Việc đưa Tuần phủ Nguyễn Quang Bích ra khỏi thành là một thắng lợi có ý nghĩa sống còn của quan quân thành Hưng Hóa. Bọn Pháp không thực hiện được kế hoạch bao vây vu hồi bắt sống quan quân là một thất bại lớn. Phó Đốc Biểu, người trọng trách đưa quan Tuần và quan Án sát Khê Ông về làng Tứ Mỹ, nơi mà Phó Đốc Biểu đã nhiều lần qua và đã nhiều lần đi chơi, đi hội đình làng ở đó.
Làng Tứ Mỹ là một làng cổ có địa thế đẹp, nhiều đình, đến, miếu, chùa, nhiều nhà gỗ đại khoa làm bằng các loại gỗ lim, sến, táu. Đồng làng rộng nhưng đa phần là đồng chiêm trũng. Làng có ba thôn: thôn Đông, thôn Đoài, thôn Vệ Đô. Hai mặt giáp sông, phía tây- tây bắc giáp sông Bứa, phía bắc-đông bắc giáp với sông Thao. Hướng đông và nam giáp đồi rừng và đồng chiêm kéo dài về vùng đồi Xuân Quang, Văn Lang, Phương Thịnh, Hùng Đô, Quang Húc. Con đường cái quan từ Hưng Hóa lên Tây Bắc đi vào giữa làng, ra cửa sông Bứa qua bến đò Phong Vực sang làng Đồng Lương thuộc huyện Cẩm Khê.
Ngựa đi nhanh đưa Phó Đốc Biểu, quan Tuần, Án sát Khê Ông về tới làng Tứ Mỹ vào lúc 5 giờ chiều. Phó Đốc Biểu mời hai ông vào ngôi đình Cả thờ thần Tản Viên và đưa xuồng nhà Tào Mạt làm trong khuôn viên đình nghỉ ngơi. Khi đó có mấy người dân tuần làng đến, ông nói cho họ biết có Tuần phủ Nguyễn Quang Bích về làng, liền phân công cho việc canh gác bảo vệ. Dân làng Tứ Mỹ nghe tin Tuần phủ Nguyễn Quang Bích đến thì cả làng kéo ra tiếp kiến. Các vị hào lý đều có mặt, Tiên chỉ Trần Đức người già nhất, tóc bạc trắng như mây. Lý trưởng Đặng Hương khỏe mạnh, tay cầm hèo gỗ mun. Phó lý Nguyễn Hân còn trẻ, mạnh mẽ, tháo vát nhắc nhở mọi người yên lặng, trật tự. Đình làng Tứ Mỹ trở nên nhộn nhịp chẳng khác ngày hội. Phó Đốc Biểu bảo mọi người rằng quan Tuần còn mệt mỏi chưa có thể tiếp dân, ông yêu cầu các vị hào lý ngồi chờ, còn dân các thôn chuẩn bị cơm nước và sắp xếp nhà ở cho quan quân về ăn ngủ trong chiều và tối nay.
Các vị hào lý sai người nấu cơm nước cho quan quân. Những người dân người mang nồi to, nồi nhỏ và gánh gạo nước ra nấu, bắt gà, bắt lợn khiêng ra đình giết mổ để mời quan quân. Không khí nô nức còn hơn ngày lễ hội làng ngày đầu xuân mới. Họ vừa làm vừa chuyện trò bàn việc quân, việc nước. Có người còn hát lên những câu ca chê trách quan quân thành Hà Nội đã không gan dạ đánh Tây như quan quân thành Hưng Hóa mà hèn nhát bỏ chạy, vua quan triều đình nay cam tâm làm tôi tớ cho giặc Tây. Lời ca nghe ai oán lòng người:“ Nhớ năm Nhâm Ngọ tháng ba,/ Giặc Tây nó đánh tỉnh Hà chép chơi./ Thiên thanh súng nổ bằng trờ,/. Các quan sợ hãi tìm nơi lánh mình...” và câu kết thật đau lòng:“ Gáo vàng đêm múc giếng Tây,. Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta.” Những lời ca ấy cất lên lanh lảnh, vọng vào nhà Tào Mạt làm cho quan Tuần và Án sát Khê Ông không nhắm mắt được. Quan Tuần dậy và bảo với Nguyễn Khê Ông:
-Thôi, nghỉ ngơi thế đủ rồi. Chúng ta dậy cùng ra tiếp dân, kẻo dân làng Tứ Mỹ đang chờ ta.
Hai người dậy, thay quần áo chỉnh tề và bước từ phía cửa hậu đi ra đại bái đình.Thấy các vị hào lý còn đang ngồi chờ, quan Tuần và Án sát Khê Ông cúi chào. Dân làng nhìn quan Tuần và người cùng đi cúi lậy kính cẩn. Quan Tuần đến bên cụ tiên chỉ làng Trần Đức nói:
- Con xin kính cụ! Thưa toàn thể dân làng Tứ Mỹ! Quan quân thành Hưng Hóa đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành suốt hai ngày nay. Ta tiêu diệt được nhiều giặc, nhưng ở thế yếu phải rút ra bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Quan quân kéo về đây nhờ dân làng Tứ Mỹ giúp đỡ, xin phiền cụ, hào lý và dân làng!
- Không dám đâu quan Tuần! Quan quân về đây, trách nhiệm dân làng Tứ Mỹ phải cộng sức. Hào lý và toàn thể dân làng tôi có thể làm được gì, quan Tuần cứ sai bảo. Dân làng Tứ Mỹ chúng tôi quyết một lòng theo quan Tuần đánh giặc Tây, dù tan xương thịt nát!
- Cảm ơn cụ và dân làng! Cuộc chiến đấu chống giặc Tây chắc hẳn phải kéo dài, nhiều hy sinh, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Không có con đường nào khác đâu! Đời ta không đánh được thì đến đời con cháu chúng ta phải đánh thắng. Trước đây, nước ta bị giặc phương Bắc xâm lược, chúng ta đánh mãi hơn một nghìn năm mới thắng. Giặc Tây, giặc Pháp bây giờ sang xâm lược nước ta, chúng nó muốn đô hộ dân ta, chúng ta phải đánh và quét sạch bọn chúng ra khỏi bờ cõi, cho dù mất mười năm, năm mươi năm, hay một trăm năm! Các cụ, các ông và bà con ta quyết tâm chứ.
- Vâng, quyết tâm, quyết tâm ạ!
Quan Tuần cảm thấy tinh thần chống giặc Tây của mọi người rất cao, làm cho chính quan Tuần vững tâm hơn. Quan Tuần lại nói như là dặn dò mọi người cần phải làm ngay những công việc trước mắt:
- Hiện nay, quan quân đánh trận ở thành Hưng Hóa diệt được nhiều giặc nhưng quân ta có nhiều người bị thương phải nhờ dân các làng điều trị, chữa chạy. Các làng Trúc Phê, Thượng Nung, Hương Nộn, Dị Nậu, Cổ Tiết, Văn Lang đã trực tiếp nhận giúp đỡ thương bệnh binh. Bây giờ, làng Tứ Mỹ đến việc xin giúp sức cho! Quan quân về đây, giặc Pháp sẽ truy đuổi tìm đến đánh, trước mắt bà con dân làng phải giữ bí mật, phải nuôi dưỡng quan quân chu đáo. Nếu địch đến là phải cùng quan quân chống lại, dù thiệt hại về người và của cũng không sờn lòng. Hào lý và bà con có đồng ý với tôi không?
- Dạ, chúng con đồng ý ạ!
Nhìn dân làng Tứ Mỹ, quan Tuần nhớ ra một điều rất cần thiết cho cuộc chiến đấu lâu dài. Đó là phải chuẩn bị về mặt quân lương. Không có ăn thì không thể nói chuyện đánh giặc. Ông nói với dân làng Tứ Mỹ:
- Đã thấy dân làng chuẩn bị cơm nước cho quan quân đến, tôi xin cảm ơn dân làng! Nhưng không phải một bữa và phải chuẩn bị nhiều bữa. Ngày mai tôi viết lệnh cho các kho lương ở vùng Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba xuất kho. Tôi nhờ bà con cùng quan quân đi lấy chở về nuôi quân lâu dài.
- Vâng, dân làng Tứ Mỹ chúng con xin thi hành công việc!
- Lúc đó, mọi người đã chuẩn bị cơm nước xong, mời quan quân cùng ăn. Bữa cơm đầu tiên trên đường chinh chiến cùng ăn với dân tại đình Cả làng Tứ Mỹ rất vui vẻ. Quan Tuần cùng ngồi ăn với cụ tiên chỉ, các ông lý trưởng, phó lý và các chức sắc trong làng rất thân mật. Mọi người còn nói cho quan Tuần và quan Án sát Khê Ông biết được phong tục, tập quan sinh hoạt của dân. Làng hiện nay có 11 ngôi đình, đền, miếu, chùa. Đình đền miếu thờ các danh tướng đời Hùng Vương, đời Lý, đời Trần, đời Hậu Lê những người có công lớn với dân, với nước. Quan Tuần và quan Án sát ngồi nghe chăm chú thi thoảng gật đầu.
Các cánh quân về sau được bà con các thôn nấu nướng tiếp ăn rất tử tế. Quan quân bấy lâu đều ăn theo chế độ quân lính triều đình, ở trong thành kín cách biệt với dân chúng, nay được ăn với bà con nên cảm thấy có phần vui phấn chấn.
Phó Đốc Biểu phân công chỗ nghỉ ngơi, giao cho các đội binh canh gác đêm, cử người đi đón các đạo quân đã về tới Cổ Tiết, Văn Lang để sang Tứ Mỹ. Đêm đến, quan Tuần ngủ chung với Án sát Khê Ông tại nhà Tào Mạt của đình Tứ Mỹ. Có cánh quân nào về Phó Đốc Biểu đều đến báo cho quan Tuần biết.
Đêm mười sáu, trăng sáng vằng vặc soi dọi khắp sân đình. Đứng gác bên ngoài, Phó Đốc Biểu nghe tiếng hai người nói chuyện rất thân mật với nhau. Tiếng quan Tuần nghe thân quen và rõ ràng:
- Từ nay, tôi với ông và quan quân phải xả thân vì nghĩa lớn, vì danh dự dân tộc và danh dự của bản thân chúng ta mà chiến đấu, không tính đến thắng hoặc bại. Chúng ta phải vì dân, trung thành với triều đình đánh giặc. Nếu chung cục thất bại thì đem cái chết mà đền nợ nước.
Tiếng nói khảng khái của Án sát Khê Ông:
- Thì tôi vẫn đinh ninh như vậy. Từ ngày thất thủ thành Sơn Tây, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp và Tán lý Lê Đình Dật dẫn quân về đất Thanh Mai, Thạch Sơn, tôi thì về Ba Vì cùng với quân dân ở đó chiến đấu chống Pháp. Nghĩa quân của tôi đa phần là người dân tộc Mường, Tày họ chiến đấu rất dũng cảm. Không cho quân Pháp vào làng bản mường, có trận đánh tiêu diệt được hàng chục tên, thu được súng đạn. Trước khi lên thành Hưng Hóa, tôi đã bàn giao cho các hào trưởng các bản, các mường để khi nào phái người về ta lại yêu cầu họ chiến đấu hợp sức với ta.
- Tốt lắm, về vùng Thượng du, chúng ta phải làm như thế!
Tiếng Án sát Khê Ông hỏi quan Tuần:
- Trong hơn hai ngày chiến đấu, quân quan thành Hưng Hóa đã nêu một tấm gương đánh giặc cứu nước, tiêu diệt được nhiều giặc Pháp, lấy được nhiều vũ khí. Chúng ta cần tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho các trận đánh sau này.
- Chưa được nghe các đạo quân báo cáo tường tận. Trong trận này, quan quân thành Hưng Hóa giữ được hơn hai ngày là một cố gắng lớn. Giặc Pháp huy động lực lượng 7000 quân với vũ khí tối tân để hạ thành mà quan quân vẫn không sợ. Cái quý nhất là quan quân đã rút ra an toàn, tinh thần không bị giảm sút mà lại được nâng cao lên gấp bội.
- Đúng vậy, quan quân thành Hưng Hóa rất dũng cảm và rất mưu trí chiến đấu trong hoàn cảnh không có ai tiếp ứng, hỗ trợ, như dưới thành Sơn Tây hồi tháng một chạp năm ngoái đã có lực lượng lớn quân Cờ Đen, quân của nhà Thanh, quân của triều đình. Các ông đã không bị bao vây, tiêu diệt, ngược lại đã đánh cầm cự, tiêu hao được nhiều sinh lực địch. Vì thành Hưng Hóa có nhiều vị chỉ huy giỏi thật đáng khen. Như Phó Đốc Biểu mới nhập quân đã nhìn thấy thế trận, phán đoán được âm mưu của giặc, đem quân phá được mũi thọc sâu vu hồi, không thì lúc tôi đến thành Hưng Hóa đã bị bao vây chặt rồi. Trận địa phục kích của đạo Hậu quân ấy trực tiếp phá được vòng vây của giặc Pháp, tiêu diệt nhiều tên địch và thu được nhiều súng.
Quan Tuần lặng im không nói gì, lúc ấy chính bản thân ông như mê đi vì sự thực hiển nhiên là thành Hưng Hóa sắp thất thủ. Ông là người chỉ huy cao nhất phải chịu trách nhiệm, phải bảo toàn danh dự, khí tiết. Nhưng có Lãnh Hoan, Đốc Kiều và binh sỹ đồng lòng đã đưa ông ra khỏi thành, không phải chết bởi tâm niệm tiêu cực. Khi lên tới Tứ Mỹ, mắt ông như sáng ra, lòng như mở cờ, ông đã hoàn toàn thấy được cuộc đời phải làm gì cho dân, cho nước. Ông sẽ đi với dân, sống chết cùng dân, vì sự nghiệp của muôn dân mà xả thân chiến đấu. Lúc này nghe Án sát Khê Ông nói về tài năng của quan quân, lòng ông rất mừng. Ngay cả sự hiện diện của quan Án sát đã cho ông một tình cảm tri kỷ hiếm gặp trong đời, ông vững vàng bước vào cuộc trường chinh.
Vào lúc nửa đêm, Lãnh Hoan và Đốc Kiều về tới đình Tứ Mỹ, quân sỹ hò reo chào mừng. Phó Đốc Biểu báo cho hai người chỉ huy được biết là quan Tuần và Ân sát Khê Ông về đây an toàn đã không có chuyện gì xảy ra dọc đường. Chiều tối nay, quan Tuần và quan Án sát đã tiếp dân làng Tứ Mỹ. Các bậc hào lý và dân Tứ Mỹ hết lòng ủng hộ quan quân đánh giặc. Ngày mai dân làng cho người cùng với quan quân đi lấy lương thảo.
Phó Đốc Biểu nhìn hai người nói:
- Bây giờ, các anh ăn cơm và vào đình Cả Tứ Mỹ rải chiếu ra mà ngủ tạm để tôi thức canh gác và đón tiếp anh em về muộn. Sáng mai, ta sẽ họp chỉ huy các đạo, các đội quân tại đình Cả và sẽ bàn nhiều công việc hệ trọng sắp tới.
Vào lúc canh ba, các đạo: Hữu quân, Tả quân, Tiền quân lần lượt kéo về làng Tứ Mỹ. Dọc đường quan quân đã tự nấu ăn, nên không phải nhờ dân tứ Mỹ nấu ăn nữa. Quan quân cho binh sỹ nghỉ tại chỗ, trong các lán, các nhà ven đường, dưới những mái đình, đền, miếu, trong các lùm cây, búi tre, búi bương tạm che sương gió.
Sáng ngày 17 tháng 3, cuộc họp các chỉ huy nghĩa quân diễn ra tại đình Tứ Mỹ. Tất cả các chỉ huy các đạo, các đội về họp đông đủ. Chỉ có Phó đốc Tạ Duy Sơn, chỉ huy đội cảm tử là chưa về và ba phó đốc binh được quan Tuần cử đi cùng dân Tứ Mỹ đi lấy quân lương.
Trong cuộc họp, quan Tuần đã nêu lên những thắng lợi của quan quân. Có so sánh với các cuộc chiến đấu bảo vệ các thành Hà Nội, Nam Đinh, Hải Dương, Sơn Tây, thì cuộc chiến đấu của quan quân thành Hưng Hóa là anh dũng nhất, tiêu diệt được nhiều địch, thu được nhiều súng. Quan quân rút ra an toàn và đã về làng Tứ Mỹ tập kết. Trong hơn hai ngày chiến đấu có gần 100 người chết và bị thương, số binh sỹ chết đã được mai táng và số bị thương đã được dân các làng quanh thành Hưng Hóa nhận về chăm sóc chữa trị. Thiệt hại về vật chất là rất lớn, đạn pháo của địch đã phá hủy một kho súng, một kho đạn và thuốc nổ, một kho quân trang, quân dụng. Nhưng ta đã tiêu diệt được trên 150 quân Pháp và thu được trên 112 khẩu súng. Các đạo quân đều trải qua chiến trận, tích lũy kinh nghiệm đánh địch giữ thành. Các đạo: Tiền quân, Tả quân, Hữu quân và Trung quân đã làm tròn trách nhiệm của mình. Thành tích lớn nhất thuộc về đạo Hậu quân đã chặn được địch, đánh một trận phục kích giết tại chỗ 32 tên giặc, thu được 30 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn, phá tan kế hoạch bao vây, tiêu diệt quan quân thành Hưng Hóa của giặc Pháp. Chúng ta đã rút lui an toàn cũng nhờ vào trận thắng đó. Chúng ta phải ghi công cho các binh sỹ các đạo Tiền quân, Tả quân, Hữu quân, Trung quân, Hậu quân đã chiến đấu dũng cảm phi thường. Chỉ huy Hành dinh, các đạo, các đội quân hãy nhớ những người hy sinh để sau này thắng lợi ta còn ghi công. Quan Tuần còn nhắc nhở các Chỉ huy Hành dinh và các đạo làm giấy báo tử cho gia đình binh sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Quan quân rất phần khởi, hoan nghênh kết quả chiến đấu của toàn thành Hưng Hóa và khen ngợi đạo Hậu quân đã có công sáng tạo trong tác chiến giữ thành, lập được công to, giữ vững thế trận, bảo toàn được lực lượng.
Quan Tuần nói về những công việc sắp tới của quan quân với những khó khăn trong việc tổ chức đánh Tây.
-Thưa tất cả các vị Chỉ huy Hành dinh, các đạo quân, các đội quân! Chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Tây cứu nước. Trong một tình thế đặc biệt vô cùng khó khăn, triều đình đã hòa ước với Pháp, bắt quan quân phải hạ vũ khí. Nếu chúng ta hạ vũ khí thì bọn Pháp sẽ chiếm nước ta, bắt dân ta làm nô lệ, cuộc sống của dân ta sẽ lầm than, khổ cực. Chúng ta thà chết chống quân Pháp chứ không đầu hàng! Những người yêu Tổ quốc khắp nơi trong nước đã đứng lên chống giặc. Chúng ta phải nêu một tấm gương chống giặc ở miền Thượng du này! Bây giờ, chúng ta không phải quan quân của triều đình quản lý, chúng ta là nghĩa quân cứu nước. Chúng ta không có lương bổng gì nữa, phải tự đánh giặc cứu lấy mình, gia đình mình và cứu lấy dân tộc mình! Chúng ta phải tiến vào miền rừng núi Thượng du lập căn cứ chống Pháp lâu dài!
Ông nhìn mọi người vẻ đắn đo:
- Bây giờ tôi hỏi ý kiến các vị Chỉ huy Hành dinh, các đạo, các đội và hỏi ý kiến binh sỹ xem có thể tham gia nghĩa quân cứu nước được không? Nếu còn vì một lý do gì về gia đình, vợ con, hay vì cơm áo gạo tiền, không thể tham gia nghĩa quân được thì tôi sẽ cho giải ngũ về quê. Còn đi theo nghĩa quân thì một sống hai chết, có khi còn liên lụy đến gia đình vợ con. Nên tôi yêu cầu mọi người suy nghĩ chín chắn, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với quốc gia, dân tộc. Chúng ta không ép bất kỳ ai phải theo con đường chính nghĩa mà đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác, sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn.
Nghe quan Tuần nói, tất cả không ai từ nhiệm, đều tình nguyện theo quan quân chống giặc Pháp. Các quan Chỉ huy Hành dinh, đốc binh, cai đội và binh sỹ đều muốn quan Tuần đứng ra làm chủ soái cầm quân chống Pháp. Nhưng quan Tuần chưa muốn nhận vì nghĩ triều đình sẽ có sự thay đổi, mong sự thống nhất giữa phái chủ hòa và phái chủ chiến, hy vọng triều đại xuất hiện một vị vua hiền đứng ra trị vì đất nước.
Phó Đốc Biêu đứng lên trình bày quan điểm của mình:
- Thưa quan Tuần, quan Án, quan Lãnh binh, các quan Đốc binh! Theo tôi lúc này chúng ta đã là nghĩa binh, không còn là quan quân triều đình nữa. Chúng ta phải phiên chế lại đội ngũ. Quan Tuần cũng không còn giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa nữa. Là người Chủ tướng cầm quân chỉ huy chúng ta, ngài phải nhận chức Chủ soái cho danh chính. Ngài quan án Khê Ông mới tới nhập vào quan quân ta nhưng đã từng chỉ huy dân vùng Ba Vì chống Pháp, có uy tín, kinh nhiệm và là người có học vấn xin giữ chức Phó soái, phụ trách văn thư, đối nội, đối ngoại. Quan Lãnh binh Hoan giữ chức Phó soái chỉ huy tham mưu, tác chiến của Hành dinh. Ông Đốc Kiều làm Phó soái chỉ huy hậu cần và kiêm chỉ huy đạo Hậu quân. Các đạo, các đội phải được tổ chức lại, kiện toàn các ban chỉ huy. Có như vậy, quan quân của chúng ta mới có thể lớn mạnh và bảo toàn, làm tròn sứ mệnh cứu nước, cứu dân.
Mọi người đều cho là phải, quan Tuần phải nhận vai trò Chủ soái, các ông Khê Ông, Lãnh Hoan, Đốc Kiều nhận chức Phó soái. Các đạo quân thì vẫn giữ nguyên: Tiền quân, Trung quân, Tả quân, Hữu quân và Hậu quân. Trong các đạo lại chia thành các đội, đứng đầu đội thì gọi là đội trưởng không gọi cai đội như trước nữa.
Thấy quan quân tha thiết yêu cầu, quan Tuần phải nhận cái chức danh Chủ soái nghĩa quân. Mọi người cũng vui vẻ nhận chức danh và trách nhiệm được giao. Không ai từ nhiệm, nguyện trung thành theo Chủ soái Nguyễn Quang Bích đánh Tây cứu nước. Từ nay không gọi Tuần phủ Nguyễn Quang Bích là quan Tuần nữa mà gọi là Chủ soái Nguyễn Quang Bích. Không gọi quan Án sát Khê Ông mà gọi Phó soái Khê Ông. Không gọi Lãnh Hoan mà gọi Phó soái Hoan, không gọi Đốc Kiều mà gọi Phó soái Kiều.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích đã phân công các vị trí đóng quân cho các đạo, các đội. Đạo Tiền quân giữ vị trí trên cửa sông Bứa, đình Cửa Bứa là nơi đóng quân của các chỉ huy đạo quân. Dốc Giát là nơi đóng quân của đạo Hậu quân, ngăn chặn không cho quân địch đánh từ đất Văn Lang sang Tứ Mỹ. Đình Cả còn gọi là đình Chợ là nơi đóng quân của Chỉ huy Hành dinh. Đền Son và các nhà dân xung quanh là nơi đóng quân của đạo Trung quân. Đình Phượng và các nhà dân phía trước và sau là nơi đóng quân của đạo Hữu quân, ngăn địch từ bờ sông Thao. Đạo Tả quân đóng ở đình Nội và các nhà dân lân cận chặn địch từ hướng tây nam vào làng. Các đạo quân còn thiếu nhà ở thì tạm dựng những nhà tre, lợp lá cọ trên những quả đồi cây xanh làm đồn trú.
Chủ soái nhấn mạnh những đặc điểm của Tứ Mỹ:
- Tứ Mỹ là làng cổ, phong cảnh hữu tình, nhiều đình đền miếu thờ các anh hùng có công với nước từ đời Hùng Vương thời thượng cổ của dân tộc. Ngôi đình Cả thờ Tản Viên Sơn Thánh người đã có công giúp vua Hùng thứ XVIII đánh giặc cứu nước. Đền Son thờ hai Bà Trưng, Đình Nội thờ Lý Bàn Cảnh thời Hùng Vương, đình Phượng thờ Hà Bổng Thượng tướng đời Trần, đình bến Cửa Bứa thờ danh tướng Đinh Công Mộc đời Lê Sơ. Các ông, các bà đều là tướng quân anh dũng xông pha đánh giặc cứu nước, cứu dân. Chúng ta phải noi gương các vị Tiên hiền, Tiên liệt mà chiến đấu. Cầu mong các Thần linh, Thánh linh, Thần hoàng giúp quân ta đánh Pháp giành được thắng lợi, cho dù ta phải hy sinh cũng không sờn lòng. Dân tộc ta đời đời trọng nghĩa lớn, tôn thờ người có công hy sinh vì nước. Chúng ta cũng đang xả thân vì nghĩa lớn mà đánh giặc Pháp, phải làm tròn nghĩa vụ lớn lao này.
Ông nhìn mọi người, mắt bừng sáng:
- Tuy vậy, Tứ Mỹ chỉ cách thành Hưng Hóa hơn hơn 20 dặm, giặc Pháp sẽ dò tìm ra chúng ta. Chúng ta phải giữ bí mật, sẵn sàng chiến đấu, di chuyển đến vị trí khác an toàn. Chúng ta phải tìm đất căn cứ, đất đứng chân để có thể cố thủ, tạo thể tiến công thuận lợi. Cho nên chúng ta phải tiến về vùng núi Thượng du xây dựng căn cứ đánh giặc. Từ đất Tứ Mỹ chúng ta xuất quân đi, chúng ta sẽ trở về Tứ Mỹ và về thành Hưng Hóa. Khi nào trên đất nước ta không còn bóng kẻ thù dân tộc là bọn giặc Pháp xâm lược nữa.
Cuộc họp chỉ huy các đạo quân, các đội quân gần kết thúc thì thấy Phó Đốc Sơn dẫn đội quân cảm tử chặn địch về ra mắt quan quân. Chủ soái Nguyễn Quang Bích hỏi rút ra khỏi thành lúc nào, có bảo toàn được quân số không, có xảy ra chuyện gì dọc đường không. Phó Đốc Sơn báo cáo là đội cảm tử đã anh dũng chiến đầu không cho giặc vào thành, đã bắn chết hai tên giặc Pháp thu được 2 khẩu súng. Toàn đội đã bám giữ thành đến canh ba mới rút quân. Đội có 10 người, nay chỉ có 9 người về, còn một người lính tên là Nguyễn Hữu Tú đã không thấy về.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích hỏi:
- Lính Nguyễn Hữu Tú là người thế nào?
- Thưa Chủ soái, lính Tú là một người tốt, chiến đấu rất dũng cảm ạ.
- Thế thì không lo gì, anh ta bị lạc thì sẽ tìm đường về, còn nếu như bị địch vây bắt, anh ta sẽ không chịu đầu hàng, sẽ giữ trọn khí tiết. Cầu mong cho anh ta gặp may mắn!
Chủ soái Nguyễn Quang Bích lại nói trước toàn quân:
- Bây giờ, chúng ta độc lập chiến đấu, mọi việc quan quân đều phải tự lo. Công việc hậu cần lúc này là quan trọng nhất. Quan quân phải chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bị địch bao vây, truy đuổi. Công tác chuẩn bị quân lương, vũ khí, quân dụng rất cần thiết, nay giao cho Phó soái Kiều lo cho. Việc này phải nhờ vào nhân dân các vùng chúng ta đến hoạt động, chuẩn bị tích trữ lương thảo, rèn đúc vũ khí, mua sắm trang bị. Vấn đề tiền bạc phải vận động dân ủng hộ càng nhiều, càng tốt. Phó soái Kiều chiều nay phải về quê trước, chuẩn bị việc hậu cần cho nghĩa quân. Chỉ huy đạo Hậu quân sẽ giao cho Phó Đốc Biêu chỉ huy. Đội lưu linh trong Trung quân để cử Đội trưởngVũ Bách chỉ huy, phải đi lại thông tin giữa Chỉ huy Hành dinh với các đạo quân, các đội quân. Trong điều kiện chiến đấu mới, các đạo có thể phải hoạt động độc lập nên các đạo quân cử ra 3 hoặc 4 đội tùy theo quân số. Mỗi đội cử một đội trưởng, hai đội phó. Các đội có từ 10 người trở lên thì cử ra các tổ, mỗi tổ cử ra 1 tổ trưởng, 2 tổ phó để chỉ huy trực tiếp. Trong quá trình chiến đấu, việc đề bạt cất nhắc chỉ huy cũng dựa theo thành tích của từng người đã đảm nhiệm chức vụ làm căn cứ.
Chủ soái nhắc nhở:
- Bây giờ, chúng ta chiến đấu trong điều kiện rất khó khăn. Các đạo, các đội, các tổ phải lo cho binh sỹ nơi ăn chốn ở, hợp vệ sinh, phòng bệnh dịch để cho binh sỹ khỏe mạnh có thể chiến đấu lâu dài. Không để cho binh sỹ đói, binh sỹ rét, bệnh tật. Một điều cần nhắc nhở là toàn quân không ai được làm mất lòng dân, ức hiếp dân, phải làm cho dân quý, dân yêu, dân trọng. Tất cả điều này Phó soái Nguyễn Khê Ông lo cho và phải đưa vào quân lệnh, ai vi phạm, dù làm cấp bậc gì trong quân cũng không nhân nhượng, tha thứ.
Cuối cuộc họp, Chủ soái yêu cầu mọi người tự do bàn bac, xem còn vấn đề gì cần bàn. Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân có lời:
- Hiện nay, quan quân đang bị truy đuổi. Đóng quân ở Tứ Mỹ chỉ là tạm thời, vì vị trí Tứ Mỹ rất gần với thành Hưng Hóa. Giặc Pháp sẽ tìm ra chỗ quan quân ta rút về đây, chúng sẽ cho quân bao vây tiến đánh. Chúng ta phải có phương án đề phòng, phương án tác chiến, phương án rút lui. Theo tôi là chúng ta phải rút sang phía rừng Cẩm Khê và Yên Lập càng sớm càng tốt. Phải tổ chức quan quân vượt sông Bứa! Khi chiến sự xảy ra, trên sông Thao, sông Bứa tàu địch sẽ lên bao vây phong tỏa. Ở phía sau, quân bộ của địch sẽ theo đường cái quan từ phía Hưng Hóa đánh lên. Chúng ta sẽ bị bao vây bốn mặt, không chuẩn bị sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Vậy đề nghị Chủ soái và các Phó soái bàn kỹ để chỉ đạo cho kịp thời.
Phó soái Kiều đứng lên thưa rằng:
- Tôi mới nhập quân lại được quan quân cất nhắc chức vụ, tôi xin lĩnh trách nhiệm và làm tròn. Sau cuộc họp này tôi sẽ về tổng Điêu Lương, làng Cát Trù để lo tính về mặt hậu cần, nếu bị bao vây phong tỏa, chúng ta phải cho quan quân rút lui vào vùng đồi rừng Tứ Mỹ theo hướng đi Phương Thịnh, qua Hùng Đô ra sông Bứa về bến đò Đồng Lương, hoặc đi sâu hơn qua Quang Húc, Tề Lễ sang Ngọc Lập, Ngọc Đồng về Phục Cổ, Xuân Lôi, châu Yên Lập. Chúng ta phải chuẩn bị đò thuyền bí mật vượt sông, không cho địch tìm được chỗ ta ém quân. Về đất căn cứ, chúng tôi bàn với Chủ soái tìm nơi nào đó thuận lợi nhất cho việc phòng thủ và tiến công.
Chủ soái tiếp lời Phó soái Kiều kết luận:
- Như vậy mọi người đều nhất trí với phương án rút quân khỏi làng Tứ Mỹ. Phó soái Kiều chú ý chuẩn bị cho tốt về mặt quân lương. Hiện nay các huyện phía bắc Hưng Hóa, Sơn Tây còn lương thực dự trữ ta phải tận thu hết. Mang hết lương thực các kho đưa vào rừng cất giấu. Vụ chiêm năm nay, ta phải dựa vào các làng, các tổng thu lấy lương thực. Có như vậy chúng ta mới duy trì được lực lượng chiến đấu chống Pháp, Phó soái Kiều phải tự mình đắc lực cho thì lệnh mới khả thi.
Cuộc họp kết thúc. Chỉ huy các đạo quân có phần lo lắng vì thấy nơi đóng quân dã chiến không thành lũy kiên cố mà chỉ dựa vào địa hình tự nhiên. Quân số của mỗi đạo quân chỉ trên dưới một trăm người, trang bị súng đạn còn thô sơ, hạn chế nhiều trong tác chiến.
Về các đạo quân, họ mau chóng họp các binh sỹ quan triệt tình hình nhiệm vụ mới, có hỏi ý kiến binh sỹ có tình nguyện tham gia nghĩa quân chống giặc Pháp hay xin về. Tất cả binh sỹ đều quyết tâm theo Chủ soái Nguyễn Quang Bích làm nghĩa quân chống Pháp xâm lược dù có phải hy sinh tính mạng. Tinh thần binh sỹ quá cao, khiến cho các chỉ huy các đao, các đội đều yên tâm, tin tưởng vào cuộc chiến đấu mới.
Đến chiều quân dân đi lấy lương thực ở các kho tại các huyện lỵ đã trở về. Các thuyền của dân chở đầy ắp lương thực, khiến cho quan quân rất vui. Theo lệnh của Chủ soái một số thuyền lương, chở ngược dòng sông Thao lên chợ Trò, Cát Trù, để Phó soái Kiều cho người chở đi cất giấu. Một số thuyền lương thì chia cho các đạo quân, các đội quân sử dụng. Dành một số lương thực chi cho dân Tứ Mỹ đang thiếu ăn vào ngày giáp hạt và bù vào số lương thực mà dân đã dành nuôi quan quân mấy bữa nay.
Hào lý và dân Tứ Mỹ rất vui khi được quan quân thành Hưng Hóa đến làng giúp dân. Tiếng lành đồn xa, rằng có một ông “Phật sống” đến giúp dân lành Tứ Mỹ, hiện nay đang đóng ở đình Cả, nơi thờ Đức thánh Tản Viên.
Nhưng niềm vui của dân làng chẳng được lâu, bọn giặc Pháp đã dò được tung tích đích xác là quan quân thành Hưng Hóa đang còn đóng quân trên đất làng Tứ Mỹ. Sáng ngày 18 tháng 3 năm Giáp Thân, bọn chỉ huy Pháp cho toàn bộ cánh quân của thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ri-e chỉ huy lên bao vây làng. Các tàu của chúng đậu ở Cửa Bứa, bến sông Tứ Mỹ bắn pháo dữ dội vào làng. Nhiều viên đạn pháo đã bắn trúng khu đình Cả. Lúc đó Chủ soái Nguyễn Quang Bích đang đứng đấy, thấy nhiều viên ngói vỡ vụn rơi lả tả. Phó soái Hoan ra kéo Chủ soái chạy ra khỏi đình, cho lính mạng ngựa lại, ông cùng Chủ soái và các Chỉ huy Hành dinh phi ngựa sang thôn Đoài lẩn vào sâu trong dộc Ngà, dộc Gầm.
Lính bộ của giặc Pháp từ các tàu chiến lên bờ đang giao tranh quyết liệt tại Cửa Bứa. Ngôi đình thờ tướng quân Đinh Công Mộc cùng một số nhà dân ven sông trúng đạn đang bốc cháy ngùn ngụt. Tiếng thét của lính, tiếng kêu của dân náo động cả vùng sông nước ngoài ngã ba sông Bứa và sông Thao.
Do đã nắm rõ các hướng rút quân, các đạo quân vừa tổ chức chiến đấu vừa tổ chức rút lui có trật tự. Các đạo đều cử các đội cảm tử đánh chặn địch khi chúng tiến vào làng. Phó soái Hoan cho người đến các đạo quân hướng dẫn đường rút lui. Đạo Trung quân và Hậu quân qua sông Bứa tại bến đò Hùng Đô sang Đồng Lương. Các đạo Tả quân, Hữu quân, Tiền quân thì rút vào Tề Lễ sang Ngọc Lập đi vào châu Yên Lập.
Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt tại làng Tứ Mỹ, đạo tiền quân đã phải chặn đánh quân Pháp ngay trên bờ đê sông Thao, đê sông Bứa. Quân Pháp thấy quân ta chống trả quyết liệt chúng không dám tiến vào làng mà chỉ co cụm ngoài bãi sông. Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân rất bình tĩnh và gan dạ, ông cùng các đội, các tổ bám địch, bắn chính xác tiêu diệt được nhiều tên địch, có những tên địch bị bắn chết ngay trên bong tàu.
Ở đạo Hậu quân, dưới sự chỉ huy của Phó Đốc Biêu đã chặn địch ngay ở dốc Giát. Quân ta nằm trên các sườn đồi bắn mạnh làm cho chúng không tiến xuống dốc được để vào làng Tứ Mỹ. Hàng chục tên Pháp bị quân ta bắn chết, tước được 12 khẩu súng và hàng trăm viên đạn.
Đến chiều tối, giặc Pháp thu quân, thì các đạo, các đội quân ta thực hiện rút lui ra khỏi làng Tứ Mỹ. Khi qua sông mọi người quay nhìn làng Tứ Mỹ, thấy lửa cháy rừng rực. Trong đêm tối nhìn thấy những đám lửa cháy sáng rực ngã ba sông Bứa, sông Thao. Người đi thương nhớ dân làng Tứ Mỹ và dân làng Tứ Mỹ cũng thương nhớ người đi. Họ không sợ gì nhà tan cửa nát, mất mát, đau thương, chấp nhận tất cả để chống quân Tây xâm lược.
Chỉ huy Hành dinh qua sông Bứa về Đồng Lương lúc trời vừa tối. Phó soái Kiều đã cho dân Đồng Lương chuẩn bị thuyền chờ đón quan quân. Các đạo quân qua bến đò Hùng Đô, Tề Lễ được an toàn. Từ phía rừng Đồng Lương vẫn còn nghe tiếng súng nổ và những tiếng pháo địch bắn. Các đội bắn chặn giặc vẫn kiên cường chiến đấu đến đêm khuya mới chịu rút lui.
Hai ngày sau, quan quân về tới Sơn Bình, điểm lại quân thiếu hẳn 30 người trong đó có Đốc binh Nguyễn Kiên chỉ huy đạo Tả quân trúng đạn pháo hy sinh từ sớm ngày 18 tháng 3 tại thôn Đông, Tứ Mỹ, Phó Đốc binh Đặng Học lên thay. Hầu hết binh sỹ chết vì đạn pháo, chỉ có hai người chết vì đạn bắn thẳng từ ngoài bờ sông Bứa. Các đội cảm tử của các đạo quân cùng dân tuần làng Tứ Mỹ đã làm tốt việc chôn cất các Liệt sỹ, những người dân chết và giao lại những người lính bị thương cho dân làng Hùng Đô, Phương Thịnh, Quang Húc, Tề Lễ chăm sóc chữa trị.
Cuộc chiến đấu giữ thành Hưng Hóa và chống giặc tập kích ở làng Tứ Mỹ đã làm giảm lực lượng của quan quân xuống còn ba trăm mười bốn người. Trước những thiệt hại về người về của, tinh thần của quan quân vẫn được giữ vững. Được từng trải qua đánh giặc, sỹ khí trong quân càng hăng hái, quyết tâm càng lớn. Đó là điều Chủ soái dễ nhận ra, dễ thấy, nó góp phần củng cố niềm tin, lòng quyết tâm đánh giặc đến cùng của người Chỉ huy tối cao.
Các quan Chỉ huy Hành dinh làm việc chỉ đạo quân sỹ ngày càng tận tâm. Phó soái Nguyễn Khê Ông làm việc thường xuyên với Chủ soái, vui mừng thấy binh sỹ trong quân rất tin tưởng một lòng theo Tướng công chiến đấu không ai xin về. Chỉ có Đội phó Phan Bính thuộc đạo Trung quân là có tin vợ ở nhà mới chết vì đắm đò, mẹ già và bốn con còn nhỏ, không ai nuôi dưỡng. Nghe Phó soái Khê Ông báo cáo, Chủ soái gọi Đội phó Phan Bính lên cho giải ngũ.
Khi đứng trước Chủ soái, Đội phó Phan Bính đã trình bày hoàn cảnh thực của mình. Chủ soái thương tình nói:
- Ta nghe tin nhà con gặp hoạn nạn. Nay việc nước còn lâu dài, còn nhiều gian khổ đòi hỏi nhiều hy sinh. Con đã có lòng theo nghĩa quân và không thoái chí. Con thực lòng gắn bó với nghĩa quân, không muốn rời bỏ ta và anh em. Ta rất lấy làm cảm phục, nhưng nghĩa nước tình nhà không thể là một mà là hai đòi hỏi con người ta phải tròn trách nhiệm. Ta cho con về để hương khói cho vợ, chăm sóc mẹ già con dại. Khi nào việc nhà yên bình, xét thấy có thể theo việc nghĩa quân thì con tìm, ta sẽ nhận con về đội ngũ.
Đội phó Bính cảm động ôm lấy chân Chủ soái nức nở:
- Con cảm ơn Chủ soái nghĩ đến con và gia đình con! Con về nhà lúc quan quân đang trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Nhưng việc nhà cũng là gánh nặng đời con không thể bỏ. Chủ soái cho con giải ngũ trở về, khi công việc nhà tạm yên ổn con lại đi tìm nghĩa quân. Nếu con không đi được thì con sẽ cho đứa con trai lớn đi thay con. Chủ soái vui lòng nhận cho nếu thấy con trai của con đi tìm đường gia nhập nghĩa quân.
Chủ soái gật đầu, bảo người hậu cần mang cho Đội phó Phan Bính 10 quan tiền và hai mét vải lụa tặng mẹ già.
Việc viên Đội phó Phan Bính gặp lúc gia đình có hoạn nạn, Chủ soái cho giải ngũ, được nhận tiền và quà mang về càng làm nức lòng binh sỹ. Người lính, khi đã mang thân làm việc nước, được người chỉ huy cao nhất thương tình, ưu ái cũng là hiếm thấy trong quân ngũ xưa nay.
Bọn giặc Pháp đã chiếm được làng Tứ Mỹ. Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ri-e và tên trung tá ba Đu-che-nơ ( Duchesne) chỉ huy quân bộ binh đi vào đình Cả, nơi nghĩa quân làm hành dinh. Thấy một mái đình bị sập, nhiều ngôi nhà xung quanh bị pháo bắn cháy, còn trơ những cột cháy đen xì. Không thấy xác người chết chỉ thấy xác mấy con trâu và bò, mấy con chó bị cháy thành than. Viên quan tư nói với viên tướng:
- Đây là đội quân chiến đấu có tổ chức, khả năng tác chiến rất tốt, tinh thần của họ thật quả cảm. Quân đội Pháp khó mà đánh được họ mà có thắng họ chúng ta phải đổi một giá rất đắt là phải thí mạng rất nhiều sỹ quan và binh lính.
- Đúng vậy, trung tá có nhận thấy không? Chúng ta đã không trông thấy xác một người dân, người lính nào, không thấy một bóng người dân nào ở lại. Khi súng nổ thì dân với quân họ lại kết thành một khối vững chắc. Chúng ta thua họ chính là điểm đó, nên ta phải tách họ ra làm hai. Cũng như chúng ta tách cá ra khỏi nước ấy, mới có thể bắt cá phải không nào?
Viên quan tư và mấy tên sỹ quan cùng đi nghe viên tướng nói thì gật đầu. Họ cùng đi ra sông Thao xuống tàu về thành Hưng Hóa rồi xuôi về thành Sơn Tây. Trận đánh tập kích vào làng Tứ Mỹ nhằm tiêu diệt quân kháng chiến, quân Pháp đã chết và bị thương 40 tên, trong đó có 32 lính chết tại chỗ, chỉ có 8 lính bị thương. Quân Pháp đã công nhận thất bại vì không tìm diệt được quan quân thành Hưng Hóa lại bị thương vong một số quân rất đáng kể.
Chiến cuộc truy tìm quan quân của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích tạm ngừng. Bọn Pháp còn phải tập trung quân đánh Thanh Mai, Thạch Sơn hai căn cứ nghĩa quân do Bố chính Nguyễn Văn Giáp và Tán tương quân vụ Nguyễn Đình Dật chỉ huy đều là quân triều chạy thoát khỏi thành Sơn Tây vào ngày 16/ 12/ 1883.
Khi quân Pháp rút lui, nhân dân Tứ Mỹ đi sơ tán lại trở về dựng xây nhà cửa và làm ăn. Khi tạm yên, họ đã động viên dân tuần, trai tráng đi tìm, tham gia nghĩa quân. Một hôm Phó soái Hoan từ phía rừng Phú Khê dẫn về 20 người thanh niên làngTứ Mỹ lên Sơn Bình xin ra nhập nghĩa quân. Chủ soái tiếp đón, ngồi nghe họ kể về những tổn thất của làng. Trận ấy, làng bị giặc bắn cháy 25 ngôi nhà, phá hỏng 3 ngôi đình, 15 người dân bị chết và bị thương, nhiều tài sản, trâu bò, gà lợn bị giặc cướp đi. Nhân dân Tứ Mỹ căm thù giặc Tây, luôn hướng về nghĩa quân nên cho con cháu lên đường chiến đấu trả thù cho những người làng bị giết hại, trả thù cho các nghĩa sỹ đã hy sinh.
Chủ soái đọc thư của cụ Tiên chỉ Trần Đức và của Lý trưởng Đặng Hương, rất cảm kích trước tấm lòng cao cả của các vị hào lý và dân làng Tứ Mỹ. Tất cả người dân đã nuốt đau thương, chụi hy sinh mất mát, đã không hề khuất phục quân thù, thế chết chứ không chịu hàng, không cam tâm làm nô lệ giặc Pháp. Những người dân Tứ Mỹ đã tình nguyện gửi con cháu mình theo nghĩa quân chiến đấu. Cụ Tiên chỉ Trần Đức đã gửi hai đứa cháu nội của mình, trong đó có đứa cháu đích tôn tên là Trần Đức Nhân. Ông Lý trưởng Đặng Hương gửi đứa con trai yêu dấu là Đặng xuân Tình theo nghĩa quân. Ông Phó lý Nguyễn Hân gửi đứa em trai thân thiết Nguyễn Phương của mình nhập ngũ. Thầy lang Nguyễn Văn Chanh gửi đứa con trai thứ là Nguyễn Văn Lò mới tròn 18 tuổi làm lính nghĩa quân. Còn 15 nghĩa binh là con cháu của những người vừa tử nạn, có người tên là Đặng Cư là con gia đình bị tàn sát cả nhà, bố mẹ và hai em bị Tây giết, anh đã tình nguyện theo nghĩa quân đánh giặc trả thù nhà. Chủ soái ngồi nghe mọi người kể chuyện rất cảm động, ông nói với Phó soái Hoan:
- Ta giao sinh mệnh những người này cho tướng quân, mong rằng tướng quân hãy giáo dục, huấn luyện họ trở thành những người lính dũng cảm, có chiến thuật giỏi để lập chiến công trả nợ nước, rửa thù nhà.
Những người dân làng Tứ Mỹ mới nhập quân đi theo Phó soái Hoan về đạo Trung quân, được giao vũ khí và huấn luyện để trở thành những người lính nghĩa quân thực thụ. Họ đã không ngại bất kỳ một sự khó khăn nào, chấp nhận hy sinh thân mình để đánh giặc cứu nước, cứu nhà.
Trong đạo Trung quân, những người lính quê làng Tứ Mỹ được vinh dự phục vụ Chủ soái và các tướng trong Chỉ huy Hành dinh. Chủ soái Nguyễn Quang Bích đã thực sự coi họ như con mình và họ coi ông là Chủ soái nghĩa quân đáng kính, thân thiết như một người cha suốt chặng đường đầy chông gai, gian khổ, nhiều hy sinh mất mát nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Những người lính nghĩa dũng người làng Tứ Mỹ, làng Cát Trù và các làng ở Điêu Lương đã gia nhập nghĩa quân chiến đấu, từ những ngày ác liệt đầu tiên chống quân Pháp xâm lược trên miền đất sông Thao, Hưng Hóa. Chính cuộc chiến đấu gian khổ, nhiều thử thách sẽ tôi luyện họ trở thành những con người chân chính nhất thời đại. Chẳng khác nào những viên ngọc quý, dù viên ngọc đó có rơi vào đâu, ngọc vẫn cứ tỏa sáng long lanh và giá trị thực không bao giờ thay đổi.