Sau bữa chiều liên hoan vui vẻ, đêm đến chỉ huy các đạo quân ở Tiên Động đều trở về vị trí chiến đấu. Những chỉ huy quân dân các làng tổng người thì đi bộ, người thì dùng thuyền, người thì cưỡi ngựa trở về. Người chỉ huy ở xa, thì việc đi lại được các Chỉ huy Đại bản doanh Tiên Động bố trí, chu cấp tiền bạc và giấy tờ đi đường. Đốc binh Vũ Bách chỉ huy quân lưu linh là người rất linh hoạt, mưu trí đã cử những người chiến sỹ giao liên thông thạo, dũng cảm đưa đường. Họ băng qua những đoạn đường rừng rậm nhiều thú dữ, những quãng đường sông nhiều ghềnh thác, qua vùng địch kiểm soát gắt gao, đưa các quý khách trở về an toàn tuyệt đối. Giao thông liên lạc trở nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nối mọi miền của đất nước, đưa kịp thời những thông tin về chính trị, quân sự đã đang và sẽ diễn ra. Nhất là các tin từ các vùng miền, các đội nghĩa quân, các căn cứ đang chiến đấu trực tiếp chống giặc Pháp và bè lũ tay sai.
Ngày hôm sau, Đình nguyên Phan Đình Phùng và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn còn ở lại Tiên Động. Chủ soái Nguyễn Quang Bích đưa hai người đi thăm một số đạo quân và tranh thủ thăm một số làng quanh căn cứ Tiên Động. Đoàn đi ngựa, về mùa nước rút việc đi lại trên bộ phần nào dễ dàng hơn. Người đưa đường là Tán Áo, Tán Vị, hai ông cưỡi ngựa trắng đi trước, vai mang súng trường. Ba người đi giữa là Chủ soái Nguyễn Quang Bích, Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn cưỡi trên những con ngựa màu hồng. Hai người đi sau là Lãnh Hoan và Tán Đanh mang súng dài cưỡi ngựa mầu nâu đen. Đoàn người cưỡi ngựa đi ra ngoài bờ sông Thao, cho các vị khách biết dòng sông và quang cảnh hai bờ, nhân thể thăm các đơn vị tiền tiêu của ba đạo Tiền quân, Tả quân và Hữu quân.
Ven bờ sông Thao, nơi đây không dân ở, hai bờ có những dãy đồi thấp lúp xúp. Giữa sông có một thoi cát nổi lên, có vài đàn sếu như vừa mới bay tới đang mò kiếm cá tôm. Dòng sông Thao sang mùa thu nước đỏ ngầu, chảy xiết. Trên sông có năm ba chiếc thuyền chài đang dăng lưới bắt cá và một con đò bơi vội vàng chở người qua sông.
Ông Phan Đình Phùng hỏi Tán Vị:
- Tại sao người dân vùng này lại gọi dòng sông này là sông Thao, mà không gọi theo màu sắc là sông Hồng, hay tên chữ của sông là Nhị Hà hay Hồng Hà?
Tán Vị trả lời:
- Từ nhỏ tôi đã hỏi các cụ nhà rồi, các cụ bảo rằng sở dĩ gọi như vậy là gọi theo tiếng người dân tộc Thái. Người ta gọi sông này là nậm Tao, về sau những người dân tộc Kinh đến vùng này định cư gọi theo họ là nậm Tao. Nậm theo tiếng Thái nghĩa là sông, tao theo tiếng Thái là đỏ. Người Kinh đến ở đây chuyển dần cách gọi theo nghĩa là sông Thao. Nay thì người dân từ phố cổ Bảo Thắng, Trấn Yên đến Lâm Thao, Hạc Trì, Vĩnh Tường, Sơn Tây sống hai bên bờ quen gọi là sông Thao. Sau này, người ta đặt tên chữ gọi là Thao Giang, có một tòa thành thủ phủ lộ Tam Giang bao gồm Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang gọi là thành Thao Giang ở mé trên làng Phú Thọ, bây giờ hãy còn dấu tích.
Đình nguyên Phan Đình Phùng kính cẩn nói với Chủ soái Nguyễn Quang Bích và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn:
- Một dòng sông mang nhiều tên, nhưng có cái tên chỉ gọi một thời, còn có cái tên gọi mãi. Cái tên nào được nhiều người gọi thì cái tên ấy sống cùng với lịch sử. Chúng ta đến đây bây giờ phải có nhiệm vụ làm cho dòng sông Thao này đi vào lịch sử dân tộc bằng những chiến công vang dội đánh giặc Pháp cứu nước.
Mọi người nghe đều gật đầu, Chủ soái Nguyễn Quang Bích nói thêm và hỏi:
- Dòng sông lịch sử này, nay thành đường tiến công của giặc Pháp vào vùng Thượng du. Chúng đã dùng binh lực đánh vào các vị trí quan trọng dọc đôi bờ sông Thao. Cách phòng bị của chúng tôi là sẽ chặn chúng từ xa. Cách đây vài ngày, quân Pháp đã tiến công theo đường bộ và đường thủy nhưng bị quan quân và quân nghĩa dũng các làng hạ huyện Cẩm Khê và Thanh Ba chặn đứng, buộc chúng phải rút lui. Chúng tôi phán đoán địch sẽ tập trung đánh sau khi chúng tôi tế cờ, thượng cờ và ra lời hịch kêu gọi tướng sỹ và đồng bào. Hôm nay dẫn đường cho các ông xem xét vị trí, cách phòng bị để các ông tham mưu giúp chúng tôi xem cần phải làm như thế nào để giữ vững căn cứ Tiên Động khi địch dồn sức tiến công?
Đình nguyên Phan Đình Phùng gật gật đầu. Ông đưa mắt nhìn sang bên bờ sông Thao, hỏi:
- Thưa Chủ soái, bên kia sông có đơn vị nào của ta đóng không?
- Có đấy, nhưng chủ yếu là những đơn vị nghĩa dũng của các làng thuộc các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba.
- Cần phải mở rộng căn cứ, bổ sung các đơn vị chủ lực cho bên tả ngạn sông Thao. Hai bên bờ phải có sự phối hợp tiến công, phải có ám hiệu để hai bên nắm được thông tin về nhau, nhất là mệnh lệnh tiến công và rút lui khi khẩn cấp. Địa hình bên đó cũng rất thuận lợi cho cách đánh phục kích, vì trông thấy rất nhiều rừng và đồi cây lúp xúp. Ta phải lợi dụng địa hình mà bố trí quân phục kích. Phải bám địch mà đánh, không để cho chúng nghỉ ngơi, kể cả khi địch đi tàu di chuyển trên sông Thao.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn hỏi chủ soái:
- Có phải chiều qua, lúc ta đang hội họp, pháo của địch từ tàu chiến bắn từ ngoài sông này vào hay từ đâu tới?
- Đúng là địch bắn từ ngoài sông Thao vào khi chúng theo tàu từ miền xuôi kéo lên Tuần Quán, Trái Hút và khi chúng từ trên đó về thành Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội. Chúng đều nã pháo vào hai bờ, nghi là nơi có quan quân đóng.
- Nghĩa là giặc Pháp đã khai thông con đường sông này. Ta muốn thắng địch phải ngăn chúng lại, phải tìm cách đánh tiêu diệt địch trên sông Thao. Đó là nhiệm vụ chủ yếu của quan quân.- Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nhìn ra xa, ngừng một lát lại nói tiếp - Khi Vua Tự Đức còn sống, tôi dâng sớ tâu xin ngài cho ra khảo sát vùng Thao Đà, nhưng nhà vua không nghe. Bây giờ ra đây thì quân Pháp đã chiếm các dòng sông và đã cho quân chiếm giữ các vị trí quan trọng của dòng sông Thao và sông Đà rồi. Thật tiếc cho vận nước đã qua, không bàn lại được nữa. Bây giờ trông cả vào quan quân Hưng Hóa nhưng khó lấy lại thế nước cũ.
- Xin ông cho chúng tôi biết cụ thể về cách phòng giữ!
- Cứ theo cách của ông Phan Đình Phùng đã bàn, nhưng phải tăng cường quân lực cho cả hai bờ sông Thao. Phải chặn con đường sông Thao này lại thì vùng đất này và vùng đất phía sau sẽ được yên. Còn không ngăn được thì ngay cả căn cứ Tiên Động cũng sẽ bị địch tiến công. - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn ngừng nói một lúc nhìn ra phía đông, quay lại nói tiếp - Chủ soái Nguyễn Quang Bích cần phải tăng cường quân cho căn cứ Thanh Mai -Thạnh Sơn, cho xây dựng thêm các căn cứ Cổ Tiết, Vực Trường, Phú Thọ, Tứ Mỹ, Chí Tiên, Đồng Lương, Đông Viên, Vũ Yển, Sơn Nga, Minh Côi, Xuân Áng, Ấm Thượng, Ngòi Lao, Chuế Lưu, Hiền Lương và hai bờ sông Thao trên Trấn Yên và Bảo Thắng.
Tất cả mọi người nghe bàn đều cho là hay, cần phải tăng cường quân lực cho hai bờ sông Thao. Nhưng triển khai bằng cách nào là vấn để cơ bản nhất, quan quân còn phải lo phòng thủ, cốt yếu phải giữ mình, thì lấy đâu ra lực lượng chặn giặc trên dòng sông Thao. Đó là bài toán hóc búa nhất cần phải luận giải thì mới mong thắng lợi.
Khi đến một buị tre bên bờ sông, cả đoàn dừng lại và xuống ngựa. Vào thăm đội quân số 1 do Đội trưởng Vũ Thế chỉ huy đang trực chiến. Trông thấy Chủ soái, Đội trưởng Vũ Thế chay ra đứng nghiêm:
- Báo cáo Chủ soái, đội quân số 1, thuộc đạo Tiền quân gồm 32 người đều có mặt và đang ở các vị trí sẵn sàng chiến đấu, xin chỉ lệnh!
- Hôm nay có khách quý từ nơi xa đến thăm, anh em cho mọi người vào thăm, có điều gì quan khách hỏi thì trả lời.
- Xin y lệnh!
Đoàn xuống ngựa, đến thăm các lán trại, hầm hào, thấy rất ưng ý. Trông các căn hầm kiên cố, vững trãi, Đình nguyên Phan Đình Phùng nói động viên binh sỹ:
- Hầm hào đã làm tốt rồi, phải gia cố cho chắc chắn hơn, phải có mo tát nước, khi trời mưa nước đọng, phải ngụy trang cho thật kín, không được để lộ. Phải đo các mục tiêu di động trên sông Thao mà bắn cho chính xác, tiêu diệt địch được ngay. Phải canh gác nghiêm ngặt, phát hiện nhanh quân địch dưới hạ lưu, thượng lưu. Đây là tiền đồn phía đông, địch sẽ đánh rất mạnh, nên binh sỹ không được một phút nào được lơ là, chủ quan.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn khen ngợi binh sỹ:
- Trông thấy anh em khỏe mạnh, hăng hái tôi rất mừng. Bây giờ giặc Pháp cậy vũ khí tối tân, ta cậy vào tinh thần, ý chí. Ta sẽ thắng nếu ta biết đồng tâm, quyết tâm và cố gắng rút kinh nghiệm để đánh trả địch. Từ đây, chúng ta sẽ có những nhà chỉ huy mưu lược, những binh sỹ oai hùng giúp dân tộc ta đánh thắng quân Pháp. Nhưng yêu cầu trước tiên đối với binh sỹ cầm súng là tinh thần cảm tử! Chúng tôi sẽ trở về Nghệ An và Hà Tĩnh, học tập đồng bào và binh sỹ sông Thao, Hưng Hóa, lập mặt trận chống Pháp để cùng nhau phối hợp tác chiến.
Anh em binh sỹ đội quân số 1 phấn khởi vỗ tay hoan hô những lời động viên của hai nhà khoa bảng, là khách mới đến thăm trận địa. Đội trưởng Vũ Thế xin hứa với Chủ soái và các vị quan khách sẽ trực chiến tốt và lập chiến công đầu.
Đoàn chỉ huy và khách đến thăm các đơn vị tiền tiêu của đạo Hữu quân và Tả quân đóng trên bờ sông Thao, xem xét cách bố trí, phòng bị. Đến đâu, đoàn cũng nhận thấy tinh thần ý chí của binh sỹ rất tốt, được trang bị tương đối đầy đủ về súng đạn, giáo mác, các phương tiện đi lại như thuyền bè.
Đoàn đi vượt lên phía bắc, tranh thủ qua thăm các làng Minh Côi, Văn Lang và trở về thăm các làng Tăng Xá, Phương Xá. Ở chỗ nào cũng thấy dân và quân đang chuẩn bị phương án đánh địch. Người chỉ huy các làng trực tiếp là các hào lý, đứng đầu là chánh tổng hay lý trưởng các làng tổng. Ông Chánh Khanh, ông Chánh Đa và dân làng Văn Lang, Bằng Giã, Chuế Lưu, muốn lưu khách lại chơi, nhưng Chủ soái bảo còn phải đi thăm các làng phía nam Tiên Động và các đơn vị binh sỹ nên khất để khi khác sẽ về thăm.
Đoàn tranh thủ thăm các di tích, về Phương Xá, đoàn được ông Tán Áo dẫn đi thăm các đình Thổ Khối, Đình Phương Xá. Đình nguyên Phan Đình Phùng và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn trần trồ khen ngợi vùng Đất Tổ, các làng đều có đình, đền, miếu nguy nga thờ các vị vua Hùng, các vị danh tướng, các phu nhân, quan lang, mị nương của các đời Hùng Vương. Đình nguyên Phan Đình Phùng nói:
- Hồi tôi giữ chức quan Ngự sử triều đình Huế, ngày Quốc giỗ tôi đã ra ngoài này về Nghĩa Lĩnh thắp hương khấn Tổ Hùng Vương, có lần tôi đã lên tới làng Hiền Lương thắp hương tưởng nhớ Bà Mẫu Âu Cơ và các tướng lĩnh thời ấy. Dân ta có truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên và nhớ ơn các anh hùng nghĩa sỹ hy sinh vì nước. Truyền thống ấy thật đáng quý, chúng ta làm người con của Đại Việt, Đại Nam phải sống sao cho xứng đáng! Vận nước đang lâm nguy, chúng ta phải tận tâm, tận lực vì nước, vì dân dẫu thịt nát xương tan cũng cam lòng!
Khi ông Phan Đình Phùng vừa dừng lời thì đoàn đã đến chân đền Hạ Khê. Mọi người đều xuống ngựa, đi bộ ngược dốc để lên đền. Tán Áo vượt lên đầu nói cho các quan khách biết:
- Đây là đền thờ danh tướng Trương Bảo Công và vợ ngài là bà Công chúa Đinh Quế Hoa có công đánh dẹp quân Thục. Hai ông bà lưỡng hóa, cùng mất vào ngày mồng Mười tháng Chạp tại trang Hạ Khê này. Nhân dân nhớ ơn ông bà đã lập đền thờ phụng. Ngày sinh, ngày hóa, ngày tết, ngày lễ đều cúng tế rất nghiêm minh. Đây là các vị thần Hộ-Quốc-Tý-Dân, nênThiên-Cổ-Anh-Linh-Thiên-Cổ-Ứng;Nhất-Phương-Dũng-Lược-Nhất-Phương-Ninh.
Khi Tán Áo vừa dứt lời thì một đôi rắn to mầu trắng trườn từ phía thượng cung ra. Mọi người đều nhìn thấy và rất đỗi kinh ngạc. Tán Áo vội thưa:
- Các quan nghè và các ông cùng đi cứ bình tĩnh, hai vị rắn thần thấy mọi người đến thăm thì ra mừng đấy thôi, chẳng động đến ai đâu!
Mọi người đều trông thấy rắn thần, cứ đứng trơ ra nhìn như phỗng đất. Tán Áo nói với rắn thần:
- Đây là các quan nghè, các tướng sỹ ở nơi xa đến, vì có việc Bình-Tây-Báo-Quốc nên đến đất Hạ Khê, Hoa Khê mình cậy nhờ. Thần có linh thiêng xin phù hộ, giúp đỡ ba quân nghĩa sỹ đánh giặc cứu dân, cứu nước!
Một lúc sau đôi rắn trắng lại bò vào phía thượng cung và biến đi đâu mất. Chủ soái và hai vị văn thân đều nhận thấy đây là một điều rất lạ. Tán Áo còn nói thêm cho mọi người biết rõ về hai vị rắn thần này.
- Hàng năm, khi mọi người đến tế lễ rắn vẫn ra mừng, nhưng không làm hại gì. Có năm rắn còn quấn vào chân chủ tế và trườn qua chân các quan viên. Ai cũng sợ, rắn mà cắn thì chết, có người sợ run mặt xanh như đít nhái. Nhưng đó chỉ là rắn thần, mọi người chỉ nhìn thấy trong ngày một lần và có ngồi chờ đây hết ngày, hết đêm rắn cũng không xuất hiện nữa đâu.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nói với mọi người:
- Đúng là nhất thật vạn sự hư, mà nhất thật làm mọi điều hư tưởng là thật. Chúng ta chẳng tin đây là sự thật sao được. Mắt ta vừa nhìn thấy và mắt ta lại không nhìn thấy nữa. Nói thì chẳng ai tin, còn ta tin là được. Nơi đền thờ một danh tướng, một công chúa linh ứng như vậy, ta đến thì thắp hương, nói lời khấn vái là được.
Tán Khảm nói thêm “Chim sa cá nhảy chớ mừng, Nhện sa xà đón xin đừng có lo” và vào bàn thờ lấy bó hương đốt, chia cho mỗi người một thẻ dâng lên tự khấn vái. Chủ soái Nguyễn Quang Bích còn sai Phó soái Hoan và Tán Vị đi lấy một chiếc đĩa và chén nước rồi bỏ một đồng tiền vàng vào đĩa sứ kính cẩn đặt lên bàn thờ cầu mong thần linh phù hộ, độ trì cho toàn thể quan quân.
Lúc đó, Phó tổng Phương Xá cưỡi ngựa đến chào. Tên ông là Nguyễn Đích, năm nay đã ngoài ba mươi tuổi đến chào đoàn khách về thăm làng. Ông mời tất cả đoàn vào nhà mình chơi và xơi cơm trưa. Ông khẩn khoản nói với Chủ soái Nguyễn Quang Bích:
- Con hôm nay có việc nhà phải vào châu Yên Lập. Khi về trông thấy đoàn từ lúc mới trưa, lại nhìn thấy Chánh Áo, Chánh Vị và Chánh Khảm đưa các ngài vào đình Hạ Khê nên bảo gia nhân chuẩn bị cơm nước để còn mời khách vào chơi. Chẳng giấu gì ngài, chỗ con với Chánh Áo, Chánh Vị và Chánh Khảm là chỗ thân giao nên mới tự nhiên đến mời như vậy. Con không biết tất cả, xin Chủ soái mời mọi người hộ con.
- Chủ soái nhìn Tổng Đích nói vui:
- Anh có lòng mời thì chúng tôi có bụng đây! Nhưng nhà đằng ấy ở xa không? Nếu mà xa thì để bọn mình xin khất! - Nghĩ thế nào, Chủ soái quay người lại nói với Phó Soái Hoan và các ông Tán:
- Các ông quyết định thế nào thì các văn thân đây xin chiều! Có việc buổi chiều nay ta phải cho hai vị khoa bảng này đi thăm một số đơn vị đóng quân ở Tiên Động, nên không để nhỡ việc nhé!
Tán Áo nói thay lời Tổng Đích:
- Nhà riêng của ông Đích gần đây, không đến một dặm đường. Chủ soái và các vị khách có thể vào chơi, không băn khoăn gì. Nhân thể nghỉ trưa và để hai ông nghè xem xét thêm, giúp chúng ta nhận định về tình hình.
Chủ soái gọi mọi người xếp thành hàng cúi lạy thần đình Hạ Khê một lần nữa để từ biệt. Lúc đó, hương trên đỉnh còn đang cháy, khói tỏa ra phảng phất mùi thơm. Phó Soái Hoan còn nhặt đồng tiền vàng trên đĩa đưa cho Tổng Đích bảo ngày lễ rằm này ra đền nói với dân làng, đây là tiền của Chủ soái Nguyễn Quang Bích dâng lễ lên thần hoàng đình Hạ Khê ta.
Đoàn người lại lên ngựa đi đến nhà Tổng Đích. Cả một khu đồi rừng trồng nhiều cây gỗ quý và cây ăn quả là nơi nhà ở của vị phó tổng làng. Ba căn nhà gỗ đại khoa làm theo hình chữ môn rất đẹp, lợp ngói ta trông rất bề thế. Hỏi ra mới biết vị phó tổng này cũng là con cháu mấy đời ông cha làm hào lý làng Phương Xá. Ông là dòng họ Nguyễn từ vùng ngoại thành Hà Nội lên định cư tại vùng Hoa Khê này. Nhà bao đời vẫn giữ gia phong, con cháu hiếu trung, lễ, nghĩa.
Vào ngồi trên trường kỷ, nhìn vào ban thờ thấy trên cao treo bức hoành phi có mấy chữ:” Đức-Thụ-Căn-Thâm”, Đình nguyên Phan Đình Phùng nói:
- Gia đình nào ở nước Nam ta, từ Nam đến Bắc đều coi trọng chữ Đức. Con người lấy đức là căn bản, nên phải giáo dục cho con người sống đạo đức, bao nhiêu cũng không là thừa, càng sâu sắc càng tốt. Nhưng phẩm hạnh của con người ta lại phụ thuộc vào hoàn cảnh rất nhiều, nên phải làm đẹp cho hoàn cảnh. Nhà Tổng Đích đẹp lắm, con người sẽ đẹp từ đây mà đẹp ra.
Lúc đó, Tán Áo nói:
- Thưa Chủ soái và hai vị Đại khoa, vợ con cũng là người Phương Xá, là cháu ông nội của Tổng Đích đây.
- Thế thì cô ấy đẹp là phải. Cô Nguyễn Thị Thuế vừa đẹp người vừa đảm đang, hết lòng vì binh sỹ. Cô Thuế vợ Tán Áo và cô Năm vợ Phó Soái Kiều đã bỏ tiền ra may hàng chục bộ áo bào cho các tướng và mấy trăm bộ áo nậu cho binh sỹ. Chính các cô ấy đã cùng thợ may thêu lá cờ đại Bình Tây Báo Quốc kịp thời cho lễ tế cờ và thượng cờ. Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Năm còn đang gặp hoạn nạn nhà bị địch càn đốt cháy hết, cũng không sờn lòng. Cô ấy là con gái ông Tiến sỹ, quan Cấp sự Nguyễn Đình Gia, về sau triều đình phong làm tổng đốc ở trấn Sơn Hưng Tuyên. Hai cô ấy có chồng làm hào lý, lại khuyên chồng ra làm chỉ huy nghĩa quân cứu nước. Thật là tuyệt vời, tuyệt vời!
Được Chủ soái khen vợ mình, Tán Áo đỏ mặt. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nói thêm vào.
- Ngày mai tôi và Đình nguyên Phan Đình Phùng về Nghệ Tĩnh rồi. Thế thì đêm nay phải sang nhà Tán Áo cho biết nhà. Để tận mắt nhìn thấy người phụ nữ Phương Xá đẹp, tài năng, hết lòng vì nghĩa quân. Về Nghệ Tĩnh chúng tôi phải nói chuyện về những tấm gương phụ nữ vùng sông Thao, Hưng Hóa, để động viên phụ nữ Nghệ Tĩnh noi theo mà đảm đang việc nước, việc nhà.
Cỗ được bày ra trên các chiếc phản gỗ mít sơn son nhẵn bóng. Cô Tâm vợ Tổng Đích chỉ đạo làm cỗ rất ngon. Cỗ nhiều thức ăn quá, gà thiến béo ngậy, cá đồng Mèn rán vàng ngậu, giò lợn nạc mịn và thơm, lại có đủ rau xanh và gia vị. Rượu nhiều rất ngon nhưng mọi người chỉ dùng một ly nhỏ, chủ yếu để chúc nhau còn không ai rót thêm nữa. Chủ soái nhớ bữa cơm trưa nhà Chánh Vị nói:
- Bữa trước hành quân lên Áo Lộc, qua đồng Mèn có lên nhà Chánh Vị ăn cơm. Bữa cơm ấy và bữa cơm này nhớ đời đấy các vị văn thân, tướng lĩnh ạ. Tán Vị, Tán Khảm, Tán Áo dạo này nhập quân chắc là phải chịu đựng kham khổ cùng với nghĩa quân. Có thể sau này còn khó khăn gấp bội, phải chịu đựng đấy. Bây giờ gặp bữa, Tổng Đích chiêu đãi thì các ông Tán tương quân vụ cố mà ăn bù đi nhé!
Mọi người nhìn nhau cười vui vẻ. Hai vị Đại khoa quê Nghệ Tĩnh ngồi ăn uống cũng rất tự nhiên, bình dị như người thân quen đã lâu. Cô Tâm chưa biết khách nhà mình là ai cứ mời mọc tự nhiên:
- Các cụ và các bác ăn khỏe vào nhé! Mấy khi các cụ, các bác đến chơi nhà. Rượu cốt đấy, các cụ cứ uống thoái mái đi. Thịt gà, cá gáy, giò lợn nạc của nhà cả có phải mua đâu mà các cụ, các bác khách khí! Nhà em đã đến nhà bác Áo, bác Vị, bác Khảm (1) ăn uống no say đến nỗi đi trên bờ còn lao cả xuống ruộng nữa đấy.
Chú thích:
(1). Tên thường gọi của Tán tương quân vụ Trịnh Ba Đanh
Mọi người lại cười ồ lên, làm cô Tâm thấy vui cũng cười theo. Càng không hiểu tại sao cô mang nhiều rượu ra thế mà không ai uống thêm, mỗi người chỉ nhấm nhi một ly nhỏ. Cô nhìn chồng và các bạn của chồng, các vị khách của chồng trông hiền lành, nhân từ, dễ thương quá. Cô tích cực mang cơm và nói động viên mọi người:
- Các cụ, các bác không uống rượu thì ăn cơm. Ăn no vào để mà còn đi chơi cho khỏe! Uống rượu mà say, nôn mửa thì thà chẳng uống là hơn! Các cụ gương mẫu cho cháu con nó học tập mà bớt uống rượu đi thì tốt biết bao!
Tiếng cười lại rộ lên, Chủ soái hỏi cô Tâm:
- Cô có thích để cho chú Đích đi đánh giặc Pháp không? Chúng tôi đang cần những người như chú này!
- Các cụ mà đồng ý thì con giơ cả hai tay! Giặc Pháp đến thì chẳng còn gì đâu, nhà tan, cửa nát, máu xương rơi. Chi bằng cho nhà con đi đánh giặc trước còn hy vọng có ngày lập công đền nợ nước, trả thù nhà.
- Cô có nuôi được các con và trông nom nhà cửa được không?
- Thưa các cụ, các bác! Con ở nhà làm tốt ạ, chỉ mong chồng con phấn đấu bằng anh, bằng em! Dân gian có câu:“Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, nhưng con nghĩ kỹ rồi, đàn ông, đàn bà muốn đánh được giặc thì cần phải có lực lượng binh lính trong tay. Ngày xưa, Hai Bà Trưng cũng thế, quân quan nhiều lắm. Chứ một mình dùng đòn gánh, đòn càn, thì đàn bà hay đàn ông không đánh nổi đâu. Đừng có rồ đứng ra cản giặc mà chết mất xác đấy!
- Cảm ơn o Tâm!- Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn đỡ lời- Lời nói của o Tâm, thật là có ý nhắc tôi và ông Phan Đình Phùng, muốn đánh giặc phải có lực lượng binh sỹ. Lần này về Nghệ Tĩnh, tôi phải động viên nhân dân các huyện, thị nổi dậy đánh địch và phải xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh. Chứ một mình thì làm sao mà thắng được giặc! Một mình thì như một mũi tên bay, thường chỉ giết được một tên giặc thôi. Muốn “ đánh một trận sách không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông” thì phải có nhiều tướng sỹ. Có nhiều người mới có sức mạnh diệt giặc, mới có thể giữ làng, giữ nước!
Mọi người nghe không cười, đăm chiêu suy nghĩ. Chủ soái thấy mọi người đã ăn no cần phải được nghỉ ngơi, ông nói:
- Ăn uống xem chừng đã đủ, Tổng Đích và cô Tâm chuẩn bị giường phản cho anh em tôi nghỉ ngơi một lát. Khoảng hơn một tiếng, ta trở về Tiên Động, cho các văn thân xem xét thế trận. Tối hôm nay tại Đại bản doanh, ta họp chỉ huy chia tay hai vị văn thân ngày mai về Nghệ Tĩnh.- Chủ soái ngừng nói nhìn vào Tổng Đích - Lúc nãy cô Tâm có ý muốn cho chú Đích tòng quân, như chú Vị, chú Cấn, chủ Khảm. Nhưng tôi xét thấy vị trí Phương Xá rất quan trọng, nên yêu cầu vợ chồng cô chú Đích Tâm chỉ huy lực lượng nghĩa dũng tại chỗ, tìm cách đánh giặc tại làng khi giặc kéo đến. Chú Đích cùng với Tán Áo nghiên cứu, khảo sát trận địa, phối hợp với các làng Vân Bán, Thụy Liễu, Tam Sơn xây dựng căn cứ phòng thủ, tìm Đốc Xù ở Vân Bán để hợp sức. Không còn lâu nữa đâu, quân Pháp sẽ kéo lên tận đây vây đánh quan quân ở Tiên Động. Tôi tin cánh quân phía nam này phải chiến đấu kiên cường và sẽ lập chiến công nhiều nhất. Cô Tâm ơi, cô không sợ đánh giặc một mình đã có anh em ta giúp sức. Chúc vợ chồng cô và dân làng Phương Xá lập nhiều chiến công!
Lúc này, cô Tâm mới hiểu ra khách đến nhà là Chủ soái Nguyễn Quang Bích và các quan Nghè từ Nghệ Tĩnh ra. Lúc đầu cô chỉ nghĩ là ba người nhà của ông Cấn, ông Vị, ông Khảm cùng đi chơi đâu đó. Ông Vị giống Chủ soái, ông Cấn giống Đình nguyên Phan Đình Phùng và ông Khảm có khuôn mặt giống Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn. Thành thử khi vào ngồi cùng mâm uống rượu cô đã không nhận ra, nói năng tự nhiên quá làm cho mọi người phải cười. Khi các vị khách lên ngựa ra đi, cô Tâm đến bên Chủ soái, nói:
- Nhà chúng con rất vinh dự được đón Chủ soái và các vị quan khách tới nhà! Có gì không phải cho chúng con được xin lỗi!
Chủ soái mỉm cười, trả lời:
- Cô chú Đích Tâm chẳng có lỗi gì. Cô chú đối với chúng tôi rất tốt. Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp còn lâu, còn dài, còn nhiều gian nan vất vả đấy. Mong cô chú cố gắng góp công xứng đáng nhé!
Mọi người lên ngựa giơ tay chào vợ chồng Đích Tâm và đều đưa mắt lại nhìn mấy tòa nhà trên đồi cao trông rất bề thế. Các vị văn thân cùng nghĩ về vợ chồng Đích Tâm rất hiếu khách và ghi nhớ một cơ ngơi đẹp ở miền đồi Cẩm Khê mà mình đã có dịp tới ăn uống và nghỉ chân.
Tán Áo đưa đoàn trở về thăm một số đơn vị của căn cứ Tiên Động. Vào thăm nhà chỉ huy đạo Hữu quân của Đốc Nhì, trong một căn nhà gỗ đóng đố chu vi, kín đáo, hướng nhà nhìn ra bờ sông Thao. Trong nhà có treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có năm chữ :“Thế-Hữu-Hưng-Nghi-Đại”. Chủ soái nhìn mấy chữ này quen quen hình như đã trông thấy ở đâu. Hỏi ra mới biết, đó là mấy chữ đại tự ở cổng làng Đường Lâm, Sơn Tây. Chủ nhà là người ngụ cư nhớ da diết cái làng mình nên làm bức hoành phi ghi mấy chữ đó treo lên cho đỡ nhớ.
Người chủ nhà tự giới thiệu với Chủ soái:
- Con tên là Ngô Trừng quê ở làng Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây. Làng Đường Lâm sinh ra hai vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Con lên đất này làm ăn, họ con là họ Ngô, xá là nơi ở nên mọi người quen gọi nơi đây là Ngô Xá, nơi ở của người họ Ngô đến định cư đầu tiên. Còn năm chữ đại tự kia là mấy chữ ghi ở cổng làng con, ý nói về sự nghiệp anh hùng vĩ đại của hai vua ta đó.
Lúc đó Tán Vị, đứng ở đằng sau Chủ soái nói:
- Không phải thế đâu ông chủ ạ. Thế là đời, Hữu là có, Hưng là hưng thịnh. Muốn phát triển được phải Nghi Đại. Nghi là khuôn mẫu, nghi thức, Đại là lớn, hai chữ này có thể hiểu là gương lớn. Tác giả có ý nói rằng, đời muốn hưng thịnh, phát triển thì phải theo gương lớn. Làng Đường Lâm có hai vua, hai tấm gương anh hùng cứu nước vĩ đại. Đời sau muốn làm nên sự nghiệp cứu nước, cứu dân người ta phải theo hai tấm gương lớn ấy mà phấn đấu.
Mọi người nghe đều mỉm cười, gật đầu tán đồng với cách giải nghĩa của Tán Vị. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nói thêm:
- Bây giờ đến lượt đời chúng ta phải noi theo các tấm gương anh hùng dân tộc vĩ đại ấy đánh giặc mà cứu lấy đất nước, cứu lấy dân tộc đang lâm nguy. Bức hoành phi ghi lại lời văn của người xưa, mọi người đã hiểu phải phấn đấu, phải hy sinh thân mình, không được lùi bước nhé!
Đình nguyên Phan Đình Phùng khen:
- Đây là vùng văn hóa gốc của dân tộc, nhân dân ta đã có công xây dựng nên các nền văn minh nối tiếp nhau. Chúng ta đánh giặc Pháp vừa cứu nước vừa cứu nền văn hóa huy hoàng của dân tộc. Sau này chúng ta đánh thắng giặc Pháp giành lại độc lập, con cháu phải tiếp tục xây dựng một nền văn minh mới trên cơ sở nền văn hóa đặc sắc dân tộc, làm cho toàn cầu phải cảm phục! Đó là chuyện của mai sau, còn bây giờ chúng ta phải bàn vào chuyện cụ thể là đánh Pháp bảo vệ căn cứ Tiên Động.
Đốc Nhì vừa ở nơi trực chiến về, ông báo cáo về tình hình cho Chủ soái, khách quý và các chỉ huy được biết:
- Đạo Hữu quân được bố trí từ bờ sông Thao vào trong núi. Số quân 248 người, chia làm 8 đội, đội quân số 1 nằm ngoài bờ sông, lúc sáng đoàn đã đến thăm sau đội số 1 của đạo Tiền quân do Đội trưởng Vũ Thế chỉ huy. Đội quân số 2 tới đội quân số 8 đóng các vị trí từ Ngô Xá tới làng Hoàng Lương và Phượng Vĩ, bên phía đông nam ngòi Rành. Con ngòi này xưa có nhiều cỏ rành rành mọc nên người ta gọi là ngòi Rành. Nó dài khoảng hơn bảy chục dặm, bắt nguồn từ châu Văn Chấn, qua miền núi Trung Sơn, Xuân An, Sơn Lương châu Yên Lập, chảy vào làng Phượng Vĩ, Hoàng Lương, Tiên Động, Tăng Xá và đổ ra sông Thao. Chỉ huy Đại bản doanh cho chúng tôi đóng quân tại đây để chốt giữ mặt phía đông nam căn cứ Tiên Động. Muốn giữ được Tiên Động chúng tôi phải cùng nhân dân các làng Áo Lộc, Ngô xá, Phượng Vĩ, Hoàng Lương và Tăng Xá chiến đấu anh dũng chặn địch.
Đốc Nhì vừa nói vừa chỉ các vị trí đóng quân trên thực địa, địa danh các làng, con ngòi Rành ngăn cách các làng với làng Tiên Động. Nơi có Chỉ huy Đại bản doanh, đạo Trung quân đang đóng bảo vệ, đang trở thành một trung tâm kháng chiến chống Pháp xâm lược của miền thượng du Tây Bắc.
Đình nguyên Phan Đình Phùng nhìn về phía đông nam căn cứ nói:
- Về lực lượng phòng giữ phía đông nam căn cứ Tiên Động có thể được giữ vững. Cần phải củng cố ngay các đội nghĩa dũng của các làng phía đông nam, các đội nghĩa dũng này phải làm vòng đai sắt bảo vệ cho được các chốt tiền tiêu của đạo Hữu quân. Riêng đạo Hữu quân phải chú ý bảo vệ cho được chốt tiền tiêu số 1 ngoài bờ sông Thao và các chốt số 2 và số 3. Không cho địch chiếm đến chốt thứ 4, thứ 5, các chốt tại Hoàng Lương, Phượng Vĩ phải có kế hoạch ứng cứu nhau khi nguy cấp.
Ông Phan Đình Phùng rất khen tướng sỹ đạo Hữu quân thực hiện quân phong, quân kỷ nghiêm, từng trải trong chiến đấu, giữ thành Hưng Hóa và làng Tứ Mỹ. Ông khen cách bố trí đóng quân liên hoàn từ trong ra và từ ngoài vào. Ông động viên tướng sỹ phải làm tốt công tác dân vận, phối hợp với quân nghĩa dũng các làng Tăng Xá, Áo Lộc, Ngô Xá, Phương Xá, Hoàng Lương, Phượng Vĩ thì sẽ lập được công to trong các trận chiến đấu sắp tới đây.
Trông thấy các chỉ huy các đội, các đạo đều mặc áo bào rộng, các binh sỹ đều mặc áo nậu mầu nâu mới và bền. Trên đầu đội nón chóp lá cọ rất bền, có vòng dây cài lá ngụy trang chắc chắn, kín đáo. Về vũ khí quân lính được trang bị nhiều súng mới cướp được của giặc Pháp và vũ khí của quân Thanh rút đi để lại, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn phải gật đầu khen:
- Tới thăm binh sỹ đạo Hữu quân có thể yên tâm, căn cứ Tiên Động sẽ được giữ vững. Tôi có thể tin quân của ông Tán Áo và Đốc Nhì sẽ giữ vững mặt phía đông nam Tiên Động. Ở đây có địa thế tốt, quân dân đoàn kết, kề vai sát cánh cùng nhau. Người chỉ huy có cái nhìn toàn cục, biết hợp sức quân dân tìm ra chỗ mạnh chỗ yếu của địch thì thế nào cũng đánh thắng.
Thời gian có hạn, đoàn phải tạm biệt đạo Hữu quân để đi thăm đạo Tiền quân bên thôn Mỹ Lương. Các chỉ huy đạo Hữu quân đưa tiễn đoàn ra tận bờ ngòi Rành. Nước ngòi xuống thấp vì mấy hôm trời không có mưa. Mọi người đi cầu tre qua ngòi Rành, còn mấy chú ngựa thì đi qua bè nổi nối hai bờ ngòi. Những người chỉ huy điều khiển ngựa theo đội hình hàng dọc, men theo bờ ngòi gập ghềnh đi đến thôn Mỹ Lương.
Khi đoàn đến thôn, Đốc Tiến, Phó Đốc Quýnh và một số binh sỹ ra tận bờ ngòi Rành đón đoàn. Mấy chú ngựa không hiểu tại sao lại hý vang lên như để chào mừng mọi người. Tất cả tướng sỹ đạo Tiền quân đều vỗ tay hoan hô, không khí đón tiếp thực là nồng nhiệt. Được báo sang thôn Mỹ Lương chào mừng các vị khách quý, Đốc Học, Phó Đốc Hoài, Phó Đốc Lệ thuộc đạo Tả quân từ các cứ điểm bên làng Minh Côi đi thuyền qua đầm Đào sang dự cuộc gặp mặt. Đốc Tiến đứng ra báo cáo cho đoàn biết:
- Hiện nay đạo Tiền quân có 250 binh sỹ, cũng được chia làm 8 đội, mỗi đội trên ba mười người, đóng ở 8 vị trí: 1 vị trí tiền tiêu bên bờ sông Thao còn 7 vị trí đóng ở phía tây bắc và đông bắc ngòi Rành. Một đội pháo với hai mười pháo thủ vừa mới được thành lập trên phiên chế của đội súng thần công của thành Hưng Hóa. Nhiệm vụ tác chiến của chúng tôi là phải giữ vững căn cứ Tiên Động bằng mọi giá. Địch sẽ tiến công mạnh từ bờ sông Thao vào, chúng tôi phải đánh cản địch không cho chúng tiến công vào trung tâm dánh chiếm căn cứ. Chúng tôi phải phối hợp với đạo Tả quân và Hữu quân kiên quyết giữ vững mặt đông bắc và đông nam căn cứ. Chúng tôi phán đoán địch sẽ tiến công vào mùa nước cạn, chứ không đánh vào mùa mưa. Về mùa nước cạn địch sẽ tiếp cận dễ dàng hơn mùa nước sâu. Về trang bị vũ khí đạn dược tương đối đầy đủ, sức chiến đấu được củng cố, công tác huấn luyện được đảm bảo, tinh thần chiến đấu của binh sỹ cao hơn trước, đó là dấu hiệu rất mừng.
Về chiều, những đàn cò trắng, đàn sâm cầm bay đậu đầy trên những cánh đồng Đình, đồng Chằm, đồng Mo. Chúng mừng nhau kêu ầm ĩ trên đồng, tưởng như chúng đang dự cuộc hội ngộ mừng vui sau nhiều ngày xa cách. Thỉnh thoảng có những đàn cò đông nghịt ào ào bay sang đầm Đào, cất cánh bay lên cao và quay đầu vào núi Lưỡi Hái tìm chỗ ngủ đêm.
Đoàn nghe Đốc Học chỉ huy đạo Tả quân báo cáo, quân số của đạo hiện có 246 người, cũng chia làm 8 đội, đóng trên 8 vị trí từ bờ sông Thao trên đồi Dọc tới đồi Cỏ Rác, phần đất thuộc làng Minh Côi thuộc huyện Hạ Hòa. Cái khó của đạo Tả quân là sự đi lại với trung tâm chủ yếu bằng thuyền. Nên sự liên lạc giữa chỉ huy trung tâm và các vị trí tác chiến đôi lúc có gián đoạn.
Nhìn vào các vị trí đóng quân, Tiến sỹ Đình nguyên Phan Đình Phùng nói:
- Đao Tiền quân và đạo Tả quân đã tham gia chiến đấu bảo vệ thành Hưng Hóa, có nhiều kinh nghiệm rồi, đó là điều rất tốt. Đã từng nghe, từng chịu để cho hàng chục khẩu pháo địch đấm lưng. Nhìn vào các vị trí, các nơi đóng quân then chốt quân sỹ sẵn sàng chiến đấu cao, vũ khí tạm đủ, chúng tôi rất tin tưởng là sắp tới hai đạo quân này sẽ có nhiều cách đánh sáng tạo lập nhiều chiến công.
Đoàn đến thăm đơn vị pháo của Lê Văn Tấn người chỉ huy các đội khẩu súng thần công ở thành Hưng Hóa. Nay được điều ra chỉ huy khẩu pháo 90 ly mới thu được của giặc Pháp ở cầu Gỗ, Điêu Lương. Pháo đặt trên một bãi bằng giữa thôn Mỹ Lương, xung quanh có đắp công sự bảo vệ. Đội Tấn đến bên khẩu pháo trình bầy với đoàn về cách bắn:
- Đạn được pháo thủ đưa từng viên vào ổ đạn, nắp lại và khi bắn thì lấy cự ly theo kính ngắm. Nếu để đạn đi xa thì đưa nòng pháo lên, xa nhất là đưa về 45 độ, bắn cầu vồng thì nâng cao nữa và nếu bắn thẳng thì hạ nòng xuống, để diệt các mục tiêu như thành lũy hay đồn bốt. Khi giật cò đạn nổ, đầu đạn bay đi, vỏ đạn rơi ra ngoài, đầu đạn bay hết tầm rơi xuống chạm đất thì nổ, hàng trăm mảnh đạn văng ra gây sát thương, nhiều người sát thương nhiều. Người Tây tôn vinh nó là “thần chiến tranh”, vì nó có thể tiêu diệt đối phương ở đằng xa, gây sát thương nhiều binh sỹ.
- Làm sao bắn như để đạn được thì tốt nhỉ?- một người lính thuộc đạo Tiền quân hỏi:
Đội Tấn trả lời:
- Muốn bắn được chính xác như để đạn thì phải chỉnh đạn. Khi đạn được bắn ra lúc đầu còn chưa chính xác, phải quan sát để điều chỉnh cự ly về phía trước, phía sau, bên tả, bên hữu. Không cẩn thận thì chính pháo của mình lại đấm lưng quân mình đấy. - Đội Tấn mỉm cười nhìn Chủ soái - Vì thế, chúng con đã phải đo các mục tiêu trước để bắn cho chính xác ạ.
Thấy mọi người còn ngạc nhiên vì lạ, vì chưa được biết pháo bao giờ, Đội Tấn hứng khởi nói tiếp:
- Nếu triều đình ta, biết đổi mới vũ khí trang bị, thì quan quân bảo vệ thành Gia Định, Hà Nội, Nam Định, Sơn Tây, Hưng Hóa sẽ không thua và không phải rút lui đâu. Người Đại Nam ta thông minh có thể làm ra súng, làm ra đại bác để mà bảo vệ đất nước. Chúng ta chỉ chụi khó học người Tây một tý là làm và sử dụng được thôi mà.
Mọi người nghe nói cùng cười khoái chí, hai vị văn thân xứ Nghệ Tĩnh nghe cũng mỉm cười. Họ từng nghe các bản điều trần đòi triều đình canh tân, học kỹ nghệ từ các nước phương Tây từ lâu, nhưng Vua Tự Đức không chịu nghe, để đến tình trạng mất nước như bây giờ. Thời gian trôi đi khó lấy lại thế nước quá, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn luôn nghĩ vậy.
Chủ soái Nguyễn Quang Bích dặn dò binh sỹ:
- Ta mới tự học cách sử dụng, cách bắn. Phải thao tác nắm bắt cách bắn chính xác có thể tiêu diệt được mục tiêu ngay. Nhất là các mục tiêu là tàu chiến, xe pháo của địch trên sông Thao và trên đường. Chúng ta phải tập kích các trận địa pháo của địch, lấy càng nhiều pháo và đạn pháo của địch trang bị cho mình. Đội Tấn phải lưu ý huấn luyện cho nhiều người ở đơn vị Tiền quân biết sử dụng để khi cướp được pháo của địch là biết bắn ngay.
Chủ soái nhìn đội Tấn, nhớ chuyện gì lại nói:
- Hôm qua ta có nghe Đốc Thịnh giữ thành Tuyên Quang nói lại rằng đã đưa ra ngoại thành sáu khẩu thần công và đủ cơ số đạn bắn. Nay muốn trao lại cho căn cứ Tiên Động, ta đã nhận lời. Tới đây, ta sẽ cử đội nghĩa dũng Áo Lộc lên lấy về. Súng thần công mang về đây, bố trí tăng cường cho trận địa pháo Mỹ Lương này và có thể làm thêm trận địa thần công mới bên làng Áo Lộc bảo vệ căn cứ Tiên Động về phía Đông Nam.
Đội pháo thủ mừng rỡ cùng vỗ tay mừng. Đội Tấn nói:
- Chúng con sẽ hứa với Chủ soái sẽ làm thêm trận địa thần công và huấn luyện có binh sỹ sử dụng tốt cả pháo và súng thần công ạ!
Đoàn quan khách ai nghe cũng phấn khởi, đến thăm các đơn vị Tiền quân tại gò Hàm Rồng. Sau đó, đoàn đi sang gò Mai, gò Múc, gò Cây Si, gò Cây Mít nay gọi là đại đồn. Đây là nơi đạo Trung quân chốt giữ, lực lượng chủ yếu bảo vệ Đại bản doanh và lực lượng cơ động chính của Tiên Động, số quân hiện tại có trên 300 người. Phó Đốc binh Hà Đức và Phó Đốc Hà Thanh Bằng thay cho Phó Soái Hoan chỉ huy đơn vị.
Quyền Chỉ huy đạo Trung quân Hà Đức báo cáo cho đoàn biết:
- Hiện nay nhiệm vụ của đạo Trung quân là phải bảo vệ cơ quan Chỉ huy Đại bản đoanh và cơ động đánh địch hỗ trợ cho các đạo quân ở bên hữu, bên tả và tiền quân. Nhiệm vụ mới của đạo Trung quân còn phải phối hợp với các đơn vị địa phương, cơ động đánh địch hoặc tăng cường cho các đơn vị bạn. Xét thấy lực lượng còn mỏng, đề nghị Chủ soái nghiên cứu điều động thêm lực lượng.
Chủ soái trả lời ngay:
- Đạo Trung quân là lực lượng cơ động chính của căn cứ. Việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, hỗ trợ, ứng cứu là chủ yếu. Khi bảo vệ thành Hưng Hóa đạo Trung quân đã ứng cứu đạo Tiền quân và đạo Tả quân. Đã thực hiện nghi binh, đánh chặn để quan quân rút lui an toàn, tiêu diệt được nhiều lực lượng địch. Nhiều chỉ huy đạo Trung quân và binh sỹ chiến đấu tốt, dũng cảm ngoan cường. Theo tin mới nhận được từ thành Hưng Hóa chiến sỹ Nguyễn Hữu Tú thuộc đạo Trung quân đã chiến đấu ngoan cường diệt 3 tên địch, bắn bị thương nặng 2 tên và hy sinh anh dũng dưới chân cột cờ. Phó Đốc binh Tạ Duy Sơn, nay là đốc binh đã chỉ huy binh sỹ chặn đánh địch ở cầu Gỗ, diệt hàng chục tên địch, thu được nhiều vũ khí, trong đó có một khẩu đại bác và gần 100 viên đạn, đang được binh sỹ ta sử dụng để báo vệ Tiên Động. Chúng ta cần phải học tập, phát huy tinh thần chiến đấu của chính đồng đội của mình đánh tiêu diệt nhiều địch hơn nữa, thu nhiều vũ khí hơn nữa. Tôi thay mặt cho Chỉ huy Đại bản doanh khen ngợi những thành tích mới lập được của đạo Trung quân.
Tất cả binh sỹ đều vỗ tay chào mừng Chủ soái và vui vẻ nhận những lời khen. Quyền Chỉ huy đạo Trung quân Hà Đức hứa với chủ soái và các vị khách quý rằng, đạo Trung quân quyết tâm huấn luyện tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, quyết chiến và quyết đánh thắng địch.
Trời đã xế chiều, nắng nhạt dần. Gió đông từ ngoài sông Thao thổi nhè nhẹ, không khí vùng núi đồi Tiên Động trở nên mát mẻ. Chủ soái cho mọi người rời đạo Trung quân đến thăm đạo Hậu quân tại cứ điểm Hố Gia. Trên một quả đồi cao, phía bên phải Đại bản đoanh. Trên cứ điểm Hố Gia lúc này có đủ chỉ huy đạo Hậu quân, Phó Soái Kiều kiêm Chỉ huy đạo Hậu quân, Phó đốc Biêu phó chỉ huy và Hoàng Nhân người vừa được phong chức Phó Đốc binh, làm phó chỉ huy đạo Hậu quân. Phó soái Kiều trịnh trọng báo cáo với đoàn:
- Đơn vị đạo Hậu quân gồm có 390 binh sỹ, nhưng đều là những chiến binh mới nhập ngũ từ ngày 1 tháng 3 năm Giáp Thân đến nay, được trực tiếp tham gia chiến trận bảo vệ thành Hưng Hóa. Qua hơn 5 tháng đạo Hậu quân đã trực tiếp chiến đấu diệt 150 tên giặc Pháp, thu được hàng trăm khẩu súng. Những trận tiêu biểu là trận đánh phục kích cản địch ở làng Trúc Phê, trận chặn giặc ở dốc Giát, trận đánh cản địch ở dốc Tình Cương. Hiện nay đạo Hậu quân có một đội quân đang làm nhiệm vụ chốt giữ trên đỉnh núi Lưỡi Hái ( thường gọi là núi Cháy). Đóng quân chốt tại cứ điểm Hố Gia bảo vệ Chỉ huy Đại bản doanh, chốt giữ con đường huyết mạch từ Tiên Động vào tổng Mộ Xuân, Quế Sơn châu Yên Lập. Ngoài ra đạo Hậu quân còn tích cực làm công tác chuẩn bị hậu cần, lo quân lương, quân trang cung cấp vũ khí. Số người làm nhiệm vụ ở ngoài Tiên Động có tới hơn 300 người nữa.
Hai vị quan Nghè Nghệ Tĩnh nghe báo cáo, rất khen đạo Hậu quân. Đơn vị toàn lính mới mà có nhiều thành tích chiến đấu. Trong chiến đấu có cách đánh sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo toàn được quân dân, tạo được uy thế, làm cho quân thù phải khiếp sợ. Chỉ huy đạo quân đã huấn luyện binh lính có ý thức, nề nếp, kỷ luật và sẵn sàng chiến đấu cao.
Đình nguyên Phan Đình Phùng nghe, nói:
- Tôi được Chủ soái Nguyễn Quang Bích và các chỉ huy khác nói chuyện nhiều về đạo Hậu quân. Chỉ huy trưởng là Phó Soái Kiều, chỉ huy phó là Phó Đốc Biêu, Phó Đốc Nhân, Đội trưởng Vi Bá Thưởng, Đặng Tất, Đỗ Kỷ, Hoàng Oanh, Lê Chính, Trần Bá và các binh sỹ khác rất dũng cảm, gan dạ, chịu đựng mất mát, hy sinh. Nghe tin gia đình bị nạn, giặc đốt nhà, người thân bị giặc giết, gia đình vợ con ly tán, mất tích vẫn không sờn lòng vẫn bám đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất tốt. Tôi và chỉ huy các mặt trận khác rất cảm phục tinh thần, ý chí của anh em đạo Hậu quân căn cứ Tiên Động. Mong anh em chỉ huy và binh sỹ phát huy cao độ thành tích để nay mai ra trận lập nhiều chiến công mới xuất sắc hơn.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn tiếp lời:
- Tôi sẽ mang tinh thần, ý chí cao cả của anh em binh sỹ sông Thao, Hưng Hóa về Nghệ Tĩnh để giương cao ngọn cờ đánh Tây cứu nước. Ngày mai, tôi và ông Phan Đình Phùng lên đường trở về quê hương, tôi xin chúc tướng sỹ đạo Hậu quân và tất cả các tướng sỹ Tiên Động mạnh khỏe, chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội làm gương cho cả nước nổi dậy chống Pháp. Về sách lược nên nhớ thủ để công, công để thủ, tiến tới tổng tiến công để quét sạch giặc Pháp. Sự nghiệp chống Pháp xâm lược của chúng ta là rất chính nghĩa, rất vẻ vang và nhất định sẽ thu được thắng lợi hoàn toàn. Giang sơn sẽ có ngày thu về một mối, nước nhà có ngày sách bóng giặc Tây và ngọn cờ độc lập sẽ có ngày được giương cao, tung bay phấp phới trong gió mùa thu mới.
Tất cả tướng sỹ lại vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay càng rộ lên khi Chủ soái Nguyễn Quang Bích và các quan Nghè giơ tay chào từ biệt đạo Hậu quân và đi bách bộ về nhà Đại bản doanh cách cứ điểm Hố Gia chừng nửa dặm. Người đứng đầu hàng quân là Phó Đốc Biêu, giơ tay cao vẫy chào các vị chỉ huy, các vị văn thân. Không hiểu thế nào, Phó Đốc Biêu cứ đứng nghiêm tại chỗ nhìn theo đoàn rất lâu, lòng dạ bâng khuâng như muốn nói một điều gì đó rất cần.