Buổi sáng tại đình Khiển, làng Sơn Bình cuộc họp các vị chỉ huy các đạo, các đội đã được diễn ra. Chủ soái Nguyễn Quang Bích thông báo cho mọi người biết về việc chuyến quân từ Sơn Bình lên Áo Lộc (1) vào buổi tối nay. Các đạo Tiền quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quân sẽ đi theo đường bộ. Chỉ huy cuộc hành quân bộ do Phó soái Kiều đảm nhiệm. Các đạo đi cách nhau nửa tiếng, đường đi sẽ có người của Chỉ huy Hành dinh chỉ dẫn. Vũ khí binh sỹ phải mang theo để sẵn sàng chiến đấu. Đạo Trung quân đi đường thủy, cùng với số thương binh, bệnh binh, do Phó soái Hoan điều hành. Người dẫn đường theo đường thủy là quân nghĩa dũng của Chánh Áo, thuyền do dân Sơn Bình và Áo Lộc đã chuẩn bị đầy đủ, đậu chờ ở bến chùa Vân Nga và bến đình Khiển. Chờ cho trời tối hẳn, quan quân sẽ xuất phát. Bây giờ là thời chiến, việc giữ bí mật là rất cần thiết. Ngày hôm nay là ngày cấm trại không cho binh sỹ đi lại, tất cả đều phải chuẩn bị sẵn sàng hành quân.
Chú thích:
(1) . Nay là xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Trong cuộc họp, Chủ soái cũng thông báo cho mọi người biết là lên Áo Lộc xây dựng căn cứ phòng thủ. Ngoài việc xây dựng căn cứ, Chỉ huy Hành dinh đã phái người về các địa bàn hiểm yếu tổ chức lực lượng chiến đấu để phòng thủ vòng ngoài. Đã cho người đi liên lạc với các lực lượng kháng chiến ở Thạch Sơn, Thanh Mai và các nơi khác ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn Tây, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, các vị chỉ huy và binh sỹ phải giữ gìn phẩm hạnh không được tự ý làm những điều sái trái, như cướp bóc, ức hiếp dân lành. Bất kỳ ai làm những điều đã cấm đều bị quân lệnh nghiêm trị.
Chủ soái cũng nói cho các vị chỉ huy biết:
- Triều đình đã ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt với Pháp và đã có chỉ lệnh cho chúng ta hạ vũ khí đầu hàng bọn xâm lược Pháp. Nếu thực hiện điều nhục nhã này, họ sẽ cho giữ các chức vụ cũ, tôi sẽ phải vào Kinh đô Huế nhận chức tuần phủ Bình Định, còn các vị được điều động đi nhận nhiệm vụ khác, sẽ được thăng thưởng. Chúng ta đã không chịu nhục, không cam chịu để mất nước, cũng như bao lần bọn Pháp yêu cầu quân ta đầu hàng, quy phục, đều bị ta từ chối. Quân ta chọn con đường chiến đấu chống giặc Pháp đến cùng đã lập chiến công ở Hưng Hóa, Tứ Mỹ. Nhưng tôi cũng hỏi ý kiến các vị Chỉ huy Hành dinh, chỉ huy các đạo các đội và toàn thể binh sỹ một lần nữa suy nghĩ thế nào? Đánh Tây hay quay về với Triều đình?
Đốc Nhì chỉ huy đạo Hữu quân đứng lên thưa:
- Chúng tôi theo Chủ soái quyết đánh giặc Pháp, một lòng trung thành đã không thay lòng đổi dạ. Quyết chết để đền nợ nước trả thù nhà, chúng tôi noi gương Chủ soái, không chấp nhận hạ vũ khí đầu hàng. Chúng ta chiến đầu vì nghĩa lớn, được nhân dân các dân tộc ủng hộ sẽ không đơn độc, triều đình phân ra phái chủ hòa, phải chủ chiến, nên nhất định sẽ có sự đổi thay triều chính. Cuộc chiến đấu của ta sẽ thuận lợi hơn, ta làm gương cầm cờ đi trước, giữ vững tinh thần tự cường dân tộc, vì nền độc lập muôn thuở của nước nhà. Nói tóm lại, chúng tôi quyết đánh dù có phải hy sinh tính mạng! Đời chúng ta đánh không thắng, thì đời con cháu chúng ta sẽ đánh thắng!
Toàn thể hội nghị đứng dậy tán thành và đồng thanh hô:
- Quyết đánh! Quyết đánh! Quyết đánh!
Mọi người hô xong, ngồi xuống, im lặng thì Đốc Tiến chỉ huy đạo Tiền quân đứng lên nói:
- Thưa Chủ soái! Vừa qua Chủ soái thăm anh em chúng tôi có than phiền rằng anh em xả thân đi cứu nước, không có lương bổng, chẳng có gì đỡ đần vợ con. Chúng tôi đã vì nghĩa lớn, không tiếc thân, không ai cấn cá về chế độ lương bổng, gánh nặng gia đình. Chủ soái chịu thiệt nhiều hơn, nêu gương hy sinh tất cả vì nước, vì nhà. Chúng tôi theo làm việc nghĩa, Chủ soái thương chúng tôi cũng không nên suy nghĩ nhiều về việc đó để ảnh hưởng đến sức khỏe, đến công việc chung. Bao giờ chúng ta đánh Pháp thắng lợi, triều đình lại cấp lương bổng cho chúng ta! Cho dù chúng ta không thắng mà chết thì sau này con cháu sẽ tưởng nhớ đến chúng ta, cúng giỗ chúng ta.
Mọi người cười vang, vỗ tay hoan hô, không khí hội nghị rất vui vẻ. Chủ soái nghe nói rất mừng mặt mày rạng rỡ.
Vừa lúc đó, một người lính của Chỉ huy Hành dinh dẫn Chánh tổng Áo Lộc là Hà Công Cấn vào hội nghị. Chủ soái ra tận sân đình đón, dẫn vào hội trường và giới thiệu với mọi người:
- Đây là Chánh tổng Áo Lộc Hà Công Cấn. Người này sẽ dẫn chúng ta lên quê hương bản quán của mình để tạo dựng căn cứ chống Pháp lâu dài. Nghe nói, ông đã vận động nhân dân cả vùng ra nhập nghĩa quân đánh Pháp, hiện nay đã có hàng trăm người tình nguyện theo chúng ta. Việc chuyển quân đêm nay, nhân dân làng Áo Lộc, Phùng Xá, Sơn Nga, Sai Nga, Sơn Bình đã chuẩn bị đưa đón chu đáo. Chúng ta hoan hô Chánh tổng Hà Công Cấn!
Mọi người đứng lên vỗ tay hoan hô Chánh tổng Hà Công Cẩn. Ông Chánh tổng đứng trước mọi người xúc động nói:
- Thưa Chủ soái và các vị chỉ huy các cấp! Chúng tôi rất cảm phục trước tinh thần chiến đấu của quan quân bảo vệ thành Hưng Hóa và đánh địch ở làng Tứ Mỹ. Bản thân tôi đã liên hệ với ông Phó soái Kiều để tìm đến nghĩa quân. Mấy ngày trước đây, tôi đã được Phó soái Kiều đưa về đây thăm nghĩa quân và đã đưa ra ý kiến chuyển quân lên Áo Lộc. Chủ soái liền cho người lên khảo sát địa hình và quyết định chuyển quân lên đó. Tôi cho người mang mấy chục chiếc thuyền về đón và nhân dân Sơn Bình cũng đã chuẩn bị thêm thuyền đưa ba quân. Về địa bàn Áo Lộc, các vị sẽ thấy thuận lợi hơn, đảm bảo các điều kiện để kháng chiến chống Pháp lâu dài.
Tất cả lại hoan hô Chánh Áo, náo nức mừng về việc chuyển quân. Chủ soái thấy có thể kết thúc hội nghị, cho mọi người nghỉ, trở về đơn vị chuấn bị cho công việc. Khi các vị chỉ huy các đạo, các đội đã ra về, Phó soái Hoan đến bên Chủ soái của mình khẩn khoản thưa:
- Việc chuyển quân đã định, phân công rõ cho các vị chỉ huy các đạo, các đội, cách thức di chuyển. Chúng tôi y lệnh thực hiện, riêng Chủ soái cho ý kiến xem đi Áo Lộc bằng phương tiện nào và vào thời gian nào để chúng tôi chuẩn bị?
Chủ soái nhìn Phó soái Hoan thân thiện, rồi quay sang nhìn Chánh Áo và bất ngờ trả lời:
- Tôi và Chánh Áo đi bây giờ. Trời còn sớm, râm mát, rất thuận lợi cho việc đi thuyền. Chánh Áo chuẩn bị đi, nửa tiếng nữa tôi xuống thuyền và đi ngay nhé.
Đúng nửa giờ sau, Chủ soái cùng Chánh Áo đã ngồi trên chiếc thuyền nan bốn cắng, có sáu người bơi, người lái, có hai người lính đi theo mang súng bảo vệ. Đi theo có một chiếc thuyền chở một tổ lính bảo vệ đoàn, do đội trưởng Đàm Đức Lương chỉ huy. Gió đông thổi nhẹ, đồng Mèn mát rượi. Đồng rộng, nước trong xanh, mặt nước lăn tăn sóng, mấy đàn chim le le mải miết bơi, thỉnh thoảng chúng lại vỗ cánh bay ào lên rỡn nước. Xa về phía núi châu Yên Lập là dãy đồi Mâm Xôi, đồi Ba Vực xanh ngắt. Về phía đông thấp thoáng các mái nhà dân lợp lá cọ, che khuất dưới những lùm cây, dưới những tán cọ cao vút. Chánh Áo đưa tay chỉ cho Chủ soái của mình biết những làng mạc thuộc bên tây Đồng Mèn.
- Thưa Chủ soái, phía tây Đồng Mèn là các làng Sơn Bình, Cấp Dẫn, Vân Bán, Tam Sơn, Phượng Vĩ. Đây là vùng đất cổ thuộc Vân Bán trang có từ thời Hùng Vương, thuộc huyện Ma Khê, của người tộc Ma, dân tộc Tày, đến thời Hai Bà Trưng đặt tên là huyện Phong Khê. Phong Khê có nghĩa là cái khe của đất Phong Châu.
Chủ soái nghe nói thì gật đầu nói:
- Đúng là cái Khe Trời của đất Phong Châu, cảnh núi non, đầm hồ đẹp quá! Mấy ngày qua ta đã theo tướng Kiều đi về phía hạ huyện này, ta cũng đi bằng thuyền, qua ngòi, qua đầm, hồ thích lắm. Vùng đất hạ huyện Cẩm Khê cũng gắn với lịch sử từ thời Hùng Vương, thời An Dương Vương, thời Hai bà Trưng và cả thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Trịnh, Tây Sơn và thời nay. Ta đã được tướng Kiều đưa đến cả đền thờ Phụ quốc Ma Khê và kể cho ta nghe nhiều câu chuyện rất hay về nhân vật lịch sử này và nhiều nhân vật lịch sử khác. Bao giờ quét hết giặc Tây, ta về nhà viết sử sách, các ngươi còn sống đưa ta đi thăm thú và nghe tường tận về các câu chuyện cổ để mà viết lại cho hay nhé!
Chánh Áo nghe thấy Chủ soái thích nghe chuyện cổ thì hứng khởi kể tiếp:
- Khu vực này thời Hùng Vương thuộc Vân Bán trang do các Lạc tướng Lô Hộ Long và Lạc Ngọc Hầu tạo dựng nên hiện nay có đình thờ hai ông đó là đình Cả ở làng Vân Bán và Đình Đung ở làng Tam Sơn. Đất này cũng sinh ra năm nàng công chúa lừng danh: Tiên Hoa công chúa, Nguyệt Hoa công chúa, Quỳnh Hoa công chúa, Lý Hoa công chúa, Hòe Hoa công chúa. Các bà đều tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và đều hy sinh anh dũng. Các bà đều được dân lập đền thờ ở Sai Nga, Văn Khúc, Chí Tiên ( Thanh Ba), Văn Lang ( Hạ Hòa).Khi lực lượng của Hai Bà, bị Mã Viện đánh bại, Hai Bà Trưng thất thế phải nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Các bộ tướng nữ của Hai bà là Bà Lê Chân, Thánh Thiện, Bát Nàn và các tướng nam là Chiêu Dực Thánh, tương truyền là cha đẻ ra Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị; Ma Đô Dương là trưởng tộc Ma ở đất này; Tướng Chu Ba Kỳ là người ở đây thường cùng Ma Đô Dương đánh cờ ở Khe Vực. Các bà, các ông đã kéo quân về đây tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Mã Viện tiêu diệt được nhiều quân Hán. Nổi tiếng là trận đồi Đá Xô, đồi Sát. Bây giờ còn có những câu ca cổ ca ngợi những trận đánh lừng danh ấy: “Đá Xô, đá chẹn đá đè/ Hán sang mất mật, Viện về thất kinh/ Sừng sững đồi Sát in hình/ Thành Đồng, Cổ Đá lung linh mây trời.” Nhân dân Vân Bán nhớ ơn các vị nữ tướng đã lập đền thờ: Đền Mẫu thờ năm vị công chúa, đền Thiện thờ hai vị nữ tướng Thánh Thiện và Bát Nàn hy sinh anh dũng trên mảnh đất thân yêu này”.
Chủ soái hỏi Chánh Áo:
- Bây giờ còn di tích gì không?
- Còn nhiều đấy ạ. Vẫn núi Ba Vực, đồi Đá Xô, Đầm Đung, khe đá Mài Gươm, suối Hố Cối. Suối Hố Cối nơi công chúa Quỳnh Hoa tập trung người giã gạo, chuẩn bị quân lương. Các bà còn dùng cối nước, lấy sức nước đỡ sức người. Bây giờ còn bài vè kể về Hố Cối nghe hay lắm. Tôi đọc cho Chủ soái nghe: “Biết bao trai gái/ Tìm đến nơi này/ Vần cối, nắm chày/ Suốt ngày không chán/ Cối càng nhẵn thín/ Chày càng nhọn hơn/ Gáo trắng cám hồng/ Thỏa lòng mong ước/ Đầu chày rập xuống/ Gạo cám bắn tung/ Cơm trắng như bông/ Gạo tiền như nước/ Đuổi quân cướp nước/ Khỏi đất nước ta/ Giã gạo cho Bà/ Giã gạo cho Ông/ Gạo trắng cám hồng/ Mẹ mắng vui lòng/ Còng lưng vẫn cối”.
Chủ soái nghe gật đầu khen trí nhớ của Chánh Áo. Bảo rằng đó là sáng tác của người đời sau nhưng rất chân thực. Phản ánh được tinh thần nhân dân ủng hộ nghĩa quân của thời Hai Bà đánh quân nhà Hán hung tàn. Ông lặng đi và nói với Chánh Áo:
- Nghe nói Mã Viện về vùng này cho quân đàn áp rất dã man, đã ra lệnh giết hết người họ Ma ở đây?
- Không phải chỉ riêng họ Ma mà cả họ Trưng, học Chu. Hai họ chịu đau thương nhất là Ma và họ Chu, chúng giết cả già trẻ, nam nữ. Bằng các hình thức dã man buộc đá vào người rồi ném xuống sông, xuống suối, đuổi vào hang sâu cho hổ ăn thịt, giết hàng loạt rồi ném xác xuống vực sâu.
Nghe kể chuyện đau lòng xưa, cả thuyền không ai nói gì. Chủ soái có lời suy xét:
- Khi bị giặc phương Bắc xâm lược, đất này đã phải chịu tổn thất, đau thương. Nay giặc Tây lại đến xâm lược, chúng ta lại về đất này dựng cờ nghĩa chống lại chúng. Đồng bào nơi này lại phải chịu đau thương, tổn thất đấy. Bọn Tây chúng ác ôn hơn cả giặc phương Bắc, lại thêm lũ chó săn người Nam, dân ta sẽ khốn khổ muôn phần. Nhưng không chiến đấu thì đồng bào ta sẽ bị chúng cùm kẹp bắt làm nô lệ, nên chúng ta chỉ có một con đường sống là phải chiến đấu đến cùng, có phải thế không Chánh Áo?
- Vâng, đúng là như vậy. Nhưng phiền một nỗi là vua quan ta đa phần là bạc nhược, tinh thần thấp, thấy Tây nó có súng to, đạn lớn, tàu sắt, tàu đồng là sợ, là bỏ chạy, là đầu hàng. Chúng ta muốn thắng chúng, tinh thần tự khắc phải cao, dám đánh và dám thắng. Người Tây, người Pháp xa chúng ta hàng chục ngàn dặm, chúng ta đoàn kết, sát cánh bên nhau chiến đấu đến cùng. Họ đánh lâu, không thắng sẽ bỏ cuộc, ta sẽ thu lại phần đất đai đã mất. Non sông gấm vóc của nước ta lại thu về một mối, lo gì.
Chủ soái nghe lời Chánh Áo nói thì gật đầu tán thành. Một người lính ngồi trên thuyền quan sát thấy phía trước có mấy chiếc thuyền đang đậu sát vào nhau. Có một người đứng lên phất cờ, có ý bảo thuyền của ta dừng lại. Người lính cảnh giới đứng dậy nói to:
- Báo cáo Chủ soái, phía trước có người, có thuyền lạ, đề phòng tấn công!
- Không đâu, người của ta đó. Thuyền của ông Chánh tổng Nguyễn Văn Vị đón tôi trở về.
Mấy chiếc thuyền bơi đến, Chánh Vị đứng lên thưa:
- Thưa ông Chánh Áo, mời ông và các quan khách lên nhà ăn cơm trưa. Chúng tôi đã chuẩn bị cơm nước rồi.
Chánh Áo nói nhỏ với Chủ soái:
- Mời Chủ soái lên nhà Chánh Vị nghỉ ngơi cơm nước! Như con đã nói, Chánh Vị chính là người tổ chức đội nghĩa dũng đông đến hơn trăm người, gồm người các làng Xương Thịnh, Thanh Nga, Sai Nga, Sơn Nga, nằm ở phía đông đầm Mèn này. Họ đang tập trung tại Sơn Nga muốm đi theo nghĩa quân. Chủ soái có thể đến thăm và thu nạp về căn cứ.
Chủ soái gật đầu đồng ý. Chánh Áo vui mừng đứng lên đáp:
- Chúng tôi có tất thảy là 16 người, các ông chuẩn bị cho ba mâm nhé!
- Có bao nhiêu thì chúng tôi đáp ứng bấy nhiêu, miễn là vui vẻ là mừng rồi.
Thuyền của Chánh Vị bơi vào bờ, thuyền của Chánh Áo bám sau, các thuyền bơi theo vào bến thuyền Sơn Nga. Lúc lên tới bờ, Chánh Vị mới nhận ra là Chủ soái đang ngồi cùng thuyền với Chánh Áo và cùng về nhà mình. Chánh Vị vội vàng đến bên, định quỳ xuống thưa, thì Chủ soái đã ngăn lại mà rằng:
- Miễn lễ cho ông! Chúng ta là người cùng hội cùng thuyền mà. Nhà có xa không, đưa ta về nhà trong khoảng một tiếng nhé. Người đã chuẩn bị theo ta thì đi nhân thể có được không?
- Con có thể đi ngay cùng chủ soái. Việc quân đang gấp, khẩn trương đi trước lúc nào hay lúc ấy.
Chánh Vị đi trước dẫn Chủ soái về nhà. Nhà làm trên quả đồi được san bằng, nhà ngang, dẫy dọc xếp theo hình chữ môn, thoáng mát, có hòn non bộ, cây cảnh đẹp. Chủ soái hỏi ra mới biết, Chánh Vị và người em tên Lệ là hậu duệ mấy đời của Tiến sỹ Hoàng Quốc Trân, người xã Nam Trân, Nam Trực, Nam Định cùng quê với Chủ soái. Ông Trân đỗ đệ tam tiến sỹ, triều Cảnh Hưng, làm ở Hàn lâm viện, không chịu làm quan cho nhà Tây Sơn ông về đất Sơn Nga ở ẩn. Để giấu tông tích, ông đã đổi sang họ Nguyễn. Các đời sau đều làm hào lý trong làng, trong tổng. Đến đời cụ Nguyễn Viết Đăng sinh ra Nguyễn Văn Vị và Nguyễn Văn Lệ. Hai người dung nhan khác thường, có chí khí hơn người. Nghe nói Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích không chịu quy hàng, kiên quyết chống giặc Pháp. Hai ông mừng lắm, đã chiêu tập được hơn trăm nghĩa quân, ngày đêm luyện tập võ nghệ để chờ thời. Nghe nói, nghĩa quân Hưng Hóa kéo lên Sơn Bình, Chánh Áo đã liên hệ với nghĩa quân. Nên ông cho người đi các ngả đường đón Chánh Áo về để biết đường tựu nghĩa. Hôm qua người nhà trông thấy Chánh Áo đưa nhiều thuyền về Sơn Bình, nên đích thân ông Vị xuống thuyền bơi trên đầm Mèn chờ Chánh Áo.
Chẳng ngờ tới việc gặp ngay Chủ soái, lại được Chủ soái đến thăm nhà. Chánh Vị mời Chủ Soái ngồi trên tràng kỷ, kê tại nhà khách, cho người kéo quạt. Ngồi cạnh ông là Chánh Áo. Ông Lệ từ ngoài sân vào tiến đến chào Chủ soái và chào mọi người. Chủ soái khen hai anh em ông Vị, Lệ giống nhau, khỏe mạnh và hiếu khách quá. Chánh Vị sai người dọn cơm mời Chủ soái và mọi người. Ông còn mời gọi người chú ruột tên là Nguyễn Viết Sơn sang nhà tiếp khách quý. Ông Sơn được Chủ soái quý mến kéo tới ngồi cạnh mình.
Các mâm cỗ có nhiều đĩa thịt cá, được chế biến rất tinh xảo, trông rất ngon mắt. Rượu ngâm cao hổ tỏa mùi thơm nồng được Chánh Vị đích thân mời Chủ soái và từng người. Chánh Vị thưa với Chủ soái là lợn, dê, gà, vịt nhà nuôi được, thỉnh thoảng vào rừng săn được hổ báo giết thịt, lấy xương nấu cao. Cá thì bắt từ đầm Mèn, từ sông Thao. Ngồi ăn cơm, chủ soái lắng nghe mọi người nói chuyện và thỉnh thoảng lại gắp thức ăn cho từng người. Trông Chủ soái như một người cha thân thiết ngồi bên các tướng sỹ.
Anh em binh sỹ ngồi dãy phản ngựa gian bên cùng ngồi ăn cỗ, uống rượu. Họ được một bữa cơm trưa thỏa thích, dư thừa thức ăn. Nhiều người ăn cố cho thật no say, tán chuyện cho vui vẻ. Khi ăn xong Chánh Vị cho người nhà mang các loại hoa quả ra tráng miệng. Đủ các loại hoa quả gồm: mít, chuối, dâu da, thành trà, vải thiều. Một người lính có vẻ như say rượu nói:
- Chao ôi! Nhà ông Chánh Vị nhiều mít, nhiều chuối quá! Đủ các loại: mít dai, mít mật, mít răng ngựa; chuối tiêu, chuối mắn, chuối răng bừa; dâu da vàng, dâu da trắng, dâu da đỏ; thanh trà xanh, thanh trà chín, thanh trà tía, thanh trà lốm đốm... Người ta bảo: đói thì vào rừng vào rợ, đừng ra kẻ chợ mà chết. Chúng ta đang đi đến miền rừng Thượng du đánh Pháp, chẳng sợ chết đói đâu, anh em ơi!
Tiếng nói của người lính bỗng lọt vào tai Chủ soái, khiến ông nhớ tới việc làm khẩn cấp trước mắt. Ông nhìn Chánh Vị nói:
- Việc chuẩn bị lương thực và thực phẩm cho binh sỹ ăn là cần thiết lắm. Chánh Vị, trước tiên giúp lo cho việc thu mua các loại thịt cá, các loại rau củ quả cung cấp cho binh sỹ ăn. Chánh Vị liên hệ với Phó soái Kiều làm lo cho tốt việc này nhé!
Chủ soái vừa dừng lời, thì một đoàn nghĩa dũng, ăn mặc chỉnh tề mang vũ khí gươm giáo đi vào sân nhà. Ông Lệ chạy ra tập hợp đội nghĩa dũng ngay ngắn trên sân. Ông Lệ nói lớn:
- Thưa toàn thể anh em đội nghĩa dũng các làng Sơn Nga, Sai Nga, Thanh Nga, Xương Thịnh. Hôm nay rất may mắn, ông Chánh Vị mời được Chủ Soái Nguyễn Quang Bích về nhà. Chúng ta đang chờ ngày theo quan quân, thì nay đã được gặp Chủ tướng, mừng như là hạn hán gặp mưa rào vậy.
Ông Chánh Vị tiếp lời ông Lệ:
- Thưa Chủ soái và thưa toàn thể anh em binh sỹ! Anh em đội nghĩa dũng quê nhà chúng tôi đã được tập hợp ngay sau khi thành Hưng Hóa bị thất thủ. Chúng tôi nghĩ thế nào rồi toàn thể quan quân sẽ rút về đất này đánh Pháp. Chúng tôi đã huy động lực lượng, tự trang bị vũ khí, ra sức luyện tập võ bị để xin gia nhập nghĩa quân. Nay chúng tôi đã sẵn sàng! Mong Chủ soái có ý kiến.
Chủ soái bước ra đứng trên bậc thềm cao dõng dạc nói:
- Trước hết biểu dương tinh thần yêu nước của anh em nghĩa dũng, đồng bào tổng Sơn Nga, làng Sơn Nga! Hoan nghênh việc tập hợp binh sỹ và công lao rèn binh của anh em nhà ông Chánh Vị, Lệ! Việc quân rất gấp, rất cần anh em đi ngay, nhưng cũng cần cho anh em nghĩa dũng nghỉ vài ngày để xác định tư tưởng, nhất là xác định quyết tâm và động viên gia đình, bố mẹ, vợ con, anh em. Nên ta cho phép anh em về nhà một tuần, làm những điều mà ta dặn. Sau đó anh em về đây tập hợp kéo quân lên Áo Lộc, sẽ có người của chúng tôi tiếp nhận và phân công nhiệm vụ. Về phiên chế, ông Chánh Vị tạm thời làm Đốc binh, ông Lệ làm Phó Đốc binh trực tiếp chỉ huy anh em. Mọi người có đồng ý với ý kiến của tôi không?
- Đồng ý! Đồng ý! Xin cảm ơn Chủ soái!
Anh em nghĩa dũng được Phó Đốc Lệ cho về nhà. Chủ soái quay lại chào cụ Nguyễn Viết Sơn để lên đường. Cụ Sơn dâng biếu Chủ soái mấy lạng cao hổ cốt nhà vừa mới nấu, cụ nói:
- Hổ thì hai cháu Vị và Lệ săn bắn được, tôi chỉ có công nấu. Nhân Tướng công đến thăm gia quyến chúng tôi, lại cho hai cháu tòng sự, xin biếu ông mấy lạng cao để tẩm bổ, xin ông vui lòng nhận cho!
- Xin cảm ơn lòng tốt của cụ nghĩ đến tôi! Tôi bây giờ đem thân vì nước, chẳng còn thì giờ mà nghĩ đến riêng tư. Cụ cứ để lại mà dùng, khi hai cháu của cụ tòng quân chẳng còn ai săn hổ báo nữa. Khi nào đuổi hết quân Tây, tôi qua đây, cụ và các cháu săn được hổ, nấu cao biếu tôi thì tôi nhận.
Chủ soái cầm mấy lạng cao hổ cốt trao lại cho cụ Sơn. Chần chừ, cụ Sơn không dám nhận lại, cứ bước lùi về phía sau. Đội trưởng Đàm Đức Lương đứng cạnh đó đỡ lấy gói cao từ tay Chủ soái và nói:
- Đúng là Chủ soái chẳng có thời giờ mà nấu rượu, ngâm cao. Chỉ có ông Chánh Áo là có nhà có sẵn rượu, vậy thì con đưa gói cao này cho Chánh Áo. Quân lính nhiều người bị thương, ốm yếu cần có cao tẩm bổ để lại sức. Chánh Áo là người lo được, cầm lấy cho cụ nhà được vui lòng.
Mọi người cười ồ, vui vẻ và Chánh Áo đứng ra nhận lấy gói cao. Chủ soái cũng bất cười, không nói gì, quay người lại chào tất cả người nhà Chánh Vị và cảm ơn mọi người đã bỏ công đón tiếp.
Mọi người cùng Chủ soái ra bến Sơn Nga trên bờ đồng Mèn và xuống thuyền bơi ngược về Áo Lộc. Khi đến đường đất Phùng Xá, quân của ông Chánh tổng Trịnh Bá Đanh tức tổng Khảm cho người bơi thuyền ra tận nơi đón vào thăm nhà. Chủ soái nói lời cảm ơn ông Tổng Khảm và bảo người nhà ông rằng tối nay Phó soái Kiều hành quân qua, có việc gì cần thiết thì cứ báo cho Phó soái Kiều biết và hai ông bàn với nhau. Ngày mai Phó soái Kiều sẽ trình bày lại với Chủ soái.
Quân lính mải miết bơi, thuyền lướt như tên, sóng vỗ vào mạn thuyền ào ào. Phía xa về phía tây là phía đồi Khổng Tước và tiếp đến dãy núi Lưỡi Hái xanh rì kéo dài lên phía bắc, sang phía làng Minh Côi, Văn Lang, Xuân Áng và Hiền Lương. Chánh Áo nhìn về phía đồi núi điệp trùng nói với Chủ soái:
- Chúng ta sẽ dựa vào vùng núi non hiểm trở này để đánh Pháp. Ngày xa xưa, các nghĩa binh của Hai Bà Trưng đã dựa vào thế núi để chống lại giặc Hán. Bây giờ lại đến lượt chúng ta, lại dựa vào đồi núi này chống lại giặc Pháp. Chúng ta phải quyết đánh và quyết thắng.
- Dựa vào hình sông, thế núi để chống giặc, nhưng chúng ta còn phải dựa vào lòng dân, ý trời nữa.- Chủ soái góp thêm lời bàn - Mọi việc là do con người định, nhưng thắng lợi, thất bại còn do ý trời. Cơ trời vận nước không có, việc nghĩa cũng khó thành đấy, Chánh Áo ạ.
Chủ soái định nói nữa nhưng ông lại thôi. Ông quay nhìn về trước, làng mạc tươi đẹp, cư dân sống bình yên, trên những thửa ruộng mười, mọi người đang hăng hái cấy cầy. Từng đàn trâu béo mầm đang mải miết cùng người dân lao động sản xuất làm ra cơm gạo nuôi sống con người. Trời chiều không nắng, nhưng nóng, phía bắc và phía đông nhiều đám mây mưa đang ùn ùn kéo về. Chánh Áo nhìn trời, phát hiện sắp có giông bão, nói lớn:
- Anh em ơi, bơi cố lên! Trời sắp có mưa bão! Làng Áo Lộc kia rồi, cố bơi lên, chừng nửa tiếng nữa là tới, cố gắng để về trước cơn mưa.
Những người lính bơi mải miết, thuyền lướt trên mặt nước. Bữa trưa được ăn uống no say, sức người như khỏe ra, chẳng mấy chốc thuyền đã nhận ra bến rồi. Bến đình Hội nhìn rõ mồn một, người tinh mắt đã thấy nhiều người đứng đón đoàn quân trở về. Đội trưởng Lương đã phát hiện ra người quen đứng đón:
- Người đứng đầu kia là Phó soái Khê Ông, người đứng bên phải là Phó đốc Biêu, Phó đốc Đỗ Quỳnh, Phó đốc Trần Tuế, đứng bên trái là Phó đốc Lê Hoài, Phó đốc Hà Đức và những ai nữa, đông lắm.
- Chánh Áo cũng nhìn thấy các vị hào lý, người nhà và bà con Áo lộc đứng chờ. Thuyền áp vào bến, mọi người chạy xô ra đón, Chánh Áo nhảy lên bờ, tay cầm lấy tay Chủ soái, Phó đốc Biêu chạy lại đỡ chủ soái lên bờ. Cảnh bến đình Hội thật đông vui nhộn nhíp. Cơn mưa cũng vừa ấp tới, sấm chớp đùng đùng, gió thổi ào ào. Tất cả chạy vội vào đình Hội tránh mưa, vừa chạy vừa cười nói vui như ngày lễ, ngày cầu.
Chánh Áo vừa ngồi xuống chiếu hoa trải trên bệ đình, vừa nói:
- May thật đấy! Vừa vế đến đình làng thì trời mưa to. Tối hôm nay mà mưa to thế này thì khổ anh em ta quá! Thôi thì chờ vào vận may! Đầu đã gặp may thì thân và đuôi cũng may thôi. Mời Chủ soái, Phó soái ngồi và các vị chỉ huy, các vị hào lý ta cùng ngồi bàn bạc. Phân công chỗ ở cho các đạo, các đội, phân công người đón tiếp, chuẩn bị cơm nước cho anh em.
Phó soái Khê Ông báo cáo qua cho Chủ soái nắm qua tình hình làng Áo Lộc và tổng Áo Lộc:
- Chỉ có làng Tiên Động là chỗ làm căn cứ phòng thủ tốt nhất. Có thể ngày mai, tôi sẽ dẫn Chủ soái và các vị Chỉ huy Hành dinh đi nghiên cứu cụ thể để làm căn cứ phòng thủ. Bây giờ Chủ soái vào nhà khách của Chánh Áo nghỉ, còn anh em sẽ ngủ tại đình Hội. Việc canh gác giao cho Đội trưởng Lương chỉ huy anh em binh sỹ cùng đi và anh Hà Công Hòa chỉ huy anh em nghĩa dũng Áo Lộc. Khoảng canh hai, anh em binh sỹ mới có thể hành quân về tới đây, ta cho nghỉ tại đình Cả, đình Nghè, đình Thượng, đình Hạ và các nhà dân xung quanh. Các nơi mọi người làng đã lo cho anh em ăn nghỉ rồi. Quan quân về đây phải mất một thời gian dài xây dựng lán trại, đào hầm hào phòng thủ, làm nên một căn cứ vững chắc đánh Pháp lâu dài.
Mọi việc, Chủ soái đã nắm rõ. Trời đang mưa rào, bỗng tạnh. Chánh Áo dẫn Chủ soái và hai người lính cận vụ về nhà mình nghỉ ngơi. Trời đã nhú nhóa tối, đường vào nhà Chánh Áo rất thục, đường trơn, đi lâu lâu mới tới nhà.
Người nhà mang nước cho khách uống, Chánh Áo sai người đi nấu nước nóng cho ông và khách tắm rửa. Mãi đến lúc trời tối mịt mọi người mới tắm rửa xong. Cơm tối được bày ra đặt trên bàn rất thịnh soạn. Vì đã ăn uống bữa trưa quá no nê ở nhà Chánh Vị, nên mọi người chỉ ăn qua cho đỡ nhớ bữa rồi ngồi chơi, xơi nước. Khoảng mười giờ, Chánh Áo cho người rải chiếu, mắc màn xô, kéo quạt cho Chủ soái nằm ngủ.
Cũng vào lúc đó, đạo Trung quân của Phó soái Hoan theo đường thủy, đã đi đến đồng đất Cấp Dẫn. Mấy chục chiếc thuyền nan chở binh sỹ, thương bệnh binh đang theo đội hình hàng dọc lướt sóng trên đồng Mèn. Cảnh tượng rất đông vui, vì có nhiều nam nữ của làng Áo Lộc và làng Sơn Bình bơi thuyền chuyên chở nghĩa quân. Buổi chiều mưa to, nên không khí trên đồng mát rượi. Cá tôm thấy động nhảy lên như đón chào. Nhiều chú cá chuối, cá măng, cá chày nhảy cao rơi cả vào thuyền. Mỗi lần có cá nhảy vào thuyền, người bơi và người ngồi đều khúc khích cười. Mấy người ngồi bên cắng thuyền sát mép nước thì đưa tay vớt ốc nhồi nổi lên mặt nước ăn sương. Họ vớt được rất nhiều, có người lính nào đó quê Cẩm Khê thốt lên: “Trời ơi! Quả đúng như câu ca Cua đồng Lốc, ốc đồng Mèn! Nhiều vô kể, cố vớt lấy anh em ơi! Ngày mai ta được bữa xào chuối ăn khoái miệng”. Mọi người tiếc là phải giữ bí mật, nên họ không được hò hát trên đầm, không được cười nói to cho thỏa thích.
Phó soái Hoan ngồi trên chiếc thuyền đầu và Phó đốc Hà Thanh Bằng người vừa được đề bạt thay Phó đốc Tạ Duy Sơn người vừa được Hành dinh cử đi làm công tác biệt phái tại Rừng Già-Đọi Đèn ngồi trên chiếc thuyền sau cùng. Đêm nay tối mười tám tháng năm, trăng lên muộn nhưng rất sáng, soi rõ đoàn quân đi trên đồng Mèn. Đến đồng đất Phùng Xá, thấy có nhiều thuyền dân ra đón. Đến nơi mới biết, thuyền của người nhà Chánh tổng Trịnh Bá Đanh mang bánh trưng ra tiếp tế cho đoàn quân. Các thuyền đều được phát phần bánh theo số người đi. Bánh vừa mới nầu thơm ngon, Phó soái Hoan cho lệnh anh em được bóc bánh ăn ngay cho lại sức. Anh em và người dân bơi thuyền thì ăn sau. Người nào ăn xong thì bơi thay cho người bơi ngồi nghỉ ăn bánh.
Thuyền vẫn lao đi như tên, ánh trăng soi đầy thuyền. Thỉnh thoảng đoàn thuyền lại lao vào đàn chim le le, đàn vịt trời, chúng lại vần vũ bay lên ào ào, kêu động không gian đêm vắng. Bầu trời như cao lên, đồng nước như rộng ra, bát ngát trời mây, núi non xanh ngát. Mọi người thấy sung sướng vô cùng, nghĩ rằng đời họ có đêm nay hành quân đi thuyền trên đồng Mèn, đất Cẩm Khê là đẹp nhất. Được làm việc nghĩa, được đi đêm thưởng ngoạn cảnh đẹp đêm trăng, được nhân dân địa phương đưa đón, tiếp tế cho ăn uống no nê. Họ quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè, quên đi việc chuyển quân lên vùng đất miền Thượng du đầy gian nan, nguy hiểm đang chờ ở phía trước.
Thời gian trôi nhanh đã quá nửa đêm, thuyền vẫn lao vun vút. Hình như thuyền đã đến gần bờ sông Thao, nghe thấy tiếng nước lũ ầm ào chảy trên mặt sông. Mấy hôm nay mưa nhiều trên thượng nguồn, nước sông Thao lên to, cho nên nước đồng ứ lại, mức nước dâng cao. Gió thổi mạnh, sóng nước đồng bạc đầu vỗ lách bạch vào mạn thuyền. Lắm lúc thuyền như nghiêng ngả, chồm lên, lao xuống trên những làn sóng lớn. Bỗng người dẫn đường đi trên thuyền đầu kêu to:
- Đã trông thấy đèn trên đình Hội của Áo Lộc rồi anh em ơi!
- Trên bến, có người giơ đèn ra hiệu đón. Tất cả các thuyền đều gắng sức bơi, một lúc sau thuyền đã cập bên. Phó đốc Biêu và một số người lính chờ đón cầm đèn ra tận bến, gần hai trăm con người vào tất cả đình Hội ngồi nghỉ. Những người lính đã được phân công dẫn các đội của đạo Trung quân vào nghỉ tại các nhà dân trong trang Áo Lộc. Người của Chỉ huy Hành dinh, chỉ huy đạo Trung quân và thương binh tạm nghỉ tại đình Cả. Khi quân đến dân trang Áo lộc đã nấu đủ nước uống và nấu cháo thịt gà bồi dưỡng sức quân. Quân quan ngồi ăn xong và cùng nhau đi nằm nghỉ để ngày mai nhận nhiệm vụ mới. Trang Áo Lộc trở lại yên tĩnh như đêm mỗi ngày.
Lúc đó, hơn năm trăm con người của các đạo Tiền quân, Hữu quân, Tả quân và Hậu quân đã vượt qua gò Trò làng Xương Thịnh, đi qua làng Thanh Nga, Sai Nga, Sơn Nga và đang đi đến đường đất Phùng Xá. Chánh tổng Phùng Xá là Trịnh Bá Đanh và dân làng đã ra đón đường. Họ mang ra rất nhiều bánh trưng ra phát cho binh sỹ ăn đường. Binh sỹ của các đạo, các đội hành quân thấm mệt và đói, được nhận bánh chưng ăn, được uống nước, họ cười nói rất vui vẻ. Ông Chánh tổng nói đội nghĩa dũng của tổng có hơn một trăm người chờ theo nghĩa quân về Áo Lộc. Đội nghĩa dũng Phùng Xá do ông Trịnh Bá Khiêm chỉ huy, ăn mặc chỉnh tề, súng giáo gươm được trang bị đẩy đủ, đang đứng tập hợp theo hàng dọc trên đường. Chánh tổng Phung Xá nói với Phó soái Kiều:
- Tổng Phùng Xá xin đóng góp với nghĩa quân chống Pháp 112 tay súng, tay gươm! Xin Phó soái nhận cho! Còn tôi và đội kỵ binh 10 người nữa xin theo sau hầu hạ Chủ soái. Phó soái nói với Chủ soái rằng, dân Phùng Xá và toàn dân Cẩm Khê quyết chiến với quân Pháp, không cho chúng bén mảng đến đất này.
- Xin biểu dương dân làng Phùng Xá, tổng Phùng Xá! Tôi xin thay mặt Chủ soái nhận toàn bộ anh em nghĩa dũng. Nhưng cũng nói để anh em biết trước rằng, cuộc chiến đấu chống Pháp là rất ác liệt. Anh em phải ra sức đánh giặc cứu nước, nếu còn vương vấn nặng nợ việc riêng với cha mẹ, vợ con thì cho phép anh em trở về. Quân quý hồ tinh không quý hồ đa, nếu nhiều mà không tinh nhuệ, tinh thần mà kém thì sẽ thành con số không mà thôi. Anh em nào xét có thể đi được thì tự nguyện bước theo hàng quân đi lên Áo Lộc.
Hơn một trăm con người không ai bỏ đội ngũ. Họ nhắm phía trước theo hàng dọc đều bước, hiên ngang đi vào cuộc chiến. Dòng sông Thao nước lũ cuộn cuộn, chảy ầm ào réo sôi sùng sục như chào mừng đội quân bộ do Phó soái Kiều chỉ huy đang hành quân khẩn cấp trong đêm về Áo Lộc. Chánh tổng Trịnh Bá Đanh và nhân dân Phùng Xá đang đưa đoàn quân nghĩa dũng của mình lên đường trong một không khí tưng bừng, sôi nổi chưa từng thấy. Có ai đó đi trong đoàn quân ca lên:
“ Hành quân đi tám về mười,
Nhân dân Phùng Xá góp người thêm quân.
Dốc lòng đánh giặc cứu dân,
Làm quân Tây sợ liệt chân chết dần.
Ai ơi, chớ có ngại ngần,
Bao giờ hết giặc thì con dân lại về...”.
Mọi người đứng đưa đoàn quân trở về nhà, đi khuất vào những quả đồi ven sông. Có bà mẹ thương con cứ đứng trơ bên đường nhìn con dưới mặt trăng chênh chếch đang ngả dần về phía tây soi sáng mặt đường. Ngoài sông Thao nước chảy ầm ầm, phía đông trời nhiều mây có cơn mưa giông đang kéo về. Bà mẹ ấy thương con, ôm mặt khóc nức nở, chạy về phía con đường mòn vào trong xóm đồi. Người ta không nghe thấy tiếng khóc của người mẹ già mà chỉ nghe thấy tiếng gió thồi ào ào từ ngoài sông Thao, kéo theo một trận mưa rào bất chợt đón nước lũ dâng cao, nhìn ra xa trắng xóa một màn nước. Lúc này nhìn ngược dòng sông Thao thấy dòng sông mênh mang bất tận như đang đổ nước từ trên trời xuống.
Thấy trời có cơn mưa đuổi từ phía sau. Các chiến binh bước mải miết để nhanh về Áo Lộc. Đường cái quan rộng, đêm có nhiều mây mưa nhưng vẫn nhìn rõ, bước đi không vấp váp gì. Phó soái Kiều giục mọi người đi nhanh hơn, quân sỹ được bồi dưỡng bằng bánh chưng Phùng Xá nên sức dẻo dai hơn, bước nhanh hơn nhiều. Vừa đến canh hai thì gặp Phó đốc Biêu và các phó chỉ huy các đạo đứng chờ ngoài đê sông Thao đưa quân về nơi đã được phân công.
Các đạo Hậu quân, Tả quân, Hữu quân đi vào làngThủy Trầm. Phó Đốc Quýnh dẫn anh em đạo Tiền quân vào xóm đi trước, dẫn đường. Đốc Tiến người chỉ huy kiên gan chuyển chỗ đi sau cùng. Đường vào làng Thủy Trầm khó đi, đường trơn như đổ mỡ, nhiều đoạn phải đi thuyền, phải lội, anh em binh sỹ được một mẻ ướt đầm. Đoạn đường từ làng Áo Lộc sang làng Thủy Trầm đi hơn một tiếng mới đến chỗ đóng quân. Chỉ huy Tiền quân vào ở tại đình Thượng, nơi thờ danh tướng Lý Cửa Đường. Một lát sau, đạo Hữu quân do Đốc Nhì dẫn đường đã vào đến đình Hạ, nơi thờ Bà công chúa Nước Ửng Hao Ly. Sau đó chừng 30 phút, đạo Tả quân do Đốc Học và Phó Đốc Hoài chỉ huy đã dẫn anh em lên đình Tăng Xá nơi thờ các bộ tướng từ thời Hùng Vương thứ XVII. Nhân dân làng Thủy Trầm, Tăng Xá làm thêm lán trại bằng tre nứa và lợp bằng lá cọ, nhưng phần lớn binh sỹ rải chiếu nằm tại các đình cho thoáng mát. Đội Hậu quân đông thì ra đình Chợ nơi thờ thần Hổ Lang, bên bờ sông Thao vừa để tiện canh gác bảo vệ toàn quân. Số quân mới nhập người làng Phùng Xá thì vào đình Nghè Đò, nơi thờ Công chúa Ả Diễm Hằng, bà chủ trang Hoa Khê thời xa xưa. Đình Hội nơi đóng Chỉ huy Hành dinh, do Phó soái Khê Ông chỉ đạo. Phó soái Kiều cũng ở đình Hội cùng với Phó soái Khê Ông bàn bạc việc quân chuẩn bị nội dung cho cuộc họp vào ngày mai và đón tiếp những người ở xa đến làm việc trong đêm.
Việc hành quân từ Sơn Bình lên Áo Lộc kết thúc thắng lợi. Những người dân Sơn Bình đưa thuyền chở binh sỹ vẫn còn tạm nghỉ ở đình Hội, chờ trời sáng sẽ trở về làng. Người đi chở binh sỹ thuộc làng Áo Lộc đã đánh thuyền về nhà ngay trong đêm. Mọi người rất vui được tham gia chuyên chở nghĩa quân di chuyển từ Sơn Bình lên Áo Lộc. Họ nhớ mãi người Chủ soái Nguyễn Quang Bích đẹp và hiền như tiên ông và những người lính của nghĩa quân khỏe mạnh, tươi vui và rất anh hùng. Họ nguyện sẽ sẵn sàng tham gia việc phục vụ chiến đấu khi có lệnh truyền đến, dẫu phải chết cũng cam lòng.
Trên đất làng Áo Lộc có một buổi sáng trời mát mẻ, yên tĩnh. Những con chó nhà trong đêm sủa cắn mỏi mồm đang nằm ngủ như chết. Quan quân có một đêm hành quân đáng nhớ nhất trong đời cũng đang ngủ say. Mấy người lính gác thay phiên nhau bồng súng đứng nghiêm, rất tỉnh táo quan sát mọi vật, mọi chuyển động xung quanh. Trong đình Hội, có một người lính biết chữ Nôm đọc to bài ca cổ ghi dưới bức hoành phi có 4 chữ Hán “Thiên Cổ Anh Linh”:
Phụng đọc Nam sử nước nhà,
Vua đời mười bảy hiệu là Hùng Vương.
Nối đời lên ngự ngai vàng,
Đem quân đánh Thục đóng làng Hoa Khê.
Đã lâu khuất bóng thư đề,
Vẫn còn phảng phất bóng về anh linh.
Dân nay tụng bái lòng thàn,
Ơn nhờ đại đức phong hanh đời đời.
Trong nhà Chánh Áo, Chủ soái Nguyễn Quang Bích đã ngủ dậy. Ông đi ra sân hít thở không khí mát lành. Múi hoa dạ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ góc vườn. Những bông hoa nhài, hoa ngâu tỏa mùi hương thơm dìu dịu. Mấy cây hoa phù dung đổi màu từ trắng sang đỏ, từ đỏ sang tím lay nhè nhẹ trong gió. Mấy chùm hoa anh đào mầu hồng rung rinh trên bức tường nhà. Đàn cá chép trong cái ao hình bán nguyệt trước nhà đang đùa rỡn nhau, nhảy lên tung sóng. Trước mặt đầm sen rộng mênh mông đang mùa hoa rực rỡ. Xa về phía bắc là đất ruộng chằm lầy lội, dười chân những dãy đồi sồi lúp xúp chạy ra phía sông Thao. Phía tây và phía tây bắc là những dãy đồi núi cao bao bọc, chắn che. Các dòng nước từ trong châu Yên Lập đổ vào con ngòi Rành chảy ra sông Thao, nguồn nước ngọt dồi dào, cá tôm nhiều vô kể. Ông chợt nhớ câu phương ngôn của vùng đất Cẩm Khê mà ai đó đã nói cho ông nghe: “Cá đồng Meo, beo Khổng Tước, nước ngòi Rành(1)”. Đồng Meo mấy hôm trước ông đã theo tướng Kiều đi thuyền qua, ông chưa qua đồi rừng Khổng Tước, nhưng đã nhìn thấy khi Chánh Áo đưa tay chỉ về dãy đồi núi phía tây, lúc đi trên đầm Mèn. Ông sẽ đi qua ngòi Rành vào sáng nay để sang Tiên Động xem xét các vị trí đóng quân phòng thủ. Nghe mọi người giới thiệu con ngòi Rành này sẽ như một phòng tuyến tự nhiên bảo vệ lấy khu căn cứ Tiên Động mà nghĩa quân sẽ phải chốt giữ lâu dài.
Chú thích:
(1). Ngòi Rành có nhiều sách báo viết Dành, Giành, tác giả viết Rành theo cách viết của Tập bản đồ hành chính Việt Nam, NXB Bản đồ, Hà Nội, tháng 8 / 2004.