Tôi đứng chờ thằng bé tan ca.
Tôi lảng vảng trước cửa siêu thị, bất chấp cái nhìn khó chịu của tên thám tử trông quầy. Một xe tải bia rẻ tiền đang dỡ hàng. Nhóc con vắt mũi chưa sạch. Ta không muốn cái thứ nước đái khỉ của bọn mi. Ta muốn lấy lại đứa con trai của ta.
Rufus gọi, bố. Nhìn bộ vest sờn rách và mái tóc lưa thưa của nó, tôi chỉ chực khóc. Nó trông già hơn cả tôi.
- Này. - Tôi nói, nhét phong bì vào tay nó và hối thúc. - Cầm lấy và đi đi con. Đi liền tối nay nhé. Đi ngay đi.
Nó nhìn chiếc phong bì. Mặt trước đề Sân bay in hình một chiếc phản lực đang cất cánh lên bầu trời xanh phía xa. Chúng tôi bước qua một bên tránh đường cho người ta khuân thùng bia.
- Gì thế hả bố?
- Một món quà. Vé đi Bangkok. Nó nhìn tôi.
- Có gì ở Bangkok chứ?
- Gì cũng có. Du lịch. Phiêu lưu. Trốn chạy.
- Sao con lại phải trốn chạy?
Tôi nhìn mặt con xem nó có nghiêm túc không. Rồi tôi nhẹ nhàng khoác tay nó. Chúng tôi đi bộ đến trạm xe điện ngầm.
- Chuyến bay sẽ cất cánh trong ba giờ nữa. - Tôi nói, liếc nhìn đồng hồ. - Con hãy đi xe điện ngầm đến Paddington, sau đó đến Heathrow.
Nó dừng lại, nở nụ cười gượng gạo. Tôi đã nhận ra cái nụ cười không hối hả và thận trọng ấy. Tôi đã nhìn nó cả cuộc đời của mình. Nó vẫn là con trai tôi. Thế nên tôi không thể để nó như vậy được. Thế nên tôi không thể để nó đánh mất nụ cười đó. Tôi vẫn còn nhận ra ở nó cái thằng bé mà tôi từng yêu thương.
- Con sẽ không đi Bangkok. - Nó nói, đứng im.
- Không có gì ở Bangkok dành cho con cả.
Nó đưa trả phong bì. Tôi không lấy.
- Có cuộc sống ở đó. Con không sống trong thành phố. Bay đến một trong những hòn đảo ở đó. Lên hướng Bắc nhé.
Tôi lục túi quần để kiếm những đồng tiền còn sót lại.
- Bố không có nhiều. - Tôi nói.
- Con không cần tiền của bố. - Nó nói, không còn cười nữa. - Và con không muốn đi đến Bangkok hay bất cứ nơi nào khác. Cuộc sống của con là ở đây.
Nó ấn phong bì vào ngực tôi. Vết sẹo phập phồng giận dữ bên trong. Tôi cầm lấy.
- Chuyện gì xảy ra vậy? Ý bố là… thật chứ? Chuyện gì xảy ra với cả nhà vậy?
- Bố đang nói về ai?
- Mẹ con. Em gái con. Con. Giống như tất cả… bố không biết… đang ngủ hay là gì đó.
Nó ngoảnh lại nhìn chiếc xe tải đậu bên ngoài siêu thị. Họ đang khuân thùng nước đái khỉ cuối cùng cất vào kho trong khoảng hai mươi bốn giờ nữa. Động cơ diesel khởi động cuộc sống.
- Bố nghĩ con đang ngủ à? Tôi lắc đầu.
- Không phải. Bố nghĩ con đang hôn mê.
Mắt nó đau đáu nhìn tôi. Nó quá mong manh, cái thằng bé này. Tôi không biết làm sao nó có thể tồn tại được chừng ba mươi phút trong cái cuộc sống mà nó đang tự tạo ra cho mình, và điều đó làm tim tôi tan nát.
- Để con yên đi. - Nó nói, giọng vỡ tan. - Con nói thật đó. Tránh xa con ra.
Rồi nó đi mất. Tôi gọi tên nó vài lần, nhưng nó không quay lại. Tôi chồm tới ném tấm vé đi Bangkok vào lưng bộ vest cũ nát với tất cả sinh lực. Tấm vé bay phất phơ rồi rơi vào rãnh nước xám xịt. Rồi tôi phá lên cười. Tôi cho nó cơ hội. Và nó đã chọn gì nào?
Thật là ngốc.
Thật là ngốc, ngốc nhất trên đời.
Nó giống thánh đường hơn là hồ bơi.
Chúng tôi đứng vào chỗ từng là nơi nước nông nhìn chằm chằm cái hồ cạn nước. Sáu làn chạy dọc nhẹ nhàng rồi đột nhiên đổ dốc, giống như lòng biển, cho đến khi sâu ngập đầu người. Trên hốc tường đầu nông của hồ gắn một vòi nước nhỏ bằng đồng chạm trổ hình nàng tiên cá đang nhảy cẫng reo mừng cùng những chú cá heo. Ông Winston cúi xuống lần tay dọc theo cạnh khuôn mặt nàng tiên cá.
- Nhìn này, đá cẩm thạch trắng vùng Sicily đó. - Ông nói, đoạn đứng dậy gõ vào tường. - Những cái này cũng vậy. Những người thời Victoria này biết rõ việc mình làm.
Những bức tường uốn cong lên đến mái nhà đầy cửa sổ và khi mặt trời chiếu xuyên qua tấm kính, ánh sáng hắt lên những phiến cẩm thạch trắng làm cho bể tắm tập thể kiểu xưa trông như trạm xe lửa ở thiên đường. Ở phần sâu của hồ bơi có một dạng biểu tượng trên tường, một con sư tử và một con kỳ lân đang vật nhau hay nhảy múa gì đó.
- Người ta đã xây nơi này vào cái thời huy hoàng khi cho rằng tầng lớp lao động lẽ ra cũng phải hưởng những thứ tốt đẹp. - Winston giải thích.
Vài người đàn ông đội mũ bảo hộ nói tiếng Ba Lan mang dụng cụ đi lướt qua. Chúng tôi nhìn họ nhảy vào hồ. Một người xoay cây búa tạ đập vào viên đá lát như để kiểm tra. Viên đá nát vụn, nghe tựa kính vỡ. Rồi có tiếng nổ ầm ầm bên ngoài, tiếng la hét át tiếng rền của máy móc.
- Họ làm gì vậy bác?
- Phát triển khu nhà ở cao cấp. – Ông nói. - Và không có hai bác cháu mình thì cái máy pha cà phê đó sẽ ngập dưới nước trước Giáng sinh. - Ông vỗ lưng tôi. - Biết cách tìm ra hộp xả đáy chưa hả?
Tôi lắc đầu.
- Bác chỉ con nhé. Trông ông phấn chấn.
- Xem một lần, làm một lần, dạy một lần. Giống mấy ông bác sĩ nha.
Ông bước theo bậc thang xuống hồ đến chỗ những người đàn ông cầm búa tạ. Những mảnh đá vụn chất quanh bốt của họ như những chiếc răng vỡ. Winston giơ tay lên và họ chằm chằm nhìn ông.
- Dừng lại cho tới khi tôi nói xong, anh bạn. - Ông lớn giọng như để ai đó nghe và dịch lại.
Tôi đi tìm hộp xả đáy, quá nhiều người đang kéo đến. Đàn ông mặc vest. Phụ nữ thuộc hội đồng thành phố lăm lăm tập hồ sơ. Nhiều thợ xây hơn. Tất cả họ đều đội mũ bảo hộ, trừ chúng tôi.
Đột nhiên vang lên âm thanh như tiếng súng nổ. Tôi ngước lên thấy một vết nứt xuất hiện ở bức tường đằng xa. Vết nứt rộng toác chạy dọc giữa con sư tử và kỳ lân, tách chúng ra, kết thúc điệu nhảy có từ lâu đời, rồi bức tường bất ngờ lõm một lỗ lớn, thổi tung một đám mây bụi mịt mù, làm mọi người trong phòng bất giác cùng lùi lại, che mặt. Phía xa bên kia bức tường đổ nát là chiếc xe ủi, ánh nắng vàng rực rỡ và những người đội mũ bảo hộ.
Tất cả chúng tôi đều dừng công việc, đứng chết lặng nhìn bức tường cẩm thạch đổ sập và một thế giới mới tràn vào. Tôi nghe bụi trong cổ họng cả và trong mắt mình.
Người phụ nữ ra mở cửa rõ ràng là mẹ của Larry. Cao, hơi quá khổ, gương mặt ngời lên vẻ chu đáo và tốt bụng. Bác đứng ở cửa nhìn tôi một tay cầm hoa, tay kia cầm chai rượu. Vị khách chu đáo là tôi không biết bữa tối đã bị hủy. Bọn trẻ nhìn qua vai bà nội, mắt đỏ hoe vì khóc.
- Lẽ ra ai đó phải gọi báo cho cháu chứ. - Bà cụ nói.
Geoff và Paul đứng bên ngoài phòng cách ly. Chúng tôi lúng túng ôm nhau, cái ôm của những người đàn ông chỉ có điểm chung là có cùng một người bạn đang nằm trên giường bệnh bên trong.
- Có chuyện gì vậy?
- Họ nghĩ đó là triệu chứng thải ghép mạn tính. Vẫn chưa xác định rõ. - Geoff đáp.
- Anh ấy bị bao lâu rồi?
- Năm năm. - Paul đáp.
- Thế đấy. Đã đến lúc. - Geoff tiếp lời.
Tôi bước vào trong. Dưới ánh sáng lờ mờ, tôi thấy Larry đang ngủ. Vợ anh cũng vậy. Molly ngồi cạnh giường nắm lấy tay chồng. Trên cổ anh có một miếng dán gắn ống truyền để làm sinh thiết. Chắc có lẽ việc này đã được thực hiện nhiều lần, tất cả những công đoạn nhằm lấy đi một mẩu bé xíu nào đó trong trái tim anh. Và giờ đây cơ thể anh, trái tim vay mượn của anh, đã chịu đựng những việc đó đủ lắm rồi.
Molly cựa mình.
- Để tôi ngồi đây với anh ấy. Chị về nhà với bọn trẻ đi.
Và thế là tôi ở lại cạnh anh. Geoff và Paul cùng vào ngồi với tôi, nhưng sau chừng một giờ thì họ rút lui. Chỉ toàn là uống trà nhạt, chỉ toàn là thời gian chết ở bệnh viện. Họ về cũng phải thôi. Tôi là người duy nhất không có ai chờ đợi ở nhà.
Năm năm. Tôi nhủ thầm. Đã đến lúc. Động mạch vành chở máu đi quanh trái tim mới đang dần dày lên và hẹp lại theo năm tháng. Larry chắc hẳn đã thường xuyên chụp X-quang mạch máu và có thể anh ấy đã dự liệu trước chuyện này.
Larry là một trường hợp thành công. Anh đã tránh được bệnh ung thư da và hạch bạch huyết vốn là phản ứng phụ của nhiều ca cấy ghép mô - dạng thức ăn nhanh đối với phẫu thuật ghép tim. Anh ấy sống nhờ thuốc. Vậy mà anh còn giúp nhiều người khác, trong đó có tôi.
Những gì đến với anh lúc này là điều rất đỗi bình thường sau nhiều năm sống với một trái tim vay mượn. Mọi thứ đều có thể hỏng hóc. Nhưng bạn không thể cứ nghĩ như thế, nếu không bạn sẽ điên mất. Nhưng tôi thì không thể không nghĩ đến điều đó được.
Hẳn là tôi đã thiếp đi bởi vì tôi đột nhiên giật mình bởi giọng nói của anh ấy.
- A! Tôi rảnh rồi.
- Anh có muốn tôi vỗ anh một cái không vậy? Anh bật cười.
- Có bao giờ anh lập một danh sách chưa
George? Một danh sách để đời ấy?
- Danh sách để đời gì khi cứ quanh quẩn ở xó nhà chứ?
- Danh sách những việc anh muốn làm trước khi từ giã thế giới này.
- Không hề.
- Tôi cũng vậy.
Anh im lặng. Cũng muộn rồi. Bệnh viện đã về đêm.
- Lý do tôi chưa từng lập danh sách là vì tất cả những gì tôi muốn làm đều ở ngay trước mắt. - Gương mặt bè bè của anh mỉm cười. - Anh biết đấy, những việc bình thường thôi. Nhìn con cái trưởng thành. Cùng già đi với vợ. Quây quần bên nhau cho đến khi bọn trẻ có gia đình riêng.
- Không nhảy dù ư? Không chinh phục Everest ư? Vậy mà anh có thể gọi đó là danh sách để đời sao?
Anh cười phá lên.
- Đối với tôi thế là đủ.
Anh co mình, thở nặng nhọc vì đau. Tôi hỏi anh liệu tôi có giúp được gì không.
Tôi không thể giúp gì cho anh.
- Lara sao rồi? Mấy đứa nhỏ nữa?
- Đều khỏe cả.
Tôi nhận ra giờ đây tôi đã làm cho cả nhà thất vọng. Không có lời bào chữa. Tôi không đủ tư cách làm một người cha, một người chồng, thậm chí làm một người đàn ông. Vợ tôi. Con trai tôi. Con gái tôi. Tôi đã mất họ vì tôi đáng bị như thế. Tôi đã đi con đường của mình. Đầu tiên là cảnh sát George. Và sau đó là gã George đi tìm cuộc đời. Rồi tôi đơn độc trong hành trình ấy. Làm sao tôi có thể khẳng định rằng họ không thể nào sống tốt khi không có tôi?
Mắt Larry đã khép nhưng anh vẫn nói.
- Hứa với tôi là anh sẽ thưởng thức từng chiếc bánh mì kẹp nhé.
- Miễn là nó không nằm trong khẩu phần ăn của bệnh viện.
Anh mỉm cười, một lúc sau, hơi thở anh khác đi và tôi biết anh đã ngủ. Không phải ngủ thật sự. Ngủ vì ngấm thuốc. Giấc ngủ bệnh viện. Và tôi, trên chiếc ghế cạnh giường, cũng thiếp ngủ theo. Một giấc ngủ bắt chước tội nghiệp. Giấc ngủ lắt nhắt. Nhưng tôi cũng ngủ được vài giờ, vì khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, mấy con chim quái gở hót nhặng lên và ánh sáng đang rón rén vào phòng.
Tôi nhìn bạn mình. Gương mặt anh dường như bất động. Tôi nuốt nước bọt, đứng lên nhìn gần hơn. Tôi chưa bao giờ thấy vẻ mặt của anh ấy như vậy, chưa bao giờ thấy vẻ mặt nào như thế trong đời.
Tôi với nút nhấn gọi y tá, đột nhiên anh ấy cựa quậy, tiếng rên rỉ như từ đâu đó sâu thẳm bên trong giấc ngủ ngấm thuốc vọng ra và tôi đặt nút nhấn xuống.
Có người chết trong căn phòng đó. Có một người đã bị chôn vùi bởi cuộc sống xa lánh anh ta. Có một người đã bị ép chặt trong nỗi tuyệt vọng đến nghẹt thở.
Nhưng đó không phải là Larry.
Tôi bước đến cuối sân ga đứng tựa vào tường. Chuyến tàu đầu tiên sắp đến.
Cuối sân ga phía bên kia vắng người, chỉ có một cặp lớn tuổi. Dạng người đi bộ đến cuối sân ga điện ngầm để trốn tránh thành thị điên rồ. Và ai có thể trách họ được? Dĩ nhiên không phải mình rồi, tôi nghĩ vậy, rồi tựa mạnh hơn vào tường. Họ liếc tôi một thoáng, lịch sự hết mức có thể, rồi chậm rãi trở lại sân ga, tránh xa tôi và gần hơn với những người bình thường, gần hơn với ánh đèn vàng vọt hắt lên chuyến tàu kế tiếp.
Bảng báo lộ trình ghi: ĐƯỜNG BAKER – MỘT PHÚT.
Tôi lùi ba bước nhỏ và đột nhiên khựng lại ngay mép sân ga, bên dưới những đường ray đen kịt có tiếng chuyển động điên cuồng. Chuột cống? Vừa lúc, một cơn gió thổi qua và tiếng u u vọng ra từ đường hầm.
Tôi nhìn bóng tối và không thấy gì. Tiếng u u mỗi lúc một lớn, gió thổi mỗi lúc một mạnh. Vết sẹo co giật. Tôi thảng thốt nhìn lên bảng quảng cáo ở bên kia. Trên đó ghi Điều Tốt Nhất Một Người Đàn Ông Có Thể Có và tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ hiểu các mẩu quảng cáo ngày nay nói về cái gì.
Tiếng u u trong đầu tôi vang hơn. Gió rít dữ dội hơn. Tôi cảm thấy sự chuyển động kinh hoàng dọc theo đường ray.
Đột nhiên, điện thoại trong túi quần tôi rung lên. Thật lạ lùng. Không thể nào. Lẽ ra dưới này đã ở ngoài vùng phủ sóng rồi chứ.
Và chưa đầy một giờ sau đó, tôi đã yên vị trên chiếc Ford Capri, cố học cách điều khiển hộp số sàn giữa dòng xe cộ ở phố Hackley.
Mẹ tôi đã thấy ông. Bà thốt lên, ông ấy đây rồi, kèm theo tiếng thở tắc nghẹn, bà gọi tên ông. Và ông ấy kia. Bố tôi đứng bên ngoài dãy nhà thời Victoria, vẫn mặc bộ đồ ngủ, áo choàng và mang dép lê. Bóng những gương mặt tò mò dõi nhìn ông qua ô cửa đổ nát. Tôi dừng chiếc Capri phía sau một xe rác đầy ắp, đi bộ đến chỗ bố.
- Bertie ở trong đó, bố muốn gặp Bertie. - Bố nói.
Đó là một ngôi nhà cũ. Bố đã tìm đến đúng nơi. Tôi cũng từng đến chỗ này khi còn bé. Khi tôi lên năm, bà nội mất và hội đồng thành phố đã thu hồi cả khu này.
Đây là xóm cũ, mặc dù tôi không thể tin rằng nó vẫn tồn tại. Bố lại nghĩ khác. Với ông, đây vẫn là cái xóm ngày xưa. Nhưng Bertie, anh trai của bố, đã mất trên biển Normandy hơn sáu mươi năm về trước. Những gương mặt trên ô cửa đang cười cợt bố tôi. Chúng chỉ là những đứa trẻ. Vô tư hồn nhiên. Ở cái tuổi đó, tôi cũng cười đùa thế thôi.
Mẹ ôm lấy vai bố, nhẹ nhàng hướng ông đi chỗ khác. Nhưng bố không muốn đi. Bố muốn gặp người anh trai. Mẹ hôn lên cái má râu ria lởm chởm của bố. Chắc mẹ nhột lắm.
Tôi nắm lấy tay bố.