Từ 1883 đến 1893, tại trấn Sơn Hưng Tuyên ( bao gồm: Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên sau này) đã diễn ra cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược vô cùng anh dũng với những chiến công vang dội.
Trên các địa danh, những chiến thắng lịch sử do quân dân ta tạo nên: thành Sơn Tây, thành Hưng Hóa, Thanh Mai-Thạch Sơn, Tứ Mỹ, Phong Vực, Cầu Gỗ, Tình Cương, Tiên Động, Chợ Bờ, Đèo Gỗ, Ngòi Lao, Ba Khe, Thượng Bằng La, Nghĩa Lộ, Phong Dụ, Ngọc Tháp, Quảng Nạp, Sơn Hùng-Thục Luyện, Khả Cửu, Yên Lãng, Mộ Xuân, Đầm Đen, Bằng Giã, Rừng Già- Đọi Đèn... còn lưu truyền mãi.
Trong cuộc chiến đấu ấy xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, chói sáng là các văn thân, võ tướng: Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Khê Ông, Đốc Ngữ, Đề Kiều, Lãnh Mai, Vương Doãn, Lê Đình Dật, Tán Áo, Tán Khảm, Lãnh Khanh, Lãnh Vân....Họ đã giương cao ngọn cờ chống Pháp xâm lược ngay khi quân Pháp kéo quân đến vùng đất này. Khi có Chiếu dụ Cần Vương của Vua Hàm Nghi thì họ và đông đảo quân dân lại nhất tề hưởng ứng, chiến đấu lập nhiều chiến công làm cho giặc Pháp phải chịu nhiều tổn thất, hoảng sợ trước tinh thần quật cường của tướng sỹ và nhân dân ta.
Họ đã vận dụng cách đánh giặc của ông cha bao đời trước, sáng tạo ra cách đánh mới, linh hoạt, hiệu quả như đột kích, tập kích, phục kích, đánh chặn, đánh kìm, tiến công chớp nhoáng, rút lui mau lẹ, bí mật, bất ngờ, phòng thủ kiên cố; lợi dụng địa hình, địa vật, thời gian, thời tiết, thời cơ đánh địch. Những bài học về chiến thuật, chiến lược ấy đã được quân dân ta vận dụng sáng tạo trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ; mãi mãi là bài học quý giá cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tuy chung cục thất bại, họ phải đem cái chết đền nợ nước, nhưng tinh thần, hành động anh hùng của họ là bất diệt. Có đốc binh chỉ huy lúc sống được chính kẻ thù tôn vinh là “cứu tinh, anh hùng dân tộc”; nhiều vị chỉ huy, lãnh binh quân địch gọi là “mãnh hổ”, “thiên thần”. Khi chết rồi kẻ địch vẫn tưởng như còn sống phải đề phòng, hay nhiều cái chết của tướng sỹ đã làm cho tướng sỹ Pháp phải kinh sợ, nể phục. Những văn thân trở thành võ tướng như Bố Giáp được tôn vinh là “Trung hưng danh tướng”; Nguyễn Khê Ông là “kẻ sỹ vì người tri kỷ mà ra sức đua tài, dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không từ chối” và là “người đồng sự”, “đồng tâm”, “dũng cảm”, “ xông pha tên đạn”; Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích được ca ngợi như “ rường cột”, một “Trụ chống trời”, sau này Giáo sư, Nhà văn Mỹ James C. Wlhelm đánh giá: “ Ông là một vị tướng nổi tiếng và tầm một anh hùng thế giới, bởi ông là biểu tượng tiêu biểu của sự chống lại chủ nghĩa thưc dân”.
Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược thất bại, không phải quân dân ta không có khả năng, điều kiện, thời cơ đánh thắng địch thù. Do hạn chế về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, về vũ khí, trang bị, sự chỉ huy thiếu thống nhất, không có sự chuẩn bị trước, không nắm rõ tình hình địch, chưa tin tưởng hẳn vào sức mạnh của nhân dân, nên dẫn đến những sai lầm để kẻ địch lợi dụng chỗ yếu của ta. Giặc Pháp xảo quyệt dùng chiêu bài “hòa bình”, “hữu nghị”, “ an ninh”, “bảo hộ”; khi đánh thì dùng kế “ tằm ăn lá dâu”, “ chia để trị”, “đánh nhanh, thắng nhanh”, “bình định cấp tốc”; làm cho phía ta mắc phải tư tưởng “cầu hòa, cầu an”, “tự chia rẽ”, “trông chờ vào ngoại viện”,“ sợ kẻ địch mạnh” dẫn đến bại vong. Sự thất bại đau đớn trong cuộc chiến chống Pháp lần thứ nhất vẫn là bài học xương máu cho người Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Câu chuyện lịch sử trôi vào quá khứ hơn một trăm ba mươi năm. Người kể chuyện phải dựa vào những tư liệu lịch sử và trí nhớ của hậu duệ của các văn thân, võ tướng, viết thành một cuốn tiểu thuyết dài phản ánh tương đối đầy đủ, chính xác như diễn biến của cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược trên vùng đất Sơn HưngTuyên. Bắt đầu từ cuộc chiến giữ thành Hưng Hóa, trận đánh chống càn ở làng Tứ Mỹ, lập căn cứ và đánh địch bảo vệ Tiên Động, Thanh Mai-Thạch Sơn, rút quân lên Nghĩa Lộ, lui quân về Mộ Xuân và miêu tả các trận đánh của nghĩa quân khắp vùng núi, vùng ven sông Thao, sông Đà, Sơn Hùng-Thục Luyện, Rừng Già- Đọi Đèn, kết thúc là sự kiện Đề Kiều “ra hàng có điều kiện” để cứu dân, giữ gìn lực lượng.
Người viết luôn chú ý đến các chức năng của văn học, đề cao chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Cốt để mọi người phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc và nhân dân.
Hiện nay, rất nhiều người còn ít biết và hiểu lơ mơ về cuộc chiến đấu chống giặc Pháp của ông cha ta trong một giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ thứ XIX, trên vùng đất phía Tây Bắc của Tổ quốc ta. Đọc tác phẩm Trầm tích sông Thao bạn đọc sẽ nhận thức tương đối đầy đủ về cuộc kháng chiến chống Pháp đầu tiên này, tiếp thu được những bài học quý giá của ông cha ta; tin tưởng, cảm phục, kính trọng những nhân cách cao quý của các văn thân, võ tướng, binh sỹ và đồng bào ta đã vì nước quên thân, vì dân quên mình.
Hiểu biết lịch sử giúp ta thêm tin yêu cuộc sống, con người, quê hương, đất nước, gia đình; biết giữ gìn lịch sử và làm nên lịch sử, kế tục và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của ông cha, đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam; xây dựng đất nước ta giầu mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các dân tộc, các nước trên thế giới.
Tác phẩm đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được tặng giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2014. Được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng Giải thưởng Hùng Vương và Kỷ niệm chương Hùng Vương năm 2015. Tác giả đã giành thời gian sửa chữa, được Nhà xuất bản …. tái bản. Mong được nhiều độc giả tìm đọc và quảng bá.
Ngày 15 tháng 9 năm 2020
Triệu Hồng