Tôi đợi con trai về.
Tôi xem bản tin cuối ngày, tắt ti vi, lật nhanh mấy trang báo, rồi ném sang một bên. Tôi ra sau bếp, đứng tựa cửa nhìn ra vườn, rít một hơi thuốc, ngắm làn khói mỏng bay lơ lửng rồi tan vào màn đêm.
Tôi đợi con trai về.
Biết bao thứ tồi tệ có thể xảy ra ở cái tuổi mười bảy. Đầu tôi ong lên. Đụng xe. Đâm chém. Hút hít. Ngoài đường, bọn trẻ chém giết lẫn nhau, mà thằng bé vẫn đang ở đó, giữa bọn chúng.
Còn tôi ở đây, chỉ biết đợi chờ.
Rufus là thằng bé thông minh, nhưng còn non nớt lắm. Thế mới là vấn đề. Không phải là sự liều lĩnh, hay ngu ngốc, mà chính là tuổi trẻ. Tôi tin con, nhưng tôi không tin thế giới này. Tôi nghĩ người ta cần một chút may mắn ở cái tuổi đó. Và, tôi vẫn đứng đợi bên cửa sổ, còn nó vẫn chưa về.
Thằng bé mười bảy tuổi. Hầu như tối nào nó cũng đi chơi bằng chiếc Beetle cũ rích tự sắm từ số tiền làm thêm hồi hè. Tôi không biết nó đi đâu. Không một manh mối. Đến một độ tuổi nào đó, chúng ta sẽ lạc mất bọn trẻ và chúng không bao giờ trở lại như xưa. Chúng là một phần máu thịt của bạn, bao năm quấn quít bên bạn không rời, rồi bỗng dưng chúng trở thành những người mà bạn không thể nhận ra. Tôi thấy điều đó đang đến.
Hai bố con chưa hẳn là hai người xa lạ. Tôi vẫn thoáng thấy hình ảnh cậu con trai đạp chiếc xe gắn thêm hai bánh sau để giữ thăng bằng đến công viên cùng bố. Nhưng có một thứ gì đó đang ngăn cách chúng tôi, như vực sâu bí ẩn, khiến người này hoàn toàn mù tịt về cuộc sống của người kia. Và dường như khoảng cách ấy ngày càng rộng thêm mỗi khi thằng bé ra khỏi cửa.
Đã quá nửa đêm, tôi chợt hiểu rằng mình sẽ không bao giờ thấy nó nữa. Cái điều đoan chắc đó làm cổ họng tôi nghẹn đắng, tim se thắt lại. Tôi còn nhìn thấy cái cảnh khi tôi báo tin đó với mẹ và em gái nó. Tôi có thể thấy ánh nhìn thảng thốt trên khuôn mặt ông bà nó. Tôi có thể hình dung ra những khuôn mặt ngơ ngác của đám bạn bè nó khi viếng lễ tang đầu tiên trong đời - chúng còn quá trẻ để mặc toàn một màu đen. Tôi biết rõ việc đó sẽ như thế nào. Như ngày tận thế.
Rồi tôi nghe tiếng xe thằng bé về.
Cửa sổ lóa ánh đèn, động cơ im bặt, cánh cửa đóng sầm - đám trẻ mười bảy có làm gì nhẹ nhàng được bao giờ - và đột nhiên con trai tôi đứng đó, sừng sững trước mặt tôi, thật không dễ nhìn thẳng vào mắt nó. Cũng như mọi khi, tôi vừa nhẹ nhõm vừa lúng túng khi nó xuất hiện - nhẹ nhõm vì nó vẫn ổn và lúng túng vì đứa trẻ trong cái vóc dáng đàn ông quá khổ này.
Nó là ai? Nó từ đâu đến? Có gì liên quan giữa nó với cậu bé tóc vàng cắt kiểu Beatle không? Vừa nhón chân – tôi cao chưa đến một mét tám – tôi vừa hôn lên cái má lún phún râu mà thằng bé vẫn cạo mỗi tuần một lần. Khi nó miễn cưỡng ôm nhẹ tôi, tôi cảm nhận được khung xương rắn rỏi của đứa con trai duy nhất.
Chúng tôi vẫn hay ôm hôn nhau, nhưng gần đây, xen giữa những cái ôm đã có cảm giác e dè, ngượng ngập. Tôi biết Rufus mong muốn chấm dứt nghi thức cũ kỹ này. Nhưng điều đó có lẽ quá sức chúng tôi. Thế nên hai bố con tiếp tục cái kiểu hôn của đàn ông đó dù cả hai đều không thoải mái.
Tôi cảm thấy nó đẩy tôi ra. Tôi cố lấy giọng nhẹ nhàng:
- Con vừa đi đâu vậy?
- Chạy vòng vòng thôi mà.
Nó đáp bằng giọng trầm trầm, ồm ồm - giọng của một người đàn ông to lớn thốt ra từ cậu con trai bé bỏng của tôi. Tôi khựng lại trước giọng nói đó, trước những từ ngữ đó, trước câu nói dối rành rành đó.
Dù thằng bé có làm gì ngoài kia, tôi quả quyết là nó không chỉ chạy vòng vòng.
- Được rồi. - Tôi bình tĩnh nói và với lấy chiếc máy đo nồng độ cồn AlcoHawk Pro để sẵn trên bàn.
Đó là một khối nhựa chữ nhật màu xám, kích cỡ bằng chiếc điện thoại di động mà ngày nay dường như ai ai cũng dành cả đời để nhìn chằm chằm vào nó thay vì nhìn nhau hay ngắm các vì sao. Một bên thân chiếc AlcoHawk Pro có một ống thổi dài bằng đoạn đầu lọc thuốc lá mà tôi vừa vứt vào bụi hoa hồng.
- Con đâu có uống.
Rufus khăng khăng, mặc dù tôi vẫn ngửi thấy hơi bia trên người nó.
- Tốt, - tôi nói dứt khoát. - Rồi sẽ rõ cả thôi.
Tôi bật máy. Những con số màu đỏ trên màn hình tròn rơi tuột từ 200 xuống 0. Tôi đưa cho Rufus. Thằng bé hít một hơi dài rồi thổi vào ống cho đến khi có tiếng bíp. Nó trả lại cho tôi. Hai bố con cùng chờ, không nói gì, không nhìn nhau, giữa chúng tôi chỉ là một chút âm thanh ồn ã của phố xá. Một loạt tiếng bíp nhỏ vang lên.
Chiếc máy hiện lên ba số không. 000. Lạ thật, rõ ràng tôi ngửi thấy hơi bia mà. Tôi lắc lắc chiếc AlcoHawk Pro và nhìn kỹ lại. Vẫn là 000. Điều đó có nghĩa là không có cồn trong máu thằng bé. Ít nhất nó đã thành thật với tôi một lần trong đời.
Tôi đưa kết quả cho Rufus đọc và khi nó lễ phép gật đầu, tôi muốn ôm nó vào lòng. Đó quả là một cử chỉ khoan dung, cái gật đầu nhè nhẹ lịch sự của nó ấy. Con trai tôi thật đáng yêu, thậm chí khi vẻ đáng yêu đó chỉ dành cho mẹ nó chứ không dành chút nào cho tôi. Tôi muốn ôm lấy thằng bé. Nhưng tôi đã không làm vậy. Và khoảnh khắc đó trôi qua.
Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon mà không dám mạo hiểm ôm thêm lần nữa. Tôi bước lên cầu thang, bên tai còn nghe thấy tiếng thằng bé khua đồ đạc rổn rảng khi nó lục tìm thức ăn trong bếp. Vợ tôi đang ngủ, nhưng khi tôi khẽ ngả lưng lên giường thì nàng cựa mình.
Lưng vẫn quay về hướng tôi, nàng hỏi:
- Nó về rồi hả anh?
- Nó về rồi.
Tôi lắng nghe tiếng thở đều của vợ trong một thoáng. Với Lara, thế là đủ. Nó đã về. Nàng chỉ quan tâm có vậy.
- Nhưng nó đi đâu cơ chứ? - Tôi thốt lên tuyệt vọng
Nàng thở hắt ra trong bóng tối, nửa ngáp ngủ nửa thở dài.
- Nó là đứa bé ngoan, George à! - Nàng mơ màng nói. - Và nó vẫn ổn. Nó đang ở nhà và an toàn. Việc nó đi đâu có gì quan trọng cơ chứ?
Rồi như nhớ ra điều gì đó, nàng hơi nhỏm dậy:
- Anh lại kiểm tra nồng độ rượu à?
- Anh chỉ muốn biết nó đi đâu thôi mà.
Tôi xoay người. Chúng tôi nằm đó, lưng đâu lưng. Tôi cảm thấy đôi bàn chân nhỏ nhắn của Lara chạm bắp chân mình, đường cong đôi mông, một góc bờ vai bên dưới bộ đồ ngủ bằng vải mỏng.
- Anh không muốn thằng bé gặp chuyện xấu, - tôi thì thầm, dù nàng đã thiếp đi.
Tôi cứ nghĩ mình sẽ thao thức cả đêm, nhưng khi cơ thể Lara ngả vào tôi thật yên bình, tôi biết thế nào mình cũng sẽ ngủ ngon, chỉ cần đừng nghĩ ngợi quá nhiều.
Tôi biết có điều gì đó còn hơn cả thứ tôi muốn dành cho con trai, hơn cả cảm giác an toàn, trí khôn ngoan để tồn tại, một chút may mắn cần có ở tuổi mười bảy và có thể là ít lời nói dối hơn, chỉ để có một thay đổi nhỏ.
Và đó chính là điều mà cha mẹ nào cũng muốn dành cho đứa con trai rụt rè của mình, những đứa trẻ bỗng dưng lao vào thế giới trưởng thành mà không đội mũ bảo hiểm hay thắt dây an toàn, với ảo tưởng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát.
Lời cầu nguyện âm thầm của một người cha đang sợ hãi.
Tôi muốn tắt chiếc đồng hồ thời gian.
***
Chúng tôi hiếm khi gặp Rufus vào bữa sáng. Nó gần như là một hình bóng huyền ảo, bí ẩn, kỳ quặc. Hình dáng khổng lồ của nó đôi khi thình lình phóng ra cửa, ba lô sách vở lủng lẳng một bên vai, y như Người Tuyết đi học.
Căn bếp đầy dấu vết của thằng bé. Chiếc ghế đẩy bật ra sau. Dăm hạt ngũ cốc vương vãi trên sàn nhà. Cái bát nằm chỏng chơ trong bồn rửa.
Cơn giận dữ trong tôi dâng trào. Tôi biết như thế có nghĩa là gì. Nó chỉ muốn tránh món cháo yến mạch tôi nấu.
Ngày nào tôi cũng nấu món cháo yến mạch bổ dưỡng và thơm ngon cho cả nhà. Bữa sáng lành mạnh sẽ bù đắp cho những thứ độc hại còn lại trong ngày, như mấy điếu thuốc tôi lén hút, thức ăn vặt ở sở, những thứ tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp. Mỗi sáng, tôi đều dựng lên bức rào chắn chống lại cái chết trẻ. Một bức tường thành đắp bằng cháo yến mạch. Nhưng con trai tôi chẳng bao giờ đụng đến món cháo này.
Lara xuất hiện khi tôi đang lau khô cái bát của thằng bé.
- Nó làm anh bực quá.
Nàng hôn lên má và vỗ nhẹ cạnh sườn tôi.
- Mọi thứ đều làm anh bực bội, anh yêu ạ! - Rồi ngước nhìn lên lầu, nàng gọi. - Ruby!
Không có tiếng thưa. Lara vừa cầm lấy cái bát từ tay tôi đem đi cất, vừa lắc đầu.
- Con bé sẽ bị muộn mất thôi. Anh lên đánh thức nó dậy đi.
Tôi khuấy nồi cháo đang sôi nhẹ rồi trở lên lầu. Cửa phòng để mở. Con bé ngồi trước máy vi tính, chỉnh tề trong bộ đồng phục, đang chải mớ tóc ngược ra sau rồi buộc túm cao kiểu đuôi gà. Tôi buồn cười với cái vẻ căng thẳng trên gương mặt cô con gái mười lăm tuổi giống mẹ như tạc.
Đâu phải thứ gì cũng làm tôi bực bội.
Con gái tôi chẳng bao giờ làm tôi bực mình. Tôi chẳng thể nào nhìn nó mà không cười. Và lúc nào cũng vậy.
Những hình ảnh trong sách Khải Huyền chạy ngang qua màn hình máy vi tính của con bé. Nhà máy phun đầy khói độc. Cá chết nổi lềnh bềnh trên những dòng sông đen kịt. Xe cộ kẹt cứng trên đường cao tốc.
Tôi gõ gõ lên cánh cửa đang để mở.
- Có ai ở đây thích món cháo yến mạch không nhỉ?
- Để con… - Giọng nó đứt quãng vì mắt còn mải nhìn những đỉnh núi băng đang tan chảy, vỏ trái đất sôi sùng sục, bầu trời xé toạc thành từng mảnh bởi sâu bọ và bệnh dịch. - Con phải xem…
- Ruby, đừng lo lắng về mấy thứ vớ vẩn đó con ạ. Có phải là tận thế đâu.
Nó nhăn mặt nhìn tôi:
- Không đùa đâu, bố. Tôi phì cười.
Hai bố con xuống đến nơi thì nồi cháo đã hơi
sủi bong bóng, không còn sánh mịn như sữa kiểu tôi thích nữa.
Lara từ ngoài vườn vào, tay phải cầm vật gì đó. Mẩu đầu lọc thuốc lá. Nàng ném vào giữa ngực tôi, chỗ tôi luôn thấy đau thắt. Nóng như lửa, bố tôi nói thế. Nhưng mau nguội.
- Anh có biết đó là cái gì không, George? Thêm một cây đinh đóng hòm cho anh đó!
Nàng quắc mắt hỏi rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh bàn ăn, hai tay ôm mặt. Ruby và tôi hết nhìn nhau rồi lại nhìn nàng. Giọng nàng nghèn nghẹn giữa hai bàn tay.
- Cảm ơn anh nhiều lắm, George ạ. Cảm ơn anh vô cùng.
Chúng tôi ăn cháo.
***
Rufus vẫn đứng ở trạm xe buýt.
Tôi dừng xe bên đường và quay cửa kính xuống. Trông thấy bố mẹ và em gái trong xe, nó có vẻ e dè, rồi nhìn lảng đi chỗ khác. Có vài đứa trẻ cùng trường cũng đang đứng đợi, nhưng dường như chúng không quen biết nhau.
- Con có muốn bố chở đi không? - Tôi hét lên giữa tiếng xe cộ ầm ầm trong giờ cao điểm.
Nó giật mình nhìn lên, nheo mắt:
- Gì cơ? Con không nghe rõ. Đám trẻ quay nhìn chúng tôi.
Tôi hỏi Lara đang ngồi ở băng ghế sau:
- Anh có thể nói gì đây? Anh có thể hỏi nó câu gì khác được chứ?
Ruby chồm tới trước hỏi:
- Thủ đô của Peru là gì? Nếu Chúa có thật thì tại sao có quá nhiều nỗi đau trên thế giới? - Rồi nó ngồi yên trở lại, khúc khích cười trước cảnh ông anh trai to xác đang lóng ngóng chờ xe buýt. - Anh ấy muốn đi xe buýt, bố ạ!
Con bé nói đúng.
Thế nên tôi để mặc thằng bé ở trạm xe buýt và chở Ruby tới trường, đến tận cổng. Con bé còn hôn bố mẹ mà không phải nhìn trước ngó sau xem có ai trông thấy không.
Con bé thật sự lúc nào cũng làm tôi cười được.
Và nụ cười chỉ tắt khi tôi thấy con bé tung tăng bước đi với đứa bạn cùng lớp, lắc cái hông gầy gò làm tốc cái váy xám. Nó bắt đầu mang vớ trắng cao quá gối tới trường, trông chẳng ra làm sao.
Tôi gọi với theo:
- Này, cô bạn nhỏ!
Nó ngoảnh lại, nhướng đôi mày bướng bỉnh lên và vẫy tay chào. Cử chỉ đó mang nhiều nghĩa: Thôi mà. Tạm biệt. Đi đi. Chiếc váy không thể ngắn hơn được nữa, và đó dường như là điều duy nhất tôi có thể hỏi.
Lara sờ đồng hồ khi chúng tôi nhích từng chút một giữa dòng xe cộ buổi sáng.
- Em muộn mất thôi. Tôi liếc đồng hồ tốc độ.
- Không đời nào.
Vừa lách xe sang làn đường bên kia, tôi vừa bật còi hụ. Hai ánh đèn xanh trên mui xe liên tục nhấp nháy. Tất cả xe ngược chiều đều nhường đường trước khi tôi chạy đến.
Cuộc sống là thế.
- Anh biết là không nên làm vậy mà. - Lara cúi đầu núp sau lưng ghế, cười xấu hổ.
Tôi mỉm cười, thấy vui vui vì đã làm cho vợ mình vui, tự hào vì tôi đã đưa nàng đến sở làm đúng giờ, và chờ đợi khoảnh khắc được ở một mình, châm điếu thuốc đầu tiên trong ngày.