Người Eskimo có tới năm mươi từ để chỉ tuyết thì cảnh sát cũng có vô số thuật ngữ để nói về những tay cớm quanh năm suốt tháng luẩn quẩn ở văn phòng.
Mèo-đồn. Cao-bồi-căn-tin. Mông-nhẵn-thín. Móc-áo. Giá-treo-đồng-phục. Gã-béo-lười-vô-dụng. Đuốc-Olympic - những thứ vốn chỉ ở yên một chỗ.
Và cho dù tôi đã đặt đèn hiệu lên nóc xe vì Lara, thì tôi vẫn cứ là tôi, một gã cảnh sát bàn giấy. Hay ít nhất, tôi đã trở thành như vậy.
Tôi là thế hệ thứ ba trong gia đình có bố và ông nội đều là cảnh sát. Thật không may, nghề cảnh sát không phải là "đặc điểm di truyền" duy nhất, mà bệnh tim cũng là thứ đại loại như thế. Nhưng bố và ông tôi đâu biết mắc bệnh tim có nghĩa là gặp vấn đề về sức khỏe. Vậy nên cho dù mang trong ngực trái tim yếu ớt truyền từ đời này sang đời khác, các cụ cũng chưa bao giờ phải chịu bẽ mặt vì phải làm một con mèo-đồn có mông-nhẵn-thín.
Nhưng mỗi thời mỗi khác.
Đến sở, tôi đi thẳng đến buổi họp giao ban. Phòng đầy đàn ông, lưa thưa vài phụ nữ, hầu hết đều mặc cảnh phục, tất cả đều đang uống cốc cà phê đầu tiên trong ngày khi lắng nghe Onion - bánh-hành-chiên-kiểu-Ấn, trung úy, đôi khi được gọi là sếp - lên lịch cho ca trực kế tiếp. Hình như có ai đó đang nhìn tôi từ cuối phòng. Một gã cao to, độ bốn mươi tuổi, mặc bộ vest rẻ tiền, áo sơ mi trắng cáu bẩn và chiếc cà vạt thõng thượt chẳng khác nào con rắn chết. Cộng sự cũ của tôi, Keith, giờ vào chung một đội với anh chàng trẻ tuổi năng động đang hí hoáy ghi ghi chép chép đằng kia. Keith nhe răng cười, giơ chiếc cốc giấy lên chào, làm bắn cả nước trà lên cằm. Cậu ta vừa lầm bầm chửi thề, vừa lấy tay quệt vội, rồi quay lại phía Onion, cố nén một cái ngáp dài.
- Có vẻ còn sớm, nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho lễ hội hóa trang Carnival vào cuối tuần. Trước mặt tôi là những con số chính thức… - On- ion vừa nói vừa lật sang trang khác. - Tôi biết các bạn sẽ thở phào khi nghe tin này. Theo thống kê, lễ hội Carnival năm ngoái kết thúc mà không xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào.
Tiếng xì xào rộ lên. Onion trừng cặp mắt tinh quái dưới hàng lông mày rậm.
- Có sáu vụ đâm chém, bốn mươi tám vụ cướp, một vụ lộn xộn liên quan đến việc hệ thống âm thanh tại Boombastic Dancehall bị yêu cầu giảm âm lượng vào lúc 3 giờ 45 phút sáng. Tin vui là Bob Marley, nhân viên môi trường, người yêu cầu giảm tiếng ồn… (vài viên cảnh sát trẻ tiếp tục rầm rì bàn tán) sẽ xuất viện trong tháng này. Hội đồng thành phố cho biết rằng việc bị mất lá lách sẽ không ngăn cản cậu ấy tiếp tục công việc. Điều đáng mừng là không có vụ việc nào trong số đó liên quan đến lễ hội Carnival, cho nên năm nay mọi người có thể thoải mái dẫn theo vợ con đến dự lễ hội điên cuồng náo nhiệt này.
Cộng sự mới của Keith cặm cụi ghi hết những lời vàng ngọc đó. Tôi nghe bài phát biểu của Onion mà thấy mình như gã hoạn quan đang ở trong nhà thổ.
Tôi không hiểu tại sao mình lại tới đây mỗi sáng. Không, không hẳn vậy – tôi hiểu chứ. Khi sếp đọc lướt qua danh sách những vụ trộm xe, trấn lột, cướp bóc, tôi vẫn tưởng tượng ra cảnh mình đang rượt bắt đám lưu manh, vẫn là một phần trong cuộc chiến chống tội phạm và là người đàn ông mà tôi khao khát trở thành.
Buổi họp kết thúc, tôi trở về bàn làm việc và quyết không nhìn vào đồng hồ. Làm như thế thời gian sẽ qua mau hơn thì phải. Nhưng cũng vì vậy mà tôi quên khuấy việc kiểm tra các bản báo cáo trình cho Viện Công tố Tối cao, vẫn được gọi tắt là MG3.
Tôi nhìn lên trên màn hình máy vi tính, Keith đã đứng đó tự lúc nào, đang vuốt vuốt vết trà ố trên áo sơ mi.
- Đi dạo một vòng nhé? - Cậu ta bảo.
Cộng sự trẻ của Keith đã ngồi sẵn trong xe. Anh chàng rời cuốn sổ, ngước nhìn với nụ cười gượng gạo khi Keith thò đầu qua ô cửa. Keith nói:
- Bọn anh phải theo một vụ bí mật. Cả ngày luôn đấy. Phiền cậu đi chỗ khác chơi nhé.
Anh chàng bước ra khỏi xe, thoáng vẻ bối rối.
- Nhưng… nhưng… còn em làm gì? Keith cáu tiết.
- Ai mà biết! Làm gì chẳng được, tập hóa trang chẳng hạn. Cứ làm gì cậu thích.
Tôi ngồi vào chiếc ghế cạnh Keith, chỉnh lại tư thế cho thoải mái. Dễ chịu thật.
Keith ngồi sau tay lái, mặt đỏ rần và càu nhàu về tính thiếu chủ động của thế hệ trẻ. Chúng tôi bỏ mặc cậu nhóc đứng ở bãi đậu xe nhìn theo tiếc nuối.
Ra tới đường, Keith rút ra hai gói nhỏ bên dưới đồng hồ tốc độ. Zestoretic. Amlodipine . Cậu ta lấy mỗi gói một viên, bỏ cả vào miệng nuốt ực cùng với một ngụm Red Bull.
- Phải tuyệt đối tuân thủ cái đơn thuốc cao huyết áp này. – Keith cười.
- Chúng ta đang già đi. - Tôi khẽ khàng. Keith bốn mươi hai, nhỏ hơn tôi năm tuổi, vậy mà trông cậu ta cứ như một cỗ máy lâu năm. - Đúng là chúng ta già thật rồi.
Keith chỉ cười rồi rút ra bao thuốc lá có in hình đầu lâu bên ngoài vỏ hộp. Một tay cầm vô lăng, tay kia kẹp điếu thuốc trên môi, cậu ta lách xe qua bên kia đường và chạy như thể đang cố đuổi bắt một kẻ nào đó.
Chúng tôi băng qua chỗ một phụ nữ đang khóc.
- Ảnh mấy đứa con tôi. - Cô nức nở. - Toàn bộ ảnh bọn trẻ.
- Có kẻ lấy cắp điện thoại của cô à? - Keith hỏi và người phụ nữ gật đầu. Cậu ra hiệu bảo cô ngồi vào băng ghế sau. - Vào đi, người đẹp. Bọn tôi sẽ tìm lại nó cho cô.
Đây là sở trường của Keith. Cậu ta rất giỏi mấy vụ này. Chúng tôi chạy loanh quanh cho đến khi lướt qua một trạm tàu điện ngầm. Vài đứa trẻ mặc đồng phục học sinh đang nói chuyện với một gã còm nhom độ hai mươi tuổi, nhợt nhạt, lở loét đúng kiểu là con nghiện.
- Tên này chắc không ăn được nước da xanh rớt của nó rồi! - Keith quan sát, rồi dừng xe trên hai vạch vàng. Chúng tôi ra khỏi xe tiến đến gần. Thấy rõ bọn trẻ đang sợ sệt. Kẻ tình nghi đút một tay vào túi áo khoác đã sờn cũ, một tay vươn về phía chúng. Một đứa đưa cho hắn chiếc iPod. Keith nhếch mép cười, choàng vai gã thanh niên.
- Chuyện gì mà tụm năm tụm bảy đây? Tên này giật bắn người, quay lại nhìn.
- Nghe nhạc thôi mà sếp.
Hắn trả chiếc iPod, định đánh bài chuồn, nhưng cánh tay thân thiện của Keith đã siết chặt lại.
- Coi nào, để xem anh bạn trẻ có gì trong này. Vài bài nhạc nhảy? Vài bài của Shirley Bassey(2)? Anh mê Clash(3) lắm đấy nhé. - Rồi Keith nhìn những khuôn mặt thất thần của bọn trẻ. - Chưa bao giờ nghe Clash à? Ở trường người ta dạy các nhóc gì thế hả? - Cậu ta hất đầu ra hiệu. - Tốt nhất là biến về nhà làm bài tập đi.
Bọn trẻ cuống cuồng bỏ chạy. Gã người lớn kia cũng nhoài người định thoát thân. Keith giữ chặt hắn hơn.
- Không phải mày, mặt tái ạ! Mày bị bắt.
Keith thọc tay kia vào túi áo khoác của hắn lấy ra một cái tua-vít sắc nhọn.
- Hắn gí thứ đó vào mặt tôi. - Người phụ nữ lúc này đã thôi khóc.
Keith xem xét cây tua-vít, còn tôi kiểm tra hết các túi của hắn. Mỗi túi thò ra một chiếc điện thoại di động. Khi người phụ nữ nhìn thấy chiếc điện thoại của mình, cô một mực không chịu đi dù Keith đã bảo cô trở vào trong xe.
Keith kéo tên trộm vặt vào trạm tàu điện ngầm, ngay dưới tấm biển đề "Cấm vào". Tôi và người phụ nữ theo sau. Tiếng tàu gầm rú phía xa bên dưới. Keith ấn hắn vào tường và tát mạnh vào mặt.
- Ăn cắp ảnh con cái người khác không tốt chút nào đâu nhé.
- Ông không được làm thế. Cảnh sát không được đánh người.
- Tao có thể làm bất cứ điều gì tao muốn nếu mày chống cự. Anh có thấy hắn chống cự không, thanh tra Smith?
- Rất hung bạo nữa kìa, thưa thanh tra Jones. - Tôi phụ họa.
- Tôi biết quyền của tôi. Tôi muốn gặp luật sư.
- À phải, gọi cho luật sư của mày đi. Tao sẽ tặng hắn vài cú đấm. - Mặt cậu ta lại ửng đỏ. - Nhưng mày làm sao gọi luật sư được cơ chứ? Mày còn cái điện thoại chôm chĩa nào nữa đâu.
Người phụ nữ xen vào:
- Tôi có phần không? Keith nhã nhặn:
- Xin mời!
Cậu ta nắm cổ áo tên trộm trong khi người phụ nữ tát thẳng vào cái má lún phún râu của hắn. Lần đầu tiên cô mỉm cười.
- Cảm thấy thế nào, người đẹp? - Keith hỏi. - Có vẻ khá hơn rồi đó.
- Rất dễ chịu. Cảm ơn các anh nhiều.
- Ồ, không có gì. - Keith lịch thiệp đáp lại.
Cậu ta lôi tên trộm ra xe. Người phụ nữ định nhào đến, tôi vội cản lại. Tôi đang nghĩ đến một núi giấy tờ cho vụ này. Khi xe chạy ra phố, Keith thả hắn đi, giống như lão ngư thả con cá nhỏ về với biển, rồi cười khẽ khi tên trộm lẩn vào đám đông.
- Không bắt hắn sao? - Tôi hỏi.
- Để làm gì? - Keith lắc đầu. - Chỉ để sáu tháng sau một vị thẩm phán nào đó phạt hắn lao động công ích ư? Không đáng phải chờ thế.
Cậu ta mở cửa ngồi vào xe, còn tôi thì vòng qua phía bên kia.
- Tên đó sẽ không lởn vởn quanh đây nữa đâu. Có thể hắn sẽ tìm một công việc đàng hoàng nào đó. – Keith nói tiếp.
Khi chúng tôi đã yên vị trên xe, người phụ nữ mở điện thoại cho chúng tôi xem ảnh các con cô.
Ở cái tuổi xế chiều, ta lại được làm một cảnh sát thực thụ. Tôi tự đùa mình. Và đó là lúc chúng tôi thấy một chiếc xe tuần tra.
Nó đậu trước một tòa nhà bỏ hoang, sơn ca rô vàng xanh nổi bật trên con phố. Tôi nhận ra đó là chiếc BMW 530iD, loại xe chuyên dụng của cảnh sát. Ba cảnh sát mặc sắc phục núp sau xe đang nhìn lên tòa nhà. Keith dừng lại. Chúng tôi tiến đến chỗ họ.
Có hai cảnh sát, một trong hai là nữ, người thứ ba là thanh tra, hai cầu vai đính lấp lánh cặp ngôi sao bạc. Anh ta nhìn chúng tôi rồi quay đi, vẻ không mấy quan tâm. Keith và tôi cười thầm với nhau.
Không hiểu sao người ta thường tin rằng cảnh sát mặc thường phục có cấp bậc cao hơn cảnh sát mặc sắc phục. Thực ra, tất cả chúng tôi đều thực hiện theo cùng một mệnh lệnh. Cấp bậc của Keith và tôi cao hơn hai viên cảnh sát trẻ, nhưng ngôi sao của chúng tôi lại không lớn hơn của viên thanh tra kia. Và chắc anh ta chẳng muốn cho chúng tôi biết điều đó đâu.
- Tớ cá là hắn chỉ giỏi chạy quanh cái đồ bấm giấy. – Giọng Keith oang oang. - Lũ nhãi ranh vô tích sự. Anh có nghĩ thằng nhóc đó có "súng nước" không? - Keith cười khục khặc.
Viên thanh tra nói mà không quay lại:
- Một tên có súng đang ở trong tòa nhà. Hắn là Ron Cầu Vồng. Các anh nên cúi thấp xuống nếu không muốn hắn thổi bay mất đầu.
- Trong nhà thì làm gì có Cầu Vồng? - Keith vặn vẹo.
Tôi nhìn viên thanh tra mặc đồng phục. Hẳn là anh ta cũng có bằng cấp. Tôi có bằng tốt nghiệp cấp hai trường làng và hình như Keith cũng có bằng học bơi ở cự ly nào đó, nhưng không chắc cho lắm. Tôi húng hắng ho và rút bao thuốc lá. Keith và tôi vừa châm thuốc thì có tiếng súng nổ. Chúng tôi nấp sau xe tuần tra. Viên thanh tra hét lên:
- Hắn có súng! Hắn có súng!
- Biến đi, đồ Sherlock. - Keith lầu bầu.
Thấy chúng tôi đều nấp sau chiếc xe, một gã choai choai ở cuối đường bắt đầu văng tục. Thứ rác rưởi. Đồ con lợn. Những câu quen thuộc. Gã là loại mà dân trong nghề chúng tôi thường gọi là anh- hùng-trăm-dặm, tức là những kẻ thích chửi cảnh sát khi ở khoảng cách an toàn. Keith và tôi liếc hắn rồi tôi nhận ra có thứ gì đó lóe lên ở rãnh nước. Tôi bò tới nhặt. Giống như một cây nấm tí hon bằng bạc. Tôi đưa cho Keith, cậu ta cười phá lên.
- Đó là đầu đạn từ khẩu súng trường cỡ nòng 22 ly, - tôi nói.
Keith quệt nước mắt vì cười quá trớn.
- Thế anh nghĩ chúng ta có thể loại trừ được tên al-Qaeda này à?
Chúng tôi đứng dậy. Keith đưa đầu đạn cho viên thanh tra:
- Giữ làm kỷ niệm cho cuộc đấu súng đầu tiên nè. Chúng tôi di chuyển về phía tòa nhà bỏ hoang.
- Ra ngoài, giơ hai tay lên đầu. Nếu không tao sẽ nhét súng vào tận dạ dày mày đó. - Tôi thét lên oai hùng như thể tôi không phải là một gã cảnh sát bàn giấy vậy.
Một gã râu quai nón thò đầu ra ở cửa chính tòa nhà, tay nắm chắc báng súng. Hắn đứng đó, trên bậc tam cấp, trong bộ áo choàng cũ, đầu tóc rối bù, nhìn chúng tôi chòng chọc. Chúng tôi đứng lại.
- Ron Cầu Vồng chắc là biệt danh rồi. Ném khẩu súng nước xuống đi, cu con. - Keith ra lệnh.
Chắc hắn ta từng lang thang đầu đường xó chợ hoặc đào tẩu khỏi một trang trại vui vẻ nào đó. Nếu không phải như vậy thì hắn giống một kẻ chẳng còn gì để mất. Vừa lúc hắn ném khẩu súng xuống cầu thang, tôi cảm nhận một nỗi sợ hãi trong hơi thở của chính mình. Keith cúi xuống nhặt khẩu súng lên. Tôi vẫn để ý đến Ron Cầu Vồng, thấy hắn đảo nhìn xuống đường rồi dán chặt mắt vào cái gì đó. Tôi quay đầu lại. Một bà cụ chầm chậm bước tới. Bà đang đến siêu thị để nướng khoản trợ cấp ít ỏi vào dăm hộp đồ ăn cho chú mèo cưng. Ron Cầu Vồng bắt đầu bước xuống cầu thang. Tôi liếc nhanh qua vai. Mấy gã mặc đồng phục vẫn còn trốn sau xe theo dõi diễn tiến sự việc. Bà cụ vừa đi vừa lẩm bẩm câu gì đó. Tôi giơ tay lên. Bà không hề thấy tôi. Bà đến gần hơn. Tôi giơ tay cao hơn và hét lên cảnh báo. Chắc hẳn bà đã để âm lượng máy trợ thính quá nhỏ nên cứ lập cập bước đi. Ron Cầu Vồng xuống đến bậc thang cuối cùng thì Keith đứng dậy, nhìn khẩu súng trong tay và bà cụ đang đứng giữa chúng tôi. Tôi thấy Ron Cầu Vồng đút bàn tay bẩn thỉu của hắn vào trong áo choàng.
Tôi lóe lên ý nghĩ - dao găm?
- À, không phải súng. - Keith cười nhẹ, vuốt ve khẩu súng trong tay, ngước nhìn lên, đúng lúc tôi cũng vừa nhìn lên và chợt thấy một thứ: súng ngắn. Ron Cầu Vồng đã hóa phép ra ở đâu từ bên trong áo choàng của hắn. - Nhưng mẹ kiếp. Là nó đấy. - Keith nói thêm rồi nhảy tránh qua một bên.
Ron Cầu Vồng nhào tới nắm lấy cổ áo giả lông thú của bà cụ. Vừa huơ huơ khẩu súng trước mặt bà, hắn vừa quát chúng tôi lùi lại. Keith và tôi đặt tay lên đầu, hét bảo hắn hãy bình tĩnh. Ở phía sau, tôi nghe thấy tiếng viên thanh tra gọi hỗ trợ qua điện đàm, và gã anh-hùng-trăm-dặm ở đằng xa đã bị kích động lắm rồi.
Tôi nhìn cặp mắt ánh lên vẻ đắc thắng sau lớp tóc bết dính trước trán Ron Cầu Vồng.
Giờ hắn đã không còn lối thoát, chó cùng bứt giậu, và đó là điều làm hắn trở nên nguy hiểm. Tôi lùi một bước. Hắn đẩy bà cụ ngã sóng soài. Máu trong huyết quản tôi sôi lên sùng sục.
Hắn quay đầu chạy lên cầu thang, lẩn vào trong nhà. Chúng tôi đuổi theo. Nhưng khi đến tầng hai, Keith đứng lại ôm cạnh sườn thở dốc. Tôi nghe thấy tiếng cậu ta thều thào: "Tôi cần một điếu thuốc", rồi một mình tôi tiếp tục đuổi theo. Ron Cầu Vồng lao đi như kẻ mất trí. Tôi đuổi theo hắn đến tầng trên cùng. Cửa lên mái mở toang. Tôi bước ra. Thành phố ồn ào xa xa bên dưới, và, một nòng súng chĩa thẳng vào mặt tôi.
Lúc này, cơn giận dữ bỗng biến mất. Trôi sạch. Chỉ còn lại nỗi sợ hãi khôn cùng. Tôi không muốn chết trên mái nhà này. Vừa liếc mắt xuống cái thứ kinh khủng đen ngòm trên tay hắn, tôi vừa cố nói điều gì đó nhưng không thể thốt nên lời.
Nó giống một món đồ chơi. Một món đồ chơi xấu xí, thô kệch. Một thứ đồ giả rẻ tiền. Một thứ đồ chơi từ địa ngục. Chỉ là một góc vuông bằng kim loại đen sì trong nắm tay tái đỏ nhớp nháp mồ hôi, nhưng nó là ngày tận thế.
Nó đang chĩa vào mặt tôi.
Ron Cầu Vồng tiến đến, tỏ ra tự tin trước vẻ hãi hùng hiện rõ trên mặt tôi, điều đó chứng minh rằng hắn đã đi đúng nước cờ. Nòng súng lạnh băng ấn mạnh vào sống mũi tôi. Như một món đồ chơi, nhưng sao tôi lại tin nó là thật.
Hắn bóp cò, và ngay khoảnh khắc khủng khiếp đó, tôi nghe lồng ngực nhói đau.
Cơn đau xô vỡ đập, làm tắc nghẽn mọi thứ, tràn vào giữa ngực và lan rộng ra, phá tan cơ thể tôi, một cơn đau đột ngột và lạ lùng, cơn đau khiến tôi lịm dần.
Mọi thứ như bị thắt lại. Áp lực không ngừng tăng cho đến khi tôi có cảm giác như thể lồng ngực bị siết chặt bởi một cái kẹp khổng lồ, như thể sự sống đang bị đẩy ra khỏi cơ thể, như thể cơn đau đó đang cố giết tôi, và tôi biết thế là hết.
Tôi tối sầm mặt mày.
Khi mở mắt ra, tôi thấy có những cánh tay đang vội vàng nâng tôi lên cáng. Ron Cầu Vồng ủ rũ, cô cảnh sát lúc nãy đã vặn tay hắn ngược ra sau rồi tra vào còng. Chúng tôi rời đi. Qua cửa mái xuống bên dưới. Cơn co thắt trong ngực tôi vẫn chưa nguôi, nhưng nỗi sợ còn lớn hơn cả cơn đau.
Tôi nghĩ về vợ. Tôi nghĩ về con trai và con gái. Họ cần tôi. Tôi không muốn chết. Mắt tôi cay cay khi chiếc cáng thương va mạnh vào cửa xe cứu thương làm nó bật ra. Qua làn nước mắt nhòe nhoẹt, tôi thấy gương mặt Keith.
- Đó là hàng nhái, - cậu ấy bảo. - Anh có nghe tôi nói không, George? Đó chỉ là đồ giả thôi. Không làm được gì đâu. Anh có hiểu tôi nói gì không?
Không hẳn.
Keith đang nói về khẩu súng.
Nhưng tôi nghĩ Keith nói về trái tim của tôi.