Người trai làng Hiếu Lễ
Sáng tác về dân tộc thiểu số và miền núi chiếm vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Những nhà văn như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Triều Ân, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Mã A Lềnh, Cao Duy Sơn, Lâm Tiến, Inrasara,… đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại những âm điệu mới cho nền văn học dân tộc thiểu số. Nhà thơ Y Phương là một trong số những người tiêu biểu như thế.
Người trai dân tộc Tày tên là Hứa Vĩnh Sước sinh ra dưới chân núi Bo Păn ở gần biên giới Việt - Trung. Cái tên như pa me đặt cho con như ký thác tất cả những điều tốt đẹp, nhân văn trong đó. Pa me đã đặt niềm tin vào cậu con trai, mà ngay từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học và vô cùng hiếu động. Anh sinh ngày 24/12/1948 trong một gia đình nông dân ở Xã Lăng Hiếu, Huyện Trùng Khánh, Tỉnh Cao Bằng. Cha anh là cụ Hứa Văn Cường biết chữ Nho, làm thầy tào và chữa bệnh điên cứu người. Ngày bé, cậu bé Vĩnh Sước hiếu động đã theo cha gõ trống, đánh não bạt cho đám ma. Cậu cũng đã từng ước ao ước có được những phép thuật của thầy tào, học được những bài thuốc của cha, nhưng cha nhìn thấy số mạng Vĩnh Sước không hợp nghề đó: “Con là người nóng tính, ham hố nhiều như tóc. Riêng hai điều đó không thể học được để làm thày tào”. Cha tôn trọng thiên hướng bẩm sinh và bài học đầu tiên dạy con là cách xử thế nhân văn:
“Không bao giờ quỳ gối và nói lời cong”“Con phải sống thẳng băng như đường mực”.
Mẹ anh là bà Nông Thị Lộc - một phụ nữ tảo tần, đảm đang, tháo vát, hiểu biết rộng, giàu đức hy sinh, luôn khích lệ con trai lòng can đảm, ý chí phấn đấu vươn lên, quý trọng tinh thần tự chủ: “Tốc đin rà mạ tấc. Tốc đin than mạ mè” (Sống tại đất mình thành ngựa đực. Sống ở nơi người là ngựa cái). Mẹ luôn răn dạy anh: “Hãy giữ mình như giữ lửa - Cứ ngồi - Đừng sợ bóng người cong”; phải biết sống đẹp, ngẩng cao đầu kiêu hãnh “Không bao giờ nhỏ bé được nghe con”. Ghi nhớ lời mẹ, anh đã gửi thông điệp đó vào bài thơ “Nói với con” và cũng chính bài thơ được đưa vào chương trình giảng dạy văn học lớp 9 đã đưa tên tuổi anh đến gần hơn với công chúng, với giáo viên, học sinh, với những người yêu thơ…
Hứa Vĩnh Sước lớn lên trong niềm tự hào về truyền thống của quê hương, gia đình và nhất là ông Hứa Văn Khải (anh gọi bằng ông) ở làng Hiếu Lễ. Năm 1947, ông Hứa Văn Khải đã dùng khẩu đại bác do mình tạo ra bằng gỗ nghiến, đặt tên Sàng Là, bắn giặc Pháp khi chúng đang hành quân qua đèo Keng Phác - một trận đánh có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới. Cảm phục chiến công của ba ông lão du kích Co Xàu, trong đó có ông Hứa Văn Khải, Bác Hồ đã tặng bài thơ “Tuổi cao chí khí càng cao” và khẩu súng kỳ lạ đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh (Hà Nội).
Muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, lên 9 tuổi, anh mới tập nói tiếng Kinh. Ngày đầu tiên mẹ đưa đến học trường cấp 1 thị trấn Trùng Khánh, cậu bé Vĩnh Sước lạ lẫm nhìn thầy cô, bạn bè, chỉ bám riết lấy áo mẹ nằng nặc đòi về. Sự nghiêm khắc và cả sự kiên trì của pa me khiến anh mới dần quen với bảng đen, phấn trắng, thầy cô, bạn bè. Niềm đam mê văn chương manh nha và phát lộ khi pa thấy cậu con trai chắm chúi, nghiền ngẫm như một “con mọt sách” kho sách của mình. Nhìn thấy tố chất bẩm sinh trong con trai, pa đã ủng hộ, nâng bước cho thiên hướng lựa chọn của anh. Việc truyền nghề cho con là điều pa me đã từng nghĩ tới, nhưng không thành.
Thời ấu thơ sống bên đá, trên đá, thở trong đá, anh làm bạn với với đá, với sách: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh”. Sau này khi cái tên Y Phương đã trở thành một tên tuổi quen thuộc trong làng văn chương, tâm sự của anh vẫn là nỗi niềm gắn bó, thủy chung với đá: “Tôi nói với núi đá. Núi đá vọng lại. Tôi hát với núi đá. Núi đá vọng lại. Chúng tôi thân thiết nhau hơn sáu chục năm trời. Nay tôi đang trở thành người già. Còn núi vẫn... non”. Núi non Cao Bằng - nơi thế kỉ 16 là kinh thành của nhà Mạc, nơi các ngọn núi từ thấp đến cao đều lao vút lên trời nhọn hoắt đã góp phần hun đúc, dung dưỡng tố chất văn chương của anh.
Ngoài đá, bạn của anh là sách. Anh tâm sự: “Tôi coi sách như bạn. Vì tôi không có hứng thú ham chơi thả diều, đá bóng như nhiều bạn cùng lứa. Tôi cô đơn và hay buồn, ngay từ khi còn ít tuổi”. Từ những cuốn sách đầu tiên của cha, cậu bé Vĩnh Sước đã mở rộng “thư viện nhỏ” của mình bằng nguồn sách bổ sung từ việc dành dụm số tiền ít ỏi mẹ cho 5 xu mỗi sáng ăn quà để mua sách. Anh say mê đọc ở bất cứ nơi đâu. Sách theo anh suốt cuộc đời, là hành trang không thể thiếu. Anh nhớ sách như nỗi nhớ của người yêu nhớ người yêu. Những khi thấy lòng nao nao, hoang hoảng, nhà thơ trốn vào Thư viện sách gia đình như một kẻ ẩn dật để được động viên, được tiếp nguồn năng lượng.
Học hết cấp 1, cấp 2, đang học dở cấp 3 ở Trùng Khánh, lại là con một trong gia đình chỉ có hai chị em, nhưng anh đã “lựa chọn thông minh” với ý thức “vượt lên số phận”. Chàng trai làng Hiếu Lễ nhập ngũ năm 1968 ở Binh chủng Đặc công, chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Sống chiến đấu cùng đồng đội, chung chịu những ngày gian khổ, hứng bao mưa bom bão đạn tại vùng đất Lộc Ninh, Bình Phước tưởng như không còn có kẽ hở, có thời gian nào cho thơ ca “len chân tới”. Tưởng như thơ ca là thứ “xa xỉ”, “phù hoa” không phù hợp với trận mạc, chiến trận. Như người cầm bút cùng thời, anh biết tạm gác những đam mê, biết cầm lòng vậy, đành lòng vậy, nén lại “cái tinh tế cỏ hoa”, tạm thời chưa dám nghĩ đến thơ phú… nhưng chính thời điểm cuộc chiến tranh khốc liệt của đế quốc Mỹ trong những năm 70 của thế kỷ 20 ấy dường như đã “kích hoạt”, “châm ngòi”, dung dưỡng, tạo nên một hồn thơ cho chàng lính trẻ đặc công. Khởi nghiệp con đường thi ca với cái tên Hứa Vĩnh Sước và trình làng hai bài thơ đầu tiên “Bếp nhà trời” và “Dáng một con sông” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 6 năm 1973). Dù sau này khẳng định một lối đi riêng, một phong cách cá nhân với một gia tài thi ca “săn chắc, vạm vỡ mang hồn làng” thì thời đầu thơ anh vẫn không thể khác giọng thơ chung hào sảng vốn đã chi phối cả một thế hệ sáng tác: “Câu hát thiêng liêng lắm chứ. Hát bây giờ còn để hát mai sau”. Tuy không là ngoại lệ cùng “dàn đồng ca”, nhưng chỉ sau các tập “Lửa hồng một góc”, “Lời chúc”, “Đàn then”, anh đã sớm tạo ra tiếng nói riêng, không nhòe lẫn “có sự bồi hồi dân tộc đặc trưng và có sự khao khát chiếm lĩnh đỉnh cao”.
Cảm giác hạnh phúc đầu tiên có thơ đã tạo men say. Say như ong say phấn hoa, như cây say đất, như chim ca say trời, như đàn ông say đàn bà “Mùa hoa”. Từ cái thuở ban đầu ấy, cái tên Y Phương đã dần khẳng định một “thương hiệu” thi ca trên văn đàn và tên tuổi nhà thơ dân tộc Tày “tự đục đá kê cao quê hương” đã góp sức làm phong phú sự nghiệp văn học dân tộc thiểu số và nguồn nước đó đổ ra hòa cùng dòng sông rộng lớn văn học nước nhà.
Niềm say mê con đường học vấn đưa anh đi xa hơn trên con đường đã chọn. Anh luôn tự nhủ “Cái ta biết chỉ như một giọt nước. Cái ta chưa biết là biển cả mênh mông”. Với tinh thần ấy, khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, việc đầu tiên anh lính đặc công nghĩ tới là tiếp tục trở lại con đường học vấn dang dở khi mình và bạn bè cùng trang lứa tình nguyện: “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Từ mặt trận Đông Nam Bộ trở về làng ngoài chiếc “ba lô con cóc to bè trên lưng”, Hứa Hiếu Lễ (một bút danh khác của Hứa Vĩnh Sước) khuân về một tải sách nặng. Anh gặp pa và đứa cháu ở chợ. Người cha đứng lặng, trân trân nhìn con ậng nước mắt. Một nỗi xúc động dâng trào khi người con trai duy nhất của ông may mắn sống sót trở về, lại mang theo một hành trang sách… Bà con làng Hiếu Lễ đến chia vui với gia đình và rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh bộ đội từ miền Nam ra không mang khung xe, radio, ti vi, máy lạnh… như nhiều người thời đó, mà ngoài con búp bê “biết khóc, biết chớp chớp mi” cho đứa cháu thì… chỉ có sách. Thầy Hứa Văn Cường có dạy chữ Nho nên hiểu hơn ai hết sự quý giá từ sách mang lại và rất hài lòng về con trai mình. Nguồn sách ấy theo Hứa Vĩnh Sước, chắp cánh tình yêu văn chương cho “Người trai làng Hiếu Lễ”, hối thúc anh hiện thực hóa tình yêu ấy và anh đã chờ vào học Trường Viết văn Nguyễn Du. Không để thời gian nghỉ, trong khoảng thời gian chờ đợi, năm 1976, anh vào học ngay Trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1982, niềm mong ước mới được thỏa nguyện khi anh là học viên trong danh sách cuối cùng của Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa II, 1982-1985). Anh say mê tiếp thu nguồn tri thức từ thầy, không quên học hỏi những bạn văn chương ở các vùng miền đất nước như: Pờ Sảo Mìn, Phạm Ngọc Chiểu, Đức Ban, Trần Quốc Thực, Phùng Khắc Bắc, Thanh Kim, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Trác, Phạm Đức… Năm 1985, “Người trai làng Hiếu Lễ” đang dự trại sáng tác Đại Lải chuẩn bị hoàn thành tác phẩm tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du thì tai họa bỗng đâu ập đến, gắn anh với căn bệnh hiếm thấy: viêm dây thần kinh mạng nhện. Quê hương xa xôi, gia đình neo người, vợ anh một nách 2 đứa con thơ nhỏ dại, một mình anh chống chọi với căn bệnh mà phần lớn bệnh nhân mắc bệnh đó đều để lại dị tật. Những lúc khó khăn nhất anh đã không đơn độc. Suốt ba tháng điều trị tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), thầy cô giáo và bạn bè văn chương đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ. Người “phục sinh” sự sống, mang đôi chân cho anh thoát khỏi tình trạng nằm bất động, đứng lên từ xe lăn chính là thầy Nông Quốc Chấn lúc đó giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Viết văn Nguyễn Du. Thầy trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện để tìm loại thuốc tốt nhất cứu cậu học trò của đất Trùng Khánh xa xôi. Với tinh thần cố gắng vượt lên số phận, với niềm tin mãnh liệt thôi thúc, vịn câu thơ như vịn tin yêu, anh đã khỏi bệnh, trở lại trường, tiếp tục dự thi tốt nghiệp. Dẫu bước đi không còn vững chắc như chàng lính đặc công “đạp muôn ngàn gai sắc” năm xưa và phải chấp nhận bước đi lệt rệt, chậm chạp, có phần khó khăn, nhưng anh luôn biết cám ơn số phận, cám ơn cuộc đời đã cho anh hạnh phúc được đi trên chính đôi chân của mình, để vẫn được làm thơ. Anh đã từng tự giễu dáng đi “vòng kiềng” rất độc đáo của mình chả khác gì “hai chiếc que rang lạc” một cách dí dỏm.
Năm 1986, anh về nhận công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Trải qua nhiều vị trí công tác, với uy tín chuyên môn, chỉ trong thời gian ngắn, từ một cán bộ chuyên viên, qua Phó phòng, lên Trưởng phòng và hai năm (từ 1991-1993), anh đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Hứa Vĩnh Sước hiểu hơn hết trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất đặc biệt nơi địa đầu Tổ quốc, nằm ở phía Đông Bắc, từng là kinh đô, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và những truyền thuyết dân gian độc đáo. Anh thấu hiểu lịch sử Cao Bằng gắn liền lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Vùng đất này thế kỷ 11 trở thành trung tâm của quốc gia “tự trị” Trường Sinh, có khi lấy quốc hiệu Đại Nam, thủ phủ đặt tại Nà Lự, với các thủ lĩnh đứng đầu là cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao. Đến cuối thế kỷ 16, khi nhà Mạc thất thế bỏ Thăng Long chạy lên miền ngược đã chiếm cứ Cao Bằng, thiết lập nên vương triều riêng, tách hẳn khỏi sự quản lý của chính quyền Lê - Trịnh. Gần 100 năm, các vua nhà Mạc vừa chống chọi với nhà Lê, vừa xây dựng Cao Bằng trở thành một trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa và kinh tế. Chỉ sau khi nhà Mạc bị tiêu diệt, Cao Bằng mới đổi thành một trấn, rồi một tỉnh biên giới. Tiếp nối dòng chảy lịch sử, Cao Bằng vẫn mang sứ mệnh “phát sáng” để ngày 8/2/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc và nơi đặt chân đến đầu tiên chính là Cao Bằng. Từ đó, vùng “địa linh” này trở thành một căn cứ địa, một “thủ đô kháng chiến” với Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Đông Khê, Lam Sơn… Nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ và khí phách của những người con ưu tú cho đất nước: Những nhân vật trấn thủ biên cương (Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh, Tông Đản, Nùng Trí Viễn, Hoàng Lục…); thủ lĩnh tiễu phỉ trừ gian bảo vệ bản làng (Bế Nguyên Luận, Thang Trường Hợp...); danh nhân văn hóa, danh y tài giỏi (Nông Quỳnh Vân - Vua Ca Đáng, Bế Văn Phụng - Trạng Tư Thiên, Bế Hựu Cung - tác giả sách “Cao Bằng thực lục”, Trần Quý - Trần Kiên…; những tướng lĩnh (Vũ Đức - Hoàng Đình Giong, Nam Long, Đàm Quang Trung, Vũ Lăng, Vũ Lập… từng là những thành viên sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; những người con quả cảm, sáng tạo (La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Kim Đồng, Hứa Văn Khải...).
Sau khi ra mắt những tập thơ “Người núi Hoa”, “Tiếng hát tháng Giêng”, “Lời chúc”, từ 1993, anh được tổ chức phân công đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng cho đến năm 2002, rời Cao Bằng về Hà Nội tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VI).
Với quan niệm, “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”, hơn 30 năm qua, anh lặng lẽ sáng tác, lặng lẽ thử nghiệm và không ngừng lao động sáng tạo để có thể công bố khối lượng tác phẩm không hề “khiêm tốn”, gồm một tập kịch “Người núi Hoa” (1982); tám tập thơ, trường ca: “Tiếng hát tháng Giêng” (1986), “Lời chúc” (1987), “Đàn then” (1996), “Chín tháng” (trường ca, 1998), “Thơ Y Phương” (2000), “Thất tàng lồm” (Ngược gió, song ngữ Tày - Việt, 2006), “Đò trăng” (2009), “Bài hát cho Sa” (2011); hai tập tản văn “Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm” (2009) và “Kungfu người Co Xàu” (2010). Hiện anh đã hoàn thành bản thảo cuốn tản văn “Fừn Nèn - Củi Tết” gửi nhà xuất bản; tiếp tục hoàn thiện bản thảo thơ song ngữ “Vũ khúc Tày - Tủng Tày”, tập thơ “Hoa quả chuông - Bjooc ăn lình”.
Tên tuổi anh gắn với “Mùa hoa bội thu” những giải thưởng: Giải A cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1984; Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng”; Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc - Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Lời chúc”; Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Giải B của Bộ Quốc phòng với trường ca “Chín tháng” (2001). Và năm 2007, “Người trai làng Tày” đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Hứa Vĩnh Sước - Y Phương đã trở thành nhà thơ có phong cách riêng bởi sự ý thức đi tìm cái mới, cái độc đáo. Với nhà thơ, sáng tác văn chương nghệ thuật không mới, không độc đáo thì khó lòng tạo được dấu ấn, thu hút được độc giả và không thể có chỗ đứng, có đời sống trong lòng công chúng. Văn chương với anh là “một thứ chơi. Chơi cho mình thích và cho người ta thích”. Lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân đậm nét và không bao giờ là dễ dàng như kiểu vận hành sản xuất để ra sản phẩm hàng loạt. Anh tâm sự: “Khi con tim không rung, đôi tay không buồn, cầm cây bút sao nổi. Cầm bút không nổi lấy đâu ra thơ ca. Người ta phải yêu tiếng mẹ đẻ cái đã. Yêu hết mình mới có thơ ca. Yêu từ tim gan bên trong xương thịt mình. Cảm xúc sáng tạo không phải là thứ đặt hàng”.
Thành công trong sự nghiệp thi ca, nhưng người nghệ sĩ vẫn không ngừng khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ, trường ca. Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, anh vịn câu nói của cổ nhân người Tày: “Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy”. Thế là “con tằm” ấy lại “rút ruột nhả tơ”, hết mình “cày bừa trên cánh đồng con gái trinh nguyên” để tìm một cách thể hiện mới. Từ thơ, đến trường ca, anh tiếp tục thử sức với tản văn - loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tùy ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả. Anh chọn thể loại này vì có nét gần thơ - gần với thế mạnh bản năng trời cho vốn tiềm ẩn trong từng thớ thịt, từng mạch máu nhà thơ dân tộc Tày dưới chân núi Bo Păn. Thơ gần tản văn vì không nhất thiết phải có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh, nhưng lại đòi hỏi nghiêm ngặt là cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, có cách thể hiện đa dạng để có thể miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật, bộc lộ cảm xúc trữ tình, tính tự sự, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả…
Là người thân thiện, dễ gần trong cuộc sống, nhưng anh lại là người sống nghiêm túc, trách nhiệm và cực khó tính với nghề: “Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy này, có thể nhàu nát và rách nhưng không mất lề”. Anh thật thà bộc bạch: “Tôi viết như nã đạn súng kíp hàng trăm viên vào một con thú. Tôi yêu từng con chữ nhưng quyết khai tử những “xác chết của chữ nghĩa”, những non bấy nhạt nhòa không thương tiếc. Thậm chí tôi đã phải bỏ đi cả trăm con chữ long lanh chỉ để có được một dấu phẩy sinh động tươi rói…”. Sự thử thách lòng kiên trung với văn chương đã ghi nhận thành công thử nghiệm của anh. Hai tập tản văn “Kungfu người Co Xàu” (Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011) và “Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm” (Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010) được bạn đọc cả nước đón nhận nồng nhiệt. Tiếp nối thành công, anh cho biết: “Tôi đã hoàn thành bản thảo, gửi nhà xuất bản cuốn tản văn thứ ba có tên “Fừn Nèn - Củi Tết”.
Người luôn ý thức bảo tồn văn hóa Tày trong ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em
Dấu ấn, bản sắc văn hóa Tày hiện lên đậm nét. Chất Tày được bộc lộ độc đáo, trong trải nghiệm cuộc đời, ở một tầng vỉa làm lộ dần tầm cao và chiều sâu văn hóa. Anh coi trọng giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần bền vững nhất, là “cái còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả”. Anh hiểu hơn ai hết văn hóa là sức mạnh nội sinh, là cội nguồn giá trị của làng Tày “Vách nhà ken câu hát” với niềm tin vững chắc “Còn quê hương thì làm phong tục”. Nhưng điều đáng trân trọng là tác phẩm của nhà thơ Tày ấy không “đóng đinh” bó hẹp trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày mà vượt lên, vươn xa như một dấu nối với thơ ca các dân tộc khác trong thời kỳ hội nhập. Tác phẩm vì thế mà mở rộng biên độ, phong phú đề tài về cuộc sống, con người miền núi - thành thị, tình yêu đất nước - quê hương, tình cảm gia đình - bạn bè - tình yêu lứa đôi… và điều quan trọng là thấm đẫm bản sắc văn hóa “người đồng mình”. Tình yêu với đồng bào dân tộc mình đã cho anh nguồn xúc cảm cùng bản sắc văn hóa Tày khó lẫn.
Thừa kế và sở hữu một kho tàng văn hóa Tày truyền thống và vững chắc, anh nương vào các thể loại thơ, tản văn để giãi bày, truyền tải những lát cắt muôn màu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian… của quê hương, dân tộc. Anh chăm chút viết về những kỷ niệm sinh hoạt thường ngày ở ngôi làng người Tày của mình với những phong tục tập quán từ đời này truyền sang đời khác với niềm tự hào chân chính: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh. Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.
Tư duy trực cảm cho nhà thơ sự nhạy cảm, tinh tế đến dễ yêu, dễ ghét, dễ xúc động, dễ trào rơi nước mắt khi thì ẩn mình “như một ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa xã hội xô bồ”, nhưng lại tha thiết nhu cầu giao tiếp với cuộc sống, với con người, nhất là những số phận nổi lênh. Thơ anh giàu tính hướng nội. Anh tự hào, tin yêu để phác họa bằng thơ khái quát chân dung những người con của dân tộc, của quê hương một cách, dung dị: “Da thịt người da thịt đất đai. Cùng một màu đồng hun lặng lẽ - Nặng nhọc cười - Nặng nhọc người đàn bà đeo gùi. Nặng nhọc hai bầu vú mọng căng như nước. Nặng nhọc hai bầu vú phì nhiêu như đất”.
Người đàn ông làng Hiếu Lễ ra đi như một giọt nước hòa cùng con suối nhỏ. Con suối nhỏ hòa cùng con suối lớn. Con suối lớn nhập cùng dòng sông đất nước. Trường liên tưởng độc đáo để nhà thơ phát hiện dải đất hình chữ S phần đất liền ôm bọc lẩy Biển Đông và vì thế: “Nước Việt đời đời làm mẹ - đời đời miền Trung mang bầu”. Xa xót bao nhiêu khi trời biển vô tình “Sóng với bão cứ thai nhi mà đổ”. Hơn hết, trong thơ người trai Tày luôn bộc lộ đến tận cùng tình yêu đất nước. Hình ảnh Tổ quốc - Mẹ Việt Nam luôn thường trực trong tâm thức bằng liên tưởng độc đáo, trân trọng “Trước mặt là Biển Đông - Sóng trào lên nước mắt - Sau lưng - Dãy Trường Sơn - Là mộ phần của toàn dân tộc”.
Sinh ra ở vùng Tày, nhưng nhà thơ luôn ý thức hòa nhập cùng đại gia đình các dân tộc Việt rộng lớn ngay từ những bài thơ đầu đời: “Thương anh bạn người Kinh leo không quen - Đeo nặng trên lưng lên xuống lèn...”. Vì thế, dẫu mở mắt thấy sông Bằng, nhưng anh đã hướng ra khỏi dòng chảy sông quê để thấy sông Cầu, sông Thương, sông Hồng, sông Cửu Long cuộn đỏ phù sa... Mở ra ngoài vùng văn hóa Tày, anh nhập dòng sông thi ca quê hương với dòng sông đất Việt: “Chúng con là lính Bác Hồ - Là con đẻ trăm miền phù sa đỏ - Những vùng quan họ - Những miền sli lượn trên cao”. Anh định nghĩa đất nước bằng thơ, bằng văn hóa thấm sâu cội nguồn dân tộc. Anh mang đến những xúc cảm thẩm mỹ tinh tế, đó là Nước Việt như “mười ngón tay búp măng - Đêm Trung thu chị tôi ngồi vò cốm”, là “người bạn học, ôm hoa sim nấp sau lưng hạt dẻ - Thẹn thùng trao chiếc khăn tay - Thêu đôi chim hòa bình - Ngày tiễn tôi phơi phới lên đường”, hay “Sinh ra từ ngực người đàn bà”...
Thơ anh đậm bóng dáng quê hương, vùng văn hóa mà ở đó có những con người giản dị, hồn nhiên như đất đai, cây cỏ, trong đó nhà thơ dành bao yêu thương, trân quý tôn vinh người phụ nữ. Không ai dám nghĩ phụ nữ là “phái yếu” khi đọc câu thơ của anh: “Người đàn ông tựa lưng người đàn bà - Còn người đàn bà tựa lưng biển cả”. Anh nương vào văn hóa Tày để trả lời sự thách đố của thiên nhiên, như: “Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp” chỉ có người phụ nữ mới trả lời được sự thách đố đó.
Tựa vào văn hóa dân gian, anh vận dụng rất khéo léo chất dân ca Tày để tạo nên câu thơ theo cách tư duy và xây dựng hình tượng của người Tày đậm chất liên tưởng. Bài thơ “Mùa hoa” viết tựa ý thơ một bài dân ca Tày giàu yếu tố phồn thực: “Đàn bà vác loỏng lên núi - Đàn ông tựa vách xỏ quần”, nhưng cái tài của người lao động sáng tạo là vượt lên trên nền dân ca Tày đó, anh đã mang đến hơi thở mới về cấu tứ và phát triển ý tưởng. Có lẽ vì thế mà bài thơ đã tìm được lối riêng đến với bạn đọc:
“Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn vừa đi vừa ngái ngủ.”
Anh thổi cảm xúc yêu thương đắm say vào các lễ hội từ mùa Xuân tới mùa Thu, vắt qua mùa Đông và kéo sang mùa Hạ. Văn hóa lễ tết người Tày trong tản văn của anh vừa trong dòng chảy lễ tết của “ngôi nhà chung”: “Tết của người Tày hầu như không mấy khác lạ, so với tết của nhiều dân tộc anh em. Nghĩa là chỉ xảy ra trong cùng một thời điểm nhất định” (Tết Tày có gì khác); vừa mang bản sắc của “người đồng mình” khá đậm với “Tết cả”, “Tết thanh minh”, “Tết Slip Sli thịt vịt”, “Tết Hạ chí”, “Tết trâu”, “Tết cốm”... Tản văn của anh như “mảnh hồn làng” mang bao nỗi háo hức, sự bận rộn của “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”, trong đó có lễ “pây tái” (đi lễ bố mẹ vợ) rất độc đáo vùng văn hóa làng Tày “Các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại.” (Tết Slip Sli thịt vịt)…
Sống cùng đá, thở cùng cây, xênh xang đằm mình chốn non nước Cao Bằng, anh rất khéo giới thiệu văn hóa ẩm thực của “người đồng mình” như một “vị đại sứ” quảng bá văn hóa Tày với một tình yêu máu thịt. Chùm bài về văn hóa ẩm thực khá ấn tượng với “Nghe hạt dẻ rơi”, “Trám mang thai”, “Tết cốm”, “Bánh xì chen chạy lung tung”… Nhờ tản văn của anh, chúng ta biết thêm trong mâm cúng Rằm tháng Bảy của người Tày ở Cao Bằng và các vùng khác, thịt vịt là món không thể thiếu. Bởi thế mới có câu cửa miệng về ẩm thực phong tục Tày: “Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chêt kin nựa pết” (Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Anh nương theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, là sứ giả của mường trần gian với Mường Trời, có công cõng gà trống vượt biển (Khảm hải) đi cống sứ Mường Trời vào ngày rằm tháng Bảy để viết “Tết Slip Sli thịt vịt”. Với “Bánh xì chen chạy lung tung”, anh huy động tối đa các giác quan của cơ thể để “thăng hoa” một cách tự hào văn hóa ẩm thực Tày thật hấp dẫn: “Ở phố cổ Co Xàu kể đến món nào cũng thấy nghi ngút khói bốc lên trước mắt. Mồm miệng luôn xuýt xoa vì cảm giác nóng bỏng trên răng dưới lưỡi. Nào bánh cuốn ăn với giò lụa. Nào coóng phù chan nước gừng mật mía. Nào bánh áp chao nhân đùi vịt. Nào phở lạp sườn xá xíu tổng hợp. Nào bánh bao nhân trứng chim. Nào xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc... Nói đến món nào cũng làm người nghe muốn chảy nước miếng. Dân xứ lạnh chúng tôi rất thích thứ quà nóng bỏng. Càng nóng càng thích. Nó cứ phải sôi sùng sục trên kiềng ba lá mới đã. Ăn ngay bên bếp củi nghiến đỏ rực càng thú. Vừa ăn vừa được sưởi ấm. Cái ăn đã vào tới bụng. Cái ăn còn òng ọc sôi thêm một lần nữa ở trong người, được như thế càng sướng. Ăn như vậy nó mới khác người”. Ẩm thực đã vượt ra ngoài chuyện ăn uống kiểu cơ học: “Cắn một miếng phúng xàng nghĩa là bạn đang ngậm sông núi ở trong bụng” (Phúng xàng lủng lẳng). Y Phương tự hào khoe bánh cuốn và cái tình người Cao Bằng: “Người nào thì vật nấy” nên “gọi bánh cuốn là đặc sản Cao Bằng không sai. Nhưng đúng ra phải gọi bánh cuốn là hồn cốt Cao Bằng thì mới hẳn” (Ăn cái tình)…
Trả ơn nơi đã sinh ra - Trùng Khánh là vùng đất đầy tinh thần thượng võ và giàu truyền thống văn hóa, là nơi bảo tồn những làn điệu dân ca dung dưỡng tâm hồn nhà thơ để anh viết nên những “Lên Cao Bằng”, “Phòng tuyến Khau Liêu”, “Tên làng”, “Nói với con”, “Chợ Co Xàu”, “Dân Co Xàu hát”, “Từ Phủ Trùng xa xôi tôi đến”…
Thơ Y Phương mang khát vọng bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Tày trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế. Anh tự hào với một bầu khí quyển văn hóa Tày độc đáo vùng núi Cao Bằng để thỏa sức sáng tạo. Và dẫu viết gì đi nữa thì cảm hứng chủ đạo trong tản văn của anh vẫn hiện lên sự tiếc nuối - tiếc nuối những ngày đã xa, sắp rời xa, hoặc sẽ vĩnh viễn mất trong xã hội người Tày. Những cảnh sinh hoạt văn hóa làng xã của bà con Tày Nùng đang dần dần mai một. Lời ăn tiếng nói đậm đà mặn ngọt, tiếng Tày cứ rơi rụng đến rơi nước mắt. Chữ viết “Slư Nam” (Nôm Tày) do cha ông sáng tạo trên cơ sở kết cấu lục thư của chữ Hán, nay đang bị đào thải một cách tự nguyện. Trang phục phụ nữ Tày từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất nước đã có xu hướng “Kinh hóa”, như tản văn “Cưới xin vắng bóng áo chàm”. Nỗi buồn lan trong tản văn khi làng Tày đã vắng dần tiếng ru “Cháu tôi chỉ đói tiếng ru của người Tày thôi. Tiếng ru từ người bà, người mẹ. Tiếng ru truyền đến đời tôi thì ngưng hẳn. Tự nhiên tôi buồn. Một nỗi buồn như con chim không cất nổi đôi cánh. Nó nặng trĩu như núi chồng lên núi. Đâu rồi tiếng ru con một thuở”. Và còn một điều cứ trăn trở tản văn của anh không yên là nỗi lo trước tâm lý tự ti dân tộc của một bộ phận người Tày. Lòng tự tôn quê hương trong anh như một liều thuốc giúp trợ giúp cho lòng tự tin được tôn cao: “Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi”…
Trong thơ cũng như tản văn, anh rất hồn nhiên, tự bộc lộ con người mình rõ ràng và chân thực như cái bánh bóc bóc đến tận cùng không cần đậy điệm, giấu giữ. Có lẽ ít ai như Y Phương lại “tự bạch” mình như vậy: “Giống như cái thùng tôn nhẵn gạo, tôi cứ bô lô, ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết…”. Vì thế bức chân dung tự họa của anh là một tâm hồn trẻ trung, ấm áp, nhân hậu và luôn tìm tòi cái mới. Cái sự học của nhà thơ Tày cũng thật đáng nể. Đã gần cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” (70 tuổi), nhưng, “người đàn ông làng Hiếu Lễ” vẫn say mê học. Mỗi tuần, anh dành hai, ba buổi đi học Hán ngữ ở Nhân Mỹ học đường và tiếp tục theo lớp học Tày - Nôm. Nhờ việc học, nhà thơ đã vận dụng vốn kiến thức Hán ngữ để làm giàu kiến văn. “Nhân bất thập toàn” (con người sinh ra không ai hoàn hảo), nhưng con người biết “Hồi đầu thị ngạn” (nghĩa là quay đầu là bờ) được Y Phương sử dụng trong thơ mang chiều sâu triết lý. Hãy nhân lòng nhân cho thiện, làm nhiều việc tốt. Nếu nhìn lại thấy việc làm của mình sai cần biết sửa mình, răn mình. Với tinh thần giác ngộ đó, có lẽ ít ai dám tự bạch “thói xấu” nói chung và “thói xấu đàn ông” nói riêng khá chân thực, thành khẩn như vậy trong thơ:
“Có em rồi đời mất dần thói xấu
Biết ăn năn trước mỗi bình minh.”
Rời Cao Bằng về sống giữa Thủ đô Hà Nội là một dịp để nhà thơ tự nhận thức về mình và dân tộc mình. Anh luôn có ý thức bảo tồn tiếng nói dân tộc. Anh yêu “cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi”. Anh có ý thức giao tiếp với vợ con, người thân bằng tiếng Tày hàng ngày với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Anh có một yêu cầu khắt khe với các cháu từ Cao Bằng về Hà Nội học tập là phải giao tiếp bằng tiếng Tày (kể cả qua điện thoại). Niềm tự hào tiếng nói của dân tộc đã cho anh niềm đam mê ấy để viết tập thơ song ngữ đầu tiên “Ngược gió - Thất tàng lồm”. Anh ý thức rõ: “Sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc là rất cần thiết. Đó cũng là một cách tốt nhất để góp phần bảo tồn văn hóa và chữ viết… Riêng tôi, tôi tự phải có trách nhiệm với việc bảo tồn văn hóa và chữ viết của dân tộc mình nên dẫu nhuận bút có thấp, thậm chí không có thù lao, tôi vẫn tiếp tục sáng tác bằng cả hai thứ tiếng…”. Tập thơ mới “Vũ khúc Tày - Tủng Tày” đang hoàn thiện bản thảo, nhưng ngay từ những bài thơ đầu tiên xuất hiện trên báo chí, như: “Hoa bất tử”, “Cánh đồng con gái”, “Khúc quành”, “Tình yêu bất diệt”, “Giận thương”, “Em trước mặt”… đã nhận được sự yêu mến của độc giả bởi thông điệp “KHÔNG CÓ TÌNH YÊU, LOÀI NGƯỜI SAO SỐNG ĐẾN BÂY GIỜ”. Điểm tựa của tập thơ “Vũ khúc Tày” là bầu khí quyển yêu và được yêu; của thăng hoa tình yêu đến muộn, đến sau hôn nhân, của thời gian hữu hạn bất chấp khi đã là ông, là bà “tóc bạc, da mồi”… Tập thơ có độ chín của trải nghiệm, của những sóng gió va đập, những xô bồ của cuộc sống của thời gian, của không gian yêu… Nhưng trên hết tập thơ vẫn vẹn nguyên tình yêu bất tử, nhân văn như tên gọi của nó “Hoa bất tử”.
Vốn nhạy cảm, trái tim dễ “xây xước”, dễ buồn khi con em dân tộc ít người quên đi nguồn cội, quên đi bản sắc văn hóa, anh bộc bạch nỗi lòng mình: “Cứ phải sống thẳng băng như đường mực. Người làng dạy tôi như vậy. Nhất định không bao giờ quỳ gối và nói lời cong để lấy lòng mọi người”. Anh viết như dứt ruột, như cào gan, như chà xát trái tim đỏ máu về “Phong slư” vời vợi niềm tự hào giá trị văn hóa Tày: “Nhớ người yêu là ngâm phong slư. Nếu lòng này không nói ra được thì tóc ốm tám tháng và mắt đau một năm. Nỗi nhớ người yêu chảy ra từ mười đầu ngón tay, xuống đến gót chân. Nỗi nhớ không còn đường đi. Nỗi nhớ buộc phải nhả ra đằng miệng. Ôi! Giá mà các bạn được nghe người ta ngâm phong slư trong khoảng trời chiều. Người của bạn sẽ chảy ra như sáp ong như chì nướng. Bởi một nỗi buồn tím tái từ hoàng hôn loang ra, gặp phải lòng người đang buồn rầu. Nỗi lòng bất an bị nắng vàng nhuộm sang bãi cỏ, chuyển tiếp ngược lên đến đỉnh núi. Đá núi cũng thẫn thờ, huống chi trái tim các chàng các nàng đang yêu”…
Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của anh thể hiện sâu sắc trong ngôn ngữ văn học. Y Phương biết chọn lọc trong kho tàng văn học dân gian những tinh chất cần có để tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng của tác phẩm văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. So với các nhà văn khác, Y Phương là người sử dụng tiếng Tày nhiều và nhuần nhụy nhất trong tác phẩm. Anh biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt. Nên tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Trước hết là ở ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Điều đó rất gần gũi với cách nói của người Tày, thể hiện một khẩu khí, một thái độ rõ ràng, dứt khoát của họ. Y Phương có biệt tài dùng những từ ngữ sóng đôi vừa Kinh, vừa Tày làm cho ý nghĩa của tiếng Việt khái quát, mở rộng hơn, vượt qua ý nghĩa ban đầu bởi đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày, văn hóa Tày.
Nhà thơ thả lòng mình phiêu du cùng vùng văn hóa Tày thực sự quyến rũ. Anh đằm mình trong vùng khí quyển Tày để tung tẩy bước chân duyên dáng của những người phụ nữ Tày với trang phục của dân tộc mình: “Bà nào cũng diện bộ cánh mới tinh, còn thơm nguyên mùi chàm hồ. Mỗi khi nhấc chân lên, đặt hài xuống, tạo ra tiếng sột soạt phát ra từ váy áo, từ thắt lưng. Những âm thanh làm rộn ràng, ríu rít trên con đường đất êm êm lá cỏ. Họ vừa đi vừa trò chuyện. Bà nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Cung đường bay theo mùi trầu cay, có lẫn mùi chàm ấm. Làm cho những người đi sau cứ hít lấy hít để, cái mùi hạnh phúc no ấm ấy mãi. Đến con dế con giun cũng ngóc đầu lên nhìn ngó. Con trâu con bò đang gặm cỏ cũng dỏng đôi tai lên lim dim nghe ngóng”.
Tản văn của anh dẫu là văn xuôi vẫn đậm chất thơ. Sẽ gặp trong hầu hết tản văn của anh cái kiểu viết có vẻ như cường điệu, có phần cực đoan, nhưng bạn đọc sẽ dễ chấp nhận cái tình ẩn giấu trong tầng sâu vỉa than óng ánh là vẻ đẹp chân chất, hồn nhiên, kín đáo và càng trân quý hơn tình người, tình yêu quê hương nồng đượm, yêu dân tộc mình da diết của kẻ tha hương tự nhận mình là một “que thử”, dù “bứng ra khỏi đất Tày, nhúng xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng”. Tình yêu và lòng tự hào về dân tộc mình, quê hương mình đậm đà, đắm đuối, tha thiết là thế.
Tản văn của Y Phương không chỉ có sự kiện, hiện tượng thân quen gần gũi mà còn có cả hình dạng, âm thanh màu sắc của sự vật, hiện tượng: “tôi thấy trên bàn thờ nhà mình phjọt phjẹt nở những bông hoa tám cánh” (Dọa ma); “Lưng đặt lên tiếng nhệu nhạo kít két” (Núi non chất ngất); “Cơ bắp không còn nhọc nhạch rắn chắc như cột đá thề nữa rồi” (Thư gửi bạn chăn trâu); “Tiếng chóp chép nhoong nheng râm ran trong lòng mẹ” (Chắp tay con lạy mẹ)… Nhiều tác phẩm, anh lấy 100% tên Tày “Phúng xàng lủng lẳng”, “Dzương eng”, “Thất tàng lồm”, “Fừn nèn”... Kể và dựng đan xen, xem như một thủ pháp mà tác giả muốn thể nghiệm. Cách tả như có chút ngoa ngôn khi tung tẩy ý tứ theo bút pháp thơ. Miêu tả hoa vì thế như có linh hồn, hoa biết thở, biết đập nhịp đập trái tim đỏ máu: “Hoa tầm xuân có mùi thơm tức thở. Đứng cách hoa một trăm bước, mùi thơm xộc thẳng vào hai cánh mũi. Cách một tầm tay, hoa đã tưới đẫm mùi hương lên khắp người. Đứng gần hoa mươi nhịp thở, đã thấy ngứa ngáy rần rật toàn thân. Mùi hoa khiến cho chân tay thò thụt muốn tìm kiếm người khác giới…” (Hoa có chân). Đam mê với thử nghiệm mới, nhưng nhà thơ Tày giàu đức khiêm tốn luôn biết mình, biết ta, biết thế mạnh của mình mà thành thật: “Tản văn của tôi chưa đề cập đến hầu hết các ngõ nghách tâm hồn người. Nó chỉ là những lát cắt vụn và đầy tùy hứng phản ánh các nét sinh hoạt diễn ra trong lễ tết nguyên đán, lễ hội nhỏ lẻ, các phiên chợ vùng cao, các buổi hát then hát giàng, những nét đẹp trong sinh hoạt đời thường về văn hóa ẩm thực, quan hệ người với người, người với thiên nhiên, các tập tục mừng thọ, mừng sinh nở, mừng nhà mới... Với tôi, tản văn là chiếu nghỉ trên chặng đường sáng tạo thi ca dài xa, đầy khó khăn gian khổ, tuy có mệt mỏi”.
Thơ Hứa Vĩnh Sước - Y Phương bao giờ cũng mang thông điệp nhắn nhủ hãy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Nhà thơ đã đến và chinh phục những người yêu nền văn hóa Tày rực rỡ, độc đáo, tràn đầy sức sống với một vẻ đẹp mới từ những góc nhìn mới về văn hóa Tày trong sự giao thoa, nối kết, thống nhất với văn hóa của 54 dân tộc anh em trong “Ngôi nhà chung” mà không ai khác anh chính là “cầu nối” đó. Tác phẩm của anh góp phần làm giàu bản sắc văn hóa Tày nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong thời đại mới:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục…”
Lê Thị Bích Hồng