N
gay cả khi kể lại câu chuyện này với Hà, tôi cũng bảo Hà đừng nhìn vào mắt tôi. Sự soi thấu của cô ấy sẽ khiến cái tôi của người đàn ông trở nên yếu mềm khi nhớ lại những tháng ngày đặc biệt đó. Tôi cũng nói với Hà rằng tôi không mưu cầu sự nổi tiếng hay bất kỳ sự thừa nhận nào. Chỉ cần đích đến cuối cùng là con tôi được sống một đời sống bình thường thì dẫu có đánh đổi cả cuộc đời, tôi cũng mãn nguyện.
Tôi sẽ đánh dấu từng ngày, bắt đầu từ lúc tôi trở về nhà sau đêm xách túi bỏ đi.
Ngày thứ nhất
Sáu giờ sáng tôi trở về nhà với bó hoa hướng dương trên tay. Tôi chuẩn bị những lời tạ lỗi với vợ và quyết định không đến công ty hôm ấy. Vợ tôi đã chuẩn bị sẵn bữa sáng, Hoàng Yến vẫn còn đang ngủ. Cô ấy mặc một bộ đồ đẹp, nhà cửa sạch sẽ và trên bàn là món ăn tôi ưa thích: miến gà. Tôi lặng đi, trong đầu nghĩ đến “bản án” của vợ tôi đêm qua và nghĩ rằng bữa sáng này như… bữa ăn cuối cùng dành cho kẻ tử tù. Ngay sau đó, vợ tôi chắc sẽ xách chiếc va li đã xếp sẵn quần áo, một ít vật dụng cá nhân rồi lạnh lùng tống khứ tôi ra khỏi nhà bởi những tội lỗi tôi gây ra cho cô ấy và con trong thời gian qua. Tôi nhìn bó hoa, không biết đặt nó vào đâu, rồi nghĩ đến bức thư nằm trong cặp, thấy nó có thể là một cái phao nên vội nói:
- Hôm qua anh có viết thư cho con. Cả đêm anh chỉ nghĩ đến em và con.
Vợ tôi phì cười.
- Anh cắm hoa đi, em đã bỏ những cành hoa cũ rồi. Nhìn anh buồn cười quá. Thư em sẽ đọc sau. Giờ mình ăn sáng đã.
- Em không giận anh đấy chứ?
- Bão tan rồi mà anh.
Vợ tôi đứng yên đó, gương mặt an nhiên, hiền lành.
- Cái đó em bỏ sọt rác rồi chứ? - Tôi cố gắng tránh nhắc ba từ “Đơn ly hôn”.
- Đơn ly dị phải không anh? - Giọng cô ấy đột nhiên trở nên lạnh lùng.
- Biết ngay là bữa cuối cho tử tù. - Tôi lẩm bẩm rồi thẫn thờ đặt bó hoa trên bàn.
Cô ấy cầm tờ phán quyết đó đặt trước mặt tôi và nói:
- Anh ký đi!
Tôi lảng tránh không nhìn thì cô ấy lại nói:
- Nếu anh không ký lá đơn này, em sẽ bế Hoàng Yến ra khỏi nhà ngay lập tức, để lại tất cả cho anh.
- Không còn cách nào khác sao em? Anh sẽ thay đổi… Anh hứa.
- Không còn cách nào khác, anh mau ký đi.
Tôi nhìn vợ, khuôn mặt cô ấy lạnh lùng, ánh mắt quyết liệt khiến tôi phải nhìn vào tờ giấy trước mặt:
“Em không cần sắm thêm nữ trang, mỹ phẩm, quần áo để anh không phải vất vả kiếm thêm tiền bên ngoài. Nhà chúng mình nhỏ nhưng ấm áp. Bữa ăn không cao sang nhưng sum vầy. Chúng mình không cần nhà rộng, xe sang, nhiều mối quan hệ. Chúng mình có thể mất đi nhiều cơ hội để tiến thân, giàu có nhưng không thể để mất Hoàng Yến khi con đang trong vòng tay mình.
Em và con, yêu anh, cần anh”.
“Bản án” chỉ vẻn vẹn như thế. Tôi đứng lên, ôm chặt lấy vợ, người phụ nữ bản lĩnh, độ lượng, giàu tình yêu của tôi.
Ngày thứ hai
Lòng độ lượng của Thùy Mai, vợ tôi, khiến tôi thấy mình thật nhỏ bé và vô cùng hổ thẹn.
Ngày thứ hai sau “bản án” dịu dàng kia, tôi quanh quẩn ở nhà và không muốn đi đâu nữa. Tôi dọn chỗ này, dẹp chỗ kia, sắp xếp lại mọi thứ trong nhà. Tôi lên google gõ mấy chữ “tài liệu tự kỷ”, con số 1.220.000 kết quả làm tôi hoang mang. Tôi vồ vào đọc, hết cái này đến cái khác, chú tâm đến độ quên hết mọi thứ xung quanh. Càng đọc, tôi càng rối bời… Mọi thứ lẫn lộn vào nhau, cái này mắc vào cái kia. Càng đọc càng tuyệt vọng bởi tự kỷ là hội chứng kỳ lạ, nằm ngoài sự hiểu biết của con người và khả năng can thiệp của y học. Hoàng Yến gặp hiện tượng thoái lui trong tự kỷ.
Lần này tôi gục xuống bàn, bật khóc.
Không lối thoát!
Tôi loạng choạng đứng dậy. Nhìn thấy Mai bất lực ôm Hoàng Yến đang giãy giụa cào cấu, tôi chỉ muốn lao đầu vào tường.
Ngày thứ ba
Tôi quyết định xin nghỉ ba tháng không lương ở nhà chăm con cùng Thùy Mai. Tôi thay Mai đưa con đến trường chuyên biệt rồi ở lại đọc sách trong thời gian chờ con. Nhưng đến trưa, không yên tâm, Mai lại đến trường để xin vào cho Hoàng Yến ăn vì chẳng ai có thể cho con ăn được, ngay cả tôi. Tôi nói Mai đừng về nữa, nhà cũng không gần, hãy ở lại cùng đợi con. Tôi muốn chở Mai đi đâu đó cho cô ấy khuây khỏa trong lúc đợi đón con nhưng Mai không muốn đi đâu cả. Cô ấy muốn đọc sách và tìm cơ hội để được nói chuyện với vị tiến sĩ cũng là hiệu trưởng trường chuyên biệt để hỏi cách chăm và dạy con.
Trước cổng trường có một quán cà phê mà khách hàng đa phần đều giống vợ chồng tôi. Những gương mặt rầu rĩ, mệt mỏi; những đôi mắt đau đáu nhìn vào cánh cửa đã đóng của trung tâm, chờ đợi để được vào khoảng mười lăm phút trong giờ ăn nếu con khó ăn khó uống.
Họ, có người đã ròng rã đưa con đến nơi này bốn năm, ba năm, hai năm, vài tháng hoặc mới toanh như tôi. Có người thì con có tiến bộ nhưng vẫn không thể hòa nhập được, có người dù con không tiến bộ nhưng vẫn phải gởi vì không biết đưa con đi đâu hay làm gì để giúp con được cả; có người hy vọng con trở lại cuộc sống bình thường, có người buông xuôi bảo đến đâu thì đến,… Tôi như người kiệt sức trong câu chuyện của họ, ánh mắt của vợ tôi hoang mang tột độ. Nhìn vào cổng trường đã đóng, tôi không rõ mình hy vọng hơn hay tuyệt vọng hơn, chỉ có một cảm giác nặng trĩu ghì tôi xuống…
Ngày thứ ba mươi
Tôi gầy đi hai ký, Mai cũng gầy đi nhiều, hốc hác thấy rõ. Còn Hoàng Yến thì teo tóp vì trước đó con đã rất gầy rồi.
Vào ngày cuối cùng của tháng thứ nhất, tôi gặp được vị tiến sĩ - hiệu trưởng ngôi trường Hoàng Yến đang theo học. Khi ông ấy hỏi về tình trạng của con, tôi cố tìm những chuyện tốt nhất của con và cố chứng tỏ con không hề có dấu hiệu gì đó bất thường cho đến lúc mười sáu tháng tuổi. Tôi cũng kể lan man về việc chúng tôi yêu con như thế nào, con không hề thiếu thốn gì dù tôi không gần vợ con cho đến khi con gần hai tuổi. Ông ấy nhìn thẳng vào tôi và nói ông không thể tư vấn được gì thêm nếu tôi cố che giấu những câu trả lời thật sự bởi điều đó chỉ khiến tình trạng Hoàng Yến nặng hơn mà thôi. Câu nói của ông khiến tôi vừa bừng tỉnh vừa xấu hổ. Tôi bắt đầu kể về Hoàng Yến, tất cả những gì tôi thấy và cảm được.
Ông im lặng lắng nghe, chỉ hỏi thêm một vài câu rằng tôi phát hiện con bất thường từ lúc nào, tôi đã làm gì lúc đó hay khi nhận kết quả đánh giá con và những hướng dẫn sau đó của các chuyên viên, tôi đã bắt tay vào cuộc để hỗ trợ con chưa. Đến câu hỏi cuối thì tôi lúng túng vì thực sự tôi chưa thật sự vào cuộc kể từ khi nhận kết quả đánh giá. Đã sáu tháng trôi qua!
Ông ấy (lại) nhìn thẳng tôi. Ôi, những cái nhìn thẳng như trói buộc, bắt buộc tôi phải đối diện mà không có cách nào tránh né.
- Thời gian trôi đi, con bé sẽ lớn lên và cơ hội sẽ ít dần đi. Đối với một người đàn ông mà nói, sáu tháng cho một cơn khủng hoảng tâm lý là quá dài bởi đây chính là lúc vợ con anh cần anh hơn bao giờ hết. Khi không có điểm tựa, mọi thứ đều có thể đổ vỡ một cách dễ dàng. Các rối loạn của con anh có tiến triển hay không đều phụ thuộc vào sự quyết tâm đến cùng hay nửa vời của cha mẹ nó. Các chuyên viên của tôi sẽ không giúp được gì nhiều cho con anh nếu vợ chồng anh không thực sự bắt đầu. Ngoài ra, điều đó còn phụ thuộc vào việc phải phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nữa.
- Thế nào là sớm? Ông có thể nói rõ hơn không?
- Phát hiện sớm và can thiệp sớm là những yếu tố quyết định quan trọng đối với quá trình của rối loạn phổ tự kỷ. Hiểu bao quát thì nó qua ba giai đoạn: Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và can thiệp sớm. Can thiệp trước ba tuổi thì gọi là sớm. Nó kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ đồng thời khắc phục được những khuyết tật của trẻ. Có thể xem đây là quá trình can thiệp tích cực và quan trọng để chuẩn bị cho quá trình hòa nhập của con.
- Liệu như con tôi phát hiện vào lúc hai mươi bảy tháng có được xem là sớm không? Như vậy có hy vọng không?
- Tại sao không hy vọng? Bất kỳ lúc nào trẻ được can thiệp cũng được hiểu là “kịp” theo một nghĩa nào đó. Dĩ nhiên, con anh được phát hiện và can thiệp vào lúc hai mươi bảy tháng sẽ trễ hơn khi bé được phát hiện và can thiệp từ mười hai tháng. Tuy nhiên, việc phát hiện và can thiệp sớm cũng chưa đảm bảo trẻ được hòa nhập hoàn toàn nếu không xác định con đường đi đúng. Nghĩa là không phải chỉ sớm thôi mà còn đúng và đủ nữa. Cơ hội của nhiều bé đã bị bỏ qua khi gia đình bỏ qua thời điểm can thiệp lý tưởng hoặc chưa bắt đầu can thiệp thì đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, với sự kiên trì nỗ lực của cha mẹ cùng với kiến thức về các phương pháp giáo dục đặc biệt dùng để can thiệp trẻ tự kỷ mỗi ngày thì dù bé có qua “giai đoạn vàng”, tức là giai đoạn trước năm ba tuổi thì bé vẫn có những tiến bộ rất đáng kể.
- Nếu vợ chồng tôi tích cực hỗ trợ và con tôi được học ở các thầy cô ở đây, thì nó sẽ khỏi bệnh tự kỷ chứ?
- Anh cần biết tự kỷ không phải bệnh tâm lý hay do cha mẹ thờ ơ với trẻ mà là rối loạn chức năng của não bộ. Tôi không dám cam kết với anh rằng con anh có thoát tự kỷ hay không, nhưng bé sẽ tiến bộ nếu anh cùng các thầy cô ở đây hợp tác giúp bé. Anh cũng nên hiểu sự giúp đỡ của các chuyên gia là rất cần thiết, nhưng cha mẹ mới là người giáo viên tốt nhất của con, chỉ có cha mẹ mới hiểu, cảm thông và đi hết cuộc đời con.
“Cơ hội hòa nhập cao hơn”, mấy từ đó của ông ấy khiến nỗi tuyệt vọng của tôi bớt u tối đi. Có một ngọn lửa nhỏ đã được thắp lên.
Ngày thứ ba mươi mốt
Tôi kể với vợ về cuộc nói chuyện của tôi với vị tiến sĩ, đôi mắt cô ấy rực sáng, gương mặt héo hắt tươi tỉnh lên chút ít, giống như một cái cây cố cắm rễ sâu vào lòng đất nhưng mạch nước thì cứ trốn biệt, khi chút nhựa duy trì sự sống đang bị mặt trời hút sạch thì bỗng dưng có một cơn mưa nhỏ kéo đến. Dẫu chỉ đủ làm ẩm mặt đất rồi nhanh chóng bốc hơi nhưng cũng đủ để dòng nhựa chảy khắp thân cây.
Đêm đó, dẫu vẫn phải chở Hoàng Yến lang thang trên các con phố đến khi con ngủ say mới về nhà, nhưng vợ chồng tôi cũng được vài tiếng ngủ không giật mình. Lâu quá, hơn sáu tháng, chúng tôi mới có được giấc ngủ ngon.
Nếu mọi thứ thuận lợi, êm đềm và tự kỷ - dù dữ dội như dông tố thì cũng sẽ tan rồi trời lại sáng và nắng lại lên thì tôi chẳng để Hà kể lại câu chuyện này của gia đình mình. Mọi việc khó khăn hơn tôi tưởng và tâm trạng con người thì lên xuống như đồ thị hình sin. Cơn mệt mỏi bất định làm trái tim tôi luôn cảm thấy đau đớn, tựa như bàn tay ai đó thò vào lồng ngực siết lại. Trong chúng tôi tồn tại một khối căng thẳng sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, còn sức chịu đựng thì mỏng như da quả bóng bay đã thổi nhiều lần.
Thực tế xung quanh liên tục “tấn công” vào trí não chúng tôi, khiến tôi cảm thấy như mình đang tham gia vào trò chơi nguy hiểm. Mỗi ngày, mấy chục phụ huynh đứng đợi con trước cổng trung tâm chỉ mong chờ lúc đón về, con biết chạy ra với cha mẹ, biết đưa tay “bái bai” cô vậy là đủ mừng rồi.
- Hai năm nay tôi chỉ mong con gọi “mẹ ơi” là thỏa nguyện rồi. - Một chị ngồi gần nói. - Tôi gởi con vô trung tâm rồi buôn bán bánh trái để kiếm sống qua ngày. Làm gì cũng được, cực nhiêu cũng được, chỉ cần quanh quẩn bên con. Giờ con tôi sáu tuổi rồi, chỉ cần nó gọi “mẹ ơi” thì đổi mấy năm cuộc đời tôi cũng đổi.
- Chỉ cần gọi “mẹ ơi” thôi sao chị? - Vợ tôi hoang mang hỏi.
- Thì mong gì hơn khi nó không biết gì? - Chị quay sang nhìn vợ tôi trả lời.
- Thực ra thì ai cũng mong con mình tiến xa hơn. - Một anh trầm ngâm nói. - Nhưng chờ mãi không được thì mong cái nhỏ thôi, còn hơn là chẳng có chút hy vọng gì.
Bỗng chốc, vợ tôi thảng thốt nhìn về phía cổng trường, mặt cô ấy trắng bệch nói không ra hơi:
- Anh,… như thế này không ổn cho Hoàng Yến rồi… Không thể như thế được anh ơi.
Tôi nắm chặt lấy tay vợ an ủi cô ấy hãy yên tâm, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Cô ấy bấn loạn, hai tay đan chặt vào nhau, người nhấp nhỏm chực lao vào trường mang con về. Tôi vội kiềm cô ấy lại:
- Em phải tin con tiến bộ, mọi thứ sẽ khác đi thì con mới có cơ hội và chúng ta mới có thêm sức lực. Mọi thứ sẽ ổn thôi.
Tiếng tôi trôi đi trên sắc mặt mệt mỏi của Mai. Mọi người xung quanh chẳng ai nhận ra Mai bất ổn, hoặc cũng có thể nhìn thấy nhưng họ vốn đã sống quen với những cảm giác như vậy nên thấy mọi thứ thật bình thường. Mai chịu đựng sự khó chịu của mình bằng cách vùi mặt đọc một cuốn tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tự kỷ. Trang sách mãi không được lật sang, dường như ánh mắt cô ấy chỉ đang mượn tạm chỗ để ngăn nước mắt thôi chứ không phải để đọc.
Buổi chiều hôm đó trôi qua thật nặng nề…
Lúc đón Hoàng Yến về, con bé vẫn không thể ngồi yên sau xe mà luôn trong tư thế sẵn sàng lao xuống đường. Con la hét inh ỏi mỗi khi dừng đèn đỏ khiến mọi người xung quanh nhìn chúng tôi như thể những kẻ bắt cóc.
Tôi không thể lạc quan được khi khản cổ gọi mà con vẫn không quay lại. Thùy Mai cố gắng chơi cùng con một món đồ chơi nhưng con thờ ơ không đáp lại. Cô ấy cũng không thể cho Hoàng Yến ăn bởi sự chống đối kịch liệt của con bé. Cách Mai cho con ăn thật ám ảnh: chân cô ấy vắt ngang kẹp chặt con ở giữa, một tay đỡ lấy mặt con, một tay đút cháo (thực ra đã xay nhuyễn như bột) đổ vào miệng con. Bữa ăn giống như cuộc chiến mà cả hai đều thất bại.
- Em phải làm thế nào bây giờ hả anh? Em phải làm thế nào? Em không chỉ muốn con gọi cha ơi, mẹ ơi, biết chào hỏi,… mà em còn muốn nhiều hơn thế. Con có thể tự phục vụ, được đến trường như bao trẻ khác, được có tuổi thơ, được lớn lên. Nhưng con như thế này thì em phải làm thế nào? Anh ơi cứu em.
Mai kêu lên thống thiết, còn tôi như khụy xuống chân cô ấy. Lời kêu cứu của Mai lay động đến từng tế bào trong tôi nhưng tôi như một kẻ vô dụng, hoàn toàn bất lực trước lời kêu cứu của vợ con mình. Tôi phủ phục xuống ngay tại chỗ cô ấy ngồi, im lặng.
Hoàng Yến của tôi vẫn đang xếp những cái chai theo một đường thẳng và nằm hẳn xuống dưới sàn say đắm ngắm đường thẳng vô tri ấy.
Ngày thứ bảy mươi
Xung quanh trường có một dãy trọ cho những người ở xa đến ở. Những căn phòng u buồn, đơn sơ vài vật dụng. Mỗi khi gởi con xong, có người ra chợ buôn bán kiếm tiền, có người làm thuê cho một cơ sở nào đó. Cuộc sống chắp vá và u buồn. Khu trọ ấy, từ khi tôi biết, luôn có người mới bởi nhiều người không trụ được vì không kham nổi chi phí gấp ba, bốn lần ở quê mà dù làm lụng cật lực, họ cũng không đủ tiền trang trải.
Một lần, khi chở phụ ít đồ đạc ra bến xe, anh Hoàng - cha một cậu bé tự kỷ - bảo với tôi rằng anh bỏ cuộc rồi.
- Thương con lắm nhưng tôi còn những đứa con khác ở quê, không bỏ được. Thì thôi, số phận con đã vậy, về nhà rau cháo nuôi nhau, được đến đâu thì đến. Bám trụ ở đây nửa năm trời mà con cũng không khá gì hơn. Bác sĩ nói bệnh này không có thuốc chữa thì có cố gắng hơn chưa chắc con đã trở lại bình thường.
Anh Hoàng ứa nước mắt khi nói câu đó với tôi. Cậu con trai mười tuổi của anh ngô nghê đi bên cạnh. Anh mang con lên đây vì ở nhà, vợ anh còn chăm hai con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới hơn một tuổi. Tôi muốn khuyên anh hãy lạc quan lên, rằng phải có đường nào đó cho con chứ chẳng lẽ chịu để mất con hay sao, nhưng sợ anh hỏi rằng con đường đó ở đâu để đi tìm thì tôi chẳng thể có câu trả lời. Chúng tôi bắt tay nhau, siết chặt, không biết là để chia sẻ hay để động viên nhau. Có những cái bắt tay của những người cha dù rất chặt nhưng không giấu đi đâu được nỗi hoang mang đang giày xéo trong lòng.
Không thể để mình chìm trong tuyệt vọng, tôi cố gắng tìm mọi thông tin cần thiết cho mình. Tôi âm thầm kiếm một công việc tự do và nộp đơn thôi việc. Tôi chuẩn bị một chuyến đi tìm các bậc cha mẹ có con tiến bộ để học hỏi và tìm một con đường nào đó tươi sáng hơn con đường mà chúng tôi đang đi.
Tôi không nói gì với Mai, chỉ giải thích ngắn gọn rằng sau vài tháng xin nghỉ không lương thì giờ tôi phải đi làm lại và sếp phân công một chuyến công tác quan trọng.