Làng Cát Trù nằm ven bờ hữu ngạn sông Thao, thuộc tổng Điêu Lương, hạ huyện Cẩm Khê. Giữa có con đê ngăn lũ chạy dài theo bờ sông, ngoài đê là đất bãi, trong đê là cánh đồng Trò rộng lớn. Con ngòi Cỏ chảy qua làng, nước trôi lặng lẽ, êm đềm. Xa, về phía tây trông rõ núi Đọi Đèn xanh ngát, phía ngoài núi có đầm Meo nổi tiếng nhiều cá tôm. Người Cát Trù cũng như các làng ven đê sông Thao quen sống chung với lũ, khi mùa nước sông lên cao, đồng bãi ngập mênh mông. Người dân sống trong và ngoài đê đều phải tôn nền nhà cao hơn hai thước ta (1), thế mà nước có năm còn vào trong nhà, những năm lũ to, nước lên chấm mái nhà. Nhưng những người dân bao đời sống cam chịu thế, chẳng mấy ai kêu khổ về nạn ngập lụt.
Chú thích:
(1). Mỗi thước ta bằng 0, 45m
Con người sống ở đất này đã lâu lắm rồi, trước cả đời Hùng Vương. Chẳng ai nhớ nổi và cũng chẳng sách nào ghi. Các dòng họ có gia phả thì nhớ tổ tiên của họ đã sống ở đây trên mười đời, khoảng trên dưới 300 năm. Không phải ở trong rừng núi ra mà đều ở dưới xuôi, xứ Bắc, xứ Đông hay xứ Đoài tới. Những dòng họ lớn như họ Nguyễn thì gốc ở Từ Liêm, họ Hoàng thì ở Thanh Trì, họ Lê thì gốc ở Vụ Bản, họ Cao thì ở Gia Lâm. Một số dòng họ nhỏ như họ Vũ, Hà, Đoàn, Đỗ, Đặng, Tạ thì không thấy ghi gia phả. Họ mới đến ở đất này chắc được vài ba đời hoặc nhiều hơn, nhưng vì không ghi chép thành ra không ai nhớ.
Các dòng họ và mọi thành viên trong gia đình sống ở một làng thì gắn bó thành cộng đồng, cùng nhau xây dựng đình, đền, miếu, chùa thờ thánh, thần hoàng và Phật. Làng Cát Trù có đình Trò thờ vua Hùng, chùa Trò thờ Phật, miếu Trò thờ thần hoàng làng. Xung quanh các nơi thờ tự, người ta trồng những cây gạo, cây đa và cất lên những lán trại để làm nơi họi họp, nơi học hành cho con em. Làng Cát Trù có chợ Trò, một chợ lớn mọc ra từ lâu lắm rồi. Là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá cho dân cả vùng hạ huyện Cẩm Khê. Một chợ ven sông Thao tấp nập chẳng kém chợ Chí Chủ, Vũ Yển, Ấm Thượng của đất Thanh Ba, Hạ Hoà.
Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề buôn bán. Nghề nông thì trồng lúa, ngô, khoai, mía và các loại rau xanh. Đất phù xa bồi đắp, mát mẻ nên làm bỡn, ăn thật. Nghề buôn bán thì đủ thứ hàng hoá như vải, lụa, xô, thuốc lá, thuốc lào, giấy bút; các loại nông sản, các loại động thực vật của đồi rừng, tre nứa, gỗ, lá cọ, chè, sở, đến các loại súc vật như trâu, bò, dê, gà lợn; các loại cá sông, cá đầm, cá đồng như cá chép, măng, chắm, thiểu, rưng, diếc, rô và các loại tôm cua . Phiên chợ nào cũng bày nhiều hàng, đủ cho kẻ bán, người mua tấp nập từ mơ sáng đến chiều tà.
Đất Cát Trù là đất học, đất phát quan. Các nhà giầu đón thầy về dạy cho con cháu trong nhà trong làng, hay gửi con về kinh kỳ học. Nhiều người đỗ ông Cống, ông Nghè ra làm quan như tướng Hoàng Thời Dụng, thống lĩnh Thao Hà kiêm tổng đốc đạo Sơn-Hưng-Tuyên;Tiến sỹ Nguyễn Đình Gia làm quan cấp sự triều đình nhà Nguyễn. Chỉ kể thế thôi đã là đất học, đất phát quan, tài lộc, không phải làng nào cũng được như thế.
Gia đình nhà Chánh tổng Hoàng Văn Thuý liền chợ Trò, ba ngôi nhà đại khoa xếp theo hình chữ môn, lợp ngói ta, toạ lạc trên diện tích vườn khoảng năm mẫu ta(1). Trồng nhiều loại cây như chuối, na, nhãn lồng, chanh khế. Trước nhà có hòn non bộ, hồ bán nguyệt, trồng mấy hàng cau cao vút, buồng sai quả. Ông Chánh tổng làng Cát Trù này vừa vào tuổi ba mươi, cái tuổi tuổi tam thập nhi lập. Ông là chắt của tướng Hoàng Thời Dụng, là con một kỳ hào giầu có, cung tiến nhiều tiền cho dân làng làm đình chùa, nên chết đi được phong hậu thần làng Cát Trù. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Năm con gái ông quan cập sự triều đình Nguyễn Đình Gia và bà Cao Thị An người làng Trình Khúc. Ông Thúy là người khoẻ mạnh, tính tình phóng khoáng, thương người nên được mọi người quý trọng. Trong tổng, người dân yêu mến ông nên tuân lệnh răm rắp, đã bảo là nghe và làm theo.
Năm ông làm chánh tổng là năm quân Cờ Đen từ phương Bắc tràn về, chúng đi theo bờ sông Thao, đến đâu chúng cướp phá, nhũng nhiễu dân lành. Quan quân triều đình nhiều phen đánh dẹp nhưng không nổi. Chỉ đến khi Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (2) đến đảm nhiệm Tri phủ Lâm Thao chúng mới quy về để cho dân yên. Nghe nói ông đã thu phục được tướng cầm đầu quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc, bàn với triều đình cấp đất cho làm căn cứ ở Bảo Thắng giáp biên,được phép tự do được đi lại và cùng cộng tác với quan quân triều đình chống giặc Tây khi chúng kéo quân ra đánh chiếm thành Hà Nội và các tỉnh thành của xứ Bắc Kỳ. Nhưng thỉnh thoảng binh lính của quân Cờ Đen vẫn làm cái trò cướp giật dân lành. Chánh Thúy bèn bàn với lý trưởng và phó lý mua súng về đề phòng quân Cờ Đen đến cướp chợ, cướp làng, giết người.
Chú thích:
(1). Mỗi mẫu ta bằng 3600m2.
(2). Nguyễn Quang Bích họ Ngô, suốt đời ông mang họ Nguyễn nên tác giả sử dụng danh tính trên cho đúng với lịch sử.
- Làng Cát Trù ta và các làng trong tổng Điêu Lương phải lập mỗi làng một đội nghĩa dũng, bỏ tiền ra mua súng về và phải sắm thêm giáo gươm, cử người chỉ huy, đề phòng giặc cướp. Hơn nữa quốc gia hữu sự, biết đâu triều đình phải điều ra chống giặc Tây cứu nước. Ở trong lục tỉnh Nam Kỳ người ta đã phải tự mình chống Tây, nghe nói là quyết liệt lắm, chúng ta phải noi gương làm theo.
- Ông Chánh Thúy nói phải, nhưng ông còn trẻ phải đứng ra trực tiếp chỉ huy thì dân mới theo. - ông Lý trưởng Lê Hà vừa nói vừa thở - Tôi thì sức yếu tay trói gà không nổi nữa. Người thay tôi làm phó cho ông Chánh Thúy phải là Phó lý Cần, còn trẻ, tài võ nghệ lại kinh qua chiến trận đánh Tây mới có thể đảm nhiệm được việc quân cơ.
- Đúng đấy! Đúng đấy ! - Cả hội đồng hào lý tán thành.
Việc điều động tráng đinh trong làng thì ông Lý Hà quyết định, Phó lý Cần trực tiếp tập hợp điểm danh. Việc mua súng cũng dễ dàng, giáo gươm đã sắm đủ. Đội nghĩa dũng làng Cát Trù hình thành lúc đầu gồm hai mươi hai người, trực tiếp chỉ huy là Chánh tổng Hoàng Văn Thuý và phó chỉ huy là Phó lý Cao Cần.
Một đội quân nghĩa dũng phải được luyện tập cách bắn súng, cách múa gươm, cách dùng giáo mác. Người trực tiếp hướng dẫn là Phó Cần đã một thời đi lính đánh giặc, bị thương được giải ngũ. Lúc đầu nhiều anh em còn bỡ ngỡ, chưa biết bắn súng, chưa biết dùng gươm giáo. Chẳng bao lâu mọi người đều thành thạo dùng súng, gươm, giáo mác, Phó Cần thường nói với anh em:
- Người cầm súng cầm gươm đánh trận là đứng trước tử thần, nhanh một ly thì sống, chậm một ly là chết.- Nhìn thấy anh em còn thiếu vũ khí nhất là thiếu súng, ông nói:
- Chúng ta phải đột kích, phục kích mà tước súng của giặc, trang bị cho quân mình. Gần đây có đồn quân Cờ Đen ở Chế chúng cậy quân đông, chủ quan, ta bí mật đột kích vào đồn lấy súng. Dạo này, chúng hay đi làm cái việc càn quấy, cướp đường, cướp chợ, ta có thể phục kích mà cướp lấy súng.
Mấy tay đội viên trẻ tuổi thì lè lưỡi lắc đầu, cậu Hà Phát trẻ nhất thì đứng dậy thưa:
- Thưa ông Phó Cần, lũ em chưa dám làm ạ! Bọn ấy mà biết, chúng kéo đến giết cả nhà, cả họ em đấy.
- Ta làm mà chúng không hề biết, thế mới là tài. - Phó Cần đủng đỉnh nói - Đêm mai, cậu nào dám theo tôi lên đồn Chế lấy súng của bọn Cờ Đen?
Chẳng ai dám nói đi vì còn sợ giặc. Mọi người còn chưa biết cách đột kích vào đồn như thế nào. Ngày đêm chúng phân người canh gác lại có mấy con chó ngao canh giữ, khó vào đồn. Phó Cần thấy anh em còn chưa kinh qua việc đột kích thì thủng thẳng:
- Ngày mai, cậu Hà Phát và Đặng Tất đi với mình lấy súng nhé! Tớ không cần các cậu vào đồn để mình tớ vào thôi, được súng ta cùng vác về. Nhưng tuyệt nhiên không được nói với ai biết việc này. Phải bí mật tuyệt đối đấy!
- Chúng ta phải báo cho ông Chánh Thuý biết chứ?
- Các cậu cứ yên tâm, tớ sẽ báo cho ông ấy rõ!
Sáng hôm sau, ông Phó Cần cùng Hà Phát, Đặng Tất giả dạng làm người đi bán chuối tiệp cận đồn Chế. Đến cổng đồn, mấy người bán chuối rẻ cho lính tráng, cốt chú ý quan sát đường đi lối lại trong đồn để về đêm còn hành sự. Chúng đóng quân quả là còn sơ sài. Nhà ở thì trống tuyếc trống toác, rào giậu đơn sơ, chó có thể chui, kẻ gian có thể qua. Bọn lính Cờ Đen sống buông thả, chúng cho rằng người Việt chẳng ai dám động đến lông chân chúng.
Vào đêm ba mươi tháng giêng, trời tối mịt, ba người bơi một chiếc thuyền nan ngược sông Thao, cho thuyền ghệch bãi sông, đi bộ vào đê hướng vào phía đồn Chế. Đến chỗ kín, Phó Cần bảo Hà Phát và Đặng Tất nằm im tại đây, còn mình thì lẻn vào đồn.
Vào khoảng canh hai, Phó Cần đã mò vào được trong đồn. Bọn Cờ Đen ngủ say như chết. Phó Cần đến bên giá súng đặt trên đầu giường nhắc từng khẩu đem ra ngoài buộc lại rồi vác ra chỗ buị chuối đầu đường. Hai người lính nghĩa dũng chờ sẵn, giúp Phó Cần vác súng ra bờ sông, đếm tất cả được 8 khẩu súng và mấy túi đạn đưa lên thuyền bơi về bãi bồi Cát Trù, đào hố giấu súng đạn vào trong bãi mía de.
Dọc đường về nhà, hai người lính trẻ cứ hỏi ông Phó Cần làm sao có thể vào đồn mà không đụng đầu hai con chó ngao. Phó Cần nói:
- Đã ném cho chúng hai cái chân giò lợn luộc còn gì. Chó đói chúng háo ăn còn chú ý gì đến trộm, vả lại chúng mày ngửi xem tao cũng có cái mùi lính Cờ Đen không?
- Mùi gì vậy?
- Mùi nước đái bò cái, tao lấy thoa và người. Mùi ấy là mùi lính Cờ Đen đấy!
Chẳng biết thật hay là tếu táo, cả ba người cùng cười ha ha. Họ đi về nhà lên giường ngủ ngon lành, vì đã thực hiện một cuộc đột kích ngoạn mục.
Bọn lính Cờ Đen bị mất súng, chúng cho lính đi tìm và bắt tất cả dân làng Chế cùng đi tìm. Cuối cùng chúng đã tìm được một túi đựng đạn vất ở bụi chuối và chúng theo dấu chân ra bờ sông Thao. Một người dân bảo chúng là bọn người ở bên làng Trung Hậu, Thanh Hà thường đi ăn trộm đêm, chính chúng là thủ phạm nguy hiểm. Bọn lính Cờ Đen còn tìm thấy mấy khúc xương lợn mà cho ngao của chúng gặm bỏ ngoài sân.
Sáng hôm sau, Phó Cần nói cho Chánh Thuý biết việc đi lấy súng trên đồn Chế trong đêm. Chánh Thuý mừng lắm bảo cứ chôn cất kín và sẽ đem phát cho những người bắn giỏi, nhưng phải giữ bí mật vì bọn lính Cờ Đen rất đông và liều lĩnh. Bọn chúng là quân giết người không biết ghê tay, có thể đem quân đốt cả làng, cả chợ đó. Chúng ta chỉ có thể phục kích đánh họ để cứu người và cứu làng khi chúng đến cướp phá.
Phó Cần bảo với Chánh Thúy:
- Bây giờ, ta phải cho người thường xuyên đi do thám quân Cờ Đen. Vì chúng trở thành lực lượng đối đầu của ta.
- Lấy ai đi do thám địch bây giờ?
- Lấy hai người của đội nghĩa dũng, đó là cậu Hà Phát, Đặng Tất đã cùng tôi đi lấy súng đồn Chế đêm qua.
Chánh Thúy gật đầu tán thành và dặn thêm:
- Phải chú ý rèn cho anh em hoạt động thăm dò, kiên nhẫn, gan dạ và cả lòng trung thành. Biết trước, ta chủ động đánh thắng địch, không biết sẽ rơi vào thế bị động dễ bị thua. Nên những tin tức về giặc cần phải nắm kịp thời đó.
Từ ấy, Chánh Thúy và Phó Cần trở thành những người chỉ huy thực sự của đội quân nghĩa dũng. Tiếng đồn vang xa ở Cát Trù có đội nghĩa dũng được trang bị súng ống, gươm giáo đủ sức bảo vệ được làng xóm không bị giặc cướp đến quấy nhiễu, dân trong làng rất phấn khởi, tin tưởng và yên tâm làm ăn.
Tin về làng Cát Trù có đội nghĩa dũng mạnh, Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích biết liền gửi văn thư khen ngợi Chánh tổng Hoàng Văn Thúy và dân làng Cát Trù. Trong văn thư ông có thông tin rằng quân Tây đã đánh chiếm thành Hà Nội và một số tỉnh thành Bắc Kỳ, quân dân Hưng Hoá phải sẵn sàng chiến đấu đánh quân Tây bảo vệ thành. Mỗi làng phải tự có lực lượng để giết giặc cứu dân lành. Làng Cát Trù đã lập được đội nghĩa dũng mạnh thật đáng khen. Các làng khác trong toàn tỉnh Hưng Hoá phải đặng làm theo làng Cát Trù.
*
Mấy hôm sau có một bọn lính Cờ Đen đến cướp chợ Trò. Chúng định bắt người đi chợ để tống tiền, cướp hàng hoá. Việc chúng đến chợ Trò đã được Hà Phát báo từ đêm. Phó Cần cho cả đội phục kích trong vườn chuối gần chợ. Khi bọn chúng kéo về hành hung người đi chợ, xông vào cướp hàng. Nghe tiếng người kêu cứu inh ỏi, cả đội xông lên, đánh chém bọn tống tiền, cướp của. Hôm đó do mạnh tay, đội nghĩa dũng đã giết chết hai tên lính Cờ Đen. Bọn sống sót hoảng hốt bỏ chạy, vất cả súng ống, về báo lên chỉ huy cấp trên đóng trên đất phủ Lâm Thao. Chúng chờ được lệnh là kéo quân về bắt giết cả làng cả họ Chánh tổng Hoàng Văn Thúy.
Chánh tổng Thúy cấp tốc lấy ngựa phi thẳng về thành Hưng Hoá cầu cứu quan Tuần phủ Nguyễn Quang Bích. Tới cổng thành, một tên cai đội dẫn ông vào gặp quan tuần phủ.
Quan Tuần(1)Hưng Hoá đang ngồi trong đại đồn, phía trước cột cờ xây cao treo một lá cờ đại thêu hai chữ Đại Nam đang phần phật tung bay trong gió. Ông ngồi đắm chiêu suy nghĩ về điều gì sâu xa liên quan đến vận nước, cơ đồ của dân Việt Nam đang đứng trước hoạ xâm lăng của giặc Tây. Dáng ông trầm buồn, âu lo, tin về các thành trên đất Bắc Kỳ thất thủ làm ông đau đớn. Điều buồn nhất là sự đầu hàng của một bộ phận lớn quan lại trong triều và cái tin triều đình đã ký hoà ước Hác-măng (Harmand) một kiểu hiệp ước đầu hàng giăc Tây, phản dân tộc.
Chú thích:
(1). Nguyễn Quang Bích làm Tuần phủ Hưng Hóa nên mọi người gọi ông là “quan Tuần”.
Thấy người lạ đến, quan Tuần đứng dậy vẻ niềm nở, thân mật. Biết người đến là Hoàng Văn Thúy đương nhiệm chức chánh tổng, kiêm chỉ huy đội nghĩa dũng Cát Trù. Ông nhìn thấy người trai trẻ, cao lớn, khỏe mạnh, dung nhan giống một võ tướng, tai to, mặt vuông chữ điền, nhân trung rộng, da trắng, nom phúc hậu có thể dùng trong quân. Ông vui vẻ mời ngồi và nói:
- Có việc chi mà Chánh tổng Thúy muốn gặp ta?
- Da thưa quan Tuần, chúng con hào lý Cát Trù dùng đội nghĩa dũng bảo vệ dân lành. Một đội quân lính Cờ Đen ỷ thế đông kéo tới chợ Trò cướp phá. Quân nghĩa dũng Cát Trù chống lại đã giết chết hai tên. Họ muốn trả thù dọa kéo quân đến triệt phá làng, giết con và người nhà của con. Con đến báo cho quan Tuần biết, có cách nào giúp con, gia đình con và dân làng.
- Con cứ an tâm để ta giúp!
Rồi ông ngồi viết thư, Chánh Thúy nhìn sang thấy có đoạn ông viết:“Việc lính tráng va chạm nhau, gây thiệt mạng thường có trong quân. Đây là chuyện chẳng may xảy ra trong hạt tôi; tôi sẽ cho bồi thường thiệt hại, mai táng người chết. Còn dân chúng là gốc dễ của nước nhà, không có tội gì xin tướng quân tha cho họ”. Viết xong, ông ngẩng mặt lên nhìn và nói với Chánh Thúy:
- Ta sẽ cho người báo cho Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc biết để ngăn chặn âm mưu trả thù. Có điều ta cũng tin cho con biết, tướng Lưu đã có chiếu chỉ của vua nhà Thanh triệu hồi về nước, sẽ cho triệt thoái quân lính để giữ quan hệ hòa hiếu với người Pháp.
- Họ không còn giúp ta chống giặc Tây, thì chúng ta phải tự mình chống giặc Tây xâm lược.
- Đúng đấy! Con nói đúng đấy! - Quan Tuần nói như reo lên. - Ta phải tự mình chống giặc Tây. Tự mình! A, ha, tự mình! Con nói trúng ý ta lắm!
- Da thưa quan Tuần, nghe nói ở lục tỉnh Nam Kỳ có các ông Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân đã lãnh đạo dân chúng kháng chiến chống Tây, ta nên noi gương họ mà hành sự.
- Con nói phải, ta là dân của nước, vận nước nguy nan phải theo gương trung với nước. Trung với nước với dân là lẽ sống cao cả của con người ta phải không? Triều đình có thể bắt hạ vũ khí, ta kiên quyết đánh giặc thì chịu tội với triều đình, chứ không phải chịu tội với muôn đời hậu thế phải không?
Thấy Chánh tổng Hoàng Văn Thúy ngồi im đăm chiêu không nói gì. Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lại hỏi:
- Đội quân nghĩa dũng của tổng con, làng con có khoảng bao nhiêu người, được trang bị ra sao?
- Da thưa quan Tuần! Đội nghĩa dũng của con trong làng tổng mới tính sơ sơ có khoảng trên 50 người, đã có 20 khẩu súng, còn lại có đủ gươm, giáo, mác ạ.
- Tốt lắm! Như thế là bằng một phần mười số quân của ta trong toàn tỉnh Hưng Hoá. Nếu toàn tỉnh, các tổng đều có số quân nghĩa dũng như tổng Điêu Lương thì trong tay ta phải có mười nghìn quân. Ta có đủ lực lượng để kháng chiến chống giặc Tây đi đến thành công phải không nào?
Buổi trưa hôm đó, quan Tuần mời cơm Chánh tổng Hoàng Văn Thúy và còn hỏi thêm về gia cảnh. Biết vị chánh tổng này là con dòng cháu dõi, ông cha đã có người làm tướng quân thống lĩnh Thao Hà và có bố vợ là phó bảng, làm quan cấp sự triều đình, sau về làm tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đời Tự Đức đã về hưu và mất cách đây hơn chục năm.
Sau bữa cơm, Chánh tổng Hoàng Văn Thúy xin phép ra về. Tuần phủ Nguyễn Quang Bích yêu cầu Chánh Thúy đưa một nửa số quân nghĩa dũng của tổng Điêu Lương, làng Cát Trù về thành Hưng Hoá làm nhiệm vụ phòng thủ, sẽ quyết định phong cho Hoàng Văn Thúy lên chức đốc binh chỉ huy một đạo quân tăng cường bảo vệ thành Hưng Hóa. Ông hẹn với Chánh Thuý một tuần sau cho quân nghĩa dũng vào nhập thành, thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của quan tuần phủ.
Chánh Thúy về làng loan báo cho toàn thể dân làng Cát Trù và đội nghĩa dũng của mình biết tin quân Cờ đen không báo thù nữa, vì có sự điều đình của quan Tuần phủ Nguyễn Quang Bích với tướng họ Lưu. Nhưng phải đề phòng họ, khi triệt thoái quân về nước, chúng có thể vẫn cướp bóc dọc đường, nên đội nghĩa dùng còn phải hoạt động canh phòng. Tin về ông sẽ được cử giữ chức đốc binh và cái tin quan triều sẽ lấy một nửa số quân nghĩa dũng của làng Cát Trù, tổng Điêu Lương nhập vào quân của thành Hưng Hoá có nhiệm vụ giữ thành khi giặc Tây lên tiến công rộ lên khắp vùng.
Đứng ở sân đình Trò, trước hào lý của làng và đội nghĩa dũng, Chánh tổng Hoàng Văn Thúy nói lớn:
- Thưa các vị hào lý và toàn thể các chiến hữu! Nước ta đang có nạn giặc Tây xâm lăng phải cần đến lực lượng. Nên chúng ta phải ra tay đánh giặc cứu nước, cứu nhà, chấp nhận sự hy sinh hết thảy. Nay ta kêu gọi toàn đội nghĩa dũng sẵn sàng! Ai có thể cùng ta tình nguyện đăng lính thì ghi tên vào danh sách. Phó Cần giúp ta lập danh sách này và chuẩn bị mọi phương tiện, vũ khí để mồng một tháng ba năm Giáp Thân (1884), chúng ta có thể lên đường về giữ thành Hưng Hoá.
Cả làng Cát Trù xôn xao về cái tin đội nghĩa dũng do Chánh tổng Hoàng Văn Thuý chỉ huy chuẩn bị lên đường ra nhập quân triều bảo vệ thành Hưng Hoá. Mọi người náo nức tòng quân, không sợ quân Tây có tàu to, súng lớn. Giữa mùa giáp hạt, nhiều nhà thiếu đói không đủ cơm ăn. Chánh tổng Thúy biết vậy, vận động nhà giầu trong làng tổng và bản thân nhà chánh tổng dốc kho ra cứu đói. Những nhà có con chuẩn bị lên đường đánh giặc, được cứu trợ trước và người trong làng tổng thiếu đói được cứu trợ sau, nên ai ai cũng rất phấn khởi, tin tưởng.
Để chuẩn bị lên đường đánh giặc, Chánh Thúy cưỡi ngựa lên báo cho tri huyện Cẩm Khê Nguyễn Bá Tri và lý trưởng các làng Văn Khúc, Đồng Lương, Điêu Lương, Thạch Đê, được biết. Cất nhắc Phó tổng Cao Văn Triều lên thay làm việc hành sự trong tổng và căn dặn các làng phải chú ý xây dựng, củng cố lực lượng quân nghĩa dũng để lúc nào cần thì đăng lính quan triều.
Ông Chánh Thúy đi bộ vào thăm nhà Phó Cần ở trong đồng, gần bờ ngòi Cỏ. Nhà Phó Cần làm bằng gỗ soan, lợp lá cọ, đóng đố tứ vi. Khi ông vào nhà, bà Tèo mẹ của Phó Cần ra đón tiếp. Bà bảo Phó Cần còn đi cày đất trồng khoai ở ngoài đồng Trò chưa về. Nhà Phó Cần có bốn người con, ba trai, một gái, chúng còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi ngủ. Vợ Phó Cần bán buôn ở chợ Trò chưa về, bọn trẻ đi chơi. Ông ngồi báo tin để bà mẹ Phó Cần được biết, ông và Phó Cần sẽ đăng lính quan triều tại thành Hưng Hoá.
Bà Tèo ngồi nghe Chánh Thúy nói, bà không sửng sốt mà bình tĩnh nói:
- Đi đánh giặc thì là việc của trai tráng. Tôi và bà Sung mẹ anh cản ngăn sao được. Các anh đi, thì mẹ, vợ con phải gánh vác việc nhà, việc đồng áng. Người trung với nước với quân vương không thể giúp đỡ phụ mẫu hàng ngày là lẽ đương nhiên, chả trách các anh được. Mong các anh đi chân cứng đá mềm lập được công to, báo đền công chúa, công vua, công cha nghĩa mẹ!
Bà vừa nói vừa bỏm bẻm nhai trầu. Môi và miệng nước trầu tràn ra đỏ tươi. Bà đưa cho Chánh Thúy một miếng trầu cánh phượng nhúp trong đĩa men, rồi ngâm nga câu ca dao: Làm trai cho đáng nên trai - Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.
Tiếng bà trong trẻo, đằm thắm nghe tha thiết. Chánh Thúy đáp lại bà bằng một câu ca: Làm trai đánh bắc, dẹp đông - Sao cho tỏ mặt anh hùng mới nên.
Tiếng Chánh Thuý ngân nga nghe ngọt ngào, êm ái, Bà Tèo reo lên:
- Thật đúng là người họ Hoàng nhà ta rồi! Cháu có chí thế cô mừng. Thôi thì cô cầu mong cho Chánh Thúy và thằng Phó Cần nhà cô mọi sự bình yên!
- Thời buổi này chẳng bình yên được đâu, cô ạ. Đăng lính là để giữ nước, giữ nhà. Nước có yên, thì nhà mới an. Lúc nào nước bình, thì cháu và Phó Cần lại về nhà cày ruộng. Nhưng cũng nói cho cô hay, nước ta đang bị bọn giặc Tây xâm lăng, khó bề yên lâu.
Bà Tèo lắc đầu, không nói chuyện nước, chuyện quân nữa, chuyển sang nói chuyện nhà, chuyện vợ con. Hình như bà nhớ ra chuyện gì cần nói tránh đi.
- Sao lại gọi tên cái các anh ra gọi thế. Các anh đã có con nên gọi theo tên con đầu lòng. Từ nay, gọi tên anh là Chánh Kiều, ra quân làm chức đội thì gọi là Đội Kiều, lên chức cao hơn thì gọi Đốc Kiều, Đề Kiều. Thằng Phó Cần thì gọi là Phó Biêu. Gọi tên thế là theo tục kiêng của người Nam ta từ trước, tránh gọi tên cái biết đâu mọi việc lại gặp sự lành.
- Thằng Kiều là con nuôi của cháu, nhưng nó lớn tuổi nhất, gọi thế cũng được hả cô?
- Thì mẹ anh ở nhà vẫn gọi là bố Kiều đó thôi. Tên Kiều gắn với tên Thúy, sóng đôi nhau càng có ý nghĩa sao.
Nghe thấy bước chân trâu bước vào sân gạch lộp cộp. Bà Tèo chạy ra đón con trai và báo tin :
- Chánh Kiều đến nhà ta, chào mẹ, để đi đăng lính quan triều. Anh ấy bảo con cùng đi, sao mà con kín tiếng thế?
- Mẹ ạ, lúc nào con đi hãy hay! Mẹ đi sắm cơm trưa để con mời Chánh Kiều uống rượu.
- Thôi để mình về thưa với mẹ mình đã. Từ hôm ở thành Hưng Hoá về phải đi suốt chưa lúc nào nghỉ ngơi đàng hoàng thưa chuyện với mẹ. Hôm nay vào nhà bà cô mới nhớ ra chuyện này.
- Thì lệnh trên bảo đi là cứ đi, thưa chuyện với bố mẹ, vợ con thêm rắc rối ra.
- Không được đâu, việc nhà, việc nước là việc hệ trọng cần phải được mọi người thông suốt, lo cho mới mong được yên thân và bảo toàn.
Chánh Kiều từ chối ăn cơm uống rượu ra về. Ông gọi bà Tèo để từ biệt:
- Cô ơi, cháu về! Khi nào thắng giặc Tây, cháu về ăn cơm với cô một bữa thật ngon.
- Mày về thì cô ra gò Gai, Sóc Đá nằm còn đâu. Hai đứa đi lần này phải giúp đỡ nhau, sống chết, thắng thua cùng nhau nhé!
- Vâng, cô cứ yên tâm!
Chánh Kiều đi về nhà, Phó Biêu còn chạy ra đường nói với Chánh Kiều:
- Ông Lý Hà và tôi đã tuyển được ba chục người thuộc đội nghĩa dũng Cát Trù đăng lính triều đình. Ngày mai phát lệnh triệu tập, làng bỏ một số tiền ra mua quân phục cho anh em, vũ khí thì ai được cấp gì thì mang theo thứ ấy. Mua ba con ngựa cho đội trưởng một con, đội phó một con và một con cho viên lưu linh (liên lạc) của đội. Đúng 7 giờ sáng mồng một tháng ba có mặt lên đường về giữ thành Hưng Hoá. Còn số nghĩa dũng của làng ta ở nhà giao cho Đội Nhã và Trương Lập phụ trách.
- Bảo với Lý Hà là mua hai con thôi. Tớ có ngựa rồi, không phải mua nữa. Dành tiền đón gánh hát làng Hiền Đa về mở hội hát cho khí thế nhé!
- Thế cũng được, chiều nay tôi bàn với Lý Hà ở ngoài đình Trò để thực hiện.
Chành Kiều vừa đi vừa nhìn ra phía cánh đồng làng xanh rờn lúa ngô non, phía đồng Quán Trịnh thấy từng đàn trâu đang ung dung gặm cỏ, thỉnh thoảng có những đàn có trắng đang bay vòng tròn và hạ cánh xuống cánh đồng Điêu Lương. Xa xa về phía núi Đọi đèn, những đám mây trắng lững lờ trôi. Phía ấy như có hẹn ước vời mình điều gì thiêng liêng, to lớn lắm. Ông đưa mắt nhìn ra phía sông Thao, dòng sông đang cuồn cuộn chảy về xuôi, trên mặt nước đỏ ngầu có năm bảy cánh buồm xuôi ngược. Tàu chiến Tây sẽ ngược sông Thao từ Hà Nội, Sơn Tây lên thành Hưng Hóa và cuộc chiến sẽ xảy ra ác liệt. Mình đi liệu có trở về an toàn không, có gì là may mắn hay tai hoạ đối với dân làng, gia đình mình, con cháu của mình?
Về đến nhà, Chánh Kiều thấy mẹ già đang lầm rầm khấn vài Thần Phật, Tổ tiên. Nghe thấy tiếng con về bà Sung cũng không quay lại, mắt vẫn nhìn lên bàn thờ. Chánh Kiều đi đến, đứng sau lưng mẹ nói nhỏ để cho bà nghe:
- Thưa mẹ, ngày mồng một tháng ba này, con và anh em nghĩa dũng làng Cát Trù, tổng Điêu Lương đăng lính quan triều. Mẹ ở nhà trông nom nhà cửa, các con, các cháu giúp con nhé!
- Anh có thân xác thì anh đi! Làm việc quân, việc nước làm sao cho trọn thì làm. Thời buổi triều đình nhu nhươc, hòa để mà đầu hàng chẳng ra gì đâu! Đàn bà chúng tao chịu thiệt, chẳng được cầm vũ khí, chứ được cầm gươm cầm súng chúng tao chẳng thua kém đâu. Để quốc gia đến nỗi này thì nhục đấy con ạ, đến tao là đàn bà chẳng chịu được nữa là.
Bà Sung ngừng nói và cũng chẳng quay lại nhìn đứa con yêu dấu của bà, có lẽ bà còn giận con điều gì mà bà chẳng nói ra. Chánh Kiều biết bà là con gái nhà quan có vốn học thức nên bà khá nghiêm khắc với con cháu. Bà thương con, thương cháu thật đấy nhưng bà ít biểu hiện ra mặt.
Bà không quay lại nhìn Chánh Kiều:
- Mày đi cũng phải lo cho mẹ và vợ con mày chứ! Thời buổi này, nước loạn thì nhà chẳng yên đâu. Cát Trù cách Hưng Hoá chẳng xa, thành vỡ thì phải có đất đứng chân, đất căn cứ. Lần này mày đi phải bàn ngay với quan Tuần điều đó. Còn ở nhà, tao sẽ có cách, nếu động thì tao chạy vào Văn Khúc hay Xuân Lôi, Phục Cổ tao ở, nương nhờ anh em nội ngoại . Sau này mày về, không thấy tao ở đây thì nhớ tìm tao ở đó.
Bỗng bà quay lại nhìn con nói với con một điều hệ trọng mà bà vừa mơ thấy đêm qua:
- Hôm qua, tao vừa mơ thấy cảnh đầu rơi máu chảy ở thành Hưng Hoá. Khói từ các quả tác đạn nổ bùng phun khói đen trùm lên cả cột cờ. Quan quân bỏ chạy, xác người chết như ngả giạ, xác Tây hay xác ta nhìn không rõ nữa. Tao tỉnh dậy định gọi mày, nhưng mà mày đi đâu tao không gọi nữa. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, tao cũng chưa tin là thật.
Chánh Kiều nghe mẹ nói, lòng dạ bâng khuâng. Nhưng vốn là người sôi nổi, bộc trực không ưa suy nghĩ lâu. Ông nói để động viên mẹ:
- Đó là mẹ thương con, nên nghĩ nhiều thành ra mơ mộng thể thôi. Cuộc chiến đấu chống giặc Tây nhất định mau chóng kết thúc, vì hoà ước được triều đình ta và Pháp ký kết.
- Chẳng có hoà ước, mà chỉ có hàng ước! Triều đình suy vi chẳng có vua quan nào ra hồn, thì dân đen chẳng còn hy vọng nào đâu. Nhưng làm trai nước có loạn thì phải ra tay cầm gươm súng! Cứ đi, cứ chiến đấu, thắng thì là nghĩa sỹ của dân, chẳng mà thua mà chết thì còn là quỷ dữ giết giặc được tôn thờ. Con cứ nghe lời mẹ mà chiến đấu đến cùng, con nhé!
Bà nhìn ra ngoài sân, nắng tháng hai lấp lánh như giát vàng, Mắt bà ứa lệ, bà đi ra cửa xuống dưới bếp, bỗng bà ngoảnh lại dặn dò con:
- Trước khi đi, nhớ dặn vợ dặn con, nói với thằng Kiều, thằng Huy, thằng Tập những thằng lớn ở nhà nghe lời bà lời mẹ sai bảo, trông nom các em nhỏ, đảm đương việc nhà, không chơi bời lêu lổng. Chúng nó mà hư thì con có làm ông giời thì cũng là khổ thôi, đẻ ra mà không dăn, không dạy nó thành con khoai con dáy thì bao giờ mở mặt ra được!
Vừa lúc đó thằng Kiều và thằng Huy, thằng Tập đi học từ nhà ông đồ Bài vừa về. Ba đứa quây lấy bố, thằng Huy hỏi bố:
- Bao giờ bố Kiều đi về thành Hưng Hóa nhập lính quan triều? Bố có ngựa rồi phải có súng mới đánh được lính Tây dương chứ?
- Ngày kia, bố đi rồi. Các con phải ở nhà giúp bà, giúp mẹ và trông nom các em nhỏ để mẹ đi làm, đi chợ còn có tiền, có gạo nuôi các con. Nhớ là không được nghịch ngợm để người ta chửi là đồ mất dạy nghe chưa!
-Vâng ạ! Vâng ạ! Chúng con sẽ giúp bà, giúp mẹ, bố cứ yên tâm đi mà giết giặc Tây.
- Các con ngoan lắm, bố rất vui về các con! Các con cất sách vở, rửa tay chân, mặt mũi rồi vào nhà ăn cơm trưa.
*
Buổi chiều, Chánh Kiều đến đình Trò để bàn việc. Lý Hà báo là đã chuẩn bị đầy đủ cho đội nghĩa dũng lên đường. Ngày mồng một tháng ba, 30 người trong đội nghĩa dũng Cát Trù sẽ nhập vào quân quan triều. Quân số đã đủ, trang bị mỗi người một bộ quần áo lính quân triều, một đôi giầy quấn ống. Hai con ngựa dành để cho Phó Biêu tức Cao Cần và viên lưu linh Hà Phát cưỡi. Ba mươi người chia làm ba đội: đội thứ nhất đứng đầu là cai đội Lê Chính, đội thứ hai đứng đầu là cai đội Đặng Tất, đội thứ ba đứng đầu là cai đội Hoàng Oanh. Các đội viên đã được lệnh đầu quân. Vũ khí đã được chuẩn bị sẵn cất ở hậu cung của đình làng, đêm ngày có các viên tuần làng canh giữ.
Đêm mai, làng sẽ tổ chức hội hát mừng đội nghĩa dũng ra quân, gánh hát làng Hiền Đa đến đình làng biểu diễn. Hội diễn về đêm, người các làng sẽ kéo đến xem đông nên phải cử dân tuần đến giữ trật tự. Không để gây ra các vụ lộn xộn đánh nhau. Đèn đóm phải đủ sáng cho mọi người xem.
Các dự án đã được Lý Hà trình bày cặn kẽ, Chánh Kiều nghe rồi nói thêm:
- Ngày mồng một tháng ba năm Giáp Thân (1884) là ngày đội nghĩa dũng Cát Trù lên đường nhập thành. Sáng sớm đúng 8 giờ là giờ khắc tốt ta làm lễ tại đình Trò và miếu Trò lễ vua Hùng và thần hoàng làng. Mọi lễ vật, Lý trưởng Lê Hà phải lo chu đáo, không được sơ suất. Đúng chín giờ là toàn đội nghĩa dũng lên đường về thành Hưng Hoá. Khoảng 1 giờ chiều là ta nhập thành ra mắt quan quân.
Trước ngày lên đường, theo tục lệ các nhà tổ chức lễ gia tiên, lễ cúng Thánh, Phật, Thần hoàng làng, tổ chức ăn uống mời bà con họ hàng nội ngoài đến chơi chúc mừng. Nhà Chánh Kiều cũng sắm đủ mọi lễ mặn, lễ chay cho người mang ra đình, chùa, miếu từ sáng sớm. Chánh Kiều nghe tin việc xin âm dương đều thuận. Việc tổ chức cho mọi người kéo đến ăn uống, chúc mừng rất vui suốt từ sáng đến tối mới kết thúc.
Hội hát tổ chức vào đêm cuối tháng hai thật vui, tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng nhị rộn ràng. Làng xóm vui nhộn hẳn lên, dân các làng kéo về xem rất đông. Các điệu hát soan, hát chèo, hát trống quân, hát ả đào rất nhộn nhịp, các con hát thi nhau đua tài. Vở kịch tuồng Phương Viên làm cho mọi người cảm động ứa nước mắt trước tình cảm người con dâu Thị Phương đối với mẹ chồng, khi chồng đi xa đánh giặc.
Khi đến xem hát, Chánh Kiều nhận được tin các làng Thạch Đê, Văn Khúc, Đồng Lương, Điêu Lương cũng đã theo gương Cát Trù lập đội nghĩa dũng. Ngày mai mỗi làng cử 10 chiến binh nhập với đội nghĩa dũng Cát Trù lên đường về phòng thủ thành Hưng Hoá. Chánh Kiều vừa mừng, vừa lo, lo là vì thêm người là thêm khẩu phần, lo ăn mặc, trang bị, tổ chức cho họ chiến đấu.
Tin về thành Sơn Tây thất thủ, Bố chính Nguyễn Văn Giáp đã kéo quân về đồn Thanh Mai. Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm đã cho quân rút về đồn Thục Luyện. Thành Hưng Hoá trực tiếp bị quân Tây đe doạ, có thể bị tiến công trong ngày một ngày hai. Chánh Kiều thấy lòng dạ bâng khuâng vừa lo cho quan Tuần, cho số phận của binh lính, vừa lo cho thế đứng của thành. Đúng là còn một ngày ở nhà là một ngày tâm trạng không yên khi mình sắp nhập thành, cuộc chiến đánh giặc Tây thử sức mình bắt đầu.
Trên đường từ hội hát về nhà, Chánh Thúy bỗng nhớ tới lời mẹ nhắc, là thành Hưng Hoá vỡ thì phải tìm đất đứng chân, đất căn cứ. Chiều mai mình phải bàn với quan Tuần điều đó, còn về đất này thì chỉ có vùng núi Đọi Đèn, vùng núi Vân Bán, Áo Lộc, Tiên Động là có thể kéo quân về đó tiếp tục cuộc chiến đấu. Hồi trẻ mình đã theo cha đi lại nhiều lần qua các vùng đất ấy. Thế đất ở các vùng này, có thể lập căn cứ phòng thủ chống Tây lâu dài được.
Về nhà lúc nửa đêm, nhà Chánh Thúy vần còn chong đèn. Ếch nhái trong ao vườn vào cuối tháng hai bắt đầu mở miệng kêu inh uôm. Mấy con chó trông nhà thấy chủ về chạy ra mừng luýnh quýnh, con nọ chạy xô vào con kia. Chỉ khi Chánh Thúy thét lên tiếng “vào!”, lũ chó lại chạy về chỗ nằm cũ phủ phục. Vào nhà chỉ có cô Năm vẫn thức chờ chồng từ đám hát hội trở về.
- Mẹ và các con đi ngủ cả rồi?
- Thằng Kiều và mấy đứa trẻ rủ nhau đi xem hội hát, đến nửa buổi mấy đứa nhỏ buồn ngủ đòi về. Thằng Kiều, thằng Huy và thằng Tập đành phải cõng các em về nhà.
- Hội hát có vui không anh?
- Vui lắm! Anh đã bảo mẹ và em ra xem diễn, mẹ và em sao không tới? Nhà cửa đã bảo thằng Nhồi trông nom rồi.
- Mẹ bảo là mẹ đau đầu không thích ra hội hát, thế là em cũng không đi nữa.
Cô Năm nhìn chồng vẻ mặt buồn hơn vui.
- Em đã chuẩn bị cho anh đầy đủ các thứ mang đi, con ngựa thằng Nhồi đã cho ăn cỏ no rồi. Ngày mai anh cưỡi nó đi, nhớ phải bảo lính cho ăn cỏ non và lúa mầm.
- Ngày mai anh trở thành lính chiến và con ngựa anh cưỡi cũng trở thành ngựa chiến, không thể chiều chuộng mãi được đâu, ngay sự sống chết còn phải nhờ vào sự may rủi.
Cô Năm không nói gì, nhìn chồng đăm đắm thương yêu, mãi lúc sau mới nói với chồng:
- Thôi ta đi ngủ kẻo muộn. Sáng mai, anh lên đường rồi.
Đúng 5 giờ sáng, tuần canh ngoài đình Trò đã đánh trống báo, sau đó là những hồi trống ngũ liên giục giã. Chánh Kiều thức dậy sửa soạn lên đường. Ông phải đi trước mọi người ra đình Trò. Chỉ một loáng, ông đã mặc quần áo xong, thắt lưng đeo thanh kiếm gia truyền. Thằng Nhồi đã dắt ngựa và buộc các túi hành ký mang theo đứng chờ ngoài cổng. Ông vào chào mẹ, nhưng mẹ đã dậy ra đứng trước sân chỉ tay ra cổng như có ý bảo con trai cứ đi, không được quyến luyến với mẹ và vợ con.
Thằng Kiều và thằng Huy, thằng Tập đã dậy, ba đứa chạy ra ốm lấy bố. Bà Sung đến kéo tay thằng Kiều và cô Năm kéo thằng Huy, thằng Tập ra. Chánh Kiều ra cầm dây cương ngựa từ tay thằng Nhồi và nhảy lên lưng ngựa cưỡi đi ra cổng. Ra tới đê, ông quay lại tươi cười, giơ tay chào mọi người. Thằng Kiều và thằng Huy, thằng Tập cứ gào lên:
- Bố ơi, cho con đi với! Bố ơi! Bố ơi!... Cho con đi!
Tiếng cô Năm nói to vọng ra đường:
- Vài tuổi nữa, thì chúng mày tha hồ mà đi theo bố!
Ông Chánh Kiều ra tới đình làng thì mọi người đã tập trung đông đủ. Phó Biêu mặc quân phục cai đội binh triều cũng đã tới. Các ông cai đội chỉ huy, các đội viên nghĩa dũng đã tập trung đủ mặt. Lý Hà cho mở cửa hậu cung đình lấy vũ khí, quân trang, phân phát cho từng người. Chánh Kiều và mọi người thay quần áo sắc lính triều, trông khác lạ. Cả đội có 20 khẩu súng phát cho đội nghĩa dũng 15 khẩu mang đi, 5 khẩu còn lại để cho đội nghĩa dũng dùng ở nhà. Số người không mang súng thì mang giáo, gươm. Khi Phó Biêu tập hợp đứng trên sân đình làng, trông đội nghĩa dũng Cát Trù thật oai nghiêm chẳng khác một đội quân của triều đình.
Chánh Kiều tay cầm đốc kiếm đứng trên bậc cao cửa đình Trò nói lớn:
- Phó Biêu tập hợp anh em nghĩa dũng lại, vào đình Trò và ra miếu Trò thắp hương lạy tạ Thánh và Thần hoàng làng và nhờ các nhà sư giúp ta cầu Phật độ trì cho anh em binh sỹ nghĩa dũng Cát Trù ra thành Hưng Hoá chiến đấu được bảo toàn và lập công to.
Mọi việc lễ nghi được diễn ra nhanh chóng, giữa lúc đó các đội nghĩa dũng của các làng Thạch Đê, Văn Khúc, Điêu Lương, Đồng Lương cũng đã về tề tịu đông đủ. Dân toàn tổng kéo về rất đông để đưa tiễn đội nghĩa dũng của làng mình, của tổng Điêu Lương về bảo vệ thành Hưng Hóa. Đúng giờ quy định, toàn đội nghĩa dũng được tập hợp, ăn mặc chỉnh tề, mang súng, mang gươm giáo nghiêm trang. Tổng số quân lên tới 70 người thành một đạo quân nhỏ, Chánh Kiều thành người chỉ huy đứng đầu đoàn quân.
Chánh Kiều đứng trước hàng quân, vai quàng súng trường, hông đeo gươm nói trước đông đủ dân làng tổng:
- Thưa các vị hào lý, tổng lý, bà con trong toàn làng tổng và anh em trong đội nghĩa dũng! Giặc Tây hung tàn đang xâm lăng nước ta, chúng đã chiếm thành Hà Nội, thành Sơn Tây và tới đây chúng sẽ đánh thành Hưng Hoá. Theo yêu cầu của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích, làng ta, tổng ta phải đem lực lượng quân nghĩa dũng ra tham gia phòng thủ thành Hưng Hoá. Tôi là chánh tổng, đội trưởng đội nghĩa dũng phải đích thân ra cầm quân. Tôi rất mừng là được tất cả các làng hưởng ứng, nhất là làng Cát Trù đã xây dựng một lực lượng nghĩa dũng hùng mạnh, trang bị đầy đủ vũ khí. Tinh thần sốt sắng đánh giặc của tất cả mọi làng, mọi người là rất cao quý. Tôi xin cảm ơn các vị hào lý, tổng lý và bà con dân chúng trong làng tổng đã thân chinh về đây đưa tiễn. Tôi thay mặt toàn đội nghĩa dũng xin thề sẽ giết nhiều giặc Tây để trả ơn nước, ơn vua và ơn dân!
Ông Tổng Cao Văn Triều, dáng người nhỏ nhắn mang một lá cờ màu đỏ có thêu hai chữ vàng “ Đại Nam” (1) trao cho Chánh Kiều. Chánh Kiều đã ngồi lên lưng ngựa hồng cúi xuống nhận cờ và giương cao lá cờ đại lên cao. Lá cờ bay phần phật trong gió xuân. Ông Chánh Kiều cho ngựa hướng ra cổng đình Trò trong tiếng trống, tiếng vỗ tay hoan hô của hàng nghìn dân chúng chào mừng.
Chú thích:
(1). Quốc hiệu Việt Nam dùng thời Vua Tự Đức
Phó Biêu cất tiếng đọc tên các đội viên đội nghĩa dũng Cát trù lần lượt bước theo sau ngựa Chánh Kiều. Người đi cuối đội nghĩa dùng Cát Trù là cậu Hà Phát trẻ nhất cưỡi trên con ngựa bạch, lưng khoác một khẩu súng trường mới tinh. Khẩu súng mà chính anh tham gia đột kích lấy tại đồn Chế từ tay bọn Cờ Đen. Anh chàng này tỏ ra vẻ vui nhất, thả lỏng tay cương, ngồi nhún nhảy, tay giơ cao vẫy chào mọi người.
Phó Biêu đọc tên các đội viên và chỉ định tạm thời chức cai đội nghĩa dũng các làng. Đồng Lương do Vi Bá Thưởng, Điêu Lương do Trần Bá, Thạch Đê do Đỗ Kỷ, Văn Khúc do Hoàng Nhân chỉ huy. Họ lần lượt đi vào hàng ngũ, mang súng, mang giáo gươm tề chỉnh và bước đi rất hiên ngang. Đi cuối cùng là Phó Biêu ung dung trên lưng ngựa hồng, cất vó bước ra khỏi sân đình làng. Lúc đó tiếng trống đại, tiếng trống ếch lại nổi lên chào mừng. Trên lưng ngựa, Phó Biêu nhìn thấy bà Tèo mẹ mình, cô Bông vợ mình đang bế thằng cu Tý; Bà Sung mẹ Chánh Kiều, cô Năm vợ Chánh Kiều đang bế một đứa con còn nhỏ, bên cạnh thằng Kiều, thằng Huy, thằng Tập; cô Thân vợ chưa cưới của Hà Phát, cô Quỳnh vợ Đặng Tất và bao nhiêu người làng Cát Trù thân quen đứng ra ven đê chào mừng đội nghĩa dũng của làng Cát Trù, của tổng Điêu lương lên đường về thành Hưng Hoá đánh giặc Tây.
Đoàn quân nghĩa dũng đi về phía cầu Gỗ cửa ngòi Cỏ, đến cửa sông Bứa, người dân thôn Phong Vực thuộc làng Đồng Lương đã chuẩn bị sẵn thuyền bè chở người ngựa qua sông Bứa sang đất Tứ Mỹ, Tam Nông. Đến quá trưa đoàn quân nghĩa dũng về đến thành Hưng Hoá. Quan quân thành Hưng Hoá đã sẵn sàng nghênh tiếp đội quân nghĩa dũng nhập thành. Quan Tuần phủ Nguyễn Quang Bích cùng các ông lãnh, ông đốc và toàn quân đang đứng trước đại đồn đón nhận đội quân nghĩa dũng làng Cát Trù và tổng Điêu Lương.
Viên cai đội dẫn đội quân nghĩa dũng đi vào cổng thành quanh cột cờ trung tâm, hướng về phía đại đồn, nhập vào đội hình quân giữ thành đang được xếp hàng dọc trước sân. Lá cờ đại màu đỏ trong gió xuân tung bay phần phật trên đỉnh cột cờ. Trên đài Kính Thiên có mấy con chim bồ câu đang đứng nhìn đoàn quân giữ thành đứng nghiêm trang nghe lời của quan Tuần:
- Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh đội nghĩa dũng của tổng Điêu Lương, làng Cát Trù về nhập thành! Thêm một người lính tựu nghĩa là thêm lực lượng cho chúng ta chống bọn giặc Tây xâm lược. Quan quân thành Hưng Hoá chiến đấu sẽ không đơn độc vì chúng ta có dân tiếp sức. Chúng ta thề quyết giữ lấy thành, làm gương cho muôn đời!
Giọng ông quan Tuần vang lên nghe đanh thép, các quan chỉ huy và quân sỹ phấn khởi giơ tay lên cao thề quyết tâm chiến đấu đến cùng bảo vệ thành. Những người lính nghĩa dũng mới nhập thành hôm nay chính thức nhập vào quân triều, được phân công về đạo Hậu quân giữ thành Hưng Hoá. Hai người được cất nhắc lên chức là Chánh tổng Hoàng Văn Thúy lên chức Đốc binh và Phó lý Cao Cần giữ chức Phó Đốc binh. Các chức danh của các đội thì được phiên theo như đã chỉ định ở nhà. Ai mang vũ khí gì thì tạm thời giữ luôn vũ khí đó.
Buổi tập trung đón tiếp đã xong, các đạo quân giữ thành theo đội ngũ trở về khu vực của mình. Đạo Hậu quân được viên cai đội đưa về vị trí nhà ở đằng sau nhà đại đồn. Anh em binh sỹ được nhận thêm súng đạn, trang bị quần áo, chăn màn, giường chiếu, bát đĩa và chỉ nơi nhận khẩu phần ăn uống hàng ngày.
Đội quân nghĩa dũng tổng Điêu Lương, làng Cát Trù đã được phiên chế thành đạo Hậu quân thành Hưng Hoá. Người chỉ huy trực tiếp là Đốc Kiều và Phó Đốc Biêu. Mọi đội viên đều quen biết nhau và có nhiều người là anh em nội ngoại của nhau nên càng gắn kết với nhau. Các quan chỉ huy của thành, các đạo Tiền quân, Trung quân, Tả quân, Hữu quân thường xuyên đến thăm các binh sỹ mới để làm quen. Quan Tuần và các viên chỉ huy đốc binh các đạo rất phấn khởi vì thấy đội quân nghĩa dũng Cát Trù, Điêu Lương tinh thần rất cao, sử dụng vũ khí rất thành thạo chẳng khác quân lính triều đình.
Quan Tuần thường xuyên đến đạo Hậu quân để xem xét tình hình. Thấy anh em bình sỹ thực sự yên lòng, hăng hái, quyết tâm chiến đấu giữ thành, quan Tuần rất vui, có nhiều lời khen ngợi. Đốc Kiều nói lại lời mẹ dặn với quan Tuần rằng chẳng may thành Hưng Hoá bị vỡ thì phải tìm đất đứng chân, đất căn cứ. Quan Tuần có nghe Đốc Kiều nói nhưng trong lòng còn lưỡng lự chưa quyết. Từ ngày quan Tuần có Đốc Kiều, Phó Đốc Biêu về giữ thành trở nên gần gũi thân thiết. Ông linh tính thấy rằng sự nghiệp cứu nước của ông có thể gắn kết với những tướng sỹ trong đội quân nghĩa dũng mới nhập thành. Nhiều lúc ông đứng nhìn họ rất lâu và suy nghĩ về điều gì rất mới lạ mà đời ông đang hướng về.
Đạo Hậu quân thành Hưng Hoá do Đốc Kiều chỉ huy, họ là lính nghĩa dũng của làng Cát Trù và các làng thuộc tổng Điêu Lương. Chắc hẳn họ còn chưa quen với cuộc sống trong quân, chưa từng trải trong chiến đấu giáp mặt với quân Tây, chưa từng nghe tiếng súng, tiếng đại bác bắn phá thành. Nhưng họ lại có niềm tin son sắt vào cuộc chiến sắp tới. Cuộc chiến mà họ, gia đình, quê hương, đất nước sẽ phải đổ nhiều xương máu, có thể phải trải qua rất nhiều năm đấu tranh gian khổ song nhất định đi đến thắng lợi. Họ rất vui vẻ, lạc quan và yêu đời, cừ trông họ đi, họ nói, họ hát ca là thấy. Quan Tuần tự nhiên cũng thấy vui lây từ họ, những lúc như thế tâm hồn quan Tuần bâng khâng thi hứng và tự mình cầm bút viết thành thơ.