Ông Onuki Hiroo, một đầu bếp người Nhật đến giao lưu ẩm thực Việt - Nhật ở nhà tôi vào năm 2012 có nói rằng ông rất ngưỡng mộ Việt Nam, đã nhiều lần đến Việt Nam. Song mỗi lần đến ông rất thất vọng, thấy thanh niên Việt Nam cứ chăm chăm đi kiếm tiền mà không thấy giá trị quý giá về lịch sử văn hóa của mình lại sinh ra nhiều tiền.
Trong lịch sử đấu tranh đã có nhiều anh hùng, từ Hai Bà Trưng với bao nữ tướng thể hiện “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đến Lý Thường Kiệt dám đem quân tấn công Ung Châu, Khâm Châu tức Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) và đánh tan quân Tống ở phòng tuyến sông Cầu hay Trần Hưng Đạo từng ba lần đại phá quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ 13 từ Đông sang Tây, tới đâu ngọn cỏ cũng không còn, hay Quang Trung với chiến thắng thần tốc đại phá quân Thanh xâm lược…
Gần 20 năm nay tôi nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và đã đi rất nhiều nước. Đây là thời cơ cho ẩm thực Việt Nam lên ngôi. Văn hóa ẩm thực Việt Nam có triển vọng trở thành hàng đầu vừa ngon vừa lành rất lợi cho sức khỏe con người, nếu ta có chiến lược phát triển hiệu quả, biết chuẩn hóa các món ăn, các nhà hàng Việt, biết đào tạo đầu bếp thuần Việt, nhất là các doanh nghiệp có tâm có tầm vào cuộc xây dựng các công ty phát triển như Công ty Hoàng Gia Thái hiện có hơn 8.000 nhà hàng Thái chuẩn khắp thế giới, không kể những nhà hàng Thái bình thường và ở trong nước phải khắc phục tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và cách phục vụ quá yếu kém, khiến các khách du lịch không muốn trở lại lần thứ hai…
Thời cơ cho ẩm thực Việt vì trước đây người ta coi thường ẩm thực Việt Nam toàn là những đồ ăn nhẹ, chẳng công phu, cầu kỳ. Bây giờ càng những món ăn nặng cầu kỳ càng sinh ra nhiều bệnh thời đại như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư... Còn những món ăn nhẹ Việt Nam rất ít thịt, rất ít dầu mỡ, nhiều rau củ quả lại là món ăn bài thuốc, rất lợi cho sức khỏe và cũng đủ chất bổ dưỡng và thêm bớt để phù hợp với cơ thể từng người.
Tôi lại rất tự hào về kho tàng thi ca Việt Nam trong đó có thơ lục bát có thể hát hàng trăm, hàng ngàn làn điệu dân ca, ca cổ ba miền trong khi thơ của thế giới chỉ có thể đọc hay ngâm hoặc làm ca khúc của các nhạc sĩ.
Tôi sang Pháp năm 2013 vừa qua có gặp ông Françoise Rideau, con trai một vị tướng Pháp rất thích kho tàng ca dao Việt, một kho tàng ca dao tục ngữ đồ sộ trong đó chứa đựng những triết sống của người Việt Nam rất quý giá như triết lý bầu bí, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Trong một buổi nói chuyện của Viện Giáo dục Đức (IRED) tại Thành phố Hồ Chí Minh về đề tài Toàn cầu hóa ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục đại học, tôi có phát biểu Việt Nam có nhiều điều có thể giúp cho giáo dục đại học trong thời kỳ toàn cầu hóa, đó là tư tưởng hay triết lý sống “bầu bí” của Việt Nam nếu được đưa vào triết lý giáo dục đại học các nước kể cả Trung Quốc thì sẽ giúp thế giới thoát khỏi nguy cơ diệt vong.
Đó cũng là tư tưởng hòa đồng. Hòa đồng chứ không phải đại đồng. Con người hòa đồng với thiên nhiên. Thiên nhiên là Trời (vũ trụ) và Đất. Trời và Đất sinh ra người và vạn vật. Trời và Đất nuôi dưỡng người. Người là chủ vạn vật. Vạn vật phục vụ con người, con người hơn vạn vật, hơn các sinh vật khác là một loài với trí khôn vạn năng cùng với ngôn ngữ, chữ viết và hai bàn tay con người làm nên tất cả, hai chân đi khắp mọi nơi, hai mắt nhìn xa trông rộng. Triết lý hòa đồng từ “triết lý sống bầu bí” vốn nằm trong tâm thức mỗi con người Việt Nam.
Bất cứ tư tưởng, tôn giáo nào truyền đến Việt Nam đều được Việt hóa và tư tưởng hòa đồng xuyên suốt. Trước hết, tinh thần hòa đồng tam giáo đồng nguyên đã thể hiện ngay khi ba đạo Khổng - Lão - Phật thịnh hành. Kiến trúc chùa Láng ở Hà Nội từ thời Lý đã thể hiện tinh thần tam giáo đồng nguyên. Ngay từ cổng chùa đi vào là nhà bát quái tượng trưng cho Nho học rồi tiền Phật hậu Thần (Đạo Lão) với chính diện với hoa văn Lão Trang, biểu tượng phúc lộc thọ và điện thờ thần, hậu thần vua Lý Thần Tông, Từ Đạo Hạnh.
Tam giáo đồng nguyên trong cuộc sống. Nhà Nho theo đạo Phật và đạo Giáo thờ thần tiên, thờ gia tiên và ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang, điển hình là Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tiếp đến tôn giáo nào đến từ phương Tây như Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo, cũng được Việt hóa theo tinh thần hòa đồng. Đạo Cao Đài đã thể hiện tâm thức hòa đồng của người Việt.
Khi những tư tưởng triết lý phương Tây từ Socrate, Platon… đã được người Việt tiếp nhận. Khi chủ nghĩa Macxit, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội truyền bá vào Việt Nam lập tức người Việt đưa ra thuyết hội tụ các chủ thuyết. Thực tế đổi mới hiện nay chính là đang thể hiện sự hòa đồng các hệ tư tưởng, hệ thống kinh tế chính trị.
Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước (chủ nghĩa quốc gia) và chủ nghĩa cộng sản. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng cũ (Nho) đến tư tưởng mới Macxit.
Tư tưởng hòa đồng cũng đã thể hiện trong văn hóa cũng như trong cuộc sống thường ngày. Đó chính là triết lý sống bầu bí:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Đó là triết lý nước Nam
Càng ngày càng rõ Việt Nam hòa đồng
Triết lý Việt Nam bầu bí
Tình thương không phân biệt gốc tích con người
Cho dù khác biệt đến mấy người ơi
Như bầu bí chung một giàn dù to, dù nhỏ
Cùng tập thể hoặc to hoặc nhỏ, Với con người dù trắng, dù đen
Cho dù vạn giáo cũng đồng nguyên
Đến cả những người khác bên chính kiến
Cũng phải hòa đồng đồng tiến
Cho dù khác biệt thế nào
Hòa đồng triết lý nêu cao…”
(Trích Đại trường ca gia đình và văn hóa quốc đạo của Mai Trinh và Hãn Nguyên Nguyễn Nhã)
Đó là tư tưởng dân gian Việt Nam khao khát hòa đồng giữa các sắc tộc, giữa các cộng đồng từ nhóm nhỏ, lớp học, trường học, đến địa phương, vùng miền, đến cả quốc gia và cả thế giới, trái đất này cùng chung một giàn.
Đây là tư tưởng Việt Nam rất vĩ đại. Hòa đồng bằng tình thương! Ý nghĩa chung một giàn rất sâu sắc. Đó là triết sống thực tiễn sâu xa không gì bằng, không đâu bằng. Trái đất này là một giàn chung, ngôi nhà chung. Không khéo có thể làm nổ tung trái đất do những sản phẩm trí tuệ con người siêu đẳng từ bom hạt nhân hủy diệt hàng loạt đến sự biến đổi khí hậu do con người gây ra dù chỉ một nhóm người, một nước cũng đã ảnh hưởng đến cả trái đất, hành tinh của con người. Chính vì vậy con người cần phải thương nhau cùng.
Hòa đồng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Trước hết hòa đồng trong ẩm thực, ăn uống, các món ăn đều nhiều vị, nhiều chất, tổng hòa nhiều nền ẩm thực khác nhau như Tây, Tàu, Ấn… thành nền ẩm thực đa dạng tiêu biểu nhất thế giới.
Hòa đồng trong cách mặc truyền thống dân gian, với Tây, Tàu… tiêu biểu là chiếc áo dài Việt Nam hiện đại mang tính ta, Tây, hay chiếc áo sơ mi (Tây), áo cánh, bà ba (ta).
Người Việt thích màu trắng. Màu trắng là tổng hợp bảy màu. Màu trắng còn pha vào tất cả các màu, nên màu nào cũng nhạt hơn.
Hòa đồng trong cách ở, từ kiểu kiến trúc nhà truyền thống chữ nhị, tam, năm gian hai trái hay nhà chữ đinh, rồi tới kiến trúc nhà rường Huế, nhà rông Tây Nguyên, với các kiểu nhà kiến trúc phương Tây từ Pháp đến Mỹ trong các thành phố.
Nếu ở miền Bắc các đình chùa như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, ngói ta mũi hài, mũi lợn thời Lê còn bảo tồn bản sắc Việt, thì đình chùa, điện đài từ Huế trở vào với mái ngói âm dương, ảnh hưởng kiến trúc nặng nề Trung Hoa. Chắc Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, ngói mũi hài, mũi lợn nhà rường Huế phải phát triển để làm đậm đà bản sắc kiến trúc Việt Nam. Tinh hoa kiến trúc trên khi được phát huy sẽ tạo ra sự đậm đà bản sắc Việt. Như Chùa Một Cột được xây trước chính điện khắp các chùa hay Khuê Văn Các được đặt nhiều nơi như cổng trường đại học, các công viên. Nhà rường Huế có khắp mọi nơi thì đẹp biết mấy. Hòa đồng, đa dạng biết mấy. Có lẽ kiến trúc Việt Nam chưa thể hiện sự đồng thuận, phát triển!
Hòa đồng đa dạng trong văn học nghệ thuật rất rõ nét.
Hát nói thể hiện sự hòa đồng giữa thể thơ lục bát rất Việt với hai câu thơ Đường ở khổ giữa. Hòa đồng thơ truyền thống và thơ mới (số chữ không hạn). Hòa đồng giữa các vần thơ Đường với cước vận với vần của thơ lục bát Việt Nam, yêu vận!
Hòa đồng trong văn cổ và văn mới Tây phương. Hòa trong tân cổ nhạc giao duyên giữa nhạc và thơ, giữa nhạc dân gian và nhạc bác học.
Hòa đồng trong họa và thơ. Hòa đồng trong họa dân gian, tranh dân gian và tranh hiện đại.
Hòa đồng trong khoa học, khoa học lịch sử truyền thống và khoa học lịch sử hiện đại, phương Tây hóa.
Hòa đồng giữa Đông y và Tây y, giữa truyền thống và hiện đại.
Hòa đồng trong kinh tế, kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, trong thủ công nghiệp và công nghiệp.
Hòa đồng trong xã hội, xã hội truyền thống và xã hội hiện đại, giữa Đông và Tây.
Nhân chủ trong tam tài: Thiên-địa-nhân, thì con người Việt Nam đầu đội trời, chân đạp đất.
Việt Nam thờ nhân thần, khác hẳn với văn hóa thờ Thiên thần, người Việt Nam thờ tổ tiên con người, tổ tiên loài người là ông Trời bà Trời. Bàn Thiên được lập khắp nơi. Tổ tiên quốc gia là Hùng Vương. Tổ tiên gia đình là gia tiên.
Bí bầu bầu bí ươm dây
Sao thương cùng dậu cùng giàn mới thương?
Bí bầu bầu bí tơ vương
Không cần biết cội biết nguồn ở đâu
Cùng chung lá đội trên đầu
Rồi cùng thắt thẻo, bí bầu tơ vương
Hình như triết lí tình thương
Đó là hòa hợp môi trường cộng sinh
Thương nhau bền bỉ thâm tình
Bầu ơi thương lấy bí cùng được chăng
Ấy là triết lí chung giàn
Dành cho nhận loại một đàn cộng sinh
Rồi từ đất nước thân tình
Quốc gia dân tộc nhân sinh hòa đồng
Quyết tâm đồng tiến, đồng lòng
Dù cho chính kiến bất đồng ra sao
Bởi cùng đồng bọc đồng bào
Dẫu rằng vạn giáo cũng vào đồng nguyên
Hòa đồng tư tưởng đừng quên
Dễ cùng thực hiện, dễ hơn đại đồng.
(Trích Đại trường ca gia đình và văn hóa quốc đạo của Mai Trinh và Hãn Nguyên Nguyễn Nhã)
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã