Chương 7Tiên Động thượng cờ khởi nghĩa
Căn cứ Tiên Động căn bản đã làm xong, Chủ soái Nguyễn Quang Bích quyết định chọn ngày 16 tháng 8 năm Giáp Thân (1884) làm ngày tế cờ khởi nghĩa. Việc này ông đã bàn với các tướng trong chỉ huy nghĩa quân tại Đại Bản doanh Tiên Động. Tất cả đều nhất trí với ý kiến của ông là phải thượng cờ khởi nghĩa, tạo thanh thế để phong trào kháng chiến chống Pháp trong toàn xứ Bắc Kỳ và cả nước hường về. Từ đó có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất chống giặc Pháp và chính quyền tay sai. Các ông Phó soái được phân công từng công việc. Phó soái Hoan lo nơi hành lễ, việc phòng bị, bảo vệ nhân dân và các đại biểu về dự lễ. Phó soái Khê Ông chuẩn bị phần khánh tiết, nội dung hội lễ, viết giấy mời, cho người đi mời và đưa đón các đại biểu. Phó soái Kiều chuẩn bị hậu cần, nơi ăn nghỉ cho khách quý. Các thành viên khác trong Chỉ huy Đại bản doanh được phân công nhiệm vụ cụ thể, người nào việc đó, ai cũng tích cực thực hiện công việc được giao.
Trời đã chuyển mùa, tiết thu dịu mát. Về đêm ở Tiên Động, gió may thổi về, không khí bắt đầu se lạnh. Trong Đại Bản doanh, Chủ soái ngồi bên ngọn đèn dầu sở thắp sáng trưng. Nét mặt ngài đăm chiêu, chăm chú nghe Tán lý Nguyễn Tác Chi nói chuyện về tình hình thế sự. Khi ông vừa mới từ Kinh đô Huế ra, sau chuyến đi công cán theo lệnh của quan Tuần phủ Nguyễn Quang Bích đưa thư và trả ấn tín cho triều đình. Thời gian thấm thoát đã nửa năm rồi trước ngày xảy ra trận đánh ác liệt giữ thành Hưng Hóa. Ông Tán Chi thông báo về nội bộ triều đình cho Chủ soái biết:
- Thưa Chủ soái, tình hình triều Nguyễn suy vi đến mức tột cùng. Từ trước đến nay, nước ta chưa có triều đại nào lại thảm hại đến thế. Hơn một năm nay, triều đình chết ba vua: Dục Đức làm vua ba ngày, Hiệp Hòa làm vua vừa được nửa năm, Kiến Phúc làm vua chưa được chín tháng thì chết. Nghe nói các vua đều bị các quan Phụ chính đại thần ám hại, người thì nghi cho quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, người thì nghi cho quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết giết các vua. Không biết vì lý do gì, hạ dân chỉ biết vua băng hà thì thay vua mới. Từ đầu tháng 8 năm nay, Hàm Nghi tên thật là Ứng Lịch lên ngôi vua, mới 13 tuổi. Lễ đăng quang tại điện Thái Hòa triều thần không thông báo cho Khâm sứ Trung kỳ được biết. Rây-na (Rheinart), chánh khâm sứ Pháp đe dọa sẽ đem quân sang bắt. Nghe tin vậy, tôi tức tốc lên đường ra Bắc tìm gặp Chủ soái để báo cho ông biết.
Trên đường ra, ông thấy tình hình dân chúng thế nào?
- Rất bất bình về việc triều đình ký hiệp ước Pa-tơ-nốt đầu hàng giặc Pháp. Nghe nói nhân dân các nơi đang lục tục chuẩn bị vũ khí nổi lên chống giặc Pháp và chống lại triều đình. Tôi nghĩ việc làm của Chủ soái kháng lại chỉ dụ của triều đình, trao trả ấn tín, kiên quyết chống giặc Pháp và nay cho xây dựng căn cứ Tiên Động đánh giặc Pháp và chống lại sự đầu hàng của triều đình là đại chính nghĩa. Không có con đường nào khác, chúng ta cần phải khởi nghĩa, giương cao cờ cứu nước, cứu dân. Chủ soái cũng đừng trông mong vào triều đình nữa, phần lớn các quan lại đều tham sinh úy tử, không còn nhân cách gì. Thời thế tạo nên anh hùng và anh hùng tạo nên thời thế, việc cứu nước là việc trọng đại, việc cần gấp phải tiến hành ngay, không nên chần chừ nữa.
- Cảm ơn Tán Chi, đã không quản đường sá xa xôi, từ Kinh đô ra đây thông báo cho ta biết tình hình và đã nói lời khích lệ ta. Còn tình cảnh gia đình ông thế nào, có được bình yên không?
- Cảm ơn Chủ soái hỏi thăm, gia đình tôi vẫn được bình an. Bổn phận tôi làm con dân, nước có loạn, ngồi yên sao đành. Ngày ở thành Hưng Hóa, ông sai tôi cầm thư và cầm ấn tín về Kinh đô trao trả cho triều đình để tôi có dịp về thăm nhà và có thể ở lại tự mình nhận một chức quan gì đó để vinh thân nơi quê nhà. Nhưng tôi, trời cho làm người luôn nghĩ tới nhân, nghĩa, lễ, liêm, sỷ. Chủ soái đã một lòng vì nước, vì dân, tôi là quân, là bầy tôi phải một lòng trung thành chứ!
Chủ soái gật đầu khen:
- Quan Tán Chi nghĩ sâu xa quá và hành động thật tuyệt vời! Bây giờ, ông đã ra đây, sẽ về làm việc tại Đại bản doanh Tiên Động, giúp cho tôi việc liên hệ với các nghĩa quân khởi nghĩa ở các tỉnh từ Thanh Hòa trở vào Kinh đô Huế. Công việc khó khăn đấy, ông cố gắng thu xếp để hoàn thành.
Khi Tán Chi đi ra khỏi phòng làm việc của Chủ soái, thì Phó soái Khê Ông bước vào. Ông thông báo cho Chủ soái biết các quy ước và hiệp ước mới của triều nhà Thanh đã ký với Pháp:
- Thưa Chủ soái, các nước phương Tây và Nhật Bản đang chiếm dần đất nước Tàu. Nhà Thanh không có thể giúp Việt Nam chống Pháp, buộc phải rút quân khỏi nước ta. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương nhanh chóng bị quân Pháp chiếm. Việc nhà Thanh ký quy ước và hiệp ước Thiên Tân công nhận quyền “ bảo hộ” của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung kỳ nước ta là trong thế bức bách. Nhất là khi Pháp cho quân đánh Phúc Châu, bao vây Đài Loan, phong tỏa cửa biển sông Dương Tử, khống chế nước Tàu về mặt bể thì nhà Thanh phải nhân nhượng Pháp. Chúng ta không còn hy vọng trông chờ vào sự cứu viện của Nhà Thanh nữa.
Chủ soái lắng nghe Khê Ông và nói:
- Chúng ta cũng không trông chờ gì ở họ nhiều. Trong hoàn cảnh nước họ cũng như nước ta bị các nước phương Tây chèn ép, đánh chiếm thì chúng ta kéo họ về phía mình. Yêu cầu họ giúp chúng ta về quân lực và vũ khí, nhất là vũ khí, trang bị để tăng thêm uy lực. Trước đây ta đã sử dụng những binh sỹ người Tàu có cảm tình với chúng ta như tướng Lưu Vĩnh Phúc, Lý Phúc, Chu Thiết Nhai và binh sỹ của họ. Họ đã làm nên nhiều chiến thắng, giết được nhiều giặc Pháp giúp ta. Bây giờ ta tiếp tục sử dụng những người Tàu thân thiện với nước Nam kháng chiến chống Pháp. Có thể họ không cầm quân trực tiếp đánh giặc, nhưng ta nhờ họ về công việc quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, mua bán vũ khí, trang bị cho quân sỹ. Chúng ta cũng phải coi trừng những người Tàu có tư tưởng bành trướng, nhân cơ hội triều đình suy vi, nhân tâm người Nam ly tán, họ chiếm hoặc chia cắt nước ta. Về phía ta phải chủ trương tự lực, tự cường, không để phải phụ thuộc vào nước Tàu. Bao giờ chúng ta thắng Pháp, chúng ta sẽ xây dựng một quốc gia độc lập hùng mạnh theo tư tưởng của chúng ta. Khê Ông thấy thế nào?
- Đúng là khi nào chúng ta thắng Pháp, khôi phục lại nền độc lập dân tộc thì chúng ta cũng phải đổi mới về chế độ chính trị. Có thể chúng ta phải xây dựng một triều đại mới, nhà nước không phải là quân chủ mà là cộng hòa, dân chủ. Nghe nói, từ lâu các nước phương Tây tiên tiến người ta đã bàn đến việc thực hiện xây dựng một chế độ xã hội cộng hòa, dân chủ.
Biết là không thể bàn định đến một chế độ xã hội mà các ông cũng không hiểu khi nó còn là ước vọng xa xôi. Chủ soái Nguyễn Quang Bích quay lại nói về tình hình trong nước, đưa ra những dự tính:
- Nước ta đang rơi vào tình trạng rối loạn, triều đình thì các đại thần thao túng, giết hại các vua. Giặc Pháp chiểm đất, bình định cơ bản đã xong và bây giờ lấy danh nghĩa là“ bảo hộ”, chia cắt đất nước ta. Chúng dựa vào hệ thống quan lại bạc nhược làm tay sai, đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân ta, bóc lột và giết hại dân lành. Nhà Thanh bằng các điều ước, hiệp ước đã ký với Pháp và với các nước phương Tây, họ không thể giúp ta. Mà họ có giúp ta đi nữa cũng phải có điều kiện, chi bằng ta tự lực tự cường là hơn. Lúc này, chúng ta phải giương cờ khởi nghĩa, mở ra các khu căn cứ trong toàn quốc, để đánh Pháp. Công việc chính của chúng ta là chống Pháp cứu nước, nên cờ khởi nghĩa của chúng ta sẽ là “Bình Tây báo quốc”.
- Về thực lực của ta hiện giờ còn yếu.- Khê Ông tiếp lời - Tiên Động bây giờ có hơn 1000 quân, Thạch Sơn-Thanh Mai có khoảng hơn 300 quân và số đông là binh sỹ nghĩa dũng của các làng, các huyện, phủ. Trong tỉnh Hưng Hóa gộp lại cũng có mấy nghìn quân nghĩa dũng, nhưng đang trong tình trạng phân tán nhỏ lẻ, không tập trung, không có sức cơ động, thiếu sự hiệp đồng tác chiến. Nêu quân Pháp tiến công Tiên Động, quân ta không thể trụ vững được lâu. Bây giờ phải giương cao cờ nghĩa“Bính Tây báo quốc”, mau chóng thống nhất các lực lượng kháng chiến trong tỉnh và trong cả nước thì sức mạnh của quân ta sẽ được nhân lên.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích nhìn Khê Ông nói thêm:
- Nghe Tán lý Nguyễn Tác Chi ra báo cáo về tình hình Kinh đô, lúc này phái chủ chiến đang nắm ưu thế. Đưa vua Hàm Nghi lên ngôi là có mục đích cứu quốc. Phụ chính Tôn Thất Thuyết còn nắm trong tay mấy vạn quân, có thể nổi dậy ngay tại Kinh thành Huế. Nhưng trước khi có sự nổi dậy từ Kinh đô, chúng ta tại Tiên Động sẽ tiến hành khởi nghĩa trước, coi như là hưởng ứng cho cuộc nổi dậy ấy.
Đêm ấy, Chủ soái cũng không ngủ được. Ông thao thức nghĩ về việc thảo lời hịch cứu quốc. Bài hịch hiệu triệu nhân dân, tướng sỹ đứng lên chống giặc Pháp phải gây được khí thế ra quân. Ông cũng hình dung được diện mạo bài văn phải xác định cho mọi người tinh thần hy sinh vì nước, chiến đấu vì lý tưởng cao cả để ghi danh thơm muôn thuở; phải kể tội ác của Pháp và bè lũ tay sai, gây lòng căm thù chúng; kêu gọi nhân dân và tướng sỹ chiến đấu hy sinh vì nước, vì dân, đồng thời chỉ ra khả năng tất thắng; cuối cùng là lời thề trước anh linh Tổ tiên và Anh hùng Liệt sỹ. Ông phác thảo nhanh dàn ý bài hịch và tìm lời diễn đạt cho thật hoàn thiện từng phần và toàn bài.
Nhưng ông không thể viết hoàn chỉnh bài hịch ngay trong đêm. Vì cơn mưa kèm theo gió bão kéo về ào ạt. Đại bản doanh làm trên đồi cao, gió mưa càng thốc tháo mạnh. Đèn dầu tắt, mấy người lính phục vụ đã nằm ngủ, thấy gió bão về vùng dậy cũng đành khoanh tay bất lực. Chỉ có mấy người lính gác đứng ngoài canh đêm, trước gió mưa, họ chỉ biết đứng thu mình lại nơi khuất. Chủ soái không muốn phiền họ đi nằm nghỉ để đêm mai ngồi viết tiếp. Ông thấy người mỏi mệt như vừa làm việc thổ mộc chứ không phải ngồi viết bài hịch kêu gọi. Ông nhắm mắt và ngủ một giấc ngủ dài cho đến khi trời sáng. Khi tỉnh, ông đứng dậy thu xếp bút nghiên còn để trên bàn vào chiếc tủ con kê trên đầu giường. Ông bước ra giữa sân hít thở không khí ban mai và tự đi một bài quyền mà mỗi sáng ông thường tập cho người khỏe ra.
Ngày thứ hai ở Tiên Động, ông không đi đâu, ở tại Đại bản doanh bàn bạc công việc. Buổi sáng Phó soái Kiều đến nói chuyện với ông về tình hình địch ở Hưng Hóa. Chúng thường cho quân đi sục sạo các nơi, vào các làng ở quanh thành bắt bớ chém giết những người dân vô tội. Những người theo đạo Thiên Chúa theo địch, đi chỉ điểm và làm tay sai cho bọn Pháp cùng đi săn đuổi những người theo nghĩa quân, coi những gia đình có người đi là giặc, tự ý đốt nhà, bắt trói những người thân. Ở Tứ Mỹ chúng đã đốt nhà ông Lang Chanh, ông Lý trưởng Đặng Hương, ông Tiên chỉ Trần Đức. Chúng giết anh Nguyễn Văn Lò con cụ Lang Chanh vừa nhập ngũ vào đạo Trung quân trên đường đi công tác vận chuyển quân lương chúng phục bắt được và chém luôn tại chỗ. Ở làng Phú Thọ chúng bắt Đốc Long, người tự xưng là đốc binh có hành động chống Pháp quyết liệt đem về thành Hưng Hóa hành sát. Như vậy, là giặc Pháp kéo tới đâu thì làng quê Hưng Hóa trở nên hoang tàn đến đó.
- Có cách nào hạn chế sự tàn phá, giết chóc của bọn giặc Pháp không ?- Chủ soái hỏi Phó soái Kiều:
- Chỉ có một cách là cho quân về bám dân, cùng dân chiến đấu giữ làng, giữ đất, giữ dân. Lúc bình làm dân, lúc chiến trận thì làm quân, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, lúc cần có thể hỗ trợ cho quan quân đánh giặc.
- Tốt lắm! Tướng Kiều về tổ chức ở các làng trong huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Lập và rộng hơn các huyện phủ của tỉnh Hưng Hóa những đội quân nghĩa dũng của các làng. Tới đây, giặc Pháp sẽ đánh vào căn cứ Tiên Động, chúng ta phải có lực lượng cả vòng trong và vòng ngoài hỗ trợ cho nhau thì ắt giữ vững được.
Chủ soái ngừng một lát như để suy nghĩ thêm và nói tiếp:
- Việc này phải có nhiều người tham gia. Chỉ huy Đại bản doanh phải cử thêm các ông Tán tương quân vụ như Tán Áo, Tán Đanh, Tán Vị về các huyện, các làng vận động, xây dựng được càng nhiều đội nghĩa binh càng tốt. Những người giữ chức trách tại các làng ta phong cho họ chức đội, chức lãnh binh hay đốc binh tùy theo binh lực của họ, cho họ những quyền như thu thuế, tuyển binh, xử phạt. Không được làm những việc bạo ngược như trả thù, giết người, đốt nhà, phá đạo, hãm hiếp phụ nữ và các việc càn quấy khác. Nghĩa binh phải giữ gìn phẩm hạnh, khí tiết, có như vậy thì dân mới yêu thương, che chở. Dân là nước, quân là cá, cá có nước thì sống, không có nước thì cá chết. Hiện nay, bọn Pháp đang dùng âm mưu “chia để trị”, mà ta không tỉnh là nguy. Người ta theo đạo Phật hay đạo Gia-tô, đều là theo một tín ngưỡng, thờ Thích Ca hay thờ Chúa Giê-su, nhưng họ đều là dân Việt Nam, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Nay giặc chia ra là để mình chém giết lẫn nhau, để chúng dễ bề sai khiến, cai trị. Trong huyện Cẩm Khê này Dư Ba, Yên Tập, Tạ Xá là những làng đạo Gia-tô, ta chia rẽ người dân ra là tự sát đấy. Chúng ta đang hoạt động trong vùng có nhiều dân tộc thiểu số, trong quân có nhiều người Mường, người Tày, người Dao, người Miêu (người dân tộc Hơ-mông). Chúng ta phải đoàn kết, sát cánh bên nhau để cùng chiến đấu chống giặc Pháp và bè lũ tay sai. Không được phép một ai trong chúng ta chia rẽ sắc tộc, dân tộc, tôn giáo mà phải đoàn kết, đối xử công bằng như con em một nhà. Ông cha chúng ta trải hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước đã giữ gìn truyền thống ấy, thì bây giờ chúng ta phải đoàn kết hơn. Đoàn kết dân tộc thì sống, chia rẽ dân tộc là chết, chúng ta không được phép quên điều đó.
Phó soái Kiều lắng nghe những lời chỉ đạo sáng suốt của Chủ soái. Ông thấy yên tâm, bởi những ý kiến đó đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân như trời bể của người lãnh đạo. Nghĩa quân sẽ phát triển và căn cứ Tiên Động sẽ được giữ vững, cuộc kháng chiến sẽ bảo đảm thắng lợi.
Khi Phó soái Kiều còn ngồi bên Chủ soái thì tin dữ đến. Bọn Pháp đã kéo lên làng Cát Trù trả thù trận chúng thua đau ở cầu Gỗ. Đội nghĩa dũng và quân lính của Đốc Sơn đã không chặn được bước tiến của chúng. Chúng tràn vào làng Cát Trù và chợ Trò đốt hết nhà cửa, lều quán. Mấy căn nhà gỗ của gia đình Phó soái Kiều bị giặc đốt hết. Lửa cháy bốc ngút trời, mấy ngày nay lửa còn chưa tắt. Rất may gia đình ông đã đi sơ tán vào trong làng Xuân Lôi. Bà mẹ, vợ và các con ông đều an toàn. Làng Cát Trù bị giặc Tây giết mất 10 người, trong đó có ông Lý trưởng Lê Hà già nua đã không chạy kịp bị chúng giết giữa sân đình Trò.
Tin mất mát đau thương làm cho ai nghe cũng phải đau lòng. Chủ soái an ủi, động viên tướng Kiều:
- Chúng ta đứng lên kháng chiến chống giặc cứu nước phải chấp nhận đau thương, nhà tan cửa nát, mất mát con người và tiền của, tính mạng của bản thân, người thân trong gia đình. Anh em nghĩa binh làng Cát Trù và tổng Điêu Lương sẽ còn phải chịu sự hy sinh nữa. Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp của dân tộc ta còn lâu dài, mọi người chúng ta phải biết nuốt đau thương mà chiến đấu, không thể khuất phục, cũng không thoái chí, phải anh dũng tiến lên chiến đầu giành thắng lợi.
- Thưa Chủ soái! Từ ngày theo Chủ soái chiến đấu, chúng con đã xác định rồi. Dù xương tan thịt nát cũng không sờn lòng, nhà cửa cháy rụi, ruộng vườn hoang tàn, vợ con chết chóc cũng không sợ. Nay nhà con bị giặc đốt, sau này con về sẽ làm lại to đẹp gấp mười. Chủ soái yên tâm về lòng tận trung của con, của mọi người dân và nghĩa dũng làng Cát Trù, tổng Điêu Lương đối với con đường của Chủ soái đã vạch ra.
Phó soái Kiều đứng dậy ra về khu nhà đội Hậu quân. Chủ soái đứng lên tiễn đưa tướng Kiều ra về. Dọc đường tướng Kiều báo cáo lại việc chuẩn bị cho ngày lễ tế cờ khởi nghĩa đã xong. Tướng Kiều xin phép, dẫn một số anh em đạo Hậu quân là người Cát Trù nhập ngũ hồi đầu tháng ba về làng giải quyết các hậu quả do giặc càn quét gây ra. Chủ soái bảo phải đi nhanh, về nhanh và phải quay lại Tiên Động kịp ngay dự lễ tế cờ, thượng cờ khởi nghĩa cùng với tướng sỹ và nhân dân.
Bọn Pháp đã càn quét tới làng Cát Trù thì chỉ trong một vài ngày tới chúng sẽ mò lên đánh Tiên Động. Chủ soái Nguyễn Quang Bích cho lính gọi Phó soái Hoan tới bàn việc phòng bị. Giặc Pháp sẽ kéo lên Tiên Động bằng đường thủy và đường bộ. Như thế thì trên bộ phải cho quân mai phục từ làng Tình Cương, lên tới làng Áo Lộc đánh chặn địch không cho chúng kéo lên đây. Trên đường thủy, chúng ta phải huy động dân binh hai bên bờ sông Thao tìm ra cách thức để chặn tàu địch.
Bọn giặc Pháp ở thành Hưng Hóa đã biết được quân ta đã rút lên Tiên Động, Thống tướng Mi-lốt ( Millot) đã sai Trung tá Đu-che-nơ dẫn 350 quân lên đánh Tiên Động. Để mở đường chúng đã cho quân càn quét, đánh chiếm thôn Phong Vực đầu huyện Cẩm Khê, cho quân lập đồn Cửa Bứa, đồn Phong Vực. Chúng vượt qua cầu Gỗ, chiếc cầu bắc qua cửa ngòi Cỏ, theo đường cái quan lên huyện lỵ Cẩm Khê. Cánh quân bộ gồm ba đại đội, cánh quân thủy gồm 10 tàu chiến. Mục tiêu của chúng tiến đánh Tiên Động nhằm tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Chúng đoán nghĩa quân chỉ khoảng hai ba trăm người, trang bị kém. Chúng sẽ dùng pháo bắn mạnh uy hiếp tinh thần quân sỹ, quân bộ sẽ tràn lên tiêu diệt ngay lực lượng đánh chặn của nghĩa quân. Chúng dễ bề tiến thẳng vào Đại bản doanh Tiên Động, bắt sồng quan quân.
Khi Phó soái Kiều và Phó đốc Biêu về đến làng Tình Cương thì quân giặc vừa kéo đến. Hai người đã nhanh chóng tổ chức một trận đánh bất ngờ diễn ra ác liệt trên những quả đồi cỏ gianh, giáp làng Phú Lạc. Quân ta đã tiêu diệt, đánh thiệt hại đại đội đi đầu. Bọn địch chủ quan, tưởng quân ta còn xa, ai ngờ bị chặn đánh ngay khi chúng mò từ bờ đê lên sườn dốc. Hàng chục thằng Tây đi đầu bị bắn chết, chúng cuống cuồng rút về làng Phiên Quận, không dám mò lên huyện lỵ Cẩm Khê.
Một đoàn tàu chiến địch rẽ nước sông Thao ngược lên Tiên Động. Nhưng vừa đến làng Tình Cương chúng vấp phải những bè tre nứa, chất đầy dong gai trôi đầy mặt sông Thao cản đường. Lại bị những tốp lính nghĩa quân nấp hai bên bờ sông bắn tỉa. Bọn giặc đi tàu cũng không dám vượt lên, đành phải đậu thành dãy dài trên sông Thao chờ lệnh. Trời ập tối, quân thủy sợ bị chặn đánh không dám tiến. Đến nửa đêm, những chiếc bè nứa tẩm các loại dầu dọc, dầu chẩu bốc cháy nghi ngút, làm sáng rực cả bầu trời sông Thao. Nhiều bè lửa áp sát vào thân tàu, quân lính Pháp trên tàu hoảng loạn, bắn loạn xạ, kêu la inh ỏi. Một chiếc bè mang thuốc nổ trôi sát vào gần một tàu chiến bén lửa cháy bùng bùng, tạo ra tiếng nổ vang trời. Chiếc tàu chiến này bị vỡ khoang, nước ào vào, quân lính trên tàu sợ hãi nhảy xuống sông Thao, ngoi ngóp bơi vào bờ.
Trung tá Đu-che-nơ cứ tưởng lên đánh Tiên Động dễ dàng như cuộc hành quân lên chiếm thành Tuyên Quang hồi tháng tư vừa rồi. Quân Pháp theo đường sông Lô lên tới ngoài thành Tuyên Quang, chỉ dùng mấy chục quả đại bác, quân Nam và quân Cờ Đen đã tháo chạy không dám chống cự. Bây giờ chúng lên đánh Tiên Động đã gặp ngay phải sự đánh trả quyết liệt của cả quân và dân đôi bờ sông Thao. Đu-che-nơ đành cho quân rút lui về thành Hưng Hóa, chỉ cho một số quân cố giữ đồn Cửa Bứa và đồn Phong Vực. Dọc đường rút quân về thành, chúng còn bị nghĩa quân đánh chặn ở dốc Giát, rừng Cổ Tiết làm chết và bị thương nhiều binh sỹ.
Thống tướng Mi-lốt được Đu-che-nơ báo cáo về thực tế gặp phải sự chống trả quyết liệt của đối phương trong cuộc hành binh lên đánh Tiên Động. Hắn đồng ý cho dừng cuộc hành quân và hạ lệnh tiếp tục theo dõi những hoạt động của nghĩa quân. Bọn chỉ huy Pháp đã nhận thấy, lực lượng nghĩa quân chống Pháp ở mặt trận Hưng Hóa là đáng gờm nhất. Không một nơi nào ở xứ Bắc Kỳ này, lại có sự chống trả quyết liệt đến thế. Người chỉ huy tối cao là Tuần phủ, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, người có học vấn cao, có uy tín lớn trong nhân dân và tướng sỹ. Người này có thái độ chống Pháp quyết liệt, phản đối chỉ lệnh của triều đình Huế, đã cầm quân quyết giữ thành Hưng Hóa và cho quân lính xây dựng căn cứ Tiên Động để kháng chiến chống lại sự bình định của quân đội Pháp.
Trung tá Đu-che-nơ nói với thống tướng Mi-lốt:
- Đánh quân địch ở miền Thượng du vùng hữu ngạn sông Thao này là khó khăn đấy, thống tướng ạ. Lực lượng và vũ khí thì chúng ta hơn hẳn họ, nhưng đại bác và tàu chiến của chúng ta không dễ gì đè bẹp được tinh thần kháng cự của họ đâu. Chúng ta muốn thắng họ phải mất thời gian dài đấy. Nếu không dựa vào chính người Nam, thì chúng ta không thể thắng được.
Thống tướng Mi-lốt nghe nói, gật đầu tán thành:
- Đúng thế, người Việt Nam họ có truyền thống đánh giặc giữ nước từ lâu. Sử sách đã ghi nhiều lần họ đánh thắng sự xâm lược và đô hộ của người phương Bắc. Họ đã từng đánh thắng đế quốc Nguyên Mông và sự xâm lược của các nước láng giềng như Trung Quốc, Xiêm La Bây giờ chúng ta sang thôn tính họ, phải dựa vào chính người nước họ. Chúng ta phải đưa ra chính sách đánh lừa họ, như là sang để bảo hộ, khai sáng họ, chứ thực thì chúng ta đô hộ họ, cướp lấy tài nguyên, của cải, bắt lính và phải dùng họ làm lá chắn bảo vệ chúng ta.
- Thưa thống tướng!Thế bây giờ, đến vùng này chúng ta đánh họ bằng cách nào?
- Không có cách nào hiệu nghiệm hơn chiến thuật “tằm ăn lá dâu”. Trung tá nhìn lên bản đồ xem, vùng này, chúng ta mới chỉ chiếm được thành Hưng Hóa và lập các đồn bốt xung quanh. Chúng ta còn chưa chiếm được hẳn Việt Trì, Hạc Trì, Lâm Thao và chưa đánh tan các cánh quân của thành Sơn Tây rút ra còn chiếm các làng, lập căn cứ tại Thạch Sơn,Thanh Mai. Chúng ta không thể sống yên ổn khi những căn cứ này còn tồn tại. Họ sẽ đánh thành Hưng Hóa, đồn Hạc Trì, Việt Trì, Lâm Thao và các đồn khác trên tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây. Cho nên phải tiêu diệt quân phản loạn đang đóng trên các vùng này trước, thì chúng ta mới có thể rảnh tay tiêu diệt căn cứ Tiên Động.
Viên trung tá Đu-che-nơ không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý. Thấy người nghe có vẻ tán thưởng, thống chế Mi-lốt nói tiếp:
- Còn lá chắn bảo vệ chúng ta chính là người Việt đấy. Chúng ta phải biến vua họ thành những con bù nhìn, quan quân họ thành tay sai, bọn giá áo túi cơm làm đầy tớ, còn dân đen phải làm nô lệ cho chúng ta.
Thực hiện âm mưu đó, bọn chỉ huy Pháp cho tạm ngừng tiến công về quân sự. Chúng thực thi kể hoạch dụ dỗ những người đứng đầu nghĩa quân. Coi đó như là kế thượng sách cần ưu tiên làm trước. Nắm được những điểm yếu của từng người, chúng sai những viên quan địa phương là người thân tín, những người quen biết đến dùng tiền bạc, lời lẽ ngon ngọt để mua chuộc, yêu cầu họ hạ vũ khí đầu hàng. Chúng biết Đình nguyên Hoàng giáp, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích là người kiên quyết chống Pháp, nên phải chọn người tài đến dụ dỗ. Việc này khó, chính viên Trung tá Đu-che-nơ chưa tìm được ai đi Tiên Động thuyết phục Tuần phủ Nguyễn Quang Bích ra đầu thú.
Lúc đó, trên căn cứ Tiên Động, Chủ soái và tướng sỹ nhận được tin nhân dân vùng hạ huyện Cẩm Khê và Thanh Ba đã chặn đứng cuộc hành quân của địch từ thành Hưng Hóa đánh lên Tiên Động. Các cánh quân và các đơn vị nghĩa dũng tại các làng đã biết phối hợp đánh địch. Nghe tin giặc Pháp kéo lên, các đạo quân, đội quân trên căn cứ Tiên Động đã sẵn sàng chờ đánh địch. Nay giặc Pháp không kéo lên nữa là có kế hoạch mới, địch sẽ chuẩn bị lực lượng lớn hơn nhiều lần gồm nhiều tàu chiến và đại bác để đánh chiếm Tiên Động. Cho nên quan quân luôn phải trong tư thế sẵn sàng, chủ động chờ địch để đánh thắng địch.
Nhân dân các nơi nghe tin tại Tiên Động, nghĩa quân sắp làm lễ tế cờ, thượng cờ khởi nghĩa. Các làng đã chuẩn bị lương thực thực phẩm cung cấp cho nghĩa quân. Chỉ có mấy ngày mà Đại bản doanh đã nhận được hàng chục con trâu bò, hàng trăm con lợn, hàng nghìn tạ gạo của nhân dân các làng bên hữu và bên tả ngạn sông Thao và các vùng núi châu huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Văn Chấn, Trấn Yên, Bảo Thắng đem về Tiên Động.
Quân và dân những ngày này ở Tiên Động vui vẻ, nhộn nhịp, phấn khởi hơn ngày thường. Bầu không khí ấy, giúp cho Chủ soái viết nhanh bài hịch bằng chữ Nôm kêu gọi đồng bào và tướng sỹ. Viết xong, ông còn đọc cho mọi người nghe, góp ý và tự sửa chữa để bài viết được hoàn thiện. Ông thấy tinh thần, tư tưởng, tình cảm cao quý của nhân dân đã vận vào tâm hồn, trí tuệ của ông và từ trái tim ông chuyển vào từng từ, từng câu, tạo ra giọng văn với nhiệt huyết bừng bừng truyền lửa sang người đọc, người nghe.
Ông gấp tờ hịch đã hoàn thành lại, nhìn về phía Khê Ông hỏi:
- Khách về dự đã được người nào chưa, việc mời mọc đã đến đâu, có gì trở ngại không? Phải có đại diện của các tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đại diện của các tỉnh, các phủ Bắc Kỳ, mời được nhiều người càng tốt bấy nhiêu. Xa như Nam Kỳ thì có đại biểu đại diện là được. Chúng ta giương cờ khởi nghĩa thì phải được các nơi trong nước ủng hộ, càng được nhiều người ủng hộ, làm theo càng tốt. Chú ý vận động được nhiều các quan lại, hào lý, quân lính đứng về phía mình, làm hậu thuẫn cho chúng ta.
Khê Ông nhìn Chủ soái thư thả trả lời:
- Đã cho người sang Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, về Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương ra Quảng Yên và vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, lên hạt Lai Châu, Sơn La, Văn Chấn, Bảo Thắng. Móc nối được bao nhiêu nơi thì càng tốt cho ta bấy nhiêu. Chúng ta còn ít người giúp đỡ việc quan hệ, ngoại giao. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần phải mở rộng thì thanh thế của chúng ta mới mạnh. Lúc này việc nuôi uy, chứa sức là cần lắm phải không Tướng công?
Chủ soái nghe, gật đầu vẻ tán thành. Ông không nói thêm gì nữa, nhìn về phía sông Thao. Khoảng trời mở rộng lấp lánh trong con mắt xanh chan chứa niềm vui chờ đợi ngày đại lễ. Lúc đó, Phó soái Hoan từ dưới dộc đồi cổng đồn đi lên báo cáo cho Chủ soái và Khê Ông được biết, ông đã chọn đình Cả, Tiên Động làm nơi tế cờ. Đình trên cao, nơi thờ Đức Tổ Hùng Vương và thần Cao Sơn, Quý Minh, Đại Hải là ba danh tướng thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII. Ông đã cho người làng Tiên Động và binh sỹ chuẩn bị lập đàn tế trong thượng cung. Phần nhà đại bái và ngoái sân là nơi khách đứng. Việc chuẩn bị cờ quạt, chiêng trống, đội hành lễ, quân canh phòng đã cắt cử, phân công cho từng người.
Phó soái Hoan cũng báo cho Chủ soái và Khê Ông được biết. Cô Nguyễn Thị Năm vợ Phó soái Kiều, cùng cô Hà Thị Khiêm con gái Tán Áo và món thợ may thêu, gồm 10 cô gái Phương Xá đã may thêu xong cờ. Lá cờ đại ngũ sắc, to rộng như cờ thành Hưng Hóa, nền trong mầu đỏ tươi thêu 4 chữ vàng Bình-Tây-Báo-Quốc đã được làm xong. Binh lính đã làm xong cột cờ trên nhà đại đồn để thượng cờ lên trong ngày đại lễ. Chủ soái chú ý nghe, nói như reo lên:
- Đúng là có nam có nữ mới nên xuân. Cái gì mà thiếu bàn tay của phụ nữ là không xong. Các tướng phải chú ý đến vai trò của chị em đấy. Ngay trong tác chiến cũng rất cần đến chị em. Đất này có rất nhiều nữ tướng anh hùng, như Bát Nàn, Tiên Hoa, Nguyệt Hoa, Quỳnh Hoa, Lý Hoa, Hòe Hoa và Nguyễn Thị Hạnh. Chúng ta cần phải phát huy tinh thần yêu nước của chị em. Tướng Khê Ông và các tướng cần nghiên cứu lại cách đánh thuyền chiến giặc Hán thời kháng chiến chống quân Mã Viện trên đất Hạ Hòa, Thanh Ba và Cẩm Khê này. Biết đâu chúng ta lại tìm ra cách đánh tàu chiến của giặc Pháp, từ cách đánh thuyền chiến của bà Lê Chân, Bát Nàn, Thánh Thiện. Đánh được tàu chiến của địch trên sông, trên biển, chúng ta sẽ hạn chế tối đa sức tiến công và vận tải quân sự, tiếp tế của địch. Nghe tin đầu tiên quân ta đã đốt cháy tàu chiến giặc Pháp trên đoạn sông Thao chảy qua làng Tình Cương.
Nghe Chủ soái nói, các tướng sỹ đều rất vui, họ đều tích cực làm việc chuẩn bị cho buổi đại lễ diễn ra tốt đẹp. Về cách đánh địch trên sông, trên bộ họ phải mò mẫm, vắt óc ra mà suy nghĩ. Đời nào cũng vậy thôi, tìm cách đánh địch để thắng địch đều từ thực tiễn chỉ ra. Người ta có dám đánh địch thì mới có thể tìm ra cách đánh địch hiệu quả là tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy được nhiều vũ khí, phương tiện của địch mới đảm bảo cho cuộc chiến chắc chắn thắng lợi.
Ba ngày sau, Phó soái Kiều và cánh quân người làng Cát Trù trở về, mang niềm vui chiến thắng và cũng mang nhiều tin buồn. Niềm vui đánh thắng cuộc tiến công của giặc Pháp lên đất Cẩm Khê chặn được địch tại dốc Tình Cương, đốt cháy một tàu chiến địch trên sông Thao. Nỗi buồn là làng Cát Trù giặc đã bị địch đốt trụi, nhà cửa, chợ búa, chùa chiền, đình miếu. Nhà của Phó soái Kiều, Phó Đốc Biêu, Đội Chính, Đội Tất, Đội Oanh đều bị giặc đốt. Đội Nhã chỉ huy trưởng đội nghĩa dũng đã hy sinh chặn địch tại cầu Gỗ và ông Trương Lập chỉ huy phó đội nghĩa dũng làng Cát Trù thì bị mất tích. Ông Lý trưởng Lê Hà bị giặc chém và một số người bị giặc bắn chết đã được người làng chôn cất. Đội nghĩa dũng làng Cát Trù đã nhập vào quân của Đốc Sơn chuyển vào Hố Trò, Đồng Phai. Dân làng đã phải sơ tán vào trong Văn Khúc, Xuân Lôi, Phục Cổ. Cuộc chiến đấu tại làng Cát Trù ở nơi cửa ngõ huyện Cẩm Khê sẽ còn diễn ra ác liệt.
Vì còn công việc phải làm tại Tiên Động, cánh quân của làng Cát Trù phải nén đau thương, mất mát trở về căn cứ. Phó soái Kiều biết mẹ mình và bầy con dại đã đi sơ tán vào làng Xuân Lôi trước ngày giặc càn. Cô Năm vợ ông đã lên thăm ông từ mấy ngày nay hiện đang ở nhà Tán Áo. Như vậy là gia đình Phó soái Kiều đều được an toàn, chỉ có thằng Nhồi giữ nhà đã bị giặc giết, chúng bắn chết tại nhà khách và châm lửa đốt toàn bộ khu nhà, xác của Nhồi đã cháy thành tro. Chẳng ai biết thi hài nó ở đâu mà đem chôn. Phó soái Kiều rất thương nó, nhưng đành chịu, đành bảo những người anh em họ làm cho nó một ngôi mộ giả trên đồng Trò. Một số anh em may mắn biết tin bố mẹ, vợ con đang đi đâu, ở đâu, còn một số người nữa thì không biết tin gì, trong đó có Phó Đốc Biêu không biết mẹ và vợ con mình đang chạy giặc ở nơi đâu.
Nhưng niềm vui chiến thắng quân Pháp đã làm cho anh em binh sỹ vui lên. Ngày trở về thăm nhà, thăm làng đã kịp thời đánh chặn giặc, đánh một trận tiêu diệt nhiều tên địch ngay trên dải đồi đất Tình Cương. Buộc chúng phải rút lui về đồn Phong Vực và đồn Cửa Bứa. Về đến cứ điểm Hố Gia, nơi đón quân, họ lại vui vẻ, cùng nhau hát mừng chiến thắng. Cô Năm vợ Phó soái Kiều, cô Hà Thị Khiêm con gái Tán Áo và một số chị em làng Áo Lộc, Tiên Động đến vừa mừng chiến thắng vừa chia buồn với anh em có nhà bị giặc đốt, có thân nhân bị giặc giết hại. Đêm đó, cứ điểm Hố Gia đông như ngày hội ở làng quê mỗi độ xuân sang.
Trước ngày tế cờ, thượng cờ khởi nghĩa các đoàn khách gần, khách xa đến Đại Bản doanh Tiên Động. Chủ soái và các Chỉ huy suốt ngày bận tiếp khách. Ở tỉnh Nam Định có Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi, từng làm Đốc học Nam Định. Khi giặc đánh thành Nam Định ông đã chiêu mộ binh sỹ chống Pháp kéo lên thành Hưng Hóa cùng mưu sự nghiệp kháng chiến chống Pháp lâu dài. Ông bất ngờ lên thăm khi thành Hưng Hóa bị địch chiếm quan quân chạy lên Tứ Mỹ. Đoàn đi thăm, chỉ ở lại một ngày đêm, ngày hôm sau xuôi sông Thao về quê Nam Định. Khi biết tin, quan quân đã về xây dựng căn cứ Tiên Động, ông lại lên thăm và dự lễ tế cờ, thượng cờ. Cùng đi lần này có Lãnh binh Đinh Khắc Nhưỡng, Lãnh binh Trần Gáo là những người muốn lên gặp Chủ soái Nguyễn Quang Bích bàn việc lập căn cứ đánh Pháp ở vùng quê Nam Định. Từ Thanh Hóa có Tiến sỹ Tống Duy Tân, Đốc binh Đinh Công Tráng, Lãnh binh Phạm Bành đến dự để tiếp thu kinh nghiệm về chống Pháp tại quê nhà. Từ Hải Dương, Hưng Yên lên có nguyên Chánh sứ Sơn phòng Nguyễn Thiện Thuật, người này đã có lần mời Tuần Phủ Nguyễn Quang Bích về thăm Khoái Châu, Văn Giang vùng bãi sậy bạt ngàn bàn lập căn cứ chống Pháp. Từ Bắc Ninh có các ông Đề đốc Lương Văn Nắm, Giải nguyên Nguyễn Cao về Tiên Động để có bài học xây dựng căn cứ địa vùng núi Yên Thế và Sơn Động. Các ông Bố chính Nguyễn Văn Giáp, Tán Lý Lê Đình Dật, Lãnh binh Nguyễn Bá Như thường gọi là Lãnh Mai từ căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn lên dự lễ và bàn kế hoạch hiệp đồng đánh Pháp trên đất Hưng Hóa, Sơn Tây. Đốc binh Nguyễn Đức Ngữ từ Thanh Sơn ra bàn định đánh địch tại vùng sông Đà, chặn địch tiến đánh hạt Sơn La và Lai Châu. Ông Chánh Khanh từ Xuân Áng xuống và các ông là những hào lý các làng thuộc các huyện, châu từ Bảo Thắng, Trấn Yên, Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy, Tam Nông, Yên Lập, Đoan Hùng, Văn Chấn, Phù Yên đến dự mưu tính hỗ trợ nghĩa quân giữ vòng ngoài, đón đánh địch khi chúng liều lĩnh tiến công Tiên Động. Đặc biệt có Đốc Thịnh từ Tuyên Quang về cho biết khi quân Pháp đánh lên Tuyên Quang, số quân người Nam bảo vệ thành rút quân ra ngoài thành, thực hiện bao vây lại, đánh tỉa quân giặc đã tiêu diệt hàng chục tên giặc Pháp.
Nhân dân làng Áo Lộc và nhân dân các làng thuộc huyện Cẩm khê đã quyên góp được nhiều tiền mua vải, lụa về may quần áo cho tướng sỹ. Cô Năm và cô Khiêm chủ động thuê thợ may quần áo cho tướng lĩnh, cho binh sỹ. Trước mắt phải làm gấp quần áo cho tướng sỹ và khách về dự lễ. Các cô cho may hơn một trăm bộ áo bào, ba trăm bộ áo nậu cho binh sỹ của năm đạo quân. Sắp đến ngày đại lễ, việc chuẩn bị quần áo cũng được làm xong chu tất. Cô Năm và cô Khiêm và hàng chục cô gái làng Áo Lộc, Phương Xá, Tiên Động, Hoàng Lương làm hết sức để công việc may mặc được hoàn thành. Chủ soái Nguyễn Quang Bích được tin nói với tướng Kiều và tướng Áo:
- Không ngờ được các tướng lo cho mình chu đáo đến thế. Thần thiêng phải nhờ bộ hạ là thế này đây. Bao nhiêu công việc mọi người đều lo cho cả, công việc đánh giặc cứu nước là việc chung phải nhờ vào tất cả nhân dân. Chủ tướng là người biết lo chung và phải biết sử dụng người, sử dụng tài thì thắng, sử dụng kém thì thua. Tài của người tướng thể hiện ở tầm nhìn, không cao không nhìn hết được, không tinh không nhìn thấu được. Được các tướng sỹ và nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa này yêu quý ta quá, không biết ta có làm nên sự nghiệp đánh thắng giặc Pháp không?
Phó soái Khê Ông động viên chủ tướng:
- Được thua còn phải nhờ vào thời thế nữa. Nhưng ý thức chống Pháp phải có trước, lực lượng chuẩn bị sau, ta đánh Pháp hôm nay là nêu gương cho cho đời sau đánh Pháp. Việc làm của chúng ta là rất cần thiết, sự hy sinh của chúng ta sẽ không uổng phí. Chúng ta phải tạo cho đời sau một bài học đánh giặc Pháp, bài học càng thiết thực, càng hiệu nghiệm thì dân ta càng mau giành được thắng lợi hoàn toàn.
Vừa lúc đó, cô Năm và cô Khiêm mang quần áo từ Áo Lộc sang cho Chủ soái và các tướng mặc thử. Chiếc áo bào của Chủ tướng dài rộng, khi chủ soái mặc vào, thắt lưng đeo kiếm, đầu chít khăn nâu trông giản dị nhưng rất oai nghiêm. Các tướng Kiều, Khê Ông, Quang Hoan đều khen đẹp, tíu tít mặc vào. Chủ tướng nhìn các tướng vận quân phục mới rất ưng ý, gật đầu khen cô Năm, cô Khiêm và các cô gái:
- Các cô gái vùng sông Thao, Hưng Hóa thật là tài hoa đã làm chúng tôi bất ngờ, không tưởng tượng được. Tôi có áo đại trào vua Tự Đức ban định mặc khi hành lễ tế cờ, thượng cờ và đọc hịch kêu gọi. Nhưng tôi nghĩ mình không phải là quan triều nữa, ăn mặc thế không hợp với hoàn cảnh. Tôi chưa biết làm thế nào thì có các cô giúp, may áo bào, khăn bao, khăn chít thật giản dị, rất hợp nữa. Binh lính chưa mặc nhưng tôi nhìn cũng rất ưa, rất thích rồi. Tôi thay mặt tướng sỹ xin chân thành cảm ơn nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa, cảm ơn phụ nữ các làng, trước tiên là các làng Phương Xá, Áo Lộc, Tiên Động, Hoàng Lương! Cảm ơn cô Năm, cô Khiêm đã góp công góp của, vận động, tổ chức, sáng tạo ra những bộ quần áo tướng sỹ đẹp và oai nghiêm! Mong rằng nhân dân và chị em phụ nữ sông Thao, Hưng Hóa hết lòng vì nghĩa quân, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.
Chủ soái nói hết lời, mọi người vỗ tay hoan hô và đề nghị ông ban thưởng. Chủ soái nhìn chị em mỉm cười:
- Ta chẳng biết lấy gì để thưởng cho chị em đây! Chị em nào có chồng ở đây thì ta thưởng phép cho chồng về nhà ngay đêm nay. Nếu ai chưa có chồng thì ta sẽ làm mối cho các chàng trai chưa vợ của quân ta. Các cô đồng ý chứ?
Tất cả mọi người đều vỗ tay, cười vui. Các chị em người Phương Xá, Áo Lộc, Tiên Động, Hoàng Lương nhìn Chủ soái mặt đỏ như gấc chín. Ai nấy đều phấn khởi vì công việc may cờ và quân phục đã hoàn thành cho buổi lễ tế cờ, thượng cờ sẽ diễn ra vào sớm mai. Có nhiều chị em đứng đó đã trực tiếp thêu những chữ vàng Bình-Tây-Báo-Quốc. Họ không tham gia dự lễ, nhưng họ rất vui mừng là họ là những người cắt may, thêu dệt nên là cờ nghĩa cho quan quân giương lên lập nên chiến thắng. Lá cờ sẽ theo đoàn quân đi khắp đất nước đến ngày Tổ quốc sách bóng quân thù.
Ngày hôm sau, lúc trời vừa sáng, mọi việc được tướng sỹ chuẩn bị xong. Cờ nghĩa đã mang đến đình Cả, được gấp để trên một mâm bồng, bên cạnh là những mâm bồng khác xếp cỗ chay, cỗ mặn. Các vị hào lý và dân làng Tiên Động kéo về tập trung đông đủ, trong trang phục ngày lễ trông rất nghiêm trang. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên rộn ràng tạo không khí tưng bừng hội tế lễ. Cờ thần ngũ sắc rực rỡ được cắm xung quanh đình bay phần phật trong gió thu. Đội nghi lễ cầm cờ, gươm đao, giáo mác xếp hàng chỉnh tề. Dân trong làng Tiên Động, Hoàng Lương và các làng trong tổng Áo Lộc đến dự rất đông được xếp hàng ngay ngắn chờ đón các vị chỉ huy nghĩa quân và quan khách tới dự. Từ trên Đại bản doanh, Chủ soái Nguyễn Quang Bích và quan khách trong trang phục mới rất oai nghiêm, chỉnh tề đi về phía đình Cả.
Khi Chủ soái và các vị đại biểu đến, mọi người vỗ tay và hoan hô chào mừng. Ông và quan khách cùng giơ tay chào nhân dân thân thiết như người nhà. Lý trưởng Nguyễn Gia Hè khỏe khoắn hướng dẫn quan quân đi lên dốc qua sân vào đại bái đình. Đội tế của đình bắt đầu tiến hành nghi lễ, Chủ soái trong bộ quân phục mới đứng bên chủ tế. Buổi lễ bắt đầu, chủ tế Nguyễn Bá Tín trang trọng nói lời giới thiệu Chủ soái Nguyễn Quang Bích thay mặt nghĩa quân dâng cờ. Ông tiến về phía phía trước thắp hương và nói lời khấn cầu Quốc Tổ Hùng Vương và các tướng Cao Sơn, Quý Minh, Đại Hải linh thiêng phù hộ độ trì cho nghĩa quân phát cao cờ Bình-Tây-Báo-Quốc. Sau đó đội tế cử hành nghi lễ và tiếng người đọc chúc văn vang lên trong tiếng trống, tiếng chiêng phấn khích lòng người.
Khi đó, lá cờ nghĩa được hai người lính căng ra trước đàn, trước sự chứng giám của thần linh và sự chứng kiến của mọi người. Đội rước cờ được Phó lý Trần Danh Vĩ chỉ huy đang tiến vào. Lá cờ được gấp lại đưa lên mâm bồng đặt cao nhất trên kiệu để rước vào đại đồn có cột cờ treo cờ Đại Nam trước sân rộng, nơi đây được chuẩn bị làm kỳ đài. Đội rước mang cờ thần, binh khí, khiêng kiệu đi trước, đi sau là các tướng lĩnh, quan khách, binh lính xếp hàng ngay ngắn. Đi cuối cùng là đông đảo nhân dân Tiên Động, Hoàng Lương, Áo Lộc và các làng xung quanh căn cứ. Số người tham dự rước cờ đông đến hàng nghìn người.
Trên kỳ đài và xung quanh kỳ đài được quan quân chuẩn bị. Phó soái Kiều và Phó soái Hoan đã phân công người dọn dẹp, xếp sắp, bảo vệ cẩn thận, nghiêm mật. Đội ngũ binh sỹ mặc quân phục, áo nậu mới xếp hàng nghiêm trang trong đội hình chỉnh tề. Phó soái Kiều lên điều hành, giới thiệu đại biểu về dự. Những người dân và binh sỹ được chứng kiến tận mắt những văn thân có học vị cao như Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi, Tiến sỹ Tống Duy Tân, Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn, Phó bảng Lã Xuân Oai; những vị quan phủ, quan tỉnh như Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Nguyễn Hội tức Khê Ông, Nguyễn Tác Chi; các ông lãnh binh, đốc binh các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam; các ông hào lý các làng, những người nông dân sốt sắng ở các địa phương đủ mọi miền đất nước đã tự nổi dậy cầm quân nghĩa dũng chống giặc Pháp, không chịu nghe lệnh triều đình bãi binh đều có mặt. Những hào lý và người dân các làng Tiên Động, Hoàng Lương, Áo lộc, Phùng Xá, Phương Xá, Tăng Xá đến dự nhìn thấy đội ngũ chống Pháp nổi dậy hùng mạnh, càng tin tưởng vào ngày mai chiến thắng.
Khi lá cờ đại nghĩa Bình-Tây-Báo-Quốc được kéo lên, song song với cột cờ treo quốc kỳ Đại Nam cùng phần phật tung bay trong gió. Phó soái Kiều trân trọng giới thiệu Chủ soái Nguyễn Quang Bích lên đọc Hịch đánh giặc Pháp cứu nước. Ông bước lên, trong bộ áo bào màu nâu mới rất nghiêm trang. Tiếng vị Chủ soái vang lên:
Hỡi đồng bào và tướng sỹ!
Chúng ta đang chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược, vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Sự nghiệp chống giặc cứu nước là của toàn dân, nhưng nghĩa quân ta phải gánh trách nhiệm tiên phong. Do đó, chúng ta phải quên mình chiến đấu vì nước, vì dân và vì hậu thế muôn đời!
Giặc Pháp cấu kết với bè lũ tay sai đã gây ra biết bao nhiêu tội ác. Chúng thao túng triều đình, chia cắt đất nước, áp bức, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, bắt bớ, giết người, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, tàn bạo như lũ sói lang. Tội ác của chúng chồng chất, người đời không thể ghi hết, trời không dung đất không tha!
Mọi người Đại Nam ta sẵn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, nên các tướng sỹ và mọi người dân đã dũng cảm đứng lên cầm súng, gươm đao, cung tên hăng hái giết giặc Pháp. Quan quân Hưng Hóa đã nêu gương chiến đấu bảo vệ thành và bây giờ chúng ta tiến về xây dựng căn cứ Tiên Động chống giặc Pháp, làm gương cứu nguy dân tộc, giải phóng đất nước. Sự nghiệp cứu nước của chúng ta là rất chính nghĩa và rất vinh quang nên sẽ mau chóng hoàn thành.
Nay được đồng bào và các tướng sỹ hết lòng ủng hộ, cùng nhau nêu cao quyết tâm khôi phục giang sơn, bảo vệ cơ đồ. Chúng ta ở mọi miền đất nước tập trung tại căn cứ Tiên Động để giương cao ngọn cờ chống giặc Pháp xâm lược. Đứng dưới lá cờ Tổ quốc Đại Nam và lá cờ đại nghĩa Bình-Tây-báo-Quốc có trời đất, thần linh, Tổ tiên, Anh hùng Liệt sỹ linh thiêng chứng giám, chúng ta cùng nhau xin thề:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Đại Nam, xả thân đánh giặc để Bình-Tây-Báo-Quốc!- Xin thề!
2. Nguyện chiến đấu đến cùng chống giặc Pháp, không đầu hàng, không phản bội, không đào nhiệm, trung thành tuyệt đối, sát cánh cùng nhau cứu dân, cứu nước! - Xin thề!
3 . Kẻ nào đầu hàng, phản bội thì trời tru đất triệt! - Xin thề!
Lời hô“ Xin thề!”, “Xin thề!”, “Xin thề!” vang lên từng đợt. Tiếng hô của hàng ngàn người làm rung động núi đồi Tiên Động. Tiếng hô làm dậy sóng sông Thao, chuyển rung cả dãy núi Lưỡi hái và dãy Hoàng Liên. Tiếng hô khắc ghi vào tâm khảm mỗi người chỉ huy, mỗi người lính, người dân. Họ sẽ giữ vững lời thề, kiên quyết chống Pháp và hy sinh chứ không chịu khuất phục quân thù.
Tiên Động đã thượng cờ khởi nghĩa, truyền đi lời hịch cứu nước thiêng liêng. Ngọn cờ đại nghĩa đã tung bay trên vùng đất sông Thao, Hưng Hóa lịch sử làm cho quân thù run sợ. Tiên Động thực sự trở thành trung tâm kháng chiến của xứ Bắc Kỳ và của cả nước. Nghĩa quân Tiên Động tự đứng lên phất cao cờ khởi nghĩa, chống lại chính quyền thực dân Pháp cấu kết với bè lũ tay sai đã bắt đầu đặt ách thống trị lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam.