Vào thời điểm này, những ngôi nhà lớn đều vắng tanh.
Phần còn lại của London vẫn vậy, mặt đất toát mồ hôi, những con đường nóng hầm hập. Từ đại lộ Bishops đến đường Prince Albert, hướng ra phía Tây về phía Holland Park và Richmond, hầu như những ngôi nhà có hồ bơi đều bị phó mặc cho mùa hè. Thậm chí người giúp việc cũng đi hết, gói ghém đồ đạc về quê hoặc cùng đi hưởng nắng hè với gia đình chủ ở một góc địa cầu nào đó. Đây là thời gian đẹp nhất, thanh bình nhất. Tôi cầm chùm chìa khóa được dán tên cẩn thận như của cai ngục bước vào khu vườn của căn nhà lớn ở Highgate và không thể tin nổi thành phố lại yên ắng đến vậy.
Cơ thể tôi săn chắc, rám nắng. Lúc cởi áo sơ- mi, sắp xếp dụng cụ và hóa chất, tôi thấy mình nhẹ nhàng hơn, mạnh mẽ hơn những gì tôi nhớ về mình lúc trước. Tôi quỳ gối cạnh hồ bơi, ngắm nhìn làn nước trong vài phút rồi bắt tay vào việc.
Giờ đây, ông Winston đã tin tưởng giao cho tôi một mình làm việc lớn, và tôi đã làm thuần thục lắm. Lau rửa túi lọc rác. Kiểm tra nhiệt độ nước bằng một cái nhiệt kế nổi. Lắp ống hút thả xuống hồ. Tôi vớt rác trên mặt hồ và lắng nghe tiếng vo ve của mùa hè tĩnh mịch trong những khu vườn trống ấy. Trong lúc đó, ông đi qua cổng sau, ôm bình khí propane như ôm em bé rồi từ từ thả xuống hồ.
- Phải cẩn trọng với thứ này. Nó nặng hơn không khí. Vì thế, nếu tràn vào khay đốt mà không bắt lửa, nó sẽ lắng dưới đáy bộ gia nhiệt. Con không thể ngửi thấy vì nó nằm sâu bên dưới. Nó đâu có nổi lên, thấy chưa? Nên nếu con thò mặt vào cái nắp đang mở để xem có chuyện gì, nó sẽ bốc cháy – bùm. - Ông cười vui vẻ. - Nó sẽ thổi bay đầu con luôn.
- Con sẽ cẩn thận. - Tôi hứa.
Ông Winston gật đầu hài lòng vì sẽ không phải vớt đầu tôi nổi lềnh bềnh giữa hồ. Rồi ông nhìn chăm chú mặt nước lặng như tờ.
- Mọi người sẽ sớm trở về thôi.
Giọng ông nghe như báo một tin xấu.
Và rồi người đàn ông xuất hiện.
Lẽ ra tôi phải thấy điều đó sớm hơn. Sao tôi quên mất nhỉ? Dù cuộc hôn nhân của chúng tôi đang gặp sóng gió, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng Lara gặp gỡ người đàn ông khác.
Tôi nhìn nàng đứng ở cửa phòng tập. Lần lượt từng bé gái mặc váy xòe, mang giày múa bước ra chỗ bố mẹ.
Tôi đứng đợi cùng những bà mẹ, người giúp việc, vú em và một số lượng đáng kể những ông bố cho đến khi bé gái cuối cùng được đón về. Rồi tôi bước nhanh vào trong. Một cô gái đang lấy khăn phủ chiếc dương cầm. Đợi cô ta đi khuất, tôi đến chỗ Lara. Nàng đang ngồi trên bậc thang để bước lên sân khấu, xoa bóp hông phải. Tôi đưa nàng hộp giày mà tôi mang theo.
- Anh đúng. - Nàng nói - Em đã suy nghĩ kỹ rồi. Và anh đúng.
Tôi nhìn hộp giày trong tay nàng, nhưng nàng không mở ra.
- Em không muốn bơi với cá heo, tranh luận với triết gia hay tìm hiểu bí mật của vũ trụ. Nhưng em thật sự muốn đi làm trở lại. Em muốn có thêm một cơ hội.
Tôi nhìn quanh phòng tập.
- Em vẫn đang làm việc đấy thôi. - Tôi nói mà trong đầu thầm mong nàng mở cái hộp.
- Ý em là khiêu vũ. Trên sân khấu. Một cách chuyên nghiệp. Làm những gì em được đào tạo kia.
Có tiếng khóc của những bé gái đang thay đồ.
- Em yêu bọn trẻ. Nhưng ý em là... - Lara nhìn tôi cười, mắt lấp lánh niềm vui. - Có một bước đi khác…
- Em mở hộp ra đi.
Và nàng mở hộp. Một bộ sưu tập ảnh ngẫu nhiên. Ảnh chụp dịp nghỉ lễ, ảnh chụp ở trường, ảnh chụp lấy liền. Nhưng còn hơn thế nữa. Đó là câu chuyện của Lara và tôi; là lịch sử gia đình. Nàng cầm bức ảnh Ruby tám tuổi nở nụ cười răng sún. Áo len đồng phục màu đỏ, váy xám, sơ-mi trắng. Nụ cười hở lợi. Chúng tôi bật cười, nhớ lại con bé ở cái tuổi đó, ngạc nhiên rằng đã từng có một cô bé răng sún như thế. Rồi Lara đặt bức ảnh trở vào hộp, lòng tôi chùng xuống. Tôi không chờ mong điều đó.
- Martin nói…
- Martin là ai? Nàng nhìn tôi.
- Chỉ là bạn.
- Bạn? Bạn? Cái gì… một gã đàn ông ư? Một người bạn có cái đó ư?
Tôi nắm bàn tay trái của Lara và nàng để yên. Nó vẫn ở đó, chiếc nhẫn cưới của nàng, giống hệt chiếc nhẫn tôi đeo trên ngón giữa tay trái. Nhưng lần đầu tiên tôi nhận ra rằng nhẫn vẫn còn ngay cả khi hôn nhân đang tan rã.
Lara thở dài.
- Anh ta chỉ là bạn. Bố của học trò em. Một ông bố đơn thân. Có thể anh ta có cái đó. Em không biết. Em cho là có.
- Bố đơn thân? Loại đàn ông nào lại thành một ông bố đơn thân kia chứ?
- Em không biết. - Lara nói. - Có thể là một người đàn ông tốt?
- Một người đàn ông tốt? Em chưa biết gì đâu. Hãy nghe vợ hắn nói về hắn trước khi chắc mẩm hắn là một người tốt.
Lara lắc đầu.
- Em chưa ngủ với anh ta hay làm bất cứ điều gì đại loại thế.
Tôi nhún vai như thể đó chỉ là chuyện nhỏ, trong khi thâm tâm tôi trút một tiếng nhẹ nhõm dài bất tận. Nếu nàng chưa ngủ với hắn thì chúng tôi vẫn còn cơ hội.
- Anh không nghĩ được gì khác sao? - Lara hỏi như đọc được suy nghĩ đen tối của tôi, và tôi vui vẻ cắn câu.
- Đúng. Một phút trước cả hai là bạn tốt, phút sau hắn sẽ gửi cho em những tin nhắn khiếm nhã và những bài hát sướt mướt. Phút trước cả hai là bạn tốt, phút sau cả hai đã làm tình trong bếp. Anh biết rõ mấy chuyện bạn bè này sẽ đi tới đâu mà.
Lara đứng bật dậy.
- Anh quá đáng rồi đó. Chỉ vì anh quá thiếu chín chắn nên không thể làm bạn với bất cứ ai ngoài gã Keith chết tiệt, nhưng như vậy không có nghĩa những người đàn ông khác đều vậy cả.
Tôi đứng dậy cùng nàng trong nỗi tuyệt vọng dâng lên, ứ nghẹn.
- Em không thích mấy bức ảnh sao?
- Đáng yêu đó.
- Em giữ nhé.
- Cảm ơn.
Nàng đang giận. Tôi biết mình nên ngậm miệng lại. Nhưng rồi cái miệng cứ mở ra.
- Hắn tốt hơn anh không? Trả lời anh đi rồi anh sẽ không hỏi nữa.
Nàng chống nạnh.
- Ý anh là sao, George? Tốt hơn anh? Tính tốt hơn? Hay giỏi chuyện giường chiếu hơn? Sao anh không hỏi thẳng anh ta đi?
Hắn xuất hiện qua ô cửa kính vừa đúng lúc, cười ngượng ngùng giơ tay chào Lara.
Nàng mời hắn vào, và một cô bé áo hồng, tóc vàng uốn lọn lao vào phòng trước hắn. Cô bé khoảng năm tuổi, mặc váy xòe mang giày múa đế phản quang.
Rồi hắn bước vào, một người đàn ông to cao trong bộ vest doanh nhân. Tôi đoán là trên dưới bốn mươi, khoảng tuổi Lara. Hắn có vẻ là dân chơi thể thao thời trẻ và giờ vẫn chơi.
Lara dẫn hắn lại chỗ tôi.
- Martin, đây là George, chồng tôi.
- Chào. - Tôi bắt tay hắn. - Tôi là George. Chồng cô ấy. Chúng tôi đã kết hôn, bao lâu rồi Lara… hai mươi năm thì phải?
Nhưng điều đó thậm chí không làm hắn chớp mắt. Sao chứ? Họ chỉ là bạn bè thôi mà.
Khi tôi để mắt đến hắn thì hắn luôn để mắt đến cô con gái nhỏ để chắc rằng nó không đi lơ ngơ ở mép sân khấu, ngay cả khi chúng tôi bắt tay nhau. Rõ ràng là một ông bố chu toàn. Có thể thấy hắn khá hấp dẫn.
Tôi chẳng biết gì về gã này.
Nhưng tôi có thể thấy hắn không phải là một chú nai tơ.
Cậu bảo vệ mới có ý trông chừng khi thấy tôi cứ lượn lờ quanh kệ rượu, lộ rõ vẻ căng thẳng mỗi khi tôi nhấc một chai rượu lên để đọc nhãn chai. Đó là một cậu nhóc người Trung Đông, dường như đã làm việc này được một tuần rồi, và đó là một tuần vất vả. Chắc là có một băng chuyên trộm những chai Chardonnay đang hoạt động trong khu vực.
Một người đàn ông mặc vest nhăn nhúm thắt cà vạt bước nhanh dọc lối đi và phải mất một lúc lâu tôi mới nhận ra đó là con trai mình.
- Chờ con mười phút nữa nghe bố. - Thằng bé nói, rồi cụng tay với chàng thám tử trông quầy. - Cậu giải lao chưa Jamal? Đi nghỉ một chút khi còn vắng người.
Không chỉ vì quần áo. Rufus lên cân. Cái thằng gầy nhẳng đã biến mất. Cả tóc nó cũng khác. Có vẻ thưa hơn. Hay đây là kiểu tóc của mấy sếp nhỏ, ngắn ở sau gáy và hai bên thái dương? Chứ làm sao nó bị hói được, nó chỉ mới bắt đầu cạo râu thôi mà.
Hai đứa trẻ da đen bước vào siêu thị, Jamal lập tức đứng dậy bám theo. Rufus đang ở ngoài đường nơi chiếc xe tải có kích cỡ bằng con tàu Titanic đang giao hàng. Lúc Rufus bước vào, tôi đang cầm chai vang trắng của Estonia.
- Nancy thích loại đỏ hơn. - Nó nói. - Con ra sau một chút. Hay bố đi với con nhé.
Tôi ngoan ngoãn đặt chai rượu lên giá. Không được làm "ông sếp" này thất vọng, tôi nghĩ. Tôi lấy một chai vang đỏ của Latvia và sau khi tính tiền chai rượu, tôi đi qua tấm màn làm từ những dải nhựa dày ngăn cách siêu thị với kho. Ở đây lạnh hơn nhiều, nhưng Rufus đã cởi áo vest và xắn tay áo sơ-mi lên. Nó nhét cà-vạt vào trong áo sơ-mi để khỏi bẩn, cái kiểu của mấy ông già.
Nó đứng trước một núi thức ăn - trái cây, rau củ, bánh mì, bánh ngọt, bánh sừng bò hạnh nhân, bánh tráng - và cầm lấy chiếc bình phun. Nó phun vào ổ bánh mì trắng một thứ chất lỏng màu xanh như mực.
- Bố có mua rượu vang đỏ không? - Nó hỏi tôi mà không quay lại.
Tôi cười. Tôi thấy mà không tin nổi điều nó đang làm.
- Con đang làm gì vậy?
Nó cẩn thận phun mực xanh lên một chồng bánh mì tròn.
- Đều là thức ăn hết hạn. - Nó nói, tỉnh bơ như một lời giải thích bình thường. - Nhưng tụi con không được phép vứt đi. - Nó phun tiếp. Vài cái bánh sừng bò hạnh nhân đi chầu trời. - Người ta có thể lục ra từ thùng rác.
Tôi lắc đầu kinh tởm.
- Cái gì? Ý con là những người đói khổ? Những người nghèo? Những người vô gia cư? Những người như vậy hả?
- Bất cứ loại người nào. Những người không trả tiền cho những thứ này.
- Ờ, ờ...
- Con không làm luật. - Nó nhún vai vẻ bất lực.
- Con biết, bố à. Như vậy là phí phạm. Nhưng con làm gì được? Đó là quy định của công ty mà.
- Con chỉ biết nghe lệnh thôi à?
Nó nhìn tôi thở dài. Hai bàn tay đầy mực xanh.
- Sao con không bán chúng với giá rẻ? Cho khách hàng? Hay nhân viên? Hay chỉ cần cho đi?
- Cho ai hả bố?
- Bố không biết. Những kẻ nghèo khó đang thiếu ăn. Những người nghèo sắp chết đói ở Crouch End, ngay phía Bắc London này.
- Quá phức tạp. - Nó tiếp tục phun mực xanh lên bánh nướng sô-cô-la. - Và như vậy có thể phạm luật an toàn thực phẩm và sức khỏe. Rồi còn bị phạt.
- Không phức tạp lắm đâu.
Tôi nhặt một chiếc bánh mì tròn mà thằng bé bỏ sót và cắn một miếng. Vẫn ngon mà.
- Nếu con không thể bán những thức ăn này thì hãy nghĩ cách lấy chúng cho những người nghèo đói. Ý bố vậy đó Rufus. Chứ làm thế này thật điên rồ.
Thằng bé mệt mỏi quệt tay ngang trán.
- Con chỉ làm công việc của mình thôi, bố à. Con có thể làm gì khác được đây?
- Thì đừng làm. - Tôi nói.
- Con không thể. Con quá bận bịu với việc kiếm sống rồi.
Nó trao bình phun cho một cô gái nhỏ nhắn đeo mạng che mặt của người Hồi giáo.
- Làm giúp tôi nhé, Sophia.
Tôi nhìn thằng bé kéo tay áo xuống, mặc lại áo khoác, kéo cà vạt ra trước. Tôi không muốn đánh nhau với nó. Tôi muốn làm mọi thứ, trừ điều đó. Nhưng tôi vẫn muốn nó nói với tôi rằng nó hiểu. Làm như vậy là hoàn toàn sai.
- Một thế giới điên loạn phải không? - Tôi nói trong khi hai bố con trở ra qua lớp cửa nhựa. - Một nửa hành tinh đang chết đói, trong khi nửa còn lại thì phun mực lên những chiếc bánh.
Nó không thèm nhìn tôi.
- Con chỉ làm công ăn lương ở đây thôi.
Nancy và cậu con trai sống trong một căn hộ hai phòng ngủ ở Finsbury Park, một trong những tòa nhà đổ nát thời Nữ hoàng Victoria, nơi tấm thảm chùi chân bị vùi dưới hàng đống báo quảng cáo và thư tín của những người chủ cũ đã dời đi từ rất lâu rồi. Tiếng nhạc dường như ùa ra từ khắp nơi cùng một lúc. Mùi bánh mì kẹp từ hôm qua vẫn lởn vởn trong không khí. Tiếng xe điện ngầm chạy rầm rầm đâu đó sâu bên dưới tòa nhà. Lara bảo tôi rằng Rufus ngày càng ở lại đây lâu hơn, như thể nó đã ra ngoài ở riêng.
Ngay khi Rufus dẫn tôi vào, tôi thấy rõ ràng là Nancy có vấn đề. Cô ả không muốn Rufus hôn và lầm bầm chào tôi một cách miễn cưỡng, nhưng lại nhanh nhảu đón nhận chai vang đỏ. Cô ả bảo mong chờ chúng tôi đến sớm hơn và chiếc bánh pizza giao tận nơi đã nguội lạnh. Ả quay đi với thằng bé Alfie đang léo nhéo quanh cặp chân trần của cô ả, đòi ăn pizza và gây chú ý. Rufus hôn nhẹ sau gáy cô ả như để chuộc lỗi. Tôi nhìn thấy bụng cô ta đã lùm lùm.
Alfie cười thích chí. Và tôi không thể rời mắt khỏi con trai, thằng bé còn cười toe toét trước mặt tôi, vui mừng như thể con mèo vừa tha về nhà một con chim sẻ hấp hối. Tôi muốn chộp lấy nó và trốn khỏi Finsbury Park, lao xuống lầu và nhảy lên chiếc xe buýt đầu tiên đi đến bất cứ nơi nào, để giành lại cuộc sống cho nó, để cứu rỗi nó khỏi năm mươi năm tiếp theo.
Nhưng tôi đã không làm.
Tôi nhìn con trai mà ứa nước mắt.
Tôi lại nhìn mái tóc nó. Quả là thưa đi nhiều, mớ tóc dày vàng óng đó đã bị xén đi theo quy định của công ty. Phần tóc trước trán của nó lùi lại còn nhanh hơn cả những giấc mơ của nó nữa. Hay giờ đây nó đã có những giấc mơ khác rồi?
Nhưng không thể thế được. Tôi đang chứng kiến mọi thứ. Tôi phải chứng kiến. Tóc của con trai tôi ít đi, cô bạn gái hơn tuổi của nó đang mang thai. Điều này không thể xảy ra được. Mọi việc đều quá sớm. Tôi đang nhìn thấy tương lai. Sự thật sẽ là như thế nếu tôi không ra tay hành động. Rồi một miếng gà chiên bay thẳng vào giữa hai mắt tôi. Và tôi tự hỏi sao mình lại không nhìn thấy điều này đang tới.
Bà nội trợ Nancy đang đứng cắt bánh pizza trong căn bếp rộng cỡ chiếc quan tài, thằng oắt con vẫn khóc lè nhè dưới chân. Ngoài vẻ xinh xắn, cô ả chỉ là một thứ tầm thường, một ả đểnh đoảng, thô vụng, cục cằn hoàn toàn không xứng với đứa con trai khéo léo, đẹp đẽ, vui nhộn, ngốc nghếch của tôi.
- Đáng ra con có thể có bất cứ cô gái nào con muốn.
Nó đặt dao nĩa lên chiếc bàn nhỏ xíu, ọp ẹp.
- Bố đừng cố áp đặt cuộc sống của bố lên con.
- Nó nói. - Vì bố vừa làm rối tung cuộc sống của bố lên đấy thôi.
- Sao không? Đó không phải là điều mà tất cả những bậc cha mẹ đều làm sao? Rufus… đáng ra con có thể có bất cứ ai…
Nó ngước nhìn tôi, tay cầm dao nĩa lấy từ công viên Disneyland.
- Con muốn cô ấy. Con muốn Nancy. Bố không thể vui mừng cho con sao?
Tôi liếc nhìn vào bếp.
- Bố không nghĩ vậy.
Tôi ngồi vào bàn ăn mà như rơi xuống huyệt mộ. Alfie cũng ngồi xuống, mấy ngón tay bẩn thỉu của nó cấu chiếc bánh pizza như kền kền rỉa xác thối. Những miếng gà chiên lại bay vèo vèo.
- Ôi, thôi ngay đi. - Nancy bảo nó.
Đó là lời khuyên thông minh nhất của ả. Thôi ngay đi. Ả đi loạng choạng quanh chiếc bàn ọp ẹp, cau có chia chiếc pizza nướng kiểu Texas, những lát xúc xích cong queo nguội ngắt và trừng mắt nhìn thằng nhóc, cứ như đứa bé sắp ra đời làm cô ta bực bội vậy.
- Thôi ngay! - Cô ả hét lên.
Muộn rồi còn đâu, tôi thầm nghĩ.
Điều ấn tượng đầu tiên về nhà tù là phụ nữ và trẻ con. Một đám toàn trẻ con và phụ nữ. Những bà mẹ nhí bế em bé, những bà mẹ đứng tuổi dắt mấy đứa con mới lớn đi học về ghé thăm bố chúng. Rồi có những bà mẹ không già không trẻ lủi thủi bước theo lũ con đã lớn và sắp sinh con. Họ khệ nệ ôm thuốc lá và bánh quy. Mấy tên cai ngục lầm lì quanh họ kiên nhẫn như những gã chăn cừu.
Tôi từng vào tù. Rất nhiều lần. Nhưng chưa bao giờ phải xếp hàng cả. Chưa bao giờ phải chờ làm thủ tục. Chỉ cần giơ thẻ và nở nụ cười là đã được phép vào trong. Chưa bao giờ phải đi qua những chốt kiểm tra, nghe cánh cửa đóng sầm sau lưng, thời gian đằng đẵng và những bức tường khép chặt vây quanh. Khi tôi bước vào phòng thăm tù nhân, cậu ta đang ngồi đợi tôi, sẵn sàng trò chuyện, như biết trước rằng sẽ có một ngày chúng tôi gặp nhau thế này.
- Chúng tôi không biết mẹ mình là ai. - Cậu ta nói. - Bà ấy đã bỏ đi. Đi bộ. Quá sức đối với bà. Tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi vì ông bố mê cá cược đua ngựa. Có thể bà đi theo một người đàn ông khác. Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng bố đã nuôi nấng chúng tôi. Tất cả chúng tôi. Bốn trai và sáu gái, chỉ mình ông trông coi. Thật hiếm thấy lúc bấy giờ, mà ngay cả thời buổi bây giờ cũng vậy. Rồi ông qua đời. Bố chúng tôi. Ở tuổi ba mươi chín. Đau tim. Chết ngay ở phòng cá cược để lãnh thưởng. Hồi nhỏ, tôi nghĩ cái tuổi đó là hơi già. Sống cũng khá thọ rồi. Nhưng khi lớn hơn, tôi mới hiểu tuổi đó còn quá trẻ. - Rồi cậu ta bật cười. - Nhưng ông muốn nghe về anh Frank mà.
Cậu ta đưa tôi một bức ảnh. Một chàng trai trẻ, khá ưa nhìn đang đưa ngón cái ra hiệu "số dách". Dường như anh chàng đang dự tiệc, chếnh choáng hơi men, nhưng vui vẻ.
Em trai Frank cười với tôi. Frank cũng cười với tôi. Rốt cuộc chúng ta đã gặp nhau. Tôi nhủ thầm.
- Chúng tôi còn quá bé nên không thể tự chăm sóc nhau. Frank là anh cả, mà lúc ấy chỉ mới mười ba. Rồi chúng tôi vào trại mồ côi. Chắc ông đã nghe nhiều chuyện về trại mồ côi và tôi biết đa số những chuyện đó đều có thật, nhưng không giống chuyện của chúng tôi. Bởi chúng tôi có nhau. Và chúng tôi có anh trai.
- Frank, anh trai của cậu, đã làm điều tuyệt diệu này. Cậu ấy đã cứu sống nhiều cuộc đời. - Tôi giơ bức ảnh lên. - Tôi giữ nó được chứ?
- Không. - Cậu ta giật lại đút vào túi áo sơ-mi, nhìn quanh phòng, thở dài. - Bố tôi nghiện thuốc lá, nghiện rượu. Và tôi cho là kiểu sống ấy đã dẫn ông đến kết cục như thế, hiểu ý tôi không? Tim ông ấy không được khỏe. Nhưng… vấn đề là… lẽ ra ông đã được cứu sống nếu có ai đó hiến tim. Tôi không biết. Có thể đúng. Anh trai tôi luôn nói vậy. Đó chính là lý do tại sao anh ấy có thẻ… cái thẻ màu xanh bé xíu in hình trái tim đỏ.
Tôi muốn biết về gia đình của Frank. Tôi nghĩ có thể giúp được họ theo cách nào đó. Hay ít nhất nói với họ rằng tôi luôn biết ơn. Và cậu em trai của Frank bảo tôi rằng có một người phụ nữ và đứa con sống đâu đó, nhưng cậu ta không muốn kể, hoặc không quan tâm.
Nhưng cậu ta muốn tôi hiểu.
- Anh trai tôi… anh ấy là một kẻ lêu lổng. Một tên trộm. Frank thật sự là tên hư hỏng. Nhưng anh ấy chăm sóc chúng tôi. Và như thế là đủ đối với tôi. Nhưng rồi anh làm điều tốt này cho những người khác, những người anh không bao giờ biết, và nó tạo ra tất cả những điều tồi tệ này. Tự anh ấy muốn như vậy… vì ông bố của chúng tôi, vì ông bố mà anh ấy tôn sùng… làm việc tốt lành duy nhất này cho những người khác. Anh trai tôi… anh ấy chỉ là thằng bé trong trại mồ côi. Cả cuộc đời anh ấy bị người đời khinh rẻ. Chúng tôi ăn những bữa ăn miễn phí ở trường… ông có hình dung nó thế nào không? - Đôi mắt nặng nề của cậu ta ánh lên hồi ức về những bữa ăn miễn phí ở trường và tất cả những điều khác. - Nhưng anh ấy đã làm điều tốt duy nhất này… và điều đó làm cho anh ấy trở thành người đàn ông còn tốt hơn cả ông.
Tôi gật đầu, mỉm cười đứng dậy. Đã đến lúc xếp hàng cùng nhóm phụ nữ và trẻ em để chờ được ra ngoài. Đã đến lúc phải về nhà.
- Một người tốt hơn cả hai chúng ta. - Tôi bảo.