T
ôi không kể liền mạch cho Hà nghe. Tôi đã định chẳng bao giờ kể bởi dù khó đến mấy, vượt xa sức lực của con người cỡ nào thì việc làm điều gì đó cho con cái, cho máu thịt của mình là lẽ đương nhiên, đâu có gì đáng kể. Nhưng hành trình này bất kỳ ai đã đi sẽ thấy nó kỳ diệu và lấp lánh biết chừng nào nếu chúng ta bền bỉ đến cuối cùng. Tôi muốn mọi người nhìn thấy điều ấy hơn là để họ chỉ toàn chứng kiến sự khổ đau, bế tắc, buông xuôi.
Tôi nghĩ rất nhiều đến những người đã bỏ cuộc. Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ lớn lên không thể sống cuộc đời của con người? Sẽ có bao nhiêu người cha người mẹ dù không phải hèn nhát hay kém cỏi nhưng đã thất bại trên hành trình đi tìm ánh sáng sự sống cho con và phải sống đau khổ, dằn vặt trong âm thầm? Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ kiệt sức dẫu chúng chẳng thể cảm nhận về sức lực của mình và mãi mãi là những người không thể lớn dù có già đi?
Tôi nghĩ rất nhiều về những người đã qua đời mà đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn không thể an lòng bởi đứa con đặc biệt của mình không thể sống độc lập nếu thiếu họ. Tôi nghĩ đến hình ảnh của những người lang thang trên đường kia, cười nói ngu ngơ, không ai hiểu những hành động kỳ lạ của họ, mọi thứ đều rất bất thường. Họ có thể bị mỉa mai, xa lánh, hắt hủi và tệ hơn là sẽ bị xâm hại,… mà chẳng có ai bên cạnh. Nơi trú ẩn an toàn nhất của họ lại chính là cái chết. Biết đâu, họ có thể là những người tự kỷ.
Tôi nghĩ đến những người đang trên hành trình này như tôi. Họ đã cố gắng đến tận sức, từ bỏ mọi thú vui, chấp nhận mọi thử thách, thậm chí đánh đổi cả tình yêu thương, trí tuệ và mạng sống của mình. Họ hoàn toàn mãn nguyện với điều đó như lẽ đương nhiên nhưng vẫn không cùng con đi đến đích.
Tôi chợt thấy Hà khóc khi gợi nhắc những điều này với tôi. Tôi lại muốn tiếp tục câu chuyện của mình dù việc hình dung lại hành trình đó ngay cả trong lúc bình yên như thế này cũng ép tim tôi đến nghẹt.
***
Đó là một ngày mùa đông. Hành lý tôi mang theo không có gì nhiều ngoài vài bộ quần áo ấm, mấy quyển sách, giấy tờ, tiền bạc và những bức hình con trong điện thoại.
Tôi không dám hôn con trước lúc đi, sợ mình rơi nước mắt, sợ bước đi không đủ quyết liệt. Tôi hôn nhẹ lên trán vợ nói với cô ấy tôi sẽ đi hai tuần.
- Thời gian qua, em hiểu rằng tất cả những gì anh có thể làm chính là cho em và con. Anh đã cùng em gánh vác mọi đau khổ, muộn phiền. Anh đừng lo lắng, em sẽ tự thu xếp được mọi thứ.
Mai mỉm cười, nụ cười ấy khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm và an lòng hơn. Chuyến bay hơn hai giờ mang tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội gặp gia đình Gia Bảo.
Lạnh chín độ C! Chiếc áo khoác mỏng của mùa đông phương Nam không đủ giúp tôi ấm áp. Tôi tấp vào một quầy quần áo mua vội chiếc áo khoác dày. Tôi đặt một phòng trong khách sạn La Thành gần nhà anh chị V. để ở.
Đêm ấy, gió mùa Đông Bắc, mưa và quá nhiều thứ khiến tôi không ngủ được. Tôi vừa bất an vừa hy vọng trước cuộc gặp với gia đình Gia Bảo. Tôi ngồi hút thuốc ngoài hành lang, nghe gió về lạnh cắt da thịt. Thực ra, cái lạnh này không thấm thía gì so với những mùa đông tuyết trắng khi tôi còn du học ở Nga. Nhưng tôi vẫn run lên cầm cập dù đã mặc hai lớp áo khoác. Tôi dập điếu thuốc, vào phòng tìm trong ba lô cuốn sách để đọc thì bất ngờ tìm thấy Kho báu mặt trời của Mikhail Prishvin. Có lẽ Mai đã chuẩn bị cho tôi trước lúc đi.
Tôi ngồi dậy, lưng tựa thành giường, tivi phát chương trình gì đó tôi không còn hay biết sau khi trang sách đã mở ra.
“Trong ngôi làng cạnh Đầm Lầy Lạc Lối, gần thành phố Rừng Cây Nổi Danh có hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Mẹ chúng ốm chết, cha chúng hy sinh trong chiến tranh Vệ quốc”. Câu chuyện được mở đầu như một truyện cổ tích xoay quanh hai đứa bé Naschia và Michia, hai đứa trẻ mồ côi. Đó là một cuốn sách không liên quan gì đến chủ đề tôi quan tâm. Trong một buổi sáng mùa xuân, khi những ngọn núi vẫn còn phủ đầy tuyết trắng, Naschia và Michia rủ nhau đi tìm quả việt quất và săn chim đa đa. Nhưng hai đứa bé đã không thống nhất được hướng đi nên mỗi đứa chọn cho mình một con đường để tìm thứ mình muốn. Rồi không chỉ tìm thấy được “Chốn Tuyệt Hảo” như lời đồn đại, hai chị em còn tìm được cả một “Kho báu mặt trời”. Và lớn lao hơn, là qua những thử thách diễn ra trên suốt hành trình, cả hai đã tìm thấy kho báu của lòng yêu thương, sự dũng cảm và tình bạn.
Tôi mất một lúc để hình dung dụng ý của Mai khi bỏ cuốn sách này vào ba lô của tôi. Tôi nhỏm dậy, pha một tách trà cho mình.
Như một sự giác ngộ, tôi đã lạc vào một khu rừng rậm mấy tháng nay, loay hoay mãi không có lối ra. Nỗi buồn chán ngấm ngầm ăn mòn ý chí của tôi, còn sự tuyệt vọng như con thú dữ tàn phá niềm hy vọng trong tôi. Tôi đặt cuốn sách xuống, trước mắt tôi là hành trình đi vào khu rừng rậm của hai chị em Naschia và Michia và nó hoàn toàn không đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng. Ở đó, không phải chỉ có những loài thú dữ, những loài cây ăn thịt người hay những đầm lầy đen tối nuốt chửng những kẻ bộ hành xấu số. Ở đấy là cả một thế giới rộng mở chờ con người khám phá.
Tôi bị lạc hay chính tôi không thật sự tìm một lối thoát khỏi khu rừng rậm ấy? Tôi đã sợ hãi ngay từ đầu và để cho cỏ dại, những đám dây leo um tùm quấn lấy mình, tâm trí tôi bất định, tôi mọc rễ tại đó không dịch chuyển được. Tôi không thấy trời xanh trên đầu, không thấy những buổi sớm mai rực rỡ, không thấy hoa cỏ li ti dưới chân và đêm tối, tôi không trông thấy bầu trời đầy sao. Tôi chỉ thấy bóng đêm hãi hùng.
Tôi cởi áo khoác, sự giác ngộ làm cơ thể tôi ấm nóng như đang trong một cơn sốt. “Có những người hay đồn nhảm, cứ đem những con thú ra để dọa dẫm trẻ em và khiến chúng nghĩ rằng nếu vào rừng mà không đem theo súng thì sẽ bị lũ thú rừng ăn thịt, chỉ còn lại mỗi xương với sọ”. Tôi - một người cha có con tự kỷ - đã tự hù dọa bản thân trước khi sự nguy hiểm của chứng tự kỷ kia trấn áp mình. Mà không, bản thân chứng tự kỷ không thể trấn áp nổi tôi, cũng chính là tôi đã chùn bước trước khi thực sự đối mặt với tất cả.
Nhưng có một sự tổn thương nội tại diễn ra trong tôi, thoáng chốc khiến tôi khó thở. Tôi đang làm mất đi thời gian quý báu của con mình. Điều đó thật sự không được tái diễn nữa. Cuộc gặp ngày mai rất quan trọng đối với tôi. Tôi phải bắt đầu từ đâu và phải làm thế nào để bố mẹ Gia Bảo có thể tin tưởng và chia sẻ với mình? Tôi biết đến gia đình Gia Bảo qua lời giới thiệu của một bác sĩ trong Bệnh viện Nhi Đồng 1, rằng những nút thắt của tôi có thể được gỡ ra từ kinh nghiệm của một gia đình tự can thiệp con thành công.
Thực ra, cuốn sách kia còn nhiều câu chuyện khác nữa nhưng tôi chỉ muốn đọc duy nhất câu chuyện đầu tiên đó mà không còn muốn đọc thêm bất kỳ trang nào nữa, kể cả những cuốn sách tôi đã chuẩn bị cho mình. Giống như trong đêm tối, bạn chỉ cần định vị của một thứ ánh sáng nào đó để tìm được lối về là đủ.
Tôi chìm vào giấc ngủ rất nhẹ nhàng, như thể cả trăm năm mới được giấc ngủ ngon đến vậy.
Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc vẫn lao xao.
***
Cậu bé ấy xốc ba lô lên vai, gật đầu chào bố mẹ và vị khách lạ (là tôi) rồi lên xe, đạp những vòng từ tốn ra phía cổng để đi học. Không ai chạy theo, bố mẹ cậu điềm nhiên ngồi rót trà đãi khách. Tôi ngờ ngợ nhìn theo rồi nhìn qua chủ nhà. Anh cười lớn nói:
- Em định hỏi đây có phải cậu bé tự kỷ điển hình mà em nghe nói, đúng không? Chính là nó đấy!
- Vâng, em thấy con bình thường quá.
- “Bình thường quá”, nếu đây là một cậu bé bình thường thì cụm từ đó có thể gây tổn thương cho mọi ông bố bà mẹ, nó cũng giống như câu nói: “Có gì đặc biệt đâu, có gì phải nói đến đâu”. Nhưng với chúng ta, từ “đặc biệt” mới đáng sợ làm sao. Chúng ta chỉ mong được nghe “cháu nó bình thường quá”. - Mẹ Bảo vừa đưa cốc trà nóng cho tôi vừa nói.
Chị cho tôi xem những hình ảnh đầu tiên của Bảo. Một cơn ớn lạnh xộc thẳng từ đỉnh đầu đến gót chân tôi. Đôi mắt vô hồn, tư thế nằm nghiêng ngắm những cái chai được xếp thẳng hàng, đôi chân nhón gót,… giống hệt Hoàng Yến. Tôi bần thần như người bị rơi vào cơn sốc ánh sáng sau khi đã trú ngụ trong hang tối quá lâu. Quá nhiều cảm xúc xô đến với tôi lúc đó: vừa hy vọng vừa nghi hoặc; vừa thấy như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh mới nhưng vừa thấy như rã rời kiệt sức; thấy như mình đang tiếp xúc với hai người khổng lồ còn bản thân thì bé bỏng quá thể…
Bố Gia Bảo vỗ nhẹ vai tôi:
- Tôi cũng từng như chú, đã rã rời đau khổ, đã tìm kiếm đủ mọi phương cách. Cái thời của tôi ít tài liệu mà bác sĩ hiểu về tự kỷ thì chẳng mấy người. Nhưng bí thế thì mình phải đào, phải đục, phải phá vỡ rồi dọn dẹp để thành đường thành lối thôi, chứ không thể bỏ cuộc được. Tôi không biết những kinh nghiệm của tôi có giúp được gì cho chú không nhưng ít nhất cũng giúp chú có một niềm tin rằng tự kỷ không phải là điều gì quá ghê gớm.
Anh rót cho tôi một ly rượu vang, bảo đàn ông có chút men mới dễ tâm sự.
- Đôi khi trong nhà có một đứa trẻ đặc biệt lại là điều may mắn. Nó làm cho ta phải từ bỏ rất nhiều điều vô bổ và chẳng còn thiết tha với việc phải chứng minh hay chứng tỏ điều gì. Nó khiến ta thấy xương thịt, máu mủ của ta là công trình vĩ đại nhất và chẳng điều gì có thể hấp dẫn ta hơn. Nó đưa ta về gần với bản thể của ta nhất. Chú hãy hình dung thế này. Chúng ta như người lạc lối, sống cho rất nhiều thứ, bơi quá nhiều dòng,… để rồi đến một lúc, cuộc đời thử thách và buộc chúng ta phải lựa chọn giữa trăm điều hấp dẫn khác và đứa con đặc biệt của mình. Nếu chọn trăm điều kia, ta sẽ chấp nhận con là một “sản phẩm lỗi”. Còn nếu sự tự trọng về huyết thống, tình cảm thiêng liêng giữa bố mẹ và con cái không cho phép ta bỏ rơi con thì ta chỉ có thể chọn con mà tạm quên đi trăm điều kia. Dằn vặt, đau khổ, bất đắc chí tôi đều có cả trong thời gian đầu quyết định chọn con. Tôi cố tránh đi những điều gì gợi nhắc về công danh, sự nghiệp. Tôi tránh tối đa các cuộc gặp gỡ và luôn không yên tâm trong các cuộc vui bất đắc dĩ mà mình không tránh được. Sĩ diện của đàn ông lớn lắm chứ, nhưng chú ạ, như một sự tỉnh ngộ, lúc Bảo cất tiếng nói đầu tiên gọi “ba ơi”, tôi mới nhận ra tất cả những gì mình ngấm ngầm tiếc nuối kia đều không làm cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc chính là lúc tôi đã làm gì đó cho Bảo hòa nhập cuộc sống này.
Cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn khiến chúng tôi quên cả giờ giấc. Buổi trưa Bảo về, hỏi bố mẹ đã chuẩn bị xong cơm trưa chưa. Bố mẹ Bảo mới giật mình trả lời con rằng mải nói chuyện với khách nên quên mất. Cậu bé cười nói để con nấu cơm cho, rồi hỏi có nấu luôn phần khách không. Tôi lớ ngớ như người đang cơn say ngủ thì bị ai đó đánh thức dậy. Tôi theo Bảo vào bếp, cậu bé bảo chú lên nhà trên chơi, cháu tự làm được rồi. Bảo vo gạo, bật nồi cơm điện rồi cùng mẹ lặt rau muống, tráng trứng, chiên cá. Mọi thứ gọn gàng mau chóng. Mỗi miếng cơm ăn ở nhà Gia Bảo, tôi nghe trào dâng một niềm hạnh phúc rưng rưng.
Ngôi nhà của bố mẹ Gia Bảo không quá lớn, chỉ khoảng 70m2 nhưng được thiết kế rất hợp lý và có nhiều khoảng xanh. Sách, rất nhiều sách, được đặt lên những chiếc kệ thiết kế lạ mắt. Một ngôi nhà thân thiện, chủ nhân hiếu khách, cách anh chị cư xử với nhau và với khách khiến cho ai đến cũng không cảm thấy xa lạ, ngại ngùng.
Một tuần ở nhà Gia Bảo, tôi như được khai sáng. Mẹ Bảo tặng cho tôi gần như tất cả những đồ dùng mà anh chị đã dùng để dạy Bảo tám năm trước. Bố Bảo hướng dẫn cho tôi làm thế nào để thật sự “nhập cuộc” cùng con, đánh thức những chức năng đang ngủ quên trong con. Anh và tôi miệt mài trong căn phòng khoảng 15m2, thỉnh thoảng có Bảo cùng tham gia. Anh cầm tay chỉ việc, mô tả các hoạt động. Có những ngày chúng tôi quên cả giờ giấc, ăn uống, có khi chợt nhớ ra đã hai giờ chiều mà vẫn chưa ăn trưa. Chị vẫn ngồi bên mâm cơm nấu sẵn đợi, khi thấy chúng tôi bước ra thì đi hâm nóng lại thức ăn.
Như một đứa bé đang học từ cái nhỏ nhất để lớn lên, tôi cố gắng để đầu óc mình “trắng tinh” để tiếp nhận được nhiều nhất những gì bố mẹ Gia Bảo hướng dẫn cho mình. Tôi tiếp thu nhanh như một đứa trẻ ngoan, hiếu học và thông minh. Không chỉ không mong đợi ngày về, tôi thậm chí còn sợ thời hạn một tuần sẽ kết thúc quá nhanh. Nhưng rồi ngày ấy cuối cùng cũng đến.
- Không cần thêm thời gian nữa đâu. - Bố Gia Bảo nói. - Tất cả những gì cần chia sẻ với chú, chúng tôi đã nói hết; còn nhiệm vụ của chú bây giờ, là hãy chọn lọc lại những gì thích hợp với con mình. Chúng ta không ai giống ai, bọn trẻ cũng vậy. Mọi thứ còn phải tùy duyên.
- Khi em bên con nhiều, - mẹ Gia Bảo nói, - con sẽ lớn lên như cách em mong muốn. Đừng quá kỳ vọng nhưng nhất định phải có mục tiêu. Đừng ép con tận sức, còn em thì phải tận sức cho mục tiêu của mình. Đến khi em trao cho con khả năng tự quyết, thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng ngay thôi…
- Nhưng em vẫn còn thiếu kiềm chế trước mọi việc. Có lẽ sai lầm lớn nhất của em là đã nung nấu ý nghĩ ép con phải làm theo mình và vô thức thực hiện điều đó với con.
- Đừng bao giờ nổi giận với bất kỳ ai không hiểu tình trạng con mình vì thực ra họ không cố ý đâu. Mà họ cũng không có trách nhiệm phải hiểu nỗi khổ tâm của mình và mình cũng không thể để cảm xúc tiêu cực làm rộng thêm khoảng cách đang có. Ngay cả việc con không thực hiện được hoạt động nào đó mà mình đã dạy trong nhiều tháng thì đó cũng không phải là lỗi của con. Chúng ta chỉ có thể dạy con tốt nhất khi chúng ta ôn hòa. Rèn mình trước, rèn con sau. Kỳ thực, chúng ta vẫn áp đặt vào trẻ tư tưởng và những mong muốn của bản thân mình, sự chu toàn và một tư tưởng lường trước mọi vấn đề đã không chừa cơ hội, không gian cho con chúng ta lớn. Mãi đến khi Gia Bảo ổn, tôi mới nhận ra một điều rằng: Nếu chúng ta cố gắng tìm kiếm những phương pháp đặc biệt, hoặc một thái độ đặc biệt với đứa trẻ đặc biệt của chúng ta, mãi mãi con chúng ta sẽ ở trong một cái lồng chật hẹp được đặt tên là đặc biệt. Chúng ta đang tìm kiếm cái gì? Sự bình thường, đúng không? Vậy thì hãy gỡ bỏ nhãn cho con đi, hãy xem mọi thứ đang diễn ra và cả thái độ của chúng ta với con bình thường... - Bố Gia Bảo nói.
- Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được yêu thương nhưng không phải yêu thương nào cũng đúng cách. - Mẹ Gia Bảo thêm vào.
Tôi im lặng nhưng đầu óc dường như đã nở giãn ra nhiều chiều.
Ngày cuối ở Hà Nội, bố Gia Bảo nói tôi đừng học gì nữa cả mà hãy quên đi mọi điều anh hướng dẫn, để đầu óc mình trống rỗng lần hai. Anh cũng khuyên tôi hãy xem những ngày vừa qua là khóa học cho riêng mình và tôi phải tạo nên một điều gì đó mới mẻ cho bản thân và cho con gái; đó mới là điều đúng đắn nhất.
Anh nói có biết một quán chuyên bán rượu làng Vân gốc nên đưa tôi ra ngoài uống rượu. Quán nhỏ, không quá đông khách, bàn ghế được kê đủ để khách có không gian riêng tư trò chuyện, chủ quán là một phụ nữ có nhan sắc mặn mà. Anh nói muốn uống rượu ở đây phải đặt trước bởi quán chỉ nhận mỗi đêm chín bàn, mỗi bàn tối đa ba khách, khách đến nói thật khẽ, đi thật nhẹ để tránh ảnh hưởng đến người khác. Mồi nhắm chỉ vỏn vẹn vài ba món: nem rán, chả cá, chả nhái, lòng nướng, nem tai,… Bố Gia Bảo vỗ vai tôi - cái vỗ vai giống lần đầu tiên đến nhà anh:
- Thấy vậy thôi nhưng sẽ nghiện cái nơi này đấy!
Rượu ngon từng giọt, mồi nhắm ngon lạ lùng.
- Chẳng hiểu sao nơi này như có thuốc phiện vậy chú ạ. Nhiều gã nghiện nơi này đến nỗi, dù vợ có nấu y hệt thì gã cũng thấy không ngon được như ở đây.
Những ly rượu nồng không khiến chúng tôi say, chỉ thấy người ấm dần theo từng ly như chống lại cái rét căm căm của Hà Nội. Anh bảo tôi uống đi, những gì cần nói về đứa con tự kỷ và tám năm ròng rã thì anh đã nói trong một tuần qua, giờ đến đây là để hơi men làm lòng mình dịu lại. Dù đã chọn con đường duy nhất ấy, đã hạnh phúc vì lẽ sống của mình đang ngày càng khởi sắc nhưng tận sâu trong tâm hồn mình, người đàn ông ấy vẫn thèm khát lao ra bên ngoài để chinh phục cả thế giới. Dù vậy, tôi hiểu anh cũng chẳng phải là người yếu đuối bởi nhờ có rượu anh mới dám giãi bày như thế này.
Mắt anh như có nước khi nói về nỗi nhớ với những công trường của mình. Là kỹ sư xây dựng, anh nhớ những ngày nắng dãi mưa dầu lăn lộn từ công trường này sang công trường khác. Tám năm, cũng có lúc không kiềm nổi lòng mình, anh phóng xe đi tìm những công trình đang thi công để ngửi mùi của xi măng, gạch đá và nghe âm thanh máy nện cừ cho đỡ nhớ.
- Vợ mình chẳng bao giờ biết được những điều đó! Mà thật sự là không nên biết.
Chúng tôi chạm cốc. Ly rượu cạn đến tận đáy. Tôi nói với anh ba tháng nghỉ việc, thú thực rằng tôi cũng cuồng chân và nhớ nơi làm việc. Sự gặp gỡ giữa tôi và anh như một cái duyên, ngay cả công việc cũng tương đồng gắn kết.
Chai rượu cạn tận đáy, giờ thì cả hai đã chuếnh choáng hơi say. Anh cười:
- Chớm say là về được rồi. Lần sau, bọn trẻ khá lên, mình say thật, nhỉ?
Gần mười hai giờ đêm, chúng tôi về tới nhà. Đêm ấy, tôi không về khách sạn mà được chị trải cho một tấm nệm để ngủ cùng anh giữa nhà.
Tôi rời Hà Nội vào trưa hôm sau. Hành lý gọn nhẹ khi đi của tôi trở nên kềnh càng khi mang về bao nhiêu là học cụ mà anh chị đã làm ngày xưa cho Bảo và giờ thì tặng lại cho tôi.