Đạo Hậu quân thành Hưng Hoá gồm các binh sỹ nghĩa dũng mới nhập thành vào chiều mồng một tháng ba, họ chưa biết hết chuyện gì đã xảy ra đối với thành Hưng Hoá. Chỉ khi Đốc Kiều đi hội kiến với quan Tuần và các quan chỉ huy về, họ mới biết được tin tức. Thành Hưng Hoá đã bị quân Tây bao vây tiến đánh. Các trận chiến với quân Tây đã diễn ra ác liệt ở mạn cửa sông Đà và trên đất Hưng Hoá tại làng Hạ Bì, La Hào. Trên dòng sông Thao, quân Tây đã cho tàu chiến bắn phá ngăn chặn quan quân thành Sơn Tây rút về Thanh Mai giáp với núi Nghĩa Lĩnh nơi có đền thờ và lăng vua Hùng.
Đêm đầu nghe thấy tiếng súng, tiếng đại bác của quân Pháp bắn vu vơ về phía thành làm cho các nghĩa dũng giật mình. Họ hỏi Phó Đốc Biêu và ông lần lượt trả lời cho họ biết:
- Cái thứ đạn gì nổ to thế?
- Đại bác của quân Pháp đó.
- Quân Pháp là quân gì vậy?
- Chính là quân Tây dương đến xâm lược nước ta.
- Họ ở phương Tây vượt biển đến à?
- Họ đến từ nước Pháp, họ đi vượt biển bằng tàu. Tàu được gắn máy chạy bằng hơi nước, chứ không phải thuyền buồm, thuyền bơi tay như dân nước Nam ta.
- Đại bác bắn tới thì ta tránh nó bằng cách nào?
- Phải đào chiến hào, phải nằm xuống cho mảnh đạn khỏi văng vào người.
- Họ đánh ta bằng súng lớn, ta không đủ súng chỉ có giáo mác và gươm thì làm cách nào?
- Chờ cho họ đến gần thì ta đánh giáp lá cà.
- Thế thì mình chết chứ!
- Không chết đâu. Còn đoát được súng của họ.
- Họ thả quả cầu gì to như cái cót vựa lên trời, treo người lên đó để làm gì thế? (1)
- Nghe nói là khí cầu, quân Pháp thả lên để do thám quân ta ở trong và ngoài thành Hưng Hóa?
Đại loại những câu hỏi của binh lính như thế, Phó Đốc Biêu đều phải trả lời cho họ hiểu phần nào. Nhiều điều về diễn biến thời cuộc, về máy móc, súng ống, chính Phó Đốc Biểu cũng chịu không biết rõ, khó mà trả lời đúng, nên trả lời cốt là có trả lời.
- Tại sao quân của Tiết chế Hoàng Kế Viêm lại rút về Kinh đô Huế?
- Vì ông ấy có lệnh của vua Kiến Phúc phải rút quân về.
- Vua bao nhiêu tuổi?
- Nghe nói ngài còn tuổi trẻ con (2). Sướng như vua con và chết khổ, chết nhục như vua con.
Chú thích:
(1).Quân Pháp đánh thành Hưng Hóa dùng khí cầu cố định để do thám.
(2). Vua Kiến Phúc năm đó mới 15 tuổi.
- Sao vậy?
- Mình cũng chẳng biết.
- Sao quân Cờ Đen họ lại rút về nước, không giúp ta?
- Họ không được phép đánh Pháp nữa, nên rút quân về Tuyên Quang. Quân Thanh của nước Tàu sang giúp ta đang sợ Pháp tiến công nước họ nên đã rút về Trấn Yên.
- Thành Hưng Hóa chỉ có khoảng 500 quân triềuvà quân nghĩa dũng thì đánh làm sao thắng nổi quân Pháp đông tới mấy ngàn tên, có vũ khí tối tân?
- Chúng nó sẽ thua ta, vì chúng không có tinh thần, ta có quyết tâm chiến đấu cao hơn quân Pháp, ta có thành vững, hào sâu, biết rõ đường đi lối lại, ta gan dạ và bền bỉ hơn.
- Vẫn biết vậy, nhưng mà khó lắm đấy, có thể phải thương vong rất nhiều người!
- Dĩ nhiên rồi!
- Đạo Hậu quân làm việc gì vậy?
- Đạo Hậu quân có nhiệm vụ tiếp lương, cảnh giới phía sau, chuyển người chết và bị thương đi chữa trị và chôn cất.
Mấy ngày thành tạm thời yên, bọn Pháp chỉ đánh thăm dò bên ngoài. Trên sông Thao, chúng cho tàu chiến chạy ngược đến ghềnh Ba Triệu rồi quay lại. Chúng cho quân trên tàu bắn phá làng mạc hai ven sông. Các nhà dân ven sông Thao bốc cháy, khói bốc lên mù mịt. Đứng trên đài Kính Thiên quan Tuần nhìn rất rõ, xót thương dân chúng, lòng dạ nôn nao.
Có thư dụ hàng của quân Pháp gửi đến. Yêu cầu quan quân thành Hưng Hoá đầu hàng, chúng hứa cho Tuần phủ Nguyễn Quang Bích và quan quân được an toàn, tiếp tục giữ chức cũ. Bằng không với lực lượng 7000 quân Pháp trang bị vũ khí hiện đại, chúng sẽ làm cỏ thành, giết hết không cho một người nào sống sót.
Quan Tuần đọc thư xong, không nói năng gì và cũng không viết thư trả lời quân Pháp, lặng lẽ rời đài Kính Thiên và đi vào phía nhà đại đồn. Từ mấy ngày trước, triều đình Huế có chỉ lệnh buộc ông phải hạ vũ khí, ông đã kháng chỉ và cho Tán lý Nguyễn Tác Chi vào thành Huế trao trả ấn tín. Trong đại đồn đã có Lãnh Hoan, Lý Phúc, Đốc Tiến, Đốc Kiên, Đốc Nhì, Đốc Kiều đang đứng chờ. Quan Tuần có nói về thư dụ hàng của một thiếu tướng Pháp tên là Bờ-ri-e-đờ-lin (Briere de ÍIsle), ông nhìn mọi người và nói:
- Chúng ta thà chết giữ thành, chứ không đầu hàng giặc Pháp!
Quan quân cùng một chí hướng với Quan Tuần, nêu quyết tâm giữ thành bằng mọi giá. Họ cùng đưa ra dự đoán chỉ vài ba ngày nữa, quân Pháp sẽ nổ súng đánh thành.
Quan Tuần yêu cầu Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân không cho quân Pháp từ hướng đông nam tiếp cận thành. Đốc Kiên chỉ huy đạo Tả quân không cho giặc từ hướng đông bắc lên bờ sông Thao tiến vào. Đốc Nhì chỉ huy đạo Hữu quân giữ mặt tây nam, không cho giặc đánh từ hướng núi xuống. Lãnh Hoan và Lý Phúc chỉ huy đạo Trung quân, giữ cho thành đứng vững, không cho địch vượt tường thành đánh vào nhà đại đồn. Đốc Kiều chỉ huy binh sỹ Hậu quân giữ mặt tây bắc và phối hợp với đạo Trung quân giữ thành. Khi chiến sự xảy ra, các đạo quân sẵn sàng chờ lệnh cấp trên điều quân đi tiếp ứng cho các đạo quân khác.
Các đạo quân đều đã rõ lệnh ban. Nhưng thấy quân địch quá mạnh, quá đông, những người chỉ huy các đạo thấy rằng họ khó có thể hoàn thành công việc giữ thành. Quan Tuần cũng thấy những khó khăn không thể khắc phục của các đạo quân. Nhưng trách nhiệm giữ thành đã được giao từ trước thì ông phải cố giữ, thành mà mất thì ông phải chết để giữ danh tiết.
Sau khi gửi thư dụ hàng, không thấy Tuần phủ Nguyễn Quang Bích trả lời. Bọn chỉ huy Pháp chưa ra lệnh đánh ngay, chúng còn phải xem xét kỹ tình hình. Khi chưa biết chắc chắn quân của Hoàng Kế Viêm đã rút về đồnThục Luyện để theo đường thượng đạo(1) về Kinh đô. Các đạo quân Thanh của Tổng đốc Sầm Dục Anh đã kéo quân về Trấn Yên và cả đạo quân Cờ Đen của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc đã rút hẳn về Tuyên Quang chưa. Đó là thực hay chỉ là nghi binh? Các tin tức về các đạo quân chưa rõ, quân Pháp còn phải thả khí cầu do thám, điều nghiên kỹ, nên chưa dám tiến công thành Hưng Hoá vì không thể khinh xuất.
Hàng ngày, Đốc Kiều và Phó Đốc Biêu vẫn thường xuyên trực chiến, đi quan sát khắp thành. Phó Đốc Biêu nhìn kỹ thấy thành Hưng Hoá nhỏ hơn thành Hà Nội rất nhiều. Thành xây theo kiến trúc Vô-băng (2) hình vuông mỗi chiều chỉ khoảng gần 400 thước tây (thước mét), thành xây bằng đá ong cao trên 2,5 thước tây. Ngoài là hào sâu rộng trên 4 thước tây. Thành có 4 cửa: cửa Đông Nam, cửa Đông Bắc, cửa Tây Nam và cửa Tây Bắc. Côt cờ xây ở trung tâm, trên có treo là cờ đại có thêu hai chữ “Đại Nam”, dưới là đài Kính Thiên, dùng để đứng quan sát xung quanh rất rõ. Quan Tuần và các quan chỉ huy vần thường hay lên đó để quan sát trận địa. Nhà đại đồn xây ở phía tây bắc nhìn ra hướng đông nam ngay trước cột cờ, nơi quan Tuần và các quan chỉ huy ở, phía tây nam thành có các kho súng đạn, thuốc nổ, phía đông nam và phía sau nhà đại đồn là doanh trại các đạo quân lính ở hàng ngày.
Chú thích:
(1). Thượng đạo: đường bộ; Hải đạo: đường biển
(2). Voband kỹ sư quân sự của Pháp
Phó Đốc Biêu nhớ lại hồi ở thành Hà Nội, quân Pháp đánh thành, pháo từ ngoài đồn Thủy bên bờ sông Hồng bắn vào làm ông bị thương. Quân lính đưa ông đi cấp cứu kịp thời. Mấy mảnh đạn pháo vẫn cắm sâu dưới làn da thịt, thỉnh thoảng vẫn làm ông đau nhói. Ông vẫn nhớ cái tin Tổng đốc Hoàng Diệu thấy thành thất thủ đã tuẫn tiết làm ông bàng hoàng, các quan chạy trốn, quân lính tan rã. Điều trị vết thương vừa lành, ông được Lãnh binh Nguyễn Thái cho giải ngũ về nhà. Được về quê, ông được hội đồng hào lý làng Cát Trù cử làm phó lý. Khi yêu cầu lập đội nghĩa dũng, ông đã phải đứng ra làm phó cho ông Chánh Kiều. Việc nhập thành hôm mồng một tháng ba, được quan Tuần cho giữ chức Phó Đốc binh đạo Hậu quân là một thăng tiến không ngờ.
Dòng họ Cao của ông có gốc từ Hoằng Hoá, Thanh Hoá ra Dương Xá, Gia Lâm, Bắc Ninh ở từ thời Lê Sơ. Ông cha thửa trước có người làm đến chức Bồi tụng, tức tể tướng thời vua Lê - chúa Trịnh. Nghe bố ông kể lại là cụ nội của ông đỗ cử nhân làm quan tri huyện Vĩnh Tường. Thời đại đổi thay, cụ phải chạy lên Cát Trù, tổng Điêu lương và đã ở làng Cát Trù được mấy đời rồi. Nhưng đời con đời cháu vẫn phải giấu mình không nói ra nguồn gốc sợ triều đình truy sát.
Được cùng với Đốc Kiều giữ chức vụ chỉ huy đạo Hậu quân thành Hưng Hoá, Phó Đốc Biêu vừa mừng vừa lo. Nhưng lo nhiều hơn mừng, vì nhận chức vụ đâu có bổng lộc gì mà đi vào cuộc chiến chống Pháp xâm lược một mất một còn. Ông không được học hành gì mấy, nhưng sự từng trải qua cuộc đời trận mạc và gắn bó với quân dân nên ông có nhận thức sâu sắc hơn nhiều người.
Ông biết thành Hưng Hoá không thể đứng vững trược sức tiến công của hàng nghìn quân Pháp, có đại bác công thành. Theo dự đoán của ông, thành Hưng Hoá chỉ giữ được hai ngày là cùng. Việc đánh Pháp phải được tiến hành lâu dài, phải được toàn dân chung sức. Phải mở rộng trận địa ra khắp nơi, đồng bằng, rừng núi, thành thị, nông thôn thì mới thắng, còn cố thủ giữ thành thì không thể đánh thắng giặc Pháp.
Các cụ ta dạy thắng địch không phải bằng sức, phải thắng bằng mưu, “Cậy vào mưu thì sống, cậy vào sức thì chết”. Từ khi về thành Hưng Hóa chưa thấy, chưa nghe một mưu chước gì hay. Quan Tuần là một “ hoạt Phật” ( Phật sống), một nhà Nho, trước sau vẫn giữ sự tiết tháo, thanh liêm, theo định kiến là tướng giữ thành mà không giữ nổi thì tuẫn tiết. Tuẫn tiết là tự giết mình! Quan quân đang cần ông chỉ huy, cầm đầu mà lại tự sát là chối bỏ sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Ông nói với Đốc Kiều:
- Tôi với ông được quan Tuần ưu ái đưa vào quân triều, cho giữ chức vụ quan trọng. Nhưng có danh mà không có thực, lại gắn với sự tồn vong của quan quân, dân chúng Hưng Hoá. Lúc này quan Tuần còn thì vận nước còn, chúng ta còn! Quan Tuần mất, chúng ta như hổ mất đầu, sự nghiệp chống giặc Pháp sẽ tiêu vong! Cho nên lúc này bảo vệ quan Tuần là việc cần thiết còn hơn giữ thành.
Đốc Kiều nói:
- Tôi đã bàn với Lãnh Hoan, Lý Phúc là phải bảo vệ quan Tuần bằng mọi giá! Thành Hưng Hoá không thể đứng vững bởi sức tiến công của hàng nghin quân Pháp, có đại bác vũ khí công đồn rất mạnh. Chúng ta phải rút ra ngoài, thực hiện đánh lâu dài thì mới tồn tại, phát triển lên được.
- Ông đã cho Hà Phát về báo tin cho quê hương làng tổng chưa? Biết tin tức để cho mọi người chuẩn bị mọi thứ, nhất là quân lương. Hậu cần có vững mới có sức mà chiến đấu.
- Đã cho Hà Phát cưỡi ngựa về báo tin rồi. Đã bảo hào lý, tổng lý trong làng, trong tổng, bà cụ nhà mình và cô Năm vợ mình lo cho hậu cần, nhất là lương thực. Đã bảo các lò rèn trong làng tổng phải rèn cho thất nhiều đao kiếm. Sau này ta phải mở xưởng đúc súng, đúc đạn nữa, như thế mới có điều kiện chiến đấu chống Pháp lâu dài.
- Về đất đứng chân, đất căn cứ bản thân anh nghĩ kỹ chưa? Bà Sung mẹ anh nói đúng đấy phải tìm ngay đất đứng chân, đất căn cứ để chống giặc Pháp.
- Mình đã nói với quan Tuần nhưng ông ấy còn chần chừ chưa quyết. Nhưng mà mình suy nghĩ rồi, đất Cẩm Khê ta nhiều nơi có thể làm căn cứ chống Pháp được.
- Anh thấy tình hình quân nghĩa dũng thế nào?- Đốc Kiều hỏi từng câu một, Phó Đốc Biêu nghe trả lời.
- Phấn khởi vì được nhập quân triều, nhưng còn chưa được thử sức qua trận mạc. Trận giữ thành nay mai sẽ là trận đầu tiên, qua được trận này là họ sẽ có kinh nghiệm chiến đấu lâu dài.
- Họ có sợ chết không?
- Ai mà không sợ chết, qua chiến trận rồi thì dần dần quen đi với thương vong, lòng người ta sẽ sắt đá lại thành gan dạ hơn.
- Bây giờ thì họ còn nhớ nhà?
- Nhớ nhà lắm chứ, lòng vả cũng như lòng sung, tôi đã từng đi lính xa nhà cũng nhớ vô cùng.
Nghe Phó Đốc Biêu nói, thực lòng Đốc Kiều cũng nhớ nhà da diết, nhớ thương mẹ già và vợ con. Lần đầu tiên trong đời Đốc Kiều mới xa nhà đi chiến đấu, sống chết còn chưa biết được lòng dạ sao mà thấy xôn xao.
Phó Đốc Biêu thường đi lại nói chuyện làm quen với Lãnh Hoan, chỉ huy đạo Trung quân. Biết ông là đỗ thủ khoa võ nghệ, người làng Quân Bắc, phủ Kiến Xương, người đồng hương với quan Tuần. Ông có sức khoẻ phi thường, nổi tiếng ở môn cử đỉnh, đã từng nhắc bổng đỉnh đồng nặng hàng tạ đi vòng quanh sân rồng mà mặt không biến sắc. Tháng 10, năm 1883, Pháp đánh thành Nam Định ông cùng với Tuần phủ Nguyễn Hữu Bổn chiến đấu giữ thành. Thành Nam Định bị mất, Nguyễn Hữu Bổn hy sinh, ông cùng Lý Phúc đem số nghĩa binh lên Hưng Hoá theo Nguyễn Quang Bích được quan Tuần tiếp tục cho giữ chức lãnh binh Hưng Hoá, được giao trọng trách huấn luyện binh sỹ và bảo về đại đồn.
Để kiểm tra chiến thuật của Phó Đốc Biêu, Lãnh Hoan hỏi:
- Theo ông, địch sẽ đánh thành Hưng Hoá theo hướng nào?
- Thưa quan Lãnh binh! Theo tôi thì địch sẽ tiến theo các hướng: thứ nhất là hướng đông nam tới, hướng chính diện. Quân ta phải dồn quân ra hướng đó bảo vệ thành. Con đường từ bắc sông Đà lên đây khoảng gần 20 dặm ta (1), quân ta phải chặn đứng địch, không cho chúng tiến vào cửa Đông Nam và cửa Tây Nam thành. Hướng thứ hai từ hướng đông bắc, bờ sông vào, quân ta phải lấy các lũy tre ngoài bờ sông, bờ đê làm chiến lũy, không cho chúng tiến vào cửa Đông Bắc và cửa Tây Bắc.
Chú thích:
(1). Mỗi dặm ta bằng 444,4m
- Quân ta không có pháo, chỉ có mấy khẩu thần công mà mấy mươi năm chưa bắn, nay bắn chưa chắc đã nổ, nên không thể khống chế được giặc. Chúng sẽ nã pháo vào chỗ quân ta và tiến vào thành, ta nên làm thế nào để giữ được thành?
- Ta căng địch ra mà đánh, nhử cho địch xông đến gần mới đánh. Các đạo quân phải quyết giữ được các vị trí của mình, không được bỏ chạy. Các đạo quân khác thì phải quan sát thế trận mà cứu nhau, chỗ nào yếu thì phải tập trung quân ứng cứu. Quan Tuần và Chỉ huy đạo Trung quân phải nhanh nhạy, xử lý ứng phó.
Lãnh binh Hoan gật gật đầu:
- Quả nhiên là Phó Đốc Biêu có cái đầu chỉ huy!
Một lúc sau, Lãnh Hoan lại hỏi:
- Hồi giữ thành Hà Nội năm 1873 và năm 1882, Phó Đốc binh giữ chức gì?
- Thưa quan Lãnh binh, năm bảy ba tôi làm lính, năm tám hai tôi làm cai độị ạ.
- Ông bị thương ở đâu và ở chỗ nào thế?
- Tôi bị thương ở cửa Đông thành Hà Nội, bị mảnh đạn pháo găm vào đầu và vào lưng may được cấp cứu sớm và khiêng ra kịp thời.
Sau đó, Lãnh Hoan lại hỏi về gia đình, bản quán:
- Gia đình Phó Đốc binh thế nào, có cùng làng với Đốc Kiều không?
- Gia đình tôi làm ruộng, nhà cũng tạm đủ ăn, tôi có mẹ già, vợ trẻ và bốn đứa con còn nhỏ tuổi. Tôi với Đốc Kiều là người cùng làng, mẹ tôi là người họ Hoàng, em gái của cha sinh ra Đốc Kiều.
- Đi xa thế này có nhớ nhà không?
- Nhớ lắm ạ. Quan Lãnh binh có nhớ nhà không?
- Nhớ lắm chứ! Đã hơn năm nay, tôi chưa về thăm nhà. Cuộc chiến đấu lần này gay go, chưa biết bao giờ yên để về nhà thăm vợ con.
Đến chiều ngày mười bốn tháng ba, quân Pháp lại gửi tối hậu thư cho Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lần nữa, yêu cầu quan quân thành Hưng Hoá phải đầu hàng ngay lập tức. Tối hậu thư do thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ri-e (De Negrier ) viết. Quan Tuần nhận được cũng không thèm viết thư trả lời.
Lãnh Hoan nói với các đốc binh ngồi hội kiến:
- Ngày mai quân địch sẽ đánh, ta phải chuẩn bị chiến đấu bảo vệ thành. Hướng đông nam và hướng đông bắc là hai hướng chính, ta phải kiên quyết giữ, không cho chúng tiến về phía thành. Đại bác chúng sẽ bắn dọn đường, sau đó quân bộ sẽ tiến lên. Ta phải chốt giữ và đánh tiêu diệt. Đốc Tiến cùng với Đốc Nhì phải chỉ huy tốt hướng đông nam này. Hướng đông bắc quân Pháp sẽ dùng tàu chiến đánh vào, các chiến binh ta phải dựa vào các luỹ tre và bờ đê bắn ngăn chặn, không cho chúng tiến vào chân thành. Đoạn đường từ bờ sông vào lại rất gần chỉ khoảng gần ba trăm thước tây, Đốc Kiên phải chỉ huy tốt hướng này, không cho địch đánh thốc vào thành. Các đạo quân còn lại phải giữ vững vị trí của mình và sẵn sàng ứng cứu các đạo quân khác.
Đốc Kiều và Phó Đốc Biêu về đạo Hậu quân kiểm tra sự chuẩn bị của quân lính. Đốc Kiều thấy binh sỹ chuẩn bị tích cực thì yên tâm không nhắc nhở gì mấy. Phó Đốc Biêu quan sát trận địa, thấy quân Pháp có thể đánh vu hồi vào hướng tây bắc để bao vây bắt sống quân ta. Cho nên đã cho ba mười tay súng bắn giỏi chuẩn bị trận địa đón đánh quân Pháp.
Thấy vậy, Đốc Kiều hỏi:
- Tại sao cậu lại cho quân ta ra phục kích cách thành xa thế?
- Địch sẽ đi vào hướng đó để đánh vu hồi, bao vây bắt sống quân ta. Chúng ta phải mai phục ở đấy đánh đòn phủ đầu và chặn chúng lại. Khi quân ta bức thiết cần phải rút lui sẽ không phải mở đường máu, thế thì mới mong được an toàn.
Đúng 7 giờ sáng, ngày mười lăm tháng ba năm Giáp Thân, ( tức là ngày 12 tháng 4 năm 1884), cánh quân phía nam do thiếu tướng Bờ-ri-e-đờ-lin khởi động tiến công. Đại bác bắn dọn đường, quân bộ tay cầm súng trường theo đội hình hàng ngang tiến về phía thành. Quân của Đốc binh Tiến đã nổ súng anh dũng chặn địch. Họ đã khôn khéo dựa vào các bụi tre, vỉa đất, bờ ruộng, hầm hào để tránh đạn pháo và súng bắn thẳng. Quân địch có hàng nghìn binh sỹ tham chiến, quân ta cả hai đạo quân phía đông nam và tây nam hợp sức lại, khoảng hơn 200 người, nên chỉ cầm cự yếu ớt. Quãng đường dần dần rút ngắn lại, trên đài Kính Thiên mắt thường đã nhìn thấy quân ta và quân địch bắn nhau dữ dội ở phía làng Thượng Nung (1). Khói súng khói đạn bốc lên trông như những làn mây trắng.
Chú thích:
(1). Nay là xã Thượng Nông, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ
Pháo tầm xa của giặc Pháp từ phía bờ sông Đà đã câu tới bờ thành, nhiều quả đạn còn bay qua rơi về phía sau thành. Mấy khẩu thần công của ta đã được pháo thủ đặt trên bờ thành, đưa lên giá súng, nhồi thuốc nổ và nạp đạn. Khi được lệnh bắn về phía địch, các phảo thủ lấy cự ly và đốt thuốc nhồi. Đạn bay ra rơi xuống đầu quân giặc, chỉ gây sát thương được vài tên lính Pháp. Nhưng những tiếng súng thần công nổ to làm cho quân giữ thành hăng lên, làm cho quân Pháp lo sợ. Vừa lúc đó, cánh quân do tướng Đờ Nê-giơ-ri-e gồm các tàu chiến theo sông Thao tiến lên. Pháo trên các tàu chiến bắn vào thành, chúng cho bộ binh nhảy lên bờ sông tiến vào phìa cửa Đông Bắc thành. Quân ta đã đứng dưới hào từ các bui tre bên bờ sông bắn ra, nằm dài trên các bờ đê cao bắn xuống, đã ngăn chặn đựoc đội hình tiến công của địch. Đến chiều tà, cánh quân phía đông bắc của giặc Pháp theo tàu tạm thời rút về phía dưới ngã ba sông Thao và sông Đà nghỉ ngơi.
Quân ta sau một ngày chiến đấu đã giữ vững trận địa, nhưng thương vong gần bốn mươi người. Các trận địa phía đông nam và phía tây nam phải co cụm lại về gần phía thành. Quân Pháp bị thương vong nhưng không nhiều, chúng vẫn kiên quyết bám trận địa chứ không rút lui. Thành thử quân ta vẫn phải bám địch, không cho chúng bất ngờ tiến công. Viên lưu linh Hà Phát có ngựa tốt vẫn cưỡi ngựa đưa văn thư, mệnh lệnh của quan Tuần đến kịp thời. Các chỉ huy Đốc Tiến, Đốc Nhì từ đạo quân phía đông nam và phía tây nam vẫn có báo cáo tình hình cho quan Tuần biết để ứng phó. Quan Tuần thấy quân Pháp rất mạnh, về quân số gấp mười lăm lần quân ta, về súng ống rất tối tân, giành thế chủ động tiến công. Quân ta vừa ít, vừa kém về trang bị, trước sức tiến công của địch đã tỏ ra rất khôn khéo và anh dũng. Nhưng ở thế yếu hơn, lại bị động chống đỡ, lực lượng giảm sút, thành Hưng Hoá khó có thể giữ vững được nhiều ngày.
Lãnh Hoan và Đốc Kiều gặp nhau, sau một ngày trực chiến cả hai người mệt nhoài. Ở nhà đại đồn, Lãnh Hoan ghé tai bảo Đốc Kiều:
- Chiến sự ngày mai sẽ diễn ra ác liệt hơn. Chúng ta phải cố bảo vệ quan Tuần bằng mọi giá. Một là không để cho quan Tuần hy sinh tại trận như trường hợp Tuần phủ Nguyễn Hữu Bổn giữ thành Nam Định. Hai là không để quan Tuần tuẫn tiết theo gương Tổng đốc Hoàng Diệu hồi giữ thành Hà Nội. Ba là phải đưa quan Tuần về miền thượng du để còn mưu tính chiến đấu chống Pháp lâu dài. Không có vai trò cầm đầu của quan Tuần là không được, quan quân và dân ta sẽ không có ai lãnh đạo, ngọn cờ chống Pháp sẽ rơi xuống.
- Bây giờ thì làm thế nào?
- Ông phải chuẩn bị ngựa và phải tìm đất căn cứ để đưa quan Tuần về!
Đốc Kiều nghe Lãnh Hoan nói thì trả lời ngay:
- Thưa quan Lãnh! Ông ở bên quan Tuần thì chú ý theo dõi và có biến động thì cho người gọi, tôi sẽ có mặt cùng ông giải quyết mọi sự. Bây giờ, tôi đưa ra phương án là thành bị vỡ ta sẽ tạm rút về làngTứ Mỹ, làng ấy đất rộng có đồi rừng làm nơi trú quân. Từ đây về đó ước gần hai mười dặm đường bộ.
- Phải bí mật đấy. Không để địch biết, chúng nó đuổi sau lưng thì nguy. Tôi sẽ ra mật lệnh cho các đạo quân tự rút lui về đó, vào một thời điểm thích hợp.
Khi về tới nơi ở của đạo Hậu quân, Đốc Kiều mới được tin Phó Đốc Biêu đã dẫn các binh sỹ của cai đội Hoàng Nhân, Đặng Tất, Vi Bá Thưởng đi chuẩn bị trận địa tại làng Trúc Phê đón đánh giặc Pháp đánh vu hồi vào thành. Họ sẽ đánh phục kích khi quân Pháp đến gần sẽ nổ súng tiêu diệt và đoạt vũ khí mang về.
Việc bố trí và làm trận địa xong xuôi, Phó Đốc Biêu cho ba người ngủ lại cảnh giới, còn tất cả lại kéo quân về. Từ cửa Tây Bắc ra tới trận địa phục kích khoảng hơn 3 dặm, hướng về phía bờ sông Thao.
Khi về gặp Đốc Kiều, Phó Đốc Biêu có nói về việc chuẩn bị trận địa đánh phục kích quân Pháp vào ngày mai. Đốc Kiều gật đầu tán thành và nói to:
- Chờ đón chiến công đầu của đội nghĩa dũng làng Cát Trù, tổng Điêu Lương và của đạo Hậu quân thành Hưng Hoá!
Tối đến, trăng rằm tròn vành vạnh soi sáng núi non, sông nước. Ngoài bờ sông Thao chỉ nghe thấy tiếng ếch nhái kêu rinh ran. Nước sông phẳng lặng như tờ, quan quân hướng đông bắc thành được phút nghỉ ngơi tại chỗ. Quan Tuần và Lãnh Hoan ra chỗ Đốc Kiên động viên binh sỹ chiến đấu giữ thành. Theo phán đoán của quan Tuần là ngày mai giặc Pháp sẽ đánh mạnh từ hướng đông bắc vào thành nên quan quân phải hết sức cảnh giác và phải tập trung đánh cản đường quân giặc, can trường hơn nữa.
Quan Tuần nói với binh sỹ:
- Ngày hôm nay, chúng ta đã được thử sức, làm quen với trận chiến với quân Pháp. Ngày mai chúng ta phải sống chết cùng với thành. Tôi trông chờ vào sự chỉ huy tài tình của Đốc Kiên và toàn thể binh sỹ chiến đấu bảo vệ mặt hướng đông bắc thành.
Lãnh Hoan nói với binh sỹ:
- Quan Tuần ra thăm anh em binh sỹ đạo Tả quân một lúc, còn phải về thành hội kiến kế hoạch chiến đấu vào ngày mai. Anh em tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai có đủ sức giữ thành.
Khi Lãnh Hoan cùng với quan Tuần quay về, binh sỹ đồng thanh hoan hô Quan Tuần, chúc quan Tuần bình an.
Lúc đó, pháo của quân Pháp từ hướng đông nam bắn vu vơ về phía thành. Một quả đạn rơi sát bờ thành, nổ đinh tai, nhức óc. Hai người vẫn bình tĩnh đi về phía nhà đại đồn. Đốc Kiều đã chờ sẵn đón hai người vào nhà bàn bạc một lúc mới tranh thủ nghỉ ngơi.
Nhưng quan Tuần không đi nằm, ông lại đeo gươm đi ra phía cột cờ, Lãnh Hoan và Đốc Kiều đi theo. Lên đài Kính Thiên đứng nhìn về hướng đông, nhìn rõ ánh sáng trên những tàu chiến địch giăng trên sông Thao. Chắc hẳn chỗ ấy là ngã ba sông Thao và sông Đà. Tàu của chúng về đó đậu sát nhau nghỉ ngơi để ngày mai ngược sông Thao tiến công quân ta giữ thành. Nhìn về hướng nam, cách bốn, năm dặm thấy ánh sáng của những đám lính bộ quân Pháp đang đốt lửa bằng cách lôi đổ các nhà dân Thượng Nung, Dậu Dương để đốt lửa ngồi sưởi.
Phía quân ta không có chiến tuyến rõ ràng, ít quân nên vừa đánh vừa rút. Không rút không được, vì lực lượng quân bộ binh địch quá mạnh. Ngày hôm nay, binh sỹ thương vong nhiều là ở đạo Tiền quân. Đạo Hữu quân đã đánh chặn có hiệu quả cánh quân bao vây vu hồi của giặc Pháp về hướng tây bắc. Trong đêm tối, quân ta đang bám sát địch để còn chặn địch vào ngày mai.
Nhìn về hướng đông nam, quan Tuần thở dài không nói gì. Lãnh Hoan và Đốc Kiều cũng lặng lẽ đi bên ông cùng bước về nhà đại đồn. Đêm đó Lãnh Hoan thấy quan Tuần không ngủ, ngồi thao thức bên ngọn nến. Ngọn nến tắt, ông vẫn ngồi yên lặng trên chiếc ghế gụ khảm chai thức cùng đêm.
Sáng sớm ông thảo công văn gửi cho các đạo quân, đưa cho Đốc Kiều giao cho viên lưu linh Hà Phát phóng ngựa đi đưa cho Đốc Tiến và Đốc Nhì. Hà Phát mang công văn phóng nhanh về hướng đông nam. Trên đài Kính Thiên, Đốc Kiều còn nhìn thấy rõ viên lưu linh Hà Phát ngồi trên lưng con ngựa bạch phóng như bay. Nhưng có tiếng súng Tây rộ lên từ phía bờ đê ngoài làng Thượng Nung. Hà Phát đã phóng ngựa vào một ổ mai phục của quân Pháp. Đốc Kiều đã nhìn thấy Hà Phát quay ngựa phóng về thành, ông chạy xuống đi ra ngoài cổng Nam chờ Hà Phát. Vừa ra đến cổng nhìn thấy Hà Phát phi về, tay giơ cao, bỗng thấy người lảo đảo và văng ra khỏi ngựa. Con ngựa chạy đến bên Đốc Kiều hý lên mốt tiếng dài nghe thảm thiết. Ông chạy đến bên Hà Phát thấy Hà Phát bị một viên đạn Tây bắn trúng vào sau lưng, nằm tắt thở đôi mắt vẫn mở to nhìn trừng trừng.
Đốc Kiều vuốt mặt cho Hà Phát, nói nhẹ nhàng:
- Thôi, em sống khôn thác thiêng! Nhớ phù hộ cho quân ta đánh giặc giữ thành! Anh sẽ bảo cho anh em nghĩa dũng Cát Trù chôn cất cho em tử tế để sau còn mang hài cốt em về.
Mấy người lính canh thành đã giúp ông đưa thi hài Hà Phát về đạo Hậu quân. Ông đến bên con ngựa bạch cầm dây cương dắt nó về phía nhà đại đồn, đưa ngựa cho một người lính đạo Hậu quân dắt về chuồng. Sau đó, đi lên bệ cột cờ báo cho quan Tuần biết viên lưu linh Hà Phát người Cát Trù đã hy sinh, các công văn chưa đưa tới đạo Tiền quân phìa đông nam và đạo Tả quân phía tây nam.
Trời đã sáng hẳn, mặt trời đã lên. Lúc đó các mũi quân Pháp đã bắt đầu thực hiện tiến công. Từ phía đông nam, quân Pháp đã khởi động, chúng cho đại bác bắn phá thành, quân bộ đã dàn hàng tiến về phía thành. Trên sông Thao, năm chiếc tàu chiến dàn hàng ngang tiến lên, chúng cho quân bắn vào hai bờ và nã pháo dữ dội vào thành. Thành Hưng Hoá rung lên trong cơn bão lửa của các loại đạn pháo. Quân ta từ các vị trí cố thủ, trên các bờ tre, bờ đê, trên các ụ đá, ụ đất bắn trả quyết liệt nhằm ngăn chặn quân Pháp.
Đúng như dự đoán của Phó Đốc Biêu, tại hướng đông bắc, quân Pháp thực hiện đánh vu hồi chiếm thành. Chúng đổ quân lên bãi ven sông, mé phía trên thành hơn ngàn thước tây, thọc một mũi vào làng Trúc Phê, bao vây đánh chiếm cửa tây bắc. Hơn một trăm quân Pháp tiến vào làng, chúng tưởng quân ta không phòng bị nên hoàn toàn chủ quan đi vào làng. Vào đúng trận địa phục kích của quân ta, Phó đốc Biêu chỉ huy các đội cứ để bọn giặc đi vào thật gần khoảng hơn chục thước mới nổ súng.
Bắn !- Phó Đốc Biêu hô lên, hàng chục khẩu súng nổ ran. Quân giặc Pháp bị đánh bất ngờ, hàng chục tên bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Số còn lại chạy bán sống bán chết ra bờ đê, bị đội quân của đội trưởng Hoàng Oanh phục sẵn trên bờ đê bắn chết 3 tên nữa. chúng vội vàng tháo chạy ra bờ sông, kêu tàu đón. Nhiều tên hoảng loạn nhảy ào xuống sông Thao bơi ra tàu.
Phó Đốc Biêu cho quân thu vũ khí của bọn giặc. Trận phục kích thắng lợi quân ta tiêu diệt được ba mươi hai tên giặc Pháp thu được ba mươi khẩu súng. Quân Pháp lại cho tàu chiến lên phía làng Trúc Phê, dùng đại bác bắn phá làng rất dữ dội. Phó đốc Biểu bảo quân sỹ bình tĩnh chờ địch, chúng sẽ kéo lên phản kích lần nữa. Ông và một người lính cùng làng tên là Lê Chí trở về thành báo tin thắng lợi.
Trên đường về thành, Phó Đốc Biêu gặp một người trông dáng vẻ văn nhân đi cùng một số quân lính. Người đó xưng quý danh là Nguyễn Hội, tự Khê Ông, nguyên là Án sát tỉnh Sơn Tây. Từ phía Ba Vì lên thì nghe tiếng súng Tây đánh thành Hưng Hóa, nay muốn gặp Tuần phủ Nguyễn Quang Bích. Phó Đốc Biêu đồng ý cho người đó đi cùng để vào gặp quan Tuần. Ông nói cho người đó biết rõ, hôm nay là ngày thứ hai quan quân giữ thành. Ông cũng kể lại việc các chiến binh đạo Hậu quân vừa đánh một trận phục kích tiêu diệt được nhiều quân Pháp chặn đứng được mũi tiến công của quân Pháp đánh tập hậu vào thành.
- Giỏi lắm ! Người giỏi lắm! Biết phán đoán âm mưu tiến công mà phục kích, giết được nhiều giặc và cướp được nhiều súng đạn, thất đáng khen!
Đến cổng Tây Bắc, một người lính người làng Cát Trù báo tin cho Phó Đốc Biêu và Lê Chí biết là Hà Phát đã hy sinh, được chôn cất trên đồi phía sau thành. Hai người nghe tin lặng đi, đau đớn nhưng vì đang đứng trước mặt quan Án sát Khê Ông nên họ không nói gì.
Pháo địch vẫn bắn mạnh vào thành, nhiều quả pháo rơi trúng vào các nhà lính, nhà đại đồn. Cảnh thành Hưng Hoá trông thật hoang tàn. Vừa lúc đó, mấy quả đạn rơi trúng khu kho chứa súng đạn và thuốc nổ. Đạn bén lửa nổ đùng đoàng và thuốc súng, thuốc nổ cháy bùng bùng. Khói bốc cao trùm lên thành chẳng ai nhìn thấy bầu trời.
Khi Phó Đốc Biểu lên tới bệ của cột cờ, thấy Lãnh Hoàn và Đốc Kiều đang đỡ quan Tuần đi xuống. Mặt quan Tuần tái nhợt, bám đầy khói thuốc súng, chiếc áo lụa mặc bên ngoài bị đôi miếng rách bởi đạn pháo. Quan quân có vẻ lo âu, lúng túng. Lúc đó Đốc Kiều nhìn thấy Phó Đốc Biêu, ông hét lên ra lệnh:
- Phố Đốc Biêu cho người đi lấy ngựa về đại đồn, để đưa quan Tuần ra khỏi thành về làng Tứ Mỹ!
Phó Đốc Biêu quay lại nhìn thấy Lê Chí đang đi theo mình, ông truyền lệnh cho Lê Chí chạy về báo cho Đội Bình giữ ngựa mang ngựa ra cho quan Tuần, dắt con ngựa của ông, con ngựa bạch của Hà Phát để cho Án sát Khê Ông cưỡi. Mọi người đưa quan Tuần về phía nhà đại đồn trong tiếng đạn đại bác nổ và tiếng đạn của kho chứa nổ ầm ầm. Khói thuốc súng, thuốc đạn bốc lên mù mịt, khét lẹt, tiếng súng bắn giặc của quân ta từ bờ thành ra ngoài nổ đì đùng. Tiếng người gọi, người hô nghe thật hỗn loạn. Thành Hưng Hoá đang đứng trước nguy cơ thất thủ.
Khi nhìn thấy Đội Bình dắt ngựa ra, Phó Đốc Biêu chạy tới kéo lấy con ngựa của mình và kéo con ngựa của Hà Phát đưa dây cương cho Án sát Khê Ông và bảo ông ta cùng đưa quan Tuần ra thành, vượt rừng để về làngTứ Mỹ. Án sát Khê Ông chạy đến quan Tuần, ôm lấy ông cảm động không nói nên lời. Quan Tuần nhìn thấy Án sát Khê Ông gật đầu, mắt nhoà lệ cũng không nói được câu gì.
Đốc Kiều quỳ xuống chân quan Tuần nói:
- Thành Hưng Hoá chỉ đứng vững trong giờ khắc, chúng tôi đưa quan Tuần vượt ra ngoài thành trở về vùng Thượng du để chiến đấu lâu dài chống quân xâm lược Pháp! Xin quan Tuần một lòng vì đất nước và muôn dân!
Lúc đó, Án sát Khê Ông cũng nói:
- Tôi vượt sông, vượt núi, vượt nguy nan để theo quan Tuần đây! Xin quan Tuần đừng vương vấn về thành Hưng Hoá nữa. Việc giữ thành giao cho quan quân, có mất thành thì ta sẽ lấy lại thành! Còn người là còn nước, còn thành Hưng Hóa mà !
Mọi người trông thấy quan Tuần gật đầu. Con ngựa của quan Tuần hý lên một tiếng to. Quan Tuần đến bên con ngựa hồng cao lớn, mọi người xốc ông lên yên ngồi. Lúc đó, Phó Đốc Biêu thét to:
- Tránh ra, để cho quan Tuần đi nào! Hẹn gặp lại mọi người vào tối nay nhé!
Ngựa của Phó Đốc Biêu đi trước nhằm ra cổng Tây Bắc, quan Tuần cho ngựa đi sau, Án sát Khê Ông cho ngựa bám theo. Một số người lính đạo Hậu quân và lính của Khê Ông mang súng gươm chạy theo. Lúc đó, đại bác của quân Pháp vẫn bắn vào thành từng loạt một, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Nhiều đoạn thành đã bị trúng đạn đại bác sụp đổ. Người bị chết và bị thương nằm la liệt trên sân. Một quả trái phá rơi gần Phó đốc binh Lý Phúc làm ông chết ngay tại chỗ. Khi đó Lãnh Hoan chạy lại vác xác ông về nhà đại đồn.
Trời về chiều, các quan Đốc binh và quân lính vẫn bám trận địa, bám thành chiến đấu kiên cường chưa chịu rút lui. Họ dựa vào thành luỹ, công sự kiên cố nhằm quân Pháp bắn. Đốc Kiều cho quân đưa dần thương binh, tử sỹ ra ngoài thành. Khi gặp Đội Thưởng mới biết tin sáng nay đạo Hậu quân đã lập thành tích bắn chết ba mươi hai tên Pháp và thu được ba mươi khẩu súng của Pháp, chặn đứng mũi quân của địch đánh vu hồi vào thành Hưng Hoá.
Khi ấy, Đốc Kiều mới nghĩ đến công của Phó Đốc Biêu thầm nghĩ “ Phải báo với quan Tuần để thưởng cho nó, không có nó nghĩ ra cách đánh phục kích thì lúc này quân ta đã lâm vào thế bị bao vây, sắp nguy to rồi!”. Chiều nay nó đưa quan Tuần và người khách Khê Ông về làng Tứ Mỹ liệu có trở ngại gì dọc đường và có lo chu đáo cho mọi người nơi ăn chốn nghỉ không?
Việc đưa quan Tuần ra ngoài thành là thắng lợi lớn của quan quân, công đầu thuốc về Lãnh Hoan, Đốc Kiều và Phó Đốc Biêu. Họ đã bàn rất kỹ các tình huống xảy ra đối với quan Tuần. Họ đã theo dõi sát và chớp thời cơ để đưa quan Tuần vượt ra ngoài thành. Lúc đó đạn đại bác bắn mạnh vào thành, đạn rơi trúng vào kho để súng đạn và thuốc nổ, nguy cơ thất thủ đối với thành Hưng Hoá đã nhìn thấy rõ. Quan Tuần lên đài Kính Thiên rút gươm nhìn về phía Đền Hùng định tự vẫn. Khi ấy Lãnh Hoan đã phát hiện ra vượt lên thu lấy thanh gươm. Ông ôm lấy quan Tuần và đưa xuống chân cột cờ đi ra nhà đại đồn.
Lúc ấy, thấy Phó Đốc Biêu từ mũi phục kích thẳng trận trở về dẫn theo quan An sát Khê Ông, người bạn thân cùng chí hướng của quan Tuần. Việc đưa quan Tuần vượt ra thành Hưng Hóa đã thành công, Lãnh Hoan, Đốc Kiều và Phó Đốc Biêu đều có một suy nghĩ, không nên nói lại cho một ai biết về chuyện quan Tuần định tuẫn tiết khi nhìn thấy nguy cơ sắp mất thành.
Lãnh Hoan chỉ huy quan quân tiếp tục giữ thành và dự định sẽ cho các đạo quân rút lui ra khỏi thành vào lúc 7 giờ tối. Nhằm về phía rừng Cổ Tiết, Văn Lang rồi sau sẽ cho người đến đón. Khi rút ra có thể mang được gì thì phải cố mang đi, nhất là vũ khí, lương thực thì tuyệt đối không được bỏ. Bốn khẩu thần công nặng hàng tạ không mang đi được thì mang ra cửa Tây Bắc đưa xuống hào chôn đi. Các binh sỹ tử trận phải đem đi để chôn cất, các binh sỹ bị thương thì khiêng ra và giao cho các làng Trúc Phê, Dị Nâu, Thọ Vân, Cổ Tiết cứu chữa. Cố gắng không để binh sỹ bị lạc đường hoặc để sa vào tay giặc. Bản thân ông thì cùng các binh sỹ đạo Trung quân mang xác của Phó đốc binh Lý Phúc người Tàu đem chôn trên quả đồi phía sau thành.
Khi công lệnh được đưa đến các đạo quân, thì đã đến giờ lui quân. Hai đạo Tiền quân và Hữu quân rút lui đi về hướng tây bắc sang làng Dị Nậu. Đạo Tả quân đã theo đường bờ sông Thao rút quân qua làng Trúc Phê lên Cổ Tiết. Đạo Trung quân và Hậu quân thì rút ra cửa Tây Bắc, đi vượt rừng qua đồng ruộng làng Hương Nộn lên làng Văn Lang. Họ yên lặng rút lui có trật tự, hướng về nơi đã định. Đạo Trung quân để lại 10 chiến binh cảm tử giữ thành, rút sau cản đường truy kích của giặc. Người chỉ huy là Phó Đốc binh Tạ Duy Sơn người làng Sơn Vy.
Trời tối, quân Pháp co cụm lại, chúng không dám tiến công mà quay ra phòng thủ. Chúng đã tiến sát thành, chỉ cần vượt được hào sâu là chúng có thể vào được thành. Đạn đại bác của chúng đã làm đổ nhiều mảng tường, từ đằng xa có thể nhìn thấy nhà đại đồn và các doanh trại binh lính đổ nát. Chúng muốn vào thành, nhưng vẫn nghe thấy tiếng súng bắn ra làm tử thương nhiều binh sỹ Pháp. Nên tướng Bờ-ri-e-đờ-lin và tướng Đờ Nê-giơ-ri-e cho quân tạm ngừng sớm mai sẽ tiến công chiếm thành.
Đêm khuya, một tốp lính trinh thám Pháp mò vào thành Hưng Hoá, đã bị đội chiến binh của Phó Đốc Sơn đánh bật ra. Chúng phải bỏ xác hai tên, một tên chết lăn xuống hào phía đông bắc, một tên chết nằm vắt trên bờ thành phía đông nam. Vào khoảng canh hai, nghe tiếng gà gáy xôn xao nổi lên trong các thôn vắng. Đội quân cảm tử cản đường giặc đã theo Phó Đốc Sơn rút ra ngoài thành nhằm hướng tây mà đi. Đêm mười sáu, trăng soi rõ như ban ngày chiếu sáng con đường đi về phía tây bắc nhiều núi đồi trập trùng, xa tít.
Đi tới rừng Cổ Tiết, Phó Đốc Sơn kiểm quân chỉ còn có chín người. Còn một người lính người làng Sơn Vy tên là Nguyễn Hữu Tú đã không biết đi đâu. Có thể cậu ấy buồn ngủ mà không biết lệnh của đội cho rút ra khỏi thành. Có thể cậu lính Tú ấy đi sau cùng không theo kịp đội bị lạc rồi. Nhưng bị lạc, thế nào nó cũng biết đường tìm về. Nó là một người lính dũng cảm, trung thành, bọn Pháp khó lòng mà bắt nổi. Phó Đốc Sơn và mọi người đều nghĩ thế và họ lại tiếp tục đi ngược lên phía rừng xanh.
Sáng ngày 17 tháng 3, quân Pháp vào thành Hưng Hóa, chúng bất ngờ gặp một sự kháng cự cuối cùng. Một người lính còn rất trẻ đứng trên bệ cao của cột cờ nhằm bắn vào quân Pháp làm cho 5 tên lính Pháp chết và bị thương. Cuối cùng, chúng phải cho quân vây xung quang cột cờ và ném thủ pháo lên. Người lính ấy bắn hết đạn, bị thương và đã tự sát bằng dao găm. Nhìn người lính ấy chết, nhìn thành Hưng Hoá đổ nát, hoang tàn, không thấy một bóng người nào, một xác người nào của đối phương nữa, quan quân đã rút lui hết từ lúc nào. Tướng Bờ-ri-e-đờ-lin bần thần nói với tướng Đờ Nê-giơ-ri-e:
- Đây là một đội quân tài giỏi nhất Bắc Kỳ! Nếu như tất cả xứ Bắc Kỳ mà thành nào cũng có người chỉ huy tài năng, binh sỹ giỏi và kiên cường như thành Hưng Hoá này thì chúng ta không thể chiếm được Bắc Kỳ.
Tướng Đờ Nê-giơ-ri-e gật đầu và trả lời:
- Lấy được thành Hưng Hóa nhưng không diệt, không bắt được quân giặc là một khó khăn lớn cho quân Pháp. Chúng ta còn phải chiến đấu lâu năm nữa mới diệt được họ. Mà có tiêu diệt được họ thì tinh thần chiến đấu của họ vẫn còn, chẳng bao lâu con cháu họ sẽ lấy lại nước từ tay chúng ta.
Hai viên tướng Pháp cùng đi về phía nhà đại đồn đổ nát, lòng không vui mà có vẻ lo âu hơn trước một đối phương chiến đấu gan dạ, mưu trí tuyệt vời. Khi lực lượng quân Pháp đông gấp hàng chục lần với vũ khí hiện đại mà phải chiến đấu mất 51 tiếng đồng hồ mới chiếm nổi thành, phải chịu bỏ mạng và phải chịu thương vong 150 lính, bị tước mất 112 khẩu súng. Tuy rằng, quân Pháp đã thắng, lính họ đã treo lá cờ tam tài lên đỉnh cột cờ Hưng Hoá. Nhưng về đất này, họ tiếp tục phải bỏ nhiều sinh mạng và chẳng bao lâu nữa, những người dân xứ này sẽ treo lên lá cờ vinh quang của họ và vất lá cờ của nước Pháp bảo hộ xuống đất.