Nhớ lần tìm gặp trong tiệm sách cũ một cuốn sách mỏng của tác giả A. Pazzi, do Hồng Cúc dịch, nhan đề Người Việt cao quý (xuất bản năm 1965, Nhà sách Khai Trí, số 62, Đại lộ Lê Lợi - Sài Gòn). Đọc trang mở đầu có câu: “Thiết nghĩ được nói về dân tộc mình là một niềm vui, nhưng được nghe người khác nói về dân tộc mình - và nói bằng những cảm tình tốt đẹp - là một niềm vui lớn lao”; phía dưới ghi: Sài Gòn, ngày 15 tháng 6 năm 1965. Thấy lạ: tại sao trong thời gian ấy ở Đô thành Sài Gòn lại có sách viết thế này? “Người khác nói về dân tộc mình” là ai đây? Đang nhan nhản các đơn vị binh lính quân đội Mỹ vừa đổ bộ vào để tham chiến, người Ý nào dám “nói bằng tình cảm tốt đẹp” với người Việt về tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người dân Việt?
Lạ thật! Mở đầu với mục: “Đôi mắt và nụ cười của người Việt”, người Ý ấy đến Việt Nam hơn 20 năm mô tả: “Đôi mắt, cái miệng của người Việt Nam có một sức sống kỳ lạ, cái duyên kỳ lạ” (trang 8). Ấy là đôi mắt có “cái nhìn vừa mau, vừa sâu”, “nhìn hiền từ khoan dung, nhưng có vẻ gì không chịu phục tòng” (trang 9); còn nụ cười thì “có một vẻ gì bí hiểm khó mà đoán hiểu dễ dàng”, “khi vành môi họ nhếch lên hay mím nhẹ lại, họ đã quy tụ cái nhìn, đôi mắt theo về hướng ấy, và trong phần tư, phần sâu nụ cười lửng lơ của họ, người ta đoán thấy một sự nhạy cảm lạ lùng” (trang 11). Ở một đoạn khác lại thấy tả: “mắt họ biết quắc nhìn, giận dữ mà không tàn bạo, đôi môi họ biết mím chặt, căm hờn mà không ác tâm” và “khuôn mặt người Việt Nam có cả vết hằn lịch sử của họ” (trang 16).
Thật ngạc nhiên khi nhận ra “một căn bản tinh thần quý giá của người Việt Nam: óc thiết thực” được thể hiện ở trang phục và màu sắc trang phục, cách ăn mặc, kiến trúc nhà cửa và kiểu nhà ở thấp nhiều cột, ngôn ngữ âm thanh và thơ nhịp chẵn... đã “chứng tỏ được tinh thần thiết thực, thiên về nội dung”, “không hề có óc viển vông” (trang 24). Thật thú vị khi nhận thấy: “Vẻ uyển chuyển và nét tế nhị của người Việt” thể hiện trong vần, âm điệu, giọng nói, tiếng đệm, lời ca và tâm hồn con người, cả trong cách xưng hô và ứng xử, đối xử “mềm dẻo lạ thường” (trang 34).
Thật chí lý khi ngẫm ra “Ý thức luân lý của người Việt” đã thực hiện sự tự vệ chính đáng rồi lại lập miếu thờ tinh anh người có dũng lược; người Việt trọng nhân nghĩa, thủy chung, tương thân tương ái, tinh thần cộng đồng, khoan dung, hiếu khách, thích giá trị tinh thần mà xem nhẹ giá trị hình thức; người Việt sống có đạo lý, hợp với lẽ phải, yêu nước, quý anh hùng, tôn trọng phụ nữ, khiêm tốn, hiền hòa, thanh nhã, đức độ, hồn nhiên của một nền văn minh “không có mặt nổi mà có mặt chìm, không có số lượng mà có phẩm chất” (trang 40).
Thật tự hào khi nói đến “Tinh thần bất khuất của người dân Việt”, vì “ý sống huyền diệu”, “ý chí vô biên vô tận về một đời sống độc lập” của dân tộc âm thầm nhưng mênh mông, trùng trùng điệp điệp. Bất khuất trở thành giá trị lớn nhất của “một dân tộc tự cường, bất khuất đến một mức độ cao”, làm cho dân tộc trở thành “một kẻ nhỏ nhất mà lại mạnh nhất, bị chèn ép nhiều bậc nhất nhưng lại quật khởi oai hùng bậc nhất” (trang 71).
Đọc Người Việt cao quý mà không hiểu thời cảnh của sách thì không hiểu được người viết, cũng như không biết sự “cao quý” của những con người nhận ra giá trị của thời mình đang sống. Ấy là thời chiến tranh của một dân tộc đã tạc vào thế kỷ cái “Dáng đứng Việt Nam”; ấy là lúc mỗi con người sẽ phải chọn cái lẽ sống trong uất nghẹn giữa ánh đèn xanh nơi thành đô; ấy là khi những cao quý của dân tộc, Tổ quốc, những vẻ vang của giống nòi, cha ông từ quá khứ hiện về, nhắc nhở mỗi thần dân phải nhận diện những thử thách đang diễn ra...
Năm ấy (năm 1965) chiến tranh lan nhanh như một vết dầu loang, lửa hận ngùn ngụt cháy trước bao nguy cơ đe dọa vận mệnh dân tộc; đến 10 năm sau đó mới hóa giải thành bão táp quét sạch mây mù, đem lại khúc khải hoàn, non sông liền một dải. Chiến tranh qua đi, những thử thách và vận hội mới đến, người Việt đã cao quý càng trở nên cao quý trên đường hành tiến.
Bây giờ người Việt sống thực tế và thực hành nhiều hơn trước, nhưng lại hay có cảm giác nhàm chán khi ai đó nhắc nhở lịch sử; cũng bởi mỗi thời mỗi khác nên quá khứ xa xưa sẽ khập khễnh khi so sánh đối chiếu với hiện tại đang biến chuyển từng ngày; người Việt đi ra ngoài nhiều và sự xuất hiện những cao quý của người Việt ở đó cũng không phải là ít.
Bây giờ những cao quý ấy của người Việt vẫn được người khác khâm phục và tôn trọng đấy chứ; bởi thực tế người Việt bấy lâu nay vẫn học vẫn làm theo những cao quý, đã làm vẻ vang thêm những vẻ vang, đang viết tiếp những trang sử thực tế như huyền thoại; vì thế nhiều người khác vẫn viết về người Việt bằng sự thân thiện và ngưỡng mộ như trước vậy.
Nhưng thực ra khi nhận biết được những cao quý của người Việt và thấy đó là “niềm vui lớn”, thì viết về mình vẫn hay hơn người nào khác. Người Việt nhận chân ra mình cũng là điều cao quý chứ sao, bởi hiểu hết chân tơ kẽ tóc con người mình, không ai hiểu ta bằng chính lòng ta. Viết về những cao quý của mình không phải để tự khen theo kiểu “tự sướng”, mà là để tự tôn, tự hào một cách tự tin, như ngày trước A. Pazzi viết về người Việt cao quý đó thôi.
Hà Minh Hồng