Sau thời gian ăn tết ở Tĩnh Tây, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và một số anh em vẫn còn ở lại. Lúc này, họ chịu trách nhiệm liên lạc với Lý Tế Thâm. Ngày trở về, Võ Nguyên Giáp lại được gặp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc tại Pác Bó (Cao Bằng). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) cùng những kế hoạch nhằm chủ trương duy trì, phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn - Võ Nhai và mở rộng ra Bắc Kạn, Lạng Sơn nhằm chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Việt Bắc. Cũng tại đây, tổ chức đội vũ trang là Việt Nam Nhân dân Cách mạng quân.
Nhiệm vụ báo cáo với Người về tình hình công tác ở ngoại quốc, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cùng một số anh em khác thay phiên nhau thực hiện. Riêng Võ Nguyên Giáp là chàng trai được Nguyễn Ái Quốc dặn dò kĩ càng hơn cả. Trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp cũng có dịp ngủ cùng Người tại hang Pác Bó. Nhờ vậy, chàng trai xứ Quảng Bình có cơ hội biết được những thói quen sinh hoạt vừa khoa học, vừa giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại. Hồi ấy có lần Võ Nguyên Giáp được giao viết một bài trên tờ báo Việt Nam độc lập (Việt Lập), Nguyễn Ái Quốc đã giới hạn cho chàng trai trẻ phải viết đúng 100 từ để bài báo thật súc tích, dễ đọc, dễ hiểu.
Một thời gian sau, cơ quan của Nguyễn Ái Quốc phải chuyển đến nơi khác còn Cao Bằng lại bị Pháp ra sức chèn ép và khủng bố. Cũng tại Bắc Sơn - Võ Nhai, hai đồng chí thân cận của Người đã hy sinh dưới sự càn quét của kẻ thù. Theo lời của Người, Võ Nguyên Giáp lần lượt mở lớp huấn luyện việc làm cách mạng cho đồng bào ở châu Hòa An, Nguyên Bình, Gia Bằng. Trong thời điểm đó, công việc biên soạn, lược dịch tài liệu chính trị trở nên vô cùng sôi nổi. Từ đây, Người cũng định hướng cụ thể cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Giữa lúc khó khăn về mọi mặt đó, “Lô cốt đỏ” do Đặng Văn Cáp phụ trách được thành lập và thành công tạo ra quả địa lôi.
Trong một đêm khuya, Võ Nguyên Giáp được Người đặt cho cái tên Văn cung lời dặn dò cũ là “phải trau dồi thêm quân sự”. Trong thời gian nhiều khốn khổ ấy, tin báo về cái chết của Nguyễn Thị Quang Thái đến với đồng chí Văn nhưng nó không làm anh nản chí mà càng hun đúc lòng căm thù giặc thù. Ấy vậy mà tin dữ cứ lần lượt đến: Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây, Hoàng Văn Thụ rơi vào tay mật thám Pháp. May mắn thay, vào tháng 9/1944, Người được trả tự do. Dựa theo tình hình nước ta lúc bấy giờ, tất thảy quyết định thành lập Đội Việt Nam giải phóng quân. Lúc ấy khi tìm người chỉ huy, Người đã hỏi Võ Nguyên Giáp: “Chú Văn có thể làm được không?” và đáp lại lời Người là ba tiếng “Có thể được” với tất cả sự trung thành, nhiệt huyết lẫn khí chất của một người có tài chỉ huy quân sự được “chọn mặt gửi vàng” từ những ngày đầu.