Chúng ta thử cùng phân tích dòng “Tôi là người Việt Nam” thành hai vế:
1/ “Tôi là người”: CÔNG DÂN, và
2/ Việt Nam: DÂN TỘC
chúng ta sẽ thấy một thế giới hội nhập mở ra.
Với CÔNG DÂN: đích đến sẽ là nhân hiệu và của mỗi công dân Việt là nhân hiệu Việt. Vậy nhân hiệu Việt bạn là ai? Và làm thế nào để xây dựng, phát triển nhân hiệu Việt thành đạt và hạnh phúc?
Đây là một vấn đề luôn thời sự và ý nghĩa của đời người và đặc biệt là cho 25 triệu thanh niên, sinh viên của chúng ta.
Tôi thiết nghĩ việc đầu tiên là cần xây dựng hòn gạch chuẩn cho đời người.
Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, người Việt chúng ta có bảy phẩm chất đặc trưng sau: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.
Theo PDP (Personal Development Plan) về phát triển bản thân thì mỗi công dân cần trau dồi, rèn luyện:
- Tầm nhìn của nhân hiệu Việt trong thế giới phẳng
- Thật thà, chân thành, trung thực và chính trực
- Tinh thần tự lực tự cường - tư duy độc lập, chính kiến của nhân hiệu
- Lối sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình
- Lối sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, Tổ quốc
- Danh dự và trách nhiệm
- Kỹ năng + thái độ = kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, nghị lực và tính chuyên nghiệp của nhân hiệu.
Xây dựng nhân hiệu Việt cũng phải dựa trên nền tảng giáo dục: Tiểu học rèn luyện người tốt; Trung học trang bị, nuôi dưỡng tính chuyên nghiệp; Đại học, sinh viên phải xác định được cho mình một lý tưởng nghề nghiệp để vươn lên.
Với dân tộc Việt Nam trong thế giới phẳng tựu trung lại sẽ là thương hiệu quốc gia: Made in Vietnam! Câu hỏi là người dân và bạn bè thế giới nhận thức, nghĩ gì về chúng ta? Và chúng ta sẽ làm gì để Made in Vietnam được yêu chọn, phát triển bền vững và thịnh vượng? Điều này sẽ dựa vào:
I. Hệ giá trị của mỗi dân tộc: Được hình thành từ hàng thập kỷ, thế kỷ theo hoàn cảnh lịch sử và những giai đoạn lịch sử… ví dụ: Kỷ luật, chính trực, năng lực, đáng tin cậy, năng động sáng tạo, tinh tế, chi tiết, vị tha, nghĩa tình, thủy chung, dân chủ, bình đẳng, thực tế…
II. Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc: Thể hiện qua ba thành tố:
1. Yếu tố triết học - hệ tư tưởng, tầm nhìn, niềm tin, sự chọn lựa
2. Tôn giáo - đời sống tinh thần, tâm linh
3. Mỹ học (học ăn, học nói, học gói, học mở) - Văn Thể Mỹ
Khi nghiên cứu những phẩm chất tinh hoa của các dân tộc siêu cường của thế giới, chúng ta thấy:
- Người Singapore: là một thương hiệu trên thế giới, biểu trưng cho tính liêm chính, năng lực, sự đáng tin cậy, năng động và cạnh tranh tốt. Nhà cầm quyền thì “nói đi đôi với làm” và tính liêm chính.
- Người Nhật: nếp sống văn hóa, tinh thần tập thể, lòng tự trọng và tự hào dân tộc.
- Người Israel: tinh thần chiến binh, doanh nhân, khả năng sáng tạo không ngừng, liên tục cải tiến, cần cù, bền bỉ, vượt khó.
Còn theo Giáo sư Vũ Trọng Khải: Cái dở của người Việt mình là cái gì cũng chỉ có một nửa. Đúng cũng đúng một nửa, sai cũng sai một nửa.
Không có cái gì đúng hết và không có cái gì sai hết nên chẳng ai bảo được ai, chẳng ai nghe theo ai.
Hy vọng qua cách đặt vấn đề đầy thú vị, ý nghĩa của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và trên tinh thần trao đổi, học hỏi, khai minh, khai sáng, mỗi người Việt Nam chúng ta sẽ luôn tự tin và tự hào mỗi khi nói TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.
Trần Hoàng