Như bao người Việt Nam khác, tôi rất yêu đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam. Yêu đến mức đã nộp hồ sơ xin PR (Permanent Resident), tức tạm trú dài hạn để sau đó nhập quốc tịch Australia nhưng lại rút hồ sơ về. Nhiều bạn tôi bảo, cứ nộp, cứ xin, có bắt mình bỏ quốc tịch Việt Nam đâu. Khi có PR mình vẫn giữ quốc tịch Việt Nam cơ mà. Đó là câu chuyện của mười mấy năm về trước.
Người Việt không đơn giản chỉ là một dân tộc mà là dân tộc vô cùng đặc biệt. Người Việt là một nếp sống! Không ai, không có bất cứ gì có thể làm tổn thương được người Việt. Dù có khó khăn và khổ đau đến đâu đi chăng nữa cũng không là gì cả với người Việt.
Người Việt rất thông minh. Tôi học ở Nga, Úc, Mỹ, Pháp… hầu như ở đâu nhóm người Việt chúng ta cũng được điểm cao nhất, được đánh giá rất cao. Tôi chỉ hay nể phục các bạn cùng lớp người Do Thái, người Bắc Âu và người Đức. Hình như họ thông minh hơn mình!
Người Việt rất may mắn, rất tuyệt vời. May mắn và tuyệt vời đến mức khó tin. Cá nhân tôi và rất nhiều bạn của mình cũng thấy vậy. Dù đi học hay du lịch, dù đi công tác hay làm ăn, ở đâu cũng thấy có hồn thiêng sông núi, có các anh linh dân tộc phù hộ. Mỗi lần khó khăn, tôi chỉ cần nghĩ đến và cầu nguyện tổ tiên đất Việt là y như rằng mọi khó khăn đều qua và mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Nhiều bạn bè và học trò cũng nghe tôi hướng dẫn và rất thành công. Có vài bạn chưa đạt được như ý. Tôi nghĩ, đó là do chưa thật sự thành tâm.
Tôi rất tự hào về trống đồng của người Việt. Đây không chỉ là một loại nhạc cụ độc đáo của tổ tiên chúng ta từ thời đại đồ đồng, không chỉ là biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo... mà trống đồng Việt còn có những giá trị rất thâm sâu. Tôi luôn nghĩ, ngày xưa, các nhà vua cũng như lãnh đạo đất nước đã dùng trống đồng làm hiệu lệnh quy tụ các bộ lạc, các địa phương về họp, về bàn việc nước, để ra lệnh chuẩn bị chiến đấu bảo vệ bờ cõi. Tiếng trống đồng vang xa và rất tuyệt diệu khi ngày xưa chưa có các phương tiện truyền thông như bây giờ. Các hiệu lệnh qua tiếng trống đồng rất quan trọng và cần thiết. Khi ngồi thiền tôi còn có cảm nhận rằng các vua Hùng ngày xưa đã dùng tiếng trống đồng để làm hiệu lệnh lãnh đạo đất nước. Làm sao có thể không tự hào về 960 chiếc (theo khảo sát năm 1980) trống đồng Việt đang còn lại đến ngày nay.
Tôi rất tự hào về Bà Trưng, Bà Triệu, những người phụ nữ Việt tuyệt vời đã đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại giặc giã phương Bắc. Thử hỏi, trên thế giới này có bao nhiêu dân tộc có được các nữ tướng. Chính Hai Bà Trưng và hàng chục, hàng trăm nữ tướng khác đã lãnh đạo và cùng tham gia phong trào chống quân Hán góp phần tạo nên truyền thống anh hùng bất khuất cho phụ nữ Việt và cho cả dân tộc nước Nam. Thử hỏi, ở đâu trên thế gian này có được Bà Triệu mới 19 tuổi mà đã tuyên bố được: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Tôi tự hào về vua Quang Trung Nguyễn Huệ, một vị tướng tài ba kiệt xuất. Trong suốt cuộc đời mình, vua Quang Trung chưa từng thất bại trong bất cứ trận đánh nào, kể cả những trận đánh nhỏ lúc mới dấy binh. Cần lưu ý rằng chưa một chiến dịch, một trận đánh nào của ông kéo dài quá 7 ngày. Những chiến công của vua Quang Trung vang dội mãi muôn đời. Hơn thế nữa, Quang Trung Nguyễn Huệ đã có tư tưởng cải cách, trọng dụng nhân tài, đào tạo hiền sĩ từ những ngày đầu dựng nghiệp. Tiếc thay vua Quang Trung tại vị chỉ được bốn năm, chứ nếu như ông chỉ cần sống thêm chục năm nữa thôi nước Việt Nam ta đã hoàn toàn khác.
Tôi tự hào khi trong danh sách 10 vị tướng xuất sắc nhất lịch sử nhân loại thì có đến hai người con đất Việt ta là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Liệu có một dân tộc thứ hai nào trên thế giới này có thể sản sinh ra 20% những vị tướng kiệt xuất nhất.
Tôi tự hào được là con của một dân tộc mà có đến ba bản Tuyên ngôn Độc lập. Trước âm mưu xâm lược ngày càng lộ rõ của nhà Tống, năm 1075, Lý Thường Kiệt đề xuất chiến lược sáng suốt: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc” và ông đã tổ chức cuộc hành quân lớn vào căn cứ hậu cần mà nhà Tống đã chuẩn bị sẵn cho cuộc xâm lăng Đại Việt và giành chiến thắng huy hoàng. Bản Tuyên ngôn Độc lập lần đầu tiên của nước Việt đã vang lên hơn cả sấm dậy khi Lý Thường Kiệt đánh tan 30 vạn quân Tống.
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Thế rồi vào đầu năm 1428, khi quân Minh bị đánh bại, rút khỏi đất nước ta, Nguyễn Trãi đã viết nên bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai nổi tiếng mà ai ai cũng thuộc lòng với tên gọi “Bình Ngô đại cáo”:
“… Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
….
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo…”
Và thêm lần thứ ba nữa, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tôi vô cùng tự hào về thời Lý - Trần phát triển rực rỡ của dân tộc Việt Nam kéo dài gần 400 năm từ 1010 đến 1400. Thời đại Lý - Trần là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, là thời kỳ phục hưng, là giai đoạn dân chủ và văn minh đỉnh cao, khi đó không hề có trộm cắp và tệ nạn xã hội, cuộc sống rất hạnh phúc và ấm no, là thời kỳ tuyệt vời nhất trong lịch sử nước nhà. Những bài học quý giá của thời kỳ Lý - Trần mãi mãi có ích đối với mỗi người Việt Nam.
Tôi tự hào về các làn điệu dân ca. Thật hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại có một kho tàng về thơ ca đồ sộ như Việt Nam ta với đủ các thể loại: lục bát, song thất lục bát… Trải dài trên đất nước Việt Nam là hàng ngàn điệu dân ca tân cổ. Những ai có may mắn được thưởng thức các làn điệu dân ca trên khắp các vùng miền này sẽ tự cảm nhận sự vi diệu của nó. Ai ăn người đó mới no. Ai uống người đó mới hết khát.
Tôi tự hào về các di sản thế giới tại Việt Nam. Hiện nay, nước ta đã có 8 di sản thế giới được công nhận trong đó 2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa và 1 di sản hỗn hợp. Là người Việt, chỉ cần được đặt chân đến đủ 8 điểm này: Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn là ta đủ thấy tự hào vô cùng rồi. Nếu có thêm thời gian chúng ta cùng nhau đi ngắm nhìn và khám phá những di sản khác đã hoặc sẽ được đề cử lên UNESCO để nhận danh hiệu di sản thế giới nữa để thêm hạnh phúc và tự hào. Đó là Chùa Hương, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Cố đô Hoa Lư, Hồ Ba Bể, Bãi đá cổ Sa Pa, Nhà tù Côn Đảo, Nhà thờ Phát Diệm, Làng cổ Đường Lâm, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Di chỉ khảo cổ học Óc Eo Ba Thê, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tôi tự hào với 8 di sản phi vật thể đã được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại: đờn ca tài tử Nam Bộ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan, hội Gióng tại Đền Sóc Sơn và Đền Phù Đổng, ca trù, dân ca quan họ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế. Ngoài ra còn các di sản lớn khác đang được đề cử như ca ví dặm Xứ Nghệ, nghề làm tranh Đông Hồ, múa rối nước, sử thi Tây Nguyên, tục chơi bài chòi tại Nam Trung Bộ, nghề làm gốm của người Chăm, kiến thức và thực hành thổ canh Hốc Đá của các dân tộc thiểu số tại vùng cao nguyên đá Hà Giang, nghi lễ then của người Tày, nghi lễ chầu văn của người Việt, nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật xòe của người Thái, nghệ thuật dù kê của người Khơ-me, các nghi thức và trò chơi kéo co trên mọi miền đất Việt.
Tôi tự hào vì ta đang được sống trên kho thuốc tự nhiên vô cùng quý giá. Nước Việt Nam ta được thiên nhiên ưu đãi với những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc đất nước, với đất đai phì nhiêu màu mỡ, với thảm động thực vật phong phú và quý. Thống kê cho thấy, nước ta có hơn 5.000 loại cây thuốc, trong đó có nhiều cây đặc hữu. Hiện nay các dự án điều tra, bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc dân gian của các đồng bào dân tộc Việt Nam đang được quan tâm rất lớn, tiềm năng của Nam dược trong thế kỷ 21 đang bắt đầu được tái khai thác, mang lại những lợi ích thiết thực và lâu dài trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, những bí quyết như bấm huyệt, châm cứu và các bài thuốc gia truyền từ ngàn đời đang ngày càng được đưa rộng rãi vào cuộc sống.
Tôi tự hào văn hóa mừng thọ của dân tộc Việt Nam chúng ta, một cách thể hiện sự tôn trọng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng hiếu thảo, kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và các bậc cao niên. Đây là một nét đẹp văn hóa rất Việt, là thang thuốc bổ vô giá mang lại niềm vui để cha mẹ và các bậc tiền bối sống vui, khỏe và có ích cho gia đình và xã hội.
Tôi tự hào về lễ hội mùa xuân của người Việt. Mùa xuân luôn được hiểu là mùa lễ hội và đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn các bậc sinh thành, tổ tiên và cũng là dịp để mọi người vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả. Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, Việt Nam được ví như đất nước của lễ hội. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, hướng về cội nguồn, lễ hội còn là dịp để người Việt gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.
Tôi tự hào về áo dài của người Việt. Đây không chỉ là một trang phục, mà còn là một nét son trong văn hóa Việt, chuyên chở nhân sinh quan Việt Nam, một biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt. Áo dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc ta. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, áo dài còn ẩn chứa ý nghĩa nhắc nhở và giảng dạy về công dung ngôn hạnh, là biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt.
Tôi tự hào về những người con đất Việt đương đại đã và đang đóng góp cho thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn, Giáo sư Ngô Bảo Châu và biết bao nhân tài Việt khác.
Tôi tự hào rằng, người phát minh ra máy ATM là một công dân Việt Nam mang tên Đỗ Đức Cường. Về Thạc sĩ Nguyễn Thành Đông và Kỹ sư Hoàng Diệu Hưng đã phát minh ra phương pháp dùng công nghệ nano giúp loại bỏ hoàn toàn thạch tín trong nước. Về Giáo sư Hùng Nguyễn đã chế tạo thành công chiếc xe lăn thông minh điều khiển bằng ý nghĩ. Về Tiến sĩ Chu Hoàng Long là đồng tác giả của mô hình dòng chảy sông cho phép nông dân biết được lượng nước tối ưu cần thiết cho tưới tiêu và lượng nước tối ưu cần thiết để bảo vệ môi trường, đồng thời giúp tạo ra các dòng chảy có lợi cho môi trường. Về anh Hoàng Đăng Sơn đã phát minh ra bộ tiết kiệm nhiên liệu dành cho xe máy. Về biết bao con người Việt giản dị mà vĩ đại khác mà tôi chưa có cơ may biết đến.
Tôi tự hào về những gì mà Việt Nam chúng ta đã và đang xuất khẩu: gạo, cà phê, chè, cao su, sắn, hạt tiêu, hải sản, rau quả... Sản phẩm Việt đã có mặt tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Tôi tự hào rằng còn rất nhiều sản phẩm khác nữa sẽ được xuất khẩu rất mạnh trong những năm tới đây.
Khi nói về xuất khẩu, tôi đặc biệt tự hào khi Việt Nam ta đã “xuất khẩu” Đạo Phật. Năm 247, Thiền sư Khương Tăng Hội, được xem là thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đã sang nước Ngô và tại Kiến Nghiệp, Thiền sư đã xây dựng nên trung tâm Hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức giới đàn và độ người địa phương xuất gia. Nhờ Thiền sư Khương Tăng Hội mà Đạo Phật lan tỏa khắp Trung Quốc và đi xa hơn nữa. Ngày nay có Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang thiền từ nước Việt sang Pháp và phương Tây. Hàng triệu người khắp hành tinh đã biết đến thiền, đến Đạo Phật là nhờ người con đất Việt. Rồi thầy Huyền Diệu là người Việt đã có công tái thiết Lâm Tì Ni để Đạo Phật lan xa, đi mãi như lời tiên tri thủa xưa: “Khi nào chim sắt bay và ngựa chạy trên bốn bánh xe, thì Đạo Phật sẽ lan tỏa sang phương Tây.”
Tôi tự hào là người Việt Nam. Danh sách những niềm tự hào này còn dài mãi, dài mãi. Tôi tự hào để nhắc mình sống tốt hơn, có ích hơn, để cống hiến cho đất nước và xã hội nhiều hơn nữa.
Tự hào lắm khi tôi nói rằng, tôi là người con Việt của nước Nam.
Nguyễn Mạnh Hùng