Buổi tối cuộc họp chia tay hai vị văn thân về Nghệ Tĩnh đã diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Đốc binh Vũ Bách đã bố trí, sắp xếp người đưa đường cho hai vị trở về quê hương. Các vị phải đi bộ qua sông Đà, đến đất Sơn Tây về Nam Định đi thuyền ra cửa bể Lạch Giang về bến Diễn Châu và Nghi Xuân thuộc địa phận Nghệ An và Hà Tĩnh. Thấy đường xa, sợ mất an toàn Chủ soái có vẻ lo lắng nói với Đốc Bách:
- Đường xa dặm dài, sáng mai đưa hai chủ tướng về phải lo sao cho chu đáo. Kẻ địch kiểm soát gắt gao các con đường huyết mạch, trên đường bộ cũng như trên đường thủy. Đốc binh phải có mưu kế gì để bảo toàn, đưa người về đến tận nơi quê nhà thì tốt.
- Chủ soái cứ yên tâm, con đã trù tính kỹ rồi. Sáng mai con sẽ trực tiếp đưa đi, sẽ vượt ngòi Rành, sang nhà Tán Áo chơi và cùng để bàn xem tình thế. Nếu thuận con quyết định đi thuyền cho nhanh về bến đò Tân Đệ và từ đó đi thuyền lớn ra bể Đông về Nghệ Tĩnh cho nhanh.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn ngồi bên bàn trà nghe tiếng hai người nói với sang:
- Chủ soái không phải lo! Chúng tôi đã biết tìm đường ra Tiên Động thì sẽ biết tìm đường về nhà. Ngày mai chúng tôi về, Chủ soái cứ vui, cứ ngủ ngon, không phải mấp mỏng kẻo tổn hại sức khỏe. Ngài bây giờ là quan trọng nhất, còn sống còn phong trào, có khỏe mạnh mới lo được việc Bình Tây Báo Quốc.
Đình nguyên Phan Đình Phùng cũng có lời động viên:
- Thầy cứ yên tâm đi! Việc người nào người ấy lo, như người dưới đất lo cho người trên cây lo sao nổi. Một tuần thôi, chúng tôi sẽ về tới Nghệ Tĩnh. Khi nào sóng yên bể lặng chúng tôi sẽ đưa thuyền ra đón thầy vào thăm.
- Vẫn biết là như vậy, người đi người về không lo sao được. Để mất một người, phong trào sẽ kém đi. Việc binh đao để mất một vị tướng, một người lính tôi ăn ngon, ngủ yên sao đành.
Nghe Chủ soái nói vậy, mọi người không nói thêm gì nữa. Nói chuyện sang vấn đề khác, một lúc sau Chủ soái cũng đi ra ngồi vào bàn trà góp chuyện. Các vị Chỉ huy thấy trời đã tối thì xin phép cáo lui. Chỉ còn lại ba vị văn thân ngồi trò chuyện, đàm đạo thân mật với nhau. Vào cuộc chuyện, ông Phan Đình Phùng vui vẻ, khiêm nhường:
- Ngày ở Trường Quốc Tử Giám, tôi cũng được nghe thấy bình văn và có trực tiếp đọc bài Văn sách của thầy.
- Ông thấy có gì hay không? Đã lâu, bận nhiều việc mình không còn nhớ.
- Thầy không nhớ nhưng trò vẫn nhớ như in. Trò tóm lược và đọc lại cho thầy nghe nhé.
Chủ soái gật đầu, khe khẽ nhắm mắt lại và lắng tai nghe.
- Bài thi của thầy trực tiếp trả lời đề thi do chính Dục Anh Tông Hoàng đế Tự Dức ra. Đề thi rất khó bàn về vấn đề chính sự, lấy tích xưa để hỏi nay. Nhiều điều giáo lý xưa về Lý, Số về mệnh Trời, mệnh Người. Nhà vua đã đọc nhưng còn mơ hồ chưa hiểu, yêu cầu các thí sinh nêu rõ vào trong bài thi cho trẫm đọc để trí tuệ được mở mang, chớ phụ lòng mong mỏi của trẫm.
Ông Phan Đình Phùng nhắm mắt lại như để hồi tưởng bài thi ấy. Chủ soái và người bạn cùng học trường Giám, ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn cùng mong nghe lại cho tường. Bất ngờ trò Phùng đọc lại đoạn đầu không thiếu một chữ.
“ Thần nghe rằng: giữa trời và người không xa xôi lắm, cho nên việc làm của ông Vua thường có sự cảm hứng của trời đất. Sao vậy? Là vì Trời là Lý. Lý hòa tan trong muôn vàn vạn vật. Dẫu Trời không thể làm, người sẽ làm thay. Trời lại là Số vậy, sự vận động của Số có khi xuất hiện đột biến. Dù là đời thịnh không thể không có hiện tượng ấy. Thánh hiền sinh ra ở đời này, quý là ở chỗ có khả năng đổi suy nên thịnh, đổi sai nên đúng, đổi nguy nên yên, đổi loạn nên trị, lấy lý mà chế ngự chứ không nhất thiết phó mặc khí số. Đã không phó mặc khí số thì trở lại tìm “ nhân sự” mà thôi...” (1)
Chủ soái như tỉnh ra, mỉm cười, khen ngợi và thúc giục:
- Tuyệt! Tuyệt vời! Đọc tiếp đi nào!
Nhưng ông Phan Đình Phùng không đọc mà nói lời bình trước khi đọc tiếp:
- Bài thi đã trả lời thẳng vào vấn đề mà Vua mong đợi. Những điều vừa tung ra được hứng lại, ai mà chẳng thích. Người trả lời Vua lại khôn khéo dẫn dắt các dẫn điển tích đã được ghi lại, các nhân sự là thánh hiền và kẻ tiểu nhân càn dỡ với việc nắm thuật cai trị:
“ Từ xưa bậc Vua Chúa cai trị thiên hạ, ai cũng bắt nguồn từ tính trời, rồi noi theo đạo của tính ấy mà mở mang giáo hóa. Làm đúng điều đó thị trị bình, làm sai điều đó là loạn lạc. Sự phân chia Trị hay Loạn là xem nơi lòng mình cư xử thế nào và công việc của mình như thế nào mà thôi”... (2)
Chú thích:
(1), (2) .Nguyên văn bằng chữ Hán, trích Ngư Phong và Tượng Phong thi văn tập, nhà XB Văn học, tr 255-270
- Mình đã dẫn những ai và lập lý như thế nào nhỉ ? Cách lập lý như vậy có hay không? Nên thêm vào điều gì thì tốt?
Bị hỏi bất ngờ, ông Phùng không hề lúng túng, trả lời luôn:
-Thầy đã viện dẫn các vị vua hiền thời thượng cổ Trung Hoa như Vua Nghiêu, Vua Thuấn và các đời Vua Thang, Vua Văn, Vua Võ. Họ là những minh quân thuận theo đức trị, có chính sách yên dân bằng cách ban bố đức sáng, giáo hóa dân chúng. Đồng thời đã chọn các tôi hiền ra giúp sức như ông Tác, ông Vũ, ông Tiết. Xử thế thì không cương không nhu, khép dân gian vào phong tục nhân nhường hiễu đễ, làm bất cứ điều gì đều nhắm đưa nhân dân vào chỗ hòa bình, giầu có. Cho nên đời thịnh trị trong khoảng hơn một nghìn năm. Về sau các đời vua Kiệt, vua Trụ bất nhân không theo đời vua trước, làm điều càn dỡ, vơ vét tàn bạo dựng nên cung Quỳnh, đài Dao, ao rượu, rừng thịt và làm điều hại dân, tàn vật. Về các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên lúc dùng đức trị thì nước thịnh, lúc làm điều sai ngoa, kinh bạc, người quân tử cầm quyền không nêu cao chính học, chính giáo, không đi tới cái cùng lý, tận tính của đạo tu thân, lấy Nhân, Lễ, Trí, Tín làm đầu thì suy tàn.
Nghe ông Phùng đọc và trả lời, ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn khen:
- Người viết cực hay, hay ở chỗ lập luận minh triết, dẫn chứng cụ thể, xác đáng. Nên thêm điều gì à, chắc là ông Phùng cũng muốn nói là thêm vào những sự kiện, con người cụ thể của các triều đại nước ta, nhưng không được đâu vì bài học không dạy, không có yêu cầu, còn người đọc nhớ, bình và trả lời như thế là rất xuất sắc!
Chủ soái Nguyễn Quang Bích còn muốn nghe lại bài thi và nhân thể để kiểm tra trí nhớ, biện luận, ứng đối của người học trò xưa, nên yêu cầu đọc tiếp. Ông Phùng nhắm một ngụm nước chè mạn, rồi đọc tiếp:
“ Kinh dịch nói: “ Nhà vua bồi dưỡng vun đắp nên đạo trời đất, giúp rập sự thích nghi của trời đất để mà nuôi dưỡng dân”. Sách Trung dung nói: “Trời đất chính vị là ở sự trung hòa, muôn vật sinh dục ở đấy”. Nếu việc gì cũng phó mặc số mệnh thì công lao tham tán của trời đất như Kinh dịch và sách Trung dung nói đó, thì chẳng cần gì phải làm nữa. Khổng Tử ít nói đến Mệnh là sợ con người cứ ruổi theo lẽ huyền diệu, nhưng cái lý vì sao lại như thế thì người quân tử không thể không biết đến. Cho nên Ngài lại nói: “Không biết Mệnh thì lấy gì để làm người quân tử”... (1)
- Đây là luận lý làm cái cớ để người viết tâu trình với đức Vua, bầy tỏ nỗi lòng mình với dân với đất nước. Văn chương tải đạo, không chỉ là lời nói suông, phải là sự thực nhằm thức tỉnh lòng người.
- Đoạn luận chứng mình viết những gì để thuyết phục nhà Vua?
- Người viết rất khéo, lựa chọn rất kỹ dẫn chứng để thuyết phục Hoàng thượng: “Thần cúi đọc chế sách có đoạn nói “Trời theo điều người muốn” thì điều họ muốn không gì bằng muốn sống. Thế mà những tai nạn thủy hạn, tất dịch hiện còn chưa thể tránh khỏi. “Đạo trời” thì xa, “Đạo người” thì gần. Vậy cái thuyết “vọng khí”, “chiêm tinh” ấy, quả đều là chẳng ứng nghiệm gì. Mà sự ứng nghiệm với các hiện tượng tai dị hay cát tường thì đời nào cũng có. Thần đủ thấy rằng Hoàng thượng tha thiết lo cho dân, thành tâm yêu mến dân, để ý rất mực đến mối quan hệ giữa Trời và Người. Thần nghe rằng: Trời nhìn nhận cũng như Dân nhìn nhận. Trời nghe cũng như Dân nghe. Trời và Người chỉ là một lý, cho nên lòng dân ở đâu tức là ý trời ở đó. Kinh thư có câu: “Điều dân muốn ắt trời theo”. (2)
Chú thích:
(1). Sđd tr259,
(2). Sđd tr261
Ông Phùng dừng lại nói:
- Người viết đi vào hai điều hành đạo cụ thể là phép làm yên dân và phép dùng người, xin chuyển sang đọc phần bàn về những vấn đề hiện tại của đất nước mà bài luận văn đề cập:
... “ Ngước thấy hai ba năm nay, nước ta luôn có tai dịch, nhân dân đói khát, năm trước thần vâng đọc dụ thấy nói rằng:“Từ xưa đến nay chưa bao giờ có nhiều việc như ngày nay, chưa bao giờ có nhiều tai vạ như ngày nay”. Lớn lao thay lời nói của Hoàng thượng. Trên thể ý trời, dười lo dân sinh thật là rất mực. Cho nên đối với thuế khóa thì tha bớt, đối với hình phạt thì giảm nhẹ, bọn quan lại hiền lương thì được nêu khen, bọn quan lại gian tham thì phải khiển trách, nghiêm trị. Hễ đem ra thi hành một chính sách nào cũng là xây dựng Tính, Mệnh cho dân. Thế mà dưới cảnh đau khổ lâu ngày, thần không dám nói là nay đã khá vậy. Và đối với thói tham nhũng kia, thần không dám nói là nay đã thay đổi! Dân là con cái của bệ hạ, là gốc dễ của nước nhà. Con cái mà không được bảo dưỡng thì làm sao có thể lớn mạnh? Gốc dễ không được vun đắp làm sao có thể vững bền? Phương chi họ bị nhiễm hại, bị bóc lột không phải là ít. Xin bệ hạ lo làm sao mà bảo dưỡng, vun trồng cho họ được sống còn, thoải mái thì dân được yên ổn. Muốn cho dân được yên ổn lại cốt ở chỗ chọn người mà dùng! Chỗ quan trọng ở việc dùng người thì lại bắt đầu từ tuyển dụng. Cúi xin bệ hạ phải làm thế nào trong sạch từ gốc nguồn, đoan chính từ cội dễ. Mà phép khảo thí phải cho nghiêm ngặt, thì những người được chọn dùng không ai không phải là người tốt vậy. Người xưa từng nói: “Được một tên huyện lệnh tốt như được mười vạn tinh binh, được một viên thái thú tốt như được một trăm vạn tinh binh”. Quả như thủ lệnh đều là người giỏi thì dân không nơi nào không yên. Dân đã yên thì dẫn đến khí hòa, dập tắt biến cố, của cải không lo gì không dồi dào, quân lính không lo gì không cường tráng, để dẹp yên trộm cướp, ổn định biên thùy, chắc không ngoài điều đó. Đời xưa ông Cao Dao trình bày bài Mô trước Vua Thuấn cũng lấy hai điều trên làm trọng. Thần dám xin lấy bài Mô ấy để làm vật dâng lên hôm nay...”(1)
Chú thích:
(1) . Sđd trang 268
- Ông này thật có bộ óc siêu việt! Nhưng mà sao lại đọc thuộc bản dịch?- Chủ soái khen và hỏi:
- Thưa thầy, bản dịch dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tuyên truyền, phổ biến ạ.
- Đình nguyên Phan Đình Phùng thấy bài của ta, so với bài thi sau này được chọn đỗ Đình nguyên như thế nào?
- Không nói là bài hay nhất, nhưng được xếp vào loại bài hay nhất trong các bài thi được phê đỗ Hoàng giáp ạ.
- Ông Phùng quá yêu ta, nên khen ta thế thôi. Chính ta đọc thấy nhiều bài hay hơn bài của ta, nhưng không đỗ cao vì nói thẳng. Bài ta cũng đã nói thẳng, nhưng vẫn còn phải giấu những điều cần nói. Như là vấn đề chống giặc Pháp xâm lược, không được chủ hòa, phải đánh đến cùng mới hy vọng thắng lợi. Bây giờ chúng ta đều là văn thân, con của nước phải viết tiếp trang sử vàng dân tộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Trời đã giao cho chúng ta sứ mệnh ấy rồi, phải gắng lên nhé!
Ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn có lời nhận xét thêm:
- Do tính quy phạm của bài thi, thí sinh phải trả lời theo yêu cầu của đề, nhưng nghe giọng văn hào hùng, lập luận sắc sảo, âm điệu câu như thi thơ, ngôn từ như châu ngọc. Bài thi Đình nguyên này, tuy còn hạn chế chưa bàn đến sức dân nhưng có giá trị như bản điều trần, thức tỉnh nhà vua.
Nghe nói đến Vua, cả ba vị văn thân đều nhớ hình bóng vị Hoàng thượng Tự Đức. Con người có dáng nho sỹ, thân người gọn nhẹ, vẻ khắc khổ, sức khỏe yếu, giọng nói nhè nhẹ. Luôn bận quần áo màu vàng, chít khăn vàng, đi giầy mầu vàng. Am hiểu tri thức Nho học, cần mẫn việc chính sự, việc triều chính nhưng thiếu bản lĩnh, quyết đoán. Gặp thời loạn đã không biết xử thế, phép trị không nghiêm, chính sách ngoại giao, nội trị đều kém. Vì thế Vua đã để mất nước vào tay Pháp, trước khi từ trần vào ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi ( 1883).
Cả ba người đều im lặng, không nói gì. Một lúc sau, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn lên tiếng với giọng buồn:
- Ngày làm Bố chính Quảng Bình, mình đã dâng lên nhà vua bài Tấu trình bày mọi điều lợi hại và bài Tấu điều trần về các việc nên làm. Đều là những vấn đề cấp bách, có lợi cho nước nhà, mình đã nói một ít trong buổi Hội tướng hôm qua. Nếu nhà vua nghe, các quan phụ chính, quần thần văn võ đều nghe, quyết làm ngay thì đâu đến nỗi để mất nước về tay Pháp như ngày hôm nay. Cuối cùng, mình bị chính nhà vua trị tội, cho thoái chức làm Biện lý Bộ Hình rồi sau đó bị nhà vua cách chức đuổi về quê. Mình không tiếc cái chức vụ nhưng mình tiếc cái việc nước đã qua đi, không còn lấy được cái thế nước đang còn nằm trong tay mình, bỗng chốc nằm trong tay giặc rồi.
- Bây giờ phái chủ hòa, hay là phái đầu hàng đã thắng, phái chủ chiến thì đã chìm xuống nước rồi. Chúng ta để giặc Pháp nắm được bộ máy chính quyền, nắm quan quân thì thế nước càng lún sâu xuống đáy bể.- Đình nguyên Phan Đình Phùng tiếp lời- Chủ soái nhìn hai vị văn thân khiêm nhường nói:
- Về việc đánh Pháp mình đã nói với Vua Tự Đức, ngày mình nhận học vị Tiến sỹ đệ nhị tại điện Thái Hòa. Mình tâu Vua là phải làm ngay ba việc lớn: Yên dân, canh tân và đuổi giặc. Về việc đánh giặc Pháp mình xin bệ hạ: “Bất chủ hòa, chủ hòa tất vong quốc !”. Nhà vua nói: “ Giặc ngày càng khó đánh, liệu các khanh có dám đương đầu?”. Mình đã trả lời Vua một cách hình ảnh:“Nếu bảo rằng chém gỗ quánh mới biết búa sắc thì thần không dám nói. Còn ví như loài chim Ưng, Chiên đuổi loài Di thì thần quyết sở nguyện noi theo”. Sự việc ấy đã qua 15 năm rồi. Cuộc đời làm quan của mình cũng như các bạn có đâu xuôi chéo mát mái. Từ làm quan Nội các thừa chỉ điều về làm Tri phủ Diên Khánh, rồi Tri phủ Lâm Thao hai năm, lại vào làm Án sát Bình Định, điều ra Kinh thành Huế làm Tế tửu Quốc tử giám. Đến năm 1875 được Vua giao cho duyệt bộ sách “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Cùng năm ấy, Vua Tự Đức đích danh cử mình làm Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa và năm 1876 kiêm luôn chức Tuần phủ Hưng Hóa. Hơn mười năm mình viết hàng chục bài tấu dâng vua nhằm vào việc yên dân, canh tân và đuổi giặc nhưng Vua nào có nghe. Bi kịch của đời văn thân, đời làm quan của chúng ta là không có minh quân, vua tối, tôi hèn thì ta phải chịu số phận như nhau thôi.
Một làn gió thổi nhẹ làm lá rừng rơi xào xạc. Ngọn đèn dầu sở, cạn bấc cháy đỏ lòm. Một người lính cần vụ chạy vào thay đèn mang theo ấm nước mới, tráng chén và lau bàn. Đặt lên hai đĩa bánh chè lam, một bình rượu ngâm cao hổ cốt và kính cẩn nói:
- Đây là bánh chè lam, đặc sản của làng Tiên Động và rượu bổ do Lý tưởng Nguyễn Gia Hè gửi biếu. Mời Chủ soái và các quan Nghè ăn lót dạ, nói chuyện cho vui, cho khỏe. Chẳng có việc chống Pháp, Chủ soái và các quan nghè làm sao có cuộc hội ngộ giữa rừng âm u như thế này.
Người lính cần vụ là người làng Tứ Mỹ, họ tên là Đặng Xuân Tình con trai Lý trưởng Đặng Hương nhanh nhẹn rót rượu và cắt bánh chè lam rồi định lui ra. Nhưng Chủ soái bảo cậu ta:
- Con nhắc chén và mời các văn thân uống đi con. Ta cho phép con làm việc đó, xong thì ngồi sang bên bàn kia, thức cùng các văn thân đêm nay nhé!
Lính Tình nâng cốc chúc:
- Chúc Chủ soái và các văn thân mạnh khỏe, bình an!
Các vị văn thân chúc lại người lính và chúc nhau an khang, vạn sự như ý. Người lính nhanh tay cầm đĩa chè lam nấu gừng thơm phức, đã cắt nhỏ từng miếng hình con chì dâng mời từng người và nhanh nhảu nói:
- Con được biết bà Tán Áo đã làm bánh uôi, bánh ít, cơm lam chuẩn bị cho các quan Nghè ăn dọc đường về miền Trung.
- Sao con lại biết trước?
- Người con trai của ông bà Tán Áo vừa sang chơi với con, nói cho con biết ạ.
- Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông là thế này đây.
Nghe Chủ soái nói, hai vị văn thân Nghệ Tĩnh cùng cười thoái mái. Cũng vào lúc đó, có tiếng súng Tây vọng từ bên kia sông Thao sang nổ đì đùng. Chắc là bọn Pháp đi càn, quân nghĩa dũng Âm Thượng, Vũ Ẻn đang đánh chặn địch. Mọi người đều nhìn ta ngoài trời xa, thấy vòm trời sáng trong lấp lóa những ánh sao.
Khi có rượu vào thì lời ra, các vị văn thân chẳng mấy khi được gặp nhau, trong hoàn cảnh như thế này, họ càng xoắn xuýt. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn bỗng nhớ, đọc lại bài thơ họa cảnh “ Hàn Tín điếu ngư” ( Hàn Tín câu cá), mà vua Tự Đức yêu cầu Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích làm tại buổi lễ đăng khoa:
“ Thiên hạ đương thời nhiễu chiến tranh,
Điếu ngư duy bãi ở Hàn Thành.
Trúc can địch địch quan tình trọng,
Hoài thủy thao thao phóng nhụy khinh.
Nhất ngô Hán hoàng ngư hữu thủy,
Tứ chinh hậu quốc hải vô kình.
Tha thời điếu bãi ngư hà tại,
Thành hạ không cô nguyệt ánh minh”.
Dịch thơ:
“Thiên hạ đương thời buổi chiến tranh,
Buông câu duy có ở Hàn Thành
Chon von cần trúc tình mang nặng,
Lai láng sông Hoài thuyền lướt nhanh.
May gặp Hán Hoàng, cá có nước,
Dẹp yên hầu quốc, bể không kình.
Khách câu năm ấy, nay đâu tá?
Luống để thành trơ bóng nguyệt thanh”. (1)
Chú thích:
(1). Trong tác phẩm có dẫn một số bài thơ, câu đối của Nguyễn Quang Bích, Tôn Thất Thuyết, Tống Duy Tân và các tác giả khác nhằm khắc họa tính cách nhân vật.
- Làm sao mà ông biết được?
- Chính Vua Tự Đức kể lại chuyện vị Tiến sỹ đệ nhị tân khoa ứng khẩu làm ngay khi đề được ra và ngài nhớ, đọc lại cho chúng tôi ghi. Hoàng thượng cứ tấm tắc khen và rất mãn nguyện tuyển được nhân tài đất Bắc có một không hai này. Chúng tôi về Kinh đô nghe đọc ai cũng thích, cũng nhớ. Buồi chiến tranh này, chúng ta đang cần một tướng tài như Hàn Tín đời Lưu Bang thì có thể thu giang sơn về với nước nhà.
- Thế ông còn nhớ bài thơ nào của tôi nữa không? Mấy năm nay lắm việc quá, tôi không đọc lại hầu như quên hết cả rồi.
Khi Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn còn đang láng máng, chưa nhớ ra một bài thơ nào của Chủ soái thì Đình nguyên Phan Đình Phùng đã bẩm với thầy:
- Thưa thầy, khi làm quan Ngự sử ở Kinh thành, có chuyến đi ra Bắc nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, được đọc bài thơ của thầy:“Thu nguyệt đăng Hùng Vương tự” ( Ngày thu lên thăm đền Hùng Vương ), trò xin đọc lại:
“ Thiên thai địa tịch triệu thần châu,
Toàn bức giang sơn nhập tế thu.
Khê thủy khúc tùy nham kính khứ,
Yên vân phí quá lĩnh đầu khu.
Đài sâm cổ miếu sương liêu lục,
Thụ đối tà dương vũ hậu u.
Chiêm bái hữu hoài ngưng vọng diễu,
Tản Viên nam trĩ, Hạc đông lưu”.
Dịch thơ:
“ Đất trời thửa trước dựng thần châu,
Một dải non sông đẹp cảnh thu.
Đỉnh núi lững lờ mây nhẹ thoảng,
Sườn non róc rách suối quanh co.
Rêu xanh miếu cũ sương sa đượm,
Cây ánh mây chiều khí tịch u.
Chiêm bái lòng thành xa ngắm cảnh,
Phía nam núi Tản, Hạc đông chầu”.
- Hay quá, hay quá! Thơ Chủ soái ta viết về đền Hùng.
Mấy người lính thốt lên và vỗ tay tán thưởng. Chủ soái nhìn sang bàn lính Tình, thấy ngồi bên Tình có mấy người lính nữa. Họ được chỉ huy đạo Trung quân phân công trực phụ giúp công việc cho Đại bản doanh đêm nay. Thấy họ còn trẻ tuổi chắc thèm ăn bánh chè lam, Chủ soái nói với sang:
- Lính Tình mang một đĩa bánh sang mà mời mấy anh em cùng ăn. Ăn xong lên giường mà ngủ một giấc đi. Các văn thân thức đêm quen rồi, các con còn trẻ, không thức được đâu. Lúc cần các con mà ngủ là hỏng việc đấy.
- Vâng ạ, chúng con ngủ ngày để thức đêm. Các quan Nghè cứ nói chuyện tự nhiên, chúng con xin phép ngồi nghe thơ có được không?
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nói dọa:
- Ngồi nghe đọc thơ mà mai không nhớ sẽ xử tội đấy nhé!
- Vâng ạ, chúng con sẽ nhập tâm ạ.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn về quê làm nghề dạy học nên thầy rất yêu trẻ. Ông nói thế, nhưng không hề chú ý đến người xung quanh nữa, lại nói một cách hồn nhiên:
- Thơ của Chủ soái viết khi xưa, vẫn còn mang cái dư âm thời bình, thong thả, bay bổng, khoáng đạt, ý tứ sâu sắc. Bây giờ Chủ soái cầm quân cũng nên viết nhiều thơ đi, viết cho hay vào, phản ánh cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân vùng Thượng du này. Có nhiều vấn đề của con người, cảnh vật là đề tài thơ hay. Người cầm quân giỏi lại nhà thơ tài ba ghi lại chiến công, những kỳ tích cho người đời, binh sỹ đọc thì là một công đôi việc ích nước, lợi dân. Việc chống Pháp có khi chưa thắng ngay đâu, nhưng những vần thơ hay còn có giá trị cho đời sau hun đúc ý chí đấu tranh. Thơ hay trường tồn cùng dân tộc, có khi còn quý hơn bạc vàng đó. Sách bình thơ có câu: “Thi trung hữu kim ngọc”. Những ý thơ của hai bài thơ của thi nhân Nguyễn Quang Bích vừa được tôi và quan Nghè Phùng đọc lại chẳng là vàng ngọc cho đời đấy ư.
Chủ soái được lời khuyên chân thành của hai quan Nghè thì hưng phấn lên liền đọc một bài thơ vừa làm nhân một chuyến đi qua sông Hồng, đoạn sông Thao tỉnh Hưng Hóa. Bài thơ chữ Hán có tên là “ Tái quá Hồng giang thủy trướng bất năng độ” ( Lại qua sông Hồng nước lên cao không biết nghỉ chốn nào):
“ Nhất độ kinh qua nhất độ sầu,
Thao thao giang thủy trướng hồng lưu.
Vị năng thử nhật quy châu phóng,
Hựu thả hành gian ngại khứ lưu.
Dịch thơ là:
Một lượt đi qua một lượt sầu,
Nước sông cuồn cuộn đỏ ngầu ngầu.
Lần này chưa dễ thuyền về bến,
Hai ngả đi về biết định đâu.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nhận xét:
- Bài thơ miêu tả được cái cảnh hùng vĩ của sông Hồng lúc nước lên to, vẽ ra cảnh nước dâng cao, chảy ầm ào, mầu sắc đỏ rực. Nhưng tâm trạng của tác giả thì đượm buồn, con người chí hướng còn chưa định. Cái tả cảnh thực thì được, nhưng hành động của chủ thể còn lờ mờ, đó là nhược điểm cần khắc phục. Thơ nên nói cái chí, con người trong thơ cần vượt lên cái cảnh thực hiện hữu thì thơ sẽ hay.
Trước lời nhận xét sắc sảo của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn, Chủ soái Nguyễn Quang Bích gật đầu, đồng ý. Một lúc sau ông mới nói tỏ lòng mình:
- Mình không sành thơ đâu, tập làm thơ để nhỡ ra còn thi thố với đời, ghi lại cảm hoài một cách tự nhiên, giống như trùng theo khí hậu, giống như chim theo thời tiết tự kêu rồi lại tự thôi, chứ có nói gì đến việc làm thơ đâu.
- Ấy là ta khiêm từ nói thế. Bây giờ, nhà thơ làm thơ chữ Hán hay chữ Nôm đều phải phản ánh chân sát cái hiện thực của con người, đất nước, tuy đau thương nhưng không bi lụy, không kiêu lời, giản dị nhưng mà vẫn hun đúc được cái chí. - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn ngập ngừng như muốn tìm một dẫn chứng để dẫn, bỗng nhớ ra, ông nói:
- Ví như bài Chạy Tây của thi nhân Nguyễn Đình Chiểu làm bằng thơ Nôm thế này:
“ Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”.
Bài thơ làm từ ngày đầu tiên giặc Pháp tiến công chiếm Gia Định, đầu năm 1859, ai thoáng nghe, thoáng đọc là nhớ ngay. Nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ người nào nghe đọc cũng thuộc. Đọc lên ai cũng thấu hình ảnh giặc Tây tàn ác đánh chiếm gây ra cảnh điêu tàn, làm dân đen cực khổ chìm trong hoạn nạn, thương đau. Nhưng trang nam nhi, quan quân, văn thân yêu nước, yêu dân mà đọc thì lòng sôi lên, muốn xông lên quyết đánh. Ấy là cái đích của nhà thơ đã đạt được đấy.
Chủ soái mỉm cười, đôi mắt sáng lên. Bỗng nhớ đến bài thơ Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc của thi nhân Nguyễn Đình Chiểu, ông nói:
- Ngày mình ở Kinh thành Huế có nghe nói nhiều đến bài thơ Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc. Nghe nói khi bài thơ ấy ra đời từ năm 1861, Vua Tự Đức đã ra chỉ dụ cho các địa phương toàn quốc phổ biến bài thơ này trong dân gian. Thật là một hiện tượng văn học xưa nay chưa từng thấy. Thế nào Đình nguyên Phan Đình Phùng có trí nhớ siêu việt đọc lại cho ta và quan Nghè Nguyễn Xuân Ôn nghe thì thú vị biết bao, còn hơn ăn bánh chè lam và uống nước chè mạn đấy.
Ông Phùng vừa ăn xong một miếng bánh chè lam, uống một ngụm nước chè vừa pha. Khi nghe thầy Nguyễn Quang Bích yêu cầu mình đọc lại bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc thì nói ngay:
- Đây là bài văn Nôm, tuy là văn tế nhưng lời văn như châu ngọc, khắc họa hình ảnh các nghĩa binh dũng cảm vô song, từ nông dân mà ra ứng nghĩa chống giặc Pháp. Cái tinh thần ấy là bất tử, nó khiến cho người nước Nam ta phi thường hơn lên, quyết chiến đấu hy sinh chống giặc để khôi phục nền độc lập dân tộc. Các nhà thơ nổi tiếng như Tùng Thiện Vương và Mai Am nữ sỹ và chính Vua Tự Đức đều có thơ ca ngợi. Có câu tác giả Miên Thẩm khẳng định:“Thư sinh giết giặc bằng ngòi bút”, coi nhà thơ thực sự như một chiến sỹ trên trận tuyến. Bài văn mở đầu là phần Lung khởi thường để gây ấn tượng về nỗi đau ban đầu và nêu khái quát công trạng của người chết, ở đây có thể hiểu là những nghĩa sỹ vừa mất. Nghe nói trận Cần giuộc có 21 người nghĩa binh đã hy sinh anh dũng:
“ Hỡi ôi! Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;
Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ”.
Giọng ông Phùng đọc ngân vang, ai nghe cũng thích, đọc sang phần Thích thực thì dừng lại, ông nói cho mọi người nghe hiểu rồi mới đọc tiếp:
- Phần Thích thực, là phần hồi tưởng đức hạnh và chiến công của những người đã khuất. Đi từ quá khứ đến hiện tại, từ người nông dân bình thường làm lính nghĩa binh đánh giặc thành anh hùng và đã anh dũng hy sinh vì nước để người đời tiếc thương:
“ Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay đã quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó.
Tiếng phong hạc, phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen xì muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vần nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê, bán chó.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.
Lúc ấy, Cử nhân Trần Ngọc Dư ở bên đồn binh phía bên phải Đại bản doanh, thấy phía nhà còn sáng đèn bèn vượt dốc sang xem. Thấy các vị văn thân đang ngồi đàm đạo, anh tiến vào lễ phép chào từng người và đến bên bàn cầm ấm chè rót nước mời. Chủ soái Nguyễn Quang Bích giới thiệu với các vị khách:
- Đây là người học trò cưng của tôi, quê Nam Định vừa theo đoàn của Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi lên dự lễ tế cờ, treo cờ và tham gia Hội tướng hôm qua. Cử nhân Dư thương tôi già yếu, tình nguyện ở lại phụ giúp cho tôi.
Hai vị khách nhìn người đều khen Cử Dư trẻ tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai. Chủ soái như nhớ ra việc phải ghi lại bài văn tế để tuyên truyền trong binh sỹ, học tập tinh thần đánh giặc Tây của các nghĩa sỹ Cần Giuộc. Ông nhìn Cử Dư trìu mến và nói:
- Con vào phòng làm việc của ta lấy bút, giấy, mực ghi lại bài văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc để ta tuyên truyền trong tướng sỹ.
Khi cử nhân vào nhà lấy đồ ra, đặt giấy bút trước mặt thì ông Phùng đọc lại phần vừa đọc để Cử Dư ghi. Nhìn vào thấy chữ của Cử Dư đẹp quá, các vị khách cứ tấm tắc khen. Khi ông Phùng đọc tiếp phần Thích thực, hai vị văn thân tiếp tục lắng nghe và rất cảm động:
“ Khá thương thay:
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà đạo dạy kìa; gươm đeo bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợi thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho ma tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau trối kệ, tàu thiếc tàu đồng, súng nổ.
Những năm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trương Bình, già trẻ hai hành lụy nhỏ.
Chẳng phải án cướp, án gian đẩy tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm tâm; vốn không giữ thành, giữ lũy bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.
Nhưng nghĩ rằng:
Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui đồn lũy tan tành, xiêu mưa ngã gió.
Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mỳ, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.
Người đọc lặng đi, một lúc sau ông Phùng mới nói:
- Trong phần Thích thực này, ta thấy tác giả miêu tả rất chân thật, khiến ta xúc động, thương yêu, cảm phục những người nghĩa sỹ Cần Giuộc. Khi đọc khi nghe không ai cầm được nước mắt!
Người nghe ai nấy đều ngậm ngùi thương nhớ, rất đỗi khâm phục những người nghĩa sỹ là những nông dân Nam Kỳ bình thường tự giác tựu nghĩa, chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc và đã bỏ mình vì nghĩa lớn.
Người đọc nói, bài văn tế đã chuyển sang phần Ai vãn và ông Phùng đọc diễn cảm tiếp. Tiên Động đêm đã về khuya, nghe đọc văn tế thật nao lòng. Giọng văn của tác giả vừa bi thương vừa hào hùng thúc giục lòng người, khiến kẻ sống ngậm ngùi thương xót người Liệt sỹ.
“ Ôi thôi thôi!
Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đỏ.
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Ôi một trận khói tan, nghìn năm tiết dỡ.
Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm nên bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một đàn con đỏ.
Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”.
Người đọc không cầm được nước mắt, ông Phùng đưa tay vào túi rút khăn lau nước mắt và lên giọng nói:
- Đến phần Kết, tác giả viết đôi câu song quan tỏ lòng thương tiếc vô hạn, nêu cao ý nghĩa sự hy sinh cao cả tuyệt vời của những người nghĩa sỹ. Ở đây gói cả hai cách hiểu: một là chúng ta vô vàn thương tiếc người anh hùng nghĩa sỹ, hai là những người anh hùng đương thời đồng cảm thương tiếc những người nghĩa sỹ anh hùng. Là dân của trời sống trên đất của Vua ta, Tổ quốc muôn đời thiêng liêng vĩnh hằng.
“ Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sỹ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ”.
Khi Đình nguyên Phan Đình Phùng ngừng đọc thì Cử Dư cũng ghi xong và thư thả đặt bút xuống, gấp giấy lại và đưa cho chủ soái. Ông cầm lên mở xem và khen ngợi:
- Người đọc có trí nhớ vô song, người ghi viết đẹp tuyệt vời. Ta được một bài văn hay để cho binh sỹ đọc noi gương các nghĩa sỹ Cần Giuộc anh hùng làm nên chiến thắng. Bao giờ chúng ta giải phóng được đất nước, còn sống, còn khỏe chúng ta phải vào viếng các nghĩa binh Cần Giuộc, thăm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kính mến, người làm ra bài văn tế, một bản hùng ca thời đại, sống muôn đời cùng dân tộc ta.
Thấy mọi người muốn nghe và yêu thích thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn nói thêm về những sáng tác của thi nhân, không quên nhằm thuyết phục người nghe về những vấn đề của con người và thời đại:
- Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của nước ta, sáng tác còn có truyện Nôm như truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp y thuật, nhưng nổi bật là thơ văn nói về con người, sự việc đang diễn ra ở thời đại ông. Có thể khẳng định đó là thơ văn yêu nước. Chúng ta vừa đọc hai bài văn của ông, phản ánh sinh động thực tế cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược của dân ta. Thơ của ông làm ra thể hiện tương đối toàn diện về cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ. Những hình ảnh tướng sỹ đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu kháng chiến, ví như Trương Định một lãnh binh đã kiên quyết không thi hành lệnh triều đình thoái binh, nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái mà dân phong cho đã chiến đầu chống giặc lập nhiều chiến công, suốt bốn năm. Trong một trận chiến đấu, ông bị thương gẫy xương sống đã rút gươm tự sát. Hình ảnh oai hùng của ông đã đi vào thơ văn. Mình không có trí nhớ như Đình nguyên Phùng đâu chỉ đọc lại được các câu mình nhớ, như hình ảnh ông Trương Định đã quyết chí ở lại cùng dân chúng chiến đấu:
“ Bởi lòng chúng chẳng nghe Thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền; theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại”.
Hay “ Vì nước, tấm thân đã gửi còn mất cũng cam; giúp đời cái nghĩa đáng làm nên hư nào ngại”.
Khi ông mất, tướng sỹ thương nhớ xiết bao:
“ Chạnh lòng tướng sỹ thương quan tướng, nhắc quan tướng chiu chít như gà...
... Tướng quân còn đó khắp nơi đạo tặc kiêng dè; tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái”.
Cái quý nhất, hơn nhất là sự sáng suốt của tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã dứt khoát lập trường chống giặc xâm lược ngay khi giặc Pháp mới nổ súng đánh chiếm Nam Kỳ, nhắc mọi người không quên giặc thù và phải cảnh giác trước âm mưu thâm độc của chúng:
“ Chớ thấy chín trùng hòa nghị, mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha.
Đừng rằng ba tỉnh giao hòa, mà cái việc cừu thù đành bỏ dở”.
Không chỉ có Trương Định mà còn có Phan Tòng, người Bình Đông, Ba Tri. Khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương, ông đang có tang mẹ nhưng quyết chí theo Phan Tôn, Phan Liêm chống giặc rất anh dũng trở thành lãnh tụ nghĩa quân trong nhiều năm và đã anh dũng hy sinh. Nguyễn Đình Chiểu rất thương tiếc ông và đã có thơ ca ngợi:
“ Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây,
Một phút sa trường phận cũng may.
Viên đạn nghịch thần treo trước mắt,
Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay.
Đầu tang ba tháng trời riêng đội,
Lòng giận ngàn thu đất nổi dày...”
Khi còn sống ai cũng mến mộ, khi mất đi nhân dân ai cũng tỏ lòng thương tiếc:
“ Thương ơi, người ngọc ở Bình Đông
Lớn nhỏ trong làng thảy mến trông...”.
Đã khẳng định người Anh hùng Phan Tòng là nhất môn trung nghĩa, tinh thần và khí phách của ông là bất diệt:
“ Làm người trung nghĩa đáng bia son,
Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn.
Cơm áo đền bồi ơn đất nước,
Râu mày giữ vẹn phận tôi con.
Tinh thần hai chữ phao sương tuyết.
Khí phách ngàn thu rỡ núi non”.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn bình và đọc một thôi dài thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, làm cho mọi người nghe phải bái phục trí nhớ, cách nói khúc triết, giọng đọc thơ sang sảng. Ông còn nói Chủ soái Nguyễn Quang Bích là hiện thân tinh thần nhân dân Nam Kỳ, tinh thần Trương Định, đã hai lần không nghe Thiên tử chiếu, đã hai lần chẳng chịu nghe tối hậu thư của tướng giặc. Đã chiến đấu đến cùng bảo vệ thành Hưng Hóa và bây giờ ông cùng nghĩa quân lập nên căn cứ Tiên Động, giương cờ khởi nghĩa chẳng phải là tấm gương lớn ở đời hay sao.
Tiếp lời Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn, Đình nguyên Phan Đình Phùng còn nói rộng ra, thơ văn yêu nước chống Pháp đang mở rộng ra khắp nước. Khi giặc Pháp đánh ra Bắc Kỳ đã xuất hiện nhiều tác giả với nhiều tác phẩm có giá trị tố cáo âm mưu xảo quyệt của địch, kêu gọi quần chúng nhân dân nổi dậy cầm vũ khí đánh giặc Pháp và lên án sự đầu hàng phản bội của triều đình, quan quân hèn nhát, ca ngợi những tấm gương trung nghĩa hy sinh vì dân tộc. Ông yêu cầu tướng sỹ, quan quân vừa anh dũng chiến đấu bằng gươm súng, vừa chiến đấu kiên cường bằng ngòi bút, coi việc sáng tạo văn thơ yêu nước như là một nhiệm vụ cấp thiết.
Ông nói:
- Như Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn đã nói, Đình Nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích là một tấm gương lớn. Quan quân thành Hưng Hóa, nhân dân làng Tứ Mỹ và tướng sỹ Tiên Động đã nêu một tấm gương cho cả nước học tập, trở thành đối tượng của thi ca, của văn chương. Nhưng để có tác phẩm bất hủ để đời, phải có người cầm bút tài năng, tâm huyết sáng tạo ra. Khi đó chúng ta mới có được tác phẩm hay, tác phẩm lớn. Nhiều khi chính những tướng sỹ phải lấy tấm thân ngàn vàng thể hiện tinh thần khí phách của mình, như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hiên ngang trên pháp trường mà khảng khái đọc vang mấy câu thơ tuyệt mệnh:
“ Thấy nghĩa ra tay há dám ngơ,
Làm trai trung hiếu chọn niềm thờ.
Thân này há chết chi thường kể,
Thương nỗi mẹ già tóc bạc phơ!”.
Hoặc như Nguyễn Trung Trực không làm thơ văn, nhưng lấy ngôn từ lời nói khảng khái trả lời câu hỏi của giặc: “ Bao giờ người Nam hết chống người Tây?”. Ông khảng khái trả lời: “Bao giờ giặc Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì người Nam mới hết chống giặc Tây!”. Đó là lời thơ hay nhất của người anh hùng Nguyễn Trung Trực đã lấy máu của riêng mình viết lên trang sử vàng chói lọi chống giặc ngoại xâm thiêng liêng nhất của thời đại chúng ta.
Lúc đó tiếng gà làng Tiên Động gáy ran, cả mấy chú gà rừng quanh khu nhà Đại bản doanh cũng te te gáy. Chủ soái yêu cầu mọi người đi ngủ, kẻo cả ngày làm việc, ai cũng thấm mệt. Ông nhớ tên người lính Đặng Xuân Tình nói to:
- Lính Tình nhớ xếp giường cho hai vị văn thân ngủ, phân công anh em kéo quạt cho đỡ muỗi đốt. Nhắc anh em canh gác cho tốt, khoảng bảy giờ sáng mai đánh thức mọi người dậy nhé!
Nằm xuống chiếc gường giát nứa, có rải chiếu hoa chủ soái ngủ một giấc thì bừng tỉnh. Khi nghe thấy hai vị văn thân ngáy ngủ, ông mới thực sự an tâm. Ngày làm việc hôm qua, đi lại nhiều, tuổi ngoài năm mươi đã thấy thấm mệt. Ông định nhắm mắt ngủ tiếp nhưng những vần thơ lai láng cứ ngân vang trong đầu và những tư tưởng chỉ đạo chống Pháp của hai vị văn thân có những điều rất hay cần vận dụng vào cuộc chiến đấu chống Pháp quyết liệt này. Ông dự định trong khoảng nửa năm nữa, hoặc dài hơn là một năm phải thống nhất tất cả các lực lượng kháng chiến Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Còn bấy giờ các đơn vị phải thủ trong thế công, chuẩn bị lực lượng cho những đợt tổng phản công quét sạch lũ giặc Tây ra ngoài bờ cõi. Cùng lúc đó, những vần thơ mà Đình nguyên Phan Đình Phùng và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn vừa đọc lúc đêm tiếp tục ngân vang trong đầu. Hình ảnh các tướng sỹ, các văn thân và nhân dân Nam Kỳ hiên ngang bất khuất hiện ra khiến ông không cầm được nước mắt. Ông tự hỏi mình rằng, không biết quan quân sông Thao, Hưng Hóa có xứng với họ không? Làm sao thực hiện ý nguyện của nhân dân lúc này? Phải trông vào sức dân, nhưng cậy vào những ai và cậy như thế nào? Việc cầm quân phải làm thế nào để thủ tốt, công tốt? Các câu hỏi cứ xoáy vào đầu làm ông thao thức cùng đêm.