Buổi sáng thực hiện lễ tế cờ, thượng cờ, buổi chiều tại Tiên Động diễn ra cuộc Hội tướng, bao gồm những người chỉ huy các mặt trận, các lực lượng nổi dậy khắp các địa phương, các vùng miền. Các chỉ huy Tiên Động đại diện cho mặt trận sông Thao, Hưng Hóa, có mặt Chủ soái Nguyễn Quang Bích, Phó soái Nguyễn Quang Hoan, Phó soái Kiều tức Hoàng Văn Thúy, Phó soái Khê Ông tức Nguyễn Hội. Đại diện cho trận tuyến phía đông, vùng Thạch Sơn,Thanh Mai, Minh Nông, Hạc Trì, Việt Trì có các ông Bố chính Nguyễn Văn Giáp, Lãnh binh Nguyễn Văn Như tức Lãnh Mai, Tán lý Lê Đình Dật. Đại diện cho trận tuyến phía tây vùng núi châu Thanh Sơn, Chợ Bờ, Sơn La, Lai Châu có Đốc binh Nguyễn Đức Ngữ, Đốc binh Đinh Văn Nam, Đinh Hữu Đức, Đèo Văn Trì, Lãnh binh Cầm Tám. Đại diện cho mặt trận Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên có Đốc binh Nguyễn Đông, Chánh sứ sơn phòng Nguyễn Thiện Thuật. Đại diện cho mặt trận Nam Định có Tiến sỹ, Đốc học Vũ Hữu Lợi, Đốc Binh Trần Gáo, Lãnh binh Đinh Khắc Nhưỡng. Đại diện cho mặt trận Thanh Hóa, Ninh Bình có Tiến sỹ, Chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân, Đốc binh Đinh Công Tráng, Lãnh Binh Phạm Bành, Lãnh binh Hà Văn Mao, Đốc binh Cao Điền. Đại Diện cho phòng tuyến Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bố chánh Nguyễn Cao tức Nguyễn Cách Phan, Đốc binh Lương Văn Nắm. Đại Diện cho phòng tuyến Tuyên Quang, Cao Bằng có Đốc binh Ma Văn Thịnh, Đốc binh Võ Đức Tài, Đốc binh Hoàng Chí Dân, Lãnh binh Lương Tuấn Tú. Đại diện cho mặt trận Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kinh thành Huế có Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tán lý Nguyễn Tác Chi, Đốc binh Lê Văn Thao. Đặc biệt là có Phó bảng Lã Quốc Oai vừa từ phòng tuyến Lạng Bằng, Quảng Yên về và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn vừa từ mặt trận Nghệ An ra.
Các ông thủ lĩnh, hào lý địa phương nổi dậy chống giặc Pháp và bé lũ tay sai rất đông đảo. Huyện Hà Hòa có các ông Chánh Khanh, Chánh Đa, Chánh Ngân, Chánh Mạc, Chánh Hặc, Chánh Chấp. Huyện Thanh Ba có các ông Chánh Sen, Lý Tác, Lý Hậu, Lý Nga, Chánh Tứ, Cử Cẳng, Chánh Cồ, Chánh Rửng, Phó Xứng, Bang Nghiệp. Huyện Thanh Thủy có Chánh Hiệp, Lý Dị, Chánh Đại, Lý Xồ. Sơn Vi có Ma Vân, Chánh Hùng. Tam Nông có Chánh Thành. Châu Yên Lập có Chánh Sành, Lý Sỏi. Huyện Cẩm Khê có các ông Lý Xù, Lý Hòa, Chánh Áo, Chánh Khảm, Chánh Lệ. Ba ông Chánh Áo, Chánh Lệ, Chánh Khảm đã được phong chức Tán tương quân vụ đang làm việc tại Chỉ huy Đại bản doanh. Châu Thanh Sơn có Tuần Vừng, Quản Chảng, Lý Ba, Cai Bút, Trùm Vùn. Phủ Đoan Hùng có Lý Thực, Chánh Chí. Phủ Lâm Thao có Cai Kình, Đội Bốn. Hạt Sơn La có Phìa Hoan, Trấn Yên có Chánh Quang, Văn Chấn có Thào Chếnh Lừ, Đào Chính Lục.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích cho mời trưởng, phó chỉ huy các đạo quân. Đạo Tiền quân có Đốc Tiến, Phó Đốc Quýnh. Đạo Hữu quân có Đốc Nhì, Phó Đốc Tuế. Đạo Tả quân có Đốc Học, Phó Đốc Hoài, Phó Đốc Lệ -người mới được cất nhắc. Đạo Hậu quân có Phó Đốc Biêu, Phó Đốc Nhân-người mới được đề bạt. Đạo Trung quân có Phó Đốc Đức, Phó Đốc Bằng. Chỉ huy các đội quân hoạt động độc lập như Đốc Sơn, Đốc Doãn, Đốc Bách.
Như vậy, hội nghị các tướng gồm các chỉ huy, lãnh đạo các mặt trận, các lực lượng kháng chiến, các ông đại diện cho các đội quân khởi nghĩa chống giặc Pháp từ Trung Kỳ trở ra Bắc Kỳ. Tập trung đông nhất là các chỉ huy ở các làng, tổng, huyện, châu vùng sông Thao, Hưng Hóa, và các vị trong nghĩa quân Tiên Động. Lực lượng đông đảo, tạo ra được thanh thế, lập được căn cứ làm chỗ dựa cho phong trào đánh Pháp của cả nước.
Tại Hội trường Đại bản doanh Tiên Động, mọi người được gặp nhau cùng bàn cách đánh giặc Pháp và chống lại bè lũ tay sai. Cuộc Hội tướng lần này có tính chất gặp mặt, trao đổi kế sách, mưu lược đánh Pháp. Điều hành cuộc hội là Phó soái Khê Ông, ông muốn để cho mọi người tự nêu câu hỏi và các tướng, các thủ lĩnh cùng nhau bàn bạc, trả lời. Chủ soái Nguyễn Quang Bích được coi như là Chủ tướng của phong trào đánh Pháp toàn Bắc Kỳ và Trung Kỳ, ông được Khê Ông giới thiệu lên nói lời đầu tiên. Chủ soái đầu mang khăn xếp màu nâu, khoác áo bào, lưng đeo gươm đi lên bàn điều hành hội nghị trịnh trọng nói:
- Thưa toàn thể các tướng lĩnh, các chiến hữu! Giặc Tây bao gồm người Pháp, người Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha, Anh, Mỹ đang tràn ngập châu Á. Chúng đưa quân đánh và âm mưu chiếm đóng nước Tàu, Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Dương, Xiêm La, Mã Lai, Ai Lao, Cao Miên, Miến Điện và Việt Nam. Chúng ta mất nước vì triều đình Nguyễn đến thời suy tàn, mục nát. Trong quá trình thực hiện chiến tranh xâm lược, quân Pháp dùng chiến thuật “ Tằm ăn lá dâu”, nghĩa là thực hiện đánh chiếm dần dần. Đánh đến đâu thì giữ chắc đến đấy, bình định chiếm đất, bắt buộc vua quan ta ký những hòa ước vô lý, gọi là Hiệp ước “ Hòa bình”, “ Hữu nghị” và “An ninh” thực chất là buộc ta phải công nhận sự có mặt của chúng, chiếm đất, bắt ta bồi thường chiến phí. Từ năm 1858 đến nay đã hơn 26 năm, giặc Pháp đã cơ bản chiếm xong Việt Nam và đang trong quá trình bình định.
Chủ soái vừa nói vừa nhìn các tướng, các chỉ huy nghĩa quân, thấy họ chú ý lắng nghe, ông lên giọng nói tiếp:
- Triều đình đã chấp nhận sự xâm lược, quỳ gối đầu hàng giặc Pháp. Đồng ý cho Pháp chia cắt đất nước. Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp, cả 6 tỉnh Nam Kỳ bây giờ là của Pháp. Bắc Kỳ là nửa bảo hộ và nửa thuộc địa, Trung Kỳ là bảo hộ của Pháp. Chúng gọi thế là để lừa phỉnh dân ta, thực chất là chúng đã chiếm nước ta, đặt bộ máy thống trị của chúng lên trên toàn bộ lãnh thổ Đại Nam. Chúng đặt quan Toàn quyền, mỗi xứ có quan Khâm sứ, Thống sứ; mỗi tỉnh, mỗi phủ chúng đặt Chánh sứ. Không cho dân ba kỳ đi lại, nếu đi lại qua các kỳ thì phải có giấy phép, mặc dù đây là dân của cùng một nước. Không cho vua quan ta quan hệ với bất cứ nước nào, thậm chí ấn phong của nước Tàu đã bị người Pháp thu và cho vào bễ nung chảy. Chúng thu tất cả các nguồn lợi về tài nguyên và độc quyền in giấy bạc làm chủ về tài chính. Chúng dùng bộ máy vua quan để cai trị dân, bóc lột dân bằng đủ các thứ thuế vô lý, tự do bắt lính, bắt phu. Nghĩa là dân ta phải làm nô lệ cho chúng, rồi đây cuộc sống của dân ta sẽ cực khổ, điêu linh hơn trước nhiều lần.
Khi ông vừa ngừng lời, Đốc binh Nguyễn Đông thuộc mặt trận Hà Nội đứng lên hỏi Chủ soái:
- Vì sao triều đình ta lại hèn nhát đến thế? Triều đình ta còn có những ai kiên quyết chống Pháp như Chủ soái không? Nếu còn thì bao giờ họ có thể ra tay chống Pháp? Nếu họ nổi lên thì chúng ta phải làm như thế nào?
- Đây là câu hỏi khó, nó có vấn đề phải nói thẳng để mọi người hiểu. Triều đình ta hèn nhát là vì yếu kém, nên thua giặc, dĩ nhiên là phải đầu hàng giặc. Là kẻ đầu hàng giặc rất nhục nhã. Vì sao chúng ta thua Pháp, cũng vì triều đình bảo thủ, trì trệ không chịu canh tân đất nước. Chúng ta đã không chịu tiếp thu những thành tựu kỹ thuật tiền tiến của phương Tây. Chúng ta cứ giữ cái cũ kỹ, lại cho chúng ta là tiền tiến văn minh, coi người Tây như là bày man rợ. Chúng ta thua họ vì chúng ta không chịu cập nhật cái mới, không chịu học cái mới, nên mọi thứ chúng ta đều lạc hậu. Trong khi đó triều đình lại xa rời dân chúng, coi dân chúng như cỏ rác, không muốn cộng tác với dân chúng, sợ dân chúng nổi dậy, lật đổ. Đến khi có chiến tranh xâm lược, dân chúng bỏ rơi quan quân, không coi quan quân ra gì. Đến khi thua thì dân với quân ta muốn chống giặc thì đã muộn rồi.
Chủ soái đưa mắt nhìn Đốc binh Nguyễn Đông vừa nêu câu hỏi và nói tiếp:
- Hiện nay không phải triều đình ta không có người chống Pháp. Phải chủ hòa là phái chấp nhận sự đầu hàng, can tâm làm nô lệ, làm tay sai. Vì họ tham sống sợ chết, vì họ chủ tâm đến quyền lợi cá nhân. Phái chủ chiến là phái chống Pháp, trong đó còn có người không giữ vững lập trường, sẽ ngả nghiêng theo địch. Còn lại gồm những người kiên quyết họ sẽ tìm cách chống Pháp cứu nước đến cùng bằng cách nổi dậy chống Pháp tại Kinh đô, chẳng mà thua thì họ chạy ra bưng biền, ra rừng núi. Trước đây, tại Nam Kỳ đã có các ông Lãnh binh Trương Định, Đốc binh Nguyễn Trung Trực, có các nhà khoa bảng, trí thức như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp, thi nhân Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị và nhiều người yêu nước khác. Khi Pháp xâm lược Nam Kỳ họ đã đứng lên đánh địch, tiêu diệt nhiều địch, đốt và đánh chìm cả tàu chiến của giặc Pháp. Nghe nói tới giờ tại Nam Kỳ vẫn có người đứng lên kiên trì chống giặc Pháp. Hiện Nay, Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã có lực lượng nổi dậy đông đảo mà phần lớn đang có đại diện tại đây. Bao gồm các văn thân, võ tướng, quan lại, hào lý, binh sỹ đã tự bỏ hàng ngũ triều đình, trao trả ấn tín, chức sắc đứng lên tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp xâm lược. Cho nên, tôi nghĩ người của triều đình ta không phải là quy hàng cả, sẽ có người đứng lên chống giặc Pháp. Nếu họ đứng lên khởi nghĩa, kêu gọi chúng ta thì chúng ta sẽ ủng hộ họ để tăng thêm lực lượng chống giặc Pháp. Về thời gian nào thì họ sẽ khởi sự? Theo tôi nghĩ, đây là thời gian cuối cùng, họ không thể lẩn khuất mãi mà phải ra mặt, ra tay chống Pháp.
- Như thế thì lực lượng nổi dậy sẽ rơi vào thế yếu? Quan quân chưa có chuẩn bị sẽ rơi vào thế bị động. Quân Pháp đã cho rải quân đóng dày đặc và kiểm soát Kinh thành Huế thì nổi dậy làm sao?- Đốc Đông lại nói tiếp.
- Đúng là như vậy. - Chủ soái nói - giặc Pháp đã chiếm đóng ở cả mặt Bắc và Nam Kinh thành Huế. Chúng đã tung hương gián ra hoạt động, nếu nổi dậy mà bị lộ thì ta chỉ có mà thua. Khi ta nổi dậy mà không có người chỉ huy giỏi, binh sỹ có dũng cảm mấy cũng không thắng nổi giặc Pháp. Hơn nữa giặc Pháp đã tăng cường lực lượng, trang bị vũ khí tối tân, quân ta tuy nhiều, tinh thần tốt, song trang bị kém thì không thể giữ được lâu. Nhưng dù sao phái chủ chiến mà nổi dậy, kéo theo cả nhà vua thì chúng ta sẽ là lực lượng tiếp ứng, phò vua.
Lúc đó Đình nguyên Phan Đình Phùng đứng lên xin có ý kiến:
- Thưa Chủ soái Nguyễn Quang Bích và tất cả chiến hữu! Tôi lặn lội từ quê hương Hà Tĩnh ra, thấy lực lượng của nghĩa quân sông Thao, Hưng Hóa lớn mạnh, kiên quyết đánh giặc, bảo vệ thành Hưng Hóa, nêu một tấm gương kiên cường chống giặc Pháp. Đã lập được căn cứ Tiên Động làm nơi đứng chân cho nghĩa sỹ cả nước về tề tựu. Đã giương cao ngọn cờ Bình Tây Báo Quốc, nên tôi rất tin tưởng vào lực lượng và khả năng thắng lợi của nghĩa quân. Tôi cũng xin nói lại để anh em tướng lĩnh, chiến hữu được biết. Tôi đang làm quan Ngự sử của triều Huế. Ngày triều đình họp bàn phề vua Hiệp Hòa tôi đã đứng lên can ngăn, các quan Phụ chính lúc đó là ông Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất thuyết, Trần Tiễn Thành. Tôi nói rằng:“Tự quân chưa có tội gì mà làm sự phế lập như thế thì sao phải lẽ?”. Thế là các ông Phụ chính ra lệnh bắt giam tôi và cách chức đuổi về quê. Sau đó, tôi được nghe nói, họ cho vua Hiệp Hòa uống thuốc độc chết, lập vua Kiến Phúc. Dư luận có nêu sự việc các ông quan Phụ chính còn sát hại lẫn nhau, ông Tôn Thất Thuyết và ông Nguyễn Văn Tường cho lính đến tận nhà Phụ chính Trần Tiễn Thành giết chết ông ấy. Ngày đó là ngày 29 tháng 11 năm Quý Mùi ( 1883). Đến năm nay, ngày 1 tháng 8 Giáp Thân ( 1884) vừa rồi, nghe đồn họ ngấm ngầm giết vua Kiến Phúc đưa Ứng Lịch mới 13 tuổi lên ngôi vua, hiệu là Hàm Nghi. Bây giờ người Pháp cũng không nhất trí cho vua Hàm Nghi đăng quang. Triều đình đang bộn rộn về vấn đề này, chưa biết tình thế như thế nào. Khi ấy, tôi đã về quê Hà Tĩnh, tập họp binh sỹ chọn rừng núi Hương Khê để khởi sự. Nghe tin quan quân của Đình nguyên Hoàng giáp, Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích thượng cờ khởi nghĩa, tôi đã lên đường ra đây để được gặp gỡ quan quân.
Cả hội nghị vỗ tay hoan hô Đình nguyên Phan Đình Phùng, từ trận tuyến Hà Tĩnh ra dự lế tế cờ, thượng cờ và phát biểu về những sự thực diễn ra tại nội các Huế. Bố chính Nguyễn Văn Giáp đứng lên yêu cầu ông Phan Đình Phùng nói cho mọi người biết rõ thêm về tình hình triều chính.
- Thưa Chủ soái và tất cả các tướng sỹ, các chiến hữu! Triều đình nhà Nguyễn đến đời Tự Đức thì suy vi thực sự rồi. Mấy năm trước đây, nước ta đã có các nhà cải cách như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đã gửi những bản điều trần, kế sách hay về cải cách. Nếu triều đình ta chịu theo những tư tưởng tiến bộ của các nhà canh tân ấy thì chúng ta cũng đã phát triển như nước Nhật và sẽ theo kịp các nước phương Tây. Triều đình ta bảo thủ trì trệ, đóng cửa không chịu giao lưu, mở mang, phạm những sai lầm trần trọng như cấm đạo Thiên Chúa, cấm buôn bán với nước ngoài, không phát triển kỹ nghệ. Để đến nỗi kinh tế, kỹ thuật, khoa học tụt hậu, thế là nước ta hèn. Nước yếu thì nguy cơ bị nước ngoài xâm lăng là dĩ nhiên. Đến khi bị giặc Pháp xâm lược, thì lại có tư tưởng cầu hòa, sợ giặc. Lúc đầu quân ta còn mạnh, chúng ta còn giữ được cửa biển Đà Nẵng. Sau đó giặc Pháp vào đánh chiếm Gia Định thì thế quân ta thua hẳn. Sau trận Kỳ Hòa thì trượt dốc, quân ta chỉ có thua và thua. Khi chỉ có thua thì vua tôi cầu an, sợ giặc, nối giáo cho địch như nhượng đất ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Sau đó giặc Pháp lại tiến công, quân ta lại thua lại phải nhượng nốt đất ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho chúng. Nhân dân ta nổi dậy thì vua ra lệnh cho bãi binh. Tư tưởng đầu hàng, phản bội dân tộc đã xuất hiện trong tư tưởng của nhà vua và quan quân. Nên những kế sách đánh giặc của những nhà cầm quân đều bị vô hiệu hóa, quan quân đã thất bại liên tục. Các nhà cầm quân tài năng như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đều bất lực và thua trận. Giặc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, tướng Nguyễn Tri Phương bị trọng thương và bị bắt nhịn ăn mà chết. Giặc Pháp đánh lần thứ thứ hai, tướng Hoàng Diệu thua trận, thành bị chiếm, thấy đau đớn phải tuẫn tiết. Các thành Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang lần lượt bị địch chiếm. Có những thành chúng chiếm một cách dễ dàng không hao tổn binh lực gì, có những vùng đất chúng chiếm dễ như đi vào chỗ không người. Chỉ có quan quân thành Hưng Hóa đã kiên cường chiến đấu mới giữ được hai ba ngày. Hiện nay quân Pháp đã tăng cường tối đa những cuộc hành quân đánh chiếm. Chúng đã huy động lực lượng tập trung cơ động hàng sáu, bảy nghìn quân có nơi chúng đã huy động hàng vạn quân. Đó là cái khó cho chúng ta nổi dậy và đứng vững. Lực lượng của nghĩa quân Tiên Động phải mạnh lên nhiều hơn nữa mới có thể giữ vững và phát triển lên được.
Mọi người lại vỗ tay hoan hô lời nói của Đình nguyên Phan Đình Phùng. Ông Lãnh binh Đinh Khắc Nhưỡng từ mặt trận Nam Định đứng lên yêu cầu ông Phùng nói tiếp. Ông muốn vị Đình nguyên này nói về việc chỉ đạo kháng chiến chống Pháp phải nên như thế nào thì bảo đảm thắng lợi.
- Đây là vấn đề cần phải nhiều người bàn, phải đi đến thống nhất để chỉ đạo kháng chiến. Tôi chỉ xin phép được nêu phương hướng chung. Một là tất cả các lực lượng kháng chiến cả nước phải được tập hợp lại, có sự chỉ đạo thống nhất. Chính vì lý do này, tôi đã lặn lội từ miền Trung ra để gặp Chủ soái Nguyễn Quang Bích và mọi người tại đây. Hai là chúng ta phải tác chiến độc lập, sau đó rất cần phải tác chiến tập trung. Cho nên chúng ta bàn cụ thể xem có cần phải chờ hay dựa vào triều đình nữa hay không? Chúng ta hiện nay đã và đang độc lập tác chiến, quân sỹ đều tự nguyện, tự giác tham gia, không có chế độ lương bổng gì, hy sinh tất cả vì nghĩa lớn. Đã độc lập tác chiến chúng ta có cần phải xây thành đắp lũy không? Về phương diện trang bị vũ khí, hậu cần phải tính như thế nào? Về ngoại giao với các nước phải làm ra sao? Những việc này quan quân suy nghĩ và đề ra cho sát với thực tiễn chiến đấu. Ba là chúng ta phải có giao thông liên lạc, giữa các mặt trận, giữa các trận tuyến, giữa các địa phương. Bây giờ người Pháp cấm sự đi lại, ngăn cản sự liên lạc. Con đường liên lạc mà không giữ vững thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, không ứng cứu nhau được, dẫn đến phân tán và sẽ thua. Giao thông liên lạc coi như mạch máu của cơ thể sống, máu ngừng chảy chỗ nào thì xương thịt chết chỗ ấy. Bốn là phải xây dựng được lực lượng bên trong để tiếp ứng, hoạt động phản gián, làm binh vận, hạn chế thấp nhất lực lượng quân Pháp, quân ngụy đánh lại quân ta. Hiện nay, người Pháp đang dùng lực lượng người Việt đánh người Việt, nghe nói chúng đang lập hàng binh đoàn người Việt để chống quân khởi nghĩa. Năm là phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân dân, phải đưa ra chính sách cụ thể về dân vận, binh vận. Đấy là những vấn đề mà tôi nêu ra, có thể gọi là kế sách ban đầu, mọi người cùng suy nghĩ để mà cùng hành động, nhất là các chủ tướng chỉ huy ở các mặt trận, chiến tuyến và phòng tuyến hiện nay.
Cả hội trường tiếp tục vỗ tay hoan hô Đình nguyên Phan Đình Phùng đã có nhưng ý kiến chỉ đạo tương đối toàn diện và rất sâu sắc. Chủ soái Nguyễn Quang Bích có nhiều lời khen ngợi và có gợi ý cho ngài viết cuốn sách “Bình Tây cứu quốc”. Ông Phan Đình Phùng vui vẻ nhận lời. Khi Chủ soái vừa dứt lời thì quan Phó bảng, Tổng đốc Lạng Bằng Lã Xuân Oai đứng lên có lời tham luận:
- Thưa Chủ soái, toàn thể các tướng lĩnh và các chiến hữu! Về hội kiến tại căn cứ Tiên Động, tôi đã được tham dự lễ tế cờ và thượng cờ, được hân hạnh gặp gỡ quan quân giữ thành Hưng Hóa anh hùng. Tôi có cảm tưởng như đến với một triều đình mới vậy, được nghe Hịch kêu gọi của Chủ soái và được nghe những ý kiến phân tích về tình hình nước nhà, được nghe Đình nguyên, Ngự sử Phan Đình Phùng cho biết tin thêm về triều chính, về kế sách hiện nay phải làm gì. Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến xuất sắc của ông Phan Đình Phùng đưa ra. Tôi chỉ có ý kiến thêm về tình hình hiện nay, về cách chống giặc Pháp. Như mọi người đã biết, tình thế nước ta bây giờ hết sức lâm nguy, giặc Pháp đã chiếm được toàn bộ quốc gia. Chúng có khoảng năm sáu vạn quân chưa kể ngụy quân là lính cơ và lính tập. Mặc dù chúng được trang bị tàu sắt, đại bác, súng bắn nhanh, bắn xa nhưng không phải là mạnh. Quân dân ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng giặc Pháp nếu mỗi người chúng ta đồng lòng, đều có tinh thần giết giặc, tinh thần chiến đấu đến cùng như quân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa này.
Trên hội trường, tiếng vỗ tay, lời hoan hô vang lên như sấm, thiết thực kịp thời động viên những lời nói của quan Phó bảng Tổng đốc Lạng Bằng. Ngài Phó soái Khê Ông phải yêu cầu tướng sỹ giữ trật tự, im lặng để ông Lã Xuân Oai nói tiếp.
- Thưa các vị! Tôi đã từng cùng ông Tôn Thất Thuyết, diệt giặc Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh cầm đầu và bắt tên giặc Trận ở làng Cổ Loa và dẹp giặc Khách tên là Lý Dương Tài, đã cùng quân Tàu bắt được Lý Dương Tài ở núi Nghiêm Hậu, tỉnh Thái Nguyên. Năm Canh Thìn ( 1880), tôi cùng với Tinh biên sứ Hoàng Kế Viêm dẹp giặc giã ở đạo Đoan Hùng và đạo Lạng Giang thắng lợi. Tôi được đề bạt chức Tổng đốc Lạng Bằng gồm các phủ Lạng Sơn và Cao Bằng. Những năm ấy tôi đã có kinh nghiệm đánh giặc, biết kết hợp giữa quân ta và quân Tàu cùng dẹp giặc. Tôi thấy quân ta cũng không phải là kém, nếu có người chỉ huy giỏi, quyết đánh là sẽ thắng giặc.
Tôi theo dõi chiến sự vùng Bắc Kỳ, nhận thấy về phía ta quân quan không quyết chiến, lừng chừng sợ địch. Những người chỉ huy nắm trong tay hàng vạn quân như ông Hoàng Kế Viêm, thấy quân ta bị vây ở thành Hà Nội, thành Sơn Tây mà cũng không ra quân tiếp cứu để đến nỗi bị mất thành Hà Nội và thành Sơn Tây. Kể về những chiến thắng các năm trước đây, khi quân ta giết được tổng chỉ huy giặc là Phờ-răng-xi Gác-ni-ê ( Francis Garnier ), hay sau này là Hăng-ri Ri-vi-e (Henri Rviere), chúng ta không dám tiến công thành Hà Nội để thu về mà lại chần chừ để cho giặc có đất đứng chân, chờ viện binh sang lại mở các đợt tiến công mới vào quân ta. Việc binh phải nhanh chóng chớp thời cơ thuận lợi mà đánh, thế quân sẽ như vũ bão. Đằng này lại để mất thời cơ vừa tạo được. Trời ơi, thật tiếc thay! Tôi cho rằng triều đình như kẻ nối giáo cho giặc, phản lại dân tộc, cho nên tôi xin từ quan về nhà để mưu sự nghiệp cứu nước. Tôi luôn luôn theo dõi cuộc chiến đấu của nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa, thấy rằng quan quan ở đây có thể đánh thắng quân xâm lược Pháp nên tôi đã tìm đường lên đây để kết nối đồng chí, đồng sự, cùng đồng tâm cứu nước.
Phó soái Khê Ông đưa hai bàn tay lên vỗ, cả hội trường vỗ tay theo hoan hô Phó Bảng, Tổng đốc Lã Xuân Oai. Ông hứng khởi nói, tiếng nói của ông vang ra ngoài hội trường át cả tiếng gió mùa thu thổi rì rào.
- Tôi đã thực tế trải qua cuộc dẹp loạn trong nước, đánh bọn giặc cỏ từ vùng Hưng Hóa, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Yên, Lạng Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Qua chiến đấu tôi thấy bài học quan trọng là quan quân phải được nhân dân địa phương ủng hộ. Quân với dân phải gắn kết với nhau như cá với nước. Cá không có nước, cá chết; quân không có dân, quân chết. Tướng sỹ phải thương yêu nhau như anh em một nhà, phải tin tưởng vào nhau, sống chết cùng nhau thì thắng giặc. Tướng sỹ không thương yêu nhau, mất đoàn kết, coi nhau như người ngoài thì sẽ thua, coi nhau như cừu thù thì càng thua đau.
Về mặt quan hệ với nhà Thanh, nước Tàu, theo tôi chúng ta không nên trông cậy gì nhiều. Trong những năm qua, do yêu cầu của phía ta, họ đem quân tràn sang đánh Pháp. Nhưng trên thực tế có nhiều đội quân của họ làm ta không phân biệt là chính hay tà. Quân họ đã có hành động vô kỷ luật, giết người, cướp của, đốt nhà, phá làng. Họ làm các việc đó trước mắt quân ta, làm cho lương tướng, lương quân rất khó xử. Quân của họ tuy đông, nhưng ô hợp, nên không mạnh có tướng Pháp nói rằng:“ đánh quân Tàu không khó bằng đánh quân An Nam”. Mặt khác nước họ cũng đang bị các nước đề quốc phương Tây xâu xé, đâu có yên. Bắt buộc họ phải ký những hiệp ước vô lý, bắt đền bù chiến phí, bắt nhượng đất, nhượng địa. Ta muốn dựa vào họ, nhưng họ có mạnh đâu mà dựa, khác nào chết đuối vớ phải bòn bọt. Tôi rất nhất trí với những bức thư của Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích viết cho Hoàng đế Tự Đức là không mời quân Tàu sang nước ta nữa, là đúng. Nhưng hiện nay, dân ta và dân Tàu đang cùng chung hoạn nạn, cùng bị các nước phương Tây xâm lược nên ta phải đoàn kết với họ chống kẻ thù chung. Nhiều đời dân ta, nhiều triều đại ta sát cánh với người Tàu chống kẻ thù chung đã giành được thắng lợi vẻ vang đó.
Khi ngài Lã Xuân Oai nói tới đó, mọi người thấy Chủ soái Nguyễn Quang Bích gật gật đầu. Chắc là ông đã nghĩ nhiều về vấn đề này. Ông thấy nước ta và nước Tàu cùng có nét tương đồng về văn hóa. Nhân dân cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo đều có lòng tốt thương yêu nhau, coi nhau như anh em một nhà. Những người bạn mà ông đã giúp họ hoàn lương đều là những con người kiên cường, nghĩa khí, trung thành như Đốc binh Lý Phúc, Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc, Tán lý Chu Thiết Nhai. Ông nhìn Phó bảng Lã Xuân Oai trìu mến và yêu cầu:
- Xin quan Tổng đốc cho biết kế sách đánh Pháp hiện nay?
- Xin thưa Chủ soái! Tôi cũng đồng ý với kế sách mà quan nghè Phan Đình Phùng trình bày trước tướng sỹ. Tôi chỉ có thêm là cần phải tập trung lực lượng. Hiện nay quân địch đã đánh tập trung hàng trung đoàn, binh đoàn mà ta chỉ có một vài đơn vị nhỏ, không thể đứng vững trước sức tiến công ào ạt của địch vượt trội về hỏa lực và xung lực. Quân ta chỉ lo cố thủ mà không tiến công thì thua. Hỏa lực của địch mạnh, xung lực địch nhiều gấp bội mình mà mình cố thủ thì không cố thủ nổi đâu. Cho nên cần phải chú ý tiến công tiêu diệt địch, mà muốm tiến công tiêu diệt địch thì cần có lực lượng tập trung, cơ động mới có thể ứng cứu được nhau, mới phối hợp tiêu diệt được kẻ địch. Phải có kế hoạch đánh tiêu diệt, từng đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, binh đoàn của quân Pháp. Phải tạo ra uy thế, phải tạo được sức quân, xây dựng thêm lực lượng mới có thể đánh mạnh, thắng lớn.
Lúc đó đôi mắt tinh anh của quan Tổng đốc Lã Xuân Oai nhìn về phía Lãnh Mai, người của trận tuyến phía đông Thanh Mai-Thạch Sơn. Nhìn về phía Đốc Thịnh trấn giữ mặt trận Tuyên Quang, ông điềm đạm nói:
- Cũng cần có căn cứ hiểm yếu như Thanh Mai- Thạch Sơn để cố thủ khi lực lượng ta còn ít. Ngay cả Tiên Động đây cũng phải dựa vào địa hình hiểm yếu để cố thủ. Cố thủ để bảo toàn lực lượng, nhưng cũng dễ đi đến bị động khi tác chiến. Pháo binh địch không cho phép chúng ta cố thủ được lâu đâu. Khi địch dùng lực lượng tập trung lớn mạnh gấp nhiều quân ta, chúng ta sẽ không thế chống đỡ được. Không chống đỡ được thì sẽ bị tiêu diệt, bỏ vị trí thì hoảng loạn dễ bị bắt, mà có rút lui cũng khó an toàn. Thế thì cần điều kiện gì để thắng địch mạnh hơn ta. Ngày xưa ông cha đánh giặc có bàn cách đánh “lấy không thắng có, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Đấy là biết chọn thời cơ mà đánh địch, chủ động đánh địch, lợi dụng địa hình, địa vật, thế sông núi hiểm trở để đánh địch. Bây giờ là thời hiện đại, phép dùng binh cũng phải thay đổi, tướng sỹ phải vắt óc mà suy nghĩ tìm cách đánh địch hiệu quả nhất. Hôm qua khi tôi đến Đại bản doanh Tiên Động gặp Đốc Thịnh từ Tuyên Quang về có nói là ông và quan quân đã thực hiện kế sách bao vây lại quân địch. Địch ở trong thành Tuyên Quang, quân ta dưới sự chỉ huy của Đốc Thịnh đã dũng cảm bao vây, không cho chúng ra khỏi thành, chặn đánh các cuộc hành quân của chúng từ nơi xuất phát. Cách đánh này cũng nên phổ biến cho quan quân các nơi học tập làm theo. Về vũ khí trang bị cần huy động sự giúp đỡ của nhân dân, quan quân Tiên Động đã làm được vũ khí tự tạo như thủ pháo, đúc được súng hỏa mai. Nghĩa quân của quan nghè Phan Đình Phùng cũng đang mở xưởng đúc súng để trang bị cho binh sỹ. Mặt khác chúng ta cần phải huy động được nguồn tiền tệ, vàng bạc, châu báu trong dân, trong nước để mua vũ khí đạn dược từ nước Tàu, Ai Lao, Cao Miên, Xiêm La và của chính các nước phương Tây bán lại vũ khí cho ta.
Mọi người lại vỗ tay nhiệt liệt hoan hô những ý kiến giá trị, sắc bén của Tổng đốc Lã xuân Oai. Phó soái Khê Ông, người điều hành cuộc họp đã có lời cảm ơn những ý kiến phát biểu của ngài Tổng đốc từ phòng tuyến Lạng Bằng trở về. Ông muốn có ý kiến phát biểu của các ông lãnh binh, đốc binh đang cầm quân ở các địa phương trong tỉnh Hương Hóa.
Lúc đó, Lãnh Mai con người khỏe mạnh, giọng nói chắc đanh đứng lên nói ý nghĩ của mình về việc lập căn cứ, về cách thức đánh giặc.
- Thưa Chủ soái, các tướng lĩnh và các chiến hữu! Tôi rất chú ý nghe và nhập tâm những lời bàn của Chủ soái Nguyễn Quang Bích, Đình nguyên Phan Đình Phùng, Phó bảng Lã Xuân Oai. Tôi thấy vô cùng có ích, hiểu biết để chỉ huy quân lính đánh Pháp. Đúng là quân ít và yếu nên mới phải cố thủ. Nhưng nếu không cố thủ thì không được, quan quân không có chỗ ém quân, giấu quân khác nào bầy thỏ đứng trước đàn chó dữ. Chúng tôi lập căn cứ cố thủ, nhưng vẫn chú ý đến việc tiến công quân địch. Chúng tôi thường xuyên cho quân chặn đánh các cánh quân bộ, những đoàn tàu chiến chạy trên sông Thao, sông Lô, từ Việt Trì lên Hưng Hóa và từ Việt Trì lên Tuyên Quang, phục kích những cuộc hành quân càn quét của chúng, bảo vệ làng xã, giữ dân, giữ đất. Tình trạng của chúng tôi, quân không nhiều, thiếu trang bị, vũ khí, lương thực còn ít rất cần sự giúp đỡ của các cánh quân khác và của quan quân Tiên Động. Ở vị trí tiền tiêu, tôi dự đoán căn cứ chúng tôi sẽ bị địch tiến công trước. Giặc Pháp đang hăm dọa quan quân ta, chúng cho người đưa thư đến yêu cầu chúng tôi đầu hàng. Nều quy hàng về triều đình thì tôi và ngài Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, Tán lý Lê Đình Dật được an toàn, giữ nguyên chức vụ cũ và sẽ được thăng thưởng. Chúng tôi đã viết thư trả lời quân Pháp và bọn tay sai là chúng tôi không đầu hàng, kiên quyết chiến đấu đến cùng chống bọn xâm lược Pháp. Chúng tôi không sợ chết và không thèm chức tước của bọn giặc cướp và bọn phản dân, hại nước.
Toàn hội trường vang lên tiếng vỗ tay, hoan hô tinh thần cao cả của quan quân Thanh Mai-Thạch Sơn. Lãnh Mai nhìn mọi người với đôi mắt sáng long lanh và tìm lời nói tiếp:
- Về phát triển lực lượng, chúng tôi có tuyển thêm quân, tìm người dạy võ nghệ, sử dụng binh khí. Nhưng tuyển quân không được nhiều, trang bị vũ khi thô sơ, thiếu cái ăn, cái mặc. Nên lính mới không tin tưởng, người chỉ huy chúng tôi là Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Đình Nhuận cũng ngán ngẩm mà bỏ đi, nói là sang Tàu cầu viện. Bây giờ lãnh đạo chỉ huy căn cứ có Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, Tán lý Lê Đình Dật và tôi là Lãnh binh Nguyễn Văn Như. Số quân hiện nay chỉ khoảng một đạo quân, chia ra được khoảng vài ba đạo quân nhỏ mà thôi. Quân ít thì như muối bỏ bể, khi đánh nhau với địch khoảng sáu, bảy ngàn tên thì sẽ gặp khó khăn nhiều. Tôi muốn các ngài góp ý xem nên xử lý thế nào, sử dụng cách đánh nào thì hay và hợp lý nhất?
Câu hỏi của Lãnh Mai đặt ra, các tướng chỉ huy các mặt trận đưa ra nhiều mưu kế. Có người bàn cố thủ, quyết chiến đấu đến người lính cuối cùng, không từ bỏ căn cứ mà rút lui. Có người cho rằng nếu như quân Pháp tập trung lực lượng nhiều gấp bội mà đánh mạnh thì tìm thời cơ rút quân ngay. Có người bàn nên phối hợp với các lực lượng vòng ngoài chiến đấu, cố giữ lấy căn cứ. Quan quân Tiên Động phải cử binh sỹ phối hợp, hỗ trợ cùng đánh, cùng giữ. Khi yếu có thể rút lui, cho chúng chiếm đất, quan quân vượt ra ngoài rồi quay lại ngay bao vây địch, không nên bỏ nơi căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng này.
Lúc Khê Ông chưa biết nên dùng mưu kế nào cho hay, cho đúng thì Chủ soái Nguyễn Quang Bích đứng lên ngợi khen tướng sỹ Thanh Mai-Thạch Sơn và nêu ý kiến riêng của mình để trả lời Lãnh Mai.
- Các chỉ huy và binh sỹ Thanh Mai-Thạch Sơn thật đáng khen ngợi, vì đã chốt giữ kiên cường gần 10 tháng nay, hỗ trợ đắc lực cho quân quân Hưng Hóa bảo vệ thành và rút lui. Câu hỏi của Lãnh Mai đưa ra để tham luận rất có ý nghĩa. Tướng sỹ trong hội nghị có thể nhớ ý kiến của các chỉ huy đã trình bày, để trực tiếp chỉ đạo quân sỹ trong những tình huống tương tự. Theo tôi về việc chỉ đạo tác chiến, tiến công hay phòng thủ đều phải tính toán bảo toàn sinh lực của ta và tiêu diệt được sinh lực địch. Không được đánh liều mà phải biết giữ gìn lực lượng của mình quý hơn vàng hơn ngọc. Ví như căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn bị giặc bao vây đánh tiêu diệt thì phải tìm cách mà rút lui, bảo toàn lực lượng. Hiện nay các lực lượng quân nghĩa dũng của các làng, các tổng, của quan quân Hưng Hóa đóng gần đó phải có sự liên hệ, phối hợp, hiệp đồng với nghĩa quân Thanh Mai-Thạch Sơn. Tiến công hay thoái lui phải bàn với nhau cùng đánh địch, bảo vệ cho nhau. Các ông chỉ huy trận tuyến này phải kiên cường, linh hoạt hơn, chỉ huy giỏi hơn nữa thì nhất định đánh thắng địch, bảo vệ được nhân dân, gây được thanh thế, giữ vững được vùng đất chiến lược mà mình đã kiểm soát.
Nói xong, Chủ soái Nguyễn Quang Bích nhìn về phía các ông Chánh sứ sơn phòng Nguyễn Thiện Thuật và ông Tiến Sỹ, Đốc học Vũ Hữu Lợi, Lãnh binh Đinh Khắc Nhưỡng đang ngồi cạnh nhau. Ông yêu cầu:
- Bây giờ đến các ông đại diện cho mặt trận Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương có ý kiến trước hội nghị. Đây là mặt trận quan trọng nhất vì nó gần với thành Hà Nội và cửa biển Hải Ninh và nó nằm trong vùng đồng bằng đông dân nhất hiện nay. Chúng ta phải khởi sự nhanh để giành lấy dân, có dân là có lực lượng, có quân lương.
Trong những người ngồi cùng bàn có Chánh sứ sơn phòng Nguyễn Thiện Thuật trông rắn rỏi nhất đứng lên thưa:
- Thưa Chủ soái và các tướng lĩnh! Tôi có vinh dự được làm việc bên Chủ soái Nguyễn Quang Bích nhiều năm. Trước đây, tôi là người thay ông Bích làm Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa. Tôi đã dẫn ông về vùng Bãi Sậy, Hưng Yên thăm địa hình và có nói với ông là sẽ xây dựng tại vùng Bãi Sậy rộng lớn này làm căn cứ chống giặc Pháp. Khi nghĩa quân mạnh lên sẽ cho quân lên bao vây các thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Sau khi tôi bỏ chức Chánh sứ sơn phòng về vùng Bãi Sậy chuẩn bị quân binh để khởi nghĩa. Lực lượng ở đây đã có vài trăm người rồi, chúng tôi sẽ phát động dân chúng nhập quân nhiều nữa và chiến đấu để Bình Tây Báo Quốc. Chúng tôi sẽ đánh Pháp quyết liệt, vừa đánh vừa sản xuất ra lúa gạo, có đủ lương thực để nuôi quân và chuyển lên cung cấp cho mặt trận sông Thao, Hưng Hóa.
Tiếng vỗ tay của mọi người lại vang lên hoan hô những lời nói son sắt của người chỉ huy mặt trận Bãi Sậy. Ông Nguyễn Thiện Thuật lại say sưa nói, lời nói của ông chắc chắn như đinh đóng cột.
- Bãi Sậy là vùng đất mà ngày xưa Triệu Quang Phục đã làm căn cứ đánh giặc Lương, khôi phục được nền độc lập của nước nhà. Bây giờ chúng ta lại dựa vào Bãi Sậy để đuổi quân Pháp, nhất định chúng ta sẽ đánh thắng quân Pháp và nhất định sẽ giải phóng thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Tại hội nghị này tôi cũng yêu cầu các chiến hữu ở mặt trận vùng Nam Định, Ninh Bình và mặt trận vùng Kinh Bắc phối hợp với chúng tôi để cùng đánh giặc Pháp. Tôi cũng mong tại buổi Hội tướng này chúng ta gặp gỡ nhau hẹn ước cùng nhau đánh giặc Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích nhìn anh em chiến hữu rất vui, nói với mọi người nhưng lời tha thiết, ngọt ngào:
- Từ nay về sau, miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị gắn kết với nhau. Các dân tộc mọi miền đất nước đoàn kết, thân ái như anh em một nhà, cùng nhau đánh giặc Pháp xâm lược thì nhất định mau đến ngày toàn thắng. Trong lịch sử dân tộc ta đã nhiều lần chống giặc xâm lăng thắng lợi, thì hiện nay chúng ta nhất định sẽ chiến thắng quân Pháp. Các chiến hữu miền đồng bằng và thành thị sẽ góp công mở đường để đón chúng tôi chiến thắng trở về với quê hương bản quán. Tôi thay mặt anh em là người đồng bằng, thành thị có mặt tại đây cảm ơn trước các chiến hữu và đồng bào! Chúng tôi thề sẽ quyết chiến để lập chiến công lớn đầu tiên mở đường cho cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược, giải phóng quê hương!
Tất cả hội trường lại vỗ tay vang dội chào mừng lời nói chân thành của Chủ soái. Lúc đó có tiếng súng đại bác của giặc Pháp bắn từ tàu chiến chạy trên sông Thao vào núi chân núi Trò, gây nên tiếng nổ ùng oàng, âm vang vọng vào hội trường. Mọi người nghe thấy nhưng không ai chú ý đến tiếng đại bác, họ chú ý tới những lời của các chỉ huy ngồi bàn về các vấn đề thiết thực cho cuộc chiến. Chủ soái Nguyễn Quang Bích yêu cầu mặt trận Thanh Hóa, Ninh Bình có lời tham luận. Tiến sỹ, Chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân thay mặt cho các chỉ huy đứng lên nói:
- Thanh Hóa là vùng đất cơ bản của ông cha ta. Trong lịch sử, cuộc kháng chiến chống quân Minh nổi dậy từ Lam Sơn, Thanh Hóa đã khôi phục giang sơn gấm vóc. Thanh Hóa có địa hình thuận lợi cho kháng chiến chống Pháp, dân cư đông là nguồn bổ sung cho quân lực. Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nối liền Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Lực lượng quân sự mạnh tại đây có thể ứng cứu cho vùng Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Kỳ. Hiện nay bọn giặc Pháp đã chiếm Thanh Hóa và đang trong quá trình bình định. Lực lượng kháng chiến chống Pháp tại vùng này còn mỏng, chúng tôi sẽ xây dựng tại vùng này một lực lượng kháng chiến mạnh để có thể chia lửa cho các mặt trận tại Bắc Kỳ và sẽ là cầu nối với các lực lượng nổi dậy bắc Trung Kỳ với chiến khu Tiên Đông, Tây Bắc, Việt Bắc và miền đồng bắng Bắc Kỳ. Chúng tôi đã chọn một vị trí chiến lược để nổi dậy đó là khu Ba Đình nhằm thu hút và chia cắt lực lượng cơ động quân Pháp, tạo ra thế và lực để hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh, các miền nổi dậy.
Hội trường vang lên những tràng vỗ tay hoan nghênh những lời nói của Tiến sỹ Tống Duy Tân về sự chuẩn bị và kế hoạch chống giặc Pháp trên mặt trận Thanh Hóa. Tiếp theo, Đốc binh Đinh Công Tráng đứng lên nói về căn cứ Ba Đình đã được chuẩn bị xây dựng tại các làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh thuộc huyện Nga Sơn một căn cứ mạnh như căn cứ Thanh Mai -Thạch Sơn. Trước mắt là để tập hợp lực lượng, khi nổi dậy, chúng tôi sẽ đánh chặn các đường giao thông thủy bộ của giặc Pháp, phục kích các đoàn xe vận tải trên đường từ Ninh Bình vào Thanh Hóa, Nghệ An. Nói như ý đồ chiến lược của Tiến sỹ Tống Duy Tân là biến Thanh Hóa thành biển lửa để thiêu giặc Pháp.
Nhìn mọi người chú ý lắng nghe, ông Đinh Công Tráng khẩn khoản yêu cầu:
- Chúng tôi mong được sự tham mưu, giúp đỡ của chỉ huy tất cả các mặt trận. Tôi xin nói thêm, tôi mới ra vùng sông Thao, Hưng Hóa lần này là lần đầu tiên. Cùng đi có quân sư của chúng tôi là Lãnh binh Phạm Bành, người sẽ chủ trì cuộc khởi nghĩa Ba Đình sắp tới. Mấy ngày ra đây chúng tôi học tập được nhiều, làm quen với các chỉ huy, các tướng lĩnh. Được dự hội nghị của các tướng, các chỉ huy của các mặt trận, phòng tuyến, chiến tuyến. Tôi đã được nghe nhiều lời bàn hay để chúng tôi về thực hiện. Tôi chân thành chúc Hội nghị tướng lĩnh thành công rực rỡ! Chúc Chủ soái Nguyễn Quang Bích và các chỉ huy vùng sông Thao, Hưng Hóa mạnh khỏe, quân quan chiến đấu giỏi lập nhiều chiến công hiển hách, ghi vào trang lịch sử vàng dân tộc những trang vàng chói lọi nhất!
Hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay chào mừng Đốc binh Đinh Công Tráng. Chủ soái Nguyễn Quang Bích chúc Tiến sỹ Tống Duy Tân và hai vị chỉ huy Đinh Công Tráng và Phạm Bành mạnh khỏe, chuẩn bị tích cực cho khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa. Mọi người đang chờ tin thắng lợi từ Thanh Hóa ra và mọi thắng lợi của nghĩa binh Thanh Hóa sẽ giúp cho quan quân Tiên Động giữ vững căn cứ và phát triển lực lượng.
Khi Chủ soái Nguyễn Quang Bích vừa ngừng lời, thì Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn đứng lên xin phát biểu. Ông có dáng người nhỏ nhưng chắc khỏe, trông ông già tuổi hơn cả Chủ soái. Ông nói tiếng xứ Nghệ chầm chậm nên nghe rất rõ, các từ ngữ ông dùng lại rất phổ thông nên nghe là hiểu ngay. Khi ông vừa bước lên diễn dàn, cả hội trường nhỏm dậy vỗ tay chào mừng. Khi mọi người trở lại trật tự ông mới cất tiếng:
-Tôi đã chú ý lắng nghe mọi kế sách, mưu lược của các vị nói rất bổ ích. Tôi có thể nói thêm một số điều mà tôi cho rằng bổ ích cho các vị như tôi đã tiếp thu từ các vị. Tôi cũng nói để cho các vị hiểu về bản thân tôi. Tôi có vinh dự thi đỗ tiến sỹ và cùng làm việc với Đình Nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích tại triều. - cả hội trường lại vỗ tay hoan hô -Tôi và ông Quang Bích cùng được triều đình bổ dụng làm quan tri phủ. Ngài Bích kém tôi 7 tuổi, nên mọi người trông tôi già phải không? Gần sáu mươi tuổi rồi đấy. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mồ côi mẹ từ năm lên ba nên vất vả lắm! Trông tôi khô và đanh chẳng khác cây thông mọc trên đồi gò cằn cỗi sỏi đá phải không?- Ông mỉm cười để lộ hai hàm răng nhuộm đen đều và chắc khỏe - Tôi làm tri phủ Quảng Ninh, Quảng Bình được thời gian được bổ làm Đốc học tỉnh Bình Định và liền sau đó làm Án sát Bình Thuận, tỉnh giáp ranh với Nam Kỳ. Hồi đó có một tên cố đạo người Pháp sử dụng lọng vàng của nhà vua đi giảng đạo, mắc tội đại nghịch. Tôi đã ra lệnh bắt và cấm việc làm ấy vì động đến phong tục, lễ nghi của Đại Nam. Việc đó đến tai vua Tự Đức, ngài sợ để tôi ở Bình Thuận sẽ gây lôi thôi với người Pháp liền đổi tôi ra làm Án sát Quảng Bình.
Trở lại Quảng Bình gần Kinh đô Huế tôi đã viết gửi hàng chục bản điều trần gửi lên Vua Tự Đức. Việc nước thì tôi đề nghị:
“ 1. Hợp các tỉnh nhỏ làm trấn lớn để bớt sự tham quan và lực lượng quân sự không bị phân tán, “phòng giữ không đến nỗi đơn sơ, khi cấp bách không đến nỗi thiếu lính”.
2. Dời các vị trí tỉnh thành lên vùng đồi núi, lợi dụng các địa thế hiểm trở của thiên nhiên làm căn cứ chống giặc.
3. Bớt tiêu dùng để sung quân nhu.
4. Bỏ việc hòa hoãn để khích lệ lòng người.
Nghĩa là không có nghị hòa chỉ có quyết đánh. Chúng ta thấy giặc Pháp nó nghị hòa để cướp dần nước ta. Khi nghị hòa chúng dùng chiêu bài hiệp ước “ hòa bình”, “ hữu nghị”, “ an ninh” thì tướng sỹ và cả dân nữa sẽ cầu an còn đâu sôi gan, nấu chí đánh giặc. Cố gắng nghị hòa chỉ làm cho nó biết ta không có kế sách gì khác, yếu kém và sợ nó, nên mưu đồ đánh nước ta càng gấp.
Về thế mạnh của quân Pháp thì tôi đã bàn kỹ. Không phải sức mạnh quân Pháp là tuyệt đối, bất khả chiến bại. Rợ phương Tây sinh ra đã lâu, nếu kỹ nghệ của chúng không ai địch nổi thì các nước trên thế giới đã bị chúng lấy hết như cuốn chiếu từ lâu rồi, còn đợi gì đến bây giờ. Còn trước mắt, sở dĩ quân Pháp thắng được ta, vì ta cũng có chỗ yếu, chỗ kém. Tôi đã viết điều trần để cho Vua Tự Đức được rõ: “Nước ta lâu ngày yên lặng, quân không được bồi dưỡng, lính không được luyện tập, những bậc công thần tướng cũ ngày càng hao mòn. Còn các quan trong triều, ngoài quận thì chỉ chăm về giấy mực, đua nhau về luật lệ cho giỏi, văn làm cho hay, nên những người quan to chức trọng bàn bạc nhiều mà thành công ít. Lưới phép càng nhạt, gian tệ càng sinh. Thói chây lười ngày càng lớn, thế hèn yếu ngày càng thêm rõ”. Tôi vừa nghe các tướng lĩnh bàn về kế sách, chiến thuật đánh giặc Pháp tôi cho rằng có nhiều mưu kế hay, cần vận dụng vì đã qua thực tiễn chống giặc. Thực ra khi viết bài dâng vua tôi đã bàn kỹ, đã khẳng định binh lực của nước ta không đến nỗi hèn kém. Ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm từ nhiều triều đại trước, đã đánh thắng, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh rất mạnh, vì ta có tướng tài như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Tôi cho rằng quân mạnh hay yếu tùy thuộc vào người điều khiển mà thôi. Ở đây tôi đã khẳng định vai trò quan trọng của người chỉ huy, vai trò người lãnh đạo. Tôi đã khen tướng Nguyễn Tri Phương “trung nghĩa không ai bằng, có quen việc quân”, nhưng tôi lại chê Nguyễn Tri Phương “ không sở trường việc tướng, chỉ lo xây đồn đắp lũy phòng ngự, làm cho quân lính mệt nhọc, việc đánh, việc giữ đều kém thế”. Tôi đã phê phán thái độ nghị hòa, bỏ lỡ thời cơ diệt giặc, cậy vào quân Mãn Thanh, cố ý dựa vào người Tàu là không nên. Sở dĩ vừa rồi ta thua Pháp liên tục là bị giặc lợi dụng chỗ yếu của ta, chứ không phải hoàn toàn do chỗ mạnh của chúng mà ta không địch nổi.
Việc dùng người, triều đình phải chú ý đến người tài “trong triều thì dùng những người cương quyết làm rường cột, bên ngoài thì chọn những người tài lược để giữ vững dậu phên; đừng cho người chăm giấy mực nhỏ nhen là tận tâm, đừng cho người luật lệ tinh thông là đắc lực; đừng cho những người cần nguyện là hay, đừng cho những người khắc nghiệt là giỏi”. Tôi đã nhấn mạnh “ bao nhiêu phương pháp tự cường đều phải làm gấp”. “Cầu xin Hoàng thượng lấy lòng cương quyết mà làm, các vị đại thần lấy lòng trung nghĩa siêng năng mà giúp vào, thì việc thiên hạ có thể làm được. Nếu không thế cứ nuôi cái bệnh trong gan ruột mà cho là yên, e không kịp nữa...”. Sau đó tôi được điều về Kinh đô làm Biện lý Bộ hình, tôi tiếp tục viết điều trần dâng lên nhà vua. Hoàng thượng Tự Đức không tiếp nhận đã cách chức tôi, cho tôi về quê hương. Bây giờ thì còn triều đình đâu nữa mà bàn, quân Pháp đã chiếm được nước ta, chỉ còn một cách là vận động quân dân đứng lên khởi nghĩa như quan quân Hưng Hóa để mà đánh giặc giành lại nước.- Giọng ông trầm xuống, vẻ đượm buồn - Tôi ra Tiên Động hai ngày nay, thấy quân dân cùng một chí hướng, có quyết tâm rất cao, biết cách đánh địch điều này làm tôi rất mừng. Được tham dự lễ tế cờ, thượng cờ và được hội với các tướng lĩnh, các chiến hữu, tôi có mấy lời như vậy, coi như là một tham luận, xin mọi người tiếp nhận.
Tất cả mọi người vỗ tay nhiệt liệt hoan hô Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn với những lời nói từ gan ruột. Chủ soái Nguyễn Quang Bích nói lời ca ngợi:
- Thưa hội nghị! Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn là người có nhân cách lớn, tài năng đặc biệt. Ông hết lòng vì nước, vì dân, đã có lời vàng ngọc dâng vua lại phải chịu thiệt thòi. Nhưng cái tâm của ông sáng tựa sao Khuê, chí lớn như bể Đông, khí phách cao hơn dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tất cả những lời ông nói là chân lý, chúng tôi xin tiếp thu và vận dụng vào cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Công việc khởi sự hiện nay ở Nghệ An còn chưa vội lắm, xin ngài ở lại Tiên Động với chúng tôi một thời gian nữa, góp ý với chúng tôi về mưu lược, kế sách, động viên binh sỹ và dân chúng.
Hội trường lại dành cho Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn một tràng vỗ tay nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay vứa dứt, thì Khê Ông đứng lên yêu cầu các vị chỉ huy ở các làng tổng có ý kiến. Ông Lý Hậu thay mắt có quân dân Chí Chủ đứng lên phát biểu:
- Tôi đã được nghe mọi mưu kế hay, rất thú vị. Là người chỉ huy quân dân làng tổng hiện nay, tôi thấy hội nghị cần phải bàn kỹ xem phải làm những gì, phải nên như thế nào? Quân sỹ làng tổng ít, thiếu tập trung, họ còn phải mang theo gánh nặng gia đình. Trang bị vũ khí thiếu nhiều, đa phần là cung tên, gươm đao, giáo mác. Theo tôi nghĩ, các làng tổng phải dựa vào địa hình, địa vật, thế sông núi mà xây dựng trận địa cố thủ, trận địa tiến công. Các làng trong một tổng phải hợp sức nhau lại, phối hợp chặt chẽ với nhau cùng chiến đấu và lực lượng trong các tổng, huyện phải cùng phối hợp tác chiến. Làm cho kẻ địch không thể kiểm soát, không thể kiềm chế được ta. Hiện nay triều đình nước Nam phụ thuộc vào Pháp, chính quyền từ Kinh thành Huế đến vùng nông thôn rừng núi đã thành tay sai của Pháp. Ta phải xây dựng chính quyền mới, từ trên xuống dưới, tòng quyền nhau thì mới điều khiển được dân chúng và quân sỹ đánh giặc. Việc này không phải là không chính danh, vì ta đã treo cờ Bình Tây Báo Quốc. Ở đây có nhiều vị xứng đáng được quân dân suy tôn là minh chủ, hay là minh quân. Theo tôi lúc này ta phải làm nhanh, kẻo không kịp nữa.
Đứng trên bàn điều hành, Chủ soái Nguyễn Quang Bích nghe Lý Hậu nói và có lời khen:
- Lý Hậu có ý kiến hay lắm! Mới lắm! Tôi nghĩ rồi đây, ta sẽ có cuộc họp những chỉ huy nghĩa binh làng tổng để bàn thật cụ thể phương hướng xây dựng chính quyền và lực lượng tác chiến. Việc này chúng ta bàn vào dịp khác, tất cả các chỉ huy các làng tổng hãy suy nghĩ đi đề cùng nhau tham kiến xây dựng kế hoạch củng cố chính quyền và tạo dựng lực lượng đánh giặc nhé.
Ngồi trên bàn điều hành, Khê Ông nhìn ra ngoài trời thấy bóng nắng đã tắt. Chờ cho Chủ soái nói hết, ông đứng lên nói lời kết luận:
- Thưa các tướng lĩnh, các chiến hữu! Cuộc Hội tướng chỉ huy đến đây cho phép chúng tôi được kết thúc. Vì thời gian không còn nữa, tối nay có nhiều người phải về đơn vị, về địa phương gấp. Tất cả những lời nói của các đại biểu đã được Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị và Cử nhân Trần ngọc Dư ghi lại đầy đủ, rõ ràng để lưu trữ. Mong rằng tất cả các đại biểu có điều gì cần nói, cần phổ biến ngay thì viết vào giấy gửi ngay cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu. Một mưu kế hay có thể làm nên sự nghiệp cứu muôn dân, cứu quốc gia nên giá trị của nó là vô cùng lớn, không gì sánh nổi. Đến đây, tôi thay mặt Chỉ huy căn cứ Tiên Động bế mạc hội nghị, chúc tất cả các tướng lĩnh, các chiến hữu mạnh khỏe, trở về đơn vị, địa phương chỉ huy chiến đấu chống giặc Pháp lập nhiều chiến công vang dội! Cuối cùng, xin mới tất cả các tướng lĩnh, các chiến hữu dự bữa cơm liên hoan thân mật cùng với Chủ soái và tướng sỹ Tiên Động tại nhà ăn Đại bản doanh!