Không phải ngẫu nhiên tôi lại thích đặt tựa bài viết này là: Tôi là người Việt Nam. Đơn giản là tôi muốn được nhìn nhận mình là người con đất Việt. Tôi lớn lên bằng cánh đồng Việt, với hạt gạo Việt ngọc ngà. Tôi trưởng thành với nước Việt, mẹ Việt, lời ca Việt và cả gia đình người Việt. Tôi cũng được làm việc, rồi làm việc khá hơn bởi sự dìu dắt của thầy cô người Việt và đương nhiên của cả thầy cô nước ngoài. Nhưng với tôi, tôi rất tự hào khi giới thiệu: Tôi là người Việt Nam.
Xuất phát từ những trải nghiệm rất bình dị của những lần đi nước ngoài. Tôi gặp một sinh viên ở gần nhà mình đang lưu lạc ở nước ngoài… Có thể nói thật vui khi tìm được đồng hương xa xứ. Định để anh ấy mua hai quả dừa rồi mình sẽ chủ động làm quen. Nhưng ai ngờ khi chủ quán hỏi: Anh là người từ đâu đến? Anh ấy trả lời: Tôi đến từ Thái Lan… Tôi thực sự buồn vì tại sao có một bạn lại mải học hành đến mức quên tất cả? Hay đó là sự mặc cảm của người Việt? Hoặc vả đó là sự tự tin sẵn có nên cứ thế phải vượt qua. Tôi tự hỏi: Sao không ngưỡng mộ chính mình nếu chúng ta có điểm tốt? Và có thể ta chưa tốt nhưng cần chứng minh cụ thể ta vẫn có những điểm tốt cần được trân trọng.
Trăn trở lắm
Trong một cuộc họp cấp bộ, một quản lý cấp trung ở trường đại học cứ say sưa nói và nói… Nào là chê trách chương trình học của Việt Nam, nào là phải cải tiến nhanh việc đăng ký tín chỉ. Nào là đi giảng dạy, giảng viên người Việt giảng dạy rất kém về mặt phương pháp… Sau đó là việc dẫn giải bà giáo của tôi giỏi thế này, trường học cũ của tôi thế này. Ở bên ấy, người ta làm rất đúng quy chuẩn… Chưa hết, chị kết luận một cách xanh rờn: Người Việt mình còn xây chương trình thế này không thể hiệu quả được. Có trăn trở cũng vậy thôi. Mọi người trong cuộc họp ngỡ ngàng… Còn sếp của chị thì ngượng chín mặt… Cũng thật may, một giáo sư đầu ngành nhẹ nhàng và đanh thép nói lại: “Tôi không biết chị học nơi nào nhưng tôi cũng nói thật với chị là có nhiều giáo sư nước ngoài vẫn là học trò của tôi… Là người Việt, mình cần sử dụng điều kiện Việt để đạt chất lượng cao của Việt…”.
Trong một lần tham gia hội thảo tại một trường đại học của Việt Nam, người ta phân biệt rất rõ: Doctor và Tiến sĩ… khi để bảng tên trên bàn hội thảo. Đó là một trường cũng khá hiện đại và việc quản lý cũng khá văn minh. Tôi tự hỏi: Phải chăng đó là sự so sánh? Hay đó là sự kỳ thị? Hay đó là sự phân định chiếu dưới - chiếu trên, trong nước - nước ngoài khi chúng ta tự ràng mình? Hoặc vả đó là sự mặc định chúng ta dành cho khách nước ngoài, là những nhà khoa học mà không phải là nhà quản lý hay đơn vị dịch thuật? Khi chúng ta đã gia nhập WTO, chúng ta cần trân trọng văn hóa. Có thể chúng ta làm chưa tốt về mặt đào tạo nghiên cứu sinh. Có thể chúng ta cần cải tiến nhiều hơn nữa về quy trình đào tạo ở Việt Nam. Có thể cần nhìn nhận về chất lượng đào tạo… bằng nhiều biện pháp cụ thể. Nhưng tôi nghĩ đừng cố tình tạo lằn ranh như thế? Sao chúng ta không hết lòng với nhau? Sao không tự hào mình là người Việt? Khi chất lượng khoa học được đánh giá qua năng lực, qua số bài viết khoa học và chất lượng bài viết thì suy nghĩ trên có phần khiên cưỡng?
Hay tôi có một người đồng nghiệp, cứ bảo rằng: “Bằng của tôi là đi khắp nước ngoài”. Số là chị tốt nghiệp ở hệ thống Liên Xô cũ. Không biết chị giỏi thế nào nhưng cứ mỗi lần nghe chị ấy nói, nhiều đồng nghiệp lại cứ cười tươi… Nụ cười mang hàm ý gì, người trong cuộc có thể phải hiểu. Khoan vội nói về chất lượng bằng cấp, nhưng rõ ràng chúng ta luôn là người Việt, sao cứ mặc định chính mình là thế này, thế khác? Sao chính người nhà, người Việt với nhau lại cũng có thể “chặt chém nhau” một cách vô tư, thoải mái… Nói để thấy chúng ta có tự hào về người Việt? Nếu chưa hài lòng về nhau, có thể góp ý. Nếu cảm thấy cần phải giải quyết những vấn đề nhất định để tạo ra sự quản lý chất lượng hiệu quả trong đào tạo, hãy nói chính thống, làm chính thức thay vì cứ đá xéo để đau lòng nhau… Vì người Việt là anh, là chị, là tôi và là tất cả chúng ta mà?
Gần đây, tôi tình cờ lên đọc một trang web mang tên giáo sư dỏm… Mới thấy… người ta có thể đâm chém nhau một cách vô tư… Ai cũng “có thể” làm cho những “chuyên gia” lập ra danh mục ấy hài lòng, “tôn trọng”. Sẽ khó có thể tranh luận một cách rạch ròi về học hàm này nhưng tôi nghĩ cũng có vài điều cần nói. Giáo sư chỉ cần là người đi dạy - là mỹ từ mà nhiều nước vẫn có thể sử dụng. Giáo sư là người sẽ đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về bài báo khoa học, công trình nghiên cứu… Mà đôi lúc không cần phải giảng dạy nhiều giờ chuẩn hay đảm bảo giờ chuẩn thậm chí chỉ cần dạy duy nhất một môn. Giáo sư có nhiều điều kiện đăng bài quốc tế, tham gia trong công tác đào tạo sau đại học… Xin nhấn mạnh, cũng chẳng có chuẩn nào là tuyệt đối khi mỗi cái “chuẩn” vẫn cần có biên độ hay ranh giới áp dụng… Đành rằng việc nhiều nhà quản lý ở Việt Nam thích được phong hàm, đành rằng việc xét giáo sư hay phó giáo sư còn nhiều điều cần tranh luận… Nhưng thay vì chúng ta góp ý, chia sẻ trên tinh thần người Việt thì liệu cách làm của trang web ấy phải chăng sẽ làm cục diện phong học hàm của người Việt sáng sủa hơn?
Thì ra người ta có thể đánh giá khắt khe với người Việt đến thế. Mà không chỉ là người nào xa lạ… Chủ trường quốc tế cũng không cho thấy quan điểm tự hào là người Việt. Cùng trình độ, bằng cấp, độ tuổi và thậm chí là chiều cao, khả năng ngôn ngữ (dẫu ở mức tương đối…) nhưng một trợ giảng người Việt lương chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với lương của người nước ngoài mà tóc vàng da trắng được ưu tiên số một… Không chỉ nhìn nhận về người chủ trường hay vội vã phê bình mà có thể đó là cái nhìn mang tính “ám thị” từ cộng đồng, từ nhiều bậc cha mẹ hay từ nhiều nhóm người khác nhau… Đâu là điều có thể giải quyết những vấn đề trên nếu chúng ta tự tin về bản thân mình, tin tưởng người Việt và tự hào về người Việt?
Tự hào nhưng không tự kiêu
Tôi cũng không phải là người cầu toàn, nhưng rôi tự hào mình là người Việt. Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải bảo thủ hay chúng ta phải huyễn hoặc về mình. Nhưng chúng ta phải tự hào về bản thân người Việt. Hãy thẳng thắn giới thiệu rằng tôi là người Việt Nam… khi xuất hiện.
Một lần, tôi trở thành giảng viên dạy mẫu phương pháp chủ động cho đoàn chuyên gia tham quan đến từ Mỹ của tổ chức People to people… Thú thật, tôi không thích lắm cảm giác lên tiết giảng mà thu hình vì điều đó sẽ làm cảm xúc rất dễ bị chai cứng… Dự giờ xong, với vốn tiếng Anh không phải chuẩn nước ngoài, càng không có giọng Mỹ hay giọng Anh, tôi được hỏi: Anh dạy thế này lâu chưa? Tôi rất nhẹ nhàng đáp: Khoảng 10 năm từ khi tôi đi dạy. Thật à? Câu hỏi kế tiếp được thốt ra. Hàng loạt câu hỏi dồn dập dành tặng cho tôi: Anh có phải là người dạy giỏi của trường này không? Anh có phải là người ứng dụng rất thành công phương pháp dạy học tích cực? Lối dạy của anh rất hiện đại, anh học ở nước nào về?... Cảm ơn tất cả những câu hỏi ấy và tôi trả lời tuần tự. Câu trả lời của tôi dành cho các anh chị trong đoàn tham quan là: Tôi là người giảng viên bình thường ở trường này. Tôi là học trò của rất nhiều thầy cô giáo ở trường này… Tôi là cựu sinh viên của trường nhưng cũng có cơ hội đi học tập một vài lớp ngắn hạn ở vài nước… Chuyên gia về giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh không phải là ít…
Tôi hay nghe một vài đồng nghiệp chê bai về người Việt với rất nhiều thói xấu. Nhưng chúng ta làm gì để những thói xấu ấy mất đi. Tôi cũng nghe rất nhiều đồng nghiệp của mình chê bai đủ thứ cái gì của Việt Nam kể cả giáo dục Việt Nam. Nhưng có lẽ chúng ta cũng quên bẵng đi chúng ta là sản phẩm của giáo dục Việt Nam với bao nhiêu năm trời? Có thể là 5 năm, 10 năm hay 16 năm và thậm chí là 20 năm? Nhưng khi chúng ta “hớt ngọn” thì vội quên rằng chúng ta đã có gốc. Và nếu không có gốc vững thì cái ngọn đó không thể đứng vững hay không thể sinh tồn và phát triển đến đỉnh của nó. Khi người Việt có bất kỳ một ý tưởng, phải thật sự tự hào thay vì cảm giác ghen tị hay cảm giác cạnh tranh xuất hiện. Chính sự cạnh tranh đẩy chúng ta đi đến lựa chọn nhìn nhận và đánh giá một cách xét nét hay rơi vào thói quen “nông dân” thứ thiệt “vạch lá tìm sâu” hoặc cứ ám thị: “người Việt mà làm thì đến đâu” hay “chắc chỉ là khoe mã mà thôi”… Chính kiểu suy nghĩ và ám thị đấy làm dập tắt những động lực sáng tạo, làm trì trệ những ý tưởng đột phá, làm gia tăng tính ỳ, làm sự tự tin không thể nở hoa theo thời gian…
Trong thời gian gần đây, tôi cũng bắt đầu tham gia một số hội thảo quốc tế. Có thể nói sự tự tin là một “bước chân” đầu tiên cần có trong khâu gửi tham luận hay báo cáo phiên toàn thể hay phiên nhóm. Một vài lần giới thiệu về người Việt Nam, cũng không có nhiều cử tọa quá chú ý. Cái quan trọng lại là nội dung và cách thể hiện. Tôi nghĩ, cớ sao mình phải tự rút chân mình khi cứ nghĩ rằng chắc là sẽ không được. Cùng với những cộng sự của mình, năm 2014 này, dự kiến tôi sẽ đăng tải khoảng 10 bài khác nhau trên tạp chí quốc tế chuyên ngành gần hoặc chuyên ngành sâu. Đó là các tạp chí ngành xã hội và hành vi, xã hội nhân văn, xã hội và văn hóa, tâm lý học… Với con số bài ấy, đó là sự góp nhặt từ những công trình nghiên cứu mới nhất trong năm 2014 hay những công trình nghiên cứu có so sánh 5 năm trở lại… Tôi cho rằng, chúng ta cần tự tin, cần tự hào mình là người Việt. Và cũng đừng quên rằng hãy tự thể hiện mình là người Việt có trí tuệ và có nghề nghiệp vững vàng, có thể làm việc chuyên nghiệp ở môi trường đa quốc gia…
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tuyên bố rằng: trong mỗi con người chúng ta đều có 18 tỷ tế bào thần kinh, năng lực và trí tuệ, sẵn sàng làm việc để giúp chúng ta đạt được bất cứ mục tiêu nào nếu thực sự chúng ta muốn. Môi trường, cơ thể, nhận thức và tiềm thức, kinh nghiệm vị trí và phương hướng đặc biệt trong không gian lẫn thời gian… cũng như nhiều điều khác nữa bao gồm những sức mạnh mà bạn đã biết hoặc chưa biết. Người Việt chẳng có gì khác những cơ sở ấy. Người Việt có thể ngang tầm nếu có điều kiện, cơ hội… Nhưng cũng đừng quên xem xét, điều kiện và cơ hội để cảm thông, để đặt ra yêu cầu mới nhưng cũng cần để tôn trọng và tự hào…
Tâm hồn của bạn bao gồm nguồn sức mạnh kép khổng lồ và vô hình: nhận thức và tiềm thức. Một bên là người khổng lồ không bao giờ ngủ. Đó được gọi là tiềm thức. Một bên là người khổng lồ rất hay ngủ quên nhưng khi thức tỉnh thì sức mạnh tiềm tàng của người khổng lồ ấy là vô giới hạn. Người khổng lồ này được gọi là nhận thức. Khi hai người khổng lồ đó kết hợp với nhau thì chúng có thể tác động, sử dụng, kiểm soát hay hòa hợp với tất cả những sức mạnh mà con người đã biết hoặc chưa biết. Tôi nghĩ, sao chúng ta không mạnh dạn thể hiện? Vì sao phải phân định chúng ta là người Việt để tự giới hạn điều kiện, tự giới hạn hành vi và tự giới hạn cơ hội của chính mình?
Có nhiều người rất có khả năng nhưng để hoài phí khả năng của mình. Có nhiều người có nội lực nhưng lại bỏ quên nó để nó ngủ đông quá dài… Đó là chưa kể có người mới chỉ chạy được 1/3 đoạn đường ở một khả năng thì đã bỏ cuộc… Còn về mặt thực tiễn, trong công tác tư vấn tâm lý, giảng dạy tâm lý học và quản trị nguồn nhân lực… cũng như trong khi làm giám khảo và đào tạo phát triển con người kể cả những cá nhân có triển vọng, tôi nhận ra có rất nhiều cá nhân có tố chất, muốn phát huy nhưng lại không dám. Cái không dám này bắt nguồn từ suy nghĩ: tôi không thể! Đôi lúc chính sự không thể ấy xuất phát ngay từ quan niệm: tôi là người Việt nên tôi không thể làm thế… Người Việt không làm được đâu… Chỉ có các nước khác mới làm được thôi… Ở đây, điều kiện đâu mà làm, người ta có chấp nhận hay không? Tôi không muốn dễ dàng chấp nhận với lời khuyên giản đơn hay sự minh chứng mang tính cá nhân. Không quá bằng lòng với khả năng hiện thực. Nhưng chúng ta cũng đừng vội cho rằng mình hoàn toàn không thể. Cũng đừng bảo rằng khả năng của chúng ta hạn chế bởi điều kiện. Đừng lấy điều kiện để ràng lấy chính mình. Cũng đừng sống trong tưởng tượng hay khẳng định bằng cách giả định: nếu như… Và lúc nào cũng nói nếu như thì có lẽ chúng ta sẽ không phát triển. Hãy tự tin rằng chúng ta có thể làm tốt nhất với điều kiện hiện tại. Và sẽ có thể làm tốt hơn nữa với điều kiện tốt hơn - nếu không tự mãn… Chúng ta cũng cần tự hào để đuổi kịp bạn bè chứ không phải lúc nào cũng tự ti.
Tôi hoàn thành một vài sản phẩm đầu tiên của dự án Ai cũng có thể. Đó là những đĩa CD, Clip, DVD về các khả năng mà tôi chưa thể hiện trước đó. Điều này không phải ngẫu nhiên xuất hiện. Tôi nghĩ mình cần khẳng định người Việt hay bất cứ người nào cũng có thể làm được. Hơn thế nữa, chỉ cần bạn quyết tâm là bạn có thể làm được. Tôi thử nghiệm với diễn xuất khi đóng kịch, clip. Tôi thử nghiệm hát dân ca, tôi thử nghiệm làm người dàn dựng tốp ca với bài hát Tự nguyện. Hay tôi sẽ múa, sẽ hát cải lương… là những điều tôi nghĩ mình làm được. Vấn đề còn lại là có sự quyết chí hay không? Và thứ nữa là có cố gắng, nỗ lực hết mình hay không? Điều đặc biệt là tôi muốn cho mình một cơ hội. Tôi không muốn những bạn trẻ sẽ nghĩ rằng mình không thể, sẽ cho rằng người Việt lúc nào cũng hạn chế…
Tôi nghĩ những ngày tháng Năm Biển Đông “dậy sóng” bởi sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng biển Tổ quốc, cùng với cả nước, tại bất cứ điểm đảo nào ở Trường Sa và nhà giàn DK1, ý chí kiên trung, vững vàng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân và dân nơi đây, để giữ vững chủ quyền biển đảo luôn ngời sáng. Không chỉ thế, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) xâm phạm chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam, dân và quân Trường Sa sẽ quyết sát cánh với Hoàng Sa. Ở đất liền, sóng xô bờ không có, cũng không có nắng gió dập dồn nhưng lòng dân thì sẵn sàng nơi hậu phương tiếp tế cho tiền tuyến. Không chỉ thế, thổn thức với những bức vẽ cho Trường Sa, đội siêu xe có in hình Trường Sa, Hoàng Sa - Việt Nam làm tự hào thay tinh thần dân tộc, còn đó khúc đồng dao Hoàng Sa - Trường Sa đẫm tình người, hàng loạt bài hát về biển đảo quê hương, hàng loạt công trình thanh niên tự nguyện xung kích vì biển đảo yêu thương trở thành điểm đến… Chúng ta càng tự hào về người Việt yêu nước, đoàn kết, càng kiên trung rằng người Việt yêu nước có điểm đến, thông minh, gan dạ, sáng tạo và chủ động… Tự hào là người Việt Nam, tôi muốn gửi tiếng nói của mình bằng những bài viết, bằng các điệu lý do chính tôi viết lời mới mang sắc thái của quê nhà, mang tinh thần yêu nước… Tôi làm bằng cả trái tim mình. Nếu khi viết, tôi đã khóc thì khi hát tôi càng cảm thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn… Tôi không bi quan, tôi không yếu đuối mà tôi tin vào người Việt, vào lối đấu tranh vững vàng của người Việt…
Tôi là người Việt. Những ai cảm nhận được sự thiêng liêng của câu nói này cũng như sức mạnh khủng khiếp của nó khi chúng ta sống có ích sẽ cảm thấy lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, ý chí cộng đồng tỏa sáng và sự nỗ lực hết mình của cá nhân sẽ trở thành điểm đến mạnh mẽ và sâu sắc của từng hành vi. Rồi ngày hôm nay sẽ ra đi, ngày mai sẽ đến, nhưng nguồn gốc của ngày xưa vẫn còn ở lại và sự hiện diện của dòng máu Việt hay tinh thần Việt mãi còn đây! Tôi đã sống với đúng những gì tôi nghĩ, tôi suy, tôi cảm và tôi hướng… Tôi muốn mình sẽ tự tin nói với bạn bè rằng tôi là người Việt. Tôi muốn mỗi người Việt có thể sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này đều nhớ mình là người Việt và giữ gìn bản lĩnh Việt… Cái đẹp bao trùm sẽ đẩy cái chưa đẹp nhẹ nhàng biến mất theo thời gian…
Huỳnh Văn Sơn