T
ôi không nhớ mình đọc ở đâu đó câu: “Trên Trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình” nhưng tôi không thể hiểu đến tận cùng câu nói đó cho đến khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách Trái tim người cha.
Ba năm trước, khi đến phòng trưng bày tranh của bệnh nhân tâm thần Bệnh viện Tâm thần Trung ương II tại Biên Hòa, có một bức tranh gây ấn tượng mạnh với tôi. Đó là bức tranh vẽ một người đàn ông đỡ con ra từ trái tim của mình. Gương mặt người đàn ông tuy không rõ từng nét nhưng đôi tay đỡ đứa bé và trái tim tách ra làm đôi thì vô cùng ấn tượng. Tôi xin gặp tác giả bức tranh thì biết của một nam bệnh nhân tên là Bình. Anh ấy kể rằng mẹ mất sớm, anh sống với cha. Cha anh đã rất vất vả để nuôi anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Ra trường được sáu tháng thì anh phát bệnh. Anh nói anh biết mình bị… điên. Nhưng cha vẫn ráng nuôi anh, chữa trị cho anh mà không một lời trách mắng. Mẹ thì anh không còn nhớ mặt nữa, các anh trai, chị gái thì chẳng ai muốn nuôi anh. Cha anh mới mất năm ngoái nên anh ở lại mãi bệnh viện này cho đến khi nào được “về” với cha. Anh chẳng gởi gắm ý nghĩa gì to lớn trong bức tranh ấy cả, chỉ là anh đã vẽ trong ngày cha anh mất, người cha đã sinh anh ra bằng trái tim của mình.
“Cha sinh con bằng trái tim của cha” - lần đầu tiên tôi trông thấy từ bức vẽ của một người lúc tỉnh táo, khi mơ hồ nhưng đã diễn tả trọn vẹn và sinh động hơn mọi ngôn ngữ khác.
“Trái tim người cha”, tôi đã nghĩ rất nhiều về bốn từ đó trong suốt ba năm thai nghén cho một cuốn sách mà mình sẽ viết, và cuối cùng đã gặp cha của Hoàng Yến.
Tôi ở lại nhà ba má anh ở Sóc Trăng gần một tháng cùng với cậu con trai nhỏ của mình khi hay tin gia đình anh về đây nghỉ hè. Với những gì tôi đã đọc, đã biết, đã hiểu về tự kỷ và nhìn vào Hoàng Yến, tôi chỉ có thể lý giải bằng hai từ gọn ghẽ: “Kỳ diệu!”. Đúng vậy, nó tựa như phép lạ để hồi sinh một đứa trẻ đặc biệt với quá nhiều rối loạn trở thành một Hoàng Yến như tôi nhìn thấy. Cô bé ấy không khác gì con gái tôi. Tôi cố dằn lòng ngưỡng mộ và yêu mến để nhìn Hoàng Yến một cách công bằng nhất, soi con ở những góc cạnh khác nhau của cuộc sống để tìm “sự khác thường” của con. Nếu có, hẳn là con hồn nhiên, ngây thơ hơn, con hơi khó khăn khi phải suy luận về những lời bóng gió của người khác khi nói chuyện. Thỉnh thoảng, tôi mới thấy được cách con kiềm chế những rối loạn nội tại cùng những căng thẳng của bản thân bằng cách hát nho nhỏ một bài hát nào đó. Nó hơi khác thường ở chỗ, luôn là một bài hát cố định và tiếng hát gần như là tiếng thầm thì… rồi sau đó, con bình yên trở lại. Nhưng ngay cả điều ấy, với tôi, cũng đáng yêu vô cùng. Thế giới thật hiền hòa trong mắt con, con tôn trọng tự nhiên và quý trọng mọi thứ quanh mình.
Không dễ dàng gì để cha Hoàng Yến đồng ý cho tôi viết lại câu chuyện này. Anh nói chuyện của anh có đáng gì đâu mà kể. Bởi anh cho rằng, việc cha mẹ không thể cùng con vượt qua cái ngưỡng để con hòa nhập cuộc sống thì đó cũng không phải là việc đáng chê trách. Hay việc cha mẹ bỏ cuộc giữa chừng, chấp nhận đứa trẻ lớn lên mãi mãi lệ thuộc vào sự hỗ trợ của người khác cũng không đánh giá họ sai được. Không có đúng hay sai trong câu chuyện này, chỉ có nghị lực và lòng quyết tâm dẫn họ đi đến đâu mà thôi. Muốn đi, ắt có đường để đi. Cho dù trước mắt là rừng sâu hay vực thẳm.
Ca ngợi anh, tôi chẳng còn năng lực nữa rồi. Bởi vốn từ của tôi không đủ cho những gì anh đã làm cho con gái mình. Vậy thì cho tôi được kể lại câu chuyện này bằng những gì trung thực, vẹn nguyên nhất mà mọi kỹ năng, kỹ xảo về ngôn ngữ không được vận dụng ở đây.
1 giờ sáng, ngày 4 tháng 3 năm 2018
Nguyễn Thị Việt Hà