Cô giáo tôi sống ở nông thôn hàng chục năm, sắp về hưu, trước thường chỉ nghe đài, xem tivi, chứ ít đọc sách báo; nhưng vài năm gần đây, sau khi được học trò cũ nhân dịp lễ Tết gửi tặng sách báo phong phú đề cập tới nhiều mặt đời sống xã hội, thì lại đọc rất chăm chỉ. Gần đây, cô hay thở dài, bảo: lúc trước, ít để ý, nên thường nhìn cuộc đời toàn màu hồng, nhưng sau này đọc sách báo nhiều mới thấy hóa ra không phải như vậy, nhất là tình hình xã hội hiện nay. Buồn quá! Lúc ấy, tôi cũng không kịp an ủi cô ra sao? Chả lẽ bảo cô không nên đọc nữa? Nhưng liệu những mảng tối trong xã hội bây giờ có giảm đi, có biến mất?
Hiện nay, có lẽ đâu chỉ tôi mà nhiều người khi đọc báo, lên mạng hàng ngày đều không khỏi mệt mỏi, ngán ngẩm khi tin cướp, giết, hiếp tràn lan - không chỉ trên báo của ngành công an, pháp luật. Có những chuyện táng tận lương tâm, không còn luân thường đạo lý, mà thời gian trước không xảy ra, hiếm xảy ra, hoặc sẽ là chuyện động trời thì nay cảm giác đã trở nên bình thường, như: có những người trẻ giết hại cha mẹ, ông bà mình hoặc người khác chỉ vì mấy chục nghìn đồng để chơi game, chỉ vì nhìn… đểu, chỉ vì thấy mặt nó khó ưa… Có quá nhiều bất an, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong cuộc sống, xã hội mà phần đông ai cũng kêu, ai cũng than và hy vọng “chắc nó chừa mình ra”… Cho nên, phần lớn, tôi chỉ lướt tít bài, chứ không đọc hết, bởi vì, có khi càng đọc càng chán nản, rồi nó ám vào mình lúc nào không hay…
Thời gian rỗi, tôi về nông thôn, nhất là vùng miền Tây Nam Bộ, vừa tránh xa áp lực phố thị, vừa hạn chế lên mạng tiếp xúc với biển thông tin mà có tránh cũng khó né được thông tin “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đập vào mắt, găm vào não… Điều quan trọng là đi để gặp được những người làm việc thiện mà trước đây tôi mới biết trên báo chí.
Bồ Tát sau lưng
Tham gia cách mạng từ thời còn thiếu niên, bị cụt một chân, một tay, mất một mắt, tỷ lệ thương tật tới 83%, sống độc thân, gia cảnh không khá giả gì, nhưng vẫn miệt mài trợ giúp cho học sinh nghèo trong ấp, trong xã khi các em tưởng phải nghỉ học, suốt hơn 30 năm qua, có nhiều em đã vào đại học, có công ăn việc làm ổn định. Đó là đôi dòng về bác Lê Văn Ý, thường gọi là Tám Ý, 75 tuổi, ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, khi chạy xe từ đường liên tỉnh trải nhựa vào trong xã, trong ấp tới vài km đường nhỏ hẹp thì tôi đã hơi… ngần ngại. Tới khu ấp bác ở thì hết đường trải nhựa, còn toàn đường đất gạch gồ ghề, chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau, một bên là kênh, mương, nhìn thôi cũng đã ngán, rồi tôi cũng tới được nhà bác gần bến đò cây Sắn, bên bờ sông Hàm Luông. Nhìn thấy căn nhà tình nghĩa mà địa phương xây cho bác lọt thỏm giữa khu vườn, đã thấy bùi ngùi, nhưng khi bước vào trong nhà thì tôi như nghẹn lại. Căn nhà nhỏ, quá sức đơn sơ, ngày Tết mà lạnh lẽo, bởi trong nhà chỉ có bộ bàn ghế bé, cũ kỹ và chiếc giường đơn cũng cũ kỹ, ngó ra ngoài hiên thì có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài ra không còn gì khác. Có quá nhiều điều định hỏi, định nói nhưng tôi phải để cho sự ngậm ngùi lắng lại mới có thể hỏi chuyện bác Tám, trong khi bác cứ hồn hậu cười, thành thực kể chuyện đời như bất kỳ lão nông miền Tây chất phác nào. Tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp khi còn nhỏ, làm giao liên, rồi chống Mỹ, bị thương tật tới 83%, mất một tay, một chân, một mắt. Sau 1975, chính quyền cũng mai mối người cho bác, nhưng bác nghĩ: mình bị thương tật nặng, lấy về chỉ làm khổ người khác, nên đành ở vậy. Thấy trong ấp có mấy học sinh ham học nhưng nhà quá nghèo, phải bỏ học, bác động viên gắng đi học tiếp, mọi việc đã có bác cáng đáng. Từ tiền trợ cấp thương binh đến tiền hoa lợi từ ruộng vườn bác dồn cho các em. Một em được bác giúp đỡ, rồi hai em, và dần dần đông hơn. Nhiều người bảo bác bị điên, vì tiền của mình không lo cho bản thân, lại đi lo chuyện thiên hạ, thậm chí người ta còn bảo bác không bằng con gà, vì con gà còn biết bới thóc, bới giun, sau còn cho thịt, còn bác chả được tích sự gì. Bác chỉ cười. Nặng nhất là một số anh chị em trong gia đình suốt ngày cằn nhằn, mắng nhiếc. Mãi rồi không chịu nổi, bác để lại toàn bộ mấy công đất hương hỏa với hàng chục, hàng trăm gốc cây cảnh - mà thời điểm đầu những năm 1990, có một số người đã trả giá tới hàng cây vàng - ra đi với một bộ quần áo. Cắm căn lều bên bờ sông Hàm Luông, gần bến đò cây Sắn và vẫn trích tiền đi làm thuê, tiền trợ cấp thương binh để hỗ trợ trẻ em nghèo được đi học, “miễn sao tụi nhỏ không phải bỏ học”. Tới nay đã có hàng chục học sinh nghèo trong xã Sơn Đông và các xã lân cận được bác hỗ trợ tới trường, trong đó có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, đi làm, có em du học thạc sĩ tại Hàn Quốc… Nay người ta ào tới xin bác nhận hỗ trợ nhiều khi chỉ để lấy tiếng, lấy may cho con cháu mình đỗ đạt cao. Một số người thân trong gia đình bác đã nghĩ lại, hối hận. Tới khi chính quyền huyện biết được việc nghĩa của bác, tạo điều kiện xây nhà tình nghĩa nhưng bác từ chối, bởi “chỉ sống một mình, không cần thiết, trong khi có nhiều gia đình chính sách khác cần hơn”, phải vận động tới lần thứ ba bác mới chịu nhận.
Lúc về, đang chở bác trên xe - khi bác tìm cách đưa tôi ra tận đường lớn - dù đã từ chối vì không muốn làm phiền bác vất vả, tôi hỏi: bác có buồn không khi trước đây chính anh em, gia đình không hiểu, mạt sát thì bác bảo: buồn làm gì, vì người ta thường nói rằng đây là thế gian, chứ có phải thế thiệt đâu. Tôi lặng đi, rồi mới bừng tỉnh: nếu dừng xe được thì xuống xe lạy bác mới đáng. Quả thật, trước khi tới gặp bác, tôi đã chuẩn bị một số câu chuyện, giáo lý nhà Phật để chia sẻ với bác, với hy vọng bác sẽ vơi bớt nỗi buồn. Nhưng khi nghe bác nói vậy, bao nhiêu ưu tư trong tôi được trút sạch, dù bác không đi chùa, đình hay nhà thờ trong xóm, không theo tôn giáo nào. Và những bài học về Phật pháp lại thấm thía hơn, hình ảnh những bậc Bồ Tát trong kinh sách bỗng trở nên gần gũi với tôi.
Đường ở ngay trong tâm
Cũng trong ngày hôm đó, khi tới Sa Đéc thì tôi lại được khai mở tiếp. Đó là khi được gặp bác Nguyễn Văn Mốt, 75 tuổi, giáo viên về hưu. Bác Mốt cười, bảo: trước đây, đi làm hàng chục năm trời, từ khi còn là giao liên trong kháng chiến chống Pháp, rồi cán bộ địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, sau 1975 công tác chủ yếu trong ngành giáo dục cao nhất cũng chỉ là cấp phó, còn hiện nay toàn là cấp trưởng, như Chủ tịch Hội cựu Giáo chức, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Thành phố Sa Đéc…
Hàng chục năm qua, bác đã vận động xây nhà tình thương, trường dạy nghề cho trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, trường dạy nghề cho phụ nữ nghèo Thiên chúa giáo, lập tổ cấp cơm nước miễn phí ở Bệnh viện Sa Đéc cho bệnh nhân nghèo. Ròng rã hơn sáu tháng trời đi khắp nơi thuyết phục các cấp chính quyền Thị xã Sa Đéc và Tỉnh Đồng Tháp để lập lò hỏa táng miễn phí cho người nghèo, khi mà đất đai dành cho nghĩa trang khó có thể mở rộng; một vị lãnh đạo tỉnh bảo: sẽ cho thí điểm làm thử, thì bác nói luôn: không làm thử, mà tôi sẽ làm thật. Tới nay, lò hỏa táng do bác thành lập là nơi đi về thế giới bên kia của đông đảo người dân Sa Đéc khi mà đất đai càng ngày càng khan hiếm, người ta mới thấy việc làm đó là đúng đắn. Gần đây, bác lại cùng Hội cựu Giáo chức Sa Đéc lập Bếp ăn khuyến học miễn phí dành cho học sinh nghèo. Bác cười, bảo: mình cứ làm tốt thì người ta tin, dân người ta thương sẽ giúp, vì thế khi chúng tôi đầu tư mấy trăm triệu để thay bếp củi bằng hệ thống bếp ga, lò hấp công nghiệp cho tổ cấp cơm nước miễn phí ở Bệnh viện Sa Đéc thì chỉ cần vận động vài ngày đã có vài trăm triệu đồng. Lăn lộn trong làm việc thiện hàng chục năm nay, nhưng gặp ai bác cũng bảo: còn nhiều người nghèo, khổ lắm, phải tìm cách giúp đỡ họ. Khi tôi thắc mắc là liệu vị trí Đảng viên của bác có là điểm thuận lợi để thuyết phục, vận động các nhóm cộng đồng thuộc tôn giáo, tín ngưỡng khác làm theo thì bác Mốt bảo: tôi là Đảng viên nhưng cũng là Phật tử, Rằm, mồng Một lên chùa tụng kinh niệm Phật cùng đạo tràng; cứ làm theo cái tâm của mình, giúp được ai nghèo khổ thì giúp, đâu có tùy thuộc vào tư tưởng, tôn giáo nào… Lại một nghi ngại trong tôi được hóa giải.
Có nhiều điều tôi được đọc, nghe trên báo chí, trên mạng, trong sách vở, nhưng phải đi, phải gặp thì mới thấy hiện thực thật sống động và làm xoay chuyển lối mòn hay hồ nghi của mình, cũng như cởi bớt những mỏi mệt chán chường khi ngày ngày đọc, xem các chuyện đau lòng trên báo chí.
Về miền Tây, không chỉ được gặp bác Tám Ý, bác Mốt mà tôi còn được tiếp xúc với rất nhiều người có tấm lòng thiện nguyện, có thể họ chỉ là một người nông dân trình độ học vấn có hạn, một tiểu thương có sạp hàng nhỏ xíu bên lề đường, một bà cụ cả đời chưa đi khỏi miệt vườn… Nhưng ta dễ dàng gặp họ ở bất kỳ bệnh viện nào tại miền Tây nơi luôn có những tổ cấp cơm nước cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Thời gian trước, đọc báo chí, mạng thấy ở một số tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh có những người bán hàng rất bình thường để sẵn bình nước trà đá, nước lọc miễn phí cho khách đi đường - được nêu lên như điển hình; nhưng thực ra đó lại là chuyện thường ngày ở rất nhiều tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh. Thời chưa xa lắm, ở nông thôn miền Nam, trước cửa nhiều ngôi nhà vẫn có chum nước mưa được đậy nắp cẩn thận, gác chiếc gáo dừa để người đi đường làm dịu cơn khát. Cũng như những năm 1960 người miền xuôi ngược Quốc lộ 6 lên Tây Bắc còn gặp nhiều quán bán hàng của tộc người thiểu số treo nải chuối, hoa quả mà không có người trông coi, ai ăn hoặc mang đi tùy thích, và tùy tâm để lại số tiền… Tuy nhiên, hiện nay những nét đẹp đó ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ gần như tuyệt tích.
Dầu vậy, tôi vẫn tin rằng, giữa cuộc sống đầy nhiễu nhương hiện nay, bớt chút thời gian rời xa báo chí, mạng, ghé các tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh miền Tây, các vùng thôn quê khác thì vẫn gặp được những điều trông thấy khiến mình an lạc. Mạch nguồn ấy dù lúc này lúc khác tưởng như bị chìm lấp trong xã hội đầy xáo trộn, nhiều chuyện thương tâm nhưng không thể bị cạn kiệt, biến mất, bởi tôi nghĩ rằng, có lẽ ai cũng từng được nghe câu ca: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... Cứ đi rồi sẽ gặp, tôi vẫn tin như thế và nên tin là như thế! Và tôi cũng tin rằng, những người như cô giáo tôi nếu có dịp đi đây đi đó, nghiêng xuống nhìn đời một chút thì sẽ thấy cuộc sống hiện nay không hẳn chỉ là mảng tối đen.
Trần Thiện Tùng