Trên các diễn đàn trong nước, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những nhận xét chủ quan nặng tính phê phán về con người và xã hội Việt Nam. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng đó là sự biểu hiện một tâm trạng tự ti về đất nước của mình?
Là một doanh nhân may mắn được đi nhiều nơi, có dịp tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp nước ngoài, tôi nhận ra ở họ một tình cảm sâu đậm cũng như những đánh giá đúng mực về Việt Nam.
Người Việt Nam, cũng như bất cứ người nước nào trên thế giới, đều có cái hay lẫn cái dở. Nhưng tại sao không ít bạn bè quốc tế đến Việt Nam vẫn yêu mến, lưu lại với mong muốn được làm thêm nhiều điều cho đất nước và con người nơi đây? Đa số đều bày tỏ rằng họ yêu Việt Nam vì con người nơi đây hồn nhiên, hiếu khách, vị tha và giản dị.
Đã có không ít bạn bè người Mỹ của tôi trước khi sang Việt Nam viết email e ngại sợ bị kỳ thị vì Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhưng rồi băn khoăn đó hoàn toàn tan biến khi họ đặt chân đến Việt Nam và được vui vẻ chào đón ở khắp nơi. Họ được tiếp đãi nồng hậu tại nhà các đồng nghiệp người Việt và mọi người cư xử thoải mái như chưa bao giờ nghe thấy tiếng súng. Chiến tranh, hận thù đã là quá khứ và không ai còn nặng lòng về những chuyện đã qua.
Trong con mắt nhiều bạn bè nước ngoài tôi quen, người Việt Nam thật sự có trái tim ấm áp với nụ cười hồn hậu là ấn tượng đậm nét đọng lại trong ký ức về những nơi họ đã đi qua, từ đồng ruộng êm ả miền quê đến vỉa hè thành phố náo nhiệt.
Những năm qua, nhiều bạn bè Việt Nam của tôi sau thời gian dài lìa xa xứ sở nay đã trở về, nổi trôi vui buồn cùng thân phận đất nước vẫn chưa vươn lên như mình mong ước. Bản thân tôi cũng biết bao lần trăn trở trước các cơ hội mới mời gọi: mình nên sống ở một đất nước khác hay vẫn chọn cơn mưa quê nhà?
Cơn mưa quê nhà mà tôi thường chia sẻ với bạn bè, đó là nơi chốn thân thương của một dân tộc có tinh thần yêu nước nồng nàn, có nghĩa đồng bào gắn bó, với niềm tin rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua.
Người Việt Nam chúng ta không ai quay lưng trước nỗi đau dân tộc. Lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến nay đã cho thấy bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ luôn là tiếng gọi thiêng liêng.
Mới đây thôi, Biển Đông dậy sóng vì tham vọng bá quyền của người láng giềng phương Bắc, thử hỏi ai trong chúng ta có thể bình tâm ngồi yên.
Từ những người buôn thúng bán bưng chắt chiu đóng góp từng đồng bạc để bày tỏ tấm chân tình với những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, đến những người lao động trong xóm nghèo vẫn chú tâm theo dõi những con sóng Biển Đông qua mặt báo mỗi ngày.
Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã thể hiện trọng trách với đất nước, đã không ngủ quên trong tâm lý thời bình mà trỗi dậy một tinh thần dân tộc chưa bao giờ chìm khuất.
Doanh nghiệp đã cùng tập hợp, bàn bạc về cách làm thế nào thoát dần khỏi sự lệ thuộc kinh doanh với Trung Quốc. Để củng cố niềm tin rằng Trung Quốc tuy là thị trường lớn nhưng không phải duy nhất và không thể thay thế, họ lên phương án, chuẩn bị tinh thần và bản lĩnh để khắc phục sự lệ thuộc một cách khôn ngoan hơn. Và cả việc tránh đi sự lệ thuộc tiềm tàng trong lộ trình thay đổi cách tiếp cận của mình với thị trường Trung Quốc.
Không chỉ doanh nghiệp, cả những người yếu thế hơn là công nhân cũng bày tỏ tình yêu đất nước mạnh mẽ. Trong chuyến đi Busan mới đây, tôi có dịp gặp gỡ một số doanh nhân Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam với qui mô rất lớn. Một người trong số đó có công ty sản xuất hàng xuất khẩu với 50.000 công nhân, nói với tôi rằng người lao động Việt Nam không chỉ cần cù trong công việc mà khi cần thiết họ thể hiện thái độ bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách mãnh liệt đến mức không thể kiềm chế. Ông có ý nói đến các vụ bạo động phản ứng với việc Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam mới đây. Nhưng rồi vì trách nhiệm với sự nghiệp phát triển đất nước, với cộng đồng, những công nhân ấy đã nhanh chóng thay đổi thái độ và tình hình sản xuất của doanh nghiệp được ổn định chỉ sau hai ngày.
Biết bao giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi vì lòng yêu nước bị tổn thương, cũng như đã có không ít doanh nghiệp hy sinh năng suất để công nhân tham gia biểu tình có trật tự.
Những đối tác nước ngoài mà tôi quen biết đã thể hiện lòng cảm phục khi thấy người dân Việt Nam lúc nào cũng đầy ắp tình yêu quê hương, khóc cười theo vận nước với lòng tự trọng. Chính nhờ vậy mà chúng ta đã vững vàng vượt qua những khắc nghiệt của thời cuộc và không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào, không đánh đổi tình yêu đất nước với bất cứ điều gì.
Việt Nam chưa thể tự hào là đất nước giàu mạnh nhưng rất đáng tự hào về hai đức tính quý báu.
Một là tinh thần hiếu học, cầu thị với tri thức. Văn hóa học luôn mạnh mẽ từ thời thầy đồ còn ngồi trên nền đất. Dù nghèo khó đến đâu, bậc cha mẹ nào cũng đều tự nhủ có thiếu ăn cũng phải cố gắng lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Nhà nghèo ráng lo cho con ra tỉnh học, nhà giàu thì cho con đi du học và đặt kỳ vọng rất lớn vào con đường đến với tri thức của con cái, không chỉ làm thăng tiến đời sống của gia đình mà còn là tiền đề cho dân giàu nước mạnh. Khát khao làm giàu và độc lập luôn là những giá trị đáng trân trọng của người Việt Nam dù ở đâu.
Hai là lòng nhân ái “nhiễu điều phủ lấy giá gương” có tính truyền thống mà nay đã trở thành văn hóa từ thiện. Có người do bức xúc trước một hoàn cảnh thương tâm chưa được chăm sóc đã vội cho rằng: “Xã hội Việt Nam thời buổi thị trường đã trở nên vô cảm”.
Nói như vậy là không thuyết phục. Nếu vô cảm thì làm sao có được những hoạt động như của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh, trong 20 năm qua đã nhận được hơn 700 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho hàng trăm ngàn số phận không may, không chỉ giúp cho người trong nước mà cả ở Lào và Campuchia.
Nếu vô cảm thì làm sao có được những lần đồng bào cả nước quyên góp hàng trăm tỷ đồng cứu trợ nạn nhân bão lụt, thiên tai.
Những năm gần đây, văn hóa từ thiện tại Thành phố Hồ Chí Minh rất đa dạng. Từ thùng trà đá miễn phí ven đường đến nồi cháo từ thiện ở khắp các bệnh viện. Từ những lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em nghèo, đến các bữa cơm giá rẻ 2.000 đồng làm giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho người lao động gặp khó khăn.
Tiền cho các hoạt động thiện nguyện ấy chính là từ lòng hảo tâm của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới doanh nhân. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương công bố gần đây cho thấy 66% doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện.
*
* *
Việt Nam được cộng đồng quốc tế biết đến không chỉ là một dân tộc kiên cường, yêu hòa bình và thân thiện mà còn là một dân tộc hiếu học và giàu lòng nhân ái. Đây chính là sức mạnh mềm có khả năng thuyết phục cao và hấp dẫn bạn bè trên thế giới.
Phạm Phú Ngọc Trai