T
ôi đã lạc trong khu rừng rậm tưởng tượng đầy hoang mang và sợ hãi kể từ khi biết tin con tự kỷ. Mà không, chính sự tự ti, ích kỷ và hợm hĩnh mà tôi tưởng đó là lòng kiêu hãnh đã khiến tôi lâm vào tình cảnh đó.
Bất kỳ người đàn ông nào cũng mơ mình là kẻ bách chiến bách thắng, đầy lòng tự tin và trận chiến nào cũng muốn lao vào. Khí phách khiến họ không bao giờ thừa nhận thất bại mà đứa con khiếm khuyết mang đến. Đôi khi, nó đồng nghĩa với nỗi sỉ nhục trong lòng họ.
Hà nói với tôi rằng, không phải người đàn ông nào cũng xem con cái là yếu tố tạo thành niềm vinh quang của mình, nhưng cho dù mối quan hệ giữa họ có xảy ra chuyện gì thì không ai có thể chia rẽ được. Bằng cách nào đó, họ luôn gắn kết với nhau.
- Nhưng nếu vinh quang chỉ dành riêng cho cha mẹ mà không có sự hiện hữu của chính đứa con của mình thì đó vẫn là một thứ vinh quang tồi tệ. - Tôi tiếp nối câu nói của Hà.
Hoàng Yến đã tặng cho tôi một thế giới rộng lớn khác hẳn thế giới mà tôi đã từng vẫy vùng ngoài kia. Thế giới mà mỗi thời khắc đi qua đều rung động yêu thương và dù có làm gì đi chăng nữa thì tôi cũng hướng về nó. Những ý nghĩ cao thượng được nảy sinh từng giờ để độ lượng với con, với bản thân mình và với tất cả.
Tôi trở lại Sài Gòn vào một ngày nắng rất đẹp. Tôi gọi điện cho Mai bảo rằng chuyến công tác rất thành công và nhờ cô ấy nấu những món ăn ngon để chúc mừng. Tôi mua vội ở sân bay một chiếc khăn cho Mai và một con búp bê cho Hoàng Yến.
Tôi sẽ không kể cho bạn nghe về những ngày tháng rối bời của mình nữa. Tôi sẽ cố gắng không quá lan man để Hà có thể ghi chép dễ dàng hơn. Bắt đầu từ tháng thứ tám và tám năm sau đó, cuộc thám hiểm khu rừng bí mật của cả ba chúng tôi đã thật sự bắt đầu.
***
Câu chuyện thứ nhất: Cơn say với thầy hiệu trưởng trường chuyên biệt
Tôi nghỉ việc được một thời gian thì bị Mai phát hiện. Dù tôi đã cố nói dối rằng công ty hỗ trợ bằng cách cho tôi làm việc ở nhà, và dù công việc của một kiến trúc sư cũng không quá mức gò bó thì Mai vẫn vịn vào tôi mà nói như mếu:
- Từ bỏ sự nghiệp đang đi lên để chọn con đường hy sinh mọi thứ cho em và con, anh không tiếc sao?
Mai ngồi xuống đối diện tôi, đôi mắt ngập nước nhìn chăm chú vào tôi, rồi cô ấy lắc đầu:
- Rồi sẽ có lúc anh không thể nào chịu nổi việc ở nhà dạy con. Nó sẽ làm anh phát điên lên. Không có công việc, anh sẽ chẳng có nơi nào để giải phóng cả năng lượng tích cực lẫn tiêu cực của mình. Không gian của cái nhà này không đủ để anh thoải mái, mà việc dạy dỗ Hoàng Yến thì gần như không thể nhìn thấy kết quả. Anh sẽ bế tắc… rất bế tắc…
Mai gục đầu xuống, đôi vai cô ấy trĩu nặng. Tôi bước đến, ôm lấy vai cô ấy an ủi:
- Em suy nghĩ nhiều quá rồi. Nếu không yêu em và con thì làm sao anh có thể yêu bản thân mình được nữa.
Mai ngẩng lên, đầu tựa vào cánh tay tôi.
- Một tuần anh đi Hà Nội, dù không biết anh đi vì việc gì nhưng em vẫn nghĩ anh đang làm điều gì đó cho con và em. Đã có lúc em chán chường vì nghĩ anh đã bỏ cuộc rồi và xấu hổ vì máu mủ của mình không tròn vẹn. Nhưng chính là em, mới là kẻ ích kỷ, không hiểu được anh…
Mai bắt đầu khóc, nước mắt ướt đầy cánh tay tôi. Tôi đứng im, nhắm nghiền mắt lại, cảm nhận niềm hạnh phúc đang lan ra khắp người bất kể những vết tích của đau khổ vẫn còn hằn lại rõ nét.
***
Một thời gian sau, tôi đầu quân cho một công ty tư nhân và nhận làm theo dự án. Công việc linh động không gò bó cho phép tôi sử dụng toàn phần quỹ thời gian của mình mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập. Mai trở lại trường dạy học. Ban đầu, cô ấy khá dằn vặt vì cảm thấy như mình đã tước hết cơ hội làm việc của tôi cũng như đẩy phần nặng nhọc trong việc dạy con cho tôi. Tôi phải mất vài ngày mới thuyết phục được cô ấy rằng tôi làm việc đó hoàn toàn tự nguyện. Nếu không làm tốt được việc này và Hoàng Yến không thể hòa nhập với cuộc sống thì tôi cũng chẳng còn tha thiết gì với công việc nữa. Lúc ấy, Mai mới thoải mái hơn.
Một tuần quý báu ở nhà bố mẹ Gia Bảo đã cho tôi cái nhìn lạc quan hơn và định hướng tốt hơn trong việc sẽ can thiệp cho Hoàng Yến. Tựa như vừa tìm thấy ánh sáng trong khu rừng tăm tối, tôi bắt đầu lần ra hướng đi cho mình.
Tôi chia căn buồng của hai vợ chồng làm đôi, dành một nửa làm phòng học cho Hoàng Yến. Chúng tôi vẫn gởi Hoàng Yến tại trung tâm và đăng ký những khóa học tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi tiếp đó là các khóa học về ABA, Floor Time,… Hai tháng tiếp theo, chúng tôi thảo luận nên phân chia những phần nào trong việc can thiệp con và luân phiên thực hành với nhau.
Nghe có vẻ kỳ quặc bởi có thể nhiều người sẽ thắc mắc rằng chúng tôi không thể đóng vai trẻ tự kỷ được nên việc thực hành như thế sẽ không chính xác. Hãy loại bỏ những nghi ngờ ấy đi, bởi khi một đứa trẻ được sinh ra, người đầu tiên hiểu nó chính là cha mẹ. Cho nên, mọi lý thuyết và phương pháp thực hành chỉ là tương đối. Nếu không biết cách chọn lọc và thấu hiểu con mình thì dù phương pháp ấy mang lại tác dụng đối với hàng triệu người cũng sẽ bất lực với con bạn.
Chúng tôi đã cố gắng hình dung mình sẽ như thế nào khi là một đứa trẻ. Khi sinh ra, Hoàng Yến trông ra sao? Con đã thoái lui và các rối loạn diễn biến thế nào? Sau mỗi thực hành, chúng tôi ghi chép lại đầy đủ. Chúng tôi viết giáo án riêng cho Hoàng Yến dựa trên tất cả hiểu biết mà mình có được thông qua việc học hỏi kinh nghiệm của bố mẹ Gia Bảo cũng như các phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ được phổ biến tại Việt Nam.
Chúng tôi bắt đầu can thiệp Hoàng Yến sau khi hình thành một cách cụ thể các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn vào các buổi tối cùng ngày Chủ nhật khi con không đến trường.
Sau một thời gian cho Hoàng Yến can thiệp tại trường, chúng tôi quyết định cho con nghỉ hẳn.
Buổi cuối cùng, tôi mời vị tiến sĩ - hiệu trường đi ăn tối. Không quá khách sáo, ông nhận lời. Khi kể với ông về chuyện gia đình và quyết định của bản thân, tôi nghĩ ông sẽ tự ái hoặc không hài lòng. Nhưng không, ông chỉ nhìn tôi, không mỉm cười cũng không khó chịu, chỉ chủ động chạm cốc và mời tôi uống cạn:
- Có những đứa trẻ đã bị bỏ quên tại trường tôi bảy năm. Anh có tin là tôi không hề vui vẻ mặc dù học phí cho những đứa trẻ bị nặng và lâu năm như vậy gần như gấp đôi các bé còn nhỏ. Chúng tôi xót xa bởi chúng tôi không thể giúp con tiến bộ nếu thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ. Chúng tôi cũng không thể từ chối bởi đa phần cha mẹ đều không thể để con ở nhà vì bất lực, vì “không ai trông nổi”. Nhưng chúng tôi đã thấy biết bao nhiêu đứa trẻ bị lãng quên ở chính ngôi trường của mình. Dù rất nỗ lực nhưng chúng tôi không thể hóa giải những rối loạn ngày một trầm trọng hơn của bọn trẻ…
- Tôi…
- Để tôi nói hết… - Ông hiệu trưởng ngắt lời. - Dĩ nhiên, chúng tôi cần doanh thu để duy trì ngôi trường. Nhưng đây không phải là một ngôi trường bình thường, những trẻ ở đây cũng không bình thường. Công việc chúng tôi đang làm đặc biệt đến mức hầu hết các giáo viên trung tâm đều bị ám ảnh. Họ khát khao được nhìn thấy sự tiến bộ của từng đứa trẻ mình đang can thiệp. Anh biết không, chứng kiến bọn trẻ cứ xa rời cuộc sống cộng đồng khiến họ cảm thấy như đó là tội lỗi của mình vậy. Những người như anh thật sự… rất hiếm và đây là lần đầu tiên xuất hiện ở trường chúng tôi. Điều này hoàn toàn khác với việc những đứa trẻ được cha mẹ mang từ trường này qua trung tâm khác, hoặc mang hẳn về nhà rồi tuyệt vọng khi không nhìn thấy con tiến bộ và cho rằng trình độ của các chuyên viên kém cỏi. Những cuộc rời đi như vậy mang đến kết quả gì? Đó là thời gian cứ trôi, còn đứa trẻ cứ lớn lên và cơ hội của nó càng ít đi. Những cuộc rời đi đó không mang ý nghĩ của sự khởi đầu mới. Nó chỉ làm đứa trẻ giậm chân tại chỗ, thậm chí có nhiều đứa bị tách khỏi quá trình can thiệp vì rất nhiều lý do. Có thể chúng sẽ tốt lên, nhưng sẽ không thể tốt với những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không đủ kiến thức và quyết tâm. Bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi một người cha như anh. Không, anh không cần phải nói gì cả. Chúng ta sẽ uống cạn chai rượu này cho niềm phấn kích của tôi.
Tôi nhìn ông, lạ lẫm và kính trọng. Ông không giống với những lời đồn thổi của những phụ huynh mà tôi từng gặp - rằng ông là người lạnh lùng và làm kinh doanh trên trẻ bị khiếm khuyết. Tôi mời ông uống cạn ly rượu kế tiếp như một cách tạ lỗi âm thầm. Ôi, nỗi bất hạnh của cuộc đời khiến tầm nhìn của ta hạn hẹp, khiến đầu óc ta đầy rẫy nghi ngờ rồi nhìn đâu cũng đầy cạm bẫy. Nó khiến ta đánh mất sự lạc quan còn tâm hồn thì không thể rộng mở để đón nhận sự tích cực từ người khác.
Đêm ấy tôi say. Lần đầu tiên trong đời, tôi phạm vào một nguyên tắc rất đáng xấu hổ của đàn ông là để vợ phải gọi taxi đưa về, còn xe máy thì phải gởi lại. Ông hiệu trưởng đáng kính của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trước khi lên xe, ông ấy còn vỗ vai tôi hỏi:
- Này, anh đặt con bé ở vị trí thứ mấy vậy?
- Bỏ qua giai đoạn trước kia, hiện giờ con gái đang ở vị trí cao nhất trong tôi.
- Được rồi, vậy là không phí hoài một cơn say của tôi.
Câu chuyện thứ hai: Đặt con ở vị trí cao nhất
“Đặt con ở vị trí cao nhất” nghe có vẻ… bất ổn bởi có thể nhiều người sẽ thắc mắc mà hỏi tôi rằng: “Cha mẹ ở vị trí nào?”, “Vợ ở vị trí thứ mấy?”, “Và hàng trăm thứ khác trong cuộc đời thì sao?”,… Tôi sẽ không có câu trả lời nào cho tất cả những câu hỏi này. Đơn giản, trong mỗi thời điểm, chúng ta phải chọn một vấn đề quan trọng nhất để giải quyết và đừng so sánh nó với bất kỳ điều gì cả. Mọi trật tự vẫn còn nguyên ở đó, vấn đề là hoàn cảnh thay đổi thì sự lựa chọn cũng thay đổi theo, vậy thôi.
Chăm sóc đứa con khuyết tật trọn đời một cách tự nguyện không than vãn? Thế còn cuộc đời sau đó của con khi mình chết đi thì sao? Nút thắt của vấn đề nằm ngay đây và nó sẽ giải nghĩa cho mọi tình yêu thương.
Người lớn đôi khi thật tệ, chỉ nghĩ được cái mà mình muốn nghĩ mà không quan tâm đến cảm giác bên trong trẻ. Chúng đang thực hiện những mong muốn của người lớn một cách mệt nhọc. Còn người lớn đã quên rồi tuổi thơ của mình xưa kia đã khao khát điều gì? Họ mải miết bằng cách này hay cách khác thúc ép đứa trẻ thực hiện chính cái điều mà xưa kia chính họ cũng không thực hiện được và cái quy chuẩn họ đưa ra cứ mặc nhiên là đúng rồi. Con của tôi là một đứa trẻ đặc biệt. Dù đặc biệt nhưng con vẫn là một con người cụ thể với sự phát triển (dẫu rối loạn) của nó. Như vậy, tôi có thể giúp con giải quyết được những rối loạn vốn dĩ tồn tại trong con không? Có cách nào để tôi “truyền” nội lực của mình cho con không? Cả hai cách ấy hẳn không thể rồi. Chính con sẽ là người tự xây dựng nên bản thân mình. Tôi sẽ làm điểm tựa, hoặc làm một cái mốc cố định, một sự định hướng, hỗ trợ nhất định để con phát triển được chính mình. Nghĩa là tôi có thể cùng con xây nền nhưng việc xây lên đó một tòa cao ốc hay túp lều nhỏ lại do con tự quyết định.
Tôi vẫn đang học cách khiêm nhường, kiên nhẫn và tôn trọng con, đặt con trên sự tự ái của mình. Từ bé, tôi muốn mình phải trở thành người thành công và giàu có. Cha tôi đã phấn đấu cả đời để thoát nghèo và suốt những năm tháng thơ ấu, tôi luôn bị khinh rẻ vì nghèo. Tôi đã từng giấu tình trạng của con vì sợ bị chê cười. Tôi không thể nghĩ đến việc một người đàn ông có thể từ bỏ thế giới bao la ngoài kia để ở nhà quanh quẩn với con. Vậy mà bây giờ, tôi lại chọn đi con đường “không tưởng” ấy.
Thời thơ ấu của con người được ví như sự thai nghén thứ hai và kéo dài lâu hơn thời kỳ thai nghén trong bụng mẹ. Con đang hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, nhưng một năm, hai năm hoặc mười năm sau, tôi buộc phải giúp con có được sự tự quyết. Tôi hiểu rằng việc hỗ trợ con diễn ra càng gián tiếp càng tốt. Điều quan trọng là tôi phải xây dựng sức mạnh bên trong cho con cũng như xây dựng được sự cân bằng trong cuộc sống của vợ chồng tôi với con.
Thế giới bên ngoài có quyền thiếu kiên nhẫn với con, kể cả giáo viên can thiệp, ông bà nội ngoại hay bà con thân thuộc. Ngay cả người giàu lòng yêu thương nhất, độ lượng nhất cũng có thể có lúc thiếu kiềm chế với con nếu con làm điều gì đó bất bình thường nhiều lần với họ. Không có một phạm vi nào an toàn nếu con không tự tạo nên điều đó cho mình.
Tôi đặt ra nguyên tắc cho mình rằng phải đặt con ở vị trí cao nhất! Tôi sẽ không phấn đấu để làm hài lòng bất kỳ ai ngoại trừ vì hạnh phúc của con mình. Chiếc huy chương xứng đáng mà tôi mong muốn chính là cuộc sống hòa nhập thật sự của Hoàng Yến.
Tôi hiểu, đặt con ở vị trí cao nhất không chỉ là sự lựa chọn mà đó còn là sự can đảm của chính mình.
Câu chuyện thứ ba: Ngón tay chỉ trăng
Những ngày đầu tiên sau khi cho Hoàng Yến nghỉ học, việc can thiệp cho con diễn ra thật khó khăn. Nhưng tôi đã chuyển sang một giai đoạn nhìn nhận sự khó khăn hoàn toàn khác trước. Vẫn là những rối loạn rất khủng khiếp của Hoàng Yến, nhưng tôi lại thấy nó thật ngộ nghĩnh. Tôi bắt đầu chơi những trò y hệt con, bắt chước những âm thanh vô nghĩa và thậm chí có lúc hú hét cùng con. Chúng tôi nằm lăn ra nền nhà và ngắm những chai lọ xếp thành hàng dài. Tôi phát hiện ra một điều, thực ra nhìn dãy chai từ điểm đầu đến điểm cuối cũng có cái thú vị. Một đường dài bị gấp khúc nhịp nhàng và gương mặt của chúng tôi nhìn qua cái chai ấy vừa méo mó vừa hài hước rất buồn cười. Hoàng Yến cười khanh khách, mắt con dừng lại ở gương mặt tôi ba giây và tiếng cười ấy rõ ràng là hướng đến tôi.
“Ngày… tháng… năm…
Lần đầu tiên con tương tác với cha bằng cảm xúc. Có lẽ cũng biết cha vui nên con đã nhìn cha hơi lâu. Bao lâu rồi hả con? Cha đã đợi ánh nhìn đó biết bao lâu rồi con biết không? Đôi mắt con thật đẹp. Cha không kiềm được niềm vui của mình nên đã gọi điện thoại cho mẹ con khi ấy vẫn đang ở trường để kể về tiếng cười của con. Mẹ con đã lặng đi mấy giây…
Nhưng cha lại giật mình. Đáng lẽ con đã nhìn cha sớm hơn và lâu hơn nếu cha không mất quá nhiều thời gian loay hoay để hiểu con.
Rồi chúng mình nằm yên trên nền nhà như thế con gái nhỉ? Chúng ta nhìn vào cánh quạt xoay tít. Những chuyển động đơn điệu đều đặn của cánh quạt thật ra không có gì hấp dẫn với cha cả, thậm chí nó làm cha chóng mặt nữa là khác. Nhưng vì sao con lại thích nhỉ? Có lẽ tại cha chưa hấp dẫn bằng những chuyển động của cánh quạt chăng? Cha sẽ nghĩ cách con gái của cha ạ! Thế nào rồi cha cũng nghĩ ra điều gì đó hấp dẫn hơn những vòng xoay của cánh quạt.
Ba ngày sau đó, Hoàng Yến cho tôi cõng con trên lưng chơi trò ‘Nhong nhong ngựa ông đã về’. Con có vẻ thích thú hơn khi tôi lắc lư và thỉnh thoảng chồm lên nhè nhẹ.
Một tuần sau đó, chúng tôi chơi được với nhau trò ‘ Kiến bò’, mắt con bắt đầu nhìn theo những ngón tay của tôi khi chúng chuyển động nhẹ nhàng trên cánh tay con. Thỉnh thoảng tôi cường điệu kêu lên ‘kiến cắn mũi này’, ‘kiến cắn má này’,… Dù chưa có cảm giác thích thú nhưng con cũng chịu ngồi yên lặng theo dõi.
Hai tuần kế tiếp, chúng tôi chơi với cát, với đất sét rồi chơi cả trò ‘Chi chi chành chành’.
Ba tuần sau đó, con đã ngồi ngoan phía trước cho tôi chở đi chơi mà không lao xuống nữa. Khi đi ngang quảng trường, con ngước lên nhìn những lá cờ bay phần phật, tôi bèn chỉ ngón tay lên nói: ‘Lá cờ’. Hoàng Yến cũng chỉ ngón tay nhỏ xinh của con lên. Tôi loạng choạng tay lái, mắt mờ đi như không tin vào điều mình vừa trông thấy.
Đêm ấy có trăng, tôi chỉ lên bầu trời, nói với Hoàng Yến: ‘Trăng kìa con’. Hoàng Yến tuy ngước lên nhưng những ngón tay của con vẫn đang mải miết chơi với nhau một cách kỳ quặc. Tôi chăm chú nhìn những ngón tay ấy, rồi chạm vào chúng, vuốt nhẹ theo rồi chỉ lên bầu trời lần nữa: ‘Trăng kìa con’. Hoàng Yến lặng yên một lát rồi bỗng đưa ngón tay lên chỉ trăng. Đêm hôm ấy với tôi, trăng chưa khi nào đẹp hơn thế.”
“Sài Gòn, ngày… tháng… năm…
Con biết chỉ tay. Cha gần như muốn dừng xe lại để khoe với bà bán bánh mì quen ở quảng trường điều đó. Nhưng cha đã kịp dừng lại, hít một hơi thở sâu. Dè dặt chỉ tay lên những ngọn cờ như đang reo vui trên cao, cha nói to hơn thường lệ: ‘Lá cờ kìa’. Cha nhìn theo ngón tay con từ từ đưa lên chỉ ngọn cờ. Như một thứ ánh sáng, con gái ạ, nó chói lòa trong mắt cha. Cha ngước lên, không chỉ thấy ngọn cờ mà còn thấy cả vầng dương của buổi ban chiều đang dịu lại.
Con biết chỉ tay rồi. Con đã biết từ từ đưa ngón trỏ lên…
Ban đầu, ngón tay con chưa thẳng, còn hơi cong cong rụt rè nhưng rõ ràng đã hướng lên rồi từ từ duỗi ra, vươn lên rồi chỉ thẳng. Nó hệt như một cái hạt được gieo giữa cơn hạn hán kéo dài, từ ngày này đến ngày khác cong mình đựng cái nắng nóng để bảo vệ cho hạt mầm đang ủ bên trong. Đến một ngày cơn mưa đến, dẫu chỉ mang lại chút hơi ẩm trên cát nhưng cũng đủ hạt mầm thức giấc, rồi những chiếc rễ non nớt cắm xuống và từ từ nẩy lá… Hình ảnh đó ngay lập tức ghi dấu vào cha y như lần đầu con mỉm cười lại với cha khi chúng ta nằm ngắm những chiếc chai xếp thẳng hàng.
Cha từng lo sợ rằng con chẳng thể tự làm bất kỳ điều gì, kể cả chỉ tay. Việc được con ngồi trên lưng, rồi con chủ động trèo lên bụng cha chơi trò bập bênh, thật là thương. Cha ốm nhom, chẳng có một chiếc bụng béo để con thoải mái nhún nhảy trên đó. Những lúc con khó ngủ, cha mẹ không dong con ngoài đường nữa mà cha massage nhè nhẹ lưng cho con… Ban đầu con cự tuyệt nhưng dần dần cũng nằm yên rồi sau đó ngủ ngoan.
Con đã biết chỉ tay. Con chỉ ngọn cờ. Con chỉ trăng.
Không chỉ đơn thuần là sự phát triển sinh học, nó còn là khởi đầu cho sự đương đầu và ứng xử trên mỗi bước đường đời sau này của con. Như một cái lật là khởi đầu cho sự chuyển động để làm chủ chính mình vậy.
Một cảm giác thật lạ lẫm. Khi Hoàng Yến ngủ, tôi mân mê ngón trỏ của con rồi cũng vùi mình vào giấc ngủ theo con.
Buổi chiều hôm sau, tôi chở Hoàng Yến đi lại con đường quảng trường. Tôi chạy chậm rồi dừng lại, ngón tay trỏ chỉ lên cao: ‘Lá cờ’, Hoàng Yến bất động không phản ứng. Tim tôi đập thình thịch, tôi chỉ ngón trỏ lên cao lần nữa và nói lớn hơn: ‘Lá cờ’. Tôi nín thở chờ sự dịch chuyển của ngón tay con. Năm giây… mười giây… ngón tay con di chuyển, đầu ngón trỏ hướng thẳng lên, môi con mấp máy một âm tựa như chữ: ‘Cờ…’.
Tôi run bắn người. Đúng vậy, tôi không nghe nhầm. Tôi bèn dựng xe, xốc con lên xoay một vòng, hét lớn:
- Đúng rồi! Cờ! Là lá cờ! Lá cờ!
Vài người đi qua nhìn cha con tôi lạ lẫm. Tôi mặc kệ, không quan tâm đến họ. Chúng tôi khiêu vũ trong niềm vui của mình.
Tôi tìm mua một lá cờ nhỏ cầm tay. Lá cờ reo vui cùng chúng tôi trên con đường trở về nhà. Mai đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi, đang tưới những khóm hoa ở hai bên hông nhà. Tôi dựng xe, bế Hoàng Yến trên tay, đứng trước Thùy Mai và bảo cô ấy hãy đứng yên đó nhìn hai cha con tôi. Tôi đưa lá cờ lên và nói: “Lá cờ”.!
Một giây, hai giây, ba giây…
Tôi nín thở.
Thùy Mai nín thở.
Chờ đợi.
Giây thứ năm…
Hoàng Yến từ từ đưa ngón trỏ ra rồi mấp máy môi: ‘Cờ…’.
Mai tròn mắt ngạc nhiên, rồi long lanh, rồi ngập nước. Chúng tôi ôm lấy nhau, mấy khóm hoa tươi rung rinh nở. Hoàng Yến yên lặng ở giữa chúng tôi, con không đẩy cha mẹ ra nữa, con cầm lấy lá cờ xoay xoay.
Đêm hôm ấy, trăng mười sáu sáng trong, ba chúng tôi ngồi bên hiên. Thùy Mai chỉ trăng, tôi chỉ trăng, Hoàng Yến chỉ trăng, môi mấp máy gần với từ: ‘Trăng’. Dưới ánh trăng, mắt chúng tôi tìm nhau rồi nhìn xuống Hoàng Yến. Trăng lấp lánh rót xuống ba chúng tôi. Mọi thứ, trong khoảnh khắc đó, bình yên như một giấc mơ.”
“Sài Gòn, ngày… tháng… năm…
Khi con phát âm trở lại, dẫu không phải là chữ ‘cha’, ‘mẹ’ nhưng cha đã không thể kiềm được lòng mình.
Con có thể nhại lời bất kỳ âm gì, tiếng gì cũng được, thì cha cũng mặc định, đó là lời nói ‘Con yêu cha’ của con.
Cha lại nhớ ngày con tròn một tuổi. Trong mâm bày đủ các món tượng trưng cho nghề nghiệp sau này, con không chọn cái gì cả. Con cũng không nhìn cái mâm mà bò đến chiếc điện thoại đang phát ra tiếng chuông của một cuộc gọi mà cha chưa kịp nghe máy. Lúc đó, cha không nghĩ ra được điều gì cả, cũng không biết con bắt đầu gặp khó khăn. Cha nghĩ sự thờ ơ của con là bình thường. Con không thích những thứ bày biện kia thì thôi, chỉ là một trắc nghiệm dân gian thôi mà.
Đã gần một năm kể từ ngày cha không đi làm chính thức. Một người ưa dịch chuyển như cha trước đây chỉ cần ở nhà hai ngày đã thấy cuồng chân. Nhưng bây giờ thì cha không có nhu cầu đi đâu cả. Trong từng giây phút sống, từng hơi thở, làm gì, ở đâu, cha cũng chẳng thể yên tâm khi không thấy con trong tầm mắt.”
Câu chuyện thứ tư: Người bạn tên Bu
Một tháng sau, Hoàng Yến đã chơi trò nặn đất sét được nhiều hơn: lăn dài, xoay tròn, ấn xuống, đập bẹp. Con có thể phân biệt được vài con vật bằng hình. Con thích chạy nhảy nên cứ loay hoay hết chỗ này đến chỗ kia. Tôi cũng cố gắng chạy nhảy theo con, hết đặt con gà nhựa ở góc này thì đặt con ếch nhựa ở góc kia, rồi hai cha con chạy đến lấy, đưa cho nhau. Mệt phờ, nhưng mà vui.
Hoàng Yến đặc biệt thích con chó bông tên Bu. Con luôn ôm nó mọi lúc mọi nơi, cả khi chơi, ngủ hay đi đâu đó cùng cha mẹ. Tôi không tài nào tách con ra khỏi “người bạn thân” đó được. Chỉ chờ khi Hoàng Yến ngủ, tôi mới có thể mang giặt giũ cho thơm tho. Không thể chấp nhận việc Hoàng Yến chỉ biết đến con vật duy nhất ấy, thỉnh thoảng Thùy Mai giằng lấy Bu để con tập trung hơn. Những lúc ấy, Hoàng Yến phản ứng rất gay gắt và tiêu cực. Con gần như phát điên lên, thậm chí còn đập đầu xuống nền nhà. Cuối cùng, Mai đành phải trả lại cho Hoàng Yến.
Tôi nói Mai hãy đặt mình ở vị trí của con để hiểu con hơn. Hoàng Yến không có bất cứ người bạn nào, chẳng ai chịu hiểu và kiên nhẫn chơi với con nên việc có Bu làm bầu bạn cũng tốt. Dù có vẻ con đã quá phụ thuộc vào Bu nhưng ít nhất, con cũng có một điểm tựa vô hình. Đến một lúc nào đó, khi con hiểu biết về thế giới hơn, cảm giác của con về mọi thứ xung quanh trở nên rõ ràng hơn, con sẽ thấy có nhiều thứ hấp dẫn hơn và Bu sẽ không còn là “vật nghiện” của con nữa. Bu vô hại, Bu không kỳ thị, Bu tốt với Hoàng Yến mà. Thùy Mai thở dài rồi nói: “Em hiểu rồi, đành vậy”.
Một lần, khi đang chơi cùng con, nhìn thấy Hoàng Yến lơ đễnh bỏ Bu xuống, tôi bèn cầm lấy và bảo: “Cha mượn”. Hoàng Yến với tay giành lại. Tôi giấu Bu ra sau, Hoàng Yến chạy theo rồi bất giác nói: “Cha!”. Tôi đứng lên, cất Bu lên kệ cao. Hoàng Yến chạy theo gọi thêm một lần nữa: “Cha!”. Là tiếng “Cha” thứ hai trong vòng ba phút, tiếng “Cha” rất rõ ràng. Đối với tôi, đó là thứ âm thanh tuyệt diệu nhất được phát ra từ khuôn miệng đỏ hồng xinh xắn của con gái tôi.
Câu chuyện thứ năm: Sa mạc nở hoa - sự tỉnh thức lần thứ hai
Bắt đầu từ tháng thứ tư kể từ thời điểm tôi chính thức can thiệp, Hoàng Yến bỗng trở nên thay đổi khủng khiếp. Tất cả mọi thứ từng hấp dẫn con trước đó bỗng trở nên vô tác dụng.
Chuyện gì đang xảy ra thế này?
Tại sao con dường như quên sạch những gì tôi đã dạy miệt mài cả ba tháng vừa qua?
Tôi cố ép con chơi những trò quen thuộc bằng cách giằng lấy tay con ấn xuống những viên đất sét và cố tình đưa que thổi bong bóng nước vào sát miệng con. Mọi thứ không còn hấp dẫn với Hoàng Yến nữa mà chỉ còn là sự thúc giục, cưỡng ép đến bất lực. Hoàng Yến nổi khùng lên, đập đầu liên tục xuống sàn nhà, miệng la hét hỗn loạn. Tôi ôm lấy con, ôm siết lấy… Rồi Hoàng Yến cũng yên. Tôi thả con ra, con lao vào đống đồ chơi lego mải miết xoay tròn mọi vật. Ôi, những vòng xoay như thế lực hắc ám. Nó siết lấy đầu óc tôi khiến tôi muốn nổ tung.
Tôi không tài nào hiểu được vì sao mọi thứ đang tốt đẹp bỗng dưng trở nên rối bời như vậy. Mọi thứ tựa như đều đang chống đối lại tôi.
Một ngày.
Hai ngày.
Ba ngày…
Đến ngày thứ hai mươi bảy, Hoàng Yến vẫn rơi vào tình trạng khủng khiếp đó. Mọi thứ đều rối tung và quấn siết lấy nhau, không tài nào gỡ ra được. Vợ tôi lại quay về cách cho con ăn đầy ám ảnh trước đây. Hoàng Yến từ chối mọi thức ăn, con phun ra mọi thứ có trong miệng mình. Để nuốt được một miếng cháo xay nhuyễn, vợ tôi phải bụm ngay miệng con lại ngay khi đút được vào. Nước mắt con giàn giụa còn mồ hôi mẹ túa ra ướt đến từng sợi tóc. Đút được chừng năm muỗng như vậy, Hoàng Yến không chịu được nên ói ra hết. Mai kiệt sức, dựa vào tường, còn Hoàng Yến cũng không còn sức giãy giụa nữa, chỉ nằm im lìm ngay cạnh vũng ói. Vài giây sau, vợ tôi đứng dậy, tắm rửa cho con, dọn dẹp.
Cảnh tượng ấy như nhát dao cứa vào lòng tôi.
Tôi nói với Mai rằng mình đi ra ngoài có việc.
Tôi đến quán cà phê trước cổng trường mà Hoàng Yến từng học. Vẫn là hình ảnh phụ huynh đợi con ở quán. Có người ngồi yên nhìn chăm chăm vào cánh cổng trường đã khép, có người rủ nhau chơi cờ, có người xem gì đó trên điện thoại. Giữa những người mới xa lạ, tôi len lén nhìn và cố tìm một gương mặt quen thuộc của ba tháng trước. May quá, vẫn còn một hai người cũ bám trụ lại và đang xem một chương trình tấu hài trên tivi. Tôi kéo ghế đến ngồi gần họ. Họ bất ngờ khi nhìn thấy tôi rồi nhiệt tình hỏi chuyện:
- Sao lâu nay không thấy anh? Tôi nghe các cô nói anh đã cho con nghỉ học rồi phải không? Anh tìm được trung tâm nào khá hơn à?
- Không, tôi nghĩ trường này là ổn nhất rồi, nên không tìm nơi khác. Nhưng tôi mang con về tự dạy.
Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía tôi và dồn dập hỏi:
- Tự dạy sao? Anh đã dạy nó thế nào?
- Con anh ra sao rồi? Cháu đã biết nói chưa?
- Chỉ chơi với nó thôi tôi còn chẳng thể chơi được. Anh tài thiệt đấy.
- Có bí quyết nào chỉ cho chúng tôi với?
Những câu hỏi dồn dập, những cái nhìn tò mò, những ánh mắt cầu cứu. Tôi nhìn thấy cả sự hoang mang, bất lực, tuyệt vọng lẫn sự phó mặc mà dù đã cố nén những hiển hiện trong mắt họ. Tôi vội vã nói rằng con tôi cũng không có gì khác trước và bản thân tôi cũng đang bối rối và bế tắc. Những tiếng thở dài đan vào nhau. Tôi trả tiền nước rồi tạm biệt mọi người ra về.
Về nhà, rồi tôi sẽ làm gì tiếp với Hoàng Yến? Sẽ nói gì với Thùy Mai? Chỉ còn cách nhà 100 mét, tôi dừng xe lại, tần ngần một lúc rồi quay xe trở lại trường. Tôi gọi điện xin gặp ông tiến sĩ, rất may ông trống lịch và có thể tiếp tôi cả buổi chiều.
Tôi kể cho ông nghe mọi chuyện và tình trạng hiện tại của Hoàng Yến. Ông bảo hãy chơi với ông một trò chơi và nếu tôi thắng, ông sẽ đãi tôi một chầu rượu “say quên đường về”, còn nếu thua, tôi phải làm mọi thứ ông yêu cầu. Ông bật nhạc trữ tình trong máy tính mở loa ngoài thật to và bật nhạc rock trong chiếc máy cassette. Ông tiếp tục bật chiếc đèn led nhiều màu và cho xoay tít trước mặt tôi. Ông bật thêm vài chiếc ô tô đồ chơi bằng điện. Tôi hỏi ông đang chơi trò gì thế thì ông bảo vẫn còn vài thứ nữa, xong xuôi ông sẽ nói luật chơi. Rồi ông tắt máy lạnh, mở quạt trần và để một tờ giấy lên đầu tôi và yêu cầu tôi cố giữ tờ giấy ấy cho khỏi bay. Tiếp tục, ông đưa cho tôi tờ giấy và cây bút, bảo trong vòng năm phút, tôi hãy ghi lại mọi điều mà ông đọc, dĩ nhiên, ông sẽ đọc chậm. Tôi vừa ghi vừa phải giữ thăng bằng tờ giấy trên đầu.
- Nhưng gió từ cánh quạt sẽ làm rơi tờ giấy trước khi tôi cúi xuống để ghi mất.
- Tôi không thể tạo điều kiện hơn cho anh được. Khi tờ giấy rơi xuống mà anh không ghi chép được gì thì nghĩa là anh thua cuộc.
- Còn hai ba dòng nhạc lộn xộn với tiếng ô tô điều khiển vù vù kia nữa, làm sao tôi tập trung được?
- Vậy anh chấp nhận cuộc chơi hay là dừng?
- Thôi được rồi, ông đọc đi.
Cuộc chơi bắt đầu. Tôi cố gắng giữ cổ cứng đơ, tay cũng không dám chuyển động mạnh đồng thời phải cố gắng nghe giọng ông đang trộn lẫn trong mớ tạp âm kia. Tôi không chắc mình ghi đúng, bởi dù tập trung cao độ thì tôi vẫn bị phân tâm. Sáu mươi giây, tờ giấy bay xuống, tim tôi nhói lên như thể đã vuột mất cơ hội để tìm hiểu điều gì đó cho Hoàng Yến.
- Tôi thua cuộc rồi. - Tôi thốt lên tiếc nuối.
- Anh cảm thấy thế nào trong lúc tôi đọc anh viết?
- Thật khó khăn để vừa giữ tờ giấy vừa phải chú tâm lọc từng lời ông nói trong mớ âm thanh kia. Sáu mươi giây thôi mà tôi cảm thấy rất căng thẳng.
- Vấn đề chính là ở chỗ đó. Con gái anh đang phải tiếp nhận mọi thứ trong tình trạng đó.
- Thật vậy sao? - Tôi bàng hoàng hỏi lại thì chỉ nhận được cái gật đầu từ ông. - Vậy có cách nào để cải thiện điều đó không?
- Có chứ! - Ông gật đầu, chậm rãi nói tiếp. - Nhưng anh phải chấp nhận tình trạng ốc sên của con anh. Nghĩa là con ốc sên nhỏ bé của anh sẽ bò rất chậm, và bò đi bò lại đoạn đường ấy, nhích lên hai bước lại bò xuống một bước. Nhưng không sao, con ốc sên ấy vẫn di chuyển. Đừng ép nó phải di chuyển quá nhanh, nó không thể di chuyển theo tốc độ của con thỏ được. Như anh vậy, anh đâu thể chạy như một vận động viên điền kinh được, phải không?
Ông nói rất nhiều, nói đến đâu tôi ngộ ra đến đó. Cuối buổi nói chuyện, tôi rủ ông đi ăn cùng mình. Ông nói rằng ông không bận nhưng tôi nên trở về nhà, ăn một bữa cơm với gia đình và hãy ngủ ngon cho những ngày căng thẳng vừa rồi.
Trước khi tôi về, ông tặng tôi cuốn sách Sa mạc nở hoa , dặn tôi ngủ nghỉ xong, tinh thần tỉnh táo rồi mới đọc: “Cuốn này chỉ nên đọc lúc tinh thần sảng khoái và dễ tiếp nhận mọi thứ”.
Nhưng tôi không thể đợi đến sáng mai. Khi vợ con đã ngủ, tôi sang phòng bên cạnh.
Tôi ngồi đó và suy nghĩ…
Hàng tháng trời trôi qua, tôi không ngủ hoặc ngủ rất ít, sụt mười hai ký đến nỗi có người còn tưởng tôi mắc bệnh nan y nào đó. Tôi đọc tất cả những tài liệu, sách báo liên quan đến tự kỷ. Tài liệu trong nhà chất thành từng đống, còn ngón tay tôi thì muốn mòn cả vân bởi việc rê chuột máy tính.
Tôi mở cuốn sách và đọc rất chậm phần mở đầu cuốn sách…
“ Sa mạc nở hoa của tác giả Virginia Axline - một nhà trị liệu nổi tiếng về kỹ thuật chữa trị cho trẻ em rối loạn tình cảm - là một trong những quyển sách kinh điển về trị liệu tâm lý cho trẻ em. Quyển sách này đưa chúng ta vào một cuộc hành trình đầy ngạc nhiên, lý thú của một chú bé ‘đi tìm chính mình’”.
Tương tự như khi đọc Kho báu mặt trời, từng trang, từng trang của Sa mạc nở hoa mang đến cho tôi cảm giác như được giải thoát. Đêm nay, tôi cần cảm ơn Dibs và các giáo viên trị liệu của cậu bé. Sự dũng cảm của Dibs cứu vớt cho sự bạc nhược của tôi hiện giờ và các giáo viên trị liệu của cậu ấy đã giúp tôi thoát khỏi ám ảnh về những hình ảnh thường thấy ở các trung tâm khi các chuyên viên cố ép đến cùng bọn trẻ. Tôi cũng đã làm điều đó với Hoàng Yến và gần như không chịu đựng được hình ảnh đó của chính mình. Bất chợt hình ảnh ngón tay bé bỏng của một đứa trẻ bị cột chặt vào một cái que để học chỉ tay dội vào đầu tôi.
Tôi mở cuốn sổ, bắt đầu tìm một hướng đi mới cho Hoàng Yến.
Câu chuyện thứ sáu: Con ốc sên bé bỏng bò lên bò xuống.
Vợ chồng tôi say sưa làm học cụ cho con. Này là sỏi tròn, giấy dán hình cây, hình người, hình ngôi nhà, hình con vật, này là con ếch giấy bật nhảy trên lá sen, này là bộ gỗ lego,… Những tranh ảnh được cắt ra từ báo, dán thêm giấy cứng, viết chữ mô phỏng vật: quả táo, quả lê, ô tô, ngôi nhà,…
Những thứ phức tạp hơn thì tìm mua, còn những gì có thể làm được hoặc thay thế bằng những vật dụng tương tự thì chúng tôi đều tự làm. Tôi nghĩ khi mình dồn mọi năng lượng tích cực, mọi hy vọng của mình vào các học cụ thì Hoàng Yến sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.
Và hình như suy nghĩ đó của tôi đã đúng. Mỗi ngày, tôi và Hoàng Yến học lẫn nhau từ tám đến mười tiếng. Tôi gọi là “học lẫn nhau” bởi khi dạy Hoàng Yến cũng chính là lúc tôi học được rất nhiều thứ. Làm thế nào để hiểu sâu sắc một con người? Yêu thương ai đó thì cần biểu hiện ra sao cho phù hợp? Tôi cố gắng học cách cân bằng giữa tuyệt vọng cùng cực và hy vọng thăng hoa. Chúng tôi ổn định hành vi cho nhau. Tôi hướng dẫn Hoàng Yến cách để tập trung, còn con bé “luyện” cho tôi sự điềm tĩnh.
Ngồi bên nhau, lắng nghe nhau, đi bộ cùng nhau,… nghe thì có vẻ đơn giản, làm thì cũng chỉ có vài hoạt động nhưng hành trình thực hiện thì lại gian nan vô cùng.
Ví như chuyện học ngồi, tôi cố gắng tìm mọi cách để con ngồi yên trong hai phút, năm phút rồi mười phút, hai mươi phút. Ban đầu là tìm cách nào đó để chơi với con, chơi hết trò này đến trò kia để cuốn con vào, cho con không rời ra khỏi cuộc chơi được. Nhưng một thời gian sau, con chán, trò chơi chẳng thể giữ con ngồi lâu hơn được nữa. Tôi lại tìm góc nhà rồi kê vào đó một chiếc bàn, lèn những tấm mút xung quanh, hai chân giữ chặt ghế. Chiếc bàn khá đặc biệt, có khoét một khoảng trống vừa đủ cho Hoàng Yến và con chỉ có thể nhúc nhích ở khoảng trống đó. Con khóc suốt hai tuần ở tư thế đó, giọng con khản đặc, trán mướt mồ hôi. Mai đứng bên ngoài không chịu nổi, chạy vào bảo:
- Hay là tìm cách khác đi anh!
- Em hãy chịu đựng thêm chút nữa, con sắp qua rồi…
Khóc mệt, Hoàng Yến gục đầu xuống bàn, tôi bóp nhè nhẹ cánh tay con, xoa nhè nhẹ lên trán, con thiêm thiếp ngủ. Khoảng hơn hai mươi phút, Hoàng Yến thức giấc và lại khóc tiếp. Tôi cầm lấy tay con, cúi xuống thật thấp nhìn con và nói:
- Con sẽ ngồi yên được đúng không? Chúng ta sẽ ngồi bên nhau như thế này…
Không biết Hoàng Yến có hiểu lời tôi không nhưng một lát sau, con bé ngưng khóc và bắt đầu phân loại những viên sỏi bỏ vào những chiếc rổ cùng màu. Từ ba màu, lên năm màu và sau đó bảy màu. Sau đó, chúng tôi bỏ vào một chiếc chai cho nó đầy lên, rồi tiếp tục lấy ra từng viên sỏi một. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi con chịu tập trung.
Chúng tôi đi bộ với nhau mỗi ngày. Hoàng Yến không thích thú gì với việc ấy. Tôi cố gắng “kéo” con đi, từng chút, từng chút một. Hôm nay một đoạn ngắn, ngày mai đoạn ngắn ấy được nối dài hơn một chút. Khoảng hai tuần sau, chúng tôi đã cùng nhau đi cả cây số.
Thời gian đầu, cha con tôi chỉ im lặng đi bên nhau, không một tiếng nói. Tôi cố gắng giữ nhịp đi của con đều đặn, rồi sau đó lúc nhanh, lúc chậm, hướng dẫn con cách quan sát đường và tránh xe hai bên lẫn cách qua đường. Tất cả đều trong im lặng, chỉ có những cử chỉ và hành động. Chúng tôi tập trung tối đa cho việc thực hành chính xác các thao tác cũng như việc rèn luyện thể lực. Nhiều ánh mắt dõi theo cha con tôi đầy hiếu kỳ. Rồi “chuyện lạ” về hai cha con tôi cũng quen mắt với khu phố. Sau gần hai tháng thì Hoàng Yến có thể một mình thực hiện được các thử thách ấy trong hai trăm mét đường đi bộ.
Lúc đó, con bé đã bắt đầu nói sõi, dù chỉ là những câu ngắn. Những cuộc đi bộ của hai cha con không còn đơn điệu nữa. Chúng tôi chuyển từ rèn luyện thể lực và kỹ năng đi bộ sang đi dạo. Xung quanh, cuộc sống bao la biết mấy. Hết ngắm chim trên trời, chúng tôi lại đếm những đóa hoa đang nở trên đường. Này là hoa xuyến chi, kia là cúc dại, bên dậu thưa có hoa dâm bụt. Cha con tôi còn ghé qua một khu chợ tự phát. Cả khu chợ đều đã quen với cha con tôi nên không ai còn cảm thấy phiền hà hay lạ lẫm như những ngày đầu chúng tôi ghé và “câu giờ” của họ. Này rau ngót, rau muống, bắp cải, bí đao, bí rợ,… kia là con cá lóc, cá rô, cá diêu hồng,… Chúng tôi hỏi rất nhiều thứ, mua mỗi thứ một ít. Sau mấy chục lần ghé chợ, Hoàng Yến đã “quen biết” dì Tư, dì Năm, chú Năm, chú Bảy và thuộc gần hết các món trong chợ.
Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi cùng nhau tập trung học với nhau khoảng năm tiếng, bốn tiếng còn lại dành cho các hoạt động khác. Mọi việc đã trở nên ổn thỏa hơn rất nhiều so với lúc đầu.
Nhưng… sự tiến bộ của con gái tôi thì theo hình sin, lúc lên, lúc xuống. Có lúc con không thể hợp tác với tôi trong suốt một giờ, hai giờ, thậm chí cả ngày. Có lúc, con như quên sạch mọi thứ và cơn tăng động khiến con quăng quật cả cơ thể mà vẫn không thể bình tĩnh hơn. Tôi không còn hốt hoảng đến mức bỏ cuộc như trước, nhưng tôi vẫn chưa giải phóng được tất cả những đau khổ ngay lúc đó. Tôi không biết làm thế nào để Hoàng Yến có thể dễ chịu hơn.
Trong một lần đi chơi, vợ chồng tôi dắt con xuống bãi biển, đó là lần đầu tiên con đến đó. Con tỏ ra thích thú khi đi trên cát. Chúng tôi bỏ tay con ra để con chạy nhảy tự do trên cát, với chiếc phao bơi thiên nga trên tay. Con tung tăng chạy nhảy, chiếc váy hồng tung lên theo bước chân con, những con sóng liếm bờ nhè nhẹ. Vợ chồng tôi vẫn đi sau con, khoảng cách mỗi lúc lại xa hơn một chút. Bỗng dưng, một con sóng lớn xô vào bờ tạo thành tiếng sóng vang hơn. Hoàng Yến hoảng hốt buông phao bơi chạy về phía bờ, chân con líu ríu. Rồi con lăn ra cát, vùi mặt xuống cát, tay thì cào cấu và vốc từng nắm cát tống vào miệng. Tôi vội chạy đến ôm con, nhưng con bé dùng hết sức xô tôi ra, đầu lao xuống cát. Tôi càng siết chặt Hoàng Yến vào lòng, con càng giãy mạnh, tiếng khóc con lạ lẫm, vừa như sợ hãi, vừa như cầu cứu, chói tai và đau lòng. Khóc mệt, con ngừng quẫy đạp, tôi từ từ thả lỏng vòng tay ra. Như chỉ đợi có thế, Hoàng Yến vùng ra khỏi tay tôi nhưng ngay lập tức, tôi khép chặt lại ôm sát con vào lòng. Cha con tôi cứ giằng co như vậy cho đến khi con yên ổn trở lại. Khi con không quẫy đạp nữa, tôi buông tay, cho con gối đầu lên cánh tay mình. Mồ hôi con toát ra ướt trán, ướt tóc. Sóng vẫn tràn lên bờ, con nhắm nghiền mắt lại, tôi ẵm con lên bờ.
Không rõ có sự trùng hợp hay không nhưng có một quy luật lạ lùng là cứ vào những ngày trăng tròn, Hoàng Yến luôn bị nhiễu loạn hành vi. Con chạy nhảy hoặc phá tung bất cứ thứ gì cho đến mệt nhoài. Vào những ngày đó, con gần như không ăn, rất khó hợp tác và chống đối mọi yêu cầu của cha mẹ.
Rất nhiều lần trăng tròn trước, Hoàng Yến đều như vậy và lần này, tôi hiểu đó không phải là sự trùng hợp nữa mà có một nguyên nhân thật sự nào đó mà tôi không đủ sức lý giải được.
“Sài Gòn, ngày… tháng… năm…
Ốc sên bé bỏng của cha!
Cho dù sự khó chịu đến với con vào những ngày trăng tròn có là quy luật đi chăng nữa thì cha cũng sẽ tìm cách phá vỡ nó.
Khi cơn hỗn loạn của con kết thúc, con gần như kiệt sức và không còn khả năng chống đối nữa. Con nằm yên trên tay cha, có vẻ dễ chịu và yên bình hơn nhưng khi đó, cha… cảm thấy mình cạn kiệt sức lực. Cha nghĩ về ngày mai, ngày mai nữa, khi con đến trường, khi con ra ngoài đường, con sẽ làm thế nào để chống đỡ nó. Cha nghĩ xa và xa hơn nữa, khi cha mẹ không còn trên cõi đời này, con sẽ làm thế nào để đi qua những cơn khó chịu khi mà bản thân con không biết cách.
Cha nghĩ về nguồn sức mạnh bên trong, không phải là những lần khắc chế ngay tức thời nữa mà nó sẽ giúp con có cách đi qua cơn hỗn loạn. Cha sẽ phải làm thế nào tiếp Hoàng Yến nhỉ?”
“Bằng cách nào?”, tôi tự hỏi mình như thế trong cái đêm mà nhật ký không tròn trang. Mai vẫn cặm cụi làm những học cụ cho con gái, tôi lục lại trên kệ bộ sách Từng bước nhỏ mà ông tiến sĩ đã tặng khi tôi quyết định cho Hoàng Yến nghỉ học tại trung tâm.
Tôi trôi trên những trang sách nhưng khi đọc xong bộ sách đó, tôi vẫn không có cách nào giải quyết tận gốc vấn đề của con gái mình như mong muốn. Tôi nhớ đến một câu nói nào đó của một bậc thiền sư: “Ngày mai dù có ra sao nữa/Mà có ra sao cũng chẳng sao”. Mọi chuyện ở đời, dù khó khăn đến thế nào chăng nữa cũng sẽ có cách giải quyết phù hợp thôi.
Thế rồi, hai con ốc sên, ốc sên cha và ốc sên con cứ bò đi bò lại trên một hành trình, bò lên được hai bước lại tuột xuống một bước, cứ nhích lên từng chút một từng chút một. Rồi cũng sẽ có ngày chúng tôi về đích sau một hành trình dài thăm thẳm.
Câu chuyện thứ bảy: Quẹt quẹt, liếm liếm, cắn cắn, nhai nhai… ăn nào.
Hoàng Yến dường như không thể cảm nhận được mùi vị thức ăn là như thế nào. Chúng tôi thử tất cả mọi thứ, thậm chí liều lĩnh quệt ớt vào lưỡi con thì con cũng không phản ứng dù môi hơi sưng đỏ lên. Chanh dù chua đến cỡ nào thì con cũng không có biểu hiện gì khi ăn.
Nhưng tình trạng nguy hiểm hơn là con không muốn ăn bất kỳ thứ gì và mỗi lần ăn đều như một cuộc chiến mà tôi đã nhắc đến - một cuộc chiến mà cả hai đều thất bại. Ép ăn, ói, ép ăn, ói,… điệp khúc lặp đi lặp lại liên tục. Con gầy đi, có hôm đói đến lả người. Mọi thứ bày biện ra nhưng con chẳng quan tâm. Con không có sức để học bất cứ thứ gì. Chúng tôi lại căng thẳng như một quả bóng sắp vỡ và tôi bắt đầu thiếu kiềm chế.
Tôi cho con đi khám, bác sĩ nói Hoàng Yến bị rối loạn vị giác khá nặng và khuyên nên cho con ăn nhiều thực phẩm tự nhiên. Một kế hoạch “giải quyết vấn đề rối loạn vị giác” cho Hoàng Yến được vạch ra. Mọi sự can thiệp khác đều tạm gác lại để nhường cho vấn đề rối loạn vị giác.
Chúng tôi liệt kê loại thức ăn giúp phục hồi mùi vị cho con. Rất may mắn, nhà tôi ở gần chợ nên chúng tôi quyết định đưa con đi chợ để mua rau, thịt, cá và một vài loại thức ăn nấu sẵn. Chúng tôi tìm cách để thức ăn dính sẵn ở đâu đó và một ít sẽ dính lên mặt con. Vợ tôi sẽ dọn dẹp và lau mặt con, chầm chậm từng chút một và nói về mùi thơm của đồ ăn, thậm chí còn nếm đồ ăn còn sót lại trong tô đựng. Không ít lần Hoàng Yến khó chịu đến mức nôn ói khi thấy cảnh như vậy.
Hôm sau, chúng tôi vẫn làm thế và thậm chí còn để thức ăn văng nhiều hơn. Con vẫn ói và la hét liên tục. Chúng tôi vừa lau rửa cho con vừa khen lấy khen để thức ăn ngon. Một tuần sau, con hết ói. Không những chấp nhận để thức ăn dính lên mặt, con còn tò mò lấy tay quệt chỗ thức ăn còn lại trong tô đưa lên mũi ngửi.
“Chiến thuật” tăng lên một bậc cao hơn nữa, vợ tôi nấu các loại thức ăn có nhiều nước sốt rồi lấy một ít quệt lên môi con, còn tôi ngồi bên cạnh hít hà, cường điệu khen thức ăn ngon và ăn lấy ăn để.
Một ngày, Mai làm món cánh gà sốt me và lấy nước sốt quệt lên miệng con. Lúc đó, tôi cố ý để nước sốt dính môi và đưa lưỡi liếm, rồi kêu lên:
- Ôi, chua chua, ngon quá!
Tôi diễn đến lần thứ ba thì Hoàng Yến đưa lưỡi liếm môi, con nhăn mặt. Đồ ăn trên tay tôi muốn rớt xuống. Vậy là con đã biết phản ứng với vị chua. Với các vị khác, chúng tôi cũng làm tương tự.
Tất cả các giờ học trong ngày đều liên quan đến việc ăn uống, đồ chơi cũng liên quan đến rau củ quả, mùi vị. Các clip con xem cũng liên quan đến đề tài này và khi “liên hệ thực tế”, chúng tôi cũng cho con thấy việc các bé khác ăn uống ngon lành ra sao.
Chúng tôi làm một khu vườn treo nho nhỏ, cho Hoàng Yến gieo hạt, chăm sóc rồi cả thu hoạch và lấy rau từ khu vườn bé xíu ấy để nấu ăn.
Tất cả các món đều được cả nhà thực hiện cùng nhau, quệt quệt, liếm liếm, cắn cắn, nhai nhai,… rộn ràng vui vẻ.
Khoảng ba tháng thì việc rối loạn vị giác của con đã được giải quyết. Mùi vị đã thức dậy từ gian bếp, từ đồ chơi, từ thực hành, từ trên đôi môi của cha mẹ.
Cuối cùng, con ăn ngon và chủ động.
Câu chuyện thứ tám: Dạy chữ chưa bao giờ đơn giản hơn thế!
Hoàng Yến đặc biệt chú ý đến những hàng chữ trong các bảng hiệu, con mân mê từng con chữ một. Thùy Mai đọc chậm từng chữ, con bé đọc theo, háo hức say mê.
- Mình dạy chữ cho con đi anh. Con có vẻ thích.
- Ừ, anh thấy con nhận mặt chữ rất nhanh.
- Em nghĩ mình nên làm những chiếc thẻ giống như cách anh đang dạy để cho sinh động hơn.
Mai tìm những hình ảnh rồi phân loại chúng theo chủ đề, chọn hình to, rõ, màu sắc bắt mắt dán lên một tờ bìa cứng, phân chúng ra làm hai, một bên hình, một bên chữ. Tôi không dạy con đánh vần thông thường mà giúp con nhận diện mặt chữ thông qua các hình ảnh đã biết. Ngày đầu, tôi dạy Hoàng Yến hai chữ; ngày thứ hai, tôi dạy con thêm một chữ nữa và kiểm tra lại ba chữ đã dạy. Cứ thế nhân lên “hai cũ một mới”, ba ngày kiểm tra một lần số chữ đã học rồi tiếp tục dạy chữ mới theo nguyên tắc trên.
Chẳng có trò chơi nào vui như học chữ. Hoàng Yến không bị ép học, tôi không bị áp lực khi con không tương tác. Như một bản nhạc, lúc bổng lúc trầm, cứ du dương, du dương. Chúng tôi đố chữ, chúng tôi đố hình, chúng tôi ghép chữ với hình, mọi thứ diễn ra thật sôi động. Những lúc Mai rảnh, cô ấy cũng tham gia cùng chơi, con bé thích thú vô cùng.
Khoảng hai tháng thì con đọc được kha khá chữ, khoảng gần hai trăm từ đơn và từ ghép. Lúc này, tôi mua những cuốn truyện tranh mỏng theo chủ đề và thay nội dung truyện bằng một nội dung tương tự với những từ mà con đã biết. Chúng tôi cùng đọc và hoàn thiện nội dung câu chuyện với nhau.
Việc học chữ, kích ngôn ngữ cho con diễn ra nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi cùng Hoàng Yến ghép những từ đơn thành câu. Thêm hai tháng nữa, con đã ghép được những câu khá dài và vận dụng vào giao tiếp.
Chúng tôi tiếp tục học chữ qua thơ và nhạc. Thật đáng kinh ngạc khi Hoàng Yến có thể đọc đúng đến 80%. Trí nhớ và sự tập trung của con bé tăng lên rõ rệt. Chúng tôi tăng việc học chữ theo cách tự nhiên nhất, đọc menu khi đi cà phê, lúc đợi xe buýt thì đọc chữ trong bảng quảng cáo. Thỉnh thoảng, tôi nhờ Hoàng Yến đọc vài chữ trong tin nhắn điện thoại. Nói chung gặp chữ ở đâu, Hoàng Yến sẽ đọc ở đó, những chữ mà con đã quen.
Lúc này, thẻ hình có chữ đã không còn hấp dẫn với con nữa. Chúng tôi thấy việc con chỉ nhại chữ thôi không ổn mà con cần phải hiểu nghĩa của từ nữa. Chúng tôi cố gắng liên kết các chi tiết với nhau để hình thành một cuộc thoại có mục đích, ví dụ như “Quả bóng có hình tròn màu xanh. Bóng của Hoàng Yến. Bóng để đá…”.
Khi Hoàng Yến được năm tuổi hai tháng, chúng tôi cùng nhau đi siêu thị. Cô thu ngân kẹp hóa đơn trong giỏ hàng, Hoàng Yến bứt nó ra lúc nào không rõ. Con đọc to: “Trứng gà, bắp cải, thịt bò,…” rất rõ ràng, làm tôi giật mình. Con đọc rất tự nhiên chứ không cần sắp xếp gì cả và “thịt bò” là từ tôi chưa hề dạy con.
Về nhà tôi lấy bút viết ra đúng những chữ con đã đọc ở phiếu ghi hàng, con đọc đúng. Ngạc nhiên đến độ không tin nổi, tôi dắt Hoàng Yến ra trước cửa nhà nhờ con đọc bảng hiệu phía bên cạnh: “Tạp hóa Su Su, đường… phố… phường… quận…”. Con đọc gần như đúng cả, chỉ còn một vài từ khó con chưa đọc được mà thôi. Như vậy, Hoàng Yến đã có thể ghép chữ, hiểu chữ… kể cả những từ tôi chưa dạy bao giờ nhưng có lẽ trong quá trình giao tiếp ở những môi trường rộng, khi tôi cố tình đọc to lên một câu nào đó rồi nhấn mạnh một từ muốn dạy thì con bé đã nhớ cả câu. Và rồi khi có đủ vốn từ, con đã tự ghép chúng lại với nhau.
Trong chín tháng (ngoại trừ hai tháng đầu tập trung dạy chữ cho Hoàng Yến qua thẻ hình), bảy tháng còn lại, việc dạy và học chữ của chúng tôi diễn ra nhanh hơn, chỉ trong hơn một giờ là đã hoàn tất việc dạy học.
“Sài Gòn ngày… tháng… năm…
Mọi thứ đều không thể vội được Hoàng Yến nhỉ? Tất cả đều phải đúng thời điểm. Cha dường như đã học được rất nhiều từ con. Hành trình ốc sên thực ra không quá mệt mỏi như cha đã nghĩ nếu hình dung được nó ngay từ đầu. Cha có thể ghi chú lại mấy điều sau trên hành trình đó:
1. Phải hiểu về tự kỷ. Hiểu bao quát trước rồi hiểu tỉ mỉ về con sau. Muốn chọn gởi con ở trung tâm hay tự dạy cho phù hợp với điều kiện của gia đình đều cần phải có kiến thức.
2. Tìm hiểu một số phương pháp, xin lời khuyên của những gia đình dạy con thành công rồi chọn lựa những điều phù hợp với con, thay đổi liên tục để tìm ra phương cách nào tốt nhất cho con. Phải hiểu được con thích điều gì, không thích điều gì. Nghĩ mọi điều đơn giản đi một chút, lạc quan nhiều hơn.
3. Luôn luôn dạy con điều đúng. Không có con đường nào là tận, phải có cách “thoát hiểm” đúng thời điểm.
4. Không được biến những giờ học của con là một cuộc chiến mà trong đó cha phải thắng con cho bằng được. Điều đó là sai lầm. Cha cần hình thành, tiếp sức, đánh thức nội lực trong con để con tự giải quyết những khó khăn của mình để chiến thắng những khó khăn, nhiễu loạn xảy ra bên trong con.
5. Hãy bắt đầu từ những thứ giản đơn, con có cảm tình nhất. Điều đó khiến chặng đường trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như chuyện con đọc. Con học thật nhanh. Con thật thông minh. Con cho cha có nhiều cơ hội để hạnh phúc hơn.
6. Cả nhà mình sẽ cùng con bước đi, chúng ta có thể đi cùng nhau, cũng có thể cha đi trước, con đi giữa, mẹ đi sau… Trật tự đó có thể thay đổi nhưng cha nhất thiết phải đi đầu tiên. Vì sao? Vì đó là một con đường mới, cha cần mở đường, cần dọn dẹp những trắc trở để nó trở nên bằng phẳng hơn. Chúng ta phải cùng nhau đi trên một con đường cho đến khi con chủ động chọn được cho mình con đường của riêng con.
7. Có thể nghiêm khắc, nhưng không bao giờ cưỡng bức con phải thực hiện hành động cho bằng được. Luôn khích lệ con. Luôn yêu thương con và để con cảm nhận được điều đó cũng như cố gắng làm mọi thứ vì lòng yêu thương.
8. Có thể còn nhiều nữa nhưng cha tạm thời chỉ nghĩ được bảy điều ở trên…”.