“Không bao giờ là muộn để bắt đầu ăn khoẻ hơn. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể đảo ngược rất nhiều chứng bệnh. Bởi vậy, hãy thay đổi chế độ ăn để cải thiện sức khỏe của bản thân.”
Colin Campbell -
Colin Campbell là một nhà sinh hoá học người Mỹ, chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của chế độ dinh dưỡng lên sức khỏe con người, với hơn 300 công trình khoa học được công bố, cùng ba cuốn sách được xuất bản, trong đó nổi tiếng và được đón nhận nhất chính là cuốn Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện. Đặc biệt, nghiên cứu của ông thực hiện tại Trung Quốc về mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng và những căn bệnh phổ biến hiện nay, như bệnh tim mạch, ung thư, và bệnh trao đổi chất được coi là một trong những công trình quan trọng của lĩnh vực dịch tễ học hiện đại.
Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện của Colin Campbell là một cuốn sách trình bày về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ protein từ động vật, và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Từ đó, đưa ra đề xuất cải thiện sức khỏe của bạn thông qua tập trung vào chế độ ăn dựa trên thực vật. Những nội dung trong cuốn sách được tác giả xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học quy mô lớn đầu tiên, về ảnh hưởng của chế độ ăn thuần chay. Bởi vậy, mà Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện thường được coi là cuốn “Kinh thánh” của những người ăn thuần chay.
Dưới đây là ba bài học mà độc giả có thể rút ra sau khi đọc cuốn sách Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện, để từ đó tìm ra phương pháp ăn khoẻ hơn - sống khoẻ hơn:
Bài học thứ nhất: Sức khoẻ được quyết định bởi chế độ dinh dưỡng, mà không phải thuốc men
Theo một cách nào đó, hầu như tất cả chúng ta đều chưa đủ quan tâm tới sức khỏe bản thân. Bởi chúng ta đã quá phụ thuộc vào nền y học hiện đại, để giải quyết mọi vấn đề về sức khoẻ mà bản thân có thể gặp phải, từ phương thuốc cho những căn bệnh nan y, đến phẫu thuật điều chỉnh những khiếm khuyết dù là nhỏ nhất trên cơ thể.
Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã mù quáng trao gửi sức khỏe của bản thân vào tay người khác. Và, nếu điều không may xảy đến, khiến cho trong khoảnh khắc đôi tay đó thiếu đi sự vững vàng cần thiết, ví dụ như một sai sót nhỏ trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u, thì cuộc đời chúng ta cũng dễ dàng chấm dứt.
Có tới 7% tổng số người bệnh đang phải chịu đựng các tác phụ không mong muốn từ những viên thuốc mà họ được bác sĩ kê đơn!
Hẳn nhiên, chẳng ai mong muốn số mệnh của mình phải phụ thuộc vào người khác. Do đó, hãy biết nắm lấy quyền kiểm soát sức khỏe của chính bản thân bằng cách thay đổi chế độ ăn một cách hợp lý. Bởi mỗi bát cơm, mỗi miếng hoa quả, hay mỗi cốc sữa mà bản thân tiêu thụ cũng đều sẽ tạo thành ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn.
Hãy tránh phải chữa bệnh, bằng cách phòng bệnh thông qua từng bữa ăn mỗi ngày!
Bài học thứ hai: Con người không cần tiêu thụ quá nhiều protein như chúng ta vẫn lầm tưởng
Một trong những xu hướng dinh dưỡng hiện đại, đang khá được ưa chuộng chính là chế độ ăn Paleo, mô phỏng theo tổ tiên thượng cổ của con người, đặt trọng tâm vào việc tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt nạc, cá, trái cây, rau, quả hạch, và hạt. Chế độ ăn này đặc biệt được giới luyện tập thể hình yêu thích, do lượng lớn protein từ động vật mà nó khuyến khích đưa vào cơ thể có tác dụng kích thích tăng trưởng khối cơ.
Bên cạnh đó, xã hội hiện đại cũng đang có xu hướng ngày càng tránh xa những loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate. Bởi niềm tin rằng carbohydrate sẽ được cơ thể chuyển hoá thành đường và khiến cho chúng ta béo lên.
Tuy nhiên, theo tác giả thì đây là những quan điểm hoàn toàn sai lầm. Trái ngược, để duy trì sức khoẻ thì mỗi ngày con người chỉ cần tiêu thụ khoảng 48g protein mà thôi! Đồng thời, việc tiêu thụ quá nhiều protein - đặc biệt là protein từ động vật không chỉ không đem lại lợi ích, mà còn rất có hại cho sức khỏe!
Bài học thứ ba: Việc tiêu thụ protein từ động vật là một yếu tố gây gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư
Phần lớn mọi người đều chẳng hề cảm thấy lo lắng rằng, bản thân đã tiêu thụ quá nhiều carbohydrate hay chất béo trong mỗi bữa ăn, và do vậy thường tập trung nhiều hơn vào việc bổ sung protein cho cơ thể. Các loại thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa, vân vân. lại chính là những nguồn cung cấp protein vô cùng dồi dào, đặc biệt là khi so sánh với rau củ quả.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tế bào trong cơ thể chúng ta thường ít có xu hướng xuất hiện đột biến, và trở thành tế bào ung thư hơn khi được cung cấp nguồn protein gốc thực vật. Thay vì nguồn protein gốc động vật - mà nguyên nhân là bởi sự khác biệt về mặt enzyme cần thiết để phân giải những loại protein này.
Minh chứng cho điều đó, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tại những vùng thôn quê Trung Quốc, nơi người dân thường ít có điều kiện ăn các sản phẩm từ động vật, thì tỷ lệ xuất hiện các căn bệnh như tiểu đường, ung thư, hay bệnh tim mạch, thường thấp hơn nhiều so với tại những vùng với chế độ ăn giàu protein từ động vật.
Một nghiên cứu khác trên loài chuột được Colin Campbell trích dẫn, đã chỉ ra rằng khi lượng protein từ sữa bò trong chế độ ăn tăng từ 5% lên 20%, thì nguy cơ phát triển các khối u đã tăng lên tới khoảng ba đến chín lần. Đồng thời, việc tiêu thụ protein từ động vật cũng được xác định là có gia tăng những tác động tiêu cực mà cơ thể loài chuột có thể gặp phải gây ra, bởi các nguồn phơi nhiễm độc tố bên ngoài khác.
Từ những cơ sở khoa học trên, cuốn sách Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện khuyến khích độc giả nên thay thế nguồn protein từ động vật bằng những nguồn protein từ thực vật như đậu, đậu nành, các loại hạt, và đậu lăng
Xa hơn nữa, bạn nên chuyển đổi hoàn toàn chế độ dinh dưỡng của bản thân sang những chế độ chủ yếu bao gồm rau củ quả - ví dụ như chế độ ăn chay, hoặc chế độ ăn thuần chay.
Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện sẽ giúp bạn có được rất nhiều kiến thức bổ ích, thông qua việc tìm hiểu công trình nghiên cứu về dinh dưỡng của Tiến sĩ Campbell. Và, nếu bạn là người muốn xây dựng một chế độ ăn uống khoa học để đẩy lùi bệnh tật mà không cần sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng hoặc thuốc men, thì cuốn sách này sẽ không làm bạn thất vọng!