Chắc hẳn, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng đều thấy tim mình rung động khi nhắc đến từ “NHÀ”.
Đó không chỉ đơn thuần chỉ nơi mình sinh sống. Nó nặng hơn, sâu hơn, rộng hơn và thiêng liêng hơn thế.
Nhà có thể dùng thay thế cho người chồng, người vợ trong câu nói, ví như: Nhà tôi vừa chạy ra chợ. Khi đó, NHÀ là gần gụi, tin yêu, trao gửi.
Nhà có thể nơi mình sinh ra, lớn lên, với Quê nhà tôi ơi Ba Vì xanh tím. Khi đó, NHÀ là bình yên, là nơi chốn nhớ nhung khi đi xa về gần.
Và cao nhất, NHÀ là Tổ quốc. Một người khi đi xa quê hương sẽ chùng lòng khi được hỏi: Anh về bên nhà từ bao giờ? Khi ấy, NHÀ gắn với bình yên, với nỗi nhớ mong ngút ngàn được quay về, được ngồi xuống mảnh đất mình đã từng sinh ra và lớn lên.
Cháu yêu ngôi nhà của mình, cả theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng.
Cháu có may mắn được bố cho đi rong ruổi trên các vùng miền của Tổ quốc. Cứ mỗi mùa hè, xếp lại sách vở, cháu cùng bố lên đường. Trên hành trình của mình, cháu đã gặp rất nhiều, rất nhiều điều bổ ích. Cháu đã được nhìn thấy những cảnh đẹp như thơ của quê hương. Và cháu càng thêm yêu “nhà” của mình.
Điều ấn tượng nhất với cháu qua các chuyến đi, đó chính là những bạn nhỏ.
Cháu đã luôn ghi lại hình ảnh các bạn bằng chiếc máy ảnh của mình. Mỗi khi về nhà, mở ra xem lại, cháu thấy hơi thở của từng vùng đất ấy.
Cháu nhớ những nụ cười của các bạn nhỏ nơi vùng cao Mù Cang Chải. Để có thể đến trường, các bạn phải đi bộ từ sáng sớm. Ngày mưa, đường trơn nhẫy, từng bàn chân bé xíu bám chặt xuống đất bùn. Mà nụ cười không tắt. Ngày lạnh, gió rừng hút từng cơn, mong manh trong áo mỏng. Mà nụ cười không phai. Ngày lũ, từng khối đất đá gào thét ập xuống từ trên núi. Mà nụ cười không nhạt. Những nụ cười trong thiên nhiên gian khó làm ấm lòng người. Cháu đã dừng lại rất lâu giữa trập trùng những ruộng bậc thang xanh ngút mắt để ngắm nhìn từng hàng các bạn học sinh men theo triền núi đến trường. Trông các bạn cần mẫn, nhẫn nại và đáng yêu vô cùng. Tình yêu thiên nhiên, yêu bản làng, yêu thầy cô và yêu nơi mình sinh ra giúp các bạn luôn giữ nụ cười tươi tắn, sáng trong. Cháu chắc hẳn nếu ai đến vùng cao, cũng ấn tượng với những nụ cười hạt bắp ấy.
Cháu nhớ những cái vẫy tay của các bạn nhỏ ở vùng miền Tây Nam Bộ. Cháu đã được đi xuồng, đi ca nô, đi tàu thủy để thăm những vườn roi, những ngôi nhà nằm giữa mênh mông sông nước miền Tây. Và cháu luôn gặp những bàn tay vẫy. Từ trên những chiếc xuồng, trên những cây cầu hay trong những ngôi nhà, luôn xuất hiện những bàn tay bé xinh vẫy vẫy hệt như ngọn đèn tín hiệu. Mỗi lần nhìn thấy, cháu đều có cảm giác ấm áp, thân quen. Những bàn tay vẫy ngoan và thân thương quá. Nó khiến vùng đất mênh mông sóng nước với câu hò mượt mái chèo càng thêm gần gũi. Những vườn quả trĩu trịt gọi mời chắc sẽ không thể hấp dẫn cháu đến thế nếu thiếu những bàn tay vẫy ấy.
Cháu nhớ những đôi chân trần của các bạn ở vùng nông thôn miền Bắc. Đôi chân trần lội ruộng gánh rau. Đôi chân trần bấm sâu vào bùn để gieo mạ, nhổ cỏ, bón phân. Ngày trước đọc những câu thơ của chú Trần Đăng Khoa: Trưa nào bắt sâu/Lúa cao rát mặt/ Chiều chiều gánh phân/ Quang chành quét đất, cháu đã không thể hình dung ra cái lam lũ mà đầy vẻ hồn nhiên của các bạn nhỏ nông thôn khi góp phần làm ra những hạt gạo mang vị phù sa, mang hương sen thơm. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến, được nghe bố kể về tuổi thơ của mình, cháu đã hiểu và thầm cảm phục. Ôi là những bàn chân trần biết kể chuyện về tuổi thơ. Ngón chân dẫu vàng khè, dính bùn nhưng vẫn có thể bước vào các giảng đường, đi khắp trời Âu Á, đem niềm tự hào Việt Nam đến muôn phương.
Cháu nhớ giọng nói của các bạn nhỏ ở miền Trung. Những “mô, tê, răng, rứa” mới đầu nghe khó nhưng về sau thấy vui, thấy thú vị vô cùng. Chắc các bạn đã thả từng niềm vui vào trong từng câu nói nên nghe thấy có vị giòn tan của bắp rang trên bếp lửa, nhảy lách tách, lao xao. Cháu không thể quên được lần vào chợ Quảng Trị, các cô các bác và các bạn cùng xúm lại quanh cháu để hỏi han, để rờ tay chân, ân tình, thương mến hệt như đón một người con xa quê lâu ngày trở về. Khi nghe cháu nói tiếng Anh và dịch lại cho mọi người nghe về vùng đất và con người Quảng Trị, mọi người òa lên vỗ tay, các bạn nhỏ thì thích chí chạy quanh cháu và liên tục nói: Giỏi hề, giỏi hề, răng mà giỏi rứa! Chà, thật vui quá cơ. Bây giờ khi viết lại những dòng này, cháu vẫn thấy những giọng nói dễ thương, tiếng Giỏi hề vang lên y hệt một khúc hát đồng dao ấm áp đến lạ lùng.
Cháu nhớ những đôi mắt của các em nhỏ ngồi sau lưng mẹ nơi thủ đô cháu đang sinh sống. Giữa dòng xe tấp nập, ngược xuôi, những ánh mắt ngoan ơi là ngoan, hiền ơi là hiền cứ mở to nhìn mọi vật xung quanh một cách thật yên lành. Dựa sau lưng mẹ, những em bé gửi sự bình an đến cho mọi người bằng ánh mắt của mình. Thành phố bỗng dưng mềm lại, dịu dàng hơn nhờ những ánh mắt đó. Trên các tuyến đường, dưới những tàng cây cổ thụ bốn mùa xanh lá, tưởng như những con chim sẻ đậu vào sau áo mẹ để cùng ngược xuôi đến trường, thương quá là thương.
Vậy đó, mỗi nơi đi qua cháu đều lưu giữ trong trái tim mình những hình ảnh về các bạn nhỏ. Nhờ đó, cháu yêu NHÀ của mình hơn, từ những điều giản dị nhất.
Khi viết những dòng này thì cháu chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Cháu sẽ xa NHÀ trong một thời gian nhưng cháu nghĩ, đó chỉ là sự xa cách về địa lý vì trong tim cháu luôn đầy ắp những hình ảnh về mẹ cha, về những người thân yêu, về những khoảnh khắc cháu thu lượm được trên suốt những cuộc hành trình cháu có được từ Bắc đến Nam. Những hình ảnh đó tràn ngập trong tâm hồn, giúp cháu khôn lớn, trưởng thành và luôn nghĩ về NHÀ với tất cả tình yêu sâu nặng của một người được mẹ cha nuôi dạy bằng truyền thống Á Đông.
Và cháu biết, ở nơi xa, khi hoàng hôn hay lúc bình minh, cháu sẽ rất nhớ ngôi nhà của mình và cả ngôi nhà rộng lớn: Việt Nam. Cháu sẽ bâng khuâng với: Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Và cháu biết, chỉ cần nhìn thấy đâu đó một nụ cười bé nhỏ, một bàn tay vẫy, một đôi chân trần, một ánh mắt trong veo là cháu sẽ thấy ngay được NHÀ của mình. NHÀ nằm ngay trong từng nhịp thở.
Đỗ Nhật Nam