Bố Giáp, Tán Dật, Lãnh Mai và mấy người lính bảo vệ từ Tiên Động trở về căn cứ đi trên hai con thuyền ba cắng xuôi sông Thao, đến làng Hiền Quan thì rẽ sang bờ bên tả ngạn, quãng làng Hà Thạch. Họ bơi theo con ngòi nhỏ, trở về làng Thạch Sơn. Vùng này đồng chiêm trũng, nước đồng đang xuống, nông dân đưa trâu bừa lõng, cho ruộng sục bùn. Trên những tràn ruộng cao, người dân đang làm ruộng mạ. Thỉnh thoàng nhìn thấy vài ba đàn có trắng đậu trên đồng, căm cụi mò cua cá. Cảnh nông thôn về chiều trông thật thanh bình.
Khi đến đất làng Dòng, Lãnh Mai nói như để giới thiệu với những người cùng đi:
- Đây là làng Dòng, một làng cổ, có đình thờ Hùng Vương, chùa lớn thờ Phật. Kia là nhà công quán, đằng sau là chùa làng. Trên cao, dưới cây gạo già là đình thờ Hùng Vương. Làng Dòng có nhiều người đỗ đạt là các ông Tiến sỹ Bùi Ứng Đẩu đỗ Nhị giáp, Tiến sỹ Nguyễn Doãn Cung đỗ Tam giáp, Tiến sỹ Nguyễn Mẫn Đốc đỗ Bảng nhãn, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Tuân đỗ Nhị giáp. Nghe nói các ông đều làm quan to các triều Hồ, triều Lê, đặc biệt có cụ Nguyễn Hãng danh sỹ, có tài bấm số Thái ất, biết trước được sự việc cát thì làm hay hung mà phòng tránh. Theo các cụ, thì làng này“ Địa phát khôi khoa” con cháu trước đây và về sau sẽ còn nhiều đỗ đạt, làm quan to.
Tán Dật nói như để góp thêm chuyện:
- Làng Thach Sơn nơi ta kéo quân từ Sơn Tây về, cũng có đền Văn chỉ thờ Tiến sỹ Trần Đức Trinh. Mình nghe nói cụ đỗ Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, đời Hồng Đức làm tới chức Thị lang Bộ Lại là quan triều to đấy. Làng cũng có đình thờ vua Hùng Vương thứ XVI, có nhiều chùa rất đẹp. Đặc biệt là có tục đánh tráo gạo, làng chia ra các giáp, vào ngày tết mọi người theo các giáp vác gậy đánh nhau. Đánh mạnh đấy, đánh đau đấy nhưng không ai bị thương vong gì, thế mới thiêng. Nghe người ta nói, làng Thach Sơn tọa lạc trên lưng con rùa thần, nên phải tự đánh nhau để cả năm làng được yên.
Bố Giáp từ lúc thuyền bơi vào ngòi, không nói gì chỉ ngồi nghe. Ông bỗng cất lời:
- Nghe các ông nói, như thế vùng Lâm Thao này là vùng“Địa linh nhân kiệt”, là nơi đất Tổ các vua Hùng. Từ ngày thành Sơn Tây bị giặc Pháp đánh chiếm, ta kéo quân về Thanh Mai đóng giữ. Ta và Lãnh Mai đã đi về các làng xã Sơn Vi, Chu Hóa, Cao Mại, Kinh Kệ, Tứ Xã, Cao Xá, Trịnh Lời, Minh Nông... các làng đều có đình, đền, miếu thờ các vua Hùng, các quan lang, mỵ nương, công chúa, các danh tướng của nhiều triều đại, đền Văn chỉ thờ Khổng Tử và đền thờ những người đỗ đạt cao. Như ở Trịnh Lời có ông Vũ Duệ đỗ Trạng nguyên thời Lê, chết vì nghĩa lớn được triều đình cho xây đền thờ tại làng. Làng Cao Xá có Tiến sỹ Nguyễn Như Thức đỗ Tam giáp, Tiến sỹ Nguyễn Văn Oánh đỗ Tam giáp, Tiến sỹ Nguyễn Tự đỗ Nhị giáp. Làng Tứ Xã có Tiến sỹ Nguyễn Quang Thành đỗ Tam giáp, làng Sơn Vy có Tiến sỹ Nguyễn Đình Tương đỗ Tam giáp. Tết vừa qua là tết Giáp Thân, tôi và Lãnh Mai đã vào đền Nghĩa Lĩnh thắp hương kính cáo các vua Hùng còn chưa đến được nơi thờ các danh nho, võ tướng.
Nói đến núi Nghĩa Lĩnh, mọi con mắt đều nhìn về. Tán Dật nói như reo lên:
- Kia kìa, bên trái chúng ta là núi Nghĩa Lĩnh đấy, từ đây vào đấy cũng gần. Đi hết đất làng Dòng, qua làng Tiên Kiên là tới thôi. Căn cứ Thanh Mai và Thạch Sơn đều dựa lưng vào núi Nghĩa Lĩnh đấy. Chúng ta chiến đấu chống Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, nhất định các vua Hùng sẽ phù hộ để diệt hết quân Tây! Chúng ta đã đồng lòng, xin thề “Bình Tây Báo Quốc”rồi thì quyết đem xương máu mà đền nợ nước, trả thù nhà!
Mọi người nhớ lại buổi chiều Hội tướng tại Tiên Động, chủ trương của các văn thân, võ tướng vẫn là phòng thủ, kết hợp với tiến công. Thanh Mai-Thạch Sơn phải tìm cách phòng thủ chắc chắn, phải bám địch đề mà tiến công. Chỉ có tiến công thì phòng thủ mới được đảm bảo. Bố Giáp thoáng nghĩ đến tình huống, nếu địch dùng binh lực mạnh tiến công thì căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn khó có thể chống chọi, phải nghĩ cách rút lui đề bảo toàn lực lượng. Việc này cũng phải bàn và chuẩn bị trước, không thể chần chừ.
Thuyền đã đến Thạch Sơn, Tán Dật dẫn mọi người lên đình làng thờ Hùng Vương, xây giữa xóm Trước. Từ cuối năm ngoái, quan quân từ thành Sơn Tây chạy về đây đã cho lập đồn trại chống giặc Tây. Được dân làng Thạch Sơn ủng hộ, nghĩa quân đã xây đồn, đắp lũy, rào làng lập thành một căn cứ khống chế quân giặc. Bảo vệ mặt đông bắc thành Hưng Hóa, kiểm soát vùng đất quan trọng của phủ Lâm Thao không cho giặc Tây hành quân càn quét, cướp bóc. Tháng ba năm Giáp Thân, thành Hưng Hóa bị giặc Pháp tiến công chiếm đóng, quan quân thành Hưng Hóa đã rút lui về lập căn cứ Tiên Động. Vị trí Thanh Mai-Thạch Sơn, trở thành cái gai trong mắt các quan tướng Pháp. Các nhà chỉ huy quân Pháp đã bàn định tiến công tiêu diệt Thanh Mai-Thạch Sơn song còn phải tính đưa quân chiếm Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng.
Đứng trên sân đình cao thoáng, nhìn ra sông Thao trông rõ những con thuyền buồm đang mải miết ngược xuôi. Tán Dật chỉ tay về phía bờ sông Thao, nói:
- Ngoài bãi kia là Mom Dền, đồi Bông, gò Rùa, chúng tôi đã bố trí một đội quân tiền tiêu, hơn ba mươi tay súng. Đầu năm nay đã ngăn chặn một đội quân Tây, gồm đại đội lính Âu Phi tiến từ làng Hữu Bổ lên. Chúng định đánh giải tỏa cho sở phủ Lâm Thao. Bị quân ta phục kích ngoài đê tiêu diệt hơn hai chục tên, chúng đành phải rút quân về đồn Ba Triệu. Hiện nay, các vị trí tiền tiêu này đã được tăng cường đề phòng chúng từ Hưng Hóa sang tiến công.
Lãnh Mai nhìn về hường đông chỉ về phía tràn đồi Voi Đằm, nói:
- Chú ý mặt hướng Đông, giặc có thể từ phía làng Cao Mại đánh sang. Ở đó cần phải tập trung số lượng quân đông, bảo vệ cho Thạch Sơn cũng là bảo vệ cho Thanh Mai về hướng tây. Có thể nói Thạch Sơn là tiền đồn của căn cứ Thanh Mai về phía Tây, đồn chợ Nú làng Minh Nông sẽ là tiền đồn cho Thanh Mai về phía đông. Đó là hai hướng mà địch có thể tiến công Thanh Mai, còn hướng đông và bắc ít có khả năng vì một bên là đồng nước và một bên là rừng núi, khó có thể cơ động được.
Bố Giáp nghe hai người nói, thì bổ sung thêm:
- Cần chú ý cả hướng tây và hướng bắc. Quân địch bây giờ rất mạnh, chúng có thể bao vây quân ta ở đây, cho quân đổ bộ vào làng Dòng rồi đánh vào Thạch Sơn đồng thời cho quân chiếm làng Tiên Kiên, Chu Hóa tiến công Thanh Mai và Thạch Sơn cùng một lúc. Cho nên Tán Dật và dân làng Thạch Sơn phải chú ý phòng thủ không phải chỉ có hai mặt mà là bốn mặt. Chỉ khó nỗi, quân lực ở Thạch Sơn còn mỏng!
Bố Giáp nhìn những người nghe, thấy đông lính tráng không tiện nói hết những điều suy nghĩ, ông ngừng nói, đưa tay chỉ Lãnh Mai và Tán Dật:
- Ta đi vào đình, kẻo trời nắng có thể bị ốm mất.
Lúc ấy, Lý trưởng Trần Đương, Phó lý Quản Bá và các hào lý vừa đi từ xóm Sộp ra đón tiếp các quan. Hai ông kính cẩn mời các quan vào đình:
- Dân làng chúng tôi sơ suất quá, không biết các quan đến mà đón tiếp. Mời các quan vào đình bàn việc! Xong, mời các quan về nhà tôi ăn cơm chiều! Tôi đã sai người nhà chuẩn bị chu đáo.
Khi Lãnh Mai đến bắt tay Lý trưởng Trần Đương, ông Trần Đương nhận ra là bạn nhau từ thời để chỏm thì reo lên:
- A, anh Nguyễn Bá Như, tưởng ai! Anh khỏe chứ? Hai chục năm về trước, biết anh đi lính triều bên thành Sơn Tây, thi thoảng có hỏi thăm anh. Người ta bảo anh đã lên làm quan lãnh binh rồi, mừng quá, muốn gặp, nhưng không thể gặp. Bây giờ ta gặp nhau trong hoàn cảnh này à?
- Hoàn cảnh nước đã mất, ta cùng phải đánh Tây giành lại non nước. Đó là một thử thách mà các vua Hùng và Tổ tiên giao phó cho chúng ta. Ta là bạn bè với nhau phải cùng chí hướng “ Bình Tây Báo Quốc” chứ!
Trần Đương ôm lấy bạn một lúc, rồi khẩn khoản mời bạn:
- Dù bận thế nào, anh và các quan cùng đi phải vào nhà tôi chơi. Sáng mai hãy về bên Thanh Mai, còn bây giờ trời sắp tối rồi không nên đi.
Mọi người cùng đi vào đình và ngồi bên ngoài quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp. Bố Giáp nhìn Lý trưởng Trần Đương, Phó lý Quản Bá và mọi người nói như để động viên:
- Vào tình thế này, chúng ta không thể làm khác được. Kéo quân về đây là để bảo vệ lực lượng, tính chuyện đánh Tây lâu dài. Nhân dân Thạch Sơn phải cùng quan quân chiến đấu chống sự xâm lược của người Pháp, sẽ rất gian khổ và phải chịu cảnh hy sinh, mất mát. Hào lý và dân làng đã tận tình giúp đỡ nghĩa quân, bây giờ và sau này cần phải giúp đỡ nghĩa quân nhiều hơn nữa. Địch đã biết chúng ta đóng quân ở đây, chúng sẽ tìm đến đánh phá, ta phải đánh địch chặn chúng lại. Hiện nay đại quân ta đang đóng ở Tiên Động, chúng ta phải thường xuyên liên lạc và hiệp đồng chiến đấu. Cố gắng bảo vệ cho được căn cứ, địch đến đánh ta phải cố giữ, phải tìm cách tiếp cận địch mà đánh, nhưng phải bảo vệ cho được lực lượng. Làng ta đã đào hào đắp lũy, xây dựng căn cứ phải nên rào làng cho thật chắc chắn. Địch sẽ đến tiến công, chúng ta quyết đánh, phải cố giữ không được rút chạy, không được quy hàng.
Lý trưởng Trần Đương nói cho Bố Giáp và mọi người an tâm:
- Dân làng chúng tôi đã xác định chiến đấu chống quân Tây xâm lược, thà phải hy sinh của cải và tính mạng cùng không sờn lòng. Hôm Tán Dật kéo quân về đây, tất cả nhân dân đều ra đón tiếp. Sau đó cùng quan quân đào hào, đắp lũy tham gia thu và chuyển lương thực, thực phẩm về nuôi quân. Không có người dân nào phàn nàn về quan quân, đều quyết tâm cùng quan quân chống giặc Pháp. Ngay cả những người theo đạo Thiên Chúa cũng ủng hộ nghĩa quân và cùng tham gia, phục vụ chiến đấu.
- Thế thì tốt rồi! Tán Dật báo cáo việc bố trí lực lượng tại đây, các ông nghe và có ý kiến.
Tán Dật đứng lên nói với mọi người:
- Cánh quân chúng tôi, theo sự chỉ đạo của quan Bố chánh đã kéo về đóng quân tại làng Thạch Sơn. Số quân từ thành Sơn Tây trở về chỉ có 152 người, chúng tôi đã mang theo đủ súng đạn và có lấy thêm một số vũ khí từ kho vũ khí của thành Sơn Tây mang theo về. Khi về đây, thanh niên các làng đã tham gia nhập ngũ thêm 102 người nữa, đưa tổng số quân lên 254 người. Chúng tôi đã bố trí lực lượng chính đóng đồn Trung quân tại xóm Trước và xóm Sộp, và ba đồn tiền tiêu ở đồi Voi Đằm đồi Bông và mom Dền. Lực lương quân tại trung tâm do tôi và Đội trưởng Chu Văn Đô chỉ huy sẽ làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ mặt tây và bắc. Về hướng đông, đội quân đóng tại đồi Voi Đằm đảm nhiệm; hướng nam, đội quân đóng tại đồi Bông và mom Dền phụ trách. Quan Bố chánh thấy đấy, dân làng đã cho rào làng và đào hào, đắp lũy bố trí lực lượng dân binh cùng quan quân đánh giặc.
Quan Bố chánh tận mắt nhìn thấy căn cứ Thạch Sơn đang đững vững. Gần một năm sang đất này, quan quân đều mạnh khỏe, tính thần ý chí quyết tâm chống Pháp càng cao, sự chuẩn bị đi vào chiều sâu và có phần cẩn mật. Nghe Tán Dật báo cáo, ông thấy yên tâm và như sực nhớ ra điều cần hỏi, ông nhìn về phía người lý trưởng làng:
- Nghe nói làng Thạch Sơn có thầy thuốc tên là Trần Mạnh rất giỏi, đã chữa thương và chữa bệnh cho nhiều binh sỹ. Nay đến đây, ta muỗn đến thăm và có lời cảm ơn cụ. Nhà cụ ở đây, có xa không?
Lý trưởng Trần Đương đứng dậy lễ phép nói:
- Thưa quan Bố chánh, thấy thuốc Trần Mạnh chính là bố tôi. Hiện nay, bố tôi đang ở nhà. Sáng nào bố tôi cũng đi thăm binh lính, đã chữa bệnh cho hàng trăm người khỏi căn bệnh sốt rét, bệnh tả, bệnh lỵ và chữa lành các vết thương. Nhà bố tôi cách đây hơn ba trăm mét, nhà tôi được bố tôi làm ngay ở bên cạnh. Nghe tin quan Bố chánh và các quan đi Tiên Động về, tôi đã sai người làm cơm để mời các quan đến chơi, nghỉ ngơi, cơm nước.
- Thế thì ta đến thăm cụ Trần Mạnh, và nhân thể thăm cơ ngơi nhà Lý trưởng Trần Đương. Còn việc ăn cơm chiều nhà ai, tại đâu, ta giao toàn quyền cho hai ông Tán Dật và Lãnh Mai quyết định, ta chỉ có mỗi cái mồm mang theo.
Mọi người nghe quan Bố chánh nói cùng bật cười. Họ đi theo hai ông hào lý Trần Đương và Quản Bá về nhà bên xóm Sộp. Khi đến cổng nhà Trần Đương, có con đường lên dốc vào nhà thầy thuốc Trần Mạnh, quan Bố Giáp đòi lên thăm thầy thuốc trước. Ông Lý trưởng phải chạy lên trước mở cổng, vào nhà báo cho ông bố biết. Cụ Trần Mạnh bấm số Thái ất biết có khách quý đến nhà đã sai những người giúp việc chuẩn bị tiếp đón.
Nhà cụ Trần Mạnh là ngôi nhà gỗ năm gian lợp lá cọ, đóng đố tứ vi. Gian giữa là từ đường thờ Tổ tiên. Bức hoành phi treo trên có ghi ba chữ Huấn - Tổ - Trần và hai câu đối hai bên: Tân-Ý-Phi-Anh-Gia-Thế-Phả; Nho-Y-Hào-Nhã-Trạch-Nhân-Trường.
Cụ Trần Mạnh ra tận cổng đón đoàn khách tới thăm. Quan Bố chánh đi đầu, gặp cụ cúi lạy cụ một cách cung kính. Cụ đáp lại bằng một lễ vái tạ và lần lượt vái chào quan Lãnh Mai, quan Tán Dật, Phó lý Quản Bá. Cụ mời mọi người ngồi chơi và hỏi han từng người. Do được gần với binh sỹ, nên cụ nắm được khá rõ mọi người khách đến. Cụ nói như nói với người thân quen đã lâu và như người trong cuộc:
- Quan Bố chánh đã nhanh trí lệnh rút toàn bộ quân triều ra khỏi vòng vây của mấy ngàn quân Pháp tại thành Sơn Tây, đó là một thắng lợi lớn. Việc cho quân xây dựng căn cứ Thanh Mai đánh giặc lâu dài là việc làm đúng. Cho quân của Tán Dật trở về Thạnh Sơn bảo vệ mặt phía Tây, chặn giặc lên chiếm thượng du sông Thao là cần thiết. Kiểm soát cả vùng Lâm Thao này, cho phong trào kháng chiến chống Pháp cả tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa có chỗ dựa vững chắc là cái nhìn về chiến lược lâu dài. Cuộc chiến đấu của dân ta còn phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh mới có thể giành thắng lợi, quan quân phải tự nuôi dưỡng lực lượng, gây được thanh thế đánh đâu thắng đó thì mới hy vọng thắng lợi.
Cụ nói rõ ràng, mọi người lắng nghe, mắt như sáng ra. Quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp rất phấn khởi, được cụ ca ngợi và đánh giá cao. Khi đáp lời, quan Bố chánh có lời cảm ơn cụ đã giúp đỡ nghĩa quân tận tình, không ngại tuổi cao, sức yếu, không tính toán lợi hại tốn kém, đã cùng nhân dân Thạch Sơn vì nghĩa lớn mà đánh giặc cứu nước. Các quan còn muốn nghe cụ nói, nhưng thấy trời đã tắt nắng, cụ giục con trai:
- Đưa các quan và các hào lý về nhà ăn cơm đi con! Trời đang tối rồi đó. Đêm nay, nếu các quan không bận việc quân, thì cha mời các quan ở lại chơi, con đưa xuống nhà cha ngủ. Công việc canh gác thì bảo tuần canh, dân binh lo chu đáo nghe con!
Cụ Trần Mạnh xin phép mọi người là không đến nhà con trai dự tiệc, vì đang có bệnh, phải ăn kiêng, vả lại già rồi ăn uống cùng người trẻ, sợ người trẻ mất tự nhiên, làm cho mất ngon.
- Các quan và các vị cứ tự nhiên, không ái ngại gì cả. Cháu nó đã xin phép tôi và tôi đã đồng ý. Tất cả lên nhà, cứ ăn uống thoải mái, đừng lo gì cho già này nhé. Tôi đã lo khẩu phần ăn đủ rồi. Già cần phải ăn chay, ăn kiêng nhiều mà!
Thấy cụ có lời chào, quan Bố Giáp xin phép lên nhà con trai Trần Đương ăn cơm. Mọi người rất ngạc nhiên, khi quan Bố Giáp có lời xin ngủ lại nhà cụ Trần Mạnh, sớm mai trở về Thanh Mai.
Cụ Trần Mạnh tiễn mọi người ra cổng đi ngược lên lên nhà Lý trưởng Trần Đương. Nhà Trần Đương khác với nhà cụ Trần Mạnh lợp ngói ta, trông bề thế hơn nhiều. Trời đã nhú nhóa tối, người nhà đã thắp đèn tọa đăng sáng trưng. Cỗ đã bày ra, trên những chiếc phản gụ bóng nhoáng. Nhà cũng có sập gụ, trang trí, hoành phi câu đối, gian bên là bàn trà có đủ ấm chén cổ, trông lịch sự. Quan Bố Giáp khen nhà lý trưởng:
- Có lẽ nhà Lý trưởng Trần Đương to đẹp nhất làng Thạch Sơn phải không? Con hơn cha là nhà có phúc rồi. Con nhà “ Nho, Y” chắc cũng biết làm thuốc, và học chữ nho chứ?
- Nhà tôi chưa phải là nhà to đẹp nhất làng Thạch Sơn, nhà Phó lý Quản Bá, nhà cụ Tiên chỉ Nguyễn Phấn mới là những nhà to đẹp nhất Thạch Sơn. Còn Nho, Y, tôi có biết chút đỉnh, nhưng Nho chưa tường và Y cũng chưa tận. Bố tôi có ý định truyền cho tôi nghề thuốc, nhưng tôi còn bận việc làng. Khi nào nghỉ việc thì tôi sẽ học làm. Còn chữ Hán, chữ Nôm tôi đều biết, nhưng không đi thi. Bố tôi bảo trai thời loạn, thì làm việc nghĩa là hơn. Gặp tướng quân đây, chúng tôi xin theo giúp việc chống giặc Tây. Khi nào thắng lợi thì trở về, thì lo Nho, Y cũng chưa muộn.
Các quan khách được đưa ra bể nước trong mát rửa chân tay, quan Bố Giáp, Tán Dật, Lãnh Mai còn tắm rửa mới vào ngồi ăn cơm. Sau đó, họ ngồi xếp bằng trên các phản sơn cùng ăn cơm. Họ vừa ăn, vừa nói chuyện thân mật như người cùng gia đình. Lý trưởng Trần Đương thì nói chuyện về bố mẹ và gia đình mình:
- Bố tôi có một mình tôi là con trai, ba người con gái của bố tôi thì đã lấy chồng người làng. Tôi năm này bốn mươi tuổi, có vợ và ba người con trai nhưng còn nhỏ, vợ con tôi đang ăn cơm và nghỉ ngơi tại căn nhà dười. Nhà tôi có khách đến thì e ngại, không biết ra tiếp bao giờ. Có đức tính tốt là chịu thương, chụi khó, hay lảm hay lam nhưng vụng về trong giao tiếp. Tối nay có khách, tôi phải nhờ mấy anh em chú bác làm cỗ đón khách.
Lãnh Mai ngồi nghe, cũng nói về gia cảnh của mình, vừa để cho mọi người biết vừa để nói chuyện cho người bạn thân Trần Đương biết tin về gia cảnh của mình:
- Trần Đương ạ, mình thì ngược lại có ba người con gái. Mình lấy vợ ngoài làng Sơn Vy, mình có làm nhà trong thôn Thanh Mai. Bây giờ nhà của mình làm Đại bản doanh của căn cứ Thanh Mai. Ngày mai mời bạn vào Thanh Mai và đến nhà mình chơi. Từ đây ta đi thuyền qua Cao Mại, Sơn Vy vào Thanh Mai, Mai Đình cũng gần, còn đi bộ thì rất khó đi, mất nửa ngày đấy.
Chuyện trong bữa cơm nghiêng về chủ đề gia đình, như để giới thiệu gia cảnh của mình, Tán Dật góp chuyện:
- Quê mình ở làng Lang Sơn, huyện Hạ Hòa. Từ đây, ngược sông Thao gần 90 dặm là tới làng mình. Nhà mình có hai anh em trai, ông bà thân sinh đều đã mất. Vợ con mình đang sống ở quê, anh em họ hàng thì vẫn sống quây quần bên nhau. Mình gia nhập lính triều đình, do có công đánh giặc được phong chức Tán tương quân vụ thành Sơn Tây. Cùng làm việc với hai quan bác đây là Bố chánh Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp và Lãnh binh Nguyễn Bá Như, thường gọi là Lãnh Mai. Bây giờ thì kéo quân về Thạch Sơn được các hào lý và nhân dân giúp đỡ nên nghĩa quân vẫn bám trụ được ở nơi này.
Bố Giáp cũng kể chuyện về gia cảnh và về con đường công danh:
- Mình quê làng Tó, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Tây, hai mươi bảy tuổi đỗ cử nhân, năm đó là năm Giáp Tý năm 1864, niên hiệu Tự Đức thứ XVII, ra làm quan tri huyện, tri phủ ở nhiều nơi, sau cùng giữ chức Bố chánh tỉnh Sơn Tây. Hiện nay đang cùng Lãnh Mai, Tán Dật và các nghĩa binh chống giặc Tây. Chúng tôi đang được các làng thuộc phủ Lâm Thao giúp đỡ về lực lượng, lương thực, vũ khí. Vào tình thế nào quân quan cũng phải cố giữ cho được vùng đất quan trọng này. Tuần trước đi Tiên Động gặp được Chủ soái Nguyễn Quang Bích, tôi và Tán Dật, Lãnh Mai tham gia lễ tế cờ, thượng cờ Bình-Tây-báo-quốc tại căn cứ Tiên Động. Tại cuộc Hội tướng chúng tôi đã nhận giữ vững mặt trận Thanh Mai, Thạch Sơn để làm chỗ dựa cho nhân dân Hưng Hóa nổi dậy chống giặc Tây cứu nước. Bây giờ trở lại thăm Thạch Sơn, thấy nhân dân một lòng sốt sắng đánh giặc, tôi rất mừng.
Vừa lúc đó, cô Son vợ Lý trưởng Trần Đương bước vào; cô mặc yếm trắng, áo nâu, đầu vấn khăn đen, cõng theo một đứa trẻ lên ba vái chào mọi người và nói:
-Thấy các cụ và các quan bác đến nhà, cháu chưa lên chào được, vì còn bận con nhỏ. Các cụ, các quan bác cứ ăn cơm tự nhiên, rồi ở lại chơi với nhà cháu ạ!
- Xin lỗi bà Lý trưởng Đương nhé! - Phó lý Quản Bá nói- Thiếu bà chúng tôi ăn chẳng ngon chút nào.
Mọi người cười ồ, quan Bố Giáp còn nói để đùa vui:
- Bà Lý ơi! Chồng bà cứ chê bà hay lảm hay lam, mà rút rè không biết tiếp khách. Xem ra bà có thể làm lý trưởng thay chồng được đấy.
- Ấy chết, đàn bà chúng cháu chỉ có thể làm được như Bà Trưng, Bà Triệu đánh giặc, còn việc khác thì không thể làm thay chồng được. Chức lý trưởng thì đã có các hào lý của làng đảm nhận rồi.
Mọi người lại cười ồ, vui vẻ. Vợ lý trưởng Trần Đương xin phép đi về nhà dưới. Bà Lý vừa đi khỏi, Tán Dật khen:
- Vợ Lý trưởng Trần Đương là người vợ giỏi giang đấy! Chẳng khác bà Lãnh Mai và người vợ của quan Bố Giáp, tôi đã được tiếp kiến các bà ấy. Phụ nữ Đại Nam ta thực có tiếng là rất đảm đang, thủy chung và rất anh hùng!
Quan Bố Giáp thì gật đầu tán thành ý kiến của Tán Dật, ông có lời bàn luận, giáo huấn:
- Cho nên việc dùng binh cốt để bảo toàn được người và tài sản, nhất là bảo toàn con người, không để mất một lương y quý giá như cụ Trần Mạnh, người đàn bà đẹp và đảm đang như vợ Trần Đương. Các quan phải nghĩ cho kỹ trách nhiệm, làm việc quân binh phải làm đến nơi đến chốn, không được chủ quan, không được tắc trách như thế mới mong lập được công, mới có thể đến nợ nước trả thù nhà.
Mọi người ăn bữa cơm chiều thật vui vẻ, no nê. Quan Bố Giáp rất mãn nguyện vì thấy cánh quân Thạch Sơn được nhân dân các làng ủng hộ, được tiếp lương, được củng cố vững mạnh hơn nhiều. Làng Thạch Sơn đã được xây dựng theo kiểu làng chiến đấu kiên cố chẳng kém gì Thanh Mai. Khi mọi người ra bàn trà uống nước, ông nhắc Lãnh Mai ra đón anh em binh sỹ cùng đi, hiện nay đang ăn nghỉ ở đồn Trung quân vào làm nhiệm vụ canh gác. Nhắc Tán Dật đi kiểm tra binh sỹ và yêu cầu hai người vào nhà cụ Trần Mạnh nghỉ ngơi để bàn việc quân. Dặn dò vị hào lý khi về nhà, ông nói nhân thể có công việc qua thăm làng, có lời chào tới tất cả bà con Thạch Sơn. Sáng sớm mai tôi và Lãnh Mai sẽ lại trở về Thanh Mai để tiếp tục công việc diệt Tây cứu nước.
Tất cả mọi người đứng dậy, chào quan Bố Giáp và Lý trưởng Trần Đương ra về và đi làm nhiệm vụ đã được phân công. Hai ông ở lại ra ngoài sân hóng mát. Gió từ sông Thao thổi vào mát rượi. Quan Bố Giáp và Trần Đương ngồi hút thuốc lào, hơi rít mạnh, điếu kêu xành xạch.
Nửa giờ sau,Trần Đương dẫn quan Bố Giáp trở về căn nhà của bố mình. Cụ Mạnh đang nằm chờ để tiếp chuyện. Thấy Bố chánh Nguyễn Văn Giáp về, cụ vùng dậy ngồi dưới ngọn nến cháy sáng cả ba gian nhà ngoài. Cụ chắt nước vào chén nhỏ, mời quan Bố Giáp uống. Thứ nước rễ cây mát, tỏa mùi thơm và ngọt, quan Bố chánh uống vào thấy tỉnh người. Cụ Mạnh nhỏ nhẹ nói với quan Bố chánh:
- Hồi tháng sáu năm nay, tôi ngồi xem Thái ất dị giản lục của danh nho Lê Quý Đôn và đọc Kinh dịch phần Dịch kinh và Dịch truyện, bấm số thấy có sự đổi ngôi. Quả nhiên đến ngày 1 tháng 8 năm Giáp Thân có chuyện vua Kiến Phúc bị bệnh băng hà, vua Hàm Nghi lên ngôi trị vì. Nhưng nhà vua còn đang ở tuổi vị thành niên, khó có thể đảm đương được việc nước. Nghe tin các ông Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đang chuẩn bị nổi dậy đánh Pháp. Xem ra nước sẽ đại loạn, Kinh thành Huế sẽ thất thủ?
Quan Bố chánh điềm tĩnh nói:
- Chúng tôi đã nhận được mật báo từ triều đình rằng cứ tiếp tục kháng chiến chống Pháp, đó là tin mừng. Nhưng việc nước bây giờ người Tây nắm cả, họ có quân đông vũ khí mạnh. Từ sau hiệp ước Pa-tơ-nốt, tháng 5 năm Giáp Thân, quân Pháp đã chiếm hết các tỉnh thành tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ rồi. Thế nước nghìn cân treo trên sợi tóc, những người chủ chiến có ra tay cùng khó mà lấy lại được nước. Nhưng những người kháng chiến như chúng tôi, đang cần có một ông vua hiền xuất hiện để cùng quân dân cả nước đứng lên đánh Pháp, mong sao có thể lật được thế cờ.
Nghe Bố Giáp nói có ý trúng với ý mình, cụ Trần Mạnh hồ hởi nói tiếp:
- Nhân cơ hội này quan quân phải tập trung vào việc đánh mạnh. Nghe tin tại Tiên Động, Đình nguyên Hoàng giáp, Chánh sứ Sơn phòng, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích đã thượng cờ khởi nghĩa Bình Tây Báo Quốc; các văn thân, võ tướng kéo về đông lắm phải không? Các ông đã Hội tướng, hội quân tìm ra cách đánh, kêu gọi tướng sỹ và nhân dân đứng lên chống Pháp xâm lược. Bây giờ dân và quân trong nước đã có chỗ mà hướng về.
- Tôi và Lãnh Mai, Tán Dật cùng từ trên đó về đây. Thượng cờ như thế cho danh chính, có Hội tướng nhưng còn chưa thống nhất; tạm thời tôn Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích lên làm Chủ soái, định đến sang năm hội họp bàn kế hoạch cụ thể hơn. Còn bây giờ thì chỉ đạo chung vẫn là nổi dậy, tìm đất phòng thủ, kết hợp với tiến công, tiến công để phòng thủ, tiến tới tổng tiến công giành thắng lợi toàn cục.
Cụ Mạnh gậy đầu khen:
- Thế là rõ rồi, tốt rồi, như là bước đầu tập họp được lực lượng, đã bàn về cách chỉ đạo chung. Nhưng trên thực tế chiến trường Bắc Kỳ và Trung Kỳ còn nhiều khó khăn đấy. Nay kẻ địch mạnh hơn nhiều, họ đã đưa sang nhiều lực lượng, vũ khí của họ rất mạnh, họ lại lôi kéo được các quan lại, binh sỹ nước ta làm tay sai cho họ; dựa vào uy danh triều đình Huế để yên lòng dân, bắt dân và quân Nam theo họ. Chúng ta phải tự mạnh lên diệt cả Tây lẫn ngụy thì mới hy vọng nắm được thắng lợi.
Lúc đó, Lý trưởng Trần Đương đã xin phép quan Bố chính và bố mình để về nhà trên. Trong nhà chỉ có hai người là cụ Trần Mạnh và Bố Giáp ngồi say sưa trò chuyện. Ánh sáng nến chiếu tỏ, khuôn mặt của hai người càng thêm rạng rỡ. Bố Giáp kể lại chuyện thành Sơn Tây thất thủ. Trận ấy, chính ông cùng quan quân đã không chụi hạ vũ khí theo lệnh của triều đình, đã tham gia chiến đấu đến cùng. Ở thế thua, đã khôn khéo rút quân ra khỏi thành để bảo toàn lực lượng. Nghe theo Lãnh Mai về lập căn cứ Thanh Mai và cho Tán Dật về giữ đất Thạch Sơn. Bố Giáp nói về những hoạt động của quan quân:
- Hiện nay, lực lượng Thanh Mai cũng chỉ gồm một đạo quân có trên 400 người. Đấy là vừa qua có tuyển thêm được hơn 100 binh sỹ của các làng nam phủ Lâm Thao vào nhập nghĩa binh. Vũ khí còn thô sơ, nên chúng tôi phải dựa vào thế hiểm để phòng thủ. Quân quan chỉ tính đến việc chống giặc càn quét, lấn chiếm. Vừa qua có chặn đánh địch ở Trịnh Lời, Cao Xá, và Cao Mại. Đánh địch không cho chúng đến chiếm đóng phủ Lâm Thao, tập kích địch ở đồn Hạc Trì, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Ba Vì, Quốc Oai. Địch đã phải gờm nghĩa quân Thanh Mai. Nhân dân miền đồng bằng Bắc Kỳ đã có lời ca ngợi: “Nhất Thanh Mai nhì Bãi Sậy”; về lực lượng và thanh thế nghĩa quân Thanh Mai có thể vượt trội so với nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật hiện đang hoạt động tại vùng đầm lầy Hưng Yên.
Cụ Trần Mạnh nghe chăm chú, cụ không bàn về thắng lợi, nói nhấn mạnh về cách đánh giặc:
- Tôi đã nghe Vạn kiếp bí truyền thư của Hưng Đạo Vương có nói rõ cách đánh riêng cho quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông là:“ Lấy không đánh có, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy cái sở trường chế cái sở đoạn, lấy đoản binh đánh trường trận, cả nước đấu sức lại thành một khối, thì nhất định thắng”. Hay như thần Nguyễn Trãi từng bàn về chính trị thì: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chi nhân mà thay cường bạo”; về quân sự thì : “ Nuôi uy, chứa sức, giấu mũi nhọn, bịt ánh sáng”; khi mạnh thì:“Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông, cơn gió to cuốn sạch lá khô, tổ kiến hổng sụp toang đê vỡ...”. Bây giờ sao ta không biết sử dụng các kế sách ấy của cha ông mà đánh giặc Pháp nhỉ? Tính từ tháng 10 năm Quý Dậu (1873), đến nay là 11 năm, Pháp chiếm được cả Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nước Đại Nam ta đã thuộc Pháp quốc rồi.
- Đúng như cụ nói, triều đình đã không có kế sách gì hay, nên ta mới thua quân Pháp. Lúc đầu người Pháp đâu có nhiều quân lực như ta. Chúng có rất ít quân, chỉ có dựa vào vũ khí, hỏa lực mạnh gồm đại bác, súng cối, súng trường, tầu sắt. Ta có nhiều quân, những đội quân triều đình đông tới hàng vạn. Nhưng bên ta, vua quan có ý sợ quân Pháp, cầu hòa nên đã vô tình nối giáo cho giặc. Khi địch đánh Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, quân cơ động của ông Tiết chế Hoàng Kế Viêm không hề ứng cứu, đã rút chạy một cách vô cớ. Các thành Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên thì địch chiếm gọn, có thành chỉ có vài tên lính đến đánh quan quân đã bỏ chạy táo loạn, như là mất hết tinh thần, hồn vía. Chỉ có quân quan Sơn Tây và Hưng Hóa là còn chiến đấu đến cùng, mặc dù có chiếu dụ phải hạ vũ khí, hoặc tối hậu thư của quân Pháp ra lệnh là phải đầu hàng. Lịch sử sẽ lên án triều đình nhà Nguyễn hèn nhát để cho dân ta mất nước, nhưng lịch sử sẽ không quên nhưng người anh hùng nghĩa sỹ đã và đang xả thân vì nghĩa lớn, vì đất nước và dân tộc mà hy sinh.
- Quân ta kháng chiến trong thế bị động, chỉ theo tinh thần chống giặc của các văn thân, võ tướng, nghĩa sỹ - cụ Trần Mạnh nói có ý như là để phê phán- Không có chuẩn bị trước, các ông Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, mà kể cả Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Đình Nhuận, Hoàng Giáp, Tuần Phủ Nguyễn Quang Bích không có chí hướng lo xa, vẫn định kiến cho rằng làm tướng không giữ được thành thì tuẫn tiết như ông Hoàng Diệu nên không lo chuẩn bị trước chiến trường, căn cứ kháng chiến, để khi rút quân ra, quan quân đã có sẵn lương thảo, vũ khí trang bị. Tây chiếm được thành thì kho quân lương, kho vũ khí thuộc về nó hoặc bị phá hủy hết. Biết lo xa thì quân dân không đến nỗi thiếu vũ khí, đạn dược như hiện nay. Phá giặc cần có hai thứ, đó là xung lực và hỏa lực. Bây giờ thì chúng ta thiếu cả hai thứ ấy, còn quân Pháp càng đánh càng mạnh. Nhà nước Pháp cho bổ sung quân và vũ khí được trang bị ngày càng tối tân, lợi thế hơn ta nhiều lần. Như thế thì quan quân kháng chiến chống giặc Pháp không thể thắng lợi, có thể phải chuốc lấy cái bại vong.
Cụ Mạnh nói, hai con mắt sáng rực, làm cho Bố Giáp phải giật mình. Vì cụ nhìn toàn cục, so sánh, bàn luận có căn cứ mà ý khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột vậy. Bố Giáp nói như để an ủi, vỗ về, khuyên nhủ cụ:
- Cụ và nhân dân cứ an tâm, cuộc kháng chiến của chúng ta đang có chiều hướng tốt lên. Quan quân mọi miền sẽ hợp sức lại, thống nhất lực lượng, Vua Hàm Nghi được các Phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường hướng đạo, sẽ khởi nghĩa, kêu gọi quân dân cả nước chống Pháp. Chúng ta sẽ xoay lại thế cờ, thế nào rồi cũng đánh thắng giặc Tây. Còn như cụ phê phán quan quân trước đây đã không chuẩn bị, thành ra bị động để đến nỗi thiếu quân lực, quân lương, thiếu vũ khí như hiện nay là rất đúng. Tôi là người trong cuộc cũng nhận ra điều đó, nhưng khi có ý thức kháng chiến chống Pháp lâu dài thì lúng túng vô cùng, khó khăn không lường hết được nữa.
Cụ Mạnh lấy ấm nước chắt vào chén của quan Bố Giáp, rồi nói:
- Thôi ta cùng uống nước đi, kẻo khát! Khiển quân thời chiến khó đấy, nó biến hóa khôn lường về thế cuộc, cục diện, nhận biết đúng thì có quyết định đúng, có lợi; nhận biết sai, quyết định sai thì cái nguy khốn nó đến ngay. Người cầm quân có tài thì chỉ có đúng chứ không được sai, biến yếu thành mạnh, biến nguy thành yên, từ thất bại thành thắng lợi. Tôi mong chờ vào Bố Giáp, Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích và vào các văn thân, võ tướng đấy. Già như tôi thì còn lo cho ai được nữa. Việc nước như bây giờ phải nhờ người có chí có tài như thánh Hưng Đạo Vương, như thần Nguyễn Trãi thì dân ta mới thắng được.
Cụ Trần Mạnh có vẻ buồn, như không muốn nói nữa, nhưng Bố Giáp muốn khai thác từ cụ những bí mật. Cuộc gặp gỡ, nói chuyện này thật hiếm, mình cần nắm được những cái cơ bản nhất về cuộc đời. Cụ Mạnh là người giỏi cả Y, Nho, Lý, Số, có thể biết hết. Bố Giáp biết vậy liền hỏi dò xem ý cụ thế nào:
- Tôi mới về Thạch Sơn, mới gặp con cụ Trần Đương, xem ra biết nhiều về Nho học, sao cụ không cho về thành Nam Định, thành Hà Nội ứng thi lấy cái bằng cử nhân, hay vào Kinh đô Huế thi hội thi đình lấy cái bằng tiến sỹ?
- Nói cho quan Bố Giáp biết, thằng Trần Đương nhà tôi không có cái số danh nho khoa bảng. Nó có cái số tù tội đấy, kết cục đời nó là như thế, nên tôi mới không cho nó đi thi cử gì hết, kẻo mang vạ vào thân. Bây giờ giặc Tây kéo đến, thời cuộc chuyển vận, quan quân thua trận kéo về, làng không cưu mang không được. Tôi làm thấy thuốc, thấy quan quân bị thương, ốm đau không ra tay cứu giúp thì mình thành kẻ vô lương tâm. Cháu nó làm lý trưởng làng, thấy quan quân về mà trốn tránh thì là kẻ đào tẩu, có tội. Mà theo, mà giúp quan quân sao lại không liên lụy chứ! Nhưng vì nghĩa lớn phải làm, cũng như quan Bố chánh nay ra cầm quân xả thân cứu đời, đã lăn vào vòng lửa hiểm nguy, số phận khó mà bảo toàn. Nhưng đành phải chịu thôi, đã vì dân, vì nước thì cái thân vàng ngọc xá gì!
- Cụ có thể bấm số cho tôi được không? Có gì cụ cứ nói thẳng cho tôi biết để mà phòng, còn đã là mệnh thì phải chịu. Chữa được bệnh ai mà chữa được mệnh. Mệnh là tại số trời rồi.
- Tôi đã bấm số cho rồi, quan Bố chánh sẽ không chết trận, nhưng chết vì bệnh. Tuổi thọ, không được cao đâu. Quan Tán tương quân vụ Lê Đình Dật không chết vì bệnh, không chết vì hòn tên mũi đạn, chết vì bi phẫn. Quan Lãnh binh Nguyễn Bá Như thì bị chết chém. Tôi nói để cho quan Bố chánh biết, đừng nói cho ai biết kể cả thằng Trần Đương con tôi. Nói ra người không vững vàng sẽ là có hại cho người đó. Tôi bấm số còn biết đến đời cháu của Trần Đương có thằng phải đi tù oan mà mãi sau mới có người ninh oan, mới được tha về.
- Vâng, biết như thế, tôi xin giữ kín. Năm nay tôi đã gần năm mươi tuổi rồi, cái tuổi tứ thập bất hoặc. Tôi cũng biết mệnh tôi rồi, cụ bấm đúng lắm! Còn số phận của những người mà cụ vừa nói thì có lẽ ngay bản thân tôi cũng chưa chắc được chứng kiến.
Hai người ngồi trầm ngâm rất lâu, không nói gì. Ngọn đèn nến cháy như sắp tàn, tỏa ánh sáng yếu ớt. Quan Bố chánh đứng dậy, châm một ngọn nến khác, rồi lại ngồi xuống như muốn còn lắng nghe cụ Mạnh nói. Thấy khách còn như muốn nghe chuyện, cụ Mạnh nói về điều cụ vừa mới bấm số:
- Nước ta, tới đây sẽ có hai vua, một ông vua trung còn một ông vua xằng. Thời cuộc sẽ dẫn đến như thế đấy, quan Bố chánh ạ. Tôi cho rằng ông vua trung sẽ là Vua Hàm Nghi bây giờ, còn một ông vua xằng sẽ là một ông vua mới do Pháp dựng nên. Ông vua bù nhìn, ông vua bán nước, hại dân đấy. Nước ta nay đã là thuộc Pháp, sẽ còn mất một Hội 60 năm nữa mới có thể giành lại độc lập.
Lúc đó Lý trưởng Trần Đương từ nhà trên xuống và Tán Dật, Lãnh Mai từ các đồn trại kéo về nói chuyện inh om. Cuộc nói chuyện giữa Bố chánh Nguyễn Văn Giáp và cụ Trần Mạnh chấm dứt. Lý trưởng Đương mang nhiều bánh mật xuống, pha trà xanh cho quan quân thưởng thức. Mọi người ăn đếu khen bánh mật do người dân Thạch Sơn làm rất ngon. Thấy đêm đã khuya, cụ Mạnh nhắc:
- Ăn uống xong mau đi ngủ, để sớm ngày mai còn đưa quan Bố Giáp, quan Lãnh Mai trở về Thanh Mai. Mấy cái phản rộng đó, lên cả đó mà nằm ngủ, có quát kéo đó, phân công nhau kéo quạt cho đỡ muỗi nhé!
Đêm đó quan Bố chánh nằm xuống, còn thao thức một lúc mới chớp mắt. Hình ảnh cụ Trần Mạnh và những lời nói của cụ được ông ghi nhớ. Ông đã hình dung được kết cục những sự kiện, sự việc của cuộc chiến dưới sự chỉ huy của ông tại phủ Lâm Thao này. Ông không nói chuyện với ai, bởi việc binh, việc đời không cho phép mình được tiết lộ. Cụ Mạnh rất tin ở ông mới nói ra điều mà chỉ những người giỏi Nho, Y, Lý, Số mới có thể biết được. Về việc binh, sao chúng ta không học một cách bài bản những kinh nghiệm của chính cha ông chúng ta. Ông nhớ những tư tưởng chỉ đạo của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi mà đã lâu ông không được ai nhắc tới. Bây giờ đến Thạch Sơn, đất Lâm Thao nổi tiếng đất nho học, được gần nhân dân ông mới vỡ lẽ, trí tuệ dân tộc không phải đâu xa mà là trong trí nhớ của nhân dân được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Ông dự định phong cho Trần Đương giữ chức Phó đốc binh, giúp việc cho Tán Dật chốt giữ mặt phía tây căn cứ Thanh Mai.
Đến canh tư, ông đánh thức Lãnh Mai, Tán Dật dậy. Ông đến bên giường chào cụ Trần Mạnh và bảo Trần Đương cùng đi ra đồn Trung quân. Tất cả lặng lẽ đi từ xóm Sộp ra xóm Trước, ông bảo những người lính cùng đi chuẩn bị thuyền để ông và Lãnh Mai về căn cứ. Ông còn đi kiểm tra đồn Trung quân một số đồn binh trên mom Dền, xóm đồi Bông và đồi Voi Đằm. Ông bảo đi đến đồi Voi Đằm trước, sau đến đồi Bông, mom Dền. Sau đó lên thuyền qua Sơn Vy về Thanh Mai cho đỡ nắng. Trên đường sang đồi Voi Đằm, quan Bố Giáp hỏi Trần Đương:
- Đây có voi rừng đến đằm hay sao mà gọi là đồi Voi Đằm?
- Không có đâu, ngày xưa Hai Bà Trưng dẹp xong giặc Hán, lên làm vua, cưỡi voi về thăm cô ruột của mình ở đất làng Cao Mại bây giờ. Hai Bà cho voi nghỉ ở đây, trời nắng voi nó thấy có vũng nước mát xuống đằm tắm. Mấy cái vũng nước nay vẫn còn, nhớ sự tích cũ nên người ta vẫn gọi là đồi Voi Đằm.
Mấy người lính canh, thấy có người nói chuyện liền báo động cho anh em dậy. Đội trưởng Vũ Văn Nam, tập hợp binh sỹ báo cáo quan Bố chánh lực lượng đóng tại đồi Voi Đằm. Binh lính đều sẵn sàng chiến đấu cao, gần một năm qua anh em đã tham gia chiến đấu nhiều trận, cùng đội nghĩa dũng Thạch Sơn cản được quân địch tới lấn chiếm Cao Mại, phủ lỵ Lâm Thao.
Sau đó, ông đến đồi Bông và mom Dền, thăm binh sỹ đóng ngoài bờ đê sông Thao. Ông Bố chánh thấy quân sỹ rất cảnh giác, sẵn sàng đánh trả địch, rất vui mừng thấy tinh thần, khả năng của binh sỹ tốt hơn nhiều so với trước. Điều mà ông nhìn thấy là hầm hào rất kiên cố, rào lũy rất chắc chắn, quân địch khó có thể tấn công chiếm làng Thạch Sơn từ hướng đông và nam. Người đội trưởng tên là Tạ Đen còn trẻ, khỏe mạnh và rất tháo vát đã báo cáo cho ông rõ tình hình giặc và khả năng chiến đấu của đội quân đóng tại đồi Bông và mom Dền.
Khi ông về tới xóm Trước, mặt trời đã bắt đầu lên trên lũy tre làng. Binh sỹ đồn Trung quân đã tập hợp đông đủ. Đội trưởng Chu Văn Đô báo cáo với quan Bố Giáp lực lượng binh sỹ của đồn tinh thần chiến đấu cao, ý thức ứng cứu nhanh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi đánh tập kích địch trên địa bàn phủ Lâm Thao. Bố Giáp nhắc nhở binh sỹ phải năng luyện tập võ bị, tập đánh phục kích, tập kích. Ông có nêu vấn đề học tập cách đánh của quân ta ở Sơn Tây và Hưng Hóa bám sát trận địa, bán sát địch, không để giặc kịp trở tay, đánh như hại trận phục kích giặc Tây thắng lợi lớn ở Cầu Giấy, chém được đầu tổng chỉ huy của giặc. Ông cũng phê phán tư tưởng cầu an, hàng địch để mưu cầu cuộc sống riêng của một số quan quân các thành Nam Định, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ông khẳng định binh sỹ Thanh Mai-Thạch Sơn trung thành, dũng cảm đã tạo được tiếng vang trong toàn xứ Bắc Kỳ.
Cuối cùng, ông nói:
- Cánh quân Thạch Sơn đã lớn mạnh, tăng cường được hơn một trăm người từ các làng Xuân Lũng, Hà Thạch, Thạch Sơn, Tiên Kiên, Cao Mại, Kinh Kệ. Về tổ chức lực lượng, tôi tạm thời đề bạt Lý trưởng Trần Đương lên làm Phó Đốc binh, cùng với Tán Dật và các Đội Nam, Đội Đen, Đội Đô chỉ huy anh em binh sỹ tại Thạch Sơn. Số quân hiện nay, có thể chia ra làm làm 10 đội. Mỗi đội cử ra một đội trưởng, hai đội phó. Mỗi đội chia ra làm ba tổ, mỗi tổ cử ra một tổ trưởng, hai tổ phó. Quan Tán Dật cho lập danh sách để ta xem xét, phê duyệt. Bây giờ thì tôi xin chào anh em binh sỹ để về căn cứ Thanh Mai!
Những người lính đồn Trung quân mang ra cho mỗi người khẩu phần ăn sáng, gói trong lá chuối, xếp trong những cái bị kết bằng lá cọ. Mọi người đang định đi ra bến thuyền, thì quan Bố chính Nguyễn Văn Giáp nói:
- Bây giờ trời sáng rõ, ta chuyến sang đi bộ cho an toàn. Ta với Lãnh Mai và ba người lính nữa cùng đi sang Chu Hóa qua Khang Phụ về Thanh Mai. Chậm thì khoảng giữa trưa nay, ta đến Thanh Mai.
Tán Dật liền cử tân Phó đốc binh Trần Đương và hai người lính đồn Trung quân đưa quan Bố chánh về Thanh Mai. Nhân thể cho Phó đốc binh Đương sang thăm nhà Lãnh Mai, bạn học của mình. Con đường sang Chu Hóa đi về phía cánh rừng phía bắc Thạch Sơn, xa xa trông thấy đỉnh Nghĩa Lĩnh. Mấy người lính nhanh nhẹn bước lên đầu, tiếp đến Phó Đốc binh Đương cùng quan Bố chánh Giáp, người đi cuối cùng là Lãnh Mai. Quan quân đồn Trung quân xếp hàng tiễn đưa đoàn lên đường thật nghiêm trang. Khi đoàn đi khuất, Đội Nam cho anh em tạm nghỉ về bếp ăn cơm sáng. Tán Dật đi về nơi mình ở trong căn nhà nhỏ dành cho ông làm giữa xóm Trước, làng Thạch Sơn.