Trong những ngày Biển Đông dậy sóng từ tháng 5/2014, người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã gạt bỏ những khác biệt, thậm chí bất đồng để hướng về nơi đầu sóng ngọn gió, góp sức, chung lòng bảo vệ những giá trị thiêng liêng mà tổ tiên gây dựng và truyền lại. Điều gì đã giúp dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ đã đứng vững ngàn năm bên cạnh người láng giềng khổng lồ luôn có tham vọng đồng hóa và tham vọng về lãnh thổ? Để trả lời câu hỏi này cần có sự đóng góp trí tuệ và tâm huyết của nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ bởi lẽ đây là câu hỏi về lẽ sinh tồn của cả dân tộc hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Một dân tộc như vậy chắc chắn phải có nhiều phẩm chất tốt đẹp, nhiều người đã cho rằng đó là lòng yêu nước, không khuất phục trước bạo quyền, đúng mực trong ứng xử và sống có nghĩa, có tình. Bàn về những phẩm chất ấy thật quá sức đối với tôi, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin kể về một con người mà tôi yêu mến, kính trọng vì ông có nhiều nét tiêu biểu cho một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta, đó là “sống với nhau phải có nghĩa có tình”.
Đó là những ngày giáp Tết Canh Thân 1980, cái Tết của những năm bao cấp trăm bề thiếu thốn. Song, đối với tôi, cái Tết thời bao cấp lại là những cái Tết đáng nhớ nhất trong đời, dù lúc ấy cái gì cũng thiếu, muốn mua đều cần tem phiếu, duy chỉ có một thứ là lúc nào cũng sẵn, ai cũng có thể sẻ chia, đó là tình người. Tình người thời bao cấp ai cũng có phần chẳng cần tem phiếu, như một lẽ tự nhiên khi mùa đông chỉ có một cái chăn mỏng thì người ta muốn ngủ chung để san sẻ hơi ấm cho nhau vậy.
Tôi nhớ đó là mùa đông năm 1980, khi vừa từ Đức về nước tám tháng thì được cử phụ giúp ông tổ trưởng công đoàn đi liên hệ với một nông trường ở Lương Sơn - Hòa Bình để mua đôi lợn cho tập thể. Thú thật, tôi rất lo vì chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng anh tổ trưởng công đoàn thì cứ tỉnh khô và bảo: “Yên chí, chỗ anh em quen biết cả, họ nhiệt tình lắm. Lát nữa, trên đường đi mình rẽ vào nhà máy thuốc lá mua mấy chục cân thuốc vụn biếu họ”. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì lúc đó thuốc lá điếu phải phân phối từng bao mà ông tổ trưởng của tôi đòi mua cả mấy chục cân thì quả thực là đáng nể quá! Khi đến nhà máy thuốc lá tôi mới ngã ngửa khi ông bảo tôi cùng với mấy chị công nhân vào quét những mẩu vụn sợi thuốc được vun lại thành đống dưới nền nhà. Sau khi lèn chặt hai bao tải to vụn thuốc, ông tổ trưởng nói với ông cán bộ cung tiêu của nhà máy thuốc lá cho thêm năm cân “ruột mèo”. Tôi trố mắt hỏi ông: “Sao lại ruột mèo hở anh”? Ông bảo cứ đi theo họ đi, rồi sẽ hiểu. Thì ra đó là loại giấy cuốn thuốc lá bị rối khi cuốn bằng máy họ thải ra, nó quăn như ruột mèo thật. Ấy thế mà khi lên đến nông trường thì cánh đàn ông từ đằng xa đã chạy lại và hỏi ngay: “Có thuốc lá không ông anh?”. Ông tổ trưởng của tôi vui như tết pha một chút đắc thắng: “Không có thì lên đây làm gì”. Nói rồi ông bảo tôi bê từ thùng xe Mô-nô (một loại xe tải một cầu của Liên Xô) hai bao tải vụn thuốc lá xuống cùng với đống ruột mèo, giao cho anh em ở nông trường làm quà. Sau khi ăn trưa, chúng tôi lên xe về Hà Nội với hai chú lợn của nông trường. Trên đường về ông tổ trưởng bảo tôi: “Cậu thấy không, cứ trông vào tem phiếu thì có mà… treo niêu ngày Tết. Công việc tối mặt, thời gian đâu mà đi xếp hàng từ bốn năm giờ sáng. Mình chịu vất vả một chút thì anh em được nhờ, lại còn có phần để đi đối ngoại nữa chứ”. Nói chưa hết câu đã nghe ông ngáy như sấm, làm hai con lợn cũng phải giật mình.
Chiều tối, cả cơ quan vẫn háo hức chờ. Khi xe vừa lùi vào đến sân, mọi người đổ xô ra, mỗi người một việc, loáng một cái đã thấy hai chú lợn phân thân thành nhiều phần nhỏ, đều nhau tăm tắp, phần nào cũng có đủ thịt mông, thịt vai, chân giò, thịt thủ, gan, lòng v.v… Nhớ lại hình ảnh ông tổ trưởng cắt đặt công việc thật hợp lý, lại tay năm tay mười pha các loại thịt cho từng phần rất thành thạo, rồi hướng dẫn đám thanh niên làm lòng, đánh tiết canh, tôi thực sự ngưỡng mộ ông. Không biết thời nay có bao nhiêu tổ trưởng công đoàn được như ông, không phải vì cái tài pha thịt như ông Mới trong Việc làng của cụ Ngô Tất Tố, mà ở sự hết lòng với công việc, hết lòng với đồng nghiệp. Và ông cũng chỉ nhận một gói thịt như mọi người trong cơ quan mà không hề một lần kể công của mình.
Đêm ấy, số anh em ở tập thể trong cơ quan tổ chức gói bánh chưng và luộc chung ở sân khu tập thể. Tôi được phân công đi mượn nồi của một anh ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đến nơi thì một mẻ bánh mới được vớt ra, cái nồi còn nóng bỏng. Đó là một cái nồi nhôm rất dày, thường gọi là nồi quân dụng. Tôi buộc cái nồi lên chiếc Mô-kich màu đỏ ớt và phóng về cơ quan trong cái rét cắt da. Lửa được nhóm lên, bánh được xếp vào nồi và thế là một đêm nữa không ngủ. Cánh đàn ông ngồi quanh bếp lửa vừa uống chè mạn, vừa đánh tú-lơ-khơ, thỉnh thoảng lại rắc trấu vào bếp. Tết năm ấy sẽ là một cái Tết đầy ắp tiếng cười, nếu không có sự cố khá hy hữu xảy ra…
Số là, sau khi bánh chín thì phải vớt ra và ngâm vào nước lã, rửa sạch để có thể dùng được lâu không lên mốc ở bên ngoài vỏ, rồi chia cho các nhà. Nhưng năm ấy nấu chung, mới rửa hết nửa nồi bánh thì chậu nước rửa đã nóng bỏng, phải thay chậu khác. Mọi người chỉ chú ý vào nồi bánh mà không để ý gì đến chậu nước rửa đang bốc hơi nghi ngút ở gần đấy. Mấy đứa trẻ trong khu tập thể đã dậy và xúm xít quanh nồi bánh chưng. Những đôi mắt trước đó còn ngái ngủ, bỗng chốc sáng lên khi nhìn những chiếc bánh nóng hổi cứ nối tiếp nhau được vớt ra rồi lại ngâm vào chậu nước. Lũ nhóc đứa nào cũng muốn chen vào gần để xem cho rõ hơn. Và tai nạn đã xảy ra khi thằng bé con một cán bộ phòng kế hoạch bị ngã ngồi vào chậu nước rửa bánh nóng bỏng. Thằng bé khóc ré lên! Mẹ nó là người đầu tiên chạy lại, bế thốc nó ra khỏi chậu nước, mặt cắt không còn giọt máu. Lên tiếng đầu tiên là ông tổ trưởng công đoàn, ông nói như quát: “Lấy ngay chậu nước lạnh ra đây”. Không ai hiểu ý ông nên cứ đứng như phỗng. “Điếc à? Thằng Đông đâu rồi”. Bấy giờ bố đứa bé mới hấp tấp bê chậu nước đến. Ông giằng lấy thằng bé đang khóc lặng trên tay mẹ, và thật bất ngờ ông đặt nó ngồi vào chậu nước lạnh buốt, từ từ cởi quần nó ra, miệng liên tục dỗ dành, an ủi: “Một phút thôi, giỏi nào, rét một tý nhưng giữ được của quý cháu ạ”. Rồi quay sang mẹ thằng bé, ông lại quát: “Lấy cái khăn bông”. Ông khéo léo như một người mẹ thực sự ủ đứa trẻ vào khăn bông và bế nó vào nhà. Nước lạnh làm môi nó tái nhợt, nhưng nó không khóc nữa, chắc nó đã đỡ đau rát, hai tay nó ôm lấy cổ ông và ngả đầu vào ngực ông. Tất cả chỉ diễn ra trong mấy phút đồng hồ mà tôi thấy căng thẳng, hồi hộp như vừa xem xong một trận chung kết bóng đá.
Sau khi bố mẹ thằng bé đưa nó đi bệnh viện, mọi người tiếp tục rửa bánh và giao cho từng nhà. Ông tổ trưởng công đoàn phân công thu dọn dần cái sân khu tập thể và làm vệ sinh các khu vực còn lại để đón năm mới. Xong xuôi mọi việc, ngồi uống nước chè ông mới tủm tỉm với mấy bà phụ nữ: “Nhà thằng Đông nó cậy có những hai cái của quý nên chả chịu để ý đến con cái. Cứ lúng ta lúng túng như thợ vụng mất kim. Không ngâm ngay vào nước lạnh có mà… rụng mất của quý rồi còn gì”.
Ngừng một lát như để lấy hơi, và cũng để tạo ra cái khoảng lặng cần thiết trước khi ông vừa nói vừa nheo mắt tinh quái nhìn đám phụ nữ vây quanh: “Của quý do công đoàn quản lý, đúng không nào?”. “Phải gió nhà ông!”. Mấy bà phụ nữ vừa cười rũ rượi, vừa đấm thùm thụp vào lưng ông…
Lại sắp đến một cái Tết nữa rồi! Đó là Tết Độc Lập mồng Hai tháng Chín, cái Tết đổi đời từ thân phận nô lệ thành người tự do cho cả dân tộc. Lúc này tôi lại nhớ đến ông tổ trưởng công đoàn, không vì phải đi phụ giúp ông bắt lợn cho cơ quan nữa mà tôi nhớ đến câu ông hỏi tôi và nhiều thanh niên trong cơ quan lúc ấy: “Cậu có biết hát Quốc ca không?”. Tôi ngạc nhiên và hơi tự ái: “Sao bác lại hỏi cháu như vậy?”. Ông cười hồn hậu, tay cứ xoa xoa lên lưng tôi: “Xin lỗi nhé! Đừng giận tớ.” Ngừng một lát, giọng ông trầm hẳn xuống, ít khi tôi nghe ông nói giọng thế này: “Cậu thấy câu Nước non Việt Nam ta vững bền nghe có sướng không? Lúc trẻ, mỗi lần hát đến câu này tớ thấy người khỏe hẳn ra, chỉ muốn đứng phắt dậy làm một việc gì, làm miết cũng không thấy mệt.” Tôi tin những gì ông bộc bạch. Hằng ngày, không lúc nào thấy ông rảnh rỗi, ngoài việc chuyên môn không để ai phải nhắc nhở, ông để mắt đến mọi gia đình lúc khó khăn, khi cha già mẹ héo, ai có con thi trượt đại học ông thẫn thờ như thể con cháu mình vấp ngã. Anh lái xe cơ quan mất vì căn bệnh ung thư, ông đôn đáo lo tang lễ trọn vẹn như lo cho đứa con rứt ruột đẻ ra...
Không biết giờ này ông tổ trưởng công đoàn của tôi đang làm gì khi đã vượt cái tuổi bát thập. Ông đã chuẩn bị xong bàn thờ để đón Tết Độc Lập như hằng năm ông vẫn nhắc nhở chúng tôi chưa. Cầu xin giời đất cho ông sống khỏe mạnh, cứ đặt lưng xuống là lại ngáy vang như sấm, hệt như khi đi bắt lợn năm nào. Xin ông cứ yên tâm dưỡng lão nơi quê nhà. Chúng tôi sẽ kể cho các thế hệ tiếp nối của cơ quan những việc ông làm, tấm gương của ông, sẽ hát lại nhiều lần câu hát mà ông đã hát với tất cả nhiệt huyết và lòng tự hào. Nước non Việt Nam ta vững bền và sẽ vững bền mãi vì có những người con có nghĩa, có tình như ông.
Nguyễn Kiểm