Cả hai cánh quân rút lui từ làng Tứ Mỹ, đi theo hai ngả đã gặp nhau ở làng Sơn Bình (1), huyện Cẩm Khê, nơi có phong cảnh đẹp, non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Trước làng là đầm nước và cánh đồng chiêm trũng. Sau là vùng núi đồi điệp trùng. Phía đông Sơn Bình, có đường ra làng Xương Thịnh, Thanh Nga, Đông Phú, Đông Viên qua Sông Thao đến Chí Chủ huyện Thanh Ba. Từ Chí Chủ có thề đi Sơn Vy, phủ Lâm Thao đến Thanh Mai, Thạch Sơn để xuôi về Việt Trì và miền đồng bằng Bắc Bộ. Phía tây Sơn Bình có đường đi Hương Lung qua dốc Đá Thờ vào Hưng Long châu Yên Lập. Từ đó có thể đi đến đồn Vàng châu Thanh Sơn, đến Thu Cúc lên Sơn La, hay về Khả Cửu sang Chợ Bờ. Từ Hưng Long đi ngược lên phía bắc có đường lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Lai Châu. Về đường thủy theo hướng đông có thể đi theo ngòi Me qua Yên Tập, Phú Lạc về Văn Khúc, Hiền Đa, Cát Trù, Đồng Lương. Theo Hướng bắc có thể đi ngược sang Cấp Dẫn, Tùng Khê và đến Phùng Xá, Phương Xá, Áo Lộc, Minh Côi, Hiền Lương nằm bên bờ Sông Thao.
Chú thích:
(1). Nay là xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Sơn Bình là một làng có đến mười xóm nhỏ, ít người không đủ nhà ở cho quan quân. Việc đóng quân lâu dài, quan quân phải làm nhà trên đồi Tề, núi Trổ, bên các con suối nhỏ trong rừng. Chỉ huy Hành dinh đóng tại đình Khiển, Chủ soái ở tại nhà ông Lý trưởng Đặng Bàng bên cạnh đình làng. Ông ta dành toàn bộ nhà cho chỉ huy nghĩa quân, còn đi ở một ngôi nhà khác trên đồi. Việc bảo mật, canh gác và huấn luyện quân sỹ do Phó soái Hoan đảm nhiệm. Quân Pháp không tiêu diệt được nghĩa quân, chúng thường xuyên cử thám báo dò tìm. Trên các ngả đường đến Sơn Bình đều có các trạm gác rất nghiêm ngặt, kiểm soát tất cả những người vào ra, nếu không nói đúng mật hiệu đều không cho qua. Nhiều trạm gác cách xa hơn mười dặm, việc liên lạc giữa trạm với trung tâm chỉ huy đều bằng ngựa và bằng thuyền.
Quân Pháp sau khi thực hiện bao vây, tập kích vào làng Tứ Mỹ thất bại. Chúng không đủ sức truy đuổi đánh tiêu diệt nghĩa quân. Mục tiêu của chúng lúc này, trên địa bàn Hưng Hóa phải là Thanh Mai, Thạch Sơn. Những đồn trại của lực lượng kháng chiến do Bố chánh Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp và Tán lý Lê Đình Dật chỉ huy, giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên các con đường vào Việt Bắc và Tây Bắc thuộc Bắc Kỳ. Phải nhổ được các vị trí này, quân Pháp mới có thể rảnh tay đi tiêu diệt lực lượng quân của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích.
Ngày 11 tháng 5 năm 1884, nhà Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân với Pháp. Các lực lực lượng quân Cờ Đen và lực lượng chính quy nhà Thanh đang chuẩn bị rút dần ra khỏi Bắc Kỳ. Họ không thể giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống quân Pháp xâm lược Việt Nam tại Bắc Kỳ được nữa. Chớp thời cơ, quân Pháp nhanh chóng đánh chiếm Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Triều đình nhà Nguyễn suy yếu hèn nhát đã ký Hiệp ước Hác-măng xác định quyền bảo hộ của thực dân Pháp và họ đang chuẩn bị ký một hiệp ước mới xác định quyền đô hộ lâu dài của Pháp. Thực chất các hiệp ước đó là những văn bản đầu hàng nhục nhã quân xâm lược Pháp.
Nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Chủ soái Nguyễn Quang Bích bao gồm những người tự nguyện, một lòng trung thành với dân với nước đã không chịu hạ vũ khí, bất chấp lệnh của triều đình. Họ đã anh dũng bảo vệ thành Hưng Hóa, đánh phá vây tại làng Tứ Mỹ, rút ra ngoài vùng rừng núi thượng du chuẩn bị chiến đấu lâu dài chống lại quân Pháp cứu nước.
Phó soái Kiều từ buổi họp các chỉ huy tại đình Tứ Mỹ đã trở về làng Cát Trù. Thấy ông trở về làng, mọi người vui mừng khôn xiết. Dân làng, bà con kéo đến thăm rất đông, ông kể cho mọi người nghe về trận Hưng Hóa, quân ta đã anh dũng chiến đấu diệt nhiều giặc Tây. Mọi người rất phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến đấu lâu dài. Ông có nói về quan quân thành Hưng Hóa đã rút về làng Tứ Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Bây giờ dân làng Cát Trù phải cộng sự giúp cho việc vận chuyển quân lương vào chân núi Đọi Đèn. Dân các làng Điêu Lương, Cát Trù, Đồng Lương chuẩn bị thuyền đi đón nghĩa quân vượt sông Bứa. Ông sai các ông hào lý trong làng chuẩn bị người chuyển lương, điều động các đội viên nghĩa dũng đi đến các làng chuẩn bị thuyền và người đưa đón nghĩa quân.
Mấy hôm sau, nghe tiếng đại bác của giặc Pháp và tiếng súng của quân ta nổ ran bên Tứ Mỹ thì mọi công việc đã được hoàn thành. Việc chuyển toàn bộ số quân lương đã đưa vào chân núi Đọi Đèn, các thuyền đã chờ sẵn và việc chở quan quân qua sông Bứa trong đêm đã được thực hiện. Ông đã gặp Chủ soái và các Chỉ huy Hành dinh, trong bầu không khí vui vẻ. Ông đã cho người đi đón đưa toàn bộ nghĩa quân đi theo ngả Hùng Đô sang Đồng Lương và ngả Tề Lễ sang Ngọc Lập để về Sơn Bình, không để thất lạc một ai. Việc làm kho lương bên Thanh Ba, bên Hạ Hòa, Cẩm Khê và các châu, các huyện trên địa bàn Hưng Hóa đã được khởi động. Vụ chiêm năm nay, ta phải chuẩn bị tận thu được nhiều thóc lúa cho nghĩa quân.
Phó soái Kiều đã báo cáo kế hoạch chuẩn bị quân lương cho Chủ soái được rõ. Chủ soái ngồi nghe rất phần khởi, tin tưởng vào Phó soái Kiều, người có năng lực lãnh đạo. Quân quan được nghe kết quả về việc chuẩn bị quân lương đã không lo đói, yên tâm mà đánh giặc.
Một hôm, Phó soái Kiều dẫn Chánh tổng Áo lộc là Hà Công Cấn thường gọi là Chánh Áo và ông Chánh tổng Phùng Xá là Trịnh Bá Đanh thường gọi Tổng Khảm đến Sơn Bình. Chủ soái tiếp hai người một cách thân mật, đưa hai người đi thăm các đạo quân ở xóm Đông, xóm Tây, xóm Trằm, xóm Cửa Miếu. Nhìn thấy những yếu điểm nơi đóng quân, thế công rất yếu, không thể dễ dàng theo sông Thao mà đi đánh các vị trí khác. Thế phòng thủ rất hạn chế dễ bị cô lập. Nếu bị bao vây ba mặt rất khó rút quân, chỉ có một đường rút lên rừng không có đường ra và chạy theo đường thủy lên Cấp Dẫn, Tùng Khê, Ngô Xá bị giặc đón đánh dọc đường thì dễ bị tiêu diệt.
Chánh Áo bảo với Chủ soái rằng:
- Nhân chuyến về thăm Chủ soái và quan quân. Thấy quan quân có tinh thần và ý chí chống Pháp rất cao. Chúng tôi dân tổng Áo Lộc và Phùng Xá xin tình nguyện theo nghĩa quân chống Pháp. Chúng tôi nhìn thấy địa hình Áo Lộc có ưu thế hơn ở đây, nó gần sông Thao có thể lên Bách Lẫm (1), xuôi về Hạc Trì. Áo Lộc có đất Tiên Động làm nơi cố thủ rất tốt. Làng Tiên Động và làng Hoàng Lương có ngòi Rành, đầm Đào, núi Lưỡi Hái tiện cho cố thủ, có con đường độc đạo rút vào Lương Sơn châu Yên Lập, lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Nhất là có các đồi cao quan sát được địch, có thể bảo vệ cho nhau. Nhân dân vùng này thuần lương, chịu thương, chịu khó, có thể tin tưởng vào lòng trung thành của họ. Nếu Chủ soái tin tôi thì cho quan quân về khảo sát địa hình và cho rời lên tổng Áo lộc xây dựng căn cứ thì có thể đương đầu với giặc Pháp được lâu dài.
Chú thích:
(1) . Nay thuộc thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái
Chủ soái nghe mừng lắm, liền sai Phó soái Khê Ông và một số chỉ huy các đạo quân đi theo Chánh tổng Hà Công Cấn và Chánh tổng Trịnh Bá Đanh đi nghiên cứu địa hình Áo lộc.
Trong điều kiện kẻ địch ở xa, vùng Cẩm Khê còn yên tĩnh, Chủ soái có điều kiện đi thăm thú và nắm tình hình. Ông cùng với Phó soái Kiều về thăm tổng Điêu Lương và làng Cát Trù.
Phó soái Kiều đưa Chủ tướng của mình về làng Cát Trù theo con đường ngòi Me. Con ngòi Me vào cuối tháng 5 đầy nước, hai ven bờ là những cánh đồng mới gặt, những rừng cọ bạt ngàn. Thuyền lớn có mui che nắng, có bốn người lính bơi, thuyền lướt nhanh. Trên thuyền ông kể sự tích thác Đá Thờ và ngòi Me hai cửa cho Chủ tướng nghe:
-Chuyện kể rằng, có một vị thần từ trên trời xuống, ông muốn ngăn dòng nguồn nước từ các khe núi phía tây chảy ra để đất ngoài ven sông Thao này khỏi phải nạn ngập lụt. Một mình ông cặm cụi khuân đá về ngăn dòng suối dữ. Công việc rất vất vả nhưng quyết tâm của ông thần cũng rất cao, kiên quyết làm bằng xong mới về trời. Một thời gian, có một vị thần từ trên trời xuống báo rằng con ông bị ốm, vợ ông nhắn là ông phải về trời cứu con, ông nghe tin không về, cứ tiệp tục vác đá ngăn suối. Được một dạo, lại có một vị thần xuống báo tin rằng vợ ông ốm sắp chết, mong ông trở về cứu vợ, ông cũng không chịu về cứ tiếp tục công việc vác đá ngăn suối. Chỉ đến khi một người nhà trời đến báo mẹ ông ốm sắp chết, cần ông trở về thì ông giậm chân, hú lên một tiếng, đập ngăn bị vỡ và ông bay về trời. Đập vỡ, suối chảy dữ dội cuồn cuộn như dòng thác ra sông Thao tạo ra con ngòi Me hai cửa. Một cửa chảy ra Phú Khê, một cửa chảy ra Phú Lạc bây giờ, cái tên Me nói chệch từ tiếng mẹ mà thành. Vì mẹ ốm mà vị thần phải về trời đã sinh ra con ngòi Me hai cửa. Ngày nay, ai đi qua dốc Đá Thờ vào Hưng Long, châu Yên Lập đi men ven dòng suối thấy thác chảy có nhiều cồ đá to ven bờ, đó chính là những phiến đá của thần nhà trời, ngày xưa vác về ngăn suối đó”.
Chủ tướng ngồi nghe chăm chú và nói lời nhận xét:
- Đó là một chuyện kể mang tính chất thần thoại do trí tưởng tượng của người bình dân nghĩ ra, để giải thích các hiện tượng trong tự nhiên. Đó là thác Đá Thờ và dòng ngòi Me hai cửa. Tướng Kiều thấy không, chuyện xưa ấy, người ta đã đề cao tình mẫu tử rồi. Quan quân ta ngày nay làm việc nghĩa đòi hỏi phải hy sinh tất cả tình nhà. Ngay đến tình mẫu tử, người nhà trời còn giữ còn ta người trần thế cũng phải giữ sao cho tròn nghĩa nước tình nhà, phải không tướng Kiều?
Ông nhìn Phó soái Kiều, không nói gì nữa, Phó soái Kiều chỉ vâng dạ cũng không bình luận gì thêm. Con thuyền đưa Chủ soái đi vào vùng đầm Láng Chương nước đã ngập mênh mông. Thuyền rẽ vào Gò Thờ cho Chủ soái lên thắp hương và ngoạn cảnh.
Phó soái Kiều thắp hương và nói với Chủ soái:
- Đấy là đền thờ bà Quế Hoa, công chúa thời Hùng Vương. Bà có công dạy dân trồng lúa, làm các loại bánh ít, bánh uôi. Bà mất đi, linh hồn bà thiêng liêng phù hộ dân lành. Dân các vùng đất này nhớ ơn lập nhiều đền thờ bà, đây là một nơi thờ, một thắng cảnh, quanh năm ngập nước. Rừng cây lộc vừng tự nhiên mọc lên tự bao giờ trùm lên đền tròn xoe như mâm xôi khổng lồ. Những ngày sóc vọng, ngày tết, người dân các làng vẫn đến làm lễ cầu xin bà phù hộ, độ trì.
Chủ soái chấp tay khấn bà, mong Bà Quế Hoa linh thiêng phù hộ cho quan quân.
Thuyền đưa Chủ tướng đi hết ngòi Me nhập vào ngòi Cỏ. Con ngòi Cỏ này bắt nguồn từ trong châu Yên Lập chảy về hạ huyện Cẩm Khê, qua đất các tổng: Chương Xá, Điêu Lương và chảy qua làng Cát Trù đổ ra sông Thao mé dưới làng Đêu Lương.
Khi nhìn thấy căn cứ Tam Thành trước mặt, Phó soái Kiều lại kể:
- Khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha thoát đoạt quyền bính, giết hại công thần. Kiều Công Thuận làm quan triều Ngô đã phải chạy về đất này cát cứ. Ông cho xây dựng căn cứ Tam Thành, gây thanh thế tại vùng đất Tây Bắc, trở nên anh hùng đệ nhất trong thập nhị xứ quân. Ông là người tài năng đức độ, thương dân đã giữ cho vùng đất này được bình yên. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh lên cầm đầu một sứ quân cho quân đi đánh dẹp các sứ quân khác. Mồng một Tết năm 968, quân Đinh lên đánh hạ thành Hưng Hóa và căn cứ Tam Thành. Quân tướng của Đức Kiều Thuận ở thành Hưng Hóa bị thua, ông phải chạy về động Phú An, thành Mè do tộc trưởng Ma Xuân Trường cai quản. Quân Đinh tiếp tục truy đuổi bao vây thành Mè, Đức Kiều Thuận phải tuẫn tiết, quân tướng còn lại rút lên miền thượng du. Tại căn cứ Tam Thành cũng vào đêm mồng một Tết (năm 968), quân Đinh đã chiếm toàn bộ căn cứ và dẹp yên sứ quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt xét công lao của các công thần triều Ngô đã không quên công lao của Kiều Công Thuận, phong sắc cho ông là Cương Nghị Đại Vương và cho các làng Phú An, Trù Mật lập đền thờ cúng tế. Hiện nay, đền Trù Mật và Đình Mè vẫn còn trên đất làng Phú Thọ, thuộc huyện Sơn Vy, phủ Lâm Thao”.
Chủ soái nghe, nói:
- Đinh Bộ Lĩnh là người có tài, có tầm nhìn xa trông rộng, đức độ hơn người, đã có công thống nhất đất nước, lấy lại lòng người, lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu cho nước ta là Đại Cồ Việt. Chỉ tiếc lúc về già đã không tỉnh táo để gian thần giết hại. Còn Kiều Công Thuận con người trung nghĩa, sống không gặp thời, nhưng biết kết thúc cuộc đời một cách tốt đẹp, nên được mọi thời, mọi người yêu quý, ngợi ca. Ngày còn làm Tri phủ Lâm Thao, ngày hội lễ đền Trù Mật đầu xuân, mình đã đến thắp hương tưởng nhớ ngài. Hôm nay qua đây, mình mới biết nơi căn cứ Tam Thành. Hóa ra đất này là đất dựng nghiệp bá vương của người đời xưa.
Con thuyền tiếp tục đi vào đầm Meo, nước mênh mông nhìn vào là dãy núi Đọi Đèn cây cối xanh rì. Toàn bộ đất này, người xưa gọi là Rừng Già, bây giờ Chủ soái mới được tận mắt nhìn. Phó soái Kiều đưa Chủ soái của mình vào thăm kho quân lương. Nhân thể cũng để cho Chủ soái đi thăm thú vùng đất quê hương của mình. Ngồi trên thuyền, ông lại kể cho Chủ soái nghe về một con người sáng giá của đất này:
- Vùng này, thời Hùng Vương có một bộ tộc họ Ma, người Tày sinh sống. Người tộc trưởng họ Ma đã già sinh ra người con trai tuấn tú đặt tên là Ma khê. Lớn lên Ma Khê là người có sức khỏe phi thường, sức địch nhiều người, tay không lên rừng bắt được thú dữ, xuống nước bắt được cá to. Năm 18 tuổi, ông thay cha mình làm tộc trưởng, tự mình tổ chức lại bộ tộc, người già cho làm các việc nhẹ nhàng, trẻ nhỏ có nhà trẻ trông nom, dạy dỗ, cho học chữ. Trai tráng thì cho lao động sản xuất, săn bắn, luyện tập quân sự. Phụ nữ thì làm các việc trồng cấy, chăm dâu nuôi tằm, dệt vải, chăn nuôi. Kinh tế bộ lạc hồi phục, mọi người no ấm sống bên nhau hạnh phúc. Lúc bấy giờ đất nước có giặc, vua Hùng kêu gọi người tài giỏi ra cứu nước. Ông đem dân binh của mình ra giúp vua Hùng đánh giặc lập được công to, nhà vua phong cho chức Đại tướng quân. Ông đã xây dựng quân đội hùng mạnh, nhất là thủy quân rất thiện chiến, bảo vệ vững vàng thành Phong Châu được vua rất yêu quý. Ông lấy vợ là người con gái núi Vy thuộc dòng dõi vua Hùng. Do có công lao, ông được triều Hùng phong Đại thần, về già ông có công dậy dỗ cho mấy đời vương nhi, được vua Hùng sắc phong là Phụ quốc. Ông có người con trai tên là Ma Xuân làm tướng quân, cho quân xây dựng Ma Thành mà ngày nay người ta gọi là thành Mè ở làng Phú Thọ. Khi Thục Phán gây sức ép nhường ngôi, ông Ma Khê đã bàn với vua Hùng thứ XVIII là Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán là người thuộc dòng dõi con cháu vua Hùng. Tuổi già Cụ Ma Khê về quê sống thanh thản và mất vào ngày đầu xuân, năm 258 trước Công nguyên, thọ 94 tuổi.
Nhân dân vùng này rất tự hào về cụ Ma Khê, nên gọi miền đất này là đất Ma Khê. Khi nước ta thuộc phương Bắc, người ta vẫn gọi là đất Ma Khê, đến khi nước ta tự chủ, đất này đổi thành huyện Hoa Khê rồi Kim Khê, đến năm 1841 vua Thiệu Trị đổi thành huyện Cẩm Khê” (1).
Chú thích:
(1) . Theo gia phả họ Ma ở làng Phú Thọ, thị xã Phú Thọ
Chủ soái ngồi nghe rất chăm chú, nghĩ rằng vùng này là vùng đất cổ, nơi lập vương nghiệp của các vua Hùng. Đất này cũng sinh ra những người con tài năng, đức độ làm lợi cho nước cho dân thật đáng ngợi ca.
Thuyền cập bến đền Kim Giao, Phó soái Kiều dẫn Chủ tướng của mình lên đền. Ông giới thiệu cho chủ tướng biết về ngôi đền:
- Thưa chủ soái, ngôi đền này được xây dựng trên nền ngôi nhà sinh ra Phụ quốc, Đại thần, Đại tướng quân Ma khê. Xung quanh là rừng cây sui và phía xa kia là cây gạo cổ, tương truyền là cây gạo cổng nhà thấy giáo dạy Ma Khê lúc ngài còn nhỏ. Phía sau đền Kim Giao là đình Vũ, nơi hội họp của bộ tộc Ma thời Hùng Vương, ngay dười chân núi Đọi Đèn. Nơi đây nay thuộc làng Văn Khúc, thuộc tổng Điêu Lương của chúng con.
Hiện giờ, chúng con cho chuyển toàn bộ số quân lương mà dân làng Tứ Mỹ lấy được mang về đây, tạm thời gửi nhờ đền Kim Giao và đình Vũ và cho người canh giữ cẩn thận.
Lúc đó có một người trông quân lương, từ trong gầm thượng cung đền bước ra. Nhìn thấy Phó Soái Kiều và mọi người đến đứng giữa đền thì thưa rằng:
- Bẩm các ông tướng quân! Năm người lính chúng con được phân công giữ quân lương, nay bốn người còn đi đẵn cây, lấy lá cọ về làm kho cất giữ. Chúng con định làm kho lui sâu trong Rừng Già, bọn Tây có đến cũng không tìm được.
- Giỏi lắm - Chủ soái khen - Anh em biết lo công việc chung thế là tốt. Để kho lương ở đây chỉ là tạm thời, chứ lâu không được. Nơi đây thờ tự, cần phải giữ gìn sạch sẽ, không để bụi bặm. Hơn nữa, là nơi đền thờ, nhiều người đến sẽ bị lộ, tướng Kiều phải nghiên cứu chỗ làm mới và làm cẩn thận, không cho địch phát hiện đánh phá. Trong chiến tranh, việc giữ quân lương là tối cần thiết, không có cơm ăn quân sẽ tự tan, không thể đánh giặc được.
Người trông kho vui vẻ mang chiếu hoa trái ra giữa đền và mang nước uống ra mời mọi người. Phó soái Kiều sai người trông kho lấy gạo nấu cơm, còn ông dẫn Chủ soái lên núi Đọi Đèn, có hai người lính vác súng đi bảo vệ. Đó là con đường mòn nhiều dốc, người đi lại rất vất vả. Ông dẫn đường với một người lính đi trước, Chủ soái đi sau và một người lính đi sau cùng. Đường có nhiều bụi rậm, ông phải rút kiếm phạt cây chắn đường. Hơn một tiếng, đoàn người đã đến lưng chừng dốc Lắc Lư. Trên một bãi bằng rộng, Phó soái Kiều chỉ cho Chủ soái nhìn thấy dòng sông Thao trước mặt, nhìn các vị trí: làng Tứ Mỹ, thành Hưng Hóa, phủ Lâm Thao, đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, ngã ba Thao Đà, Ngã ba Hạc Trì. Phía trên là Chí Chủ, Vũ Yển, Ấm Thượng, Tuần Quán, Trấn yên, Đoan Hùng và cuối dãy núi Con Kiến kia là làng Sơn Bình, quan quân ta đang đồn trú ở đó. Dưới chân núi Đọi Đèn là các làng thuộc tổng Điêu Lương, Chương Xá, nhìn rõ các nhà dân nhỏ như bát úp. Các con ngòi Me, Ngòi Cỏ nhỏ như hai dải lụa trắng chảy trên cánh đồng chiêm trũng.
Chủ soái lắng nghe và nhìn tướng Kiều chỉ dẫn. Ông còn chưa biết tại sao người ta còn gọi ngọn núi phía trên là núi Đọi Đèn. Ông hỏi tướng Kiều và được trả lời rằng:
- Vì ngày xưa, khi cụ Ma Khê làm tướng triều Hùng cho người lên đỉnh núi đào và xây một cái đọi đựng dầu dọc, làm một ông bấc bằng đồng, kết một nụt bấc bằng bông to, cho người mang dầu đổ vào đọi, đêm đêm cho người đốt lên thành một ngọn đèn sáng chỉ đường cho thuyền bè xuôi ngược sông Thao, theo con ngòi Cỏ về quê hương mình dưới chân núi này. Từ đó mọi người gọi tên ngọn núi này là ngọn Đọi Đèn. Đỉnh núi này cao nhất vùng, đứng trên đỉnh có thể nhìn rõ các vùng núi Tam Đảo, Ba Vì, quan sát được một phần đồng bằng và phần đất bên bờ sông Thao, sông Lô, sông Đà, nhìn về hướng tây có thể quan sát hết vùng châu Thanh Sơn và châu Yên Lập. Trên núi có khe nước, hồ nước tiện cho việc sinh hoạt cho nên có thể làm nơi đồn trú quân.
Chủ soái nghe và bàn rằng:
- Ta nên cử một đội quân về Rừng Già- Đọi Đèn hoạt động, trần giữ cả vùng này, bảo vệ phía nam cho địa bàn đóng quân của ta. Tướng Kiều xem xét nên cử ai về đây? Đến đây chế ngự quân địch trên sông Thao và giữ vùng đất hiểm yếu này. Không cho giặc Pháp chiếm, giữ vững liên lạc với các vùng đồng bằng với miền núi, các tỉnh miền Tây Bắc, Việt Bắc và nối con đường thượng đạo từ đây vào Kinh đô Huế.
- Theo con nên cử Phó Đốc binh Tạ Duy Sơn về đây, người này có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, mưu trí, sáng tạo có thể hoạt động độc lập, tạo được thanh thế cho nghĩa quân.
Chủ soái nghe tướng Kiều nói thì gật đầu đồng ý. Ông còn hỏi vùng núi này còn gọi là vùng Rừng Già như xưa không? Vùng núi này còn có nhiều voi, nhiều hổ báo như trước không?
- Thưa Chủ soái, vùng núi này từ thời Hùng Vương gọi là Rừng Già vì có nhiều gỗ quý, có nhiều voi rừng, hổ báo. Sau này, dân ta vẫn gọi là Rừng Già, nơi đây đã cung cấp nhiều thớt voi chiến đánh giặc Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh và cung cấp nhiều thớt voi chiến cho các triều đại bảo vệ thành trì như Phong Châu, Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội của ta. Nay người đông, động vật bắt đầu hiếm đi, nhưng voi và hổ báo vẫn còn, voi còn vài trăm con có thể thuần làm voi chiến được. Ta sai người đi bắt voi về thuần phục, dùng nó vào việc chuyên chở lương thực, vũ khí thay cho sức người.
Chủ soái gật đầu và hỏi người dân tộc thiểu số vùng này có nhiều không? Dân tộc thiểu số nào có số người nhiều nhất? Phó soái Kiều trả lời:
- Vùng này có nhiều dân tộc thiểu số gồm: Mường, Tày, Thái, Dao, Mèo. Dân tộc Mường đông nhất. Trước đây, Rừng Già- Đọi Đèn người Tày đông nhất làm chủ vùng núi này. Sau người ta di dân sang Ma Thành, động Phú An. Trong nhiều biến động lịch sử người Tày tản ra ở khắp nước. Người Tày ở vùng núi Đọi Đèn, theo Hai Bà Trưng đánh quân Hán. Khi hai Bà tuẫn tiết ở Cấm Khê, tướng Ma Đô Dương cùng các bà Quỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thanh kéo số quân còn lại về vùng đất này cố thủ. Sau đó, Mã Viện đem quân đến đàn áp, các Bà Nguyễn Thị Thanh và Bà Quỳnh Hoa đã chiến đấu đến cùng và đã anh dũng hy sinh. Nhân dân vùng này biết ơn Hai Bà đã lập đền thờ tưởng nhớ, hiện nay đền của bà Nguyễn Thị Thanh, bà Quỳnh Hoa vẫn còn trên đất Hoa Triệu và đất Hào Khê. Tướng Hán bị thua đau đã trả thù tàn khốc tướng Ma Đô Dương và bộ tộc Ma ở vùng này, cho quân tàn sát bằng hết không để sống sót một người nào thuộc tộc Ma. Hiện nay, tổng Điêu Lương của chúng con không có người dân tộc Tày, không còn người tộc Ma nữa, mặc dù đất này vốn là đất của người Tày, tộc Ma.
Chủ soái nghe tướng Kiều nói lòng ngậm ngùi thương xót. Nhớ thương những người tộc Ma dũng cảm của vùng đất Rừng Già này, đã vì nghĩa lớn mà hy sinh tất cả. Ông nói với tướng Kiều:
- Đến thời nay đánh Pháp, vùng đất thiêng này lại đón chúng ta về. Không biết sự nghiệp của chúng ta sẽ đi đến đâu. Khi mà triều đình bạc nhược, quan lại phần lớn chủ hòa, theo giặc, sỹ khí đánh giặc không còn. Chúng ta vì danh dự, chức phận mà làm, thấy nghĩa thì ra tay, nhưng phần thắng lợi còn mong manh lắm thay. Ta thì tuổi đã già, leo dốc đã thấy mệt mỏi, đường trường còn xa lắm, chưa chắc đã đi được đến tận cùng. Ta đi làm gương cho mọi người vậy, chứ buông súng bây giờ, người đời sau sẽ chê trách ta, coi ta không ra gì đâu.
Ông vừa nói vừa nhìn vào Phó soái Kiều và hai người lính cùng đi, như có ý nhắn gửi niềm tin vào những người trẻ tuổi, vào cuộc chiến đấu lâu dài. Ông nhìn lên trời, thấy mặt trời đã gần đứng bóng, bảo Phó soái Kiều và hai người lính quay trở về đền Kim Giao.
Đường về xuống dốc nên đi rất nhanh. Chỉ gần một tiếng đồng hồ, mọi người đã về tới đến Kim Giao. Khi vào đền Phó soái Kiều đi trước gặp ông Đội Thủ làm thủ từ, nhân ngày rằm tháng 5 mang lễ vật vào đền thắp hương. Nhìn thấy cụ mặc quần áo đỏ Phó soái Kiều nói như reo lên:
- Xin chào cậu! Cậu có mạnh khỏe không? Cháu bận nhiều công việc không đến thăm cậu được, cậu tha lỗi cho cháu nhé!
- Ai mà chấp các anh, khi các anh đi làm việc nước! Cầu mong cho cháu và tướng sỹ được bình an!
Phó soái Kiều quay lại nói với Chủ soái của mình:
- Thưa Chủ soái, đây là cậu của con. Ông Đội Thủ người làng Văn Khúc, trước đây đi lính triều đình làm đến chức đội về nhà làm lý trưởng làng đến hơn mười năm, hiện nay là tiên chỉ làng Văn Khúc vẫn đảm đương việc thủ từ các đình đền của làng. Cháu cũng xin giới thiệu với cậu, đây là Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, là quan Tuần phủ Hưng Hóa đã đứng về phía nhân dân, chỉ huy nghĩa quân dũng cảm bảo vệ thành Hưng Hóa, chiến đấu đến cùng chống quân Pháp xâm lược, nay cháu đưa ông về đây khảo sát địa hình.
Ông Đội Thủ niềm nở cúi chào:
- Xin chào Tướng công! Rất hân hạnh được gặp Tướng công! Vì việc nước ông về đây, chúng tôi mới được gặp. Nhân ngày vọng xin mời Tướng công thắp nén hương tưởng nhớ Phụ quốc, Đại thần, Đại tướng quân Ma Khê của thời đại Hùng Vương. Người sinh và hóa trên mảnh đất thiêng này.
Ông Đội Thủ trân trọng dâng nén hương đã thắp đưa cho Chủ soái. Ông nhận, kính cẩn dâng cao ném hương và vái lạy vị nhân thần đã có công bảo vệ đất nước, đem lại thái bình cho dân.
Xong việc lễ, ông Đội Thủ mời Tướng công ngồi trên chiếc chiếu hoa trải giữa đền, bảo đứa cháu mình là Phó soái Kiều sai người chuẩn bị hạ lễ mặn mời Chủ soái ăn trưa tại đền. Mấy người lính được phân công ở nhà đã chuẩn bị cơm nước chu đáo để cho đoàn đi thăm địa hình về ăn. Bữa cơm tại đền Kim Giao rất ấm cúng, đượm không khí gia đình. Ông Đội Thủ cũng báo tin cho Chủ soái được biết dân làng Văn Khúc đã cử nhiều người đi theo nghĩa quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Việc chiến đấu chống quân Tây xâm lược là đại chính nghĩa, cần phải được phát động để toàn dân tham gia. Tiếng nói của cụ vang lên:
- Tướng công về đây cầm quân đánh Tây có nhiều cái thuận lợi nhưng cũng có nhiều cái khó lắm đấy. Thuận lợi là đất này là đất dựng nghiệp của các vua Hùng, của An Dương Vương, của Đinh Tiên Hoàng, của Lê Thái Tổ, tóm lại là đất thánh nhân: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bây giờ thiên thời còn gặp cái khó là quân Tây đang vào thời kỳ mạnh có trang bị vũ khí tối tân, kỹ nghệ tiên tiến, lợi dụng thế giới Á châu suy tàn, triều đình bạc nhược đã mua chuộc được các bá quan văn võ, dân tình theo chúng. Chiến thuật của chúng là lấn dần theo kiểu “ tắm ăn lá dâu” và chính sách của chúng là“ chia để trị (1). Tướng công có chí, có gan, được nhân dân ủng hộ nhưng sẽ gặp muôn ngàn khó khăn phải giỏi lắm mới vượt qua.
Chú thích:
(1). Chữ viết là “chia đề trị”
- Thế, cụ có lời khuyên chúng tôi phải làm thế nào?
- Quân trong thế công thì thắng, quân trong thế thủ thì thua! Tướng công cho quân về đất này mà chỉ nghĩ đến thế thủ thì khó thành đấy. Từ trước ai về đất này mà nghĩ đến thế công thì thắng, như Thục Phán, Đinh Bộ Lĩnh, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi còn người giữ thế thủ thì thua như Ma Đô Dương, Lý Bí, Kiều Công Thuận. Đấy là tôi già, kém cỏi thì nghĩ thế, còn Tướng công là bậc anh hùng, trí tuệ uyên bác nghĩ khác, đừng chấp già này nói lung tung nhé!
- Không! Ông nói rất đúng, đó là chân lý. Chúng tôi vẫn thường nghe “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Gặp ông đây, ông nói tôi học được nhiều điều hay mà sử sách không ghi, không bàn. Cầm quân ai mà chẳng nghĩ đến chiến thắng, đến thành công nhưng có khi phải chấp nhận cái thua, cái thất bại.
- Nhưng không phải là cứ thua mãi, thất bại mãi. Phải có bước chuyển chiến lược, tạo được bước chuyển từ bị động sang chủ động, từ thế thua sang thế thắng thì đó là người cầm quân có tài. Ngày xưa Ức Trai - Nguyễn Trãi có câu: “Nghĩa kỳ nhất quán trung nguyên chỉ- Miếu toán tiên tri đại sự thành”. Chỉ khi nào những ngọn cờ nghĩa nhất loạt hướng vào miền trung tâm đất nước, thì mọi sự tính toán trước mới có thể đại thành công. Nghĩa quân Lam Sơn phải mất gần mười năm mới có ngày trở về Đông Đô, mới giải phóng dân tộc ta thoát khỏi sự đô hộ giã man của nhà Minh. Bây giờ, đến lượt Tướng công đấy. Trời giao cho sứ mệnh thì cố mà hoàn thành, đừng đắn đo gì nhé!
Ông Đội Thủ nói vậy và đứng dậy xin phép đi thắp hương trên đình Vũ và ra đình Văn Khúc. Chủ soái và mọi người mời ông ở lại nói chuyện thêm chút nữa, nhưng ông nhất quyết xin đi. Đứa cháu ở dưới thuyền đã gọi cụ đi thắp hương kẻo muộn. Ông nói với Phó soái Kiều:
- Cháu đi tháp tùng cho Tướng công phải cẩn thận đấy. Làm việc nước phải có chí, có gan, phải nghe Tướng công dạy bảo nghe chưa!
Ông quay lại xách cái túi đẫy và cúi chào Tướng công:
- Chúc Tướng công khỏe mạnh, bình an! Khi nào qua làng Văn Khúc bảo cháu Kiều dẫn đến nhà tôi chơi. Tôi xin trân trọng được tiếp Tướng công!
Chủ soái cũng đứng dậy, đưa chân ông Đội Thủ ra về. Khi ông Đội Thủ xuống thuyền bơi đi rồi, Chủ soái vẫn lưu luyến và tiệc nuối cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi với một người già thông thái, trí tuệ đã có lời khuyên chân thành, chí cốt, khi về cầm quân đánh giặc Pháp trên mảnh đất thiêng này.
Mọi người ăn cơm, nghỉ ngơi tại đền Kim Giao. Khoảng chiều mát mọi người lên thuyền về làng Cát Trù. Khi thuyền ra đầm Meo, nước mênh mông mọi người ngắm cảnh nhìn vào núi Đọi Đèn thấy một màu cây xanh thẳm. Đầm Meo, núi Đọi Đèn còn ghi nhớ biết bao nhiêu chuyện về con người của vùng đất lịch sử. Chủ soái nghe tướng Kiều nói mới biết rõ về vùng đất này. Người ta còn nhớ tới vua Hùng về kinh lý nơi này, gặp một nàng tiên Thiên sứ tên là Quế Anh. Vua Hùng kết duyên với nàng sinh ra ba nàng công chúa: Tiên Dung, Ngọc Hoa và Liễu Hoa. Dân làng Văn Khúc còn nhớ ơn vua Hùng, phu nhân, lập đình, lập đền thờ tự. Người ta còn nhớ ơn Phụ quốc, Đại thần, Đại tướng quân Ma Khê coi như một niểm tự hào về một con người có thực, lớn lên, trưởng thành từ vùng đất này.
Trên thuyền, Chủ soái vẫn nghĩ đến những danh nhân anh kiệt mà cụ Đội Thủ và Phó soái Kiều nhắc đến. Họ đều là những anh hùng, có người làm nên chiến thắng, có người chiến bại nhưng đã đi vào lịch sử, với bài học kinh nghiệm quý báu. Ta cũng phải học những kinh nghiệm của người đời xưa mà chỉ huy đánh giặc. Bây giờ ta cần đến chữ thủ đề bảo toàn lực lượng. Thế và lực của ta còn nhỏ quá, yếu quá chưa có thể nghĩ đến thế công. Cả ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa đối với quan quân lúc này gần như đang thiếu cả. Nhưng người anh hùng tạo ra thời thế, không biết ta có thể làm nổi không đây. Quân Tàu và quân Cờ Đen đã rút, có thể là điều kiện để ta tự chủ. Như trước đây và sau này, chúng ta cần liên minh với họ để chống quân Tây xâm lược. Họ vẫn cần đến chúng ta và ta vẫn cần đến họ, nhưng cần phải đề phòng vì ngày trước nhà Thanh đem quân xâm lược nước ta, đã bị nhà Tây Sơn đánh bại. Họ đem quân sang ta cũng không thành tâm giúp ta, có thể vẫn có những tham vọng về đất đai, không có kế sách, chiến thuật cụ thể nào, binh lính họ không có tinh thần chiến đấu thì cũng bằng không mà thôi.
Thuyền đã qua quán Trịnh, bến Mương và đến bến Trò. Phó soái Kiều đã đưa Chủ soái về nhà và dẫn vào nhà khách. Bà Sung ở nhà thấy con và khách về đi ra nhà ngoài đón khách quý. Tướng Kiều giới thiệu với mẹ mình:
- Thưa mẹ, hôm nay con đưa Chủ soái Nguyễn Quang Bích về vùng ta nghiên cứu địa hình, nhân thể con đưa Chủ soái về thăm nhà ta và thăm mẹ.
- Quý hóa quá! Chủ soái bớt thời giờ về thăm mẹ con, bà cháu chúng tôi, xin mời Chủ soái ngồi chơi xơi nước!
- Cảm ơn bà! Bà ở nhà có khỏe không? Gia đình ta vẫn bình an cả chứ?
- Cảm ơn ngài! Bà con tôi và các cháu vẫn bình an và khỏe mạnh.
Bà Sung đưa đĩa trầu tên cánh phượng mời chủ soái. Ngài đưa tay ra cầm lấy miếng trầu cay đưa vào miệng nhai và hỏi chuyện.
- Chúng tôi đánh giặc Tây bên thành Hưng Hóa và làng Tứ Mỹ bà con ta ở nhà có nghe thấy tiếng súng không?
- Nghe rõ mồn một đấy. Tiếng súng của quân ta thì nhỏ, của quân Tây thì lớn bằng trời. Chúng tôi và mọi người lo cho quân ta quá đỗi. Chẳng biết số phận của quan quân thế nào? Mấy ngày sau mới biết tin quan quân vẫn còn sống, rút về đất Sơn Bình, Cẩm Khê là chúng tôi mừng rồi. Hôm nay, được nhìn thấy Chủ soái và cháu Kiều về lòng tôi lại càng mừng vui hơn.
- Nghe tướng Kiều nói, bà khuyên chúng tôi tìm đất đứng chân mà lập căn cứ. Chúng tôi đã về đây, xin bà chỉ cho chỗ nào là đất đứng chân tốt, đất lập căn cứ tốt để chúng tôi kéo quân về xây dựng.
- Ấy chết, tôi là đàn bà đâu dám bàn việc quân cơ! Nhưng chúng tôi còn nhớ lời các cụ dạy chỗ nào “ khả dĩ công và khả dĩ thủ” thì là đất tốt. Chỗ nào hội đủ ba điều kiện “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì càng tốt. Đất Cẩm Khê có địa lợi, nhân hòa, chỗ nào cũng có thể đóng quân được. Nhưng quân đông thì không thể, vì đất hẹp người thưa. Chủ soái nhớ cho, rằng miền Thượng du này, miền đất rừng thiêng, nước độc, người ở lâu sẽ sinh ra bệnh tật mà chết, quân đông thành quân ít, mạnh tự thành yếu, thế thắng tự thành thế thua.
- Bà bàn hay lắm! Bây giờ bà cho chúng tôi ý kiến đánh Tây lúc này cần phải làm gì?
Lúc này bà Sung quên đi mình là đàn bà cứ thản nhiên nói như người quân sư bàn với Chủ tướng giữa ba quân:
- Phải giương cao ngọn cờ đại nghĩa, cứu dân, cứu nước. Nếu Tướng công có gan, có chí hơn thì gắng chiến đấu mà lập ra một triều đại mới. Còn cứ núp đưới danh nghĩa là quan quân triều Nguyễn thì dân tình sẽ không theo, không chiến đấu hết mình, chán nản thì cầm chắc cái thua. Cùng với việc xây dựng căn cứ, đất đứng chân là phải có nhiều đội quân chiến đấu bảo vệ vòng trong và vòng ngoài, không chỉ có một căn cứ mà phải có nhiều căn cứ trên khắp mọi miền đất nước. Có một sự chỉ huy thống nhất trong toàn quốc thì mới bảo vệ được dân, bảo vệ được quân. Quân Tây bây giờ có một hai vạn, chứ có vài chục vạn quân ta cũng không sợ gì. Quân dân phải đoàn kết chiến đấu trên dưới một lòng, quân phải dựa vào dân, có dân là có tất cả đó, Chủ tướng cứ thế mà làm, quân ta sẽ chiến thắng.
- Bà nói có nhiều ý hay, giống như ông Đội Thủ nói với tôi trong đền Kim Giao. Chúng tôi sẽ nhớ và sẽ làm như ý các ông, các bà chỉ bảo. Chỉ có cái là quan quân chúng tôi còn ít, nhân tài còn hiếm, chưa đủ sức dùng thế công, phải về thế thủ trước. Ngày mai tôi về Sơn Bình, sau đó tôi sẽ lên Áo Lộc nghiên cứu chỗ đứng chân, lập căn cứ vững chắc để có thể chiến đấu lâu dài được. Nhờ bà và mọi người ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi đánh giặc Tây cho đến ngày chiến thắng.
Bà Sung không nòi gì nữa, bà xin phép khách xuống nhà dưới và xuống bếp chỉ đạo mọi người lo cơm nước chu đáo cho Chủ soái. Bà rất vui mừng được nhìn thấy, được tiếp vị Chủ tướng của con mình, con người cao đẹp, bình dị, học vấn uyên thâm, gần gũi với dân, nghe dân nói và làm theo ý dân. Bà cảm thấy yên tâm khi đứa con trai mình được theo Tướng công đánh giặc cứu nước, sẽ trưởng thành và khôn ngoan trên bước đường đời.
Mọi người ăn cơm tối xong thì đi nghỉ, Chủ soái ngủ tại nhà khách. Mấy người lính thay nhau canh gác, nửa đêm có một đoàn người cưỡi ngựa về đón. Chủ soái và Phó soái Kiều và các quân lính đi ngay. Không biết có chuyện gì mà gấp thế. Một số người đi ngựa và một số đi thuyền ngược sông Thao. Tướng Kiều vào báo cho mẹ biết và chuyển lời chào của Chủ soái tới mẹ và vợ con. Đoàn người đi rồi, bà Sung thao thức không ngủ được nữa, mắt bà cứ chắm chắm nhìn về phía tây, nơi có ngôi sao hôm màu đỏ vừa gác núi.
Người đi đón Chủ soái về lúc canh một là Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân, cùng với mấy người lính mang theo mấy con ngựa của Chủ soái và Phó soái. Đốc Tiến báo tin là Phó soái Hoan báo Chủ soái phải về gấp vì có sắc lệnh của triều đình. Lại có tin của Phó soái Khê Ông nhắn là Chánh Áo về đưa Chủ soái lên Áo Lộc ngay.
Đoàn quân cưỡi ngựa, chỉ sau một giờ đã về đến Chỉ huy Hành dinh bên đình Khiển. Phó soái Hoan thức dậy đưa cho Chủ soái chỉ lệnh của triều đình bảo rằng triều đình đã ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt ( Patrenotr), công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Triều đình ra lệnh cho tất cả các đơn vị quan quân thành Hưng Hóa đang chống quân Pháp phải hạ vũ khí. Tuần phủ Nguyễn Quang Bích phải trở lại Kinh đô Huế nhận chức Tuần phủ Bình Định. Nhận được chỉ lệnh này Tuần phủ Nguyễn Quang Bích phải chấp hành ngay, không được chậm chễ.
Chủ soái đọc chỉ lệnh của triều đình một lượt, không nói gì. Ông đưa chỉ lệnh cho Phó soái Hoan xem rồi thư thả ngồi xuống tràng kỷ vẻ không vui. Khi ngước nhìn ra phía trời xa lấp lánh những ngôi sao, ông nói:
- Chánh Áo đã về đón chúng ta rồi phải không? Sớm mai chúng ta họp bàn chuyện quân cơ và việc chuyển quân lên Áo Lộc. Tôi sẽ đi cùng Chánh Áo đi Áo Lộc bằng thuyền nan. Phó soái Hoan cùng các ông đốc, ông đội sẽ hành quân bằng đường thủy và đường bộ vào khoảng 7 giờ tối mai. Đường hành quân thủy sẽ do Chánh Áo dẫn đường, theo đường Khe Trời về Áo Lộc. Đường hành quân bộ sẽ qua Xương Thịnh ra Thanh Nga, qua Sai Nga, Sơn Nga, Phùng Xá, lên Áo Lộc. Hành quân trong một đêm là tới, phải giữ được bí mật thật tốt đấy. Sớm mai, ông sẽ cho một số người cưỡi ngựa đi trước báo cho Phó soái Khê Ông biết để chuẩn bị nơi ăn chốn ở. Bây giờ còn sớm, chúng ta nên đi nghỉ để ngày mai lấy sức hành quân lên vị trí mới.
Đêm đó, Chủ soái Nguyễn Quang Bích nằm nghỉ không chớp mắt được. Ông nghĩ đến chỉ lệnh của triều đình bắt buộc ông từ bỏ con đường kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược, quan quân phải đầu hàng nhục nhã. Chao ôi, thật đau lòng! Chẳng còn nhân cách, chẳng còn thể thống gì nữa. Sống mà nô lệ cúi đầu làm tôi tớ cho bọn giặc mắt xanh, mũi lõ thà chết đi còn hơn! Ông quyết không trả lời sắc lệnh triều đình bằng văn bản mà sẽ trả lời bằng hành động là cùng quân dân Hưng Hóa kháng chiến đến cùng. Thà chết chứ không chịu khuất phục! Hôm qua, cuộc đi thăm thú, xem xét địa hình, hỏi ý kiến mọi người dân, ông đã thấy con đường của mình phía trước, con đường đấu tranh mà chính nghĩa sáng như ban ngày. Con đường đó có toàn dân ủng hộ nhất định đi tới thắng lợi.
Khi dậy đi ra sân, ông thấy mặt trời đã lên khỏi dãy đồi Trò. Mặt trời làm cho đất Sơn Bình thêm thắm tươi, rực rỡ lên rất nhiều. Sơn Bình mảnh đất hữu tình lòng người không đổi hướng, thắng cảnh thiên nhiên làm cho con người nơi đây đẹp ra, mạnh mẽ, nhất định vượt qua muôn trùng gian khổ đi tới thành công.