T
ôi thật sự sợ những câu hỏi của mọi người về con tôi. Tôi không biết phải nói gì về đứa con tự kỷ của mình. Tôi quá khó chịu trước sự dòm ngó từ những người mà sự tò mò hiếu kỳ nhiều hơn là chia sẻ. Tôi trở nên nhạy cảm đến mức bất kỳ ai kể về con họ với những xuýt xoa khen ngợi tự hào vì con ngoan con giỏi, tôi cũng ngỡ họ ngầm đả kích, mỉa mai, chê cười, móc méo gì đó đến con tôi. Tôi có thể nổi nóng ngay khi ai đó nói rằng con tôi không bình thường và hãy đưa đến trường chuyên biệt.
Dĩ nhiên, như rất nhiều đứa trẻ tự kỷ ở thành phố này, chẳng còn giải pháp nào tốt hơn cho Hoàng Yến là gởi con đến trường dành cho trẻ khuyết tật. Con tôi được gởi vào trường chuyên biệt có tiếng trong thành phố với hy vọng nó sẽ khá hơn. Nhưng thời gian trôi đi như trêu ngươi khi tôi vẫn không thể ổn định được, còn con gái tôi thì mất dần tiếng nói rồi trở nên im bặt. Mọi thứ vẫn quá khó khăn với Hoàng Yến.
Không khí gia đình tôi trở nên ngột ngạt. Chúng tôi dễ dàng bực mình, đổ lỗi cho nhau. Sự kiềm chế của cả hai đều vô cùng kém. Tôi tránh trạng thái đó bằng lý do công việc. Nhưng không phải tôi hoàn toàn không nghĩ gì đến gia đình. Hình ảnh đứa con tội nghiệp luôn ẩn hiện trong đầu tôi kể cả khi tôi bận rộn nhất. Tôi bất lực, căm ghét trạng thái đó của mình nhưng không thể tìm ra cách giải quyết. Khi con ngủ, tôi len lén thơm lên mái tóc của con, đôi mắt nhắm nghiền để ngăn dòng nước mắt. Tôi cố dỗ dành mình rằng trạng thái này chỉ tạm thời thôi, rằng chúng tôi đã quan tâm các cô giáo của Hoàng Yến rất chu đáo nên con sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn. Ý nghĩ đó đánh lừa tôi để tôi tạm thời quên đi sự vô trách nhiệm của mình. Nhưng cảm giác tồi tệ vẫn còn nguyên, nó chỉ tạm thời được nén xuống và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Không biết tôi sẽ ngập lụt trong sự hoang mang, lo lắng và cả xấu hổ đến bao giờ nếu không có ngày vợ tôi đề nghị ly dị bởi cô ấy không thể chịu đựng được sự vô trách nhiệm của tôi thêm nữa.
Đêm hôm đó, chúng tôi cãi nhau kịch liệt. Tôi xách túi bỏ ra ngoài thuê một phòng khách sạn cách nhà chừng mười ki-lô-mét để ở.
Tôi gọi một chai rượu vào phòng với hy vọng uống say rồi sẽ dễ ngủ hơn. Nhưng uống gần nửa chai mà tôi vẫn chẳng thể say, tâm trí của tôi để ở nhà, nơi con gái đang ngủ và vợ tôi hẳn đang đau khổ. Tôi mở màn hình điện thoại ra ngắm con gái, khi con ra đời, lúc con biết lật, biết bò rồi lẫm chẫm biết đi,… Tôi bật dậy, hoàn toàn tỉnh táo, một cảm giác đau nhói xông thẳng vào tim, tiếng khóc ngày con chào đời như vọng về bên tai. Tôi muốn về nhà ngay lúc đó - hai giờ đêm. Nhưng tôi đã kịp nán lại với ý nghĩ hãy để vợ có thời gian suy nghĩ lại mọi chuyện.
Nằm lại trong phòng khách sạn, tôi hình dung ra con đường đi cùng với con. Nó không hiện rõ ngay lúc đó mà chỉ thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm thức tôi. Tôi chưa biết mình sẽ đi bằng cách nào, chỉ biết chẳng còn lựa chọn nào khác, hoặc tôi từ bỏ gia đình, quên đi việc mình đã có đứa con tự kỷ; hoặc giữ lại tất cả và làm mọi thứ cho những yêu thương đã thuộc về mình.
“Con gái của cha!
Cha quá nhớ ngày con chào đời. Cha đón con từ phòng sinh, ôm con trong lòng mà nỗi xúc động khiến cha không kiềm được nước mắt. Cha say sưa ngắm con. Ôi bàn tay bé bỏng níu lấy ngón tay cha; đôi mắt nhắm nghiền chưa rõ giống ai nhưng cha hình dung hẳn rồi đôi mắt ấy sẽ long lanh sáng ngời như mắt mẹ, sống mũi cao thẳng sẽ giống cha,… Cha lâng lâng hạnh phúc vì con đã đến. Cha quên bẵng mọi việc cho đến khi bà nội nhắc mới sực nhớ chạy đến phòng hậu sinh để đón mẹ.
Hoàng Yến, tên cha đặt cho con như thế. Tên con xuất phát từ giấc mơ ngày mẹ cấn thai, cha mơ thấy con chim yến quý phái, nhỏ bé đến đậu, làm bừng sáng cả khu vườn. Khi nó cất bánh bay, dáng vẻ khoan thai, mềm mại và đẹp đẽ vô cùng. Sáng hôm sau, cha chở mẹ con đi siêu âm thì biết con là con gái. Cha nhớ giấc mơ đêm trước, bèn đặt tên con như thế với mong ước sau này con được sung sướng, hạnh phúc.
Ngay lúc này, trái tim cha chợt nhói lên. Cha cảm thấy ngộp thở bởi tình yêu thương dành cho con mà bấy lâu nay cha cố tự đánh lừa mình để trốn chạy khỏi những sự sợ hãi đang trỗi dậy trong cha. Tâm thức dẫn cha đến những ngày cha mẹ yêu nhau rồi vượt qua biết bao trắc trở từ phía hai bên ông bà nội ngoại để được cưới nhau. Cưới xong thì cha phải đi làm xa, vài tháng mới về một lần. Cha mẹ chờ mong con biết bao nhiêu, nhưng sau ba năm mẹ về với cha mà con vẫn chưa đến. Cha áy náy với những chuyến đi biền biệt, tự trách mình chẳng thể chăm sóc, gần gũi mẹ nhiều hơn, còn mẹ thì luôn cảm thấy có lỗi. Thế rồi, vào cuối tháng Sáu, khi cha chở mẹ đi làm, bỗng dưng mẹ bị choáng, cha đưa mẹ vào bệnh viện và… bác sĩ thông báo cha có con.
Cha phải hỏi đi hỏi lại đến mấy lần để xác nhận thông tin. Cha không reo mừng, chỉ có niềm hạnh phúc khiến cha thấy như mình đang trong một giấc mơ. Trái tim cha rung động mãnh liệt ngay lúc đó, con ạ, và cha có cảm giác con đã tượng hình trong trái tim của mình rồi.
Hoàng Yến! Hoàng Yến… Hoàng Yến… Hoàng Yến, con gái của cha. Cha muốn ngay lúc này trở về nhà, thơm lên má con, bởi nỗi nhớ con khiến cho cha hồi tưởng lại tất cả mọi thứ tưởng như đã chết lịm sau cái tin con bị tự kỷ. Cha phải dừng lại một lúc lâu mới có thể viết tiếp, cha định đốt điếu thuốc nhưng cha nhớ ngày mẹ sinh con ra, cha đã tự nhủ mình sẽ không hút một hơi thuốc nào nữa cả, vì con. Cha mở cửa, đứng ngoài lan can, nhìn về phía ngôi nhà mình. Thành phố vào lúc ba giờ sáng loa lóa những ánh đèn đêm…
Con bụ bẫm, đẹp xinh, cha thích bồng con đi dọc khu phố và hình dung ai nhìn thấy cha con mình cũng sẽ trầm trồ, khen ngợi. Tiếng gọi cha, mẹ đầu tiên của con khiến cha run rẩy. Cha nghe thanh âm ấy tựa như tiếng đập của trái tim mình. Cha nhìn mẹ biết ơn vì đã sinh con ra đẹp đẽ dường ấy.
Con chập chững biết đi đúng vào ngày tròn một tuổi. Ông bà nội ngoại cùng về thăm cháu rồi làm lễ thôi nôi. Nhìn con xinh đẹp, khỏe mạnh, thông minh, ai cũng nói rồi cuộc đời con sẽ tốt lành, may mắn.
Rồi chuyện gì đã xảy ra? Cha không biết! Cha hoàn toàn không biết! Mọi nguy hiểm âm thầm vây quanh con và rồi đến một ngày, nó như một cơn bão lấy đi của con mọi thứ: ánh mắt, cảm giác, ngôn ngữ rồi thay vào đó đôi tay không biết nghe lời, chỉ xoay liên tục và đôi mắt chỉ nhìn vào những ngón tay chuyển động một cách kỳ lạ. Bạn thân của con chỉ còn là những vòng xoay ám ảnh.
Cha xin lỗi con...
Cha sẽ trở về nhà, ngay khi con ngủ đủ giấc; và cha chờ tiệm hoa mở cửa sớm nhất, mua một bó hướng dương cho mẹ của con. Đôi bàn tay rắn chắc của cha sẽ nâng cả hai mẹ con lên và nói rằng cha sẽ luôn ở đây, ngay bên cạnh. Chúng ta sẽ đi qua những ngày dông bão, chúng ta sẽ gieo mầm, chúng ta sẽ gieo hạt trên sa mạc, sẽ hứng từng giọt sương hiếm hoi, rồi hạt sẽ nảy mầm,…
Hoàng Yến của cha,
Cha hổ thẹn vì đã tỏ ra yếu đuối đến như vậy trong những ngày qua. Điều đó đã đẩy mẹ con vào chỗ bế tắc tột cùng. Mẹ con, người phụ nữ dịu dàng nhưng cũng đầy bản lĩnh mà cha may mắn được gặp trong cuộc đời. Khi sinh con ra, nội ngoại đều ở xa, tuổi già, sức yếu không ai tiếp giúp được nhiều, cha cũng chỉ ở bên mẹ được hai tuần đầu rồi phải đi làm. Biết cha lo lắng, mẹ nói: ‘Bao năm trông đợi mới có con, giờ anh phải đi làm để lo tương lai cho con nữa, một mình em chăm con là được rồi. Mẹ con em yêu anh!’. Rồi cha đi, dù lòng vẫn nơm nớp lo âu. Khi chuyển hẳn về sống với mẹ và con, cha mới giật mình thương mẹ gấp nhiều lần hơn. Mẹ đã làm thế nào để một mình chăm con? Khi con sốt? Khi mẹ đau? Lúc dông bão? Lúc nhà hỏng cái này, hư cái kia? Làm thế nào mẹ đã chu toàn mọi thứ?
Rồi khi nhìn thấy vết sẹo trên ngực phải của mẹ, cha hoảng hốt biết bao nhiêu, còn mẹ cười nhè nhẹ nói chỉ là một khối u lành đã được tiểu phẫu. Nhìn nụ cười hiền hậu của mẹ, cha thấy mình thật sự quá vô tâm.
Cha đang viết những lời vụng về này cho mai sau của con, mà không, cho những ngày đã qua của cha, cho những chán chường mệt mỏi từng có trong cha, cho cái ngày mẹ không còn muốn sống với cha nữa… để cha nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mình!
Hoàng Yến, ngày mai sẽ là một ngày khác, con gái của cha. Con rất yêu cha, cha cảm nhận điều đó. Con đã rất cố gắng để có thể chịu đựng những cơn rối loạn. Có những đêm, nhìn con ngủ trong sự mệt lả sau cơn tăng động mà cha mẹ không biết phải làm thế nào để con thoải mái hơn. Con đã luôn muốn được thừa nhận nhưng con không thể sắp xếp được những khác biệt mình đang gặp phải.
Nếu cha là một người rất giàu có?
Nếu cha là một người thành công?
Cha có hạnh phúc không khi dòng máu mình tạo ra không thể sống cuộc sống đúng nghĩa của một con người? Cha có thể kiêu hãnh, tự hào với khối tài sản khổng lồ và danh tiếng lẫy lừng đó không, khi con phải sống một cách khổ sở và khi cha phải che giấu con như một điều xấu xa tồi tệ? Và khi chết đi, dấu vết của cha để lại chỉ là nỗi ô nhục về một người cha đã không thể yêu thương con mình.
Những điều đó dội vào tâm trí cha khiến nó bỗng trở nên thông suốt. Tâm hồn cha bỗng nhạy cảm và ý thức hướng cha về một điểm duy nhất là con. Điểm duy nhất đó bỗng sáng lên rực rỡ.
Mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc, phải không con?”