Người Việt Nam như thế nào? Tự hào là người Việt Nam, nhưng tự hào sao cho đúng? Đó là những điều rất lớn.
Từ lâu nay, tôi không viết và nói gì về những điều quá lớn - những điều mình thường luận bàn khi trẻ, và khi không trẻ nữa thì lại thấy suy nghĩ, hiểu biết của mình quá thiếu để nói về những điều ấy.
Vì vậy, tôi sẽ chỉ kể đôi điều, về những người Việt Nam mà tôi đã gặp trong vài năm gần đây, kể từ khi chúng tôi thực hiện chương trình mang tên “Cơm có thịt”. Đúng như tên của nó, chương trình huy động đóng góp của mọi người, nhằm giúp bữa cơm của các em học sinh vùng núi cao có thêm chút dinh dưỡng.
Bác Hợi là người gửi tiền vào tài khoản của chương trình từ rất sớm. Tôi bắt đầu biết bác Hợi, khi ba anh chị em bác (bác Hiển, bác Hiền và bác Hợi - chắc bác Hợi là “út”), ba ông bà già đều đã về hưu, gửi ra cho các cháu 4,5 triệu đồng. Ngay sau đó, chắc do bác kể chuyện, một người bạn của bác từ Canada nhờ chuyển 5 triệu đồng cho “Cơm có thịt”. Những người có tuổi, từng trải bao chuyện trên đời, cũng chính là những người dễ xúc động nhất trước những nhọc nhằn thiếu thốn, khổ cực của người khác. Mà ở đây lại là những nỗi cực của trẻ con: chuyện miếng ăn, manh áo rét. Ít lâu sau, đoàn “Cơm có thịt” đi lên Bát Xát, gặp lúc rét gần 0 độ C, mà trẻ con có nhiều đứa không có cái áo nào khả dĩ che ấm người, chẳng ai cầm nổi nước mắt. Tất cả lao vào chiến dịch áo ấm. Khi đó bác Hợi được hãng Vinamilk, nơi bác làm việc trước khi về hưu, cho hai triệu đồng tiền ăn Tết. Bác vội gửi ra một triệu. Với một triệu của bác, 10 đứa trẻ vùng cao có áo ấm ngay đợt giá rét đó. Khổ, bác Hợi gửi tiền đi mà cứ lo không biết tiền có đến kịp vào thứ Hai, khi chúng tôi đi mua áo, hay không.
Có lần các ông bà về hưu gặp nhau (có thể là buổi sáng đi thể dục chăng), bác Hợi kể chuyện “Cơm có thịt” với một bác gái khác. Bác Hợi viết: “Bác Đào Hiên cũng là dân Vinamilk về hưu - đang bị mổ bốn đĩa đệm cột sống ngồi xe lăn - nghe kể chuyện cơm cơm thịt thịt - mắt chớp chớp - như bà ngoại của búp bê Barbi... thổn thức bác gửi hộ tôi 200 nghìn cho chúng nó với.”
Bác Hợi đọc bài “Con học xếp chữ” trên blog, thốt lên: “Nhìn bọn nhỏ nhớ ngay đến các cháu nhỏ trong nhà… nhất là bọn gà con ríu rít theo anh chị đến trường mà anh chị thì có lớn lao chi cũng chỉ là bảy, tám, chín… tuổi. Thoáng chút so sánh, thoáng chút ngậm ngùi… lương hưu hơn hai triệu thôi thì ráng gói ghém gửi vào đây…”.
Có lúc bác Hợi ngậm ngùi tiếc là nếu bác về hưu muộn đi vài tháng thì khi Vinamilk cổ phần hóa vẫn còn trong biên chế, khi đó có lẽ được mua mấy chục ngàn cổ phần, như vậy bây giờ có nhiều tiền hơn gửi cho “Cơm có thịt”. Nhưng bác lại về hưu trước đó ba tháng, nên sau vài chục năm làm việc, cũng chỉ được chia 500 cổ phần theo tiêu chuẩn của người hưu trí. Bác viết rằng: “Thôi thì có ít gửi ít - cho trẻ miếng thịt, tấm áo.”
Có lúc bác tự đưa ra kế hoạch cho mình: chuẩn bị tiền mua giống cho trẻ em chăn nuôi bò lợn… (Mặc dù chúng tôi chưa triển khai được việc này, mà chỉ đưa ra kế hoạch ban đầu).
Bác Hợi lo lắng khi xe chở hàng của anh chị em bị lật, lo lắng khi chúng tôi tả về chuyến đi đường sá nguy hiểm vì vào mùa lầy lội, sương mù. Khi tài khoản cạn tiền, mà cần gửi tiếp để học sinh có thịt trong hai tháng Tư, tháng Năm, tôi viết bài “Bà con ơi!”. Vừa lát đã thấy bác Hợi viết trên blog: Bà con có đây! Và tài khoản lại nhận được một triệu từ bà già về hưu Nguyễn Hợi, người có lương hưu mỗi tháng là hai triệu đồng.
Tôi không dám thống kê bác Hợi đã gửi bao nhiêu tiền trong những tháng qua, vì thế nào cũng sẽ ra kết quả là bác chẳng còn giữ cho mình đồng lương hưu nào, mà gửi hết cho “Cơm có thịt”. Bây giờ tôi xin phép bác Hợi được nói thật: Nhiều lúc, tôi... không mừng khi đọc trong sao kê tài khoản thấy bác Hợi lại gửi tiền. Tôi thấy có cái gì đó gần như khổ tâm. Tôi muốn nhắn: Bác Hợi ơi, bác gửi ít thôi, mỗi tháng một hai trăm ngàn là quý rồi. Về hưu, tuổi già, bệnh tật, bác gửi ủng hộ như vậy thì nhiều quá. Quá nhiều!
Nhưng tôi không dám viết. Tôi tự an ủi có thể bác đông cháu con, có điều kiện lo cho bác? Nhưng tôi biết: cũng không có gì chắc là như vậy, mà dẫu có vậy, cũng áy náy lắm khi nhận tiền từ bác.
Lâu lâu, không thấy bác Hợi “còm” (comment), lại lo lo: Hay bác đau bệnh? Nhưng cũng lo đọc “còm” sẽ kèm theo thông tin bác lại gửi tiền.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, người cùng tôi bắt đầu chương trình “Cơm có thịt”, cũng sốt ruột mà nhắn bác Hợi: “Bác Hợi ơi, bác chẳng giàu có gì hãy giữ những đồng lương hưu ít ỏi để dưỡng sức. Sự động viên của bác với chúng tôi còn lớn hơn nhiều tiền bạc.”
Biết nỗi lo lắng của chúng tôi, bác Hợi viết trả lời: “Xin các anh chị đừng lo lắng, cha mẹ ngày xưa dạy “Dù no dù đói cho tươi. Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan. Phòng khi gánh vác việc làng. Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng...” nên cũng quen thu xếp việc nhà, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm... quỹ lương hưu thật sự chỉ dùng vào việc giúp đây một chút giúp kia một chút mà thôi... trong nhà việc “hàng ngày dùng đủ” và tiêu pha đã có con cái lo toan.”
Chỉ gặp bác Hợi qua những dòng trên mạng, nhưng chúng tôi thấy bác như kề bên: nhanh nhẹn, tinh tế, hóm hỉnh, lạc quan, mà cũng… hay khóc.
Khi ngồi trên các chuyến xe cùng bạn bè lên vùng cao, hơn một lần tôi nhớ đến bác Hợi - người đến nay chúng tôi chưa biết mặt. Khi xe trượt bùn trên dốc Chín Quai, tôi nhớ câu cầu Phật, Thần bác Hợi khấn cho chúng tôi. Khi nhìn vào bát cơm của trẻ nội trú, đột nhiên trong đầu len len ý nghĩ: “Giá bác Hợi ở đây thì lại dân dấn nước mắt thôi!”.
Có lúc, chẳng liên quan gì chuyện “Cơm có thịt”, trong lòng trĩu nặng, lại nhớ đến dòng chữ bà già hóm hỉnh Nguyễn Hợi viết trong “còm” mà bật cười, thấy mọi chuyện nhỏ hẳn đi:
“Xã hội lắm chuyện buồn, nhiều chuyện nản… Nhưng chúng ta quyết không để chán, buồn, nản… xực chúng ta.”
Chúng ta sẽ đi, đi nữa, sẽ không nản, vì sau lưng cứ như nghe rõ mồn một câu nói của hưu trí viên Nguyễn Hợi:
“Bà con có đây - đông đảo lắm!”
Còn những người Việt Nam khác tôi kể dưới đây lại là lứa tuổi hàng cháu của bác Hợi. Minh Hoàng, Hà My và Linh - những học sinh lớp 10 của Trường Amsterdam Hà Nội - lập ra nhóm THE PRESENT. Ngay từ ngày đầu của “Cơm có thịt”, những bạn trẻ đã tham gia với sáng kiến làm bưu ảnh, phát hành lấy tiền ủng hộ các em nhỏ vùng cao. Nếu vào Facebook của nhóm, bạn sẽ thấy không phải đơn giản chỉ in bưu ảnh rồi gửi bán đâu. Các bạn đã tận dụng mọi dịp để gặp gỡ nhiều người, kể cho họ biết về chương trình “Cơm có thịt” cho học sinh dân tộc nội trú, dân nuôi. Nhiều cô bác, anh chị, các bạn cùng trang lứa đã nhiệt thành tham gia vào dự án bưu ảnh của các bạn. Lúc đầu, các bạn mang những bưu ảnh tự thiết kế, đặt in bằng tiền vay của bố mẹ, đến các quầy bán đồ lưu niệm của người thân trong gia đình để gửi bán. Rồi cứ nghe thấy ở đâu có cuộc họp hành, tụ tập, bất kể đó là hội thảo khoa học, hay tổng kết cuối năm… của người lớn là các em lại đến. Giờ giải lao, các em xin vài phút nói về dự án của mình. Các em kể lúc đầu rất ngại, phải nỗ lực lắm mới đủ dũng cảm bước lên “diễn thuyết”. Sau rồi người lớn vui vẻ ủng hộ, còn tỏ ra rất mừng và khâm phục các em ít tuổi mà biết làm việc hay, việc tốt, nên các em mạnh dạn hơn. Sang đến lớp 11 thì cả ba em, vốn học rất giỏi, được du học ở nước ngoài, em thì bên Mỹ, em bên Ấn Độ. Cách đây ít lâu gặp các em về nghỉ hè, Linh trao cho quỹ số tiền em gom được từ trường học tại Ấn Độ. Tôi hỏi: “Đi học làm sao có tiền để ủng hộ?” Linh cho biết ở trường em nhiều bạn quốc tế thích vẽ các hoa văn đẹp lên tay, lên lưng. Linh lại rất khéo tay, em mở “dịch vụ” vẽ hình cho các bạn, và không thu tiền cho mình, chỉ nhận ủng hộ tùy tâm của các bạn cho “Cơm có thịt”.
Trong số tiền trao cho chương trình, có nhiều tiền từ các em nhỏ. Tiền nuôi lợn đất, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền bố mẹ cho ăn quà vặt. Có những em nhỏ từ nơi xa xôi, có thể viết tiếng Việt còn chưa thạo, nhưng luôn nhớ rằng mình là người Việt, và luôn nhớ còn có những bạn bè nghèo ở đất nước của mình. Những dòng sau đây là chia sẻ của bạn có nick “Sống Thật Chậm”, người đã sát cánh cùng “Cơm có thịt”: Cô con gái 11 tuổi của bạn tôi đã đập heo lấy hết số tiền 25 đô dành dụm được góp với mẹ gửi về mua ủng cho các em sau khi xem tấm hình bác HAT chụp ba bạn nhỏ trạc tuổi mình, chân không giày, lấm lem sình lầy ở điểm trường Tả Lèng của Tiểu học Pa Cheo.
Ngày ủng đến được với các bạn, nghe mẹ báo tin, tưởng cháu sẽ hài lòng lắm, nhưng cháu lại hỏi: “How about other places?” (“Còn những nơi khác thì sao ạ?”). Bé tên Tường Vân, lớn lên ở nơi xa xôi, viết và nói tiếng Việt còn chưa rành rẽ, nhưng hai chữ “đồng bào” dường như được mẹ bé truyền cho theo nghĩa rất đủ đầy.
Chắc sự trăn trở cho “những nơi khác” đã thúc đẩy bé viết lên trang Facebook của mình, tôi xin dịch ra tiếng Việt như sau:
“Thế là mấy tháng qua mẹ và tôi đã làm vài điều “thiện nguyện”. Chúng tôi giúp đỡ trẻ em nghèo ở Việt Nam. Bạn có biết rằng cho đến ngày nay, trẻ em sống ở vùng núi lạnh cóng vẫn thiếu áo mặc và hầu như không có giày để đi? Còn nữa, nhiều em bé năm, sáu tuổi tự nấu cho mình bữa trưa với cơm suông, gạo hẩm hoặc hoàn toàn chẳng có gì để lót lòng. Các thầy cô ở những trường nghèo ấy chăm sóc bọn trẻ giống như cha mẹ chúng vậy.
Vài trường giờ đã đỡ hơn nhờ được giúp đỡ, nhưng vẫn còn nhiều trường cần giúp lắm.
Với 6 đô, bọn trẻ có ăn trong một tháng. Với 2 đô, có thể mua được một đôi ủng đi mưa và với 5 đô là có được một chiếc áo khoác ấm.
Nói cách khác, ta có thể mua cho một em bé một bộ đồ mới hoặc giúp em có ăn trong một tháng với chi phí bằng một bữa trưa hoặc một chai sôđa.
Vậy bạn có nhập hội không?”
Nhìn ngoài, Nina Mclean là một thiếu nữ nước ngoài. Nhưng thực ra Nina có nửa dòng máu Việt từ mẹ. Theo học tại một trường quốc tế ở Hà Nội, Nina mở một trang web riêng để bán những túi xách dễ thương. Đó là sản phẩm bán để ủng hộ quỹ “Cơm có thịt”. Với giá 100.000 đồng một chiếc, em đã bán được cả trăm chiếc túi và đem 10 triệu đồng đến góp. Nguyện vọng của em là số tiền này sẽ trở thành “màn chống muỗi, hoặc bất kỳ cái gì các bạn Bát Xát cần”.
Anh Sang, sống ở Nhật, là một trong những người ủng hộ “Cơm có thịt” sớm. Anh cũng là người ủng hộ thường xuyên và đã gửi nhiều tiền về cho các cháu. Lần trước về Việt Nam, anh gửi ủng hộ 100.000 Yên, kết hối ra nộp vào tài khoản thành trên 26 triệu đồng Việt Nam. Với anh, ủng hộ chương trình vì trẻ vùng cao ở nhà, mà cũng vì muốn bé nhà anh sớm hiểu những điều nhân nghĩa.
Cách đây hai hôm, tôi nhận được điện thoại của anh. Anh về Việt Nam nhưng chỉ ghé qua Hà Nội. Dù bốn giờ sáng đã phải đi, anh vẫn ngồi rất khuya ở sảnh khách sạn đợi tôi đến. Nửa đêm tôi mới về kịp và đến gặp anh. Không hiểu sao Sang có vẻ ngoài giống hệt như tôi hình dung. Bốn mươi tuổi, sung sức, giọng nói của người xa Việt Nam lâu rồi nên âm sắc pha tiếng nước ngoài. Anh trao cho tôi một phong bì tiền. Cô con gái bảy tuổi của anh biết bố về Việt Nam, nhờ bố chuyển 3.000 Yên cho các bạn nghèo vùng cao. Anh đổi sang tiền Việt, rồi góp thêm vào thành 20 triệu để gửi vào “Cơm có thịt”. Ít lâu sau, tôi lại nhận được điện thoại anh gọi từ một khách sạn ở Hà Nội. Khi tôi đến, anh trao cho tôi tiền ủng hộ, và những hòm giấy lớn chứa quần áo trẻ em mà anh và vợ mua từ bên Nhật mang về tặng các em. Hãy hình dung đi máy bay, mà mang theo bằng ấy thùng đồ, nhiều đến mức cả anh, tôi và bảo vệ khách sạn cùng bê vác ra ô tô. Số quần áo đó, nhóm “Cơm có thịt” Hà Nội đã bán để mọi người mua ủng hộ, tiền thu được chuyển sang mua nhiều quần áo hơn cho các em vùng cao.
15 năm trước, VTV3 có đợt tuyển người đầu tiên. Kết quả là có vài chục người trẻ gia nhập đội ngũ trước đó rất mỏng của kênh truyền hình mới này. Trong đội ngũ đó, có cô gái khác biệt hẳn do sự điềm đạm, chín chắn. Bằng cách nào đó, Bùi Thu Thủy trở thành “chị gái” của thế hệ VTV3 thứ hai này.
Mấy năm qua, Thủy học tiến sỹ bên Australia. Khi bên Việt Nam mùa hè nóng, thì bên Australia là mùa đông lạnh. Một tối mùa đông tháng 8/2012, Thủy ngồi trong thư viện, và đưa lên trên mạng vài dòng tâm sự: “Cứ nghĩ đến lũ trẻ “Cơm có thịt” lại thấy thương. Năm học mới sắp bắt đầu rồi. Mùa đông cũng sẽ đến rất nhanh ở miền sơn cước. Đầu tháng Chín lại có người về Hà Nội, mình sẽ gửi một ít tiền về cho lũ trẻ. Các anh chị em và các bạn ở Úc ai muốn đóng góp từ nay đến 20/8 mình sẽ gửi các bạn số tài khoản của mình ở ngân hàng Commonwealth Bank. Các bạn gửi qua đó rồi mình rút một lần, đỡ tốn phí ngân hàng, gửi cho các em thêm được đồng nào hay đồng ấy. Khi chuyển tài khoản mình nhớ viết rõ “Gui Com Co Thit”. Không nề hà nhiều hay ít. 5 đô cũng quý, 50 đô cũng tốt, 500 thì càng tuyệt hơn. Mình sẽ công khai số tiền để các bạn biết.
Mùa đông Australia sẽ ấm áp hơn…”
Một lúc sau, Thủy bất ngờ nhận được tin nhắn ủng hộ. Và rồi đến đêm Thủy mới rời thư viện về nhà được do liên tục nhận được đăng ký ủng hộ.
Sau đó ra đời “Cơm có thịt Australia”, và rồi nối nhau “Cơm có thịt United States”, “Cơm có thịt Liên Bang Nga”, “Cơm có thịt Đức”… ra đời. Rồi “Cơm có thịt” có ở Ý, Pháp, Anh, Nhật, Hungary, Phần Lan, Đài Loan, Trung Quốc… trên 20 nước. Du học sinh Việt Nam và các anh chị người Việt gửi tiền về cho các bé ở những vùng có cái tên rất xa mà rất thương: Pa Cheo, Tả Thàng, Tả Gia Khâu, Y Tý, Nậm Hàng…
Với tôi, đó là sự kỳ diệu của tấm lòng người Việt.
Có muôn ngàn những đóng góp, có bao ngàn người đóng góp mà tôi có thể gặp họ mà không biết. Có bao người tôi chỉ biết qua thư. Như người đã gửi mail vào ngày cuối tháng 11/2011: “Cả tuần rồi em nằm viện, mỗi ngày được đem cháo cơm đến tận giường nhưng không nuốt được, lại nghĩ tụi nhỏ chả có mà ăn thế là tự động viên ráng ăn hết không dám nghĩ đến ngon dở nữa. Em đang bị mất khứu giác lẫn vị giác và đang điều trị phục hồi. Nghĩ đến tụi nó sẽ ăn ngon thay mình lại thấy vui và có thêm động lực.
Mỗi ngày thấy bài viết của các bác ghi lại những hình ảnh mọi người lên trao quà cho trẻ em lại thấy mình nôn nao, mong muốn được đặt chân đến đó để hiểu hơn, thấu cảm hơn. Hàng ngày bạn bè hay kêu réo đi ăn uống, em lập tức nghĩ trong đầu “tao không ăn nhưng lấy tiền được không”, kể ra thì hơi buồn cười nhưng trong đầu hễ ai rủ là lại thôi thúc ý nghĩ đó. Hiện tại tháng này em kêu gọi được 500.000 rồi, em sẽ đóng thêm 500.000 nữa cho tròn 1.000.000 và chuyển khoản cho bác.
Em không dám hứa sẽ chuyển đều hàng tháng nhưng nếu công ty vẫn tiếp tục ký hợp đồng với em thì em sẽ cố gắng chuyển đều cho bác mỗi tháng 500.000.”
Cũng có những người không bao giờ tôi có thể gặp, dù muốn.
Hơn 30 năm trước, khi Vị Xuyên (Hà Giang) ngập trong khói đại bác, anh và chị đều là sinh viên, từ Hà Nội lên với các chiến sỹ giữ biên cương trong một cuộc chiến nghiệt ngã. Họ yêu nhau và thành vợ chồng.
Anh chị đã định tháng Ba năm nay lên lại Hà Giang, nơi họ gặp và yêu nhau trong những tháng ngày gian nan ấy. Nhưng ngay trước đó, anh ra đi. Tháng 3/2013 lại là tháng lương cuối cùng trong đời làm NHÀ GIÁO của anh.
Vợ anh gửi đến “Cơm có thịt” 2.000.000 đồng - trích từ tháng lương cuối đó. Chị có nguyện vọng muốn tháng lương cuối của anh đến với trẻ Hà Giang, nơi gắn với biết bao kỷ niệm.
Chị viết mail cho tôi, kể về những kỷ niệm đó. Tôi nghĩ có những lúc trong mỗi chúng ta dâng tràn những ký ức, những xúc cảm mà nếu không sẻ chia, ta có thể không chịu nổi sức nặng của những xúc cảm ấy.
Nghe theo yêu cầu của chị, tôi không nói ra tên anh, chị ở đây. Ở cõi ấy, anh sẽ phù hộ độ trì cho những đứa trẻ đang đi học của nước Việt gian khó này.
“Mình ở Ninh Bình. Mình chỉ muốn nói chuyện một chút. Em mình 18 tuổi, em ốm rất nặng, ở trong viện suốt. Mới đây em vừa qua đời, lúc dọn đồ mình thấy lại biên lai chuyển tiền mới nhớ hôm đấy là 26/3, em gửi link chương trình và nhờ mình ra ngân hàng chuyển tiền ủng hộ. Mình vừa vào web, trong danh sách ủng hộ thấy tên em mình, mình thấy rất yên tâm, rất an lòng. Cảm ơn chương trình đã làm cho những việc cuối cùng của em thật ý nghĩa. Mong chương trình hoạt động thật tốt, mong các em nhỏ luôn có những bữa cơm có thịt. Cảm ơn ban quản trị và các bạn tình nguyện đã thực hiện chương trình thật ý nghĩa.”
Tôi đã tìm lại thống kê ngày 26/3/2013, và nhìn thấy một dòng bình dị:
“… 5- Chị Trần Thị Thu Hà (Ninh Bình) ủng hộ 2.000.000.”
Sau đó, tôi thường xuyên nhận được khoản ủng hộ gửi đến ghi tên “Trần Thị Thu Hà (Ninh Bình)”. Mỗi lần chép tên quen thuộc đó lên bản thống kê ủng hộ, tôi thấy nghẹn trong tim.
Một cái tên của một người Việt. Một người Việt mà tôi chưa gặp và không thể gặp trên cõi đời này.
Trần Đăng Tuấn