹ,… và lần nào về thăm quê, tôi cũng đến thăm thầy. Tôi hay mua quà cho thầy, nhất là trà và thuốc lá. Tôi đã ngăn và khuyên thầy bỏ thuốc nhưng thầy không bỏ được.
Tôi thương nhất khi vợ thầy qua đời. Thương lắm, thầy Liễn ơi. Tôi thương vô cùng khi những lần cuối về thăm thầy đã rất yếu. Dù bệnh và yếu đến mấy nhưng thầy vẫn nhận ra tôi.
Thầy Liễn mất thật rồi. Ngày đám tang thầy tôi không về được. Tiếc lắm. Đi đâu tôi cũng mang ơn thầy, cũng nghĩ đến thầy.
Có lẽ ít ai biết được bí quyết tại sao sau này tôi lại học giỏi đến vậy. Bởi tôi tự hào về thầy tôi. Bởi tôi biết ơn thầy tôi vô cùng, bởi tôi muốn học để trả ơn thầy. Một người thầy rất rất Việt Nam, thầy Liễn ơi.
3. Chuyện trò Phi
Phi gửi email cho tôi nói rằng em quyết định đạp xe xuyên Việt khắp 63 tỉnh thành. Tôi giật mình. Năm ngoái, một học trò khác của tôi là Cao Đức Thái cũng gọi điện báo tin sẽ chạy bộ xuyên Việt vì văn hóa đọc, tôi đã ngạc nhiên và rồi hết mình yểm trợ cho em. Nay lại đến Phi có những suy nghĩ và hành động lạ.
Chúng tôi ngồi bên nhau nhiều lần để cùng bàn. Tôi tự hào về cậu học trò tuổi mới hơn 20 này. Phi có bản lĩnh hơn hẳn tôi, em dám làm những điều mà tôi chưa dám. Em thật sự là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam đang vững bước tiến vào thế kỷ 21.
Phi đạp xe khắp 63 tỉnh thành trong một thời gian dài. Theo dự kiến sẽ ít nhất là 6 tháng, nhiều là một năm. Tuy nhiên cái đặc biệt của chuyến đi không chỉ là xuyên khắp 63 tỉnh thành của đất nước mến yêu hình chữ S.
Thứ nhất, Phi xuất phát mà trong tay chỉ có 2 triệu đồng. Em muốn khám phá chính mình, biết sống khác đi, muốn có những trải nghiệm đặc biệt. Như vậy em sẽ phải đi làm thêm, phải kiếm kế sinh nhai trong suốt chặng đường dài.
Kế hoạch của trò Phi làm tôi nhớ lại câu chuyện “Into the wild” mà tôi đã đọc bản tiếng Anh và sau này, Thái Hà Books đã ký hợp đồng bản quyền để xuất bản tiếng Việt tại Việt Nam. “Tìm trong hoang dã” là câu chuyện có thật về chàng trai trẻ Chris McCandless lớn lên ở một vùng ngoại ô giàu có thuộc Thủ đô Washington của nước Mỹ. Cậu từng đạt kết quả xuất sắc trong học tập, là một vận động viên tài năng, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Emory vào mùa hè năm 1990, McCandless biến mất. Cậu đổi tên, tặng toàn bộ số tiền 24.000 đô la trong tài khoản của mình cho quỹ từ thiện, bỏ lại chiếc ô tô cùng phần lớn đồ đạc, đốt cháy toàn bộ tiền mặt trong ví.
Chris McCandless tự tạo cho mình một cuộc sống mới, lối sống định cư bên lề của xã hội, lang thang qua Bắc Mỹ để kiếm tìm những trải nghiệm riêng, rất đặc biệt. Gia đình cậu không hề biết cậu ở đâu cho đến khi thi thể của cậu được tìm thấy ở Alaska.
Trong câu chuyện này, McCandless đã nhận ra rằng thiên nhiên hùng vĩ và có phần tương đồng với con người cậu. “Những con đường mòn tôi khai phá dẫn ra ngoài, chúng chạy thẳng lên đồi và xuống đầm lầy, nhưng chúng cũng dẫn vào bên trong. Và từ việc nghiền ngẫm những gì dưới chân nhờ đọc và suy nghĩ, tôi nghiệm ra một loại khám phá mới, đó là chính bản thân tôi và vùng đất này”.
Như vậy trò Phi người Việt Nam của tôi cũng là một McCandless của nước Mỹ. Phi đạp xe trong thiên nhiên Việt Nam để khám phá chính mình. Có lẽ em đã ngấm vào trong máu mình tinh thần mà tôi truyền đạt trong những khóa học trước đây “Khai phá tiềm năng vô hạn trong bạn”.
Sứ mệnh thứ hai của Phi là quyết định lan tỏa yêu thương đến muôn người. Cách em làm là nhận những bức thư tay của bất kỳ ai chuyển đến bất cứ địa điểm nào trên nước Việt Nam yêu quý của chúng ta. Việc làm của em là cánh tay dài kết nối Vườn Yêu Thương do tôi thành lập từ gần chục năm nay. Thật ngạc nhiên và xúc động khi bạn nhận được thư viết tay của những người thân thương và cả từ những người xa lạ nữa. Đúng không ạ.
Chuyện là thế này, trong bữa ngồi uống trà với nhà báo Hồ Thị Hải Âu, chị kể rằng Hiệu trưởng Đại học Harvard đích thân viết thư tay thông báo kết quả và mức học bổng cao nhất của em Lã Hồ Minh Khuê, con gái chị. Bức thư tay với nội dung rất xúc động làm chị bật khóc.
Tôi giật mình, từ ngày học ở Liên Xô về Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay hình như tôi chưa hề viết một lá thư tay nào. Mà hình như các bạn trẻ bây giờ cũng không có thói quen viết thư tay. Cái gì cũng email, nhắn tin và facebook…
Tôi thầm cảm ơn Phi và quyết tâm cao độ của em. Một nhiệm vụ tự đặt ra rất quan trọng và ý nghĩa.
Sứ mệnh thứ ba của cậu thanh niên trẻ này là cảm nhận những vẻ đẹp của từng vùng, từng miền của đất nước Việt Nam yêu quý. Mỗi nơi sẽ có những cảnh đẹp riêng khác nhau. Những ngày xuyên Việt là cơ hội để em cảm nhận tất cả cho chính mình. Đồng thời Phi cũng lan tỏa đến muôn nơi thông qua các hình vẽ, những bức ảnh, những bài viết. Phi muốn thật nhiều người Việt Nam (và không chỉ người Việt) cảm nhận được nét đẹp Việt, sự hùng vĩ Việt, thiên nhiên và con người Việt tuyệt diệu.
8 giờ 8 phút sáng ngày 8/8/2014, Phi xuất phát từ Sài Gòn. May thay Phi đã có thêm một người bạn đồng hành: Giang. Như vậy đôi bạn sẽ song hành cùng nhau như một đôi song mã. Hai chú ngựa sẽ phi thật nhanh, thật xa. Đôi bạn sẽ chảy như dòng sông, dòng sông lớn đầy bình an.
Tự hào lắm trò Phi yêu quý của tôi ơi!
Nguyễn Mạnh Hùng