Có những điều tưởng nhỏ bé mà ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống mỗi ngày của mỗi người!
Đó là đôi giày bạn đi dưới chân!
Giày rộng sẽ khiến bạn đau chân. Giày chật thì đau đớn nhiều hơn nữa. Giày mới khiến chân bạn bị phồng dộp, khổ sở…. Thế nên, có câu ngạn ngữ phương Tây: “Hạnh phúc của mỗi người ví như đi giày vậy. Chỉ có bạn mới hiểu bạn thực sự an lòng, vui vẻ với nó hay không.”
Trong cuộc đời, ngẫm lại không mấy ai mà không từng có nhiều lúc phải âm thầm bận lòng, đau khổ về đôi giày mình đi dưới chân. Khi nào cũng nơm nớp nó bị gãy gót, bong đế thì thật xấu hổ, nhất là khi đang trong một hội nghị, hội thảo, tiệc tùng hay nơi công cộng… Theo tìm hiểu và từ chính trải nghiệm cá nhân, tôi thấy với phần đông phái nữ ở đô thị, thường đi giày cao gót hàng ngày thì nỗi lo ấy choán khá nhiều trong tâm trí của họ!
Đôi khi, đi một đôi giày mới mà chẳng dám tự tin vì nó gõ côm cốp xuống sàn… tạo âm thanh khiếm nhã, như thể bạn đang cố tình gây sự chú ý! Dù bạn cố gắng nâng bàn chân thật khẽ khàng cũng dường như bất lực, đôi gót giày bướng bỉnh vẫn gõ côm cốp, làm phiền đến mọi người xung quanh, thật khó mà thiện cảm cho được?
Một lần tôi đi sang Bắc Kinh với đôi giày “hàng hiệu” khá tốt và tôi dường như yên tâm về đôi bạn đồng hành này khi nó được đính kèm với lời cam kết của người bán giày: “Hàng xịn đấy, sai chị quay về đây em bù thêm tiền cho chị”. Thế nhưng, ngay giữa thành phố sầm uất nhưng xa lạ với tôi, lại đang giữa độ mùa đông giá lạnh, đôi giày “hàng hiệu” của mình há mõm, khiến tôi một phen rất khổ sở và giảm hiệu suất công việc rất nhiều.
Bây giờ thì điều ấy đã lùi vào lãng quên!
Bởi vì tôi đã “kết giao” được với một bạn thợ giày rất khéo tay và thú vị!
Giao - tên người thợ giày - tâm sự với tôi: “Hồi đi học, em học dốt lắm chị ạ, vậy mà sao, năm nào cũng được thầy giáo cho lên lớp (!?). Em học đến hết lớp 9, thấy học mãi chỉ phí thời gian, phí tiền của thầy u nên bỏ học chữ, theo học nghề sửa chữa giày chị ạ. Ơ, mà hay thật! Đến khi đi học nghề thợ giày, em học nhanh lắm. Em say mê và tự tìm tòi, để làm tốt công việc của mình”. Giao còn kể, ở quê của Giao cũng có nhiều người thợ sửa chữa giày tại Hà Nội và các đô thị khác. Tuy nhiên, cũng không ít bậc cha mẹ cứ kẽo kẹt cố cho con học để lấy được cái bằng đại học bất kỳ nào đó, học xong lại trở về quê. Quê thì chẳng có chỗ để sử dụng bằng đại học, nghề thì họ không có, nên thất nghiệp nhiều, chị ạ! Giao nói: “Giày mới hay giày xịn cũng là sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng dây chuyền công nghiệp… nên cũng không thể đảm bảo sự vững chắc khi sử dụng trong môi trường nóng ẩm! Vì thế, muốn cho đôi giày (mà chị đã mua bằng nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm, và tiền bạc) sẽ luôn là “người-bạn-đồng- hành-tin-cậy”, không bỗng dưng “phản chủ” giữa nơi công cộng như bong mõm, gẫy đế, hoặc gõ côm cốp khó nghe… thì dứt khoát chị nên nhờ thợ giày thủ công gia cố lại ngay từ lúc vừa mua là tốt nhất. Như thế, giày của chị sẽ đẹp lâu, bền vững và trung thành với chị, giúp chị tiết kiệm được nhiều tiền bạc và thời gian.”
Từ ngày gặp Giao, tôi thấy tự tin hơn mỗi khi ra đường trên những đôi giày của mình.
Công việc của Giao và những hiệu quả của nó có tác động thực sự và sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của nhiều cư dân thành thị, tuy nó không bao giờ trở thành đề tài của một diễn đàn hay cuộc hội thảo nào về nhân lực, kinh tế hay tâm lý xã hội cả.
Với riêng trải nghiệm cá nhân tôi, quả thật, việc có Giao gia cố lại những đôi giày đi dưới chân thường ngày đã giúp làm tốt hơn tâm trạng cũng như chất lượng sống của bản thân thật là đáng giá lắm!
Giao - người thợ giày thủ công - quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, là hình ảnh của một người lao động chân thiện và đáng mến. Giao nói: “Em yêu nghề và làm việc tận tụy có uy tín gần 20 năm ở Hà Nội”. Vì cần cù và chăm chỉ với nghề, mình nhẩm tính, thu nhập hàng tháng của Giao cũng đủ nuôi vợ nuôi con đàng hoàng, cần kiệm! Giao có một gian hàng ở chợ Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy), nhưng anh thợ vui vẻ này cũng sẵn lòng đến nhà khách hàng để sửa chữa giày cho những chủ nhân có nhu cầu!
Giao không am hiểu chính trị và không biết nhiều điều cao xa, không bao giờ tranh luận. Giao thích nói về công việc của mình, về việc phải làm sao để mũi kim khâu giày cho ngọt, những miếng lót, miếng đế cao su sao cho bền. Rồi Giao hướng dẫn, tư vấn giúp khách hàng để họ biết đâu là đôi giày tốt. Hay làm thế nào để giữ gìn nó dùng được bền lâu, tiết kiệm tiền bạc mua giày mới... Giao cười hiền hậu, bảo: “Em không biết về internet, Facebook, không đi lễ, không rượu, bia, trà thuốc gì đâu chị ạ… Em sống đơn giản lắm, lao động cả ngày cật lực, tối về lo cho vợ cho con là hết thời gian…” Nói xong, rồi cười rất hiền lành. Hàng ngày, rong ruổi trên chiếc xe đạp, với lỉnh kỉnh đồ nghề và máy móc, Giao đến các gia đình đã có điện thoại đặt hẹn trước, để sửa chữa, làm mới những đôi giày cho chủ nhân, giúp cho những chủ nhân có thể thoải mái, bình an đi lại, giao du, kết nối với thế giới một cách tự tin. Giao bảo, lúc nào em cũng rất đông khách hàng đặt hẹn. Mình làm cẩn thận, có tâm... lâu rồi mọi người mến và nhớ... khi cần là gọi cho em! Chắc hẳn, dù không nói ra, nhưng trong lòng những người từng là “khổ chủ” của những đôi giày bong mõm bất ngờ, cũng thầm thốt lên lời cảm ơn giản dị nhưng chân thành đến người thợ giày thủ công yêu lao động, yêu công việc và khiêm nhường vô cùng ấy.
Cũng như bao người ở Hà Nội, tôi thầm cảm ơn người thợ giày đó. Cảm ơn, còn bởi Giao đã gợi cho tôi một suy nghĩ sâu sắc về “nghề” và một triết lý về hạnh phúc giản dị mà có thật trên đời!
Câu chuyện cuộc đời người thợ giày giản dị, chất phác, khéo léo, đôn hậu khiến tôi nghĩ ngợi, suy ngẫm rất nhiều. Bỗng nhớ ra, con gái Minh Khuê, cô tân sinh viên Trường Đại học Harvard còn vài đôi giày chưa gia cố để chuẩn bị mang sang Boston, bỗng thấy cần hỗ trợ để con gái có thể bước đi tự tin trên đất Mỹ một ngày kia, tôi mở máy gọi điện thoại cho Giao: 01296080256.
Cảm ơn người thợ giày thủ công thầm lặng, đã tặng cho bao người sự tự tin đáng quý.
Dường như, Giao cũng không nghĩ cao siêu đến thế, anh là một người lao động hạnh phúc, vui vẻ!
Và được kết nối với những con người lao động chân thiện, khiêm nhường như Giao, tự nhiên tôi nhận thấy mình cũng trở nên hiền hòa, vui vẻ lắm.
Hồ Thị Hải Âu