Khi mặt trời vừa nhô lên ở phía sông Thao, Chánh Áo dậy cho người chuẩn bị cơm ăn cho Chủ soái. Ăn cơm sáng xong, Chánh Áo cùng với Chủ soái ra đình Hội họp các quan binh. Các ông phó soái, đốc binh đã đến đông đủ. Phó soái Hoan và Phó soái Kiều báo cáo kết quả việc chuyển quân đêm qua. Các cánh quân thủy bộ hành quân đúng giờ, an toàn, giữ được bí mật. Phó soái Kiều báo cáo việc thay mặt Chủ soái tiếp nhận 112 nghĩa dũng tổng Phùng Xá nhập vào nghĩa quân, hiện nay số quân đó đang ở trong đình Nghè Đò, đã cử ông Trịnh Bá Khiêm chỉ huy. Phó soái Khê Ông báo cáo cho Chủ soái biết tình hình Tiên Động, nơi có địa thế thuận lợi, có thể làm căn cứ chống Pháp lâu dài, nhân dân cần cù, hướng thiện ủng hộ nghĩa quân. Phó soái Khê Ông cũng báo cáo sơ qua các vị trí đóng quân, yêu cầu Chủ soái cho chỉ huy các đạo quân đi thực địa để về bàn bạc thấu đáo.
Chủ soái có nhận xét, đánh giá chung:
- Như vậy, cuộc chuyển quân bằng hai đường thủy bộ đã kết thúc thắng lợi. Nhân dân Cẩm khê có truyền thống đánh giặc cứu nước từ thời Hùng Vương và các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê. Truyền thống ấy vẫn giữ được bền bỉ cho đến hôm nay. Các tổng Điêu Lương, Chương xá, Phú Khê, Sơn Nga, Phùng Xá, Áo Lộc và nhiều làng trong huyện, khi nghe thấy tiếng súng chống xâm lăng đã sốt sắng tham gia các đội nghĩa dũng, sẵn sàng gia nhập nghĩa quân. Tính từ hôm cuộc chiến bảo vệ thành Hưng Hóa sắp xảy ra, đến ngày hôm nay đã có hơn 600 người tham gia, bổ sung vào quân lực của ta. Nhân dân Cẩm Khê còn giúp đỡ nghĩa quân rất nhiều về quân lương, trang bị, các phương tiện vận chuyển. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của nhân dân Cẩm Khê, mong rằng anh em binh sỹ cố gắng đánh giặc, giữ gìn phẩm hạnh để nhân dân tiếp tục ủng hộ chúng ta. Bây giờ tôi cùng các vị trong Chỉ huy Hành dinh và chỉ huy các đạo quân sang đất Tiên Động, Hoàng Lương (1) nghiên cứu cụ thể thực địa để xây dựng căn cứ.
Chú thích:
(1). Nay là xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Để đưa đoàn sang làng Tiên Động, làng Hoàng Lương, Chánh Áo cho bốn chiếc thuyền lớn chuyên chở đoàn. Sông Thao đang mùa lũ lớn, nước ngòi Rành lên cao, các cánh đồng làng ngập nước, thuyền bơi từ đình Hội của làng Áo Lộc sang đình Cả làng Tiên Động. Đình làng Tiên Động làm trên một quả gò cao, người dân thường gọi là gò Đình. Các ông hào lý của làng đã tập trung đầy đủ đón tiếp đoàn. Lý trưởng Nguyễn Gia Hè, người nhỏ nhắn nhưng chắc khỏe. Phó lý Trần Danh Vĩ, người trông vạn vỡ trông như ông quan võ, Tiên chỉ Nguyễn Bá Tín dáng người thanh cao như một ông đồ và mọi người đi đón đều khỏe mạnh, tươi vui. Khi các quan binh đến các ông hào lý xuống tận cổng đình phấn khởi đón khách phương xa tới.
Chủ soái bắt tay từng người thân mật như người nhà. Lý trưởng Hè dẫn đoàn lên đứng ở giữa sân đình chỉ tay về phía trước nói:
- Đây là trung tâm của làng Tiên Động, phía trước mặt là sông Thao, nhưng phần đất cận bờ sông Thao là đất làng Minh Côi và Tăng Xá. Phần đất làng của chúng tôi, trước mặt đang ngập nước rộng mênh mông. Đó là đất đồng Mo, đồng Chằm, đồng Đình chìm sâu trong nước. Dưới là con ngòi Rành uốn vòng cung từ núi phía tây chảy ra sông Thao. Từ tháng tư, tháng năm đến tháng chín, tháng mười nước ngập như thế này cả. Người dân đi lại bằng thuyền, tương đối vất vả. Về bên tả là các đồi Trò, gò Cao, gò Cây Mít, gò Múc, gò Mai. Dưới kia là đầm Đào, nước sông Thao chảy vào nhuộm đỏ tươi, trên là thôn Mỹ Lương nổi lên như một cái bè khổng lồ. Bên kia đầm Đào là dãy đồi Dọc hướng ra bờ sông Thao, hướng vào là đồi Cỏ Rác. Về bên hữu cũng có dãy đồi chạy ra sông, từ phần đất của làng Hoàng Lương đến phần đất của làng Ngô Xá, Áo Lộc, Tăng Xá. Đứng tại nơi đình này mà ngắm thì thấy phong cảnh đẹp tuyệt vời, mới phục các cụ ta xưa có con mắt thật tinh đời. Đằng sau đình là các đồi gò và những đồng dộc xen kẽ. Đi sâu vào nữa là dãy núi Lưỡi Hái còn gọi là núi Cháy. Chuyện kể rằng xa xưa có một con trâu vàng chạy từ phương bắc về. Đêm đó có một quả cầu lửa từ đâu xuất hiện làm trâu vàng sợ chạy vào rừng sâu. Trâu vàng chạy đến đâu thì rừng cháy đến đó, cháy mấy tháng liền trụi thùi lụi hết, bây giờ rừng lại mọc xanh tươi. Trên đó có rất nhiều gỗ quý và tre nứa, có nhiều thú rừng như lợn, hổ báo, voi, tê giác và trâu bò rừng. Có nhiều con trâu to lông vàng có thể là giống trâu vàng từ phương bắc chạy về, bây giờ còn đó. Nhìn về phía tây có đồi Hố Gia, dưới chân đồi có một con đường độc đạo sang làng Sơn Lương, đi châu Yên Lập và lên miền Thượng du Tây Bắc. Về giao thông từ làng Tiên Động đi theo ngòi Rành ra sông Thao ngược lên Trấn Yên, Bảo Thắng và xuôi về Hạc Trì, Sơn Tây, thành Hà Nội. Theo bờ đê hai bên bờ sông Thao có thề đi đến nhiều vùng của tỉnh Hưng Hóa và các miền đồng bằng châu thổ sông Hồng.
- Dân làng ta ở đây có bao nhiêu hộ, bao nhiêu người? - Chủ soái hỏi Lý trưởng Hè.
- Dạ, xin thưa! Dân làng chúng tôi có 120 hộ, có khoảng hơn 500 người ở rải rác trên các đồi gò. Trước đấy làng còn người dân tộc thiểu số Tày, Mường, Thái ở nay chỉ còn người Kinh. Nhân dân làm nghề nông, làm ruộng cấy lúa chiêm và lúa mười, khai thác lâm thổ sản và làm nghề đánh cá.
Chủ soái lắng nghe và hỏi tiếp:
- Có bao giờ người dân bị đói không?
- Có đấy! Hàng năm dân thiếu ăn một hai tháng. Khắc phục bằng cách vào rừng sâu khai thác lâm thổ sản và đánh cá bán lấy tiền mua gạo.
- Bản thân ông và gia đình có bao giờ đứt bữa không? - Chủ soái hỏi - Mọi người cười ồ. Lý trưởng Hè cũng cười và thành thật trả lời:
- Thưa Chủ soái và các quan chỉ huy, nhà lý trưởng không bao giờ thiếu ăn. Năm nay vẫn thừa khoảng một tấn thóc, quan quân về đây xin hiến cả để binh sỹ ăn no đánh giặc.
- Tốt qua! Tốt quá! - Chủ soái khen Lý trưởng Hè và nói tiếp:
- Đấy, các ông chỉ huy nghe thấy chưa? Các vị hào lý các làng của đất Cẩm Khê đang ủng hộ chúng ta rất nhiều. Nhà giầu ở đất này khá lắm! Chúng ta phải dựa vào các hào lý và nhà giầu để có sức mà kháng chiến. Không bao giờ được quên ơn dân, có dân là có tất cả! Sức quân ta là sức dân góp lại, phải quý trọng sức dân, của dân, tài dân không được quên!
Mọi người nhớ lời Chủ soái căn dặn và đi lại ngắm cảnh Tiên Động. Họ quan sát kỹ nhìn, hình sông thế núi, thế đồng, đầm, gò, để đưa ra ý kiến bàn bạc tạo dựng khu căn cứ đánh Pháp, chọn những vị trí đóng quân cho các đạo, các đội chốt giữ. Hình dung thế trận bên ta có được lợi thế nào cho việc phòng thủ, tiến công trong các trận đánh Pháp sẽ diễn ra.
Chủ soái nói xong cũng đi đi lại lại ngắm hình sông, thế núi. Thấy vùng đất Tiên Động và các làng lân cận rộng đến hơn trăm dặm vuông nếu tính cả đất núi, đồi, đầm, đồng, ngòi, khe suối. Theo phong thủy đất này là đại cát, phía sau dựa thế triều sơn, át sơn, bên tả có thanh long, bên hữu có bạch hổ, trước mặt đại minh đường thủy tụ. Mặt sau thế dựa núi đồi lại có đường thoát hiểm, khi làm doanh trại cứ theo hướng đông nam này là được.
Phó soái Khê Ông đi nghiên cứu trước, trình bày cho Chủ soái, các vị chỉ huy và các vị hào lý cùng nghe các vị trí phòng thủ và tiến công. Dự kiến khả năng địch sẽ tiến công căn cứ từ sông Thao vào làng. Từ hướng đông nam và đông bắc sẽ là hướng, địch sẽ dùng pháo bắn phá căn cứ và cho quân bộ tiến công vào các cao điểm bên hữu và bên tả Tiên Động. Cũng có thể địch cho quân đánh tạt sườn từ phía nam và phía bắc đến trung tâm căn cứ. Phía tây bắc có dãy đồi cao và núi Lưỡi Hái bao bọc, rất ít khả năng địch có thể vượt qua, tiến công. Nhưng ta cũng phải cho đội quân lên ở núi quan sát, chế ngự. Trên núi có giếng tiên tắm và nguồn khe có thể cho quân lính chiếm giữ suốt năm không lo thiếu nước.
Phó soái Khê Ông phân công cụ thể như sau:
- Đạo tiền quân do Đốc Tiến và Phó Đốc Đỗ Quýnh chỉ huy chiếm giữ thôn Mỹ Lương, gò Hàm Rồng xây dựng chiến lũy vững chắc bên bờ ngòi Rành không cho địch đánh vỗ mặt vào căn cứ. Đó là nhiệm vụ khó khăn khi chiến sự xảy ra. Đạo Tả quân do Đốc Học và Phó Đốc Lê Hoài chỉ huy chiếm giữ các quả đồi bên tả từ đồi Cỏ Rác tới dãy gò Dọc bờ sông Thao, chế ngự địch không cho chúng đánh từ phía bắc vào căn cứ. Đạo Tả quân do Đốc Nhì và Phó Đốc Trần Tuế chỉ huy trấn giữ các dãy đồi phía nam và chốt giữ các vị trí từ làng Hoàng Lương đến làng Ngô Xá, Tăng Xá, kết hợp với đội quân nghĩa dũng của Chánh Áo giữ vững mặt đông nam căn cứ. Đây là hướng mà địch sẽ đánh mạnh, vì chúng sẽ theo sông Thao lên vận động đánh chiếm căn cứ. Đạo Trung quân của Phó soái Hoan và Phó Đốc Hà Đức chỉ huy thì chiếm giữ đồi Cây Mít, gò Trò, gò Cao, gò Múc, gò Mai trong Tiên Động, làm trung tâm căn cứ, bảo vệ Đại Bản doanh, bảo vệ cơ quan chỉ huy đầu não. Đội Hậu quân do Phó soái Kiều và Phó đốc Biêu chỉ huy sẽ trấn giữ các vị trí mặt sau, trên phía núi Lưỡi Hái, cứ điểm Hố Gia và con đường độc đạo vào Sơn Lương châu Yên Lập, vận tải vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân, chuyển thương binh về tuyến sau. Quân lực chủ yếu của ta sẽ tập trung cho đạo Tiền quân, Hữu quân và Tả quân. Số quân nghĩa dũng của Phùng Xá, Sơn Nga và của các nơi sẽ bổ sung cho các đạo quân trên. Bây giờ ta đến đây xây dựng căn cứ cần phải triển khai canh giữ, xây dựng các hệ thống đồn phòng thủ, xây dựng hầm hào tránh đạn pháo, đề tác chiến. Ta vừa triển khai làm, vừa rút kinh nghiệm, có khó khăn hoặc đề xuất gì mới báo cao lên Chủ soái và các vị Chỉ huy Hành dinh.
Khi Phó soái Khê Ông báo cáo xong, Chủ soái có ý kiến tiếp theo:
- Các vị chỉ huy nhìn thấy hình sông thế núi rồi, để mà tiếp tục đi thực địa nơi mình được phân công trấn giữ. Ngày mai các vị chỉ huy các đạo, các đội sẽ tổ chức đi tiếp nghiên cứu cụ thể, tỷ mỷ, lập phương án tác chiến, báo cáo lên Chỉ huy Hành dinh. Bây giờ chúng ta cùng đi vào trung tâm Tiên Động nghiên cứu cụ thể địa hình. Các vị nhớ cho chọn nơi làm Đại Bản doanh, đồn binh, doanh trại, nên theo hướng đình này nhé. Đây là hướng tốt nhất đấy, không mấy nơi có được hướng tốt này đâu.
Chủ soái nói xong, quay lại chào tạm biệt các vị hào lý và yêu cầu Lý trưởng Hè cùng đi sâu vào làng Tiên Động. Cả đoàn lại xuống thuyền đi vào gò Hàm Rồng, gò Mai, gò Múc, gò Cây Si và đi bộ lên những quả đồi cao, ngắm thế đất làm doanh trại cho đạo Trung quân, làm khu Đại Bản doanh, chọn đồi Cây Mít làm Đại Đồn.
Đi lên một quả đồi cao, dựa lưng vào núi Lưỡi Hái có ba mỏm, đứng ở mỏm giữa có thể nhìn rõ các vị trí đóng quân trong căn cứ. Phó soái Khê Ông dự kiến xây đại bản doanh ở đây, nơi ở của Chủ soái. Bên hữu là đồi Hố Gia án ngữ con đường độc đạo vào châu Yên Lập, là một điểm cao khống chế quân địch sẽ bố trí cho chỉ huy đạo Hậu quân đóng. Mỏm đồi bên tả xây dựng một đồn binh cho đạo Trung quân trực tiếp bảo vệ đại bản doanh và chỉ huy đầu não. Đạo trung quân cho xây dựng các đồn binh trên các gò Cây Mít, gò Cây Sy, gò Múc, gò Mai bảo vệ vòng trong cho đại bản doanh. Đồng thời là chỗ xuất phát đi ứng cứu các nơi, tăng cường binh lực cho các đạo quân khác khi cần thiết. Việc vận chuyển thường xuyên bằng thuyền theo đường thủy trên ngòi Rành và qua các đầm.
Phó soái Kiều và Phó Đốc Biêu muốn sang mỏm Hố Gia và đi sang Sơn Lương, châu Yên Lập nghiên cứu thêm địa hình. Nhưng Chủ soái bảo về, ngày mai dẫn chỉ huy các đội cùng đi, cùng bàn bạc cho thấu đáo. Chủ soái muốn đi thăm nhà Lý trưởng Hè và một số nhà dân trong thôn Tiên Động. Đoán trước được quan quân sẽ đến thăm nhà, Lý trưởng Hè đã cho người chuẩn bị cơm rượu từ sáng sớm để mời quan quân đến ăn trưa. Khi đến nhà, Chủ soái mới được biết Lý trưởng Hè đã chuẩn bị cơm nước rồi để mời quan quân ăn cơm tại nhà. Chủ soái vẻ không bằng lòng, nói với Lý trưởng Hè:
- Ta đi đến đâu cũng phiền hà dân thế này thật là không phải. Nếu được biết trước thì ta không cho phép, nay đến nhà thấy người nhà đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ, lẽ nào ta từ chối. Thôi, ông cho quan quân ta ăn cơm ngay để còn đi thăm một số nhà dân. Bây giờ đang giữa trưa, ăn xong đi thăm dân làng, nên cấm không được cho ai uống rượu. Đến nhà dân mà thấy quan quân mặt đỏ phừng phừng, bốc mùi men rượu thì người dân ta sợ, sẽ chê ta không biết dạy bảo quân sỹ.
Lý trưởng Hè vâng dạ và sai người xếp cỗ trên các chiếu phản ngựa. Quan quân cùng ngồi ăn, trật tự, im lặng. Cỗ xếp nhiều đĩa thịt cá, nhiều đĩa thức ăn ngon, nhưng không được phép uống rượu, nên quan quân không ai nói lời nào, ngồi ăn thư thả như ăn bữa cơm thường. Chủ soái ngồi ăn cơm bên bà mẹ Lý trưởng Hè tên là Chăm, năm nay tròn 90 tuổi. Bà mẹ chắt rượu đứng dậy mời Chủ soái và quan quân mỗi người một ly rượu nhỏ. Các quan quân cầm ly rượu nhìn Chủ soái không ai dám uống, chủ soái nhìn quan quân bật cười, nói:
- Thôi, mẹ Chăm đã mời thì tất cả các con được phép uống! Mẹ Chăm chỉ cho phép uống một ly thôi nhé! Việc nước đang khẩn trương, quân lệnh phải nghiêm, mới chiến thắng quân thù, mẹ ạ!
Tất cả mọi người cùng nâng chén, đồng thanh hô:
- Chúc mẹ Chăm mạnh khỏe! Mạnh khỏe!Mạnh khỏe!
- Chúc Chủ soái mạnh khỏe! Mạnh Khỏe! Mạnh khỏe!
Bà mẹ Chăm tuy già như giọng nói còn thanh chúc lại quan quân khỏe, đánh thắng giặc Pháp hung tàn. Đúng như câu tục ngữ dân gian thường nói: “Nhân vô tửu như cờ vô phong”. Quan quân không có hơi men thì ửu sìu sìu, có hơi men trông khí thế quá, không khí gia đình Lý trưởng Hè nhờ có rượu thêm đầm ấm, vui tươi.
Ăn cơm xong, Lý trưởng Hè dẫn Chủ soái đi thăm các nhà dân. Nghe tin Chủ soái đến mọi người đều ở nhà. Vào nhà nào Chủ soái cũng được người dân niềm nở đón tiếp. Ở đây nhà nào cũng đông con, nhiều cháu. Cuộc sống còn rất vất vả, thiếu thốn nhưng rất vui vẻ, hạnh phúc. Chủ soái thông báo cho mọi người biết, quan quân sẽ về đây lập căn cứ chống giặc Pháp. Đồng bào sẽ phải chịu gian khổ, cùng quan quân đánh giặc. Chủ soái chân thành, từ tâm hỏi người dân:
- Nơi đây thành bãi chiến trường sẽ dẫn đến cảnh nhà tan, cửa nát, người chết, xem mọi người có thể chịu đựng được không?
Khi nghe Chủ soái hỏi, anh nông dân Trần Danh Vĩ trả lời:
- Chúng con đã xác định, nay giặc đến nhà thì đàn bà cũng phải đánh, huống hồ chung con là trang nam nhi sức dài vai rộng. Giặc đốt phá, nhà tan cửa nát thì chúng con đẵn gỗ, lấy lá cọ làm lại. Người ta không chết hết, còn người, người lại sinh ra chẳng lo gì cả. Nước Nam tứ bề là giặc giã nên con người sinh ra là phải biết đánh giặc. Nay Chủ soái và quan quân về đây, dựa vào đất làng con sống mái với quân thù, thì lẽ nào người dân lại đứng trông. Nên bản thân con, vợ con, các cháu và toàn thể dân làng đều quyết đánh. Chủ soái và các vị quan quân cứ tin tưởng vào dân Tiên Động và Hoàng Lương. Quân dân trông dựa vào nhau sẽ làm nên chiến thắng!
Mọi người đứng nghe anh Vĩ nói, ai cũng khen hay, khen phải. Chủ soái nghe người dân nói, nét mặt rạng rỡ, miệng cười tươi, ông nói:
- Tinh thần của dân làng Tiên Động và Hoàng Lương ta rất tốt, kiên quyết đánh giặc Pháp, chấp nhận hy sinh. Các vị chỉ huy nghe dân nói đấy, họ rất giác ngộ, tự nguyện, nên ta phải hết lòng bảo vệ dân, hạn chế sự hy sinh, mất mát ở mức thấp nhất. Người già, phụ nữ và trẻ em, ta phải có kế hoạch sơ tán, Chỉ huy Hành dinh phải chú ý điểm này, không được sơ suất. Tính mạng con người, binh sỹ phải cố bảo toàn, các vị chỉ huy phải có trách nhiệm giữ gìn, không để hy sinh vô ích. Nhiều binh sỹ còn có máu anh hùng rơm, coi ta là anh hùng, liều mạng thì không nên. Đánh địch phải biết giữ gìn lực lượng là khâu quan trọng nhất hiện nay. Chúng ta đã trải qua trận chiến đánh Pháp ở thành Hưng Hóa, ở Tứ Mỹ, biết địch mạnh về lực lượng, về vũ khí. Mai đây, chúng ta vừa xây dựng căn cứ, vừa tỏa đi đánh địch ở các nơi, rút kinh nghiệm để mà chủ động đánh lớn, bảo vệ vững chắc khu căn cứ.
Thăm các nhà dân xong, mọi người lại đi thuyền về làng Hoàng Lương, Ngô Xá, Tăng Xá. Thuyền chở Chủ soái, Phó soái Khê ông và Chánh Áo lại về trang Áo Lộc. Chánh Áo xếp Chỉ huy Hành dinh ở tại khu nhà riêng khang trang, cho người nhà xuống ở tạm bên trang trại cách nhà chính hơn 300 m. Một số binh sỹ của Chỉ huy Hành dinh canh gác, phục vụ hậu cần vào ở tại dãy nhà ngang của vợ con Chánh Áo. Cũng như nhà của Lý trưởng Đặng Bàng ở Sơn Bình, nhà của Chánh Áo ở Áo Lộc trở thành nhà Chỉ huy Hành dinh. Đình Hội trở thành trạm tiếp đón các quan khách từ nơi xa đến luận bàn việc nước.
Buổi chiều tà, Chánh tổng Trịnh Bá Đanh dẫn 10 chiến binh thân cận của mình đến nhập nghĩa quân. Tất cả đều đi ngựa, trông rất oai nghiêm. Chủ soái và các vị Chỉ huy Hành dinh rất phấn khởi, đón tiếp nông hậu. Chủ soái phong Trịnh Bá Đanh làm Tán tương quân vụ, làm việc tại Chỉ huy Hành dinh, 10 binh sỹ được chuyển về đình Nghè Đò, dưới sự chỉ huy của Trịnh Bá Khiêm. Số quân này sẽ chuyển vào đội Tiền quân của Đốc Tiến và Trịnh Bá Khiêm được phong chức phó đốc binh, cùng Đốc Tiến và Phó đốc Đỗ Quýnh, chỉ huy các đội giữ vững tuyến phòng thủ Mỹ Lương - Ngòi Rành. Đến nhập quân, Chánh tổng Trịnh Bá Đanh có mang nhiều đồ ăn cho nghĩa quân bao gồm thịt lợn, thịt bò, trứng vịt, rau xanh, trái cây tươi. Chủ soái sai chia đều và cho người mang xuống các đạo, các đội cùng ăn mừng ngày gia nhập nghĩa quân của quân nghĩa dũng làng Phùng Xá.
Ngày hôm sau, các đạo, các đội đi nghiên cứu địa hình, buổi chiều đưa một lực lượng lớn quân của các đạo, các đội đi làm trận địa. Chánh Áo cử đội nghĩa dũng của mình dùng thuyền chuyên chở người và công cụ. Thuyền của Áo Lộc không đủ, Lý trưởng Hè làng Tiên Động và Lý Cát làng Hoàng Lương cử các nghĩa dũng của mình đem thuyền đi đưa đón nghĩa quân. Ngòi Rành, các đầm, các đồng về mùa nước lên, thuyền đi lại rất dễ dàng, nhanh chóng. Các binh sỹ mang theo súng, cuốc thuổng, cưa, đục, dao làm nhà. Cuộc chuyển quân lần này, phải thực hiện lao động làm căn cứ phòng thủ rất vất vả. Nhưng không ai kêu ca gì, tất cả chỉ huy, binh sỹ vừa làm vừa ca hát vui như Tết. Vất vả nhất là đi đốn gỗ, lấy tre nứa, lá cọ lợp nhà. Nguyên liệu nào thiếu thì được chuyển từ các làng khác tới, có những đoàn thuyền chở lá cọ từ làng Xương Thịnh, Thanh Nga, Yên Tập lên. Chỉ huy Hành dinh cử thêm đội nghĩa dũng các làng đến tham gia xây dựng căn cứ.
Chủ soái dành thời gian đi thăm, tới từng vị trí đóng quân, căn dặn binh sỹ làm hầm tránh pháo, dự đoán những tình huống có thể xảy ra trong tác chiến để làm chiến hào phòng ngự. Có những cách bố trí trận địa chưa sát hợp, Chủ soái cho người kiểm tra, thấy còn sơ hở thì yêu cầu binh sỹ làm lại cho thật đạt theo ý mình.
Trong khi tập trung xây dựng căn cứ Tiên Động, nghĩa quân vẫn tổ chức các đội quân đi bám địch. Ở các khu vực, các vùng xung quanh thành Hưng Hóa, nghĩa quân đã tập kích đồn Gia Dụ ở tổng Hiền Quan; chặn địch ở Dốc Giát thuộc làng Tứ Mỹ; diệt địch ở làng Phú Thọ thuộc huyện Sơn Vy. Các đơn vị hoạt động độc lập đã tổ chức tiến công địch khi chúng đi càn quét. Đội quân của Tạ Duy Sơn hoạt động ở vùng Rừng Già hạ huyện Cẩm khê đã phối hợp với quân nghĩa dũng làng Cát Trù tiến công một đại đội pháo địch ở khu vực cầu Gỗ diệt 20 tên địch, thu được nhiều súng đạn. Đặc biệt thu được một khẩu pháo 90 ly rất mới và một trăm viên đạn. Khi lính địch bị quân ta tiến công, chúng hốt hoảng kéo nhau chạy về làng Tứ Mỹ. Trên đường đê, quân nghĩa dũng cho rải bùn trơn, làm lật nhào xe pháo của giặc xuống thùng chấu chân đê. Bọn lính pháo cuống cuồng bỏ chạy thoát thân, bỏ lại một khẩu pháo nằm chỏng trơ dưới nước.
Khẩu pháo được quân lính tập trung kéo lên, Đốc Sơn liền cho trâu và lính kéo lên Tiên Động giao cho nghĩa quân. Khẩu pháo được đưa vào trang Áo Lộc, quan quân ai cũng đến xem cỗ pháo, thấy lạ, nhưng chưa ai biết tính năng tác dụng của pháo. Chủ soái Nguyễn Quang Bích đến tận nơi xem, rất mừng và nghĩ đến việc cử người sử dụng. Một đội pháo thủ gồm 20 người được thành lập, do Đội trưởng Lê Văn Tấn chỉ huy bao gồm những người đã sử dụng súng thần công bảo vệ thành Hưng Hóa. Khẩu pháo được chuyển lên cứ điểm Mỹ Lương và tìm cách bắn. Rất mừng là Đội Tấn rất sáng ý đã tìm ra cách nạp đạn, giật cò và đề nghị cho bắn thử. Chủ soái bảo phải giữ bí mật, khi nào bị tiến công sẽ bắn và sử dụng đánh địch luôn. Chủ soái yêu cầu binh sỹ phải ngụy trang, không cho địch biết là pháo đang để ở đâu, nghĩa quân biết bắn hay chưa.
Việc chuyển pháo qua ngòi Rành vào làng Tiên Động bằng bè nứa. Sau đó quân sỹ làm đường chuyển pháo lên thôn Mỹ Lương. Bằng sức trâu kéo và sức người kéo tay. Ngày quân lính kéo pháo lên thôn Mỹ Lương náo động tiếng reo hò. Khẩu pháo không nặng lắm, vì nó có hai bánh xe, nên việc chuyển pháo lên trận địa khá dễ dàng. Mọi người tin tưởng, căn cứ Tiên Động đã có pháo yểm hộ sẽ được giữ vững, bọn Pháp sẽ bị đánh tơi bời. Tin Tiên Động có pháo cướp được của địch làm nức lòng binh sỹ. Bọn Pháp cho quân do thám thấy quân lực của nghĩa quân càng tăng, quan quân của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích thành một lực lượng mạnh, đáng gờm nhất Bắc Kỳ.
Vào đúng ngày quân ta kéo pháo vào thôn Mỹ Lương. Đội quân nghĩa dũng của anh em Chánh Vị kéo lên căn cứ. Một trăm hai mươi hai con người đi thuyền lên Tiên Động, Đội Lương được cử về Sơn Nga đón đưa đường. Đoàn quân nghĩa dũng kéo lên đi về vị trí đình Cả, Tiên Động chờ Chủ soái đến tiếp. Hôm đó Chủ soái đang có mặt tại Tiên Động nên đích thân ra đón. Khi Chủ soái xuất hiện đi lên đình, tất cả binh sỹ tổng Sơn Nga được tập hợp ngay ngắn chỉnh tề. Chủ soái vui mừng nói:
- Rất vui mừng được gặp lại đông đủ anh em! Việc quân hiện nay rất gấp, chúng ta phải mau chóng xây dựng căn cứ Tiên Động. Công việc trước mắt là lao động nặng nhọc, anh em ta vốn nhà nông chẳng ngại ngần gì. Cố gắng luyện tập quân sự và tham gia lao động tích cực nhé. Về phiên chế thì Chánh tổng Nguyễn Văn Vị đến Chỉ huy Hành dinh giữ chức Tán tương quân vụ. Ông Nguyễn Văn Lệ sẽ giữ chức phó đốc binh. Các chức đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, tổ phó, ở quê ông Vị phiên chế thế nào thì giữ nguyên như cũ. Số quân này, ông Vị, ông Lệ chia ra làm hai, một nửa sẽ bổ sung cho đạo Tả quân của Đốc Học chỉ huy đóng từ đồi Cỏ Rác ra gò Dọc. Ông Lệ sẽ dẫn quân qua đầm Đào sang đất Minh Côi nhập vào đạo Tả quân. Một nửa quân, do chính Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị chỉ dẫn sẽ cùng tôi sang làng Ngô Xá bàn giao cho đạo Hữu quân do Đốc Nhì chỉ huy.
Ông Vị cho tập họp thành bốn hàng dọc, theo phiên chế các đội ở nhà. Đội hình nhanh chóng chuyển sang hai hàng dọc. Hàng dọc thứ nhất gồm 61 con người theo ông Lệ nhanh chóng xuống thuyền sang làng Minh Côi, chuyển về đạo Tả quân. Hàng dọc quân thứ hai với số quân như hành dọc trước, theo Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị được chính Chủ soái dẫn sang làng Tăng Xá bổ sung cho đạo Hữu quân.
Ngồi trên thuyền, miên man gió thổi mát rượi. Sóng vỗ vào mạn thuyền róc rách. Chủ soái ngồi bên tân Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị hỏi nhỏ:
- Nghe nói Tán Vị thường hay đọc binh pháp, khi đến Tiên Động ông Vị thấy thế nào? Bố trí lực lượng của ta có đúng kiểu cách không, nên phân tán hay nên tập trung?
- Con chưa quan sát kỹ đâu, nhưng con suy nghĩ thế nào thì con nói. Vị trí Tiên Động là tốt với một lực lượng quân khoảng năm nghìn đến một vạn người. Nhưng quân ta bây giờ còn mỏng quá, chỉ độ hơn ngàn người, dẫn đến yếu về xung lực. Dù che chắn thế nào cũng sẽ bị hở sườn. Mà bị hở sườn thì sẽ bị quân địch đánh thốc vào trung tâm. Tướng sỹ sẽ lúng túng chống cự, có khi buộc phải rút lui. Chúng ta cần phải có phương án tìm căn cứ phòng thủ dự phòng. Hiện nay, quân lực ta nhỏ, vũ khí thì thô sơ, khó đánh lại quân Pháp có quân cơ động nhanh với lực lượng hàng nghìn người, vũ khí của chúng gồm đại bác bắn xa hàng nghìn thước tây. Vậy chúng ta cũng cần phải có quân cơ động để chế ngự, hạn chế sức tiến công của giặc. Trong một thế trận thì nên“ Chế ngự người không để cho người chế ngự mình”.
Chủ soái nhìn Tán Vị nói lời khen và hỏi tiếp:
- Tán Vị bàn hay lắm, ta cũng nghĩ thế, nhưng với thực tế quân lực của ta hiện nay, thế và lực có hạn cần phải làm thế nào bây giờ?
- Cần phải có đội quân trinh thám, tuyển chọn những người có tri thức, thật trung thành cho đi hoạt động độc lập, nắm bắt được tình hình địch ở trong nước và ngoài nước, tầm xa phải từ ở bên nước địch. Lập một mạng lưới liên lạc nắm, truyền tin tức về trung tâm Chỉ huy hành dinh khi cơ động, về đại bản doanh khi đóng quân tại chỗ. Binh pháp dạy“ Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, có biết địch, biết ta mới có thể đánh thắng giặc.
- Đúng là ta hiện nay chưa biết địch, biết ta. Nhất là chưa biết trước được tình hình địch như thế nào, cứ chống đỡ bị động mãi chắc chắn sẽ dẫn đến lúc nguy.
- Theo con thì nên xây dựng ngay lực lượng cơ động, ban đầu là nhỏ một vài trăm người. Sau đó là một, hay nhiều vạn người, nghĩa quân Lam Sơn trước đây cũng đã làm như vậy mới thu lại Đông Đô và toàn bộ đất nước. Bây giờ ta nên xây dựng các lực lượng vòng ngoài, bên ở Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Ba, Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng và các tỉnh, các phủ hạt lân cận như Tuyên Quang, Sơn Tây, Văn Chấn, Trấn Yên, Sơn La, Lai Châu và các tỉnh đồng bằng, xung quanh thành Hà Nội. Mặt khác, quan quân ta cũng phải biết giữ bí mật, vì“ Khéo che đậy không khi nào không thắng, vụng che đậy không khi nào không thua”.
Chủ soái chăm chú lắng nghe, gật đầu và khen:
- Con thật xứng đáng là con cháu Hàn lâm viện Tiến sỹ Hoàng Quốc Trân. Bây giờ ta chọn con làm mưu sỹ cho ta, mà con có bằng cấp, học vấn gì không nhỉ?
- Từ nhỏ, con được chú con Nguyễn Viết Sơn dạy chữ Hán, chữ Nôm, sau này con lớn thì con tự học, đọc binh pháp và nghiền ngẫm thôi. Con không có bằng cấp gì, chỉ võ vẽ biết chút ít qua sách vở. Nên con sợ không làm nổi vai trò mưu sỹ cho Chủ soái, con muốn chỉ huy quân và chiến đấu trực tiếp sống mái với quân thù.
Chủ soái động viên:
- Nhân tài là tự học và qua thực tiễn làm nên sự nghiệp, ta mong con nối chí người xưa cứu nước, cứu dân. Làm mưu sỹ là lấy những kinh nghiêm từ sách vở, liên hệ với thực tiễn, chỉ ra được những kế sách thích hợp, đoán định âm mưu của kẻ địch, tính toán đường đi nước bước cho quân sỹ. Vai trò, sức mạnh của một mưu sỹ giỏi bằng mấy mươi vạn quân. Con cứ yên tâm làm đi, đã có ta và các quan của Chỉ huy Hành dinh nữa kia mà.
Ngừng một lúc, Chủ soái lại nói:
- Ta muốn căn cứ Tiên Động được giữ vững, để giương cao ngọn cờ đại nghĩa cứu nước, cứu dân. Tập trung được các nhân tài anh kiệt của đất nước về đây tề tựu, chỉ lối mở đường cho nhân dân cả nước. Con và các tướng, các nghĩa sỹ giúp ta đắc lực thì sự nghiệp chính nghĩa của ta sẽ chóng thành công. Cho dù thời thế không cậy được mà có thất bại thì đời chúng ta cũng đã nêu một tấm gương sáng.
Tán Vị nghe chủ soái nói, không nói gì, nhìn lên phía chân trời, hướng về những đám mây tầng, mây tích và những dãy núi xa xanh ngắt. Thuyền tới cập bến làng Ngô Xá, Đốc binh Nhì, Phó Đốc Tuế chỉ huy đạo Hữu quân được báo ra đón Chủ soái tới thăm. Thấy có nhiều quân đến, chỉ huy đạo Hữu quân tưởng có chuyện gì. Khi quân lên bến, Tán Vị ra tập hợp mới biết là quân từ đội nghĩa dũng Sơn Nga được bổ sung vào đạo Hữu quân. Đốc Nhì và Phó Đốc Tuế rất mừng tiếp nhận và đưa quân về các đội. Xong việc, Chủ soái và Tán Vị đi về trang Áo Lộc bàn công việc tiếp.
Số lương thực, thực phẩm mà Chánh Vị mang theo từ nhà, có hàng tạ cá tươi đầm Mèn và nhiều tạ thịt lợn. Được Chỉ huy Hành dinh phân chia đều cho các đơn vị ăn mừng chiến thắng cầu Gỗ, giết được nhiều địch và thu được pháo và đạn của địch. Đồng thời quan quân mừng anh em nhà Chánh Vị, Lệ và đội nghĩa dũng Sơn Nga tòng quân. Tại Chỉ huy Hành dinh, Chủ soái mở tiệc liên hoan mừng họp mặt, giới thiệu người mới được phong chức là Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị, Tán tương quân vụ Trịnh Bá Đanh, Tán tương quân vụ Hà Công Cấn với các quan chỉ huy của mình trong không khí thân mật, vui tươi.
Các trận địa phía bắc và phía nam căn cứ Tiên động được làm nhanh hơn, Chủ soái cho Phó soái Khê Ông đi kiểm tra. Phó soái rất hài lòng về cách bài binh bố trận của đạo Tiền quân, Hữu quân và Tả quân. Vào mùa mưa, việc chuyên chở chủ yếu bằng thuyền nan, vào mùa khô việc chuyên chở có thể dùng ngựa và xe trâu bò. Dự đoán địch sẽ tiến công Tiên Động vào mùa hanh khô. Quân bộ của chúng sẽ tiếp cận vòng ngoài từ bờ sông Thao, đạo Hữu quân và Tả quân sẽ phải chặn chúng lại. Đạo Tiền quân sẽ cho quân dựa vào bờ ngòi Rành mà cầm cự với địch, nên hệ thống phòng thủ bên bờ phải thật chắc chắn, không cho địch vượt qua. Mỹ Lương trở thành cứ điểm mạnh, có hỏa lực, xung lực tập trung chi viện kịp thời cho các đạo quân.
Tại vị trí của đạo Trung quân, Phó soái Hoan đã chỉ đạo binh lính làm đồn binh tại gò Cây Mít, gò Mai, gò Múc, gò Cây Sy bảo vệ vòng trong cơ quan Chỉ huy Hành dinh. Gò Cây Mít là một đồn lớn, nên quan quân gọi là Đại Đồn. Đạo Hậu quân tập trung làm cho xong nhà Đại Bản doanh, làm nhà ở cho Chủ soái, nhà ở của đơn vị đồn trú, làm nhà cho các phân xưởng làm vũ khí, cho bệnh binh, thương binh tạm trú, sơ cứu. Hàng ngày có hàng trăm người đi lên núi Lưỡi Hái lấy gỗ về làm hầm hào và nhà ở. Suốt ngày vang lên tiếng chặt cây, tiếng đục đẽo, tiếng cuốc thuổng băm vào đá vào đất, tiếng người nói âm vang cả một vùng núi đồi. Nhiều ngày đêm, tàu chiến Pháp ngược dòng Sông Thao lên Tuần Quán, Giới Phiên lúc đi cũng như lúc về chúng bắn súng vu vơ vào làng Áo Lộc và làng Minh Côi. Pháo của giặc Pháp đặt trên tàu chiến bắn xăm vào đồi núi gây ra tiếng nổ ùng oàng. Tạo ra không khí chiến trận, thúc dục binh sỹ lao động xây dựng căn cứ Tiên động tích cực, khẩn trương.
Đội trưởng liên lạc Vũ Bách liên tiếp cử quân lưu linh đi nắm tình hình các huyện các châu, phủ liên lạc với các nghĩa quân hoạt động tại các vùng hạ huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Ba, Lâm Thao, Yên Lập, Hạ Hòa, Trấn Yên. Nhiều tin tức báo về Chỉ huy Hành dinh, được các chỉ huy sàng lọc, cho người đi xác minh cụ thể. Tin về đồn Gia Dụ, quân Pháp đã tự rút; tên quan tư Đu-che-nơ chỉ huy quân Pháp tại thành Hưng Hóa đã cho quân chiếm đồn Thục Luyện. Cả tin về phía Pháp cho quân do thám căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn. Tin các tri huyện Cẩm khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Lập được thay bằng các tri huyện mới làm việc theo lệnh của Pháp và triều đình tay sai. Nhiều tên tri huyện, tri châu, tuần phủ nghe lệnh của Tây ra tay đàn áp, cấm đoán người dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đồn binh và các cánh nghĩa quân đang chống đối lệnh của triều đình bắt hạ vũ khí đầu hàng giặc Pháp.
Chuẩn bị hậu cần cũng là việc phải làm gấp. Vụ chiêm vừa qua, nghĩa quân đã tận thu được nhiều lương thực. Các kho lương làm ở các làng Văn Khúc, Xuân Lôi, Mỹ Lương, Phùng Xá, Áo Lộc, Vân Bán, Xuân Áng, Chí Chủ, Võ Lao, Phú Thọ, Lương Lỗ tích trữ được số lượng lương thực đáng kể. Việc chuyên chở, thóc gạo chủ yếu bằng thuyền và bằng sức người gồng gánh. Dân các làng xung quanh đã làm tốt công việc chuyển lương, nên ở Tiên Động không đến nỗi thiếu gạo. Quân sỹ no nê, lao động rất hăng, kết quả xây dựng căn cứ rất tốt, Chủ soái yên tâm, phấn khởi và tin tưởng.
Một việc cần kíp khác là cần sắm thêm vũ khí. Rèn thêm các loại binh khí, sắt gang được lấy từ các mỏ quặng nằm lộ thiên trong các núi. Việc đúc súng hỏa mai, sản xuất đạn, tạc đạn được Chủ soái giao cho Phó soái Kiều đang được tiến hành tốt. Các thợ rèn đúc lành nghề ở khắp vùng được Phó soái Kiều mời về làm việc giúp nghĩa quân. Nghĩa quân Tiên Động đã làm được súng hỏa mai và sáng chế được tạc đạn. Tạc đạn làm bằng cách dùng ống tre phơi khô, quấy bột gạo, sắn thành hồ, dán lá khô xung quanh lòng ống, bên trong nhồi thuốc nổ làm bằng than xoan, phân rơi và diêm sinh rồi dùng dây cháy chậm kích nổ. Khi lâm trận. đốt dây cháy chậm ném tạc đạn vào địch tạo tiếng nổ, phát cháy và gây sát thương quân địch.
Việc tìm cách đánh địch cũng được binh sỹ coi trọng. Quân Pháp có vũ khí tân tiến, pháo của họ đã chuyển sang nạp hậu, còn thần công của ta vẫn nạp tiền, đạn trái phá của địch nổ gây sát thương, còn đạn của ta khi bắn ra được vài trăm thước tây thì nằm trơ như đá. Một lần, Chủ soái đến xem khẩu pháo mới thu được của địch ở cầu Gỗ, tổng Điêu Lương đã nói:“Nước Pháp tân tiến về kỹ thuật nên quân Pháp mạnh, sao vua quan ta để cho nước Nam, quân Nam lạc hậu về kỹ nghệ đến thế? Khẩu pháo như thế này khó gì mà ta không chế tạo được. Bao giờ chúng ta làm được vũ khí tối tân thì nước Nam, người Nam tất mạnh, mới có thể tự cường”.
Không có vũ khí hiện đại, Chủ soái đã yêu cầu nghĩa quân phải quay về tìm cách đánh tiến công của ông cha ta đã làm bằng bẫy đá, bẫy sập, cắm chông, sử dụng các con vật như voi, ngựa, chó, hổ báo, rắn rếp, chim ong. Lợi dụng các yếu tố thời tiết, địa hình, địa vật mà đánh địch và tìm ra các chướng ngại vật trên trận địa để hạn chế sức mạnh về xung lực và hỏa lực của địch.
Nghĩa quân đang dùng cách đánh nhỏ, đánh lén, dần dần phải tập trung binh lực để đánh lớn. Tiên Động trở thành căn cứ phòng thủ phải mạnh lên thì địch sẽ không dám tiến công. Trước mắt Tiên Động phải trải qua thử thách là địch sẽ tiến đánh, quân ta phải giữ vững được. Muốn giữ vững nghĩa quân phải chủ động tiến công địch, cho quân xuất phát từ Tiên Động đi đánh các vị trí khác nằm trên tỉnh Hưng Hóa và các tỉnh xung quanh. Nhưng quân lực ở Tiên Động còn quá mong manh, trước sức mạnh quân Pháp có lối đánh tập trung hàng trung đoàn, lữ đoàn. Lúc này, căn cứ Tiên Động còn đang rất yếu về xung lực và hỏa lực, đó là thử thách rất lớn, phải cố gắng vượt lên.
Dựa vào các hiệp ước triều đình Huế đã ký với Pháp, đất Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã thành đất “bảo hộ” của nước Pháp. Quân Pháp nhanh chóng chiếm các huyện, châu lỵ, đóng đồn chốt giữ. Hàng ngày chúng cho quân đi thám xét, bắt bớ, chặn đường đi lại của nghĩa quân, đã có trận đụng độ gây thiệt hại cho nghĩa quân.
Công việc xây dựng căn cứ Tiên Động rất gấp rút, quan quân làm suốt ngày đêm để mau chóng hoàn thành. Khi tạm ổn định, Chỉ huy Hành dinh đi kiểm tra thấy các đơn vị đóng tại căn cứ Tiên Động được bố trí liên liên hoàn, cơ động linh hoạt, đủ sức phòng thủ, mới thực sự yên tâm. Chủ soái liền sai các ông Tán Áo, Tán Vị, Tán Đanh tranh thủ đi các nơi móc nối với những thủ lĩnh, hào lý các địa phương có tinh thần, chí hướng chống giặc Pháp. Tán Áo đi châu Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Cẩm Khê đã vận động được thủ lĩnh như ông Tanh, ông Sành, ông Đại, ông Sen, ông Xồ, ông Dị, ông Thành đứng lên chống giặc Pháp. Tán Lệ đi Thanh Ba, Lâm Thao vận động hào lý, nhân dân các làng sắm sửa vũ khí, đứng về nghĩa quân tham gia đánh giặc là ông Kình, ông Bốn, ông Tường, ông Mai, ông Vân, ông Hậu, ông Cử Cắng. Tán Đanh đi Hạ Hòa, Đoan Hùng đã kêu gọi được các nhà chức trách làng, tổng chuẩn bị vũ khí đánh giặc Tây, khi giặc Pháp tiến công Tiên Động thì phối hợp đánh giặc gồm các ông là chánh tổng, lý trưởng: ông Khanh, ông Mạc, ông Đa, ông Hặc, ông Chấp, Ông Vĩnh, ông Ngân. Như vậy, phần lớn các làng ở Hưng Hóa, Sơn Tây về danh nghĩa vẫn thuộc về nghĩa quân Hưng Hóa kiểm soát, nhân dân các nơi đang hỗ trợ đắc lực cho căn cứ Tiên Động.
Chủ soái cũng sai Phó soái Khê Ông và Phó soái Kiều đi công tác biệt phái. Phó soái Khê Ông vượt sông Thao về Thạch Sơn, Thanh Mai để kết nối lực lượng chống Pháp do Bố chính Nguyễn Văn Giáp và Tán lý Lê Đình Dật chỉ huy. Tại Thanh Mai, Thạch Sơn, ông đã gặp lại các chiến hữu thân thiết thành Sơn Tây là Bố Giáp, Tán Dật, Lãnh Mai. Ông thông báo cho nghĩa quân Thạch Sơn, Thanh Mai được biết căn cứ Tiên Động đã được xây dựng chắc chắn. Từ nay Thanh Mai- Thạch Sơn và Tiên Động cùng phối hợp đánh giặc Pháp. Hai căn cứ phải thường xuyên cho người liên lạc với nhau, hỗ trợ cho nhau. Khê Ông cũng chỉ cho Bố Giáp, Lãnh Mai và Tán Dật biết bọn Pháp sẽ cho quân đánh Thạch Sơn -Thanh Mai trước khi cho quân đánh Tiên Động nên phải chuẩn bị sẵn sàng đánh trả và phải kiên quyết đánh để giữ vững vị trí chiến lược này.
Phó soái Kiều vượt rừng về miền sông Đà, liên hệ với Đốc binh Nguyễn Đức Ngữ, các thủ lĩnh các dân tộc Mường, Dao, Thái, Miêu ở dọc sông Đà. Phó soái Kiều thông báo cho mọi người biết căn cứ Tiên Động được xây dựng rất vững chắc. Lực lượng quan quân đang được bổ sung, củng cố, có thể hỗ trợ cho các lực lượng kháng chiến trong và ngoài tỉnh Hưng Hóa. Yêu cầu các lực lượng ở vùng sông Đà phối hợp đánh địch bảo vệ chắc chắn về phía Tây Nam cho Tiên Động. Từ nay Tiên Động thành trung tâm kháng chiến của cả xứ Bắc Kỳ. Tuần phủ, Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích là người chỉ huy cao nhất sẽ có ngày thống nhất các lực lượng đánh Pháp cả nước, kiên quyết giương cao ngọn cờ kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Một tháng sau, các vị Tán tương quân vụ và các ông Phó soái đi công tác biệt phái thu được thắng lợi trở về Áo Lộc. Quan quân ở nhà đã làm xong căn cứ Tiên Động. Chủ soái cho lệnh chuyển toàn bộ lực lượng sang Tiên Động, yêu cầu Lãnh binh Hà Công Hòa con trai Tán Tương quân vụ Hà Công Cấn chỉ huy 120 quân nghĩa dũng Áo Lộc, ở lại làng, lập phòng tuyến phòng thủ hướng đông nam vòng ngoài căn cứ Tiên Động. Được ông Hà Công Cấn tiến cử, Chủ soái phong cho Chánh Khanh tức Bùi Hữu Khanh giữ chức Lãnh binh, tổ chức được lực lượng nghĩa dũng tổng Xuân Áng, Hạ Hòa gồm 150 người. Lãnh Khanh có nhiệm vụ giữ vững mặt bắc căn cứ Tiên Động khi chiến sự xảy ra.
Ngôi nhà tám mái vững chắc trên mỏm đồi giữa là Đại Bản doanh của căn cứ Tiên Động. Nơi làm việc của các cơ quan chỉ huy, bao gồm chủ soái, các phó soái, các tán tương quân vụ, các chuyên gia, cố vấn. Ngôi nhà rộng có các phòng nghỉ, phòng làm việc, hội trường dùng làm nơi hội họp. Việc canh gác có các vệ binh thuộc đạo Trung quân, canh giữ cẩn mật suốt ngày đêm. Việc liên lạc với các đạo quân được thực hiện thường xuyên, nên sự chỉ huy của Đại Bản doanh Tiên Động được thống nhất, kịp thời.
Ngồi trong Đại Bản doanh, Chủ soái bỗng nhớ tới lời ông Đội Thủ nhắc, về đất này“Ai ở thế công thì thắng”. Ta muốn công trong thế thủ, phải gấp rút chuẩn bị lực lượng và phải đánh mạnh ở nhiều nơi. Cái mà ta đang thiếu là lực lượng tập trung, thiếu nhân tài chỉ huy chiến đấu, thiếu vũ khí, trang bị. Hiện tại ta chưa đủ sức “chế ngự người”, đang phải chịu “người chế ngự”, phải nhanh chóng chuyển sang thế chủ động tiến cộng địch. Chủ soái đang trong suy nghĩ, bỗng có tiếng pháo địch bắn từ tàu chiến của giặc trên sông Thao vào căn cứ. Tiếng nổ làm rung chuyển cả lán trại, ầm vang núi đồi Tiên Động. Chủ soái bình thản đứng dậy đi ra ngoài nhìn đưa mắt về phía sông Thao nước đỏ ngầu, hai bờ sông đang chìm trong nước lũ.