T
hời gian chưa bao giờ trở nên ngắn ngủi với chúng tôi đến vậy. Một cảm giác rất mâu thuẫn là con càng lớn, tôi lại lo lắng nhiều hơn. Còn quá nhiều thứ để con phải học. Con lớn nhanh quá, nhanh hơn tốc độ dạy của chúng tôi thì khi đến trường, liệu con có theo kịp các bạn không? Con có biết chơi với bạn không? Con có chịu ngồi yên trong lớp không? Các thầy cô có hiểu con không và con có bị trả về như những lần trước?
Cha mẹ nào chẳng muốn con lớn lên. Nhưng sự lớn lên của một đứa trẻ tự kỷ thật nghiệt ngã. Nếu không được can thiệp tốt, con không thể tự tiến bộ được, sẽ không thể trưởng thành và mãi mãi ở lại với vùng trời thơ ấu ngô nghê của mình.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải đau khổ bởi ý nghĩ đó mà không nhìn về phía tốt đẹp hơn? Hoàng Yến của tôi đang tốt lên. Những khiếm khuyết của con cũng giống như những khó khăn trong cuộc sống mà tôi gặp phải. Rồi mọi chuyện sẽ tốt lên theo một nghĩa nào đó vì tôi đã cố gắng, đã tận lực và con cũng đã cố gắng, đã tận lực. Vậy thì tại sao phải đau khổ? Nhưng như một thói quen chung, chúng ta đã đặt hết năng lượng của mình vào vấn đề khó khăn và quên mất khía cạnh tốt đẹp đang hiện diện, từ đó khiến nỗi bất an như được nhân lên. Chính điều này khiến chúng ta bỏ qua cơ hội tốt cho con bằng việc quên đi những sở trường của con. Như một cái cây, không vun trồng, sẽ cằn cỗi đi.
Tôi hiểu rõ mọi thứ nhưng lúc đó, như một người lớn chưa trưởng thành, cảm xúc trồi sụt thất thường. Thỉnh thoảng, tôi vẫn lạc sang những đường ray đau khổ.
***
Hoàng Yến bỏ qua lớp mầm, đến lớp chồi, hành vi của con vẫn chưa ổn để có thể chính thức đến trường. Tôi nhờ bọn trẻ hàng xóm thân thiết vào mỗi thứ Bảy và Chủ nhật sang vừa chơi vừa học cùng Hoàng Yến. Thật khó để tìm bạn cho con khi con bị dán nhãn “không bình thường”, nhất là ở các thành phố, cuộc sống khép kín khiến cho cơ hội có bạn của con càng trở nên hạn hẹp. Các con học trường bán trú từ sáng sớm đến chiều tối mới đón về, ngay cả con của hàng xóm thân thiết cũng không dễ dàng gì mời gọi bé vào nhà mình chơi.
- Thế này không ổn em ạ. - Tôi nói với vợ.
- Nhưng em chưa nghĩ ra cách nào tốt hơn.
- Anh sẽ đưa con về nội ít tháng.
- Còn em? - Thùy Mai thảng thốt hỏi như thể tôi bỏ rơi cô ấy.
Tôi nói với Mai về tương lai của con và chúng tôi đang chọn con đường tốt nhất cho con. Mỗi chúng tôi đều chịu thiệt thòi một chút. Về quê, Hoàng Yến sẽ có bạn, trước hết là các anh chị cũng bằng tuổi con, sau nữa, ở quê dễ tìm bạn cho con chơi hơn. Quãng đường từ Sài Gòn về Sóc Trăng khá xa nên không thể mỗi tuần mỗi về được, nhưng một tháng cha con tôi sẽ về thăm Mai một lần hoặc Mai có thể về dưới.
- Em đã trút gánh nặng lên vai anh hết rồi. - Mai rơm rớm nước mắt.
- Không, là anh xin em nhường điều đó cho anh mà. Nếu không lo được cho mẹ con em, thì đó là điều hối hận nhất cuộc đời anh.
Đêm ấy, Mai nói với tôi rằng cô ấy muốn chuyển công tác hoặc nghỉ dạy để cùng tôi chăm sóc, dạy dỗ Hoàng Yến, cô ấy sẽ tìm một công việc nào đó như buôn bán dưới quê chẳng hạn. Nhà ở thành phố bán đi chắc sẽ đủ để mua một ngôi nhà và mảnh đất dưới quê. Tôi nói với Mai đó không phải là cách tốt nhất cho Hoàng Yến. Cha con tôi sẽ trở lại thành phố và môi trường ở đây sẽ thuận lợi cho con phát triển nhất. Về quê tìm bạn chỉ là giải pháp tạm thời.
1. Về quê
Ba má tôi đã già, sống chung với vợ chồng chú Út. Trước khi đưa Hoàng Yến về, tôi về dưới đó trước để chuẩn bị mọi thứ cũng như để ba má và chú thím hiểu chuyện. Tôi giải thích ngắn gọn rằng Hoàng Yến đang gặp một vài vấn đề và cần sự hỗ trợ của cả nhà nhưng mọi người cần tuyệt đối giấu chuyện này với hàng xóm láng giềng và hãy cư xử với con bé như một đứa trẻ bình thường. Ba má tôi không hiểu Hoàng Yến gặp vấn đề gì đến nỗi khiến tôi phải lo lắng như vậy và thắc mắc rằng vợ tôi đâu mà lại để tôi phải dạy con như thế. Ba má tôi thậm chí còn cho rằng tôi và vợ đang gặp trục trặc và sắp ly hôn nên tôi mới phải mang con về quê.
- Mà nếu không có chuyện ly dị đi chăng nữa thì việc một người đàn ông đem con về quê dạy là chuyện khó coi rồi. - Má tôi nói.
- Có gì con nói thiệt ra đi. Hay làm ăn thất bại? - Ba tôi gặng hỏi.
- Không phải như vậy đâu ba má ơi. Hoàng Yến gặp một vài rắc rối mà con dạy cho nó sẽ dễ dàng hơn Mai, vậy thôi à.
Tôi đã nói với ba má rất nhiều vào buổi chiều hôm ấy nhưng cả hai có vẻ còn rất phiền lòng. Riêng vợ chồng chú Út thì hiểu nhanh hơn. Một điều may mắn nữa là vợ chú Út đang dạy trong một trường mẫu giáo ở xã. Cha con tôi được sắp xếp ở riêng một phòng nhỏ trong nhà. Tôi ở lại ba ngày để sắp xếp nơi ở mới cho hai cha con.
Tôi dặn kỹ ba má và vợ chồng chú Út, rằng hãy xem mọi hoạt động của cha con tôi là bình thường và đừng kể gì với hàng xóm hay bất kỳ ai. Chỉ cần làm được như vậy đã là giúp đỡ tôi rất nhiều rồi.
Vì sao tôi phải giấu tình trạng của con khi về quê? Tôi nhận ra rất rõ sự kỳ thị nặng nề của mọi người khi Hoàng Yến bị dán nhãn “tự kỷ”, gần như ai cũng dè chừng, xa lánh hoặc mặc kệ với “cái đứa tự kỷ”. Con bé bơ vơ trong cái “nhãn” của mình.
Tôi rất thích phương pháp Montessori khi cho rằng “không có trẻ em khuyết tật, chỉ có môi trường sống chưa phù hợp để giúp trẻ phát triển năng lực của mình tốt nhất”. Về quê với thân phận một đứa trẻ bình thường, cũng có thể dấu vết tự kỷ sẽ “lộ” ra nhưng chỉ là những đặc điểm khác biệt không tên. Mọi thứ vẫn sẽ bình thường ngoại trừ một vài điều “đặc biệt”.
Hoàng Yến có bạn, rất nhiều bạn, con được chơi rất tự nhiên với sự quan sát và điều chỉnh của tôi cùng sự hỗ trợ rất tinh tế của thím Út. Con thích chơi cùng bạn vô cùng. Con nỗ lực giao tiếp với bạn bằng mọi cách dù tôi liên tục được méc: “Bạn Hoàng Yến nói gì con không hiểu?”. Sự tiến bộ trong tương tác với bạn đầu tiên tôi nhận thấy ở Hoàng Yến là khi giật đồ chơi của bạn, bạn khóc toáng lên rồi giật lại. Hoàng Yến càng giật mạnh khiến bạn không giữ được nên bạn giận dỗi bỏ về. Con bé cầm món đồ chơi trong ba giây rồi gọi với:
- Bạn ơi, trả đồ chơi.
Tôi đứng khoanh tay mỉm cười. Hoàng Yến đã bước đầu biết kiềm chế, hiểu rằng thái độ của mình không đúng đồng thời biết cách giữ bạn bằng cách trả đồ chơi lại.
Tôi để mình trong trạng thái “bỏ lửng” trước các câu hỏi của con, chẳng hạn như khi con hỏi những vật mình biết: “Cái gì đây cha?”, thì tôi chỉ điềm nhiên đáp: “Con cố nhớ lại đi, con biết mà”. Hoặc con cố tình hỏi đi hỏi lại một sự việc mới mẻ nào đó nhưng tôi đã trả lời vài lần rồi, thì tôi sẽ nói: “Cha đã trả lời, con không nên hỏi nữa, nếu quên hãy tự nhớ lại”. Tôi cũng lạnh lùng từ chối giúp đỡ con trong một vài trường hợp. Ví dụ, khi con vứt dép lung tung và không thể tìm thấy, con sẽ phải tự tìm mới được đi chơi cùng cha. Con chạy vấp té, nếu không quá nguy hiểm và trầy xước nhiều, con sẽ phải tự đứng dậy. Con ăn quá chậm, trong ba mươi phút chưa xong, chén cơm ấy sẽ không được ăn nữa. Nếu đói, con sẽ phải tự chịu.
Má tôi suốt ngày rầy rà:
- Con coi lại, con mới là đứa có vấn đề. Con bé đẹp đẽ thông minh như vậy mà suốt ngày ăn hiếp nó.
Những chuyện tôi “ăn hiếp” theo cái nhìn của má thì vô vàn: “Bắt con nhỏ đi bộ hàng cây số từ lúc sáng sớm là sao? Sương sớm làm nó cảm thì làm sao hả?”; “Bây lớn mà bắt nó làm đủ thứ chuyện, con nít thành phố mà để nó lấm lem hơn con nít dưới quê”; “Học cái gì mà ngộ, bày đủ thứ trò ngộ, hái rau, lặt rau thì cũng được đi, bắt lội bờ ruộng té lên té xuống mà không đỡ nó, cha mà ác chi là ác”; “Bây để nó tự do cái coi, thứ gì cũng tham gia là sao? Con nít mà bắt nó y như người lớn”;… Trăm thứ khiến má phải rầy la, thậm chí có lần má còn quyết tâm “giải cứu” Hoàng Yến ra khỏi “người cha độc ác” là tôi.
Nhưng má không hoàn toàn vô lý. Bản thân tôi, vì áp lực và thói quen “can thiệp” con mà đôi khi, có những sự việc rất bình thường ở độ tuổi của con thì tôi lại bắt con phải chuẩn mực và chính xác như một bài tập cố hữu phải hoàn thành. Tôi quên mất rằng niềm vui tôi tạo ra có hồn nhiên bao nhiêu, có phù hợp với con bao nhiêu thì đó cũng là những kỹ năng cô độc và được sắp xếp có chủ đích. Con biết tìm niềm vui trong độ tuổi của mình, đó mới là niềm vui đích thực. Nó hoàn toàn thơ ngây và không có dấu hiệu của sự sắp đặt, nó thuận theo tự nhiên mà vào độ tuổi của Hoàng Yến, tôi cũng từng như thế.
Điều tôi “ngộ” ra có liên quan đến một câu chuyện. Một ngày, Hoàng Yến chống đối kịch liệt các bài học mà mới hôm qua hôm kia, con còn thực hiện rất trôi chảy, nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ đó là hành vi nhiễu loạn và cố gắng tìm cách để “cắt cơn” của con. Nhưng tôi hoàn toàn yếu thế, chỉ còn cách bối rối xoa dịu con. Một lát sau, Chi, cô bé năm tuổi, chạy sang chơi. Chi ngồi vào bàn học giống Hoàng Yến, con bé liền quay sang mỉm cười. Cơn vật vã từ lúc nãy bỗng dưng tan biến, tiết học trở nên trôi chảy hơn bao giờ hết, con cực kỳ hứng thú và còn chỉ bài cho bạn. Thậm chí con còn nhường học cụ cho bạn. Đến giờ giải lao, Hoàng Yến xin tôi lấy bộ đồ chơi xuống, nhưng đúng lúc đó thì mẹ Chi gọi và Chi phải đứng dậy đi về. Hoàng Yến chạy theo nói:
- Bạn ơi bạn ở lại chơi đi.
- Tui phải về nha bạn. - Chi trả lời.
Con chạy đến ôm hộp đồ chơi, nói:
- Chơi cúp bế rất vui mà.
- Nhưng mẹ tui gọi, tui phải về nha bạn.
Không giữ được bạn, Hoàng Yến đứng ở cửa nhìn, rồi khi bóng bạn khuất, con gục mặt xuống khóc:
- Con muốn chơi với bạn, con muốn học bài với bạn.
Thím Út đứng gần đó thấy thế bèn nói:
- Ngày mai anh Tư để em dẫn Hoàng Yến vô lớp học nghen. Em hiểu cháu được chút chút.
“Sóc Trăng… ngày… tháng… năm…
Có những điều đơn giản mà cha mãi không hiểu được cho đến khi con dẫn cha đến những chân lý tuyệt vời.
Giá trị của niềm vui xuất phát từ đâu? Khi cha còn nhỏ, cha chỉ thích trò chơi của mình trọn vẹn mà không bị người lớn cản trở, dù đó là chơi bắn bi hay đánh trận giả. Nếu bị gọi về, cuộc chơi còn dở dang, cả ngày cha sẽ nhớ đến trò chơi đó và mải mê hình dung về nửa cuối của trò chơi. Cho dù đến ngày hôm sau, trò chơi ấy được tiếp diễn và không bị người lớn phá đám thì cuộc chơi dở dang hôm qua vẫn khiến cha tiếc nuối.
Cha không có nhiều mơ ước vào cái tuổi lên năm, lên sáu ấy. Ước mơ lớn lên khi cha lớn lên. Con người không ai có thể ép giấc mơ của tuổi năm, sáu giống như giấc mơ của tuổi lên mười, mười lăm được và cũng không ai có thể lên kế hoạch cho những giấc mơ. Giấc mơ hoàn toàn tự do khi đến với chúng ta.
Con nhắc cha nhớ về thời thơ bé. Tim cha quặn đi khi ánh mắt con hẫng hụt khi bạn Chi đi về và con thốt lên: ‘Con muốn chơi với bạn’. Cha ngay lập tức nhận ra mình đã ‘nhốt’ con quá lâu trong những cái ngưỡng mà cha đã đặt ra. Niềm vui càng nhẹ nhàng, càng giản đơn bao nhiêu càng sưởi ấm tâm hồn bấy nhiêu. Niềm vui chỉ trọn vẹn chỉ khi nó được sinh ra tự lòng mình… Cha không thể tạo ra niềm vui cho con bằng sự điều khiển của tư duy mình được. Cha quên mất con đã có thể tự chủ tâm hồn mình dù còn ngây thơ và non nớt hơn tuổi của con hiện tại.
Khi con tìm bạn, khi Chi xuất hiện, hai thái độ đối lập trước và sau của con khiến cha nhận ra sự chán nản và thắc mắc của con: ‘Tại sao con lại chỉ học có một mình?’, ‘Học như thế để làm gì?’. Con không có bạn để đối chiếu và so sánh lực học. Con cũng không có động cơ phải phấn đấu và những gì con học không khiến con vui hơn.
Cha đã quá lo lắng. Cha sợ con chưa đủ ‘chín’ để có thể đến trường, nghĩa là con chưa sẵn sàng hòa nhập. Cha quên mất một điều là bạn sẽ dạy con tốt hơn cả cha thông qua cách giao tiếp tuổi thơ.
Cha đã từng quan sát cách những đứa trẻ chơi với nhau. Như một quy luật, những đứa trẻ cùng tuổi tự tìm đến với nhau, tự ‘quy hoạch’ các trò chơi hợp tuổi, giúp đỡ nhau, mâu thuẫn với nhau rồi lại làm lành,… Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa và góp phần giúp chúng trưởng thành.
Có lẽ đến giờ phút này, dù là đơn giản, nhưng bên trong con đã hình thành sức mạnh của tư duy, sự nhận biết thế giới xung quanh, “từ trường” của bạn bè đã kéo con về nơi con mong muốn: được giống như các bạn.
Ngày mai, chúng ta cũng đến trường, Hoàng Yến nhỉ? Đến lúc rồi… Sẽ bắt đầu từ lớp học be bé của thím con - nơi an toàn nhất, rồi chúng ta sẽ tiến dần về nơi rộng lớn hơn…”
Ngày đầu Hoàng Yến đến trường, nói chính xác hơn là ngày đầu con đến lớp để tìm bạn như mong muốn của con. Đó là một trường mẫu giáo nhỏ của xã, ít lớp và ít học sinh. Tôi đến đó, nói với cô hiệu trưởng rằng tôi muốn tặng nhà trường một xà đu tổng hợp và sẽ tự lắp nó. Cô hiệu trưởng vô cùng vui vẻ và đón nhận con rất nhiệt tình. Việc tặng và tự lắp đặt một chiếc xà đu với rất nhiều chi tiết là cách để tôi có thể quan sát con trong suốt một tuần đầu tiên.
Dĩ nhiên, con không dễ dàng thích ứng ngay với môi trường tập thể. Con rất thích bạn nhưng biểu hiện quá nhiệt tình và khó kiềm chế cơn phấn kích của con đã khiến nhiều bạn sợ hãi. Nhưng thật may, thím Út của Hoàng Yến đã rất khéo léo can thiệp và hướng dẫn giáo viên cùng dạy can thiệp dù rằng chính bản thân họ cũng không hề hay biết mình đang điều chỉnh hành vi giúp con. Hoàng Yến ổn dần, rồi hết khóc và trở nên dạn dĩ, chủ động hơn. Sau một vài ngày, con dũng cảm tự giải quyết các rắc rối của mình tương tự như các bài tập giả định mà tôi đã chơi cùng con khi ở nhà. Nhưng cũng có lúc con không thể kiềm chế được, đã nổi loạn khiến bạn bè không cho con chơi cùng nữa. Những lúc ấy tôi thật sự rất xót xa. Nhưng trẻ con quên mau, ngay khi con lấy lại bình tĩnh, và thím Út của con, bằng bản năng người mẹ và kinh nghiệm của một cô giáo mầm non, đã dàn xếp ổn thỏa và tạo môi trường rất tốt cho con. Thím Út xây dựng một vành đai yêu thương từ các bạn cùng lớp để giúp đỡ con những lúc con gặp khó khăn.
Tháng đầu tiên, con bị lây bệnh nên gầy đi thấy rõ. Khi uống thuốc, con hay có những cơn nói nhảm và nỗi khó chịu từ các ngày trăng tròn vẫn làm khổ con. Những lúc như thế, tôi ôm con vào lòng, lắc lư cho con dễ chịu, và chỉ muốn truyền tất cả nguồn sức mạnh cho con để con sớm hòa nhập.
Thông tin Hoàng Yến tự kỷ vẫn được giấu tuyệt đối. Con bé được đối xử hoàn toàn bình đẳng như những đứa trẻ khác dưới sự hỗ trợ âm thầm của thím Út. Con học ở trường một buổi, một buổi còn lại, tôi tiếp tục hỗ trợ cho con các kỹ năng cần thiết.
Chín tháng trôi qua, kết thúc lớp mẫu giáo lớn, con tiến bộ vượt bậc dù vẫn có những lúc trồi sụt. Sự phát triển về tư duy, kỹ năng, thói quen, giao tiếp của con vượt quá mong đợi của tôi. Đã đến lúc trường mẫu giáo của thím Út không còn phù hợp với Hoàng Yến nữa. Tôi báo với Mai rằng cha con tôi chuẩn bị về lại thành phố. Mai mừng rỡ đến độ bật khóc trong điện thoại.
2. Tự kỷ - lạc quan nhưng không thể chối bỏ, phủ nhận nó
Hoàng Yến đã khá bình thường và gần như không ai nhận ra con là một đứa bé tự kỷ, kể cả cô giáo của con và hàng xóm của chúng tôi. Nhưng như thế không có nghĩa là con đã sẵn sàng hòa nhập.
Đó là một buổi chiều đáng nhớ khi tôi để Hoàng Yến sang nhà Chi chơi một mình. Tôi tin con bé có thể làm được bởi đây cũng không phải lần đầu con tự đi. Tôi dặn con rất kỹ, rằng con phải ở đó chơi đợi cha đến đón về, và con gần như hiểu được mọi lời tôi dặn. Nhà Chi cũng chỉ cách nhà ba má tôi một mảnh vườn khoảng năm mươi mét. Sau đó, tôi lui cui với mấy gốc mai trong vườn cho ba má.
Khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, tôi sang nhà Chi gọi Hoàng Yến về thì không thấy con đâu cả. Một cơn đau nhói giật từ tim xối vào tận óc rồi lan ra từng tế bào trong cơ thể. Tôi cố trấn tĩnh hỏi ba má Chi và Chi rằng Hoàng Yến có đến đây chơi không, đến bao lâu và rời đi lúc nào. Ba má Chi nói có thấy Hoàng Yến đến chơi với Chi trong nhà, nghĩ hai đứa có thể chơi với nhau nên họ cũng không để ý nữa.
- Yến đến chơi với con. Chúng con chơi rất vui và không hề đánh nhau. Sau đó bạn ấy nói cái gì đó con không hiểu, rồi bạn ấy đi từ nãy.
- Con có biết bạn ấy đi hướng nào không? - Tôi gặng hỏi.
- Bạn ấy đi qua cái cổng rồi đi hướng này này…
Chi chạy ra cổng, chỉ về phía con đường bên tay trái. Đó không phải là con đường về nhà tôi.
Trong cơn chấn động mạnh, tôi hối hả nhờ ba má Chi và hàng xóm đi tìm giùm. Hai mươi phút sau, vẫn không thấy con đâu dù mọi người đã tìm mọi con đường bên cạnh. Xung quanh nhiều ao hồ và cả một con kênh dài uốn lượn quanh xóm.
- Nhiều đứa trẻ đã chết đuối dưới kênh kia. - Ba của Chi bất giác nói. Nghe đến đây, má tôi khóc to, tiếng khóc làm lồng ngực tôi như muốn vỡ ra.
- Không thể nào không tìm được!
Tôi nói như hét rồi cắm cổ chạy theo trực giác.
Nhìn thấy một đám đông xúm lại và có tiếng kêu la, tôi lao vào như tên bắn. Đứa bé nằm trên bờ là Hoàng Yến. Tôi hét lên:
- Xê ra. Đây là con tôi!
Tôi hốt hoảng ôm chầm lấy con. Hoàng Yến tím tái, mạch không có và gần như đã ngừng thở. Tôi cố gắng sơ cứu cho con rồi vội vàng ôm con lên trạm y tế xã gần đó. Hoàng Yến mềm oặt trong tay tôi, kỳ lạ tôi không còn tuyệt vọng và sợ hãi như lúc đi tìm con, một sức mạnh từ nội lực phủ ấm những cơn run rẩy đã xuất hiện trước đó của tôi, một niềm tin mãnh liệt rằng con gái tôi sẽ không sao cả. Tôi chạy như bay, đường trước mắt thẳng tắp như không hề có chướng ngại vật gì cả, con trên tay tôi nhẹ bỗng và đôi chân tôi như chưa bao giờ nhanh hơn thế... Và Hoàng Yến đã sống.
Khi tim con đập trở lại, khi cơ thể có những phản ứng đầu tiên, tôi gục xuống khóc nức nở, chẳng còn nghĩ gì đến thể diện. Má tôi lúc đó mới vỗ nhè nhẹ vai tôi an ủi, còn ba đứng đó lặng lẽ nhìn thôi mà cũng rớt nước mắt theo. Nhưng khi Hoàng Yến cất tiếng gọi yếu ớt “Cha ơi” thì tôi như bừng tỉnh. Tôi quỳ xuống dưới chân giường nắm lấy đôi tay bé bỏng của con:
- Cha đây…
Hoàng Yến hé mắt nhìn, không nói gì thêm, bàn tay con vẫn lạnh lẽo và nó dần ấm lên trong tay tôi. Con yên tâm thiêm thiếp ngủ.
Chúng tôi đã rất cố gắng nhưng có lẽ Hoàng Yến vẫn chưa thể hòa nhập hoàn toàn. Tôi chưa thể để con tự thực hiện các hoạt động một mình được.
Thế là tôi quyết định ở lại Sóc Trăng thêm một thời gian nữa.
3. Thêm ba tháng nữa
Sau sự cố đuối nước, tôi và Hoàng Yến lao vào một cuộc huấn luyện khắc nghiệt. Sau một tháng thì con biết bơi và bơi rất giỏi. Tháng tiếp theo, con định hướng tốt và không còn đi lạc trong một đoạn đường rất dài. Tháng thứ ba, chúng tôi hoàn tất việc con có thể tự phục vụ bản thân từ việc vệ sinh, ăn uống, nhờ trợ giúp nếu gặp khó khăn và chủ động thực hiện các hoạt động trong kế hoạch.
Tôi đã từng sợ hãi việc “đánh cắp tuổi thơ” con bằng những chiến lược can thiệp dài hạn và nghiêm khắc nhưng sự cố “đuối nước” khiến tôi nhận ra một điều rằng, sự khổ luyện chỉ là hình thức bên ngoài, cái chính là chúng tôi đang xây dựng nền tảng nội lực bên trong cho con. Tôi không đào tạo con trở thành siêu nhân, mà chỉ đang làm công việc tưởng chừng không thể là san lấp để mọi thứ bất bình thường trở nên bình thường nhất có thể. Đó là một cuộc đấu tranh với số phận và chúng tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải chiến thắng.
Trong cái rủi có cái may. Sự cố đuối nước của Hoàng Yến khiến ba má tôi hiểu rằng Hoàng Yến thật sự khó khăn trong một số vấn đề. Cả nhà bắt đầu vào cuộc, từ ba má, chú thím Út cho đến những đứa cháu của tôi. Chúng tôi thực hiện rất nhiều các bài học giả định khác nhau và Hoàng Yến rút kinh nghiệm rất nhanh.
Ba tôi lặng lẽ làm cho Hoàng Yến những món đồ chơi dân gian mà trước kia ông vẫn thường làm cho anh chị em tôi: con thỏ đánh trống, con khỉ làm xiếc, chú ngựa gỗ bập bênh,… Má tôi dẫn Hoàng Yến ra vườn xem con giun đào đất, con cào cào nhảy trên nhánh lá, một cái mầm cây nảy trên thân khô và vun đất vào các gốc cây cho cây tốt tươi.
Không ai nói sẽ dạy gì cho Hoàng Yến, mà tự mỗi người có cách bồi đắp riêng cho con. Ba má tôi không còn cằn nhằn khi thấy tôi khó khăn với con nữa. Như một gốc cây gầy guộc được chăm bẵm cẩn thận, Hoàng Yến tiến bộ từng ngày…
4. Để trở thành một bà mẹ vĩ đại
Chúng tôi về thành phố sau thời gian huấn luyện các kỹ năng sinh hoạt lẫn sinh tồn cơ bản cho Hoàng Yến. Hai cha con tôi gầy guộc hẳn đi. Mai đã tìm được một ngôi trường tiểu học cho Hoàng Yến và sắp xếp sao đó mà cô giáo sẽ dạy cho Hoàng Yến sắp tới thân thiết tựa như người trong gia đình với chúng tôi.
Lúc đó, Hoàng Yến đã bảy tuổi và khi vào lớp Một, con lớn hơn những đứa trẻ bình thường một tuổi. Vì chúng tôi quyết định giấu thông tin con tự kỷ nên những người hàng xóm khi gặp lại Hoàng Yến đều rất ngỡ ngàng. Họ nghĩ rằng vợ chồng tôi đã “chữa bệnh” cho con khỏi hẳn.
Được mẹ chăm sóc tốt, Hoàng Yến lên cân trở lại. Con có thể ăn bất cứ thứ gì. Một bữa con có thể ăn hai chén cơm cùng nhiều thức ăn khác và uống một ly nước hoa quả ép. Sức ăn ấy còn hơn cả tôi và quả thật rất đáng khâm phục.
Con lại sức nhanh chóng, chỉ có tôi là… khó nuôi và vẫn gầy. Nhưng tinh thần của tôi đã trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc rằng khi tôi nghỉ làm thì gánh nặng kinh tế sẽ đặt hết lên vai Mai? Với đồng lương giáo viên của Mai mà lại ở thành phố, chúng tôi sẽ sinh sống thế nào? Nhưng mọi chuyện không đến mức khó khăn như vậy. Như đã nói, tôi đầu quân cho một công ty và làm theo dự án, công việc chủ yếu làm trên máy tính. Khi con dần ổn định, tôi bắt đầu làm việc trở lại và chủ yếu làm vào ban đêm.
Ba má ở quê có chia cho tôi mấy công ruộng, tôi để lại cho người anh trai và dùng số tiền ấy cộng thêm số tiền tôi đã tích lũy để đầu tư vào một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện. Tôi vừa làm quản lý vừa phụ trách thêm phần dịch thuật và đồ họa. Tất cả các nguồn thu kể từ khi bỏ việc cũng chỉ bằng một nửa so với khi tôi còn đi làm nên mọi tiêu dùng cũng bị cắt giảm đi đáng kể. Thực ra, chúng tôi đều hiểu mình đang làm vì điều gì nên cuộc sống dù có eo hẹp hơn trước cũng không thành vấn đề. Sự tiến bộ rõ rệt của Hoàng Yến là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì trong khó khăn, những ý tưởng tuyệt vời bắt đầu nảy sinh. Chúng tôi trồng rau sạch trên tường nhà bằng những phế liệu tận dụng. Một khoảnh đất bằng viên gạch cũng có thể trồng được dây bầu, dây mướp sai quả. Vừa có rau sạch mà ngôi nhà chúng tôi vừa trở nên xanh mát.
Làm học cụ cho Hoàng Yến giúp chúng tôi có thêm nguồn thu nhập mới bằng cách bán nó cho trẻ độ tuổi mẫu giáo và những bé đặc biệt. Nguồn thu này không nhiều lắm nhưng nó khiến chúng tôi cảm thấy rất hứng khởi, cộng hưởng thêm nguồn sức mạnh khi nhìn thấy bộ học cụ của mình được sử dụng với nhiều cách thức rất sáng tạo khắp nơi.
Trở lại câu chuyện đi học của Hoàng Yến. Con được học ở trường tiểu học cũng gần trường vợ tôi dạy. Cô Nhung (giáo viên của Hoàng Yến) hoàn toàn không biết con là một đứa trẻ tự kỷ mà chỉ biết Yến từng bị một căn bệnh gì đó rất nặng và phải điều trị cả năm nên con đi học trễ hơn các bạn.
Phụ nữ thật thông minh. Lúc này tôi mới biết Mai đã làm như cách thím Út đã làm cho Hoàng Yến khi con bé học mẫu giáo ở Sóc Trăng. Cô ấy xây dựng một vành đai yêu thương xung quanh con và kết thân với tất cả những gì có liên quan đến con, đồng thời hướng các cô can thiệp con trong khi chính các cô không biết được điều đó.
Cô Nhung yêu Hoàng Yến đến mức tôi không thể hiểu nổi, yêu một cách tự nhiên và sâu sắc. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết được rằng suốt cả năm trời, Mai đã kể mọi điều về Hoàng Yến cho cô Nhung nghe (ngoại trừ việc con tự kỷ), gieo vào lòng cô một tình cảm đặc biệt dành cho Hoàng Yến.
Mai đã âm thầm làm tất cả, thậm chí còn được bầu làm Hội trưởng Hội phụ huynh của trường để được tham gia vào các hoạt động phong trào trong nhà trường. Cô ấy xây dựng được cả một câu lạc bộ giúp đỡ trẻ đặc biệt trong trường mà con tôi lại trở thành một trong những trẻ… giúp đỡ các bạn “đặc biệt” ấy. Nhưng kỳ thực, đó lại là một chương trình hỗ trợ kỹ năng qua lại giữa các trẻ tiểu học, giúp hoàn thiện kỹ năng sống, rèn luyện sự vượt khó và hình thành tư duy độc lập cho trẻ. Nó tốt với tất cả những trẻ được hướng đến chương trình này và nhà trường xem đó là chương trình ngoại khóa tích cực, giúp gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường.
Tôi kinh ngạc trước khả năng ấy của Mai và không biết cô ấy đã bắt đầu những dự định của mình từ đâu cũng như chuẩn bị từ lúc nào để mọi thứ vừa khớp đến như vậy.
Tôi thán phục, mà không, tôi ngưỡng mộ cô ấy.
Vậy là cô ấy chính thức truất quyền can thiệp con 100% của tôi, tận lực “đuổi” tôi về với công việc.
“Sài Gòn, ngày… tháng… năm…
Tự nhiên cha thấy chơi vơi và hơi ghen tỵ với mẹ con khi cả ngày con chỉ ở bên mẹ mà không cần đến cha nữa. Con đã ở bên cha, như hơi thở trong ngực cha, để một ngày thiếu vắng con, cha cảm thấy tẻ nhạt vô cùng.
Mà… nên nói thế nào nhỉ? Cha nói như thế nghe có vẻ bé mọn trước mẹ con quá. Cha đã mong chờ cái ngày này biết chừng nào. Con có thể đến trường, con chủ động trong tất cả các hoạt động của mình. Gần ba năm, đến hôm nay khi nhìn lại, cha vẫn không nguôi xúc động vì không thể tưởng tượng được con có thể có ngày hôm nay. Chỉ là cha con mình đã không rời nhau trong suốt gần ba năm ấy, nên cha có chút chông chênh.
Mẹ con, người phụ nữ nghị lực, dịu dàng và tinh tế nhất mà cha được gặp. Mẹ đã âm thầm chuẩn bị mọi thứ cho ngày con có thể nhận biết cả thế giới và nhẹ nhàng chuyển gánh lo toan từ vai cha sang vai mẹ. Nhẹ đến mức cha không nhận ra.
Khi đọc dự án của mẹ dành cho con và những người bạn như con, cha không ngừng xúc động khi mà mọi suy nghĩ của cha đều đã hiển hiện ra bằng chữ. Cha như bắt gặp một tri kỷ có cùng chí hướng, có cùng giấc mơ và biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Mai này con lớn, khi đọc những dòng nhật ký này, cha tin con sẽ cảm nhận được một điều vô cùng ý nghĩa, vô cùng đặc biệt… Con là người học trò đầu tiên thụ hưởng chương trình giáo dục sáng tạo này của mẹ! Cha chợt muốn ôm cả hai mẹ con con rồi xoay tròn trong một vũ điệu hân hoan bởi ý nghĩ con không chỉ có một cuộc đời bình thường như cha mẹ mong ước mà con còn lớn lên xinh đẹp, thông minh và giàu lòng nhân ái.
Cha đã nghĩ cha sinh con bằng trái tim của mình. Cha nghĩ lòng mình là biển rộng bình yên để cánh buồm con vươn khơi. Nhưng… vũ trụ mới là mẹ con, và mẹ sinh con ra bằng sinh mệnh của mẹ. Điều đó cao cả hơn tất cả ngôn từ mà cha có thể mô tả được” .
***
- Em đã “lấn lướt” anh từ lúc nào? - Tôi nheo mắt hỏi vợ.
- Em mà dám lấn lướt anh ư? - Vợ tôi phì cười.
- Lúc thím Út tỏ ra hiểu biết về tự kỷ khi sắp xếp cô giáo và các bạn nhỏ hỗ trợ con mình là anh đã nghi nghi rồi. Nhưng thím ấy kín đáo và khéo léo quá, nên anh không thể nhận ra.
- Không được bên anh và con là nỗi khổ tâm rất lớn của em. Nhưng em không thể tham dự thô bạo vào việc anh đang làm cho con được. Anh luôn chín chắn và đúng đắn hơn em. Em nói chuyện với thím Út hàng ngày và nhờ cô ấy làm những việc như anh đã biết. Ngày nào em cũng dặn thím Út phải để mắt và hướng dẫn con chơi với các bạn, động viên các bạn khác chơi cùng con, sửa từng lời nói, thói quen chưa phù hợp để con nhận thức và phát triển như một đứa trẻ bình thường. Giai đoạn này theo em rất quan trọng vì nó sẽ quyết định việc con có thể đi học lớp Một được không. Nếu không đi học được lớp Một thì có nghĩa là mọi khả năng để trở thành một đứa trẻ bình thường của con sẽ chấm dứt. Mỗi tối, em đều trao đổi với cô ấy xem ngày hôm ấy Hoàng Yến ra sao và cần điều chỉnh những gì. Em cũng dặn cô ấy hãy giấu kín điều đó vì nếu anh biết, anh sẽ nghĩ em thiếu tôn trọng anh mà không hiểu rằng em đang chia sẻ lo toan cho anh. Em chỉ thật sự mất bình tĩnh khi con đuối nước. Khi nhìn thấy anh ngủ quên bên giường con còn con nằm như lịm đi, em buộc mình phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Em tìm trường cho con, em làm đủ mọi thứ từ chuyện làm quen, kết thân đến giúp đỡ cô giáo mà Hoàng Yến sẽ theo học. Rồi thông qua mối quan hệ của một người bạn thân, em quen được cô hiệu trưởng và được cô tin yêu…
Mai dựa đầu vào vai tôi một lát rồi nói tiếp:
- Anh từng nói với em rằng đàn ông không có sự nghiệp đồng nghĩa với cái chết. Sau này, anh nói rằng sự nghiệp của anh là Hoàng Yến. Nhưng… những đêm nhìn thấy anh vùi mình trên máy tính làm việc, em nhận ra sự say mê thật sự của anh trên những bản thiết kế, thấy sự hứng khởi của anh trong các cuộc trao đổi qua điện thoại với đồng nghiệp,… Anh đã hy sinh tất cả vì em và con nhưng bên trong anh, ngọn lửa đam mê dành cho công việc vẫn âm thầm cháy. Gần bốn năm, thế đã đủ rồi. Anh hãy nhường phần công việc nhẹ nhàng còn lại với Hoàng Yến cho em.
Tôi ôm vai vợ, ngước nhìn lên trời cao thăm thẳm, những ánh sao xa hắt xuống…
Suy cho cùng, khi tự kỷ đến với Hoàng Yến, đó chẳng phải là điều gì bất hạnh ghê gớm. Bởi từ biến cố chẳng ai mong muốn ấy, vợ chồng tôi đã sống “người” hơn bao giờ hết.
***
Mai quyết định nghỉ việc và mở một shop online bán mỹ phẩm và nước hoa. Tôi thắc mắc vì sao không mở thêm một shop về học cụ cho trẻ đặc biệt thì cô ấy nói cần giấu kín mọi dấu vết “tự kỷ” cho Hoàng Yến cho đến khi con hòa nhập hoàn toàn.
Điều thú vị là Mai đã trở nên thân thiết với hầu hết phụ huynh trong lớp của con. Cô ấy trở thành chị “Thanh Tâm” của mọi người, còn Hoàng Yến trở thành “ngôi sao sáng” bởi sự ngoan ngoan, lễ phép và học giỏi. Dù kiến thức của con vượt trội so với các bạn nhưng giao tiếp thì vẫn rất hạn chế. Bù lại, sự đáng yêu của con trở thành lực hút khiến các bạn muốn cùng chơi với con. Lên lớp Hai, con hòa nhập tốt hơn. Dù luôn nằm trong nhóm học sinh khá nhất lớp nhưng con vẫn còn khá chậm trong việc hiểu hết ý mọi người và khó khăn trong môn Văn.
Còn lúc này, khi lên chín tuổi, con có còn “dấu vết tự kỷ” không? Dĩ nhiên là con vẫn còn những hoạt động mang tính chất rập khuôn nhưng không quá kỳ lạ để khiến những người xung quanh khó chịu hay chú ý. Khi căng thẳng, con hay chơi với những ngón tay và đôi lúc, trong những cuộc nói chuyện, con sa những chủ đề mình yêu thích đến vài chục phút mà không cần chú ý người bên cạnh đang cần trao đổi điều gì. Và trong con vẫn tồn tại những cơn sợ hãi vô cớ. Khi chưa thể làm chúng mất hoàn toàn, tôi dạy con thỏa hiệp và sống chung với chúng; dạy con cách dỗ dành và cách kiềm chế để vượt qua nó. Cuối cùng thì chúng cũng mờ nhạt dần khi con lớn lên. Nỗi lo sợ “dạy con chậm hơn con lớn” của những năm trước của chúng tôi đã không còn tồn tại. Và cơn khó chịu ngày trăng tròn của Hoàng Yến cũng đã biến mất.
Năm Hoàng Yến lên tám tuổi, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm con. Em trai chào đời đã đánh thức trong con rất nhiều thứ. Hoàng Yến hồi phục nhanh hơn và tự nhiên hơn, nhất là về mặt cảm xúc.
Chúng tôi rất hồi hộp và lo lắng cho Gia Bảo (em trai của Hoàng Yến, tôi lấy tên Gia Bảo như một cách mang ơn người đã khai sáng cho mình) nên quyết định áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con. Chúng tôi chỉ thật sự yên tâm khi Gia Bảo lên ba tuổi vẫn nhanh nhẹn, thông minh, khỏe mạnh.
Hoàng Yến bước sang tuổi lên mười. Công việc của tôi tốt đẹp, việc buôn bán của Mai cũng không còn “bán cho vui” nữa mà cô ấy đã mở thêm hai cửa hàng khá lớn chuyên về mỹ phẩm và nước hoa.
***
Khi con gái tôi lướt tay trên phím đàn piano để dạo nhạc bài Khát vọng mùa xuân của Mozart thì vợ tôi cất giọng hát hòa cùng điệu nhạc. Hà đang ngồi yên nghe tôi kể chuyện, bỗng đứng dậy đến gần cây đàn cùng hát với vợ tôi. Hoàng Yến ngước lên nhìn mẹ và cô rồi cũng cất giọng hòa theo. Giọng con thánh thót nổi bật lên trên hai giọng nữ trầm.
Tôi đứng đó, ngắm nhìn những hình ảnh rất đẹp đang hiện diện trước mắt mình.
Tôi sẽ kể gì về Hoàng Yến nữa khi con lên mười một tuổi? Đó là một cô gái tinh tế, nấu ăn ngon, chăm em tốt, biết chia sẻ với cha mẹ, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và học rất giỏi. Con thường không làm phiền ai mà tự giải quyết mọi thứ, kể cả lúc đau ốm, mệt mỏi hay gặp rắc rối. Con thích tâm sự với cha mẹ và hay trò chuyện dịu dàng với em trai. Thậm chí Gia Bảo thích chơi với con hơn cả với cha mẹ.
Và còn gì nữa nhỉ?
Tôi không biết phải kể gì thêm nữa bởi mọi thứ đã trở lại bình thường như vốn có. Nếu Hà không xuất hiện, tôi đã không có cơ hội để nhớ lại câu chuyện quá dài của mình trong tám năm qua. Tám năm, chúng tôi cùng con đi qua những trở ngại chồng chất và những cái ngưỡng tưởng như quá sức chịu đựng của con người nhưng cuối cùng, mọi thử thách đã ở lại sau lưng.
Cuối cùng tôi đã tìm được kho báu cho cả gia đình mình. Một kho báu vô giá mà không thể tìm được từ ngữ nào để đặt tên, chỉ biết rằng nó tựa như trái tim của cả gia đình chúng tôi, đánh thức mọi cảm xúc tươi đẹp trong cuộc sống, khiến cho mọi khó khăn chỉ là cái cớ để thử thách lòng can đảm và tăng thêm nghị lực cùng sự giàu có trong trải nghiệm cho chúng tôi.
Tôi không thích gọi hành trình của chúng tôi là cuộc chiến bởi cuộc chiến sẽ có kẻ thắng người thua, sẽ có hy sinh, mất mát. Còn tôi, tôi không xem những gì đã xảy ra cùng sự lựa chọn của mình là sự hy sinh, cũng không hề bị tước đoạt thứ gì để gọi là mất mát. Tôi biết ơn con vì hành trình cùng con thú vị như việc khám phá ra một vùng đất mới. Sự lựa chọn duy nhất ấy cuối cùng đã mang tôi đến với hạnh phúc.
Lựa chọn ấy không bao giờ là sự hy sinh nhưng cần có lòng can đảm.
Bạn đừng nghĩ gì nhiều khi đọc cuốn sách này. Cũng đừng cố tìm mọi cách để làm theo chúng tôi mà bạn cho rằng sẽ hiệu quả với con mình. Bởi điều đó chỉ làm mất thời gian của con và mất công sức của bạn mà thôi. Điều bạn có thể làm là trở thành người thầy suốt đời của con mình.
Gấp sách lại, bạn chỉ cần nhớ duy nhất điều này: Chúng tôi đã cùng Hoàng Yến hòa nhập với cuộc đời rộng lớn này, vậy thì lý do gì bạn không làm được? Chúng tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được.