Tre là loại cây mọc khắp các vùng quê Việt Nam. Về quê, ở đâu bạn cũng thấy tre. Tre là biểu tượng của Việt Nam. Điều này ai cũng biết.
Tre là loại thực vật thân gỗ, da thường màu xanh, thuộc loài lớn nhất trong bộ hòa thảo. Tre rất gần gũi với người Việt. Điều này ai cũng rõ.
Tuy nhiên và hơn thế nữa,…
Tre được sử dụng làm các đồ vật gia dụng thường ngày của người Việt: làm máng nước, cán cuốc, cán mai, làm thang. Tre đi vào cuộc sống thường nhật rất đỗi giản dị và gần gũi. Mỗi ngày. Của mỗi con người.
Người Việt cũng giản dị như những sản phẩm được làm từ tre. Người dân mặc quần áo nâu với màu của đất, nơi khóm tre mọc lên. Người Việt sống khiêm nhường, nhẹ nhàng, lịch lãm. Họ cần mẫn mang lại những giá trị giản đơn cho đời.
Tre được tách nhỏ, chẻ mỏng làm lạt buộc lá, buộc cây, buộc rau. Lạt mềm buộc chặt.
Người Việt cũng mềm mỏng như lạt tre vậy. Mềm nắn, rắn buông. Ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Người Việt tùy cơ ứng biến, thiên biến vạn hóa để phù hợp với hoàn cảnh thực tế, với điều kiện hiện tại.
Tre được dùng làm gầu tát nước. Thật giản đơn và hữu ích. Bởi văn hóa Việt Nam là văn hóa lúa nước, là cấy lúa trồng rau. Không có nước sao cấy được lúa. Không có gầu, lấy gì tát nước để cho lúa tốt tươi.
Người Việt cũng như những chiếc gầu tre biết múc từng gáo nước lên ruộng lúa. Họ cần mẫn mang nước mát cho đời. Từng chút từng chút một. Ngày này qua ngày khác. “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Nước mát cho lúa cho cây. Nước mát cho người.
Tre được làm thúng, mủng, cót để đựng thóc, chứa lúa. Nếu không có những vật dụng này, thóc lúa biết để vào đâu.
Người Việt rất biết tiết kiệm, biết dành dụm. Làm ra mười chỉ tiêu năm tiêu bảy, còn lại là cất đi để dành. Chẳng có người Việt nào “vung tay quá trán”. Bởi ai cũng hiểu công dụng của thúng, mủng, cót,… rằng “tiết kiệm là quốc sách”, rằng “biết để dành sẽ giàu”.
Tre để làm vỏ cối xay, để đan rổ rá, dần, sàng. Ngày xưa, đây là những dụng cụ quan trọng trong nghề nông, để chuyển những hạt lúa còn nguyên vỏ thành hạt gạo để nấu cơm.
Con người Việt rất thông minh và khéo léo. Họ biết biến cái thô như hạt lúa thành cái tinh như hạt gạo, biến cái dở thành cái hay, cái khó thành cái dễ, cái không hoặc chưa dùng được thành thứ hữu dụng. Sàng tre để chọn gạo, bỏ thóc. Người Việt biết chọn tốt bỏ xấu, biết chọn lọc bạn hay để chơi, bạn dở để tránh. Dần tre để lọc cám, lọc tấm. Người Việt biết phân loại và phân biệt mọi thứ: đồ dùng, vật dụng, con người.
Người Việt có câu tục ngữ: “Đi một đàng, học một sàng khôn” thật thâm thúy và sâu sắc. Sàng khôn chứ không phải bao tải khôn. Tức học được những gì dọc đường cần sàng lọc bớt đi để chỉ mang về những gì hay nhất, khôn nhất mà thôi.
Tre được làm cột, làm kèo, làm rui làm mè. Ngôi nhà của người Việt có khá nhiều thứ từ tre. Ngôi nhà quê khó mà hình thành nổi nếu thiếu tre. Ngôi nhà để làm chỗ ăn, chỗ ngủ nghỉ cho chúng ta.
Người Việt cũng thế, như những cột những kèo, là chỗ dựa cho bao người khác. Ta là chỗ dựa không chỉ cho vợ cho chồng, cho con cho cháu, cho bố mẹ ông bà. Ta là chỗ dựa cho bà con làng xóm, cho bạn học, cho người cơ nhỡ khó khăn, cả thân lẫn sơ.
Lá tre dùng để đun, rễ tre để đun bếp cũng rất tốt. Còn gộc tre đun còn tốt hơn nhiều. Những thứ này đối với bếp Việt thuở xưa là vô cùng quan trọng và gần gũi. Công việc của tôi ngày nhỏ là đi nhặt lá tre về làm đồ thổi, nấu bếp. Lá tre nhiều lắm. Lá tre rất dễ cháy.
Người Việt cũng như lá tre vậy. Dân số Việt Nam rất đông. Người ta bảo, lấy gì mà ăn. Tôi bảo, hãy biến 90 triệu dân nước Nam thành nguồn tài nguyên nhân tài vô tận. Người Việt cũng dễ “cháy” mà đã cháy là cháy hết mình. Tôi cũng hay nói “làm hết mình, chơi nhiệt tình”, “làm ra làm, chơi ra chơi”.
Người Việt đặc biệt có thể ngấm ngầm làm việc, bền bỉ cống hiến, cháy mãi dài lâu. Lá tre cháy to, nhiệt đô cao nhưng củi gộc của gốc tre cháy bền, cháy mãi. Nấu gì hay ninh gì đó cần lâu, không thể thiếu gộc tre. Muốn đi xa, muốn ra khơi, vượt biển lớn, người Việt biết cháy âm ỷ, bền vững, dài dài.
Tre non hay còn gọi là măng mà măng tre được làm thức ăn. Hầu như người Việt ai cũng thích ăn măng. Tre cũng được làm đũa để và cơm, để gắp thức ăn.
Người Việt rất quan trọng việc ăn. Ăn làm sao cho tế nhị “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Ăn làm sao cho giữ được nền nếp gia phong “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cách đây hơn 10 năm tôi đã viết một bài về chữ ăn, rằng có đến gần 100 cụm từ có chữ ăn của người Việt mà không hề liên quan gì đến việc cho thức ăn vào miệng. Như ăn chơi, ăn nằm, làm ăn, ăn thua, ăn bẩn…
Tre được làm thuyền. Thuyền tre gắn bó với tuổi thơ của biết bao con người Việt. Thuyền tre gắn bó với bao gia đình dân chài, dân lưới, dân đánh bắt cá tôm.
Người Việt cũng vậy, luôn biết và coi mình là con thuyền mang ích cho đời. Luôn biết tự mình vượt khó khăn, vượt sông suối, tự kiếm sống mà không dựa dẫm. Hơn thế nữa, mỗi người Việt cũng luôn coi mình là người thầy để dạy cho bao học trò yêu quý, trong đó con mình cháu mình là những học trò đầu tiên. Dạy mà không màng đến sự biết ơn “Đón đưa bao kẻ sang sông. Nhớ quên vẫn vậy, vẫn ông chèo đò”. Nhưng những người con, người cháu, người trò Việt luôn mang ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô. “Thầy là con đò nhỏ. Đưa con sang bến bờ. Con không là lữ khách. Sang sông trong thờ ơ.”
Gốc tre được làm tượng và các vật trang trí. Trong các cửa hàng mỹ nghệ có rất nhiều tác phẩm bằng tre. Ngắm mãi không chán. Nhìn mãi không muốn rời.
Người Việt cũng vậy, luôn biết biến mình thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Bức ảnh chụp một cô gái mặc áo dài đội nón lá có phải là tác phẩm nghệ thuật không. Bà mẹ ngồi một mình bên mâm cơm với gần chục bát cơm khi các con đã hy sinh hết có là tác phẩm vi diệu không. Các em sinh viên trẻ kết thành hình Tổ quốc với tấm lòng yêu nước vô tận có là tác phẩm quý không…
Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm chông để diệt giặc. Thời bình thân tre được đóng xuống làm móng nhà.
Có vũ khí nào lợi hại hơn chông tre. Có loại bê tông cốt thép nào bền hơn tre già đóng xuống bùn sâu làm móng. Con người Việt rất linh hoạt và thông minh. Thời nào làm việc đó. Sáng đi học, chiều đi làm, đêm đánh giặc.
Tre được người Việt sử dụng toàn bộ, không vứt đi phần nào. Tre được chúng ta sử dụng từ khi mới sinh ra đến khi tàn lụi.
Người Việt cũng thế. Mỗi người đều gắng làm việc, gắng cống hiến. Anh thương binh thì “tàn nhưng không phế”, bạn bị khuyết tật thì quyết “vượt lên số phận”. Mỗi người Việt chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó hiến thân và tâm cho đời. Người Việt phụng sự từ lúc nhỏ bé mới sinh đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Tre mọc thành bụi nên người ta gọi là bụi tre. Bụi tre tự mọc ra và rất khăng khít. Chặt đi một bụi tre không có dễ.
Người Việt cũng vậy, rất gắn bó với nhau, biết che chở nhau “lá lành đùm lá rách”. Tình yêu thương và bảo vệ nhau của người Việt không thể để phá đi mà cần được nhắc lại và ứng dụng mỗi ngày.
Tre ở quê được trồng quanh làng. Tre là rào lũy, là ranh giới, là sự bảo vệ.
Người Việt luôn biết nắm tay nhau. Thời nào cũng vậy, cứ hòa bình thì bảo ban nhau làm ăn xây dựng đất nước, làm giàu cho mình và gia đình nhưng khi giặc ngoại xâm đến thì nắm chặt tay nhau lên đường bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân tộc.
Còn nữa…
Nhiều người không biết rằng tre cũng là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất.
Mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý. Hoa người Việt nồng nên không phải ai cũng thích, không phải ai cũng biết cảm nhận. Màu vàng nhạt như đất của hoa tre đúng tính cách Việt, đúng bản chất đất: có thể chịu đựng mọi thứ, có thể nhận bất cứ gì: rác, chất thải, phân,… để biến thành chất nuôi cây thành hoa thơm, thành trái ngọt.
Tre rất mềm nhưng rất cứng. Khi bão đến tre gập người xuống. Khi bão qua, tre lại ngẩng cao đầu.
Người Việt chúng ta cũng vậy. Luôn biết hiên ngang ngẩng cao đầu, vững tin vào ngày mai. Người Việt có thế mạnh này không khác gì cây tre. Các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, các doanh nghiệp Việt Nam ta khi ra trận, lúc làm việc với các đối tác lớn, hùng mạnh nếu nhớ lý thuyết cây tre thì luôn chiến thắng. Mỗi người dân nếu hiểu triết lý cây tre thì sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến rất xa, để dân giàu nước mạnh, để xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Người Việt ta có những tính chất rất giống cây tre. Người Việt chúng ta chính là cây tre vậy. Cây tre Việt. Người Việt tre.
Nguyễn Mạnh Hùng