Cụ Cả ra đình. Đình làng từ khi có cụ Cả xem ra có vẻ sạch sẽ hơn. Cụ Cả vận động dân làng đóng góp công sức để làm sạch đình làng ngõ xóm. Cái việc này với cụ Cả thì khéo lắm. So với các cụ trước, cụ Cả lần này hơn nhiều.
Trước hết phải kể đến cái việc tôn vinh Thành Hoàng làng. Cả cái nước này, làng nào chẳng có đình. Mà đã có đình thì thế nào cũng thờ Thành Hoàng. Bọn trẻ con có bao nhiêu đứa biết về Thành Hoàng làng mình, nhưng nếu có dịp tranh cãi, thế nào bọn chúng cũng nhắc đến Thành Hoàng làng với vẻ kính trọng và bao giờ cũng cho rằng Thành Hoàng làng mình công trạng với đất nước này to hơn Thành Hoàng các làng khác.
Làng nào cũng vậy, xưa nay cái việc trông nom đình bao giờ cũng được giao cho một người trông giữ gọi là cụ Từ. Là cụ Từ thì phải hiểu rõ về Thành Hoàng làng mình, bởi cụ Từ là người gần gũi với Thành Hoàng làng nhất. Không phải cụ có họ hàng thân thích gì, cụ gần gũi nhất với Thành Hoàng làng bởi cụ, ngoài cái việc được giao trọng trách giữ đình, đánh trống vào các ngày mồng Một, ngày Rằm và những khi làng có việc, cụ quản luôn cả cái việc vệ sinh hậu cung (nơi thờ Thành Hoàng làng và lưu giữ các sắc phong). Việc này không thể tùy tiện giao cho ai khác. Bọn trai làng lếu láo thường gọi cụ Từ là người cầm trịch làng. Xem ra bọn trẻ chẳng biết gì cái chuyện ấy cả. Cầm trịch xưa nay vẫn là cụ Cả, chỉ có cụ Cả mới có tư cách phát ngôn. Đánh trống, tuy quan trọng thật, nhưng chỉ như người nhắc tuồng, kép là cụ Cả. Thực ra, ở quê, tuy chỉ làm cái việc quét đình, đánh trống nhưng cụ Từ là người được nhiều người biết và nể trọng. Nông thôn, cứ có chức sắc là người ta nể trọng rồi. Cụ Từ được nể trọng cũng là nhờ vậy.
Không biết ai xúi. Người ta to nhỏ với nhau vậy, chứ đố ai dám nói trước mặt cụ Cả. Họ đồ rằng, có cái thằng cha căng chú kiết nào đó, ghé qua đình làng gặp cụ Cả và xúi cụ rằng, Thành Hoàng làng này không có hình, rằng cụ phải vẽ Thành Hoàng làng. Người ta kháo nhau rằng, hôm cái thằng xúi cụ Cả làm việc đó vào đúng cái lúc cụ Từ còn lúi húi ở hậu cung, các cụ khác đã về nhà từ khi chia xong oản, cụ Cả còn đang chờ thằng chắt đích tôn ra đình dẫn về. Mọi hôm nó vẫn đi đúng giờ, nghĩa là sau khoảng một tiếng từ khi có hồi trống tế. Việc cúng tế ở đình cũng chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Tế xong thì chủ tế chia phần. Hôm nay cũng thế, chủ tế đã chia phần. Mỗi cụ mỗi miếng, ngoài phần lễ của người sắm lễ hôm đó không kể, phần cụ Cả to nhất, cụ Từ nhỏ hơn một chút, các cụ khác như nhau. Chờ mãi, khi đã ai về nhà nấy, thằng chắt vẫn chưa ra đón cụ Cả. Trời đổ mưa, có người lạ đi qua đình xin vào trú. Không rõ câu chuyện giữa người trú mưa hôm đó và cụ Cả thế nào, chỉ biết, mồng Một tháng sau, trước chiếu đình cụ Cả nói với các cụ trong làng rằng làng mình cần có ảnh Thành Hoàng. Nghe cụ Cả nói, các cụ ngơ ngẩn cả người. Có cụ hỏi sao phải vẽ, làng ta thờ Thành Hoàng bấy lâu có thấy Thành Hoàng quở rằng mình không có ảnh hồi nào đâu. Có cụ còn buông một câu “vẽ chuyện”. Nhưng cụ Cả cứ nhất định là phải vẽ Thành Hoàng làng. Thều thào, câu được câu mất, cuối cùng cụ Cả kết luận: Ai không đồng ý vẽ thì thôi, sợ tốn tiền chứ gì, tôi là tôi không lấy tiền của làng vẽ Thành Hoàng đâu nhé.
Cụ nói rồi làm thật. Cụ Cả bắt thằng chắt nhà mình mời cho được một ông thợ truyền hình ở phố huyện. Cả phố huyện bây giờ không còn lấy một người vẽ truyền thần - thằng chắt trả lời cụ Cả vậy. Nhưng cụ bảo, thế bây giờ người ta vẽ chân dung bằng cách nào. Rồi cụ nhắc đến cái hồi con ông Tụy đầu ngõ hy sinh, có để lại cái ảnh nào đâu mà cái ông thợ truyền thần trên phố tỉnh giỏi thật giỏi, vẽ ảnh con ông Tụy giống đến mức cả ông Tụy, vợ, các con ông và họ hàng phải khóc rống lên như là thấy thằng con ông Tụy bằng xương bằng thịt. Thực ra thì khi vẽ, cái ông thợ truyền thần chỉ nhìn ông Tụy mà vẽ. Cốt sao người trong bức vẽ trẻ hơn ông Tụy vài chục tuổi, da mặt căng lên như trai mười bảy là giống người đã khuất rồi. Ông thợ truyền thần đã được biết con ông Tụy giống hệt ông thời trai trẻ. Chuyện này thằng chắt không biết, nó còn quá nhỏ để biết câu chuyện vẽ hình con ông Tụy từ hơn ba mươi năm trước.
Thằng chắt biết không thể không giúp cụ nó vẽ ảnh Thành Hoàng làng, nên đành thưa với cụ nó rằng, trên phố huyện bây giờ không còn người vẽ truyền thần nữa, nhưng ở các hiệu ảnh người ta có thể dùng phần mềm photoshop để dựng lại chân dung. Cụ Cả chẳng cần biết “sốp” hay “sét” gì hết. Chỉ cần có cái ảnh Thành Hoàng để làng thờ là cụ mừng rồi. Cụ Cả bắt ngay thằng chắt mời bằng được ông thợ về. Để cho nó mời ông thợ, cụ Cả phải dúi cho thằng chắt chục đồng để chơi game nó mới chịu.
Có ông thợ rồi nhưng việc vẽ Thành Hoàng làng không phải là chuyện dễ. Cả cái làng này nào có ai thấy mặt Thành Hoàng mà bảo cho thợ vẽ đúng. Thằng chắt được cái ma lanh, vốn hay nghe cụ Cả nói về Thành Hoàng, nó hỏi cụ Cả:
- Cụ ơi! Thế Thành Hoàng làng mình là ai?
Câu hỏi của thằng chắt thật đơn giản, nhưng cụ Cả không trả lời được. Ngày trước, các cụ thường hay nói với nhau về Thành Hoàng, nhưng hơn nửa thế kỉ rồi, người làng không kể chuyện về Thành Hoàng nữa. Ở làng, cụ Cả không phải là tước vị, chỉ cần sống lâu, lâu nhất cái làng này, nghĩa là chỉ cần là người cao tuổi nhất làng thì thành cụ Cả. Cách nay mấy chục năm, có đến vài chục năm, cái làng này có lễ Thành Hoàng vào ngày hội làng nữa đâu. Lúc còn tổ chức lễ Thành Hoàng làng, cụ Cả chưa đầy năm mươi, nghĩa là chưa đến cái tuổi được ra ngồi ở chiếu đình nên cụ cũng chẳng thể biết gì về Thành Hoàng làng mình cả. Cũng chẳng thể hỏi ai, nên khi gặp câu hỏi của thằng chắt, cụ lúng túng.
Khó mấy rồi cũng có cách nếu con người ta muốn. Cụ ra đình hỏi ông Thủ Từ. Thủ Từ làng này là người có chút học, là cháu cụ đồ làng, bố là địa chủ, có đôi chút chữ Nho. Ngày trước không được đi đánh giặc vì thành phần gia đình bóc lột. Thế mà hóa ra lại còn được mấy chữ do ông nội là thầy đồ duy nhất của cả vùng này dạy. Chữ Nho khó nên không nhớ nhiều, nhưng Thủ Từ còn nhớ những chuyện ông nội kể về Thành Hoàng làng mình: Đó là một quan võ, có công, được nhà vua ban đất lập ấp. Cả làng có hai họ chính: họ Bùi và họ Hoàng. Trước kia không có dân ngụ cư, làng này chỉ có hai họ. Nói đúng ra là làng không cho ngụ cư, dân ngụ cư phải sống tạm ở ấp ngoài sông. Cho đến tận cái năm cải cách ruộng đất, các làng còn không cho người ngụ cư ngồi cùng chiếu với các cụ, cho dù mọi việc làng dân ngụ cư đều phải góp công, góp của. Sau cải cách, làng có thêm một họ nữa, là họ của ông thương binh, được huyện giới thiệu cho một cô vợ là Bí thư Chi đoàn xóm. Lấy được vợ rồi định cư luôn trong làng. Làng thêm một họ từ đấy. Phải hỏi cụ Từ thôi - nghĩ thế nào làm thế nấy, cụ Cả như người chết đuối vớ được cọc. Có manh mối rồi. Nghe cụ Từ nói, Thành Hoàng làng mình là quan võ, chỉ cần thế là có thể dựng tượng. Có bao nhiêu người không có ảnh nhưng các nhà điêu khắc chẳng dựng được tượng đó thôi. Thế là cụ yêu cầu anh thợ, vẽ cho được Thành Hoàng làng Hạ.
Thành Hoàng làng Hạ đã được vẽ bởi kỹ thuật hiện đại. Ảnh màu hẳn hoi: mặt vuông, lông mày rậm, mắt xếch, mũi nở to, môi dày, thân cao, lực lưỡng, vận áo giáp, tay cầm giáo - đủ cả bề ngoài của một ông quan võ. Lúc đầu cũng có ý kiến của cụ này cụ khác, nhưng rồi sau cũng chẳng ai nói đến nữa. Xem ra cái chuyện ảnh Thành Hoàng cũng là xong. Thế là cái ảnh đó được đưa vào trong cung để thờ cúng. Vài năm trôi qua. Cụ cả đưa ra ý kiến và thuê thợ vẽ Thành Hoàng làng cũng theo về tiên tổ. Làng có cụ Cả mới.
Việc đầu tiên của Cụ Cả mới là vào cung lễ tạ Thành Hoàng. Không biết có phải mắt mũi kèm nhèm, mà cụ thấy trong khung hình chỉ còn những vết ố. Cụ Cả kêu Thủ Từ mang ảnh Thành Hoàng ra ngoài sáng xem cho rõ, có đúng là chỉ còn những vệt ố vàng không. Thủ Từ và cụ Cả đều không thể nhận ra hình ảnh của Thành Hoàng làng oai phong lẫm liệt năm nào nữa. Thay vào một khuôn mặt cương trực, một thân hình tráng kiện, chỉ còn những vết ố vàng và những lỗ thủng - kết quả của thời gian và gián cắn. Cụ Cả giận lắm, cụ cho là cụ Từ không chăm lo việc đình, đến cả cái việc hình bị hỏng mà cũng không biết. Thế thì không được. Cụ muốn họp các cụ trong làng lại, để tìm người thay thế.
Ý định của cụ Cả chưa được thực hiện thì cụ Từ làng lăn đùng ra chết. Cụ Từ mất mà không kịp trăng trối đều gì. Người tốt bụng nói cụ đi như thế hóa ra sướng. Sướng mình sướng cả con cái. Nhiều người ốm đau hàng chục năm trời, con cái không thể phục vụ, thuê cả người trông coi, thế thì cái việc đi nhanh của cụ kể là phúc. Kẻ ác mồm ác miệng thì độc địa phao tin rằng, Thành Hoàng làng này đã vật cổ cụ, vì ăn lộc làng mà không làm tròn chức trách. Cụ Cả tìm Thủ Từ mới cho làng. Chẳng ai chịu nhận cái việc khó nhọc mà chỉ được trả bằng những nắm xôi trong ngày Rằm và mồng Một hoặc thi thoảng cút rượu, miếng thịt nếu nhà nào có việc phải trình lễ tại đình. Người ta ngại việc khó thì ít, ngại tiếng ác thì nhiều. Cả tháng trời cụ Cả không thể tìm ra người trông đình. Có việc, những đứa cháu lại phải ra đình quét dọn để cụ Cả làm lễ. Bọn trẻ bây giờ bận đủ thứ, nên mới đầu còn có đứa hăng hái, sau thì đứa nào cũng lảng, bảo có việc mỗi dịp đầu tháng hay Rằm. Khó thay, những lúc như thế này, cả làng Hạ không tìm cho ra một người giúp việc cụ Cả.
Không tìm được thì cụ Cả kiêm luôn cái chân Thủ Từ. Việc nhà nước nhiều như vậy mà bây giờ người ta còn ghép cả việc giữ phần hồn của con dân cho mỗi ông chủ tịch thì sao? Nghĩ sao, làm vậy. Cụ bảo với các cụ rằng, không cần Thủ Từ nữa, cụ kiêm luôn chức ấy. Mới vài tháng qua đi, nghĩa là chưa tới chục lần lễ tế, cụ Cả đã thấm mệt. Già rồi, ở nhà quen con cháu cơm bưng, nước rót, ra đình ngồi chiếu trên, chỉ phải làm lễ, mà mắt có kém thì đã có mấy cụ trẻ hơn đọc giúp, cụ chỉ việc vái vái, lạy lạy. Hàng huyện, hàng xã có khác không, chứ với cụ, cái phần lộc thì chẳng thay đổi. Kiêm luôn cả Thủ Từ, mà nói cho cùng chỉ là cái việc quét dọn, phần lộc không thể là hai, cũng chẳng to hơn, bởi người làm lễ vẫn chỉ quen tính mỗi cụ mỗi phần. Dù hai chức, nhưng đã là một người thì chỉ một phần. Lệ làng xưa nay vẫn thế!
Không hiểu ma xui quỉ giục thế nào, cụ Cả lại nghĩ ra cái việc làm tượng Thành Hoàng làng. Có lẽ là cụ muốn làm hơn người tiền nhiệm. Cũng là làm việc lợi cho làng, cho nước. Chả gì, làng Hạ cũng có tượng Thành Hoàng. Ở xa không nói, cả cái xã này, chỉ có mình cụ là có cao kiến làm tượng Thành Hoàng. Mẫu vẽ năm xưa không còn. Thằng cháu cụ Cả lần này ma mãnh hơn thằng chắt cụ Cả trước. Nó bàn với cụ cái việc xin “tài trợ”. Cụ Cả chẳng hiểu thế nào là tài trợ, nhưng nghe cháu “tham mưu” thấy cũng phải. Với lại, cụ thấy cũng chẳng có cách nào kiếm cả trăm triệu đúc tượng. Thế nên, lúc đầu cụ tính làm tượng gỗ. Làng có cây mít nhà cố Thiện, bão năm ngoái tróc cả gốc, nằm chểnh ểnh trong vườn, con cháu cũng muốn đốn đi để trồng cây khác. Cụ đã trình ý tưởng của mình với các cụ trong làng, định vận động các nhà trong làng đóng góp. Ấy vậy mà cái thằng Thọt ở đầu làng buôn chuyện: “Là cây, đổ ngoài vườn thì đốn. Cành thì làm củi, gỗ thì làm cửa làm bàn, được nơi cần thì làm tượng. Nói đáng tội, nếu tượng hư, tượng hỏng, thì thua cả củi mục”. Cụ Cả giận tím mặt. Mà sao không giận được. Cụ bàn là bàn cái chuyện cho làng cho xã, ấy mà vẫn có kẻ chọc gậy bánh xe, cứ như là cụ định kiếm lợi cho nhà mình vậy. Ý định mua cây mít nhà Thiện làm tượng không thành. Cụ Cả ốm mất mấy tháng trời. Các việc làm lễ ở đình trong những tháng cụ Cả ốm phải nhờ đến cụ Hai.
Không biết có phải là Thành Hoàng làng này linh thiêng, thấu cho tấm lòng cụ Cả mà cụ đã nhanh khỏe lại. Từ sau ngày ốm dậy, cụ Cả như một người khác. Cụ có vẻ quyết đoán hơn. Cụ quyết làm cho bằng được tượng Thành Hoàng làng này để có cái cho con cháu thờ. Lần này thằng cháu tư vấn: Phải đúc tượng đồng ông ạ. Nó thuyết phục: Ảnh thì ố, bằng gỗ thì mục, tượng ximăng thì thô và cũng hư hỏng theo thời gian. Chỉ có đồng. Phải đồng đỏ. Đồng đen thì mình không có tiền, vả lại đó là thứ Nhà nước cấm. Và thằng cháu hiến kế tìm tiền đúc tượng.
Nghe theo kế của thằng cháu, trước tiên là vận động làng đồng ý để cụ Cả lo việc này. Còn lo cách nào thì xin các cụ trong làng để cụ quyết. Lúc đầu, các cụ cũng do dự vì nghe thằng Thọt rêu rao: thôi thì cứ tính một lần, công đúc Thành Hoàng đến đâu thì làng trả đến đó. Mà nói thật làng đã trả từ khi có cái đình này rồi. Thằng Thọt làm không ít cụ dao động, không muốn đúc tượng Thành Hoàng. Người già hay nói, cũng lại hay quên, nhiều khi chẳng còn nhớ mình đã nói gì, lại chẳng có chủ kiến bao giờ, nên cuối cùng, các cụ trong làng cũng đồng ý để cụ Cả làm cái việc đúc tượng.
Việc đầu tiên là cụ tìm nhà tài trợ. Thằng cháu bảo, trước hết nên vận động những nhà có máu mặt trong làng. Bọn nhà buôn thì ít chịu nhả đồng tiền ra lắm. Phải tìm bọn có chức có quyền. Gần thì trong làng, ngoài xã. Xa hơn là hàng huyện hàng tỉnh hoặc trung ương. Thằng cháu bảo: làm chính trị bây giờ thiếu gì kẻ háo danh lắm, phải biết dựa vào chúng. Đó là bọn người kiếm tài trợ giỏi nhất. Thế nên ông ạ, với người làng có chức sắc ở xã, hãy gợi ý chúng bán bớt một miếng đất của xã đã qui hoạch làm thị tứ trên đường cái quan là đã có một khoản nho nhỏ rồi. Với bọn hàng huyện, hàng tỉnh thì chúng biết rỉ tai các doanh nghiệp tài trợ. Muốn trúng thầu ở huyện này, ở tỉnh này, các chú hãy giúp cho làng tớ đúc cái tượng Thành Hoàng. Nhiều doanh nghiệp lại chẳng thiếu độ tranh giành để được tài trợ. Thế nào chả có nhiều doanh nghiệp tranh nhau mà đóng góp, ta còn phải lựa chọn nữa là. Nhưng phải kheo khéo ông ạ.
Thằng cháu nhắc: Ông nhớ nhờ thằng Tư phệ xin cho làng cái quyết định phê duyệt xếp hạng đình làng ta là di tích hàng huyện, giả như được hàng tỉnh hay quốc gia thì tốt hơn. Với thằng Tư phệ việc này dễ như trở bàn tay. Nó làm viện trưởng tận trung ương, chuyên lo cái việc cấp chứng nhận di tích bảo tồn, bảo tàng, văn hóa, lịch sử. Cái làng có vài trăm tuổi như làng mình, đình cũng đã hơn trăm tuổi, lại còn nguyên vì không bị bom đạn thời chống Mỹ thì cái chứng nhận di tích văn hóa có là cái đinh gì.
Thế mà thằng cháu cụ Cả nói đúng. Chỉ có vài tháng, trong lúc cụ Cả lo vận động tài trợ thì Tư phệ đã rinh về làng một cái chứng nhận đình làng Hạ được xếp hạng Di tích Lịch sử hàng tỉnh. Cụ Cả hỏi, có tốn kém không? Thằng cháu cười mà rằng, mỡ nó rán nó.
Chưa đầy một năm, cụ Cả đã huy động được hàng trăm triệu đồng tài trợ, đủ mua cả tấn đồng và thuê người thiết kế, thuê người đúc tượng. Cụ Cả giao hết việc cho thằng cháu. Người cháu thuê thợ đúc tượng tận Đại Bái. Hơn một tháng trời tượng đã đúc xong. Ngày khánh thành, làng Hạ như có hội. Phải huy động bao nhiêu trai tráng trong làng, người kê con lăn, người đẩy, kẻ kéo, Thành Hoàng bằng đồng đã được đặt ở hậu cung. Có người hỏi sao không để ở ngoài cho mọi người chiêm ngưỡng? Cụ Cả bảo, sắc phong Thành Hoàng để ở hậu cung, phẩm phong đâu, người đó. Hôm đặt tượng, có người kể, thằng Thọt nhìn cảnh di chuyển tượng, buông một câu: Thế là trả xong món nợ, cũng chả tốn kém của làng là bao, ngoài một suất đất.
Lời ra tiếng vào, chuyện dựng tượng rồi cũng qua đi. Vài năm sau cụ Cả mất. Một số người chứng kiến lúc nhập quan kể lại trông cụ Cả thật mãn nguyện. Họ bảo, cụ thanh thản bởi đã làm được việc lớn cho làng. Thằng cháu cùng cụ Cả lo việc đúc tượng năm nào cũng đã ra Hà Nội làm ăn. Dễ thường mất mặt mấy năm nó không về làng. Làng đồn nó giàu có vì mai mối, buôn bán đất và dẫn mối quan chức.
Trên đời này chẳng cái gì là không thể thay đổi. Nhất là cái chuyện cụ Cả. Ngay hôm cụ Cả mất, cụ Hai hôm nào đã trở thành cụ Cả. Bọn trẻ ranh hôi miệng thường nói, làm đến Cả là sắp tới Bãi Con ngựa rồi - Con ngựa là tên bãi tha ma làng Hạ. Cụ Cả mới tìm người Thủ Từ, và cụ nghĩ đến thằng Thọt năm nào. Hôm được cụ Cả mời gọi cho giữ cái chân Thủ Từ, thằng Thọt cũng ngài ngại nhưng sau rồi Thọt cũng nhận. Chẳng gì, năm nay Thọt cũng gần sáu mươi và vẫn sống một mình. Từ cái hôm nhận chức Thủ Từ, người làng Hạ không gọi nó là Thọt nữa, thay vào đó là cụ Từ - cụ Từ Thọt.
Sáng nay làng làm lễ, nghe đâu là lễ của thằng cháu cụ Cả đã đúc Thành Hoàng làng năm nào. Nó làm ăn lớn trên Hà Nội, giàu có lắm, về làng dâng hương. Cụ Từ bước vào hậu cung, lau tượng Thành Hoàng. Hậu cung tối, lại không đốt đèn cầy vì tiết kiệm, nên cụ Từ Thọt chỉ sờ mà lau. Đến trưa, sau hồi trống dâng lễ, chủ lễ xin phép các cụ được vào hậu cung lạy tạ Thành Hoàng. Tay cầm cây nến, chủ lễ xăm xăm bước tới hậu cung nơi đặt tượng. Bỗng cả đình như rung lên vì tiếng gì đó rớt trong hậu cung kèm theo tiếng thét thất thanh. Các cụ vội vã đứng cả dậy và hỏi vọng, nhưng không thấy tiếng trả lời.
Run lẩy bẩy, Từ Thọt châm cây nến, bước vội xuống hậu cung. Trước mặt Từ Thọt là một cảnh tượng hãi hùng: chủ lễ đã bị bức tượng đồng đè vỡ cả mặt, thân thể nát nhừ, be bét máu, tắt thở ngay sau tiếng thét. Từ Thọt kêu lớn cho mọi người nghe: Ới làng nước ơi, Thành Hoàng đè chết chủ lễ rồi. Sau tiếng kêu hốt hoảng của Từ Thọt, các cụ chen đẩy nhau chạy vào hậu cung. Rồi cùng kêu làng. Phải hơn chục trai tráng của làng, xúm lại nâng tượng Thành Hoàng lên, mới kéo được chủ lễ ra.
Sau cái sự cố ấy, cũng chẳng ai trong làng hỏi về tượng Thành Hoàng. Nhưng chuyện về Thành Hoàng làng Hạ thì không còn khoanh trong lũy tre làng nữa. Người ta đồn Thành Hoàng làng Hạ linh thiêng lắm. Khách thập phương đổ về làng Hạ những ngày Rằm, mồng Một mỗi năm mỗi đông hơn. Bây giờ quanh đình làng, nhiều dịch vụ đã mọc lên như nấm: quán nước, nhà hàng, nơi giữ xe và cả các quán karaoke nữa. Chẳng ai biết thật hư bức tượng giờ thế nào, chỉ trừ Từ Thọt, người duy nhất biết chuyện, thỉnh thoảng lại như người dở hơi nghêu ngao hát: trăm năm bia đá thì mòn…
Chuyện đúc tượng thế nào chỉ còn có Thủ Từ Thọt biết. Khi cả làng còn gọi cụ từ bằng cái tên cúng cơm Thọt, Thọt đã quanh quẩn bên đám thợ đúc đồng cả tháng trời và cũng là người đầu tiên thấy kẻ xấu số bị Thành Hoàng đè. Nhưng có cậy răng Từ Thọt cũng chẳng nói ra…
Nguyễn Kim Hồng (Ngọc Thuận)